Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 28 April 2014

VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM

 

 Mất khách du lịch từ ứng xử kém văn hóa
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-04-28
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg2099077-305.jpg
Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An, ảnh chụp trước đây.
AFP

Hành động ép buộc du khách phải mua vé tham quan Hội An một cách thiếu văn hóa đã được báo chí lên tiếng và sau đó trang mạng xã hội nhập cuộc một cách ồn ào. Sự thật ra sao?

Bán vé tham quan là đương nhiên?

Mặc Lâm tìm hiểu qua cuộc phỏng vấn người có trách nhiệm cao nhất là ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An trước vấn đề gay gắt này. Trước tiên ông Nguyễn Sự cho biết:
Nguyễn Sự: Thời gian vừa qua dư luận và công luận kể cả cộng đồng mạng, du khách, dân nhân Hội An và một số bạn bè yêu quý Hội An, thông tin đại chúng… có rất nhiều ý kiến về tổ chức, kiểm soát vé vừa rồi ở Hội An. Trước hết, tôi nghĩ là người ta quý Hội An, người ta yêu mến Hội An, người ta mới quan tâm tới mức độ đó nên chúng tôi rất tôn trọng và lắng nghe tất cả mọi ý kiến, và xem xét lại sự việc vừa rồi.
Qua thực tế, tôi thấy rằng có những ý kiến người ta nói rất xác đáng, những chuyện cho thấy rằng tổ chức sự kiện bất hợp lý, cần phải điều chỉnh. Vấn đề bất cập, cần phải sửa và thậm chí vấn đề vô lý cần phải được bãi bỏ. Nhưng cũng có một mặt khác, người ta chưa hiểu hết Hội An nên có ý kiến lên tiếng thì chúng tôi phải giải thích cho người ta được rõ về vấn đề đối với Hội An nó như thế nào. Và cái thứ ba, cũng có một số không nhiều, đôi lúc không hiểu biết gì về Hội An nhưng vẫn cứ lên tiếng, đôi lúc xa rời với thực tế. Tôi nói tất cả những ý kiến đó, dù trúng dù sai chúng tôi đều ghi nhận, và nghiên cứu xem xét một cách rất nghiêm túc.
Đầu tư cho phố cổ Hội An là một việc rất cần thiết và đồng thời đó là một vấn đề nan giải. Do đó việc bán vé tham quan là việc đương nhiên phải làm.
-Ông Nguyễn Sự
Thật ra vấn đề bán vé thăm phố cổ Hội An, đã thực hiện từ năm 1995 đến giờ đã tròn 20 năm và thực hiện rất tốt. Nguồn thu bán vé tham quan này chúng tôi dùng để trùng tu các di tích ở Hội An. Tôi xin nói thêm ở chỗ này dài dòng một tí, bởi vì Hội An là phố cổ, một quần thể di tích sống và trong đó tất cả những ngôi nhà, những đình chùa miếu mạo trong này tạo nên quần thể kiến trúc Hội An, chứ không phải từng di tích đơn lẻ. Trong khi đó những điểm tham quan Hội An (được đưa vào điểm tham quan những ngôi nhà, những hội quán có điều kiện) khoảng bảy điểm thôi. Người dân Hội An tất cả những nhà không có điểm tham quan đều phải giữ được phố cổ, giữ được kiến trúc của họ, để bảo tồn nguyên một quần thể di tích trên một ngàn ngôi nhà trong khu này.
Việc thứ hai, điều tôi muốn nói là Hội An có những ngôi nhà trong kẹt, trong hẻm, mà người dân không được hưởng lợi từ kinh doanh, phát triển du lịch thì cũng phải chịu giữ gìn ngôi nhà của họ với tư cách đó là một di tích. Nếu chúng ta không bán vé vào phố cổ Hội An mà bán vé từng điểm di tích thì thực ra mà nói thì nó bất công và không giải quyết được bài toán là giải quyết việc trùng tu di tích chung của thành phố.
Điểm thứ ba, phố cổ Hội An là một không gian mà trong đó thành phố và nhân dân Hội An đã tiến hành việc làm đêm phố cổ, để họ mời du khách đến thụ hưởng một không gian phố như vậy, và tất cả những điều này là nhân dân làm và do ngân sách bỏ ra để làm. Khi anh vào một không gian như vậy anh phải mua vé, mua vé ở đây là vào thăm cả không gian của phố cổ.

000_PAR2004022609135-250.jpg
Phố cổ Hội An, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.
Đối với khách nước ngoài họ được thăm năm điểm nữa và đối với khách trong nước, anh có quyền chọn trong những di tích anh thăm ba điểm. Như vậy việc bán vé vào phố cổ Hội An đã thực hiện từ năm 1995 đến giờ. Tất cả từ nguồn thu này, chúng tôi dành trên 70% để trả lại cho từng khu trùng tu di tích. Có những ngôi nhà, tư nhân sửa 1,2 tỷ đồng nhưng người ta không có tiền, nhà người ta ở trong kẹt trong hẻm, chúng tôi phải đầu tư cho người ta gần 1 tỷ đồng và gia đình họ chỉ bỏ ra hai trăm triệu thôi. Tôi đang nói một thí dụ như vậy để thấy đầu tư cho phố cổ Hội An là một việc rất cần thiết và đồng thời đó là một vấn đề nan giải. Do đó việc bán vé tham quan là việc đương nhiên phải làm.
Chỉ có một cái là cung cách, cách thức. Vừa rồi du khách đến đây thì có một số hướng dẫn viên lợi dụng dẫn đoàn khách vào bán tour du khách rồi sau đó chia lại khách để khách đi lại trong Hội An tự do. Mà khi du khách tự do vào trong này gặp các anh em kiểm soát vé thì người ta mới chặn lại hỏi vé, dằn co đôi co làm phiền lòng du khách và nó phản cảm hình ảnh thân thiện ở Hội An.
Người ta đến mua một sự dễ chịu, người ta tham quan một nơi mà người ta cần được đối xử thân thiện nhưng ngược lại có những sự chèo kéo, nghĩa là nói qua nói lại và đôi lúc thái độ anh em cũng thiếu tế nhị, thậm chí có những lúc thiếu văn hóa, dẫn đến khách người ta phản ứng. Tất cả những điều đó đều phải được điều chỉnh và chấn chỉnh. Và chúng tôi đã tiến hành tổ chức và thay đổi, luân chuyển những nhân viên này.

Chỉ mua vé một lần

Mặc Lâm: Có ý kiến cho rằng du khách phải mua vé nhiều lần vì sau khi rời phố cổ để về khách sạn, hôm sau phải mua vé một lần nữa mới được vào phố cổ. Ông có thấy đây là một quy dịnh bất hợp lý hay không?
Nguyễn Sự: Vâng, tôi xin nói thêm vấn đề này. Trước đây có một qui định bất hợp lý nó dẫn đến kéo dài. Khách khi mua vé vào tham quan các điểm di tích vật thể cổ Hội An là mua vé một lần, và khi mua xong rồi, người ta ra khỏi đó thì người ta quay vào lại thì kiểm soát vé yêu cầu người ta mua vé nữa. Việc này không phải lỗi ở đây mà là sự vô lý của thành phố đã đề cử làm như vậy.
Du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé, nhưng mua vé một lần, anh ở Hội An năm bảy ngày hoặc thậm chí mười ngày thì anh có thể sử dụng cái cùi vé đó anh đi lại được rất nhiều lần ở trong phố cổ Hội An.
-Ông Nguyễn Sự
Lần này chúng tôi bỏ việc này, có nghĩa là du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé, nhưng mua vé một lần, anh ở Hội An năm bảy ngày hoặc thậm chí mười ngày thì anh có thể sử dụng cái cùi vé đó anh đi lại được rất nhiều lần ở trong phố cổ Hội An và không cần phải mua vé nữa và không cần kiểm soát. Đây là vấn đề vô lý kéo dài mà hôm nay qua sự việc này chúng tôi nhận ra là cần phải điều chỉnh, và chúng tôi đã điều chỉnh ngay, đã thực hiện ba ngày nay rồi.
Như vậy khi anh đến Hội An anh nghỉ ngơi 10 ngày, anh muốn vào phố cổ, anh chỉ mua vé vào phố cổ một lần thôi, và sau đó anh có thể đi lại, mua sắm, làm tất cả mọi thứ ở trong phố này nhiều lần.
Mặc Lâm: Còn những người có thân nhân bạn bè tại Hội An, lâu lâu họ tới thăm không lẽ bắt họ phải mua vé thưa ông? Giải quyết các trường hợp này ra sao?
Nguyễn Sự: Đối với khách Việt chúng tôi thấy thế này, bởi vì nó là quần thể di tích sống mà còn có hàng vạn dân đang sống trong khu vực phố cổ này thì như vậy, ngoài người dân phố cổ Hội An ra, còn bà con bạn bè khắp nơi ở trên khắp đất nước này người ta về người ta thăm quê, thăm bạn bè, thăm bà con thì không việc gì anh phải kiểm soát người ta và bắt người ta phải mua vé và thậm chí phải mời người ta đi vào để người ta thăm bà con họ từ bạn bè họ, người ta mua sắm trong phố.
Chỉ có khách Việt Nam đi theo đoàn, khi đó là vì có tour đã bán cho du khách rồi nên chúng tôi dứt khoát kiểm soát với khách lưu trú. Đối với khách lẻ người ta không có vé hoặc là người ta chưa mua vé thì hướng dẫn một cách lịch thiệp, mời người ta mua vé một cách đàng hoàng. Còn nếu người ta không chịu mua vé, thì mời người ta vào một nơi để giải thích cho người ta và yêu cầu mua vé. Bởi vì mua vé ở đây là góp phần trùng tu di tích và tôi tin rằng tất cả mọi du khách khi đi du lịch thì bản thân người ta không ngại ngần gì và người ta không tiếc gì số tiền phải bỏ ra để mua vé. Không những cho Hội An, không những cho Việt Nam, mà nó trở thành một di sản văn hóa của nhân loại, tôi tin rằng những người có ý thức đều làm điều đó.
Mặc Lâm: Hội An là điểm du lịch di sản chứ không phải như Nha Trang, Mũi Né hay Hạ Long… nó đòi hỏi người hướng dẫn phải có văn hóa ứng xử cũng như kiến thức về di sản mà Hội An đang thừa hưởng. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch tại Hội An đã đạt những yêu cầu đó hay chưa?
Nguyễn Sự: Đối với đội ngũ hướng dẫn viên thì chúng tôi tuyển tất cả lại, đào tạo, huấn luyện và sẽ thay thế, tăng cường những người có chuyên môn, có nghiệp vụ và có trình độ ứng xử. Có trình độ ngoại ngữ, có trình độ hiểu biết về Hội An để hướng dẫn cho du khách và giải thích cho du khách rõ. Bởi vì đội ngũ này chính là sứ giả của Hội An, thay mặt cho những người lãnh đạo Hội An giao tiếp với người nước ngoài, và nó cũng là bộ mặt không chỉ của Hội An mà tôi nghĩ rằng với người Việt Nam đưa cái lịch thiệp, cái văn hóa, cái tốt đẹp, đưa hình ảnh thân thiện của chúng ta ra với bạn bè thế giới. Và chúng tôi đang chấn chỉnh việc này, và hiện nay đang tiếp tục làm. Tích cực làm và đã sửa ngay cái điều bất hợp lý trong ba ngày qua.
Mặc Lâm: Có những tấm ảnh đang lưu hành trên mạng cho thấy cảnh vắng vẻ của Hội An rất đáng lo ngại. Ông có chia sẻ gì về chuyện này thưa ông?
Nguyễn Sự: Ngày hôm qua chúng tôi tiến hành họp báo ở trong nước, gần 100 đài báo, phóng viên báo chí đã về họp, và tôi, có thể nói với tư cách là người Hội An, người đứng đầu thành phố Hội An tôi thấy một tấm hình mà đưa lên bình như vậy là không có thiện chí. Bởi vì với bức hình đó nếu chúng ta nhìn kỹ thì ở trong cái giờ không còn ai nữa. Cả hàng quán Hội An, nhà cửa, người ta đóng cửa đi ngủ rồi, khuya rồi thì khi đó không có du khách nào ra đường nữa, thực tế là như vậy.
Đối với khách du lịch thì trên 8 giờ sáng người ta mới bắt đầu ra đường, và buổi tối khoảng chừng 10 giờ 11 giờ người ta đã trở về người ta nghỉ. Các hàng quán Hội An đều đóng cửa vào lúc 9h30, cho nên tôi nghĩ tấm hình này chụp không phải vào thời điểm khách đông, thời điểm khách đi ra ngoài đường phố mà là thời điểm khách đã nghỉ rồi. Do đó theo tôi nghĩ việc này nếu mà nhìn nhận một cách nghiêm túc thì rõ ràng mà nói đây là một tấm ảnh đã xuyên tạc sự thật về Hội An.
Mấy hôm nay khách vẫn cứ đến Hội An rất đông. Mấy ngày nay tôi đã ngồi, tôi ở miết trong phố để xem cung cách làm ăn của anh em như thế nào, kiểu ra làm sao, quan sát về phía dư luận ra sao để mình về điều chỉnh tiếp. Tôi thấy lượng khách đi vào Hội An vẫn tiếp tục đông như mọi ngày.
Còn thời điểm chụp ảnh là cái thời điểm khách đi rồi, và xin thưa với anh Mặc Lâm, tôi có thể khẳng định điều đó và hôm qua họp báo tôi cũng có công bố điều đó trước báo chí, tôi không đồng tình với cách như vậy. Cái gì sai, cái gì bất hợp lý, cái gì vô lý, Hội An sẽ ghi nhận để mà sửa, thậm chí nó vô lý đến mức độ cần phải bỏ Hội An cũng sẵn sàng với tinh thần cầu thị. Nhưng khi đưa một vấn đề gì thì phải mang tính xây dựng và với tinh thần khách quan, trung thực, không thể lấy chỗ này lúc này để bỏ vào nhằm quy kết cho Hội An là vắng như chùa Bà Đanh.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.



Cơm lam xứ Tây Bắc

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-04-27
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
IMG_2433-305.jpg
Cơm lam trên mâm cơm của người Thái.
Courtesy dantocviet.vn


Lên Tây Bắc, mùa hè, ở xứ sở này hiện rõ bốn mùa trong một ngày, buổi sáng lạnh se sắt, giữa buổi lãng đãng sương mù và nắng giống như trời đang xuân, buổi trưa nắng gay gắt, khô khốc mùa hạ, buổi chiều tê tái, trống không, âm âm trời thu và buổi tối lạnh cắt da cắt thịt, đích thị mùa đông. Bốn mùa vần xoay trong hai mươi bốn giờ, đời sống của người thiểu số Tây Bắc cũng quần quật chạy đua với thời gian, dường như phong vị cuộc đời, không gian và thời gian được nén trong ống cơm lam của người đồng bào thiểu số ở đây.
Một người H. Mong tên Nga Thị, bán cơm lam bên cạnh nhà thờ Sapa, chia sẻ: “Ngâm gạo vào nước khoảng 3 tiếng. Còn nướng thì khoảng một tiếng, nướng một tiếng thì được thế này, rồi phải làm thế này (dùng dao chẻ hết phần tre bị cháy ở ngoài). Khoảng 12 giờ đêm làm tới 4 giờ rồi đi xe máy lên đây, khoảng 10 cây số.”

Món thay thế lương khô của người Tây Bắc

Theo chị Nga Thị, cơm lam là món thường ngày nhất của người miền núi Tây Bắc, không riêng gì đồng bào H. Mong mà tất cả các đồng bào Dao Đỏ, Thái Trắng đều biết nấu cơm lam một cách thuần thục, bởi đó là lương thực chống đói và thay thế cho lương khô trong những ngày đi rừng xa xôi, nguy hiểm.
Muốn nấu được cơm lam, tưởng cũng đơn giản nếu như quen tay, nhưng trên thực tế, đó là cả một quá trình công phu và mang tâm thức lễ hội. Chị Nga Thị nói rằng nếu không mang tâm thức lễ hội thì sẽ khó mà làm cơm lam cho ngon được, vì để có một ống cơm lam, cần phải có sự phối hợp của cả đàn ông và đàn bà trong quá trình nấu.
Nghĩa là hai vợ chồng hẹn nhau, đàn ông ra rừng chặt nứa, chọn những ống thật thẳng, da xanh và đẹp rồi cưa mang về nhà. Trong lúc mang về nhà, phải giữ cho nứa không bị nắng dọi vào, giữ nguyên lượng nước có được trong nứa thì cơm mới ngon được. Phần người vợ ở nhà chuẩn bị than củi rừng, vo nếp hương, ướp gia vị vào thịt rừng hoặc thịt lợn kẹp nách nếu như có các món này, trường hợp không có thì rang vừng và làm món muối vừng.

IMG_2440-250.jpg
Món cá suối nướng và cơm lam trên mâm cơm của người Thái. Courtesy dantocviet.vn
Khi người chồng về đến nhà, nếp đã ủ xong, người vợ chỉ còn mỗi việc cho nếp vào ống nứa, dùng lá chuối hoặc lá dong rừng nhét thật kĩ hai đầu ống, sau đó quạt lò than hồng và đặt những ống lam lên trên đó, xoay tròn, đều đặn cho đến khi mùi thơm tỏa ra khắp nhà, như vậy coi như đã thành công.
Anh Vàng A Cửu, chồng của chị Nga Thị cho biết thêm rằng món cơm lam tuy nghe đơn giản nhưng đó là món ăn tâm linh. Một người chồng sắp đi rừng, nếu vợ nấu cơm lam thật dẽo thơm, ngon miệng, chứng tỏ chuyến đi ấy thành công, may mắn và bội thu, ngược lại, nếu như ống cơm bị cháy khét hoặc hôi khê, người chồng sẽ ngừng ngay chuyến đi. Bởi ban đầu, cơm lam chỉ dành riêng cho việc đi rừng, ăn ba ngày Tết. Cơm lam thay thế cho bánh chưng ở miền xuôi và bánh tét ở miền Trung, miền Nam.
Chữ lam dùng trong cơm lam, theo tiếng của người H.Mong là trộn lẫn, chan đều, nghĩa là một ống cơm đã được gia vị chan đều trong đó và nấu lên trong qui trình kín để tránh bị ôi thiu, một ống cơm lam ngon phải là ống cơm mà người ăn không cần thêm bất kì thứ gia vị nào ngoài một tí muối vừng lạt và khi ăn một miếng, cảm giác mọi thứ sản vật của núi rừng đang đọng trên đầu lưỡi. Nhưng để làm được điều này, chỉ có vài người ở Tây Bắc mới đủ khả năng.

Công phu cơm lam

Một người bán cơm lam khác tên A Thị, cho chúng tôi biết là để có những lam cơm bán cho khách mỗi sớm, gia đình bà phải chuẩn bị từ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau. Khi mọi thứ đâu vào đấy, nếp đã được nhận vào ống nứa thành những lam nếp, cả nhà ăn cơm tối, đi ngủ và không quên mang những lam cơm đặt ra trước mái hiên để lấy hơi sương. Chừng 1h khuya, cả nhà thức dậy, người quạt than, người buộc lam cơm vào que xoay và quá trình nướng lam bắt đầu.
Một người quạt lửa cho vừa than hồng, không để lửa thành ngọn và cũng không được để khói, một người ngồi cầm từng chiếc que có buộc lam cơm trên đó xoay tròn, xoay đều như vậy cho đến bao giờ ống nứa chuyển sang màu vàng mật rồi màu cánh gián và cuối cùng là màu xác chè, mùi hương bắt đầu tỏa thơm khắp nhà, những lam cơm được coi là thành công và không lo lắng gì về chất lượng bên trong. Vì theo quan niệm của bà con đồng bào thiểu số, thức ăn ngon hay dở, mặn hay lạt đều hoàn toàn thể hiện trong mùi hương của nó, người sành ăn chỉ cần ngửi mùi hương cũng đủ biết tất cả.
Và một người làm cơm lam ngon phải là người luôn chú tâm đến công việc trong từng khoảnh khắc, luôn hình dung nụ cười mãn nguyện của người ăn món cơm lam do mình làm ra, cũng không quan tâm nhiều lắm đến lợi nhuận, miễn sao đủ sống là thấy vui rồi.
Mới nghe anh A Thi nói cứ tưởng như đang đọc truyện nhưng khi mua một ống cơm với giá năm ngàn đồng, tương đương với nửa tờ vé số, trong khi đó người ăn nhiều chỉ cần hai ống cơm lam là đã no nê. Khi mua và ăn mới hiểu được công phu và tấm lòng của người nấu cơm lam. Nấu xong, họ phải băng rừng vượt suối gần mười cây số để đến chợ Sapa hoặc nhà thờ Sapa ngồi bán từ 5h sáng cho đến 10h trưa, cho kịp bữa ăn sáng và ăn trưa của khách. Với thu nhập mỗi ngày không quá 100 ngàn đồng.
Không còn biết nói gì hơn khi nhâm nhi từng hạt cơm lam và cảm nhận vị ngọt bùi, thơm tho của nó thấm trên đầu lưỡi mà chỉ thầm cảm ơn những người bạn dân tộc thiểu số đã bỏ nhiều công phu, tình cảm vào từng ống cơm lam.
Và cũng không thể tránh được bùi ngùi khi nghĩ đến kế sinh nhai quá ư gian nan, cực nhọc nhưng đầy tình người của những người bạn miền núi Tây Bắc này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/bamboo-rice-in-the-northwest-04272014090433.html


Nạn xì ke, số đề ở Long Xuyên

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-04-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
lx-305
Một địa điểm nghi vấn có ghi số đề ở Long Xuyên, An Giang.
RFA


Ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, hiện tại, nạn lô đề và xì ke đang là vấn nạn vượt ngoài khả năng kiểm soát của ngành an ninh và hậu quả của nó thì miễn bàn. Hàng ngàn gia đình lao động rơi vào cảnh thiếu đói vì ma đề và xì ke. Hình thức mua bán lô đề cũng như xì ke ở đây khá tinh vi và diễn ra một cách bùng phát.

Lô đề, những con ma nghiện

Một người lái xe ôm ở Long Xuyên, An Gang, chia sẻ: “Trong này nó vô tư chỗ đó, nó đủ thành phần, dân lao động cũng có, dân đi làm cũng có, công nhân… nó chung là đủ thành phần, mà đa số là công nhân, dân lao động, mà em thấy là dân đi làm nó cũng đánh tá lả… Mà cái vấn đề tệ nạn số đề số đuôi ở đâu cũng có, ảnh hưởng ghê gớm lắm, gia đình tan nát, mất nhà mất cửa cũng nó. Nó đâu có tha cho ai, dính vô nó thì không chết cũng bị thương.”
Theo người lái xe ôm này, hiện tượng xì ke, ma túy và lô đề ở thành phố Long Xuyên đang bùng phát dữ dội, từ nhà giàu cho đến người nghèo, từ người lái xe taxi, xe ôm, xe lôi cho đến bà giáo viên, thậm chí những người nông dân chân lấm tay bùn vốn làm ăn chất phát ở vùng ven Long Xuyên cũng đang bị ma đề ám, hầu như nhà nhà chơi đề, người người chơi đề.
Có nhiều trường hợp cầm cố nhà cửa, xe cộ để đánh đề. Như một đồng nghiệp xe ôm của người kể chuyện chẳng hạn, anh này đánh thắng liên tục hai tuần lô đề, số tiền thắng lên đến gần một chục tỉ đồng, sau đó anh mua nhà, sắm xe hơi và bắt đầu ăn chơi, sống dựa hoàn toàn vào số đề, anh bắt đầu thua nhiều hơn thắng, thi thoảng vẫn thắng lai rai và đến ba tháng sau thì thua từ thua đến thua, phải cầm căn nhà để chơi đề, sau đó không lâu, anh ta bán tháo căn nhà và bán nốt chiếc xe hơi để đánh mà vẫn thua, cuối cùng phải mua một chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm, nhưng máu đánh đề thôi thúc mỗi chiều, anh bán nốt chiếc xe gắn máy và mua một chiếc xe lôi đạp. Và kết cục của anh ta là cầm chiếc xe lôi để đánh, vợ con chịu không nổi, bỏ đi biệt xứ.
Vấn đề tệ nạn số đề số đuôi ở đâu cũng có, ảnh hưởng ghê gớm lắm, gia đình tan nát, mất nhà mất cửa cũng nó. Nó đâu có tha cho ai, dính vô nó thì không chết cũng bị thương.
-Người lái xe ôm ở Long Xuyên
Chuyện anh bạn của người xe ôm vừa kể chỉ là một ví dụ không có tính điển hình trong nạn lô đề ở Long Xuyên, vẫn còn hàng loạt câu chuyện mà khi anh kể ra, người nghe chỉ biết cảm nhận sự hãi hùng đang xâm chiếm. Nhiều cô gái chấp nhận làm gái đứng đường chỉ vì nợ lô đề. Nhưng đáng sợ hơn là ở một số quán cà phê, các cô gái phục vụ cà phê luôn tìm cách gạ gẫm khách đi nhà trọ chỉ để kiếm tiền đánh đề.
Người xe ôm này nói rằng sở dĩ ông khẳng định là các cô gái luôn tìm cách gạ gẫm khách chỉ để đánh đề là vì chuyện này xãy ra một cách có chu kì và quen thuộc hằng ngày, cứ từ 3h chiều trở đi, các cô gái bắt đầu lượn lờ khắp các bàn cà phê và chỉ chờ khách nhìn liếc mình một cái thì sà đến đặt vấn đề bán dâm một cách thẳng thắng, không cần nói khéo hay nói tránh những từ ngữ tế nhị. Và nếu như khách có vẻ xiêu lòng nhưng còn ngần ngừ vì giá tiền hơi cao, các cô sẽ đưa ra giá rẻ bèo để bắt cho được khách đó. Có nhiều cô chấp nhận đi khách với giá 100 ngàn đồng gồm cả tiền nhà trọ.
Đương nhiên là với mức giá vừa nói, sau khi trả tiền phòng trọ, các cô gái sẽ còn dư được từ 20 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng, khoản tiền vừa đủ để ăn một dĩa cơm tối. Nhưng với các cô gái thì đây là khoản tiền rất lớn mặc dù đó là khoản tiền công lao động tình dục bị ép đến mức mạt hạng nhưng nó lại là niềm hy vọng đổi đời trong cơn nghiện lô đề của các cô. Chính vì quá nghiện lô đề nên các cô gái mới chấp nhận bất kì giá mạt hạng nào để kiếm tiền kịp đánh con số mình nuôi trước giờ nhà nước quay mở thưởng xổ số.
Và hầu như chuyện người ta bán nhà, bán tài sản, bán thân để chơi đề đã quá quen thuộc ở thành phố này. Nếu ngành an ninh có vào cuộc thì cũng chỉ đủ khả năng đi lướt trên bề mặt của nó là cùng chứ không tài nào kiểm soát được một cao trào đã đến tận ngóc ngách từng nhà, vả lại, nếu cấm lô đề thì ngành xổ số kiến thiết sẽ đóng cửa bởi vì người mua xổ số kiến thiết nhiều nhất ở đây thường là người thất nghiệp, dân lô đề, dân xì ke, ma túy và một số người dư tiền và dư cả thời gian. Mà những bà vợ quan chức dư tiền, dư thời gian cũng là những con ma đề, hoặc là cầm cái, hoặc là chơi như một con thiêu thân.

Ma túy, những con thiêu thân

lx-250
Bến phà An Hòa ở Long Xuyên, An Giang về đêm. RFA PHOTO.
Một người tên Duy ở gần bến phà An Hòa, cho chúng tôi biết: “Ở Long xuyên là nó nhiều lắm, cái đường dây của nó buôn bán ma túy, sida… ở Long Xuyên nó rất nhiều, nó phức tạp hơn tỉnh khác, nó buôn bán, hoạt động đủ các kiểu. Ví dụ như những nhà buôn (thương gia) nó vẫn hoạt động cho đàn em nó bán. Có nghĩa là như tiệm vàng nó vẫn bán”.
Theo người này, vấn đề ma túy cũng phát triển tràn lan không kém gì lô đề, và giữa lô đề và ma túy có mối liên hệ khá đặc biệt, người nghiện lô đề một thời gian sẻ chuyển qua nghiện ma túy và những nhà cái lô đề đều dính dán đến chủ buôn ma túy.
Cách buôn ma túy hiện tại ở thành phố Long Xuyên diễn ra rất tinh vi, ở những đường dây lớn, dường như không thể nào đoán được hành tung của họ, riêng ở đường dây nhỏ, dạng cò con cũng đã có những chiêu trò như kẹp trong tờ tiền mua vé số, đóng vai người đi bán vé số và trao vé số cho khách, khách trả tiền, đến khi thối tiền lại, ma túy đã được kẹp trong đó. Nhưng đó chưa phải là chiêu đáng kể.
Chiêu gần đây nhất là kẹp giữa tờ tiền theo kiểu quấn thuốc pháo, chạy hai xe ngược chiều và chìa tiền ra, người kia nhận lấy, nếu có công an phát hiện truy đuổi, chỉ cần chạy xe nhanh hơn công an chừng vài giây, thời gian đủ để vừa chạy vừa mở đồng tiền trải ra cho thuốc rơi bay xuống đường và phủi sạch tờ tiền, khi bị bắt, không còn dấu vết nào.
Còn một chiêu nữa là đóng vai người đi câu cá, hẹn nhau ở một đoạn sông, đứng cách nhau chừng mươi thước rồi móc gói nilon thuốc hình chiếc phao câu vào dây cước thả xuống nước, cho nó trôi về phía người kia, người kia dùng cần câu khều nhẹ vào bờ và mang đi. Đương nhiên, cách này tưởng khó phi tang nhưng trên thực chất nó dễ phi tang nhất vì chiếc phao câu đã thiết kế sẵn sợi dây tự hủy, nghĩa là thấy động, chỉ cần giật sợi dây đó thì thuốc sẽ rơi xuống dòng nước, việc còn lại là thả cái bao xuống nước, mọi việc coi như êm xuôi!
Còn rất nhiều câu chuyện về ma túy ở Long Xuyên, và điều mà người ta dễ nhận biết ở đây là dường như số lượng thất nghiệp quá nhiều và cái thành phố từng mệnh danh giàu có bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long vào những năm trước 1975 này, hiện tại đang có đời sống rất thấp, sự sung túc và giàu có chỉ dành cho một số nhóm nhỏ có chức quyền, tiền bạc. Đa số người dân nghèo khổ và tuyệt vọng vì không tìm thấy tương lai, không tìm thấy hy vọng đổi đời sau ngày dài, tháng dài, năm dài lao động vất vả!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/evils-drugs-gamble-in-long-xuyen-04172014163518.html


No comments:

Post a Comment