Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 18 March 2020

Virus corona: Số ca tử vong ở Ý đã tăng thêm 475 người chỉ trong một ngày




Tường thuật trực tiếp

  1. Ông Trump tự tin sẽ đạt 'chiến thắng toàn diện' với virus corona

    Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đạt được "chiến thắng toàn diện" trước virus corona.
    Ông Trump tuyên bố như vậy nói khi ông quyết định tái áp dụng một biện pháp đã có từ thời Chiến tranh Triều Tiên. theo đó, cho phép Mỹ tăng cường sản xuất các vật tư y tế quan trọng.
    Trong khi đó, hai nhà lập pháp Hoa Kỳ đã trở thành những thành viên đầu tiên của Quốc hội dương tính với virus corona.
    Hoa Kỳ hiện có hơn 9.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và cho đến nay, đã có 150 trường hợp tử vong.


  • Số ca tử vong ở Ý tăng thêm 475 người chỉ trong một ngày

    Số trường hợp tử vong do virus corona ở Ý đã tăng thêm 475 người chỉ trong một ngày, lên đến con số gần 3.000 người. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát.
    Ý đã xác nhận 35.713 trường hợp nhiễm bệnh, với hơn 4.000 ca đã phục hồi.
    Bologna - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - ghi nhận 319 trường hợp tử vong chỉ trong một ngày.
    Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc.
    80% trong hơn 200.000 trường hợp nhiễm bệnh trên toàn cầu hiện nay là ở châu Âu và khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm phần lớn các nước châu Á, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
    Trên toàn cầu, hiện có ít nhất 8.758 người đã chết, hầu hết các trường hợp này là ở Trung Quốc.
    Biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada đã đóng cửa để ngăn virus lan rộng.
    Cuộc thi Eurovision bị hủy cũng do lo ngại về dịch.
    Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, gồm áp dụng chiến thuật cách ly xã hội và hủy bỏ việc tổ chức các sự kiện lớn, để dịch lan chậm hơn, giảm áp lực lên hệ thống y tế.
    "Nhưng để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, các quốc gia phải cách ly, xét nghiệm, điều trị và theo dõi", người đứng đầu WHO Tedros Ghebreyesus nói hôm 18/3.

    Ý phong tỏa toàn quốc ít nhất trong 2 ngày
    Image caption: Ý phong tỏa toàn quốc ít nhất trong 2 ngày

  • Anh đóng cửa trường học

    Chính phủ Anh tuyên bố trường học toàn Vương quốc Anh sẽ đóng từ thứ Sáu tuần này cho đến khi có quyết định mới, vì Covid-19.
    Các kỳ thi lẽ ra có trong năm nay cũng sẽ hủy bỏ.
    Tuy nhiên, con của những người trong lực lượng “lao động chủ chốt” là cảnh sát, giáo viên, quân đội và y tế công sẽ vẫn đến trường, để bố mẹ không phải nghỉ làm.
    104 người đã chết ở Vương quốc Anh vì virus.

  • Chính phủ Anh sắp phong tỏa thủ đô London?

    Một loạt báo Anh nói chính phủ sắp ra lệnh phong tỏa London, có thể trước dịp cuối tuần này để ngăn virus corona lây lan.
    Tuy thế, quyết định như thế không được hoặc chưa được công bố sau cuộc họp an ninh liên ngành (Cobra) của chính phủ Anh chiều thứ Tư.
    Các tuyến giao thông công cộng sẽ tạm đóng và chỉ có cửa hàng thực phẩm, siêu thị và tiệm dược phẩm sẽ mở khi London tuân thủ lệnh phong tỏa.
    Tại họp báo ở Downing Street chiều 18/03, thủ tướng Boris Johnson chỉ công bố lệnh đóng cửa các trường học trên toàn nước Anh sau ngày học thứ Sáu tuần này.
    Tuy thế, học sinh con em các nhân viên y tế, vận tải, dịch vụ cung ứng hàng hóa vẫn đi học để giảm sức ép lên các dịch vụ công.

    Ga Waterloo
    Image caption: Giao thông công cộng sẽ tạm ngưng khi London tuân thủ lệnh phong tỏa

  • Việt Nam thêm 9 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên 76

    Trong ngày 18/3, Việt Nam xác nhận thêm 9 ca nhiễm Covid-19, số ca nhiều nhất trong một ngày.
    - Ca thứ 68: Nam, 41 tuổi, quốc tịch Mỹ, lấy vợ người Việt Nam, có địa chỉ tại thành phố Đà Nẵng.
    - Ca thứ 69 : Nam, 30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
    - Ca thứ 70 : Nam, 19 tuổi, người Việt Nam, địa chỉ ở Thanh Xuân, Hà Nội.
    - Ca thứ 71: Nữ, 19 tuổi, người Việt Nam, địa chỉ ở Hai Bà Trưng, Hà Nội.
    - Ca thứ 72: Nữ, 25 tuổi, quốc tịch Pháp, có đi du lịch ở Hà Nội và Ninh Bình sau khi về Nội Bài hôm 9/3.
    - Ca thứ 73 : Nam, 11 tuổi, người Việt Nam, địa chỉ ở Huyện Thanh Miện, Hải Dương.
    - Ca thứ 74 : Nam, 23 tuổi, người Việt Nam, địa chỉ ở Lâm Thao, Phú Thọ.
    - Ca thứ 75 : Nữ, 40 tuổi, người Việt Nam địa chỉ ở Quận 2, TPHCM.
    - Ca thứ 76: Nam, 52 tuổi, quốc tịch Pháp, nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/03. Từ ngày 10/03-16/03, bệnh nhân đi qua TPHCM, Cần Thơ, Hội An và Huế.

  • London chuẩn bị 'phong tỏa'?

    Trang Telegraph nói nguồn gần với Toà thị chính London cho họ biết có một kế hoạch phong tỏa thủ đô nước Anh để ngăn lây lan virus corona.
    Nếu xảy ra, chính phủ Anh sẽ có quyền đóng cửa các công sở, cơ sở kinh doanh, và chặn giao thông tại đô thị mà tính cả vùng phụ cận là có tới 10 triệu dân.
    Trong các ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, mạng xe điện ngầm (Tube) và hỏa xa ra vào London đã vắng hẳn khách sau khi chính phủ Anh khuyến nghị giảm cường độ sử dụng giao thông công cộng, tránh tụ tập.

    Tube
    Image caption: Bên trong một toa xe điện ngầm London trong tuần Anh ra biện pháp 'giảm đi lại'

  • Ba Lan tung ra gói cứu trợ 51 tỷ đô

    Chính phủ Ba Lan vừa công bố gói cứu trợ chống virus corona 212 tỷ zloty, bằng 51 tỷ USD.
    Hôm qua, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan cắt lãi suất xuống 1%.
    Hôm nay, thứ Tư, Thủ tướng Mateusz Morawiecki lên truyền hình trực tiếp nói với người dân Ba Lan rằng dịch virus corona "sẽ còn kéo dài nhiều tháng".
    Reuters nói Ba Lan đã có 246 ca dương tính Covid-19, và 5 tử vong.
    Nước này áp dụng lệnh cấm xuất nhập cảnh từ hôm nay.

  • Hà Nội dự kiến mở bốn khu 'tập trung cách ly'

    TP Hà Nội lên kế hoạch 'cách ly tập trung những trường hợp học sinh, sinh viên, công dân Việt Nam từ vùng có dịch về Hà Nội ở
    1. Nhà sinh viên ở Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai;
    2. Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, quận Nam Từ Liêm;
    3. Khu tái định cư Thượng Thanh;
    4. Ngoài ra, thành phố sẽ sửa chữa lại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh (cũ) làm cơ sở điều trị người bệnh dương tính khi các nơi khác bị quá tải.
    Các thông tin trên được báo VN đăng tải hôm thứ Tư sau cuộc họp chỉ đạo của chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

  • Giá cổ phiếu lại sụt giảm ở châu Á và châu Âu

    Các gói kích cầu của nhiều chính phủ đưa ra không có tác dụng bao nhiêu với thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu.
    Các thị trường London, Frankfurt và Paris giảm 4% trong phiên giao dịch đầu ngày thứ Tư.

  • Ý kiến từ Berlin khi nước Đức chống dịch Covid-19

    Hà An viết cho BBC từ Berlin:
    "Mọi người hỏi cảm giác của tôi sao ư? Tất nhiên là có lo lắng, nhưng sợ thì không! Chúng tôi phải bình tĩnh để còn giải quyết công việc. Đây là lúc con người sống không phải chỉ vì mình nữa mà vì cả cộng đồng, vì cả loài người.
    Chúng tôi chỉ là những người làm ở tuyến sau, trước mặt chúng tôi, đối diện trực tiếp với COVID-19 là những y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, cứu thuơng trực tiếp cứu chữa, chăm sóc người đang nhiễm bênh.
    Sau đó là những nhân sự làm trong các ngành công an, lái xe công cộng, các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, cả những người lái xe tải đang cần mẫn làm việc không nghỉ để chuyên chở đồ dùng, đồ ăn đang được tiêu thụ chóng mặt cho các siêu thị. Để làm được việc đó cho một thành phố hàng triệu dân như Berlin, một đất nước gần 100 triệu người như nước Đức là một nỗ lực phi thuờng!
    Đáng buồn là trong lúc chúng tôi đang dốc sức chống dịch cho tất cả chúng ta thì nhiều người vì không hiểu biết, vì sợ chết, vì tham lam đang mua vơ vét hét cả những gì có thể góp phần gây khó khăn cho những người đang làm nhiệm vụ.
    Chính quyền không đảm bảo được chuyện không để dân chết vì dịch bệnh nhưng họ hứa không để dân chết đói. Tôi và nhiều người Đức tin rằng những người lãnh đạo của họ sẽ làm được việc đó. Các bạn thử quan sát xem bao nhiêu phần trăm người Đức hoảng loạn, mua vơ vét dự trữ hàng hóa tích cóp cho cả mấy đời như một số người mà các bạn biết?
    Họ mua những thứ đó để gửi về Trung Quốc, Việt Nam hoặc sau đó tung lên mạng bán với giá cắt cổ. Giờ dịch bùng mạnh quá thì họ bỏ của chạy lấy người, tháo thân mang virus về gieo rắc ở quê huơng..."

  • Sinh viên TQ ở Paris 'cách ly ba lần'

    New York Times có bài nói về cô Nana Zhou, sinh viên TQ 24 tuổi ở Paris.
    Trong tháng 1, cô về ăn Tết ở quê nhà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, và phải cách ly 14 ngày.
    Trở lại Pháp, cô tự cách ly 14 ngày, và khi Paris ra lệnh cấm đi lại, phong tỏa thành phố tuần này, Nana Zhou sẽ lại phải cách ly lần nữa, bên trong căn hộ ở Paris.
    Cô nói bạn bè tại Pháp coi thường virus corona, coi nó chỉ như cảm cúm.
    "Nay thì tôi sợ là Pháp sẽ như TQ hồi tháng 1,"

  • Diễn biến liên quan virus corona ở một số nước châu Âu

    • Nga cho đóng cửa trường học ba tuần từ thứ Hai.
    • Thụy Điển đã cho đóng các trường trung học.
    • Volkswagen, Opel và Daimler, ba đại công ty sản xuất xe hơi của Đức, đều đã đóng cửa nhà máy.
    • Pháp và Ý phạt người vi phạm lệnh phong tỏa. Tiền phạt ở Pháp là €375 sau khi có hiện tượng hàng ngàn người ra khỏi khu vực phong tỏa mà không có giấy phép.
    • Đa số giao thông công cộng ở Ukrain đã ngưng, chỉ còn xe bus và xe điện hoạt động trong các đô thị.

  • Sân bay Frankfurt không cho người không phải công dân EU nhập cảnh

    Giới chức tại sân bay quốc tế Frankfurt, Đức đã không cho người không phải công dân EU nhập cảnh, theo đài Deutsche Welle và hãng tin DPA.
    Chừng 5 nghìn hành khách cần được biên phòng Đức kiểm tra ở sân bay và số người sẽ bị cấm nhập cảnh hiện chưa rõ là bao nhiêu.
    Tuy thế, nhà chức trách Đức nói họ đã yêu cầu các hãng hàng không phải chuyên chở khách bị cấm nhập cảnh trở lại điểm xuất phát.
    Hôm qua EU yêu cầu các nước đóng biên giới 30 ngày để dịch Covid-19 không lây lan.
    Tuy EU nói trong số người không phải công dân một nước EU thì ngoại lệ dành cho các nhà ngoại giao, nhân viên y tế, chuyên gia, thân nhân của công dân EU và người có thẻ định cư và họ vẫn được nhập cảnh, việc trục xuất ngoại kiều gây hoang mang nhiều nơi.
    Câu hỏi là người có thẻ định cư hoặc visa dài hạn, ngắn hạn ở một nước EU thì có được Đức cho vào hay là không.
    Tại biên giới Ba Lan - Đức, hàng dài 60 km hình thành trên xa lộ A4 chạy từ thành phố Gorlitz, bang Saxony, Đức sang Ba Lan vì chính phủ nước này ban hành lệnh kiểm tra biên giới từ sáng nay, 18/03.
    Cảnh sát cũng chặn xe để kiểm tra việc lưu thông giữa Đức và Pháp.
    Từ hôm nay, lưu thông tự do trong khối Schengen bị tạm ngưng 30 ngày.

    Pháp
    Image caption: Cảnh sát chặn xe để kiểm tra việc lưu thông giữa Đức và Pháp

  • Gói cứu trợ 400 tỷ đô của Anh chi vào đâu?

    Nguyễn Giang viết từ London:
    "Chiều 17/03 tân Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố gói cứu trợ 330 tỷ bảng và một loạt biện pháp giúp doanh nghiệp nhỏ, người thu nhập dưới trung bình.
    Sau đó, ông Sunak nói sẽ có thêm 20 tỷ bảng nữa cứu vãn kinh tế bị ảnh hưởng bởi virus corona.
    Khoản tiền bằng 15% GDP của Anh gồm nhiều khoản cho vay để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thanh khoản, không suy sụp vì mất khách, và vì nợ ngân hàng.
    Dư luận Anh đặc biệt chú ý đến lệnh “hoãn trả tín dụng địa ốc”, còn gọi là “mortgage holiday”.
    Ở Anh ít ai mua nhà mà không vay ngân hàng, và tiền vay gốc, cùng lãi suất lên tới hàng trăm nghìn bảng cho một căn nhà ở ngoại ô London. Hàng tháng, tiền mortgage có thể chiếm tới ½ hoặc 1/3 thu nhập sau thuế của hộ gia đình.
    Cú 'giãn nợ' cho tín dụng địa ốc này quả không tệ, theo như bình luận của BBC Finance.
    Đồng tiền chi đúng lúc còn giúp bình ổn thị trường lao động và̉ đảm bảo an ninh xã hội.
    Nói ngắn gọn thì trong vòng ba tháng chống virus, nếu chẳng may bạn bị công ty sa thải, tạm nghỉ việc không lương, thì căn nhà không bị ngân hàng tịch thu vì thiếu nợ."
    Các bạn đọc toàn bài ở đây:

  • Việt Nam ‘nỗ lực lo cho bà con nếu về nước’

    Sáng 18/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 của Việt Nam hôm 18/3 có buổi họp, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì.
    Cuộc họp kết luận sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.
    Ban chỉ đạo này cũng nói Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết.
    Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.
    Cuộc họp nêu bình luận rằng việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển.
    Do đó, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải thống nhất, ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.
    Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại.
    Trường hợp thực sự phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam “luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể”.

  • Quay lên trên

    No comments:

    Post a Comment