Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 5 April 2014

NGUYEN AN NINH

Nguyễn An Ninh

Một nhà báo, nhà trí thức trẻ tân học tầm cỡ và là một lãnh tụ cách mạng hàng đầu trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy trẻ tuổi nhưng Nguyễn An Ninh sớm trở thành một trong những biểu tượng hàng đầu của giới trẻ dấn thân vào mục tiêu dân chủ và cứu nước.
Năm sinh: 1900
Quê quán: Làng Long Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Nước: Việt Nam
Lĩnh vực: Báo chí, Luật, Cách mạng

Cuộc đời hoạt động: 

- Ông sinh ngày 15/9/1900. Thân phụ là Nguyễn An Khương, nhà nho yêu nước tham gia các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân. Là người sáng lập Khách sạn Chiêu Nam Lầu cuối thế kỷ 19 ở số 49 đường Kinh Lấp Sài Gòn, đây là cơ sở kinh tài của phong trào Đông Du ở phía Nam. Là nhà giáo, dịch giả nhiều truyện Tài và từ điển Khang Hy. Là chủ sự tờ Lục Tỉnh Tân Văn của Trần Khánh Chiếu. Bị bắt vì liên can trong phong trào Minh Tân của Trần Khánh Chiếu. Tên ông được đặt cho một con đường ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh.
- Thân mẫu ông là Trương Thị Ngự, là người điều hành khách sạn Chiêu Nam Lầu, giúp đỡ phương tiện và tiền bạc cho thanh niên xuất dương trong phong trào Đông Du. Được truy tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
- 1900 - 1910: Sống với ông ngoại tại quê ở làng Long Thượng. Học chữ Nho, học hết Tứ Thư Ngũ Kinh.
- 1910 - 1916: Lên Sài Gòn sống với cha mẹ tại Chiêu Nam Lầu. Học tiểu học tại trường Dòng Taberd.
Học trung học tại trường Chasseloup Laubat, rất giỏi Pháp văn, tốt nghiệp hạng ưu trung học cơ sở (bằng Brevet élémentaire). Được tuyển thẳng vào trường Cao Đẳng Hà Nội, trong thời gian chờ nhập học được nhận làm phóng viên tập sự viết “tin vỉa hè” ở báo Courrier Saigonnais.
- 1916 - 1918: Học trường Cao Đẳng Luật Hà Nội. Đang học năm thứ hai, nhân kỳ nghỉ hè về thăm cha đã trốn sang Pháp học, đi không hộ chiếu, nhà trường không hay biết.
- 1918 - 1920: Học Luật ở Đại Học Sorbonne Paris. Sống tự túc, ở trong khu công nhân Việt Nam, được thương mến vì học giỏi, sống chan hoà. Học chuyên cần sau hai năm đoạt bằng cử nhân Luật. Kết thân với các bậc cha chú như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường ở số 6 Villa des Gobelins, sau đó kết thân với Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền. Thường xuyên dự các cuộc diễn thuyết của các trí thức tiến bộ Pháp, kết bạn với một số nhà văn, nhà báo Pháp.
Đỗ Cử nhân xong thì thân phụ gọi về nước hỏi vợ.
- Tháng 7/1920: Đi Pháp lần hai. Tiếp tục học về chuẩn bị luận án tiến sĩ với đề tài “Tính dân chủ ở các làng xã Việt Nam”.
- Tháng 8/1920 - tháng 10/1922:
. Thường được cụ Phan Châu Trinh nhờ làm phiên dịch khi cụ gặp nhà cầm quyền Pháp.
. Thường gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc (NAQ), cung cấp cho NAQ tư liệu về tội ác thực dân Pháp ở Đông Dương.
. Sau đại hội Tours thành lập ĐCS Pháp, từ nghiên cứu Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền chuyển sang nghiên cứu Tuyên ngôn của ĐCS, nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin.
. Mở rộng tiếp xúc với các trí thức tiến bộ và các nhà lãnh đạo ĐCS Pháp. Gia nhập Hội người Việt Nam yêu nước, Hội liên minh nhân quyền, Hội liên hiệp thuộc địa.
. Viết bài cho các báo La Tribune Annamite, Le Libertaire, v.v…Cùng Nguyễn Thế Truyền biên tập hai số đầu tiên của báo Le Paria.
. Đến các nhà in học xếp chữ và học in. Lập đường dây bí mật với thuỷ thủ Pháp để đưa sách báo về nước. Làm đại lý đầu tiên của báo Le Paria, báo L’Humanité ở VN.
. Vào rừng ở ven Paris tập diễn thuyết và đi diễn thuyết ở các câu lạc bộ sinh viên Việt Nam, các hội quán Việt Kiều ở Pháp.
. Du lịch một số nước: Đức, Áo, Ý, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hà Lan để tìm hiểu đời sống người lao động và các phong trào cách mạng.
. Biết Nguyễn An Ninh sắp về nước, Paul Vaillant Couturier, uỷ viên Trung ương ĐCS Pháp, khuyên ông gia nhập ĐCS Pháp để về hoạt động đỡ khó khăn hơn, nhưng ông từ chối.
. Nguyễn An Ninh xin gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa báo tin chuẩn bị về nước và sẽ trở qua tiếp tục thi tiến sĩ. Bộ trường Albert Sarraut khuyên ông về nước hợp tác với chính phủ thì sẽ được bổ nhiệm làm quan to. Nguyễn An Ninh hỏi lại: “Vậy các ông có thể giao cho tôi chức Toàn quyền Đông Dương không?”

- Tháng 10 /1922 về nước. Dù đã viết xong luận án tiến sĩ, nhưng Nguyễn An Ninh không thi để sau này có lý do trở sang Pháp.

- 25/1/1923 Lần đầu tiên người trí thức 23 tuổi từ Pháp về ra mắt công chúng Sài Gòn bằng bài diễn thuyết tiếng Pháp tại hội quán Hội Khuyến học Nam Kỳ với chủ đề: “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”.

- Tháng 12/1923 Đi Pháp lần thứ ba.
. Mời Phan Văn Trường về nước cộng tác làm báo.
. Tranh thủ viết bài cho báo Le Paria vạch tội ác thực dân Pháp ở Đông Dương.
. Gặp lại Nguyễn Ái Quốc. Trao đổi về đường hướng cách mạng Việt Nam trước khi Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Nga.

- Tháng 8/1923 rời Pháp về nước.

- Tối 15/10/1923 Diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại Hội Khuyến học Nam Kỳ với chủ đề : “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam” (Thời đó dịch là “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam”). Bài diễn thuyết hết sức nổi tiếng, gây tiếng vang sâu rộng trong dư luận xã hội Nam Kỳ.
. Trong bài này, diễn giả bộc bạch: “Tôi có lòng ước mơ bằng Trời sẽ giúp cho tôi đủ sức và dư thì giờ để mà viết sách giúp cho đồng bào hiểu rõ tri thức Đông…Tây…”
. Nhà nhiếp ảnh Khánh Ký sau buổi diễn thuyết đã chụp ảnh chân dung Nguyễn An Ninh (nhìn nghiêng, chống tay lên má), ảnh được in nhiều lần hàng vạn bức, bán khắp Sài Gòn, lục tỉnh. Nguyễn An Ninh trở thành thần tượng của thanh niên và dân chúng Nam Kỳ thuở đó.
. Sau cuộc diễn thuyết nói trên, Thống đốc Nam Kỳ Cognacq mời Nguyễn An Ninh lên dinh Thống đốc đe doạ và tuyên bố “Không cần có trí thức ở xứ này. Nếu anh muốn làm tri thức thì hãy cút sang Moscou!”

- 10/12/1923 Báo “La Cloche Fêlée” (LCF) (Chuông Rè) ra số đầu tiên. Nguyễn An Ninh là sáng lập viên, giám đốc (chủ nhiệm) kiêm chủ bút, tự viết bài, đưa in, tự đi bán báo (Riêng chức quản lý, theo luật, phải nhờ một người quốc tịch Pháp đảm nhiệm). Trụ sở báo ở số nhà 29 đường Pierre Flandin, nay là Bà Huyện Thanh Quan.

- 14/7/1924 Báo LCF ra được 19 số thì phải tự đình bản vì bị chính quyền thực dân Pháp bóp chết bằng nhiều thủ đoạn tàn bạo, chưa báo nào thời đó khổ ải như vậy.

- 1924 Viết tác phẩm Pháp ngữ nổi tiếng “Nước Pháp ở Đông Dương”.

- Cuối 1924, Nguyễn An Ninh kết hôn với cô Trương Thị Sáu, một chủ tiệm may là người bạn đồng hành suốt cuộc đời ông.

- Tháng 1/1925 đi Pháp lần thứ tư.
. Đón cụ Phan Châu Trinh về nước theo thư yêu cầu của cụ gởi cụ Nguyễn An Khương. Cùng cụ Phan đi chào từ biệt bạn bè cụ ở Paris và diễn thuyết tố cáo chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương.
. Sách “Nước Pháp ở Đông Dương” xuất bản tháng 4/1925 tại Paris. In 2.000 cuốn, đem về nước 150 cuốn, còn bao nhiêu phát hành hết tại Pháp. Tác phẩm được Tạp chí “Europe” ở Paris đăng lại toàn văn. Tại Đông Dương, tác phẩm bị cấm lưu hành.

- Ngày 25/5/1925 Diễn thuyết tại hội quán “Sociétés Savantes” ở Paris , Nguyễn An Ninh tuyên bố: “Tôi không phải là cộng sản, không xuất thân từ giai cấp vô sản, nhưng tôi tán thành những nguyên lý cộng sản…Cách mạng sẽ nổ ra ở Đông Dương trong vài năm tới nếu không thay đổi thể chế hiện tại”.

- Tháng 6/1925 đưa cụ Phan Châu Trinh về tới Sài Gòn, được đồng bào đứng chật bến cảng đón tiếp nồng nhiệt.
. Đón cụ Phan về chăm sóc, chữa bệnh ở Hóc Môn. Sau đó đưa cụ đi Mỹ Tho, Trà Vinh để vận động tài trợ báo LCF tục bản và mở trường học, mở hội quán cho người yêu nước.
. Đưa cụ Phan xuống Sài Gòn ở nhà ông Huỳnh Đình Điển để gặp gỡ dân chúng. Sau đó lại đón cụ về Hóc Môn chăm sóc.
. Cùng Phan Văn Hùm xuống Mỹ Tho ra mắt Mai Văn Ngọc, một nhà trí thức ẩn dật. Ba người nguyện sát cánh để cho ra đời tổ chức “Thanh Niên CaoVọng” (TNCV).

- 26/11/1925 cho tục bản báo LCF (số 20) với sự tài trợ của nhà điền chủ yêu nước Nguyễn Huỳnh Điểu ở Trà Vinh. Mời luật sư Phan Văn Trường làm Giám đốc chính trị, Dejean de la Bâtie làm quản lý tờ báo. Lập nhà in riêng và tổ chức mạng lưới phát hành báo LCF đến tận tay độc giả, tăng số lượng phát hành từ 2.000 lên 5.000 tờ.
. Vừa làm báo, vừa đi sâu vận động quần chúng, tiếp tục tổ chức lớp trẻ và những người yêu nước vào TNCV để làm lực lượng nòng cốt khi cách mạng cần. Mở nhiều cuộc nói chuyện và diễn thuyết ở nhiều tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

- 21/3/1926 Diễn thuyết tại cuộc mit tinh ở đường Lanzarotte đòi tự do dân chủ.

- 24/3/1926 Lần đầu tiên bị chính quyền thực dân bắt giam. Tối hôm đó cụ Phan Châu Trinh từ trần.
. Từ trong tù, Nguyễn An Ninh đã tìm cách ngăn chặn Trần Huy Liệu và nhóm “Jeune Annam” manh động gây phong trào đòi thả Nguyễn An Ninh. Bàn với Trần Huy Liệu tổ chức chu đáo đám tang cụ Phan Châu Trinh.

- 29/3/1926 Báo LCF bắt đầu đăng “Tuyên ngôn Cộng sản” của Mác-Ăngghen theo đúng kế hoạch do Nguyễn An Ninh chuẩn bị, sắp xếp từ mấy tháng trước.

- 23/4/1926 bị Toà án sơ thẩm kết án về tội xúi dân làm loạn với mức án 2 năm tù. Chống án lên Toà phúc thẩm, rút xuống còn 18 tháng tù.

- 6/5/1926 Báo LCF đổi tên mới là “L’Annam” (nước Nam)

- 9/12/1926 Chức danh Giám đốc báo “L’Annam” được chuyển từ Phan Văn Trường sang Nguyễn Huỳnh Điểu là người tài trợ báo LCF tục bản.

- 7/1/1927 Nguyễn An Ninh được trả tự do sau gần 10 tháng ở tù lần thứ nhất tại Khám Lớn Sài Gòn.

- 14/3/1927 nhằm 11/2 âm lịch là ngày cụ Phan Châu Trinh mất, tổ chức cúng giáp năm cụ Phan, Nguyễn An Ninh tuyên bố trước hàng trăm ngàn người, mà nòng cốt là lực lượng TNCV tham dự lễ cúng: “Với tư cách là người đã từng sát cánh và hiểu sâu sắc tư tưởng của cụ Phan, tôi khẳng định “Pháp Việt đề huề” không phải là đường lối chính trị tư tưởng của Phan Châu Trinh.”

- 25/7/1927 báo “L’Annam” tạm đình bản vì Nguyễn An Ninh chuẩn bị đi Pháp sau khi trụ sở báo bị mật thám lục soát, tịch thu sổ sách, bắt giam giám đốc Nguyễn Huỳnh Điểu, đại diện biên tập Nguyễn Khánh Toàn và quản lý Nguyễn Văn Long. Lý do: báo phản đối lệnh cấm truy điệu cụ Lương Văn Can.

- 8/8/1927 Đi Pháp lần thứ năm.
. Nhờ bạn bè Pháp và lãnh đạo ĐCS Pháp hỗ trợ phong trào yêu nước ở Đông Dương.
. Hỏi thăm tin tức Nguyễn Ái Quốc.
. Đón Nguyễn Thế Truyền về nước.
. Dự trại hè sinh viên Việt Nam ở Pháp tại thành phố Aix-en-Provence.

- Cuối 1927 Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền được lãnh đạo ĐCS Pháp tổ chức gặp Nguyễn Ái Quốc, nhân dịp Nguyễn Ái Quốc ghé qua Paris trên đường đi dự Hội nghị quốc tế các tổ chức cách mạng tại Bỉ. Đây là lần gặp nhau cuối cùng của ba người bạn thân.

- 6/1/1928 Về đến cảng Sài Gòn cùng gia đình Nguyễn Thế Truyền. Đưa ông Truyền cùng vợ và hai con gái về sống chung tại nhà ở Hóc Môn.

- 12/1/1928 Cho tục bản báo “L’Annam” với ban biên tập mới là Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn An Ninh.

- Tháng 12/1928 bất ngờ chia tay với Nguyễn Thế Truyền sau khi vợ ông Truyền bị rắn cắn suýt chết, ông thu xếp đưa gia đình về quê ở miền Bắc sinh sống.

- 2/2/1928 Cho báo “L’Annam” tự đình bản sau số cuối cùng, số 182, vì Ban biên tập thiếu Nguyễn Thế Truyền trong lúc Nguyễn An Ninh tập trung lo hoàn chỉnh tổ chức TNCV.

- Tháng 2- tháng 8/1928 cùng Phan Văn Hùm đi các tỉnh miền Tây tiếp tục thu hút quần chúng tiến bộ vào tổ chức TNCV, làm cho TNCV có mặt khắp Nam Kỳ. Để che mắt mật thám, hai ông Ninh, Hùm cạo trọc đầu, đem theo trong hành trang nhiều sách kinh Phật. Vì thế mà có dư luận Nguyễn An Ninh đi tu.

- Tháng 6/1928 Viết xong và cho in vở tuồng “Hai Bà Trưng”, một hình thức nguỵ trang làm tài liệu học tập cho hội viên TNCV, đánh số từ 1 đến 4.000 ở trang 2, có chữ ký của tác giả tặng cốt cán TNCV.

- 28/09/1928 tại ga Bến Lức trên đường về Sài Gòn hai người bị bọn tuần tra xét giấy thuế thân. Phan Văn Hùm bị bắt vì đánh tên cai Trần Văn Nên. Nguyễn An Ninh không bị bắt, nhưng hai ngày sau đó có trát đòi.

- 2/10/1928 Sau mấy ngày bị trát đòi, biết không thoát được, Nguyễn An Ninh sắp xếp công việc xong, đã đến phòng bồi thẩm trình diện.

- 8/5/1929 Bị Toà tiểu hình Sài Gòn kết án 3 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân và 1.000 quan tiền phạt về tội chủ mưu lập “hội kín”. Chống án lên Toà đại hình, xử phúc thẩm ngày 17/7/1929 vẫn y án sơ thẩm.

- Thời gian Nguyễn An Ninh bị giam, Thống đốc Nam Kỳ cho mời bà Nguyễn An Ninh lên gặp, dụ dỗ: nếu bà khuyên chồng từ bỏ hoạt động chống chính phủ thì sẽ được chúng chu cấp nhà lầu, ruộng đất. Bà Ninh từ chối.

- 1928-1931 Ở tù lần thứ hai tại Khám Lớn Sài Gòn.
. Trong tù đã ở chung với Phạm Văn Đồng gần một năm (tháng 7/2029- tháng 6/2030) tại khám số 7 (gọi là khám Ninh). Hai người thường xuyên tranh luận với nhau về học thuyết Mác-Lênin, về đường lối cách mạng Việt Nam, ngày càng hiểu nhau, tin nhau. Nhờ có Nguyễn An Ninh, Phạm Văn Đồng và Châu Văn Liêm được NAQ từ nước ngoài cử về nước để chuẩn bị thành lập ĐCS. Vì vậy Nguyễn An Ninh đã dặn bà Ninh giới thiệu cốt cán TNCV cho Châu Văn Liêm tuyển chọn kết nạp vào An Nam Cộng Sản Đảng cuối 1929. Châu Văn Liêm mời cả hai ông bà Nguyễn An Ninh vào Đảng, nhưng ông bà đều từ chối.
. Nhờ được sự cảm phục của cai lính và nhân viên Khám Lớn nên Nguyễn An Ninh đã tổ chức được đường dây bí mật liên lạc giữa tù chính trị trong khám với bên ngoài.

- 3/10/1931 Ra tù sau khi bị giam đúng hạn 3 năm.
. Cuối 1931 Tiếp đoàn nhà báo Pháp do bà André Viollis dẫn đầu đến Sài Gòn.

- 1931-1932 Qua đường dây bí mật liên lạc giữa Khám Lớn Sài Gòn với bên ngoài, giúp Xứ uỷ Nam Kỳ và Trung Ương ĐCSĐD lúc đó phần lớn bị giam ở Khám Lớn nối liên lạc với các đồng chí còn lẩn trốn bên ngoài.

- 6/1932 Việt xong, đưa xuất bản sách “Tôn giáo”. Ở trang cuối sách này, Nguyễn An Ninh ghi: “Quyển Tôn giáo đây đóng số 1, các quyển ra nối theo sau đánh số 2,3,4, v.v…, tôi sẽ hiệp lại đặt tên là bộ sách “Sao Mai”.

- 1932 Nhận viết báo “Trung Lập” theo lời mời của Trần Thiện Quý và Nguyễn Văn Tạo.

- Từ giữa 1932 trở đi: Cùng Nguyễn Văn Trân cải dạng làm người đi bán dầu cù là suốt gần 3 năm 1932-1935 để giao lực lượng TNCV cho ĐCS tuyển chọn kết nạp vào Đảng.

- 24/4/1933 Sáng lập và điều hành báo “La Lutte” bằng tiền nhà để tuyên truyền vận động bỏ phiếu cho liên danh Nguyễn Văn Tạo (gọi là “Sổ lao động”) ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ra được 4 số báo, mỗi số in 10.000 tờ đến 2/6/1933 thì tự đình bản vì hết tiền và xong bầu cử.

- 8/1933 Tiếp đón bạn thân là Paul Vaillant Couturier uỷ viên Trung ương ĐCS Pháp (người mời Nguyễn An Ninh vào ĐCS Pháp năm 1920, nhưng Nguyễn An Ninh từ chối) dẫn đầu một phái đoàn đi dự Hội nghị Quốc tế bảo vệ hoà bình ở Thượng Hải ghé lại Sài Gòn. Nguyễn An Ninh cung cấp cho đoàn tình hình thực dân Pháp khủng bố phong trào Cộng sản ở Việt Nam, hướng dẫn đoàn đi tiếp xúc với các giới. Nhờ đó ĐCS Pháp đã báo cáo đề nghị Quốc tế Cộng sản giúp đỡ ĐCS Đông Dương.

- Đầu năm 1934 tiếp đón hướng dẫn phái đoàn Quốc Tế Cứu tế Đỏ do Gabriel Péri, nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp dẫn đầu đi khắp các xí nghiệp Sài Gòn Chợ Lớn suốt một tháng điều tra tình hình công nhân, tình hình tù chính trị trong Khám Lớn và ở các tỉnh. Đoàn đã thông qua Nguyễn An Ninh bí mật chuyển tiền và tài liệu của Quốc tế Cộng Sản gởi ĐCS Đông Dương.

- 4/10/1934 Báo “La Lutte” bộ mới tục bản từ số 5, tiếp nối 4 số “La Lutte” trước, sau khi Nguyễn An Ninh làm trung gian giữa nhóm Cộng Sản hoạt động công khai và nhóm Trốt kít cùng muốn báo này tục bản bằng tiền và nhà in của nhóm Trốt kít. Hai nhóm cam kết không đả kích nhau và tuân thủ một số điều kiện khác vì lợi ích chung của dân tộc.

- 4/1935 giúp vận động bỏ phiếu cho liên danh của nhóm “La Lutte” ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn và Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.

- 1935-1936 Thường xuyên hoà giải bất đồng giữa hai nhóm Cộng sản và Trốt kít trong nội bộ báo “La Lutte” để trên mặt báo không vi phạm những điều đã cam kết.

- 5/1936: Đề xuất tại một cuộc họp của nhóm “La Lutte” sáng kiến triệu tập Đại Hội Đông Dương có tất cả các thành phần yêu nước tham gia nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp xã hội tập trung mũi nhọn đấu tranh chống âm mưu gây chiến cảu bọn đế quốc câu kết với phát xít.

- 7/1936 Viết lời kêu gọi “Tiến tới một Đại Hội Đông Dương” đăng báo “La Lutte” ngày 29/7/1936. Trước đó Nguyễn An Ninh bí mật đề nghị được Xứ uỷ Nam Kỳ nhất trí: Khi báo đăng lời kêu gọi thì cấp ủy các địa phương đồng loạt lập các Uỷ ban Hành Động có nhiệm vụ thu thập nguyện vọng quần chúng và phát động phong trào quần chúng đấu tranh công khai do Đảng lãnh đạo. Qua đó tranh thủ xây dựng cơ sở Đảng khắp nơi.
. Nguyễn An Ninh đảm nhiệm vai trò hạt nhân trong Uỷ ban Hành Động Trung ương, lôi kéo các phe nhóm, làm nòng cốt trong phong trào công khai, hoạt động chủ yếu ở Sài Gòn Chợ Lớn và một số xí nghiệp lớn.
Kết quả chưa đầy hai tháng đã có 600 Uỷ ban Hành động cơ sở ra đời; cuộc vận động Đại Hội Đông Dương phát triển thành một cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo trong những năm 1936-1939.

- 21/9/1936 Thống đốc Nam Kỳ ra tối hậu thư buộc Nguyễn An Ninh nộp “tập thỉnh cầu” do Uỷ ban Hành Động Trung Ương soạn thảo và chấm dứt hoạt động của các Uỷ ban Hành động.

- 24/09/1936 Báo “La Lutte” đăng bài của Nguyễn An Ninh vạch “sự ngoan cố của chính phủ Nam Kỳ trong việc ngăn cản Đại Hội Đông Dương bằng mọi giá”. Nguyễn An Ninh tuyên bố: “Các dân tộc Đông Dương chỉ còn biết dựa vào chính sức mình để cải thiện số phận của mình”.
Đồng thời dưới măng sét, báo loan tin bằng hàng chữ to: “Báo động! Lệnh đàn áp đã ban hành” để các địa phương và cơ sở cảnh giác đối phó.

- 28/09/1936 bị bắt giám ở Khám Lớn Sài Gòn, Nguyễn An Ninh vào tù lần thứ ba.

- 26/10/1936 bắt đầu tuyệt thực cùng với Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu để phản đối việc bị giam gần một tháng không xét xử.

- 5/11/1936 được thả cùng với Tạo, Thâu sau 11 ngày nhịn ăn và ngày cuối nhịn uống trong lúc phong trào ủng hộ Ninh, Tạo, Thâu vang dội trong cả nước và bên Pháp.

- Đầu 1937 viết xong quyển “Phê bình Phật Giáo” và bắt đầu viết quyển “Phê Bình Khổng Giáo”.

- Tháng 3/1937 bắt đầu viết nhiều bài bút chiến với Tạ Thu Thâu trên báo “La Lutte” sau khi nhóm Trốt kít vi phạm cam kết, viết bài đả kích Liên Xô và Mặt trận Bình dân Pháp và sau khi Tạ Thu Thâu bác bỏ lời Nguyễn An Ninh kêu gọi đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Nhân dân Đông Dương.

- Đầu tháng 5/1937 Nguyễn An Ninh cùng Nguyễn Văn Nguyễn đi các tỉnh miền Tây vận động tài chính ủng hộ ĐCS ra báo “L’Avant-Garde”.

- 7/5/1937 hai ông có mặt ở Càng Long, tỉnh Trà Vinh đúng lúc Đảng bộ Cộng sản ở đó tổ chức quần chúng biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao Động.Vì vậy bọn cầm quyền vu cáo, kết tội hai ông xúi giục dân chúng biểu tình.

- 14-15/5/1937 Nguyễn An Ninh cáo bệnh, trốn trong vùng Hóc Môn khi có hai trát liên tiếp buộc ra hầu toà.

- 21/5/1937 bị Thống đốc Nam Kỳ phát lệnh truy nã toàn Nam Kỳ và thông báo cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ biết, Nguyễn An Ninh vẫn trốn vì viết bài đăng báo “L’Avant-Garde” trả lời ý kiến Hà Huy Tập.

- Đầu tháng 9/1937 từ Hóc Môn lánh xuống Bến Lức, tỉnh Chợ Lớn.

- 5/9/1937 bị bắt tại nhà ông Hội đồng Võ Công Tồn ở Bến Lức, Nguyễn An Ninh vào tù lần thứ tư, toà kêu án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ, chống án rút xuống còn 2 năm tù, 5 năm biệt xứ về tội xúi giục dân chúng biểu tình.

- Tháng 5/1938 Quyển “Phê bình Phật Giáo” được bà Nguyễn An Ninh nhờ Nhà xuất bản của Xứ uỷ Nam Kỳ là Đông Phương Thư xã in và phát hành.

- 18/2/1939 mãn hạn tù giam, tiếp theo bị biệt xứ ở Mỹ Tho. Đưa cả gia đình cùng về sống ở Mỹ Tho, cạnh trụ sở Đông Phương Thư xã.

- Tháng 4/1939 từ chối đề nghị của đại diện Xứ uỷ Nam Kỳ Nguyễn Thị Minh Khai xuống Mỹ Tho mời Nguyễn An Ninh đứng tên vào “Sổ Dân chúng” ứng cử vào Hội đồng QUản hạt Nam Kỳ. Nguyễn An Ninh từ chối vì trong “Sổ Dân chúng” có cả Nguyễn Phan Long. Đồng chí Minh Khai phải xuống gặp lần thứ hai, Nguyễn An Ninh dù không tán thành nhưng vẫn “chấp hành quyết định của Xứ uỷ”, ra ứng cử trong liên danh “Sổ Dân Chúng”.

- 4/10/1939 bị bắt khi đang bị quản thức (án biệt xứ) tại Mỹ Tho trong bối cảnh vừa bùng nổ chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp khủng bố hàng loạt, bắt giam hầu hết các nhà cách mạng không phân biệt xu hướng chính trị. Đây là lần thứ năm Nguyễn An Ninh bị bắt vào tù.

- 27/7/1940 bị Toà án Quân sự xử kín, kêu án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ về tội gây rối trị an.

- 10/12/1940 Bị đày ra Côn Đảo.
. Trong nhà tù Côn Đảo, khi đang lâm bệnh nặng, Nguyễn An Ninh đã hai lần kiên quyết từ chối lời mời của bọn Nhật đi cùng Nguyễn Hoà Hiệp là sư trưởng “đệ tam sư đoàn” thân Nhật, theo lệnh của phát xít Nhật ra Côn Đảo mời Nguyễn An Ninh về hợp tác lập chính phủ thân Nhật ở Việt Nam.

- Tháng 7/1943 tại Sài Gòn bọn Nhật và Nguyễn Hoà Hiệp lại đến nhà bà Nguyễn An Ninh đề nghị bà ra Côn Đảo thăm ông Ninh, thuyết phục ông về hợp tác với Nhật lập chính phủ. Bà Nguyễn An Ninh đã từ chối dù nghe tin ông đang bị bệnh phù thủng nặng.

- Đầu tháng 8/1943 Nguyễn Hoà Hiệp cùng Phạm Hữu Đức, một tay sai khác của Nhật, lần thứ hai đến thuyết phục bà Nguyenx An Ninh ra Côn Đảo rước ông về đất liền chữa bệnh nếu ông đồng ý đứng ra lập chính phủ. Bà Nguyễn An Ninh vẫn kiên quyết từ chối.

- 14/8/1943, tức 14 tháng 7 năm Quý Mùi, Nguyễn An Ninh hy sinh tại Côn Đảo, hưởng thọ 43 tuổi. Cho đến lúc mất, ông đã 5 lần ở nhà tù của thực dân Pháp. 11 năm 6 tháng tù ở 20 năm biệt xứ, 10 năm mất quyền công dân.

- 1/8/1980 Nhà nước Cộng hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Nguyễn An Ninh danh hiệu liệt sĩ.

- Năm 1987, lần đầu tiên Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về Nguyễn An Ninh nhân kỷ niệm lần thứ 87 ngày sinh của Nguyễn An Ninh
- Tháng 9/2002, khánh thành xây dựng nhà Tưởng niệm Nguyễn An Ninh hơn 3000m2 tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm đã xuất bản
- Bài diễn thuyết tiếng Pháp "Cao vọng của thanh niên An Nam" (Vào đêm 15-10-1923 tại Hội Khuyến học Nam Kỳ (SAMPIC): mở đầu cho những hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh ở trong nước sau khi từ Pháp về, được coi như lời tuyên ngôn tranh đấu và có ảnh hưởng sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong giới trí thức, học sinh, sinh viên Nam Kỳ)
- Dân ước (dịch những đoạn chính trong quyển Contrat social của Rousseau vào năm 1923)
- Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine) (1925)
- Hai Bà Trưng (tuồng hát) (1928)
Qua vở tuồng hát, Nguyễn An Ninh trả lời những tư tưởng cách mạng như: “Tại sao Hai Bà Trưng chiêu binh khởi nghĩa đánh Tàu? Qua lời thoại của Hai Bà, ông dẫn giải: Giặc gây bao nhiêu tội ác vậy mà cứ đổ tại Trời. Trời có giải quyết được gì đâu, mình phải dựa vào sức mình, dựa vào dân đấu tranh mới sống được.
Ông rút ra những bài học thất bại của Hai Bà sau khi giành được độc lập, như:
- Sử dụng bọn quan lại cũ không có chọn lọc, tạo một lớp quan lại mới mà không có luật pháp kèm buộc chúng, vì vậy làm mất lòng tin của dân nghèo
- Thanh niên là chỗ dựa mai sau, là lớp người để đào tạo nhân tài, cần phải được giáo hóa, chớ đừng để kiêu căng không còn sợ ai, không chịu học hỏi tạo mối nguy cơ mất nước
- Phải lo khai phá đất nước để dân sống no đủ, nước nhà văn minh. Nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng biết trọng sự công bằng, thở lòng tương ái, đó là gương tốt cho nhân loại”
- Tôn giáo (1932)
Trong cuốn Tôn Giáo, ông đã phân tích về mê tín dị đoan như sau:
"- Người có tinh thần mạnh mẽ, nếu bị kẻ khác hiếp đáp thì chống cự lại. Nếu yếu sức thì dùng mưu trí, chế tạo ra công cụ máy móc hoặc bằng mọi cách để thắng kẻ bạo tàn.
- Còn người tinh thần yếu hèn thì đâm ra sợ sệt, luôn cúi nịnh bợ, hoặc tưởng tượng có sự che chở thần bí mê tín dị đoan.
- Cho nên trong nhân loại, dân tộc nào còn mê tín là dân tộc yếu hèn, bị kẻ xảo trá lợi dụng đầu óc mê tín để hãm hại. Người mê tín không thể nghĩ ra điều mới mẻ có ích cho nhân loại mà còn đi vào con đường lầm lạc…”

- Phê bình Phật giáo (1937)
- Bút danh Thông Reo phụ trách chuyên mục "Những điều nghe thấy" trên báo Trung Lập viết châm biết về những thói hư tật xấu ngoài xã hội.
- Bức thư trong tù đầu tiên ngày 4/5/1926
- Bức thư thứ hai trong tù năm 1940
- Bài thơ trong tù "Ngao cò cắn lộn, ngư ông thủ lợi"
- Bài thơ cuối cùng: Sống và Chết
Các tác phẩm đã xuất bản về Nguyễn An Ninh
- Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Trịnh Vân Thanh, NXB Hồn thiêng, Sài Gòn, 1966)
- Thân thế và sự nghiệp Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (Tủ sách sưu khảo Phương Lan, 1970)
- Nguyễn An Ninh–Dấu ấn để lại (Lê Minh Quốc, NXB Văn học, 1997)
- Cá tính miền Nam (Sơn Nam, NXB Trẻ, 1997)
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992)
- Từ điển Văn học (bộ mới) (Nhiều người soạn, NXB Thế giới, 2004)
- Nguyễn An Ninh - Tác phẩm (Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, NXB Văn học, 2009)
- Nguyễn An Ninh - Qua hồi ức của những người thân (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2009)
Quan điểm cách mạng

• Thuở sanh tiền, có nhiều người chất vấn để được biết ông ở lập trường nào: quốc gia hay cộng sản?
Ông trả lời: Chủ nghĩa xã hội là san bằng những cái bất công trong chế độ tư hữu. Nhưng vấn đề ấy chưa nên đề cập tới trong giai đoạn mà toàn dân nước Việt đang bị đè bẹp dưới gót sắt của quân thù. Các nạn ngoại xâm tuy đáng sợ thật, nhưng chưa đáng sợ bằng cái nạn chia rẽ giữa tình đồng bào ruột thịt. Để tránh cái nạn “cốt nhục tương tàn” mỗi người trong chúng ta phải nên nhớ: mình là một công dân trong khối dân tộc Việt Nam, có bổn phận phải chung lưng đoàn kết đấu tranh để đánh đổ thực dân, giành quyền độc lập, thoát ách ngựa trâu, đem lại vinh quang cho Tổ quốc…
•Từ chỗ phê phán phong trào nổi dậy của Phan Xích Long (1893-1916) là một thủ lĩnh hội kín chống Pháp "Thiên Địa Hội", Nguyễn An Ninh rút ra bài học đấu tranh cách mạng bằng bạo lực: “Chống trả lại một tổ chức đàn áp hiện đại ta phải có một tổ chức kháng cự hiện đại. Khi một giống nòi đã bị dồn đến tình thế chỉ có thể lựa chọn giữa cái chết hay là nô lệ thì xông vào cái chết là thể hiện tánh kiên cường. Người ta chỉ lên án bao lực khi nó chưa thiết yếu. Có những trường hợp bạo lực là con đường duy nhất thì ai cũng phải chấp nhận nó.”. Đó là phương châm hoạt động cách mạng của Nguyễn An Ninh, luôn tìm mọi cách tránh xung đột, tránh hy sinh vô ích, nhưng khi cần hy sinh thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng.
• Nguyễn An Ninh nói về nước Pháp, đất nước có cuộc Cách mạng tư sản dân quyền nổi tiếng: “Sự đàn áp đến với chúng tôi từ nước Pháp nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ nước Pháp”.
• Năm 1922, Nguyễn An Ninh đã nói với cha :
“Con làm luận án tiến sĩ cũng để có trình độ mong tìm ra hướng đi cho dân tộc mình.
Con muốn hiệp lực với Nguyễn Ái Quốc, kẻ trong nước, người ngoài nước. Con sẽ làm việc mà Nguyễn Ái Quốc chưa có hoàn cảnh để làm. Con sẽ đánh thức đồng bào còn đang mê ngủ. Sẽ làm cho họ hiểu bổn phận mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì, và theo ai. Rồi con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng…
- Nhưng con bắt đầu từ đâu?
- Con sẽ thử sức bằng một bài diễn thuyết. Điều lo lắng thứ nhứt của con là con còn quá trẻ, tiếng nói của con chưa biết có được đồng bào chấp nhận không?
- Nếu chấp nhận?
- Nếu chấp nhận thì con sẽ ra một tờ báo, con muốn làm cơn gió thổi bùng ngọn lửa yêu nước có truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Trên tờ báo con có thể dẫn giải mọi chuyện. Nếu khéo léo con sẽ nói được những điều mà ngày thường không ai dám nói. Tờ báo sẽ là của đông đảo quần chúng.
- Còn lo lắng gì nữa?
- Lo lắng thứ hai, bắt đầu từ đối tương nào? Với người Cộng sản, giai cấp vô sản là động lực cách mạng, phải bắt đầu từ vô sản. Còn con, con muốn bắt đầu từ lực lượng trí thức và thanh niên sinh viên. Họ sẽ là động lực cách mạng, tiếp thu kiến thức, giác ngộ lại cho giai cấp khác như nông dân, công nhân và mọi tầng lớp yêu nước khác…
• Sau này, ông nhắc lại với Nguyễn Thị Minh Khai về điều này: Từ khi tôi quyết định trở về nước hoạt động năm 1922, tôi chỉ có một mong ước: tôi chỉ làm cơn gió thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của dân tộc mình, một dân tộc có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm hàng ngàn năm. Còn bây giờ, tôi cũng chỉ có một mong ước, viết thật nhiều sách, viết những gì tôi đã học, đã hiểu biết để giúp cho những người kém may mắn không được đi học.
Hai lần diễn thuyết tại Hội Khuyến học Nam Kỳ
1. Tối ngày 25/1/1923, Nguyễn An Ninh xuất hiện trước công chúng tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, Sài Gòn với bài diễn thuyết “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”. Bài nói thăm dò dư luận quần chúng, thăm dò sự phản ứng của mật thám nên nội dung dẫn chuyện từ Tàu sang Tây, phải đề cao văn hóa tiến bộ phương Tây, rồi đi đến học để mở mang kiến thức, để biết suy nghĩ lựa chọn, chớ không phải học để làm quan, học như vậy đưa nòi giống đến họa diệt vọng.
2. Tối ngày 15/10/1923, Nguyễn An Ninh nói chuyện lần hai trước hội trường trật ních người của Hội Khuyến học Nam kỳ. Bài nói “Lý tưởng thanh niên An Nam” bằng tiếng Pháp chỉ rõ “văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, phải có niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam, sau đó khuyên thanh niên phải sống có hoài bão, ước mơ mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước, phải đấu tranh để đạt được ước mơ đó, phải dám ra khỏi nhà, quan sát cuộc sống quanh mình, mở tầm nhìn rộng, đem tài năng đưa dân tộc ta lên ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn. Thính giả cổ vũ bài nói cuồng nhiệt.
Trong bài diễn thuyết có đoạn:
- Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì dân tộc ấy không thể có độc lập thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc... Một dân tộc có nền văn hóa cao thượng thì mới nắm trong tay những đặc quyền mà những dân tộc với một nền văn hóa thấp kém hơn không thể có được. Như vậy, một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình.
- Học thức và lý tưởng phụng sự dân tộc là hai điều kiện tiên quyết để có tư tưởng dân chủ, không thể thiếu điều kiện nào. Có học thức mà không có lý tưởng phụng sự dân tộc chỉ trở thành một trí thứ "sĩ hoạn" mà thôi. Trái lại, có lý tưởng phụng sự dân tộc mà không có học thức thì dễ phạm sai lầm cực đoan, có thể làm tổn hại cho dân tộc!
- Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta.
- Tôi có lòng ước mơ rằng: Trời sẽ giúp cho tôi đủ sức và dư thì giờ để mà viết sách giúp cho đồng bào hiểu rõ tri thức của Cực Đông ta và trí thức của Âu Tây.
- Người nào đã sinh ra tự do, thì dù có bị bắt làm nô lệ họ cũng sống tự do. Ngược lại, một người đã sinh ra nô lệ, thì dù ngồi trên ngai vàng họ cũng là tên nô lệ.
Mục đích của báo Chuông Rè
•Sau bài diễn thuyết, Thống đốc Nam kỳ Cognacq và trùm mật thám Arnoux gọi Nguyễn An Ninh lên gặp. Khi Nguyễn An Ninh nói rằng mình đã nói đất nước cần tri thức và thanh niên An Nam cần có lý tưởng, Thống đốc đã gằn giọng: “Không cần tri thức ở đất này. Nếu anh muốn làm trí thức hãy sang Moscou mà làm. Anh định gieo hạt giống ở nước này, nhưng nó sẽ không bao giờ nảy mầm được đâu. Cái xứ Nam Kỳ này phải vâng lời tôi. Nếu anh không biết vâng lời, anh sẽ đón nhận những biện pháp cuối cùng. Từ nay tôi cấm anh tụ họp đông người và diễn thuyết.”
“- Vậy anh muốn làm gì? Làm chính trị, làm quốc sự à? Khám lớn đang mở rộng cửa và Côn Đảo cũng còn rộng chỗ cho anh đó. Những tư tưởng của anh là tư tưởng phiến loạn.
– Tại sao gọi là phiến loạn, tôi sẽ tranh luận cùng ngài. Chẳng lẽ tôi yêu mến nước Pháp, tôi muốn học hỏi điều hay về dân chủ, bình đẳng, công bằng, bác ái của Cách mạng Pháp, tôi truyền dạy những điều tốt đẹp đó với đồng bào tôi mà gọi là phiến loạn à? Thưa ngài, những việc làm của tôi chỉ để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào tôi mà thôi.

Cognacq thét lên:
– Nhưng tiếng chuông của anh chỉ là tiếng chuông nứt, tiếng chuông rè, hiểu chưa?
Nguyễn An Ninh thầm nghĩ: “Chuẩn bị ra tờ báo lấy tên gì thì ngài Thống đốc lại gợi giúp một cái tên “Chuông Rè”. Chuông rè lại hay hơn Chuông vang vì càng rè nó càng làm cho ngài Thống đốc nhức óc hơn.
• Ngày 10/12/1923, báo La Cloche Fêlée ra số đầu tiên. Dưới tên báo có dòng chữ “Cơ quan tuyên truyền những tư tưởng Pháp”, dưới dòng này có câu “Chúng ta là người Pháp. Tất cả những gì phóng khoáng, bao dung, cao thượng là thuộc về chúng ta”
• Trong bài “Vì sao tôi trở lại vị trí của mình trên báo Chuông Rè” ông viết: “Chúng ta phải mò mẫm tìm cho ra để chỉ cho dân tộc thấy con đường giải phóng… Ta phải hành động… Khoanh tay chờ đợi là tự sát… Đất nước này vẫn còn đang cần những tâm hồn tự do để làm nơi nương tựa cho những người nghẹt thở trong cơn hấp hối”.
• Nội dung buổi nói chuyện của Nguyễn An Ninh tại mít tinh ngày 25/5/1925 ở Hội quán Sociétés Savantes tại Paris là đường lối cách mạng của Nguyễn An Ninh: “Tờ báo mà tôi sáng lập tại Sài Gòn luôn bị cấm đoán, họ tìm cách buộc tội nó, họ buộc tội cộng sản, những ai chống lại họ đều là cộng sản. Đó là một sai lầm. Tôi không phải là cộng sản, không xuất thân từ giai cấp vô sản nhưng tôi tán thành những nguyên lý cộng sản. Bởi vì nếu đảng cộng sản lên cầm quyền ở Đông Dương thì đó là sự mở đầu cho Đông Dương được tự do hoàn toàn. Lúc đó sẽ loại bỏ được tất cả bọn tư bản đang bóc lột và làm kiệt quệ đất nước này.” Ông tuyên bố: “Cách mạng sẽ nổ ra ở Đông Dương trong vài năm tới nếu không thay đổi thể chế hiện tại”. Ông kêu gọi: “Sinh viên hãy hành động cho nền độc lập của Đông Dương. Phải có tự do báo chí hoàn toàn, quyền tự do đó sẽ được thực hiện bằng mọi cách, kể cả bằng bạo lực”
.
• Nguyễn An Ninh thông qua báo Chuông Rè đã đăng lần đầu tiên và đầy đủ bản Tuyên ngôn Cộng sản tại Việt Nam (năm 1926)
• Trong bài “Tiếng chuông cuối cùng” số cuối cùng ngày 14/7/1924, Nguyễn An Ninh viết :”Đâu có phải là tiếng chuông cuối cùng hay không? Phải, là vì tiếng chuông sẽ không còn ngân vang lên nữa. Nhưng đâu phải đây là cách duy nhất phục vụ đất nước. Đồng bào của tôi có thể tin chắc rằng tôi sẽ hoạt động bằng những phương cách khác có hiệu quả hơn nhiều cho việc mưu cầu lợi ích Tổ quốc của tôi. Trong bài báo hôm nay tôi không nói lời từ biệt độc giả”.
Tổ chức Thanh niên Cao Vọng:

•Nguyễn An Ninh tổ chức “Thanh niên Cao Vọng” với mục đích “Đồng bài nông thôn bị nhiều áp bức hơn. Họ bị sưu cao thuế nặng của chánh sách cai trị tàn bạo của thực dân, lại còn chịu sự bóc lột thậm tệ của địa chủ cường hào nên đã khiến người nông dân làm đến kiệt sức vẫn nghèo đói. Họ là số đông của dân tộc, lại là số đông thất học dốt nát, họ cần có người dẫn dắt họ. Vì vậy, việc cấp thiết là phải tổ chức họ lại, hướng dẫn họ đấu tranh”.
• Khi bà con hỏi Nguyễn An Ninh “Tụi nó có súng ống đạn dược tối tân, mình tay không lấy gì đánh lại?”
Ông giải thích: “Ở xứ Nam Kỳ này có gia đình nào không có con đi lính cho Tây. Cứ cho nó vô lính, biểu nó học bắn súng cho giỏi, đừng có hà hiếp đồng bào, phải nhớ mình là người Việt, dân tộc mình là Việt Nam, tụi tây là bọn xâm lược. Khi nào cách mạng cần đến thì đám con cháu mình sẽ là đội quân của cách mạng, dùng súng Tây bắn lại Tây”.
Họ hỏi tiếp: Trong khi chờ đợi phải làm gì? Ông Ninh giải thích: Bọn Tây nó muốn mình thất học để dễ sai bảo thì bây giờ mình phải học. Sẽ có người chỉ vẽ bà con học văn hóa để mở mang kiến thức, để hiểu cách mạng là gì, theo cách mạng thì làm gì?”.
• Thanh niên Cao Vọng là một tổ chức quần chúng yêu nước, không đảng phái chính trị. Thanh niên Cao Vọng có nghĩa là thanh niên sống phải có hoài bão lớn, có ước mơ cao đẹp.
- Tiêu chuẩn để kết nạp vào tổ chức là yêu nước, trung thành với tổ quốc, không phản lại tổ chức và đồng đội, không phân biệt đẳng cấp, tự nguyện và qua thử thách công việc.
- Trách nhiệm của từng thành viên là phải học văn hóa và chính trị, chấp hành sự phân công của tổ chức, không từ nan bất cứ công việc gì.
• Nguyễn An Ninh mong mỏi Thanh Niên Cao Vọng là lực lượng quần chúng sẵn sàng để Nguyễn Ái Quốc khi về nước tuyển chọn lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, từ năm 1929, các lực lượng nòng cốt của Thanh Niên Cao Vọng đã được giới thiệu qua Châu Văn Liêm tuyển chọn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng số cốt cán của Thanh Viên Cao Vọng được ước tính khoảng 7000 người, trong đó có hai anh em chiến sĩ cộng sản nổi tiếng Võ Văn Tần; ông Trương Văn Bang, người của Thanh Niên Cao Vọng nhỏ tuổi nhất, là Bí thư xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1933 và 1935-1936, lúc mới 22 tuổi.
• Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra trong “Sách lược vắn tắt của Đảng” một chủ trương quan trọng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông (Thanh niên, Tân Việt, phái Nguyễn An Ninh,…) để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp”.
• Châu Văn Liên là người trực tiếp nhận lực lượng Thanh Niên Cao Vọng đầu tiên từ bà Nguyễn An Ninh. Ông Võ Thành Mong, người của Thanh Niên Cao Vọng, đã giúp Châu Văn Liêm từ buổi đầu mở Đại hội thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929. Là xứ ủy viên Nam Kỳ của An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên.

Nói về ông ngày hôm nay
"Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại, là một trí thức tầm cỡ." (Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam)
"Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc, cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử.
... Cần phải đánh giá cho đúng một nhân vật có tầm vóc lịch sử như Nguyễn An Ninh". (Phạm Văn Đồng, đăng Sài Gòn Giải phóng ngày 14/8/1993 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất Nguyễn An Ninh)
Anh vào học Cao Đẳng Luật, lên năm thứ hai anh càng rõ dã tâm của bọn thực dân, những kiến thức mà chúng truyền thụ ở ngành Đại học Đông Dương chỉ nhằm đào tạo ra những tên tôi tớ cho chúng. Không thể hy vọng gì ở các trường Cao Đẳng Đông Dương tiếp thụ được những kiến thức ích nước, lợi dân.
Anh bỏ học ở Hà Nội, anh sang Paris, vào khoa Luật ở Đại học Sorbonne, quyết chí nắm được luật pháp của chúng để bênh vực nhân dân mình, đất nước mình.
Anh càng khâm phục sâu sắc chủ nghĩa nhân văn Pháp, kiên trì đấu tranh cho tự do tư tưởng, những tư tưởng của nhóm Bách khoa toàn thư Pháp đã chỉ đạo cho cuộc cách mạng vĩ đại tư sản Pháp và là nội dung chủ yếu của Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của cuộc cách mạng ấy. Anh muốn có một nhóm như kiểu nhóm Bách khoa toàn thư đặng xây dựng một nền văn hóa thấm sâu chủ nghĩa nhân văn, phát huy tinh thần văn hóa phương Đông. Những năm đầu hoạt động yêu nước, anh chủ trương cần phải có nền “học thức” cao rộng để nâng cao trình độ nhân dân, nhất là cho thanh niên, bồi dưỡng cho họ có lý tưởng cao đẹp dám hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đồng bào.
Tự anh, anh đi diễn thuyết, anh ra báo, viết sách, hùng hục một mình cả ngày đem, một dân tộc dốt dầu có chinh phục được nước khác, cũng sẽ bị đồng hóa.
Anh coi bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 là chỗ dựa để đấu tranh trong vòng pháp lý nhằm thực hiện một nền dân chủ, đi đến thực hiện bản Tuyên ngôn Cộng sản.

Nguyễn An Ninh là một chiến sĩ cách mạng rất năng động nhạy bén với thời cuộc. Cả cuộc đời của anh là cuộc đời đầy hy sinh, gian khổ, bị tù đày 5 lần cho đến chết trong địa ngục Côn Đảo, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng con người.

Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường là những người sau Nguyễn Ái Quốc, đã sớm có công gieo hạt giống yêu nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa vào buổi đầu trong thanh niên, trí thức, học sinh chúng ta.
Những bài Nguyễn An Ninh viết tuy cách đây đã hơn sáu chục năm, nhưng vẫn thực tại, có tác dụng giáo dục cho chúng ta trong thời nay. ” (Hà Huy Giáp, Ủy viên TW Đảng, Nguyễn An Ninh – một lãnh tụ cách mạng hùng biện, 1988)
Nguyễn An Ninh, một nhân vật lỗi lạc Việt Nam. Chúng ta kính trọng cụ như kính trọng các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Quyền, Huỳnh Thúc Kháng, Trương Gia Mô, Nguyễn Sinh Sắc, Trần Hữu Độ… tức kính trọng những tầm vóc cuối cùng để lại cho hậu thế nhân cách và đôi điều về tư duy cần suy nghĩ.
(Trần Bạch Đằng, Chí sĩ Nguyễn An Ninh, 1990)
"Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông. Ở đất Sài Gòn mà mặc bà ba, đi guốc, bán báo Chuông rè của mình viết. Hình ảnh đó tự nó đủ gây cảm tình sâu sắc với đồng bào... Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù như về quê, con người ấy đồng thời là một người trầm tư, mặc tưởng...
Nguyễn An Ninh là một chính khách, học giả, một nhà chính trị hoạt động. Trước hết, anh là một con người của quần chúng, là con người của nhân dân... Trong mắt, trong lòng người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá, tượng đồng". Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 đến 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hoá - tư tưởng Việt Nam cận đại. Ông là một trong những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức "Tây học" đầu tiên, dũng cảm dấn thân, xả thân, đem hết tài năng, dũng khí và tính mạng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân." (GS. Trần Văn Giàu)
Nguyễn An Ninh là người có ảnh hưởng lớn đến trí thức miền Nam Việt Nam trong những năm 1920, 1940, người đã thức tỉnh cả một thế hệ. (Tiến sĩ sử học Pháp Daniel Héméry)
“… Anh Ninh chẳng những là một nhà lý luận, một nhà tư tưởng của cách mạng ở xứ ta lúc bấy giờ, đặc biệt là trong những thời kỳ trước khi thành lập Đảng, mà còn là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Về công khai, anh đã hoạt động ở cương vị một trí thức yêu nước, là thần tượng của thanh niên lúc bấy giờ, có uy tín rất lớn trong mọi tầng lớp nhân dân và được mọi người cách mạng mến kính phục. Trong hoạt động bí mật, anh Ninh là người lãnh đạo tổ chức cách mạng mạnh nhất ở nước ta vào thời kỳ trước khi thành lập Đảng, tiếp cận trực tiếp với xu hướng cộng sản, góp phần tích cực tạo ra những tiền đề cần thiết cho việc thành lập Đảng Cộng sản mà lãnh tụ là Nguyễn Ái Quốc.

Anh Ninh là người nối tiếp các hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong những năm đầu thế kỷ. Nguyễn An Ninh là đại biểu của trào lưu tư tưởng văn hóa tiến bộ nhất trong những năm 20 ở nước ta, có công lớn trong việc giác ngộ quần chúng từ chủ nghĩa yêu nước chân chính chuyển sang giác ngộ chủ nghĩa xã hội, trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trên cơ sở công nông liên minh, trong việc khởi động những phong trào cách mạng rầm rộ của quần chúng, như phong trào vận động Đại hội Đông Dương năm 1936 mà tôi cũng có tham gia trong Ban lãnh đạo.


Anh Ninh là nhà cách mạng chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, trọn đời hy sinh cho đất nước, có một cuộc đời trong sạch, gần gũi với quần chúng lao động, đoàn kết được rộng rãi mọi tầng lớp xã hội và chống đế quốc đến hơi thở cuối cùng. Anh Ninh viết báo rất giỏi, có tài hùng biện và sống rất chân tình với anh em đồng chí. Tuy anh Ninh đã mất mấy chục năm nay mà hình ảnh của anh vẫn còn sâu đậm trong tim của chúng tôi.
” (Nguyễn Văn Trân, chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Chợ Lớn 1947-1952, Một số việc tôi viết về Nguyễn An Ninh, 1987)
Đối với tôi, anh Ninh là người đàn anh cách mạng, một người bạn chiến đấu thân thiết, một người đồng chí chân tình, tuy đứng ngoài Đảng, nhưng suốt đời đã chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, suốt đời hy sinh vì độc lập của đất nước, suốt đời lo nghĩ đến hạnh phúc của nhân dân. (Nguyễn Thị Lựu, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Nguyễn An Ninh và phong trào Đại hội Đông Dương, 1987)
"Nguyễn An Ninh xuất hiện, đóng vai trò tích cực rồi trở thành người được ái mộ nhờ khả năng sáng tạo về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Nếu thân phụ của ông ao ước một cuộc Duy Tân hướng về nước Nhựt thì lần này, khi du học ông hấp thụ được những tinh túy về lý thuyết của tây phương. Ông sẵn có một căn bản về triết học Đông phương vững chắc, am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo khổng. Nhưng quan trọng nhứt là am hiểu tình hình miền Nam...
Phan Văn Hùm viết "Ông người thể chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mới khỏe được...Người ông như vậy, cho nên về sau này ở trong ngục hễ thời tiết thay đổi là ông bị cảm ngay. Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn sung mặc sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cảnh sinh hoạt tự do, mà "cần lao" như dân đi làm rừng làm rẫy: quần áo vải bô, chiếc nóp, đãy cơm, bầu nước, rồi mênh mông đâu cũng là nhà."
Tác phong bình dân ấy có sức thu hút khá mạnh. Khi vào tù cửa vừa đóng lại, thiên hạ vây chung quanh ông, khám bên kia có mấy người chun song sắt qua chào...

Có người nhận xét rằng Nguyễn An Ninh mang tâm hồn nghệ sĩ, ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng. Nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một kẻ sĩ, một nhà hiền triết nồng nhiệt yêu nước. Cách mạng không phải là độc quyền của kẻ sĩ nhưng là sự đóng góp của toàn dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều miền, nhiều giới.

Ông làm tròn sứ mạng của kẻ sĩ: sáng tạo, đi tiên phong, đốt lên ánh đuốc sáng rực trong buổi bình minh đầy giông tố..." (Nhà văn Sơn Nam)
Biết Nguyễn An Ninh có tài, Pháp đem chức tước dụ dỗ, nhưng trước sau ông vẫn một mực khước từ, chấp nhận một cuộc sống thanh đạm. Để việc hoạt động được thuận lợi, ông với mái tóc “bombé” theo kiểu “phi-lô-xốp à mode de Nguyen An Ninh”, đi rao bán dầu cù là, bán báo Tiếng chuông rè trên khắp đường phố Sài Gòn. Với tài hùng biện, ông hô hào quần chúng lao khổ vùng dậy đòi tự do cơm áo. Ông thực sự là một nhà hành động, từng vào tù ra khám nhưng cũng là nhà tư tưởng, nhà triết học... (Nhà văn Lê Minh Quốc)
Văn Nguyễn An Ninh, giá trị ở chỗ "sôi động, tình cảm chân thực, đặc biệt là các bài diễn thuyết và các bài chính luận trên báo Tiếng chuông rè, hết sức lôi cuốn người đọc, người nghe. Ông là một nhà yêu nước mãnh liệt, một người trí thức có một đời sống rất trong sạch, rất gần gủi với quần chúng lao động nghèo. Ông chống Pháp đến cùng và khi chết cũng cười mà chết. (Tự điển Văn học bộ mới)
Phỏng vấn, viết về tác giả

Các bài viết, bài báo của tác giả

- Lý tưởng của thanh niên An Nam (1923)

Báo Le Paria
- Lòng ngay thẳng của chính phủ thuộc địa (1923)
- Hai tinh hoa của xứ Đông Dương (1923)
- Các vị thống trị của chúng ta (1923)
- Cái trò Merlin (1923)
- Ông Albert Sarraut và bản tuyên ngôn nhân quyền (1924)
Báo La Cloche Fêlée

- Gửi đồng bào (1923)
- Gửi công chúng Pháp (1923)
- Tiếng chuông đầu (1923)
- Ở xứ hạnh phúc (1923)
- Nhà văn Maurice Barrès (1923)
- Có một Đông Dương thịnh vượng hơn (1923)
- Mười điều răn dành cho người An Nam hoàn hảo (1923)
- Căn lều của người đánh chuông. Núi Ngũ Hành (1923)
- Chuyện trước khi vén màn (1923)
- Thêm một lời kêu gọi đồng bào (1923)
- Từ ước mơ đến thực tại (1923)
- Trật tự và hỗn loạn (1923)
- Vết máu mà người ta đang xóa (1924)
- Sau một cuộc đi săn sôi động (1924)
- Gởi ông Camille Devilar (1924)
- Xung quanh vấn đề độc quyền (1924)
- Trước khi ra đi (1924)
- Kỳ cục thiệt (1924)
- Cuộc tranh cãi về ngôn ngữ (1924)
- Nói với anh em đồng bào trong dịp Tết (1924)
- Giấc mơ của chúng tôi (1924)
- Hãy bảo vệ các quyền của mình (1924)
...
- Một đại họa hay là chế độ kiểm duyệt... (1924)
- Ngàn năm bia đá (1924)
...
- Tôn sùng thứ giả (1924)
- Tiếng chuông rè (1924)
...
- Tiếng chuông cuối cùng (1924)
- Vì sao tôi trở lại vị trí của tôi trên tờ "La Cloche Fêlée" (1925)
- Cái triết lý của con heo (1925)
- Cộng hòa An Nam! (1925)
- Ảo vọng tiêu tan (1925)
...
- Lời tự sự của một người nô lệ (1926)
- Bài tụng ca thông linh (1926)
- Mất trí hay khoan dung (1926)
- Giới thiệu đăng Tuyên ngôn Cộng sản trên báo Chuông Rè (1926)

Báo L' Annam
- Trong nền cộng hòa An Nam (1926)
- Nền văn minh chửi bới và đánh đập (1926)
- Nhà bảo hộ của một người nô lệ (1926)
- Công bằng và bất công (1926)
...
- Những tập quán đẹp của các nhà khai hóa (1926)
- Các thần thánh khác nhau (1926)
- Xung quanh việc giáo dục về lòng trung thành (1926)
- Một sự so sánh lý thú (1926)
...
- Công lý và tán tỉnh (1927)
- Thêm một lối ngụy biện nữa của thực dân (1927)
- Về chủ nghĩa cộng sản Đông Dương (1927)
- Sự bạo ngược của thực dân (1927)
- Người An Nam và người Pháp càng ngày càng ít xích lại gần nhau (1927)
- Một học thuyết cần phải tố giác nữa (1927)
...
- Phản ứng của những người bị áp bức.. (1928)
- Đông Dương trong tình hình vận động của châu Á (1928)
- Một lời kêu gọi lòng quảng đại của người An Nam (1928)
- Cùng bạn đọc (1928)
Báo La Lutte

- Học thức và chính trị (1933)
- Cái ngu dốt hay cái ngụy tín của Nguyễn Phan Long (1933)
- Bọn liếm gót giày hãy câm họng! (1933)
- Người ta bỏ chết đói những tinh thần tự do (1936)
- Tiến tới một Đại hội Đông Dương (1936)
- Bắt tay chuẩn bị Đại hội Đông Dương (1936)
- Vì Đại hội Đông Dương- Lời kêu gọi thanh niên hành động! (1936)
- Vì Đại hội các dân tộc Đông Dương hãy đứng lên! (1936)
...
Báo L'Avant Garde

-

No comments:

Post a Comment