Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 9 April 2014

KINH TẾ NGA

Địa phương Nga mắc nợ

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2014-03-26
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Par7825052-600.jpg
Mọi người xếp hàng để rút tiền gửi tại một chi nhánh của Ukraina PrivatBank tại Sevastopol hôm 19/3/2014
AFP photo


Trong vụ Ukraine với biện pháp chế tài được Liên bang Nga và các nước Tây phương hăm dọa áp dụng với nhau, có một chi tiết kinh tế đáng lưu ý là núi nợ của các địa phương Nga. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nhược điểm kinh tế và chính trị này của Nga, qua sự phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Khi Liên bang Nga sát nhập bán đảo Crimea và hăm dọa nhiều khu vực của Ukraine thì mâu thuẫn gia tăng giữa Nga và các nước Tây phương. Trong mâu thuẫn này, thế giới theo dõi biện pháp chế tài mà đôi bên sẽ thi thố, với hiệu ứng toàn cầu.
Giữa bối cảnh ấy thì hôm 20 vừa qua, hai công ty lượng giá trái phiếu là Fitch và Standard & Poor's đánh sụt mức khả tín của tín dụng Nga và còn dự báo nạn suy trầm kinh tế của Nga. Khi đó, ta nhớ lại là trong chương trình vào đầu Tháng Ba, khi nói về hiệu ứng kinh tế của vụ Ukraine ông nhắc tới việc 63 trong số 83 địa phương của Nga còn có thể bị vỡ nợ. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông giải thích chuyện vỡ nợ đó cho thính giả của chúng ta. Trước hết là về các địa phương Nga, thưa ông, đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nước Nga theo thể chế liên bang khá đặc biệt. Tính đến ngày 18 Tháng Ba tuần trước thì họ có 85 địa phương, gọi là "chủ thể liên bang". Trong số này, hai chủ thể mới là "Cộng hoà Crimea" trong ngoặc kép và Thành phố Liên bang là Sevastopol trong bán đảo Crimea, vừa do Liên bang Nga cưỡng đoạt của Ukraine nên không được quốc tế công nhận. Nói về tổ chức trước khi thôn tính Crimea thì Liên bang Nga có 83 địa phương, chia làm sáu loại, gồm 21 Cộng hoà, chín vùng lãnh thổ gọi là "krais", 46 tỉnh gọi là "oblasts", hai thành phố liên bang, một "oblast" tự trị của dân Do Thái và bốn khu tự trị gọi là "okrugs". Chúng ta sẽ đơn giản gọi chung là "các địa phương" để thính giả khỏi nhức đầu.
Chi tiết thứ hai đáng nhớ là trên lãnh thổ quá rộng, trải lên chín múi giờ, thì chính quyền trung ương, Phủ Tổng thống hay điện Kremlin, không thể trực tiếp cai trị mà phải tản quyền cho lãnh đạo địa phương, gọi là Chủ tịch nước Cộng hoà hoặc thống đốc, thị trưởng, v.v... Bài toán của trung ương là kiểm soát được sự thần phục của địa phương để tránh nạn ly khai hay độc lập như đã thấy sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Cái yêu cầu muôn thuở, từ thời Đế quốc Nga qua Liên bang Xô viết rồi Liên bang Nga ngày nay, dẫn tới một mâu thuẫn kinh tế là trung ương trưng thu hay tài trợ cho các địa phương để duy trì được hệ thống chính trị của họ?
Đấy không là vấn đề trừu tượng vì khi Nga bị hiệu ứng của vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 thì nhiều địa phương đòi ly khai để lo lấy thân. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì vụ khủng hoảng 1998 này là biến cố thứ hai đe dọa sự tồn vong của Liên bang. Thời đó, ông Vladimir Putin lên làm trùm mật vụ liên bang, hậu thân của cơ quan KGB, trước khi làm Thủ tướng rồi Tổng thống, nên ý thức được mối nguy đó. Ta có nhắc chuyện xưa thì mới hiểu ra rủi ro hiện tại.
Vũ Hoàng: Thính giả của chúng ta quen với cách phân tích của ông là dẫn từ bối cảnh xa xưa đến chuyện hiện tại. Thời đó, vào năm 1998, Liên bang Nga bị khủng hoảng tài chính và ngoại hối, thực tế vỡ nợ. Khi ấy chuyện các địa phương đòi ly khai đã diễn tiến ra sao?
Dư luận quá chú ý đến hậu quả khủng hoảng thời 2008 của các nước công nghiệp hoá nên ít thấy ra mối nguy vỡ nợ của các địa phương Nga và khả năng chống đỡ rất kém của trung ương vì thật ra phương tiện cũng có hạn.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm đó, Liên Xô mới tan rã có sáu bảy năm, công khố Liên bang Nga kiệt quệ và nạn khủng hoảng Đông Á dội về khiến chính quyền trung ương chấn động, lãi suất lên tới 150% và nhiều địa phương bị thiệt hại nặng, thậm chí thiếu ăn, mà không được trung ương cấp cứu. Nhiều khu vực bị nạn bèn giữ lại tài nguyên và thực phẩm trong lãnh thổ để lo cho cư dân của họ, hoặc bất chấp sự cấm đoán của trung ương mà bán đất hay vay nước ngoài như trường hợp của St Petersburg. Trung ương bất lực và Bộ Tư pháp cho rằng gần hai phần ba địa phương vi phạm luật lệ liên bang! Tổng thống Boris Yeltsin bèn đưa ông Putin lên cầm đầu cơ quan An ninh Liên bang FSB rồi vào Hội đồng An ninh để thẳng tay thanh trừng địa phương nào có ý nổi loạn. Qua năm 1999, do sự lãnh đạo của những người thân tín của trung ương, có 46 trong số 89 địa phương theo quy định thời ấy đã đồng ý tập trung quyền lực về trung ương.
Sau khi lên làm Tổng thống từ năm 2000, ông Putin tiếp tục chiều hướng tập quyền và có tám năm tương đối ổn định nhờ thương phẩm và năng lượng lên giá. Rồi vụ Tổng suy trầm năm 2008 làm Nga lại bị khủng hoảng vào năm 2009 với hậu quả là trung ương thu vén phương tiện cho mình giữ được quân bình ngân sách và trút thiệt hại xuống địa phương. Hậu quả ngày nay là nguy cơ vỡ nợ của nhiều địa phương. Dư luận quá chú ý đến hậu quả khủng hoảng thời 2008 của các nước công nghiệp hoá nên ít thấy ra mối nguy vỡ nợ của các địa phương Nga và khả năng chống đỡ rất kém của trung ương vì thật ra phương tiện cũng có hạn.
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào hồ sơ vỡ nợ ấy. Thưa ông, tình hình thực tế đã diễn tiến thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ vụ khủng hoảng 2009, khi kinh tế Nga bị suy trầm nặng, các địa phương đều thiếu tiền và phải đi vay. Tiền vay của nhiều tỉnh đã tăng hơn gấp đôi, từ kim ngạch tương đương với khoảng 35 tỷ đô la vào năm 2010 nay đã lên tới gần 80 tỷ. Cũng S&P còn dự báo là qua năm 2015 thì khoản nợ này sẽ vượt trăm tỷ đô la.

Nguy cơ vỡ nợ

033_RIA13-2337408_2582-200.jpg
Chi nhánh ngân hàng Investbank tại thị trấn Pionersk bị Ngân hàng Trung ương Nga thu hồi giấy phép. Ảnh chụp hôm 13/12/2013. AFP photo
Vũ Hoàng: So với tổng số nợ công của Liên bang Nga thì khoản nợ gần trăm tỷ này có sức nặng hay mức nguy ngập ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tổng số công trái của liên bang và địa phương của Nga chỉ khoảng 300 tỷ, bằng 14% Tổng sản lượng, tức là không nhiều. Nhưng cái khó ở đây là các địa phương không có cơ chế và quy cách xóa nợ hay giảm nợ như chính quyền liên bang tại trung ương. Chúng ta phải tìm hiểu sự kiện chuyên môn ấy thì mới thấy ra ách tắc nguy ngập cho tương lai trước mặt.
Số là các địa phương mà bị thâm hụt ngân sách thì có thể đi vay qua ba ngả, là ngân hàng, phát hành công trái hay vay ngân sách của trung ương chẳng hạn, mà phải được trung ương cho phép vì khi đi vay là họ mặc nhiên cạnh tranh với trung ương trên thị trường tài chính. Ngân hàng mà cho địa phương vay thì tính lãi suất cao hơn và kỳ hạn chỉ bằng phân nửa của trung ương. Vì vậy, các địa phương đều ưa vay ngân sách của trung ương mà trung ương lại thấy việc tài trợ ấy kém lời nên cũng muốn hạn chế trước sau chỉ cho vau có vài tỷ đô la mà thôi. Hậu quả là các địa phương thiếu tiền mà vay ngân hàng thì lại bị lãi suất đắt hơn, và cao quá khả năng hoàn trái. Theo cơ quan S&P ước lượng thì trong 83 tỉnh thành địa phương thì chỉ có 20 khu vực là có quân bình ngân sách hoặc thặng dư nho nhỏ, còn 63 địa phương kia bị chết kẹt và có thể vỡ nợ.

Chuyện thứ hai là từ vụ khủng hoảng năm 2009, kinh tế Nga bị suy trầm và thay vì tăng trưởng cỡ 3-4% thì năm ngoái chỉ được 1,3%, và năm nay còn ít hơn như tuần qua nhiều nơi đã dự báo. Vào hoàn cảnh đó, trung ương lúng túng chẳng thế tung tiền chuộc nợ hay cấp cứu địa phương bị nạn và đến hạn kỳ trả nợ. Đã vậy, các địa phương còn bị chính quyền trung ương của ông Putin đòi tăng mức đầu tư và lương bổng để tránh sự bất mãn của dân chúng. Hậu quả là vòng luẩn quẩn vì đầu tư giảm, nợ tăng, ngân hàng mất nợ và tư bản tháo chạy khỏi thị trường Nga, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước phải đóng cửa hãng xưởng ở địa phương.

Vũ Hoàng: Qua những gì ông trình bày thì hình như trung ương và địa phương đang giành nhau một cái bánh nhỏ hơn trước. Nếu nhớ lại kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng 1998 hay 2009, phải chăng bài toán muôn thuở của nước Nga sẽ là làm sao san xẻ quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế giữa trung ương với địa phương?
Theo cơ quan S&P ước lượng thì trong 83 tỉnh thành địa phương thì chỉ có 20 khu vực là có quân bình ngân sách hoặc thặng dư nho nhỏ, còn 63 địa phương kia bị chết kẹt và có thể vỡ nợ.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy vì Liên bang Nga chỉ là một xứ nghèo mà có lắm võ khí.
Mâu thuẫn kinh tế tài chính giữa trung ương với các địa phương đang là vấn đề thuộc loại hữu cơ vì nằm trong cơ chế chính trị của chế độ. Trung ương ngày nay đã mạnh hơn, có gần 700 tỷ đô la trong khối dự trữ ngoại tệ và các quỹ đầu tư hay dự phòng của nhà nước, nhưng các địa phương khó trông đợi gì ở sự cấp cứu của trung ương như ta đã từng thấy năm 2009. Việc một số địa phương nay mai có thể vỡ nợ là điều ngày càng rõ khiến trung ương phải nghĩ tới biện pháp triển hạn nợ hoặc cho ngân hàng quốc doanh lớn nhất là Sberbank tung tiền tài trợ và trông đợi vào nguồn thu nhờ năng lượng vẫn còn cao giá. Nhưng sau vụ khủng hoảng Ukraine, tình hình sẽ đổi khác. Ngoài ra, ông Putin còn gặp nhiều khó khăn trong nội bộ nên thật ra cũng khó xoay trở.
Vũ Hoàng: Thưa ông, những khó khăn đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là sự thần phục chẳng có gì là chắc chắn của nhiều địa phương vì cư dân ở dưới chưa chắc đã nghe theo lãnh tụ do trung ương cất nhắc ở trên. Thứ hai là sự chuyển dịch dân số với đà sút giảm của tỷ trọng của người Nga, da trắng, theo Chính thống giáo, so với các sắc tộc hay tôn giáo khác và so sánh với các di dân nhập cư vào Nga. Vì thế, để giữ quyền thống trị của dân Nga, trung ương phải gánh vác khó khăn của nhiều địa phương bất mãn vì mức sống sa sút.
Thứ ba, ngay trong nội tình Nga thì phong trào chống đối ông Putin đã manh nha từ năm 2011-2012 và dù có bị dẹp thì tình hình chưa hẳn ổn định. Việc chiếm đoạt Crimea và uy hiếp Ukraine có thể khích động tinh thần dân tộc của người Nga và giúp ông ta có thêm uy thế nội bộ. Nhưng nhiều người Nga quá khích thì không đồng ý với việc trung ương chi tiền trợ giúp di dân và các nước Cộng hòa Hồi giáo ở miền Bắc Caucasus. Ngược lại, không phải người Nga nào cũng đồng ý với chế độ thật ra độc tài và thiếu dân chủ lại dùng võ lực uy hiếp xứ Ukraine.

Bây giờ, trong hoàn cảnh kinh tế càng thêm khó khăn vì vụ Ukraine và đòn trừng phạt của Tây phương, mối nguy vỡ nợ và ly khai của nhiều địa phương trở thành chuyện có thật. Nếu ông Putin lại dùng bạo lực trấn áp như vào năm 1998, nội tình Liên bang Nga sẽ gặp biến động mới. Đâm ra việc thôn tính Crimea có thể dẫn tới hậu quả bất lường về kinh tế và lan rộng thành khủng hoảng chính trị. Kết luận ở đây vẫn là lực bất tòng tâm, càng muốn bành trướng thì càng gặp khó khăn kinh tế bên trong một quốc gia thật ra vẫn lạc hậu chỉ sống nhờ bạo lực và năng lượng. Chúng ta rất nên theo dõi chuyện nợ nần của các địa phương bên trong nước Nga.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông rất nhiều.

No comments:

Post a Comment