Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 28 April 2014

MƯỜNG GIANG * THƯƠNG BINH VNCH

 

Thân Phận Người Thương Binh VNCH Sau 33 Năm Quốc Hận
Mường Giang
Kính tặng tất cả TPB.VNCH


Những ngày tháng Tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sàigòn.
Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo.
"Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn?
Cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi"
Bốn câu thơ cổ trong bài "Lương Châu Từ" của Vương Hàn (687-726) đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghỉ tới chuyện trở về? Và giọt mưa nào đây vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vữa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu.
Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường.
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì tang bồng hồ thỉ, nam nhi trái, mà giốc cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình.
Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ "da ngựa bọc thây", tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín.
Trưa 30-4-1975 Sàigòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sàigòn... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình.
Ai chẳng một lần về với đất? khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc... ngay tại Sàigòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC giết chết. Họ ở lại làm vật hy sinh cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người từ dân tới lính, bình yên di tản.
Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh và gia đình của họ, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ.
Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời? "ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu là cầu đem người sang sông, hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường..."
1.Thân Phận Người Thương Phế Binh:
Đọc Congressional Record, một trong những tài liệu tuyệt mật của Tòa Bạch ốc vừa được công bố, đa làm cho những lính già của VNCH phải cười ra nước mắt và thương xót cho những đồng đội, đồng bào, suốt hai mươi năm qua, vì chiến đấu chống sự xâm lăng của Bắc Việt, mà chết oan hay bị mang thương tật do đạn bom và bàn tay VC gây ra. Những luật lệ kỳ quái như Lính Mỹ không được bắn VC, trừ phi chúng tấn công trước. Không lực Mỹ không được dội bom vào xe của VC khi chúng ở cách đường mòn Trường Sơn 200m. Phi cơ Mỹ không được tấn công phi cơ Mig nếu chúng không gây hấn, không dội bom các phi cơ VC đậu yên tại phi trường. Cuối cùng, nghiêm cấm quân Mỹ truy đuổi VC, khi chúng chạy sang Lào và Kampuchia.
Chính phủ Hoa Thịnh Đốn, chẳng những cấm Quân Lực Mỹ, Đồng Minh, VNCH không được thẳng tay tiêu diệt kẻ thù, mà còn báo trước những bí mật quân sự, quốc phòng cho VC biết trước, qua những lần oanh tạc tại miền Bắc, trên đường mòn HCM, hành quân Lam Sơn 719... Đó là tất cả những sự kiện lịch sử có thật, được Thứ Trưởng QP Mỹ Phil Golding, thời TT. Johnson, trả lời thắc mắc của hàng ngàn gia đình tử sĩ Hoa Kỳ: "Chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến giới hạn, với những mục tiêu hạn chế. Nói chung đây là một cuộc chiến vì chính trị, nên không thể tiêu diệt VC được".
Do sự phản ứng càng lúc càng đông của người Mỹ, trước cái gọi là "đánh không cần thắng", nên dân chúng đã xuống đường, đả đảo mà báo chí thời đó, gọi là do phản chiến giựt dây. Thật sự, người Mỹ đã quá chán ngấy cái trò đem con bỏ chợ, đem trứng cho ác, dai dẳng từ thời Kennedy, Johnson, kế đó là Nixon, nên đã giận dữ đòi Hoa Thịnh Đốn "Hãy cút khỏi VN ngay, hãy chấm dứt cái trò chiến tranh nướng thịt dai dẳng vô ích này."
Tóm lại qua cuộc chiến VN, do đầu óc con buôn, người Mỹ đã đánh mất tất cả mọi ý thức về trách nhiệm và danh dự, làm tiêu tốn hơn 150 tỷ mỹ kim tiền đóng thuế của dân chúng, hại cho 55,000 chiến sĩ bị chết oan và hơn 300,000 quân nhân các cấp bị thương tật. Trong khi đó, người lính VNCH, dù là một quân đội bất hạnh nhất thế giới, theo báo cáo của MACV, Command History hay Dwight Owen, một cố vấn Mỹ tại VN, thì đối với các quân nhân VNCH, Chỉ Có Chết, Tàn Phế Hay Đào Ngũ, mới mong giải thoát được cái thân phận bọt bèo của người Lính chiến trong thời loạn lạc.
Ngoài ra, tài liệu cũng có nói tới việc lính Nam VN đào ngũ, nhưng không phải họ đầu hàng VC, mà trở về quê nhà gia nhập lực lượng ĐPQ+NQ, để được chiến đấu bên cạnh vợ con, gia đình. Sau rốt, tính đến đầu năm 1975, QLVNCH đã có 231,508 tử sĩ và 95,371 phế binh. Thương tủi nhất là những ngày tháng sau đó, cho tới khi Nam VN sụp đổ vào ngày 30-4-1975, đã có hằng vạn dân lính vô tội gục ngã trên chiến trường và khắp các nẻo đường chạy loạn. Nhiều tử sĩ cũng như thương binh đã bỏ thây, bỏ xác tại chỗ, vì đồng đội không thể làm gì hơn giữa chốn loạn quân. Chính Nhảy Dù từ ngày thành lập cho tới khi tan hàng, cũng đã phải nuốt lệ, bỏ lại xác đồng đội, tại Mặt Trận Xuân Lộc tháng 4-1975, như Phạm Huấn đã viết, khi được lệnh rút quân bất ngờ trong đêm, mịt mù lửa đạn.
Trước sự sụp đổ nhanh chóng và vô lý của Nam VN không phải tại chiến trường, mà ngay ở các thành phố lớn Ba Lê, Hoa Thịnh Đón, New York, Luân Đôn, La Mã, Huế-Đà Nẵng và Sàigòn, khiến cho nhiều trí thức ngoại quốc đã phẫn nộ và bày tỏ thái độ khinh miệt, đối với một số người trong cũng như ngoài nước, một thời lợi dụng tự do, dân chủ và nghề nghiệp, để bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc sự thật, phỉ báng đồng bào và quân đội Nam VN với mục đích đầu độc dư luận thế giới, giúp Bắc Việt cưỡng chiếm VNCH. Đề tài quen thuộc, được một số báo chí Hoa Kỳ và Tây Phương viết lách, đem lên truyền thanh truyền hình, đó là người lính VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu nên bị mất tự do và người Mỹ khinh miệt.
Hai câu hỏi trên cách đây vài chục năm được bịa chuyện là có, nhưng bây giờ sự thật đã xác nhận "Không". Hoa Kỳ khi tới chiến đấu tại Nam VN, có đủ phương tiện tinh thần cũng như vật chất, vẫn nhiều lần bị thương vong, bại nhục, vẫn không thiếu những binh sĩ đào ngũ, bỏ chạy khi trận địa hỗn loạn, vẫn có tham nhũng và chính cựu TT. Bill Clinton, vì hèn nhát nên đã trốn quân dịch pháp định. QLVNCH chỉ mới thành lập, được coi là một quân đội nghèo nhất trên thế giới, lại bị chiến đấu trong một cuộc chiến không có giới hạn chiến trường, hậu phương, bạn địch.
Thế nhưng những người lính nghèo đó, mà lương năm cộng với tiền tử tuất, phế tật, không bằng một cuốc rượu của những ca ve, me Mỹ, vậy mà họ vẫn một đời đem máu đào xương trắng, phụng sự chính nghĩa, bảo vệ màu cờ, sắc áo và từng sinh mạng cũng như tất đất của quê hương. QLVNCH là sinh mạng của muôn người, nên khi thiếu vắng hay không còn họ, mạng người Nam VN lá rụng, đã gục ngã tại Mậu Thân Huế-Sàigòn, trên các đại lộ kinh hoàng quốc lộ 1, Kontum, An Lộc mùa hè đổ máu và sau rốt là cùng nhau chết tập thể vào ngày 30-4-1975. Như sử gia Edward S. Creasy viết trong tác phẩm nổi tiếng "Fifteen Decisive Battle Of The World" năm 1851 "Tầm quan trọng của một cuộc chiến, là những gì ta có hôm nay, đối với người thắng cũng như kẻ bai". Những gì đã xảy ra tại Nam VN, sau 33 năm bị cộng sản cưỡng chiếm, đã đủ trả lời về tấn thảm kịch của VN, mà lần nữa Robert S. McNamara, cựu bộ trưởng QP. Thời TT Kenedy, đã giải thích một chiều, trong hồi ký của mình "In Retrospect-The Tragedy and Lesson of VN".
Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều mù quáng và tin tưởng vào truyền thông báo chí lúc đó. Chính những giờ phút cuối cùng, nhìn cảnh đời bi thảm của phận lính bọt bèo Nam VN trên màn ảnh, tờ The New York Times Service, đã thay thế người nhược tiểu, giận dữ tố cáo chính quyền Mỹ là hèn nhát, bỏ đồng minh tháo chạy về nước trước sự tấn công của VC. Họ cũng nêu đích danh Henry Kissinger là kẻ bán đứng VNCH cho VC khi bắt ép họ ký vào bản hiệp ước giả mạo 1973, sau đó tàn nhẫn cúp viện trợ, phủi tay đứng nhìn miền nam sụp đổ.
Không có gì tồn tại với thời gian trừ chân lý. Vì vậy những câu chuyện hề của Henry Winston chủ tịch đảng cộng sản Mỹ, đem diễn tại Hà Nội vào tháng 5-1975, hay lời tuyên bố vung vít của Nguyễn Hữu Thọ, chủ tích bù nhìn của Mặt Trận Ma giải phóng, tại Mạc Tư Khoa, ngay khi Sàigòn thất thủ: "cám ơn báo chí và ký giả Tây Phương, đã góp phần lớn cho chiến thắng của Hà Nội, trong số này đáng kể là người Mỹ".
Đây là tất cả sự thật, vừa được một cựu chiến binh Không Quân Hoa Kỳ là Harry H. Noyes, thay mặt những người lính VNCH, qua tác phẩm "Heroic Allies" nói lên vinh quang và sự hãnh diện của một quân lực, từ lâu đã bị bọn trí thức vô liêm sỉ, tước đoạt một cách hèn hạ, bất nhơn và vô nhân đạo. Sự tuyên truyền lố lăng và cuồng ngạo của Hà Nội cùng những mặt mo bưng bợ, làm cho thiên hạ năm châu chán ghét, sau khi cái thây ma VNCH chỉ còn trơ lại bộ xương gầy đét, không còn gì để cho Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Chân Tín và một số quạ đen, diều hâu, bu tới rỉa rói như lúc chợ còn đông khứa.
Trong tài liệu đặc biệt "How Media Bias Distorts Our View of the World" của ký giả Allan Brownnfiels, nói rằng vì hầu hết giới truyền thông Tây Phương, quá mù quáng, ca tụng một chiều về Mao Trạch Đông và Fidel Castro, trong lúc thẳng tay sỉ nhục bôi nhọ Tưởng Giới Thạch và chính phủ CuBa lúc đó, tuy vô tình nhưng đã làm cho cộng sản tại hai nước này chiến thắng mau lẹ. Bài học của lịch sử sau đó lại tái diễn ở Nam VN. Lần này do chính những thành phần được ưu tiên trạng trọng trong xã hội lúc đó, là những công tử tiểu thư đài các của giới địa chủ, địa hào, thương gia, chủ vựa nước mắm, nhờ cha mẹ tổ tiên theo thực dân Pháp bóc lột đồng bào, nên có tiền, có thế, cho con trai, con gái qua Pháp, Mỹ du học thành luật sư, bác sĩ, giáo sư, những thành phần mà Hồ Chí Minh và đảng VC ở miền Bắc, chém giết và khinh bỉ tận tuyệt, sau khi được làm chủ nửa miền đất nước vào năm 1954.
Nhờ cái mặt nạ trí thức và sự tự do quá trớn của Nam VN, những thành phần ăn chén đá bát này, luôn bẻ cong ngòi bút, làm cho thế giới tự do lầm lạc, nghĩ rằng giặc Cộng tại Nam VN là những người bình thường, yêu nước, nên nổi dậy chống lại sự độc tài tham nhũng của chế độ. Tóm lại nhờ những trí thức này, mà VC nằm vùng sau ngày tập kết 1954, VC chính thống từ Miền Bắc xâm nhập, kể cả Tàu Cộng, Liên Xô, Cu Ba, Đông Âu... trong bộ đội Hà Nội đang chiến đấu tại Nam VN, đều không có dính líu tới Hồ và cộng sản đệ tam quốc tế. Sự độc ác trên, nhờ tuyên truyền ngay ở miền Nam và các mạng lưới quốc tế, khiến cho cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản, của người Việt quốc gia Nam VN, mất đi cái ý nghĩa chính thống, làm cho Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn khi sang chiến đấu bảo vệ tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á. Rốt cục, cả Mỹ lẫn Việt đều đại bại trước mặt trận thông tin ca ngợi VC, của báo chí, truyền thông ngoại quốc và ngay trong nước.
Từ năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân dồn dập vào Nam VN, cũng là thời kỳ lửa máu ở hậu phương. Đây cũng là thời kỳ ăn nên làm ra, của những thông tín viên, ký giả ngoại quốc, qua những bài tường thuật, có kèm hình ảnh, không phải để phổ biến những sự thật, mà chỉ để tuyên truyền một chiều, nhằm bôi nhọ những quân đội, đang trực diện với cộng sản Bắc Việt, trên chiến trường Nam VN. Có thể nói bài phóng sự chiến trường đầu tiên, của thông tín viên đài CBS tên Morley Safer, viết về cuộc hành quân của một đơn vị TQLC Mỹ, tại một làng xôi đậu, đã trở thành những mẫu thông tin "ăn khách", theo đơn đặt hàng của thị trường Mỹ và Tây Phương lúc đó. Cũng nhờ báo chí phản tuyên truyền, Tết Mậu Thân 1968, VC chết thảm khắp nơi, đã thành chiến thắng, chiếm được ngay cả Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn. Tàn nhẫn và đáng khinh tởm nhất, là báo chí Tây Phương, trong suốt cuộc chiến Nam VN, đã không hề có một chữ tường thuật những hành vi khủng bố, giết người tàn bạo của VC trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế, năm 1972 và những ngày di tản máu lửa hận hờn.
Người lính VNCH vừa đánh giặc phương Bắc, vừa chống đỡ búa rìu truyền thông báo chí trong nước cũng như phong trào phản chiến tại Mỹ và tây phương, được liên kết bởi trí thức, sách báo và tuyên truyền. Đó cũng là lý do đưa đến sự sụp đổ tất yếu của một dân tộc hiền hòa, lễ nghĩa nhưng bất hạnh vì mang thân phận nhược tiểu
2. Thương Quá Người Phế Binh VNCH:
Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu, theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.
Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận:
"Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày không lấy xác
Thây sình mặt nát, lạch mương tanh..."
(Tô Thuỳ Yên)
Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần bình Chiêm, phá Bắc, đuổi giặc Mông trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành xử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, gia trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghị Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẻ sĩ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học.
"Tôi không là tôi nữa,
Từ khi được xuất ngũ
Có quạ đen đậu trên đầu
Có bao nhiêu đợi chờ đau khổ..."
Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già, từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu:
Theo sử liệu, ta biết Nha Cựu Chiến Binh và Nạn Nhân Chiến Cuộc, trược thuộc Bộ Quốc Phòng. Đầu tiên Nha này là một Bộ, được thành lập vào tháng 8-1952, có một An Dưỡng Đường dành cho Thương Phế Binh. Sau đó, bộ này bị hủy bỏ, tất cả các vấn đề liên hệ tới cựu chiến binh, đều giao cho Bộ Y Tế, với một Nha riêng gọi là Nha Tổng Thư Ký, Cưu Chiến Sĩ và Phế Binh.
Thời VNCH, qua một Đại Hội Cựu Chiến Sĩ toàn quốc tại Toà Đô Sảnh Sàigòn. Ngày 29-5-1955, Nha Tổng Giám Đốc CCB và NNCC được thành lập, trụ sở ở đường Đoàn Thị Điểm. Sau Tết Mậu Thân 1968, Nha được cải thành Bộ, gồm các Nha Sở Trung Ương và các Ty trực thuộc.
Đầu năm 1969, một biến cố lớn đã xảy ra tai thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đó là vụ Y Sĩ Đại Uý Hà Thúc Nhơn, trưởng trại 12 tai, mắt, mũi, họng, thuộc Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Vì dám tố cáo Chỉ Huy Trưởng QYV là Thiếu Tá Phùng Quốc Anh, với sĩ quan hành chánh Đặng Mai, toa rập tham nhũng, ăn xén tiền ẩm thực của thương bệnh binh, cũng như mờ ám trong các vụ cứu xét, phân loại trợ cấp, miễn dịch. Đại Uý Nhơn đã cầm đầu các bệnh binh nổi loạn, nên bị Tỉnh trưởng Khánh Hòa lúc đó là Đại Tá Lý Bá Phẩm, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43 Biệt Lập, ra lệnh cho ĐPQ bắn trọng thương và đã chết khi chở vào cấp cứu tại Cam Ranh.
Ngày đưa tang người xấu số, cũng là thời điểm Phế Binh Khánh Hòa đứng dậy đòi quyền sống. Taị Sàigòn, Trung Úy mù BĐQ Đỗ văn Lai cùng một số phế binh nặng, đang dưỡng thương tại Trung Tâm Chỉnh Hình, đường Bà Huyện Thanh Quan, cũng biểu tình, cắm dùi khắp Đô Thành, đòi Chính Phủ phải cứu xét lại quyền lợi của họ, trước vật giá leo thang đắc đỏ, do sự hiện diện của Mỹ và Đồng Minh, vung đô la xanh đỏ qua cửa sổ như khói thuốc. Phong trào tranh đấu bùng nổ khắp nước, làm cho chính quyền trung ương cũng như tại các tỉnh bối rối, vì không thể dùng bạo lực để chèn ép hay khóa miệng, bởi phế binh cũng là lính, nên ai nỡ xuống tay.
Rồi Tổng Hội Thương Phế Binh ra đời tại Sàigòn, bầu PB Nguyễn Đinh làm Hội Trưởng, PB Nguyễn Bính Thịnh, tức nhà văn An Khê, làm phó và PB Đinh Trung Thu, tổng thư ký. Ngoài ra còn có một Hôi Ái Hữu Thương Phế Binh, do cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Hàng thành lập.
Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975) bắt đầu năm 1969 trở về sau, quyền lợi của Phế binh, cô nhi quả phụ càng ngay càng được cải tổ, chăm sóc và dễ thở hơn trước. Nạn chèn ép, dìm sổ trợ cấp để làm tiền cũng chấm dứt. Từ năm 1972, chính phủ cho thành lập Ty Cựu Chiến Binh tại các Tỉnh, có quyền hạn rất rộng rãi, ngoại trừ sổ trợ cấp đầu tiên được ký cấp từ Bộ. Cũng từ đó, người cô nhi, quả phụ và thương phế VNCH, được sống an nhàn hơn trước, với các quyền lợi thiết thực, tương xứng, từ trợ cấp, xin việc làm, y tế, cho tới các kỳ thi, tất cả đều ưu tiên cho họ.
Rồi thì hằng loạt Làng Phế binh, lần lượt ra đời tại quận cũng như thị xã. Riêng những phế binh đã có nhà, không muốn vào Làng, được trợ cấp một ngân khoản 60,000 đồng. Tất cả các làng trên, đều bị VC cướp giựt sau ngày 30-4-1975.
Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ.
"Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà, thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về..."
"Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ..."
(Phạm Duy).
Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tàn xuân héo, lần mò trở về làng xưa, với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc.
Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống? Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường.
Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nữa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền.
Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi, thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình.
19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. 30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sàigòn. Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về? Có ai cầm được nước mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo.
Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi ba năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẩm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại.
- Xin hãy thương lấy họ, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã.
- Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại.
- Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân.
- Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối.
- Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn, đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần.
Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa:
"Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng
Liên ẩm, đối ẩm, đòi phen
Cùng chàng lại kết, mối duyên đến già..."
(Chinh Phụ Ngâm)
Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH?
"Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương"
(Chinh Phụ Ngâm)
Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ. Nghiêng mình, cúi đầu cảm tạ những vị ân nhân, đã và đang hết lòng cưu mang, giúp đỡ tận tình "Thương Phế Binh, gia đình kể cả cô nhị quả phụ VNCH", hiện đang sống kiếp trầm luân rách đói, trong địa ngục VN.
Xóm Cồn Ha Uy Di
Tháng 8-2008
Mường Giang

 

 

 

 HOÀNG LAN CHI * SAIGON NGÀY ẤY

Tưởng Niệm Quốc Hận 30-04-75:Saigon ngày ấy

t5
Năm 54 – 60
Ngày ấy tôi còn bé lắm. Lênh đênh trên chuyến tầu cuối vào Nam theo cha mẹ chứ chẳng biết gì. Chuyến đi êm đềm không gì đáng nói .dicu1954_2
Tôi thấy nguời Pháp cũng đàng hoàng. Thì đâu chả thế. Cũng có nguời này nguời kia. Nguời hèn nhát, kẻ can đảm.Nguời quá khích, kẻ trung dung.
Nguời Pháp trên tầu tử tế. Họ cho ăn uống đầy đủ . À mà tôi không hiểu tại sao họ phải tốn đủ thứ để đưa nguời di cư vào Nam ? Nếu họ cứ mặc kệ thì số dân Bắc có đến đuợc miền Nam dễ dàng không ?
Đầu tiên chúng tôi cặp bến Vũng Tầu. Rồi xe đưa vào Saigon . Chúng tôi ở tạm tại Nhà Hát sau này được sửa thành Toà Quốc Hội . Mấy hôm sau thì phân tứ tán. Chính phủ trợ cấp cho mỗi đầu nguời là bao nhiêu đó, tôi không nhớ vì quá bé..
Nơi tôi ở đầu tiên là Cây Quéo. Đuờng Ngô Tùng Châu. Gia Định.
Gia đình tôi là người Bắc đầu tiên đến đây. Sau này đọc truyện và biết con trai Bắc hay bị con trai Nam đánh và xỏ xiên “ Bắc kỳ ăn cá rô cây “ .. Nhưng gia đình tôi hên. Nơi xóm nhỏ, người Nam thật thà đôn hậu . Họ cư xử tử tế với chúng tôi . Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ, hay vì gia đình tôi là nhà giáo ? Tinh thần tôn sư trọng đạo đã ăn sâu trong giòng máu dân Việt ? Họ rất tôn trọng và lễ phép đối với cha mẹ tôi . Một điều thưa ông giáo, hai điều thưa bà giáo ..
Con đuờng đến trường tiểu học thật dễ thương . Ngày ấy chúng tôi đi bộ nhiều, chẳng vù vù xe máy như bây giờ. Đi bộ đến trường thật vui. Cứ tung tăng chân sáo , vừa đi vừa hái hoa bắt buớm.
Ôi sao ngày đó Saigon nhiều hoa bướm thế. Hai bên đuờng những hàng rào hoa dâm bụt đo đỏ xinh xinh. Nhìn vào trong, nhà nào cũng có vườn, cây cối xum xuê.. Buớm bay la đà .Những con buớm đủ mầu sắc nhưng buớm vàng nhiều nhất. Nếu nhìn riêng thì buớm vàng không đẹp nhưng khi bay lượn giữa rừng lá xanh thì đàn buớm vàng thật duyên dáng. Chúng như một nét điểm xuyết cho bức họa hoa lá ..Tôi thích nhìn buớm bay .Tôi thích ngắm hoa nở.
Truờng học to vừa phải . Lớp học đủ ánh sáng. Mỗi sáng thứ hai chào cờ . Đứng nghiêm và hát quốc ca. Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi.. Ừ thì thanh niên luôn được dạy dỗ là đáp lời sông núi..
Chúng tôi được học những bài công dân giáo dục đầu tiên và …đã ăn sâu mãi vào tiềm thức. Đủ biết các cụ nói uốn cây khi chúng còn non là đúng. Tuổi ngây thơ coi những lời Thầy cô là khuôn vàng thuớc ngọc.
- Không phá của công
- Không xả rác ngoài đuờng
- Phải nhuờng ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai trên xe buýt
- Phải dắt em bé hay cụ già qua đuờng
- Phải ngả nón chào khi xe tang đi qua ..
- Không gian lận. Nói dối là xấu xa..
2389768448_90966541e1_o
Chúng tôi đã được dậy như thế đó và chúng tôi đã làm theo như thế đó . Ôi Saigon của tôi ơi , bây giờ tôi đi giũa phố phuờng mà lạc lõng vô cùng khi chỉ mình tôi ngả nón chào nguời chết hay chạy nép vào lề nhuờng cho xe cấp cứu đi qua !
Rồi những bài học thuộc lòng. Rất giản dị dễ nhớ .
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu.Trên non sông làng mạc ruộng đồng quê.Chúng tôi ngồi im lặng lắng tai nghe.Tiếng thầy giảng súôt trong giờ quốc sử
Sung suớng quá, giờ cuối cùng đã điểm. Đàn chim non hớn hở dắt tay về. Chín mươi ngày vui suớng ở đồng quê ..2200851121_4ae7bf9c17_o
Cuộc sống sao êm đềm và thanh bình quá. Không có những cuớp bóc lớn lao . Ăn cắp vặt cũng không ghê gớm.Tôi còn nhớ phơi quần áo trước nhà rất an toàn chẳng phải trông chừng ..
Tôi còn nhớ ruộng miền nam nhiều nơi không chia bờ rõ rệt. Tôi còn nhớ cây trái Lái Thiêu không vạch lối ngăn rào. Tình hàng xóm là tất cả. Khi chia rào , ngăn lối là xúc phạm. Tự nguời dân quê biết đâu là đất là vùơn của mình. Vào vuờn Lái Thiêu cứ tha hồ ăn .Chỉ khi mua về mới phải trả tiền. Ôi sao ngày ấy nguời ta hiếu khách và cuộc sống thanh bình đẹp đẽ quá ?? Có phải là một phần nhỏ thiên đuờng nơi hạ giới chăng ?
Tôi nhớ nhiều về lễ quốc khánh đầu tiên năm 56 thì phải. Đúng là lễ hội. Pháo hoa tưng bừng và nguời nguời ra đuờng trong hớn hở reo vui. Không chửi bới, không chà đạp, không giành đuờng xem lễ .. Saigon bấy giờ còn thênh thang lắm. Saigon bấy giờ chưa đông đúc bon chen ..2200851439_cf6810202f_o
Ngày ấy các bà Bắc hay Trung đi chợ còn mặc áo dài. Lề thói xưa còn ăn trong nếp ấy .
Ra đuờng là phải lịch sự . Khi lễ lạc thì phải mặc quần đen với áo dài chứ không được quần trắng vì như thế là thiếu lễ ..
Tôi còn nhớ một gia đình trung lưu là đã có thể thuê nguời làm. Đa phần người làm là các cô gái miền Trung. Đúng là quê hương em nghèo lắm ai ơi. Đât khô cằn sỏi đá đã khiến bao cô gái quê vào miền Nam giúp việc . Thưở ấy người miền Nam hay dùng từ “ở đợ” còn người Bắc gọi là người làm …
Các chị giúp việc thuờng rất trung thành và lễ phép với chủ nhà. Các cô cậu con chủ nhà cũng được tôn trọng. Bà chủ thuờng ở nhà và chị phụ giúp vì nhà nào cũng khá đông con. Ban đầu thì ba, bốn và sau thành sáu ..
Tôi còn nhớ lương giáo sư đệ nhị cấp tức dạy từ lớp đệ thất đến đệ nhất của cha tôi là 5200 đ , vợ được 1200 và mỗi con là 800 (không hạn chế số con). Tô phở khá ngon là 5 đồng. Coi như luơng Giáo sư là 1040 tô phở. Lương người giúp việc là 300 đ . Luơng Bộ trưởng gấp 5 lần lương giáo sư vào khoảng 25.000 đ. Còn lương Đại uý thì bằng lương Giáo sư . Nếu bây giờ 7000 đ tô phở bình dân thì lương của giáo viên cấp ba phải là 7.000.000 đ .2200839171_afa58b279a_o
Hồi đó chúng tôi thi một năm hai kỳ gọi là đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt . Đề thi hoàn toàn do Giáo viên (cấp tiểu học)hay Giáo sư phụ trách ra đề . Hồi đó không có nạn các Giáo sư hay giáo viên kéo trò về nhà dậy kèm hay bán đề thi . Đơn giản có lẽ vì đồng lương đã đủ sống nên họ không phải bán rẻ lương tâm ..
Cuối năm lớp nhất thì chúng tôi phải thi bằng Tiểu Học. Sau đó thi vào đệ thất các lớp truờng công. Ai rớt thì học truờng tư. Tất nhiên phải học giỏi mới thi vào được những truờng công danh tiếng như Gia Long,Trưng Vương,Petrus Ký, Chu Văn An ..2200845981_f5c7c4e9f3_o
Những tháng ngày tiểu học với tôi là tung tăng chân sáo, là chơi nhiều hơn học là hái hoa bắt bướm , là nhảy lò cò , là chơi giải ranh, chơi ô quan . Đúng ba tháng hè là chơi thoả thích ..Ôi chơi chơi..sao mà thú vị thế . Nhớ đến tiểu học của con gái lại xót xa. Học quá nhiều để có thành tích cho Thầy cô , cho truờng lớp .. và con gái tôi không bao giờ biết đến
Chín mươi ngày vui suớng ở đồng quê
Năm 60 – 672200839095_edda0f9272_o
Đậu tiểu học xong tôi thi hai truờng Marie Curie và Gia Long . Lẽ ra phải thi Trưng Vương mới đúng nhưng không biết sao cha tôi quyêt định vậy.
Những ngày đầu đi học Gia Long súng sính đầm. Lý do cha định cho học Marie Curie nhưng phút chót lại chuyển sang Gia Long.
Số tôi lại hên. Cô Bắc kỳ lạc lõng giữa rừng nữ sinh Nam kỳ mà không hề bị chia rẽ hay kỳ thị. Như ngày xưa, nguời dân Saigon đã cưu mang gia đình tôi ở Cây Quéo . Từ Thầy cô đến bạn bè, chẳng ai thắc mắc vì sao tôi mặc đầm
Tôi học sinh ngữ Pháp Văn. Trường có bảy lớp Anh và bảy lớp Pháp. Tôi học đệ thất 14, lớp chót . Những năm đầu Trung học tôi đi xe đưa ruớc của truờng.
Thế là hết những ngày chân sáo , hết những ngày đuổi buớm bắt hoa . Chỉ còn ngồi trong xe hiệu đoàn ngăm phố phường qua khung cửa sổ …
Xe truờng đưa các nữ sinh lớp sáng về nhà và trên đường đi ruớc các nữ sinh lớp chiều. Trong khi chờ đợi xe đến đón, tôi thuờng cột áo dài và trèo lên cây trứng cá trước nhà để hái trái nhâm nhi ăn chơi hay đem vào lớp cho bạn. Nghe tiếng còi xe ngoài đuờng thì tụt xúông xách cặp chạy ào ra. Nhà xa nên tôi bị đón sớm và về muộn. Bây giờ nhớ lại thuở cột áo leo cây thấy vui vui..Hay khi vào truờng cũng cột tà áo để nhảy lò cò !
Trường Gia Long rất đẹp. Cơ ngơi thật đồ sộ , bốn phía là bốn con đuờng. Ngày ấy chính phủ đặt tên đuờng có chủ đích rõ ràng. Đặt theo từng vùng các danh nhân văn võ. Không đặt lộn xôn lung tung .. .
Gia Long của tôi đã đuợc bao quanh bởi danh nhân văn chương như Bà Huyện Thanh Quan , Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm và Ngô Thời Nhiệm.
Chính giữa truờng là con đuờng tráng nhựa thật đẹp và chúng tôi hay gọi đùa là đuờng Bonard. Giờ ra chơi các nữ sinh dắt tay nhau thơ thẩn trên con đuờng ấy trông thật dễ thương
(Nữ sinh thập niên 60)
Rồi gia đình tôi chuyển sang Vạn Kiếp . Trước nhà có một bụi tre và đối diện là khoảng vuờn mênh mông của chủ đất với những cây cau thẳng tắp .
Năm 60 có nghe tin về Măt trận giải phóng gì đó nhưng tôi chẳng quan tâm. Thứ nhất còn bé phải lo học, thứ hai .. mọi cái lúc bấy giờ đã được chính phủ đưa dần vào nền nếp và chiến tranh ..còn xa lắm.. Đó là thời điểm cực thịnh của nền Đệ nhất Cộng Hoà
Ngày đó chưa có truyền hình. Mới chỉ là truyền thanh. Chương trình khá phong phú. Tôi thích vừa làm toán vừa nghe nhạc. Cũng có chương trình Tuyển lựa ca sỹ hàng tuần nhưng phải nói .. đa số hát dở chứ không như các cuộc thi bây giờ, thí sinh hát khá vững .
Báo chí nở rộ. Ai có tiền thì ra báo. Không cần phải là nguời của cơ quan chinh quyền như bây giờ. Tôi mê xem báo. Tôi đói tin tức. Ngày đó có vụ thuê báo . Các em bán báo lẻ hay quầy bán báo nếu bán không hết thì cuối ngày trả lại toà soạn. Vì thế một số quầy báo có sáng kiến cho ..thuê báo . Nguời đọc thuê và trả tiền chỉ chừng phân nửa. Tất nhiên tiền đó chui vô túi chủ quầy báo và nguời bị thiệt hại là chủ nhân tờ báo . Gia đình tôi chỉ mua một tờ và trao đổi với cậu tôi ở gần nhà tờ khác. Coi như tốn tiền một mà được xem hai báo.
Báo thiếu nhi hơi ít . Báo chí đối lập được tự do hoạt động. Do đó có gì xấu xa của chế độ hay chính quyền thì những tờ báo đó vạch ra ngay. Còn những tờ thân chính phủ ..thì bị báo chí đối lập gọi là nâng bi …
Sách thì rất nhiều. Đủ các loại. Mỗi nhà xuất bản có nét đặc thù riêng. Như nói đến Lá Bối là biết ngay các loại sách về Thiền, Phật …Nói đến Khai Trí là sách về Văn học Nghệ Thuật…Văn thi sỹ nở rộ . Tất nhiên cũng chia làm nhiều loại . Có những văn sỹ chuyên viết tiểu thuyết tâm lý xã hội và được các bà nội trợ bình dân hay các tiểu thương ái mộ như bà Tùng Long. Có những nữ văn sỹ viết khá bạo như Nguyễn Thị Hoàng với cuốn truyện nổi đình đám Vòng tay học trò. Nội dung truyện kể về chuyện tình của một cô giáo với học trò bằng một giọng văn … khó hiểu. (theo thiển ý cá nhân tôi !) Có những văn sỹ miền Bắc viết chuyện trong thời gian họ đi kháng chiến chống Pháp rất hay như Doãn Quốc Sỹ . Thời ấy thi sỹ cũng nhiều. Nào Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Du Tử Lê, Nguyên Sa,Hà Huyền Chi, Hoàng Anh Tuấn ,Mường Mán .. ..
Thơ văn Saigon hồi ấy như trăm hoa đua nở. Đủ loại và tự do sáng tác theo cảm hứng, không phải viết theo một khuôn mẫu nào. Do đó rất phong phú. Nhưng tôi lại thích đọc sách phóng tác hay dịch !( vì chưa đủ trình độ đọc nguyên tác ) Mỗi lần hè về là tôi mê mẩn ngốn hàng tá truyện ..
Vật giá có lên nhưng chỉ chút đỉnh .. Cũng chỉ mình cha đi làm còn mẹ ở nhà chăm lo con cái. Thuở tiểu học thì mẹ tôi kèm tất cả các môn . Lên Trung học thì bà không dạy được các môn khoa học nhưng Pháp văn thì vẫn tiếp tục cho đến tú tài vì ngày xưa mẹ tôi có bằng Certificat gì đó .2200833785_556cbce2a4_o
Cuộc sống vẫn êm đềm và khá thanh bình. Nhưng từ năm 61 thì …không còn nữa. Đuờng đi thuờng xuyên bị đắp mô. Quốc lộ thì ít và tỉnh lộ thì nhiều hơn. Địa phương quân mỗi sáng sớm phải đi phá mô . Xong xuôi thì dân chúng mới dám đi lại. Đã có những mô nổ tung và cả chuyến xe đò tan tác.. Rồi những năm sau là những lần nổ ỡ vũ truờng nơi quân Mỹ thuờng lui tới. Tất nhiên dân thường cũng vạ lây.
Tôi vẫn ngoan ngoãn với sách đèn. Chẳng hề giao du bạn trai vì cha mẹ cấm . Ngày ấy Gia Long và Trưng Vương là hai trường nữ nổi tiếng nhất . Hàng năm chỉ có một kỳ thi chọn học sinh giỏi là Trung Học Toàn Quốc. Lẽ dĩ nhiên số đậu rơi vào bốn truờng lớn. Còn Lễ Hai Bà Trưng hàng năm được tổ chức khá lớn và hai nguời đẹp của Gia Long, Trưng Vương được đóng vai Hai Bà ngồi voi diễn hành ..(bây giờ ở VN dùng từ diễu hành ??? Tôi không hiểu vì sao lại diễu hành thay cho diễn hành ???)3181986096_46e57154f9_o
Đề thi của mỗi môn cũng vẫn do Giáo sư môn đó phụ trách. Tôi thấy như vậy mà hay. Chẳng có gì lộn xôn xảy ra vì thời ấy không có nạn cha mẹ hối lộ Thầy cô . Mãi năm tôi học đệ nhất thì thi chung toàn khối và đã có rắc rối xảy ra. Chẳng hạn đề thi triết đệ nhất lục cá nguyệt là của cô Lan dạy chúng tôi thì lớp chúng tôi làm được còn các lớp khác thì không ..
Hồi đó bậc Trung Học chúng tôi phải thi tổng cộng : Trung Học ( hết lớp đệ tứ ) Tú tài 1 (hết lớp đệ nhị) và Tú tài 2 ( hết lớp đệ nhất ) . Nhiều bạn sau khi có bằng Trung Học thì đi làm. Có thể chọn nghề thư ký .Sau Tú tài 1, rụng bớt một số bạn. Sau Tú 2 rụng một số. Số học giỏi và có điều kiện thì tiếp tục con đường đại học
Đề thi đại học do các trường tự phụ trách. Ngày thi lệch nhau. Truờng nào cũng công bố danh sách thi đậu chính thức và dự bị . Do đó tôi cảm thấy rất trật tự nề nếp chứ không lộn xộn như bây giờ. Nếu gọi danh sách chính thức mà thiếu thì truờng gọi đến dự bị . Đơn giản vậy thôi. Nhưng có lẽ hồi đó vấn đề hối lộ , bán đề thi không kinh khủng để đến nỗi Bộ Giáo Dục phải xen vào ra đề chung như VN bây giờ.. Lại cũng do vấn đề tiền lương. Khi đồng lương không đủ sống thì ..tư cách con người suy giảm ..
Đuờng phố Saigon của những năm 63 vẫn còn xe Mobylette và dễ thương ngộ nghĩnh là Velo solex.

Chiếc xe xinh xắn nhưng có cái bầu to phía trước . Nữ sinh thường đi xe này . Khi chạy xe, tà áo dài phía sau phồng lên trông rất vui. Nhưng đa số học sinh vẫn đi xe đạp. Số xe máy rất ít. Và vì thế đuờng phố Saigon vẫn khá thênh thang. Năm đệ tam thì tôi không đi xe đưa rước nữa mà chuyển qua xe đạp. Cũng khá xa mà sao hồi đó chúng tôi không thấy gì. Chả như bây giờ sân trường cứ tràn ngập xe máy mà lại còn xe phân khối lớn.. Đợt vừa qua năm 2002,Saigon có chấn chỉnh cấm học sinh chạy xe phân khối cao. Thì ..các cô cậu quý tử đối phó bằng cách ….không gửi xe trong truờng mà gửi xa xa ! !!
Năm tôi học đệ tứ 1963 thì xẩy ra vụ Phật Giáo . Sau đó nền Đệ nhất Cộng Hoà sụp đổ. Tôi không ghét ông Diệm nhưng tôi ghét bà Nhu. Vì tính tình xấc xuợc của bà . Nhưng phải nói hồi đó với tôi, xã hội tương đối ổn định, trật tự nề nếp. Dù ông Nhu có lập Đảng Cần Lao nhưng …không ép buộc lộ liễu . Họ cũng gợi ý nhưng không vào thì thôi. Cũng chẳng vì thế mà bị đì sói trán . Hay trong ngành giáo dục của cha tôi , người ta không trắng trợn ????? Tôi chỉ biết nếu học giỏi là được học bổng , không bị phân chia lý lịch gì cả ..
Sau 63, các trường có Ban Đại diện. Ngày đó tôi không chú ý lắm các thành phần ứng cử . Nhưng sau này , các anh chị lớn nói rằng , học sinh – sinh viên giỏi thường bù đầu với việc học, ít tham gia các hoạt động trên. Do đó CS cài nguời vào nằm vùng ở hầu hết Ban đại diện các trường. Họ được huấn luyện kỹ nên ăn nói hoạt bát .Còn học sinh giỏi thì không có thời gian luyện khoa ăn nói …
Saigon của tôi sau những ngày đấu tranh sôi nổi , sau những biểu tình, sau vụ tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Đức ..lại êm ả trở lại. Nhưng không như xưa vì liên tiếp các đột biến về chính trị. Cuộc chỉnh lý của Tuớng Nguyễn Khánh rồi chẳng bao lâu đến phiên của Tuớng Thiệu và Tuớng Kỳ
Tôi chỉ biết học và không chú ý đến những việc khác. Liên tiếp hai năm thi tú tài 1 và 2 đã ngốn tất cả quỹ thời gian .Nhưng tôi chỉ nhớ Tú tài 1 chuơng trình đã bị cắt giảm vì chiến tranh..
Cũng từ 65, quân Mỹ đổ vào đông và đã gây xáo trộn. Lính Mỹ lấy vợ Việt. Đa số là các cô gái nhảy , thời đó gọi là cave hay cả các cô xuất thân là nguời giúp việc. Me Mỹ là tên dân chúng gọi cho những cô này . Nội cái tên gọi đã nói lên sự khinh rẻ của dân chúng dành cho những cô gái ấy. Nghĩ cũng đáng thương .. Nhưng cũng chính những đồng đô la xanh mà các cô me Mỹ tiêu vô tội vạ đã làm vật giá Saigon tăng cao. Gọi là đô la xanh vì lúc ấy chính quyền Mỹ in riêng một loại đô la cho quân Mỹ dùng ở VN.. Người làm của chúng tôi lấy Mỹ và.. đổi đời..
Cuộc sống của giới trung lưu như giáo sư bắt đầu lao đao.. Giáo sư nào dạy tư thêm thì còn đỡ.. Gia đình tôi hạn chế mọi chi tiêu vì cha không dạy tư và yêu cầu mẹ phải ở nhà chăm sóc việc học của các con .
Ai có thời gian để gửi thư tình tự. Ai có lúc lang thang quán ăn hàng. Còn tôi thì không. Cắm đầu cắm cổ học . Đi học là về nhà ngay. Ngày đó chúng tôi , gồm chị tôi và tôi đều học Gia Long nên không có vụ bạn trai nào dám đến nhà. Chúng tôi cũng chẳng học tư nhiều. Mà học tư vào những năm thi thì cũng né con trai tối đa. Lệnh cha mẹ phải chấp hành nghiêm chỉnh. Thậm chí sau này chị tôi học duợc cũng vẫn không hề có một tên “ masculin” nào dám đến nhà !
Tôi thích con gái đi học bằng xe đạp và nón lá nghiêng nghiêng . Từng vòng xe quay chầm chậm nhỏ bé . Áo dài ngày đó mặc rất kín đáo . Chúng tôi bắt buộc phải có áo lá bên trong. Và các bà giám thị luôn coi chừng nhắc nhở những nàng mặc áo quá chít eo, những nàng khua giày cao lộp cộp.. Chúng tôi đi sandalh .Rất dễ thuơng. Tôi không thích học trò quá điệu. Áo thật eo hay guốc cao . Mà thật kỳ. Đa số mấy cô điệu thuờng học kém và có bồ sớm. Các cô giỏi thì nguợc lại !
Nhưng cũng có cá biệt . Tôi còn nhớ ngày đó cô bạn ban B Kim Dung rất xinh học giỏi được chọn làm Tây Thi trong vở kịch cuối năm ..chẳng điệu gì cả. Riêng lớp tôi thì chỉ có vài chị điệu và tất nhiên ..học dở , có bồ sớm ..
Năm tôi thi tú tài, chỉ còn viết và bỏ vấn đáp. Chứ truớc kia, một số môn phải thi viết và vấn đáp (còn gọi là oral)
Tôi đậu tú tài cao và đuợc truờng thuởng hai chữ Gia Long quyện vào nhau bằng vàng 18. Những năm sau, truờng đổi lại là hoa mai vàng. Đó cũng là phù hiệu của Gia Long
Tôi mê Y khoa và .. ghét duợc. ! Tôi thích là bác sỹ để chữa bịnh cho trẻ em và tự nhủ sẽ chữa miễn phí cho em nào mắc bệnh sài uốn ván. Tất cả …chỉ vì tôi mất một đứa em trai vì bệnh này ..
Còn Duợc khoa ? chẳng hiểu sao tôi ghét nữa ? Tôi nói rằng học duợc, ra bán thuốc ngồi đếm từng đồng xu leng keng ! Chính vì thế sau này có một duợc sỹ đại uý theo , tôi đặt tên anh ta là đại uý leng keng !
Nhưng nghề chọn nguời chứ nguời không chọn đuợc nghề. Tôi thi rớt dù học giỏi. Năm đó đề thi y khoa bắt đầu có câu hỏi tổng quát , hỏi về những kiến thức xã hội chung quanh. Tôi học chăm quá nên vào phòng thi bị đuối sức, quỵ ngã ..
Năm 67-71
Tôi ghi danh Khoa Học, Chứng chỉ Lý hoá vạn vật tức SPCN.Nơi đây quy tụ nhiều nguời đẹp nhất Khoa học vì sinh viên xuất thân ban A. Còn chứng chỉ MGB hay MGP thì ít con gái hơn..
Chương trình học khá nặng. Buổi sáng thực tập đủ năm môn (Động Vật,Thực vật, Lý,Hóa, Địa Chất)và chiều học lý thuyết. Tôi thích thưc tập thực vật hơn các môn kia. Cắt ngang hoa dâm bụt hay lá gì đó xem đuợc cấu trúc của nó duới kính hiển vi rất đẹp. Tôi không thích thực tập địa chất. Toàn những mẩu đá vô tri giác . Tôi cũng không thích lý với những bài dây điện loằng ngoằng.Thực tâp động vật tuy sợ nhưng cũng thích Mổ con vật ra và xem cơ thể bên trong rất thú vị
Chính ở đây là những mảnh tình trong sân truờng đai học. Vì có cơ hội tiếp xúc bạn trai .Chứ những ngày Gia Long hết đi xe hiệu đoàn đến xe đạp và mê học quá chừng đâu chú ý ai ..
Năm đầu tiên đại học tôi chứng kiến tết Mậu Thân. Sáng sớm nghe nổ mà ngỡ tiếng pháo . Khi nghe tin Saigon bị tấn công, tôi bàng hoàng. Trời ? thủ đô ?
Mấy ngày sau từ nhà nhin về phía Gò Vấp thấy trực thăng thả rocket từng chùm .. Lần đâu tiên cô bé nữ sinh chứng kiến tận mắt chiến tranh dù chỉ là một phần nhỏ. Thực ra truớc đó những lần các quán bar bị đặt mìn nổ, xác nguời tung toé..
Sau những ngày kinh hoàng, Saigon của tôi lại như cũ.
Ngày đó sinh viên chúng tôi đi học mặc áo dài. Thỉnh thoảng có cô mặc đầm và không ai mặc tây cả.. Nên sân truờng đại học tung bay bao tà áo muôn mầu sắc . Cha mẹ khó nên tôi vẫn đơn giản áo trắng và ôm cặp như thuở Gia Long. Thỉnh thoảng mới áo mầu. Vì vậy khi tôi măc áo dài mầu, các bạn thấy lạ ..
Chiều thứ bảy , tôi thuờng cùng cô bạn lang thang Saigon để ăn hàng và ngắm ..phố phuờng. Hồi đó có lẽ không khí chưa ô nhiễm nên con gái Saigon tuổi muời bốn , hai mươi trông rất đẹp. Đẹp tự nhiên ở đôi mắt đen láy, nuớc da đỏ hồng . Có cô má đỏ au như con gái Đà lạt .Tôi thích nguời đẹp nên hay ngắm con gái Saigon trên hè phố . Tuổi học trò thích nhất là lang thang phố phuờng và ăn hàng . Đi học cũng thích …thầy bịnh để đuợc nghỉ rồi rủ nhau ra quán tán dóc. Thât ra bọn con gái chúng tôi siêng năng đi học nên thích vậy chứ môt số ông con trai ..rất ít đến giảng đường. Mấy ông đó chỉ đi thực tập vì có điểm danh . Vả lại không đi thì sẽ không biết làm ? Còn lý thuyết thì lâu lâu đáo vô một chút. Cuối năm băt đầu ngồi tụng .Tất nhiên cour đâu bằng bài giảng của Thầy. Thế là các ông tướng này đi theo năn nỉ mấy cô như tôi cho mượn tập ! Ngày đó nam sinh viên có nỗi lo, đó là nếu thi rớt sẽ đi quân dịch.
Đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang hoài. Chiến tranh cũng vậy. Quay trái, quay phải, sau lưng, truớc mặt , đâu cũng có nguời đi lính và chết. Có năm sinh viên phản đối chính quyền, đã vô xé bài không cho chúng tôi thi. Sau này , điểm danh lại thì trời ơi ..mấy tay kích động , phá hoại đó ..toàn là dân nằm vùng !
Tôi bắt đầu gửi bài đăng báo năm đệ tứ . Đăng và dấu nhẹm , không dám cho gia đình biết. Hai năm sau thì bận thi tú tài 1 và 2 nên ngưng. Khi lên năm thứ hai đại học thì tôi lai rai viết lại . Thuở đó báo có số phát hành nhiều nhât là tờ Chính Luận. Thiên hạ đổ xô đăng quảng cáo ở đây rất nhiều . Báo có mục Nói hay đừng. Nội dung là viết linh tinh đủ vấn đề nhưng khuynh huớng là chỉ trích những việc …đáng bị chỉ trích. Tôi lấy bút hiệu Quỳnh Couteau . Tôi còn nhớ có mấy cây bút sinh viên của mục này : Quỳnh Couteau của Khoa học, Thảo gàn của Nha khoa, Thu hippy duờng như văn khoa..
Tôi viết truyện tình cho báo Tiếng Vang. Tôi có thói quen mua từng ram giấy pelure đủ mầu và viết bài trên đó. Tương đối tôi viết khá dễ dàng. Đặt bút là viết. Hiếm khi sửa lại hay bôi xoá. Để bài mình đuợc.. đăng nhiều và liên tiếp, tôi lấy khá nhiều bút hiệu. Nhưng tôi biết nhà văn Thanh Nam, nguời phụ trách trang đó biết là cùng một nguời .Vì cùng một nét chữ, cùng cách sử dụng giấy pelure hồng, vàng .. Tiếng Vang gửi nhuận bút 500/bài, Chinh Luân thì cao hơn 800/bài . Sau này tôi lai rai nhảy qua Sóng thần của Chu Tử..
Tôi nhớ duờng như sau một năm tôi có bật mí trong một truyện , các bút hiệu 1,2,3,4 …đều chỉ là một nguời ! Có điều vui là ….các độc giả cũng ái mộ , gửi thư đến toà soạn ..xin làm quen . Vui hơn nữa là khi tôi đến toàn soạn lãnh nhuận bút gặp cô con gái chủ nhiệm Quốc Phong Cô này lúc đó thay thế nhà văn Thanh Nam phụ trách trang Truyện tình của bạn .Không biết sao chỉ gặp lần đầu, nhìn xa xa mà cô rất thích tôi . Hôm sau xuất hiện trên báo giòng nhắn tin của cô “ PQ, hôm qua PQ đến mà chị không dám ra nói chuyện vì đang đau mắt.Nhưng thấy PQ xinh quá , giọng bắc thật dễ thưong.. “ Giời ạ, sau dòng nhắn của cô thì …thơ của độc giả ái mộ gửi đến quá xá luôn. Tất nhiên tôi vẫn dấu nhẹm mọi nguời trong gia đình. Nếu không, bố tôi cho ăn chổi chà về tội không học, lo viết chuyện đăng báo ! Thực ra tôi vẫn chăm học. Viết truyện tình ngắn với tôi..dễ ẹt ! Chỉ mất chừng một giờ . Mà lại có 500 hay 800 để đãi bạn bè ăn hàng thì cũng thú vị . Tiếc là sau này Tiếng Vang tự đình bản và tôi quay qua viết cho Sóng Thần hay Dân Luận.
Hồi đó sinh viên chúng tôi hay ra thư viện để học. Thư viện khoa học thì nhỏ, múôn có chỗ phải đi sớm. Chỉ có tiện là ngay trong truờng thì sau đó vô giảng đường , không mất thời gian di chuyển . Còn thư viện đẹp là của ĐH Vạn Hạnh nhưng tôi ít đến vì xa nhà. Hai thư viện gần là TV Văn hoá Đức và Hội Việt Mỹ
Thư viện Văn hoá Đức nằm trên đường Phan Đình Phùng. Nhỏ thôi. Có máy lạnh. Nhưng ..tệ hại là không có nguời giữ xe. Xe cứ khoá để trong sân.Thư viện lại ở trên lầu . Và tại đây, tôi có những kỷ niệm vừa vui vừa buồn . Những kỷ niệm nho nhỏ ..
Thư viện bé nên chỉ một thời gian, những sinh viên hay lui tới đều biết mặt nhau . Tôi còn nhớ có một sinh viên già nhất, rất lập dị. Anh để hàm râu dài và xôm xoàm. Nghe nói anh đang học Luật . Gặp tôi vài lần ở cầu thang , mỉm cuời với nhau và thế là quen.
Có lần tôi ngồi học và có cảm tuởng ..Tôi nhìn sang thấy anh ở bên kia và .. đang vẽ ký hoạ tôi .Khi ra về, anh đưa và hỏi “ Hôm nay anh thấy em dễ thưong lắm. Em đã lấy mất một buổi học của anh. Vì .. vẽ em .. “ Có khi anh bảo tôi “ khi nào em lấy chồng, nhớ báo anh nhé “ “Anh sẽ mừng gì ?” “ một tạ muối “ “ Kỳ vậy “ “ Cho tình nghĩa vợ chồng của em đậm đà như muối ..”
T, bạn cùng Khoa học cũng hay đến đây.T đến vì tôi chứ không vì thư viện vì nhà T xa . Lắm lúc cũng chẳng học, vẽ hay viết lăng quăng mấy câu nho nhỏ gì đó cho tôi.
Rồi tôi bị mất xe ở đây. Hôm đó tự nhiên thấy nguời rất khoẻ và sáng suốt. Tôi say mê học. Thư viện về hết, chỉ còn mình tôi . Khi xuống thì chẳng thấy Honda , chiếc Honda mới toanh do gia đinh mới mua, giá 72. 000 đ ( luơng giáo sư lúc đó 23.000 ). Tôi hoảng hốt xuống phòng duới của bảo vệ, hỏi rất ngây thơ :
-Bác thấy xe cháu đâu không ?
Bác cuời :
- Không ? chắc lại bị ăn cắp rồi ?
Tôi tái mặt. Bác nói tôi đi khai báo. Tôi đi bộ đến bót cảnh sát trên đường Mạc Đĩnh Chi gần đó. Lão cảnh sát thấy ghét. Lão ghi chép xong lời khai rồi cuời cuời:
-Thế cô có biết ai lấy xe cô không?!!!
Tôi đi bộ từ đó về nhà ở Gia Định. Thấy con đi về , không có xe, cha mẹ hỏi. Mếu máo. Bố mắng tơi bời. Mẹ thì không .
Tôi nằm trên gác khóc súôt. Sao .. nguời ta ác thế ? sao ăn cắp xe của tôi ? Khoá rồi mà ?? ngày đó tôi ngây thơ và gà tồ kinh khủng..
Không thấy tôi đi học hay đến thư viện VH Đức, T tìm đến nhà. Thấy mắt sưng, T hỏi. Rồi thì T “ Tôi sẽ đi hỏi cho LC.Tôi quen tên đầu đảng , trùm ăn cắp xe ở vùng ..” Tôi tròn mắt ??? T, anh chàng đẹp giai, thông minh, đàn hay , vẽ gỉoi ..quen trùm du đãng ????!!!!!!! Thấy tôi tròn mắt, T chỉ cuời.
Hôm sau T quay lại “ Bạn tôi không tìm đuợc vì không phải vùng nó kiểm soát. tụi nó rã xe nhanh lắm “
Tôi nghỉ học mấy bữa. T lại tìm đến :
- LC à, LC lấy xe PC của tôi đi học đi ? Tôi còn cái Mini Vespa mà ?
Tôi đỏ mặt. T là vậy. Muốn nói gì là nói. Chẳng ngán ai ?
Còn Hội Việt Mỹ thì thư viện to, đẹp . Đa phần tôi viết truyện tình đăng báo ở đây ! Nhớ lại cũng vui. Khi báo đăng, tôi cắt và đem vào truờng cho bạn xem . Bạn gái xem thì ít (nhỏ Mai không có tâm hồn văn chuơng ) nhưng T xem thì nhiều. Có khi ..ngang đến độ …bỏ giờ học, ngồi ở thềm của lớp để xem truyện cuả tôi ! Bởi thế mấy chục năm sau , có nguời nghi ngờ , đoán rằng T, bạn ông ấy cũng chính là T ngày xưa của Khoa học, đã mét T . T tìm đọc và đã nhận ra văn phong của tôi . “ Văn LC lúc nào cũng vậy. Vẫn rất nhẹ nhàng , thơ mộng “
Văn vẫn vậy nhưng cuộc đời thì không vậy ?? bao nổi trôi sóng gió cho cô nhỏ đuợc một số ông ở khoa học gọi là “nguời có đôi mắt đẹp nhất phòng Hoá “ !!
Tình hình chiến sự ngày một leo thang . Tôi nhớ những sư kiện đăc biệt
- Vụ đầu cơ gạo của thương buôn Tàu và Tuớng Kỳ đã “chơi ngon “, ra lịnh xử tử Tạ Vinh. O^ng tuớng này thuộc loại võ biền, ruột để ngoài da, phát biểu như cao bồi Texas . Chẳng cần biết sau này Tạ Vinh có bị xử tử thật hay không nhưng lập tức vụ gạo đuợc ổn định.
- Năm nào đó tôi tẩy chay không đi bầu khi Tuớng Thiệu độc cử !
Vật giá ngày leo thang luôn. Thì như đã nói, quân Mỹ xài phung phí, me Mỹ xài vung vít. Chỉ còn giới trung lưu như giáo chức là khốn đốn .
Tôi vẫn sống trong tháp ngà . Chiến tranh có làm suy tư thì chỉ trong phút chốc. Việc học cuốn hút. Và những ngày thứ bảy cuối tuần vẫn vi vút dạo phố Saigon ăn quà . Tuổi học trò thích nhất là ăn hàng . Tiền bố phát hàng tuần eo hẹp lắm vì nhà giáo mà. Nên tôi đã bổ sung ngân quỹ ăn hàng bằng các bài viết cho Tiếng Vang, Sống,Chính luận ..
Thời tiết Saigon ngày ấy không như bây giờ. Vì tôi nhớ đi học phải mặc áo dài suốt ngày. Nhà xa, sáng học thực tập, trưa ở lại và chiều học lý thuyết. Có lẽ ảnh hưởng thời tiết chung toàn thế giới và cũng vì Saigon .. không qúa đông như bây giờ ?
Mấy cô bạn Gia Long cũ, bỏ đi làm từ khi đậu tú tài thì có cô vô Ngân hàng, lương rất cao. Cô thì làm cho hãng Pháp, luơng coi như khoảng một lượng vàng/ một tháng.Lương chuẩn uý gần một lượng .
Quân nhân đuợc mua hàng rẻ gọi là quân tiếp vụ. Đa số mua xong , đem ra ngoài bán lại cho con buôn. Hồi đó có phong trào làm cho sở Mỹ vì lương rất cao ..
Thanh niên sinh viên lai rai biểu tình. Cứ biểu, cảnh sát biết hết ai là ham vui, ai là Cs nằm vùng ..
Tôi chưa bao giờ tham gia hay đi xem. Vì chăm học quá mà ? Nhưng đừng nghĩ rằng không nghe tiếng đại bác trong tháp ngà ! vẫn nghe đấy chứ. Cũng có những niềm riêng khắc khoải. Nhưng mục tiêu phía truớc phải đạt cho xong ..
Tôi ra truờng năm 71. Thân cư Mệnh nên suốt đời tự lo. Họ hàng, cha mẹ không giúp . Dù quen biết nhiều. Tôi viết bài Ba lần văn bằng cử nhân đi xin việc làm đăng trên Chính Luận. Nhà báo noi láo ăn tiền.Bi thảm hoá thêm. Chàng Giám Đốc Nha Viện Trợ trực thuộc Tổng Nha Kế Hoạch viết thư mới cô cử đến cộng tác.
Thế là hết những ngày lang thang sân truờng đại học. Hết những ngày khúc khích với anh trên đường Phùng Khắc Khoan , nghe lá me xanh reo trên tầng cao, hết những chiều thứ bẩy cùng cô bạn thân ăn hàng chợ Saigon , hết những ngày trong giảng đường nhỏ giờ Thầy Thới, nghe đuợc cả tiếng muỗi vo ve, hết cả những giờ xem hai phe chống và thích ruợt nhau trong sân truờng khoa học
Tôi bắt đầu vào đời.Từ ấy ..2201633656_cb816f9d30_o
Saigon của tôi …có những nét khác hơn của thuở học trò .Nhưng vẫn là Saigon của mưa nắng hai mùa, của áo lụa Hà Đông giữa trưa hè nóng bỏng, của tiếng chuông chùa Xá Lợi ngân nga. Của giáo đường nhà Thờ Đức Bà tung bay muôn mầu áo chiều chủ nhật
Saigon với áo dài tha thuớt . Áo Saigon không biết ngồi sau lưng Honda hai bên như bây giờ. Áo Saigon không biết phóng xe ào ào như bây giờ .. Ao Saigon không cuời hô hố trên đường phố như bây giờ . Áo Saigon không cong cớn như bây giờ . .2370295885_a4e9f95409_o
Và tôi , bao năm tháng trôi qua, vẫn một niềm hoài vọng về .. Saigon ngày ấy ..
Xin trả cho tôi nắng Saigon
Thênh thang đường phố lụa Hà Đông
Xin trả cho tôi mưa ngày ấy
Và trả cho tôi cả cuộc tình ..

2008-03-14 04:15:29
Hoàng Lan Chi

No comments:

Post a Comment