Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 30 June 2019

Xôn xao vì một từ 'lon', mà từ 'lon' có tội tình gì

30/06/2019 07:53 GMT+7235 73 Lưu

TTO - Cộng đồng mạng đang xôn xao tranh luận về văn bản của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola có cụm từ "mở lon Việt Nam".

Xôn xao vì một từ lon, mà từ lon có tội tình gì - Ảnh 1.
Theo Cục, cụm từ này có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, vi phạm các quy định về Luật quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - cho rằng việc ra văn bản với mục đích tôn trọng thuần phong mỹ tục nước nhà và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trên tinh thần có trách nhiệm phòng ngừa những cái chưa đẹp trong xã hội. Cần phải khẳng định rằng đây là động cơ, ý thức tốt đẹp.
Thế nhưng, xem xét một cách thấu đáo thì slogan "mở lon Việt Nam" có trái thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt hay không?
Thuần phong mỹ tục là gì?
"Thuần phong mỹ tục" là một thành ngữ Hán Việt có nghĩa khái quát: phong tục, tập quán, lối sống văn minh, tốt đẹp, lành mạnh, trong đó bao gồm hai khái niệm tương đồng thuần phong (phong tục thuần hậu, chất phác) và mỹ tục (tục lệ tốt đẹp); đó là những thói quen tốt đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.
Đưa câu "mở lon Việt Nam" tham khảo ý kiến của nhiều nữ giảng viên trong bộ môn, người viết nhận được các ý kiến đồng nhất: ThS ngữ văn Trần Nguyên Hạnh khẳng định: "Chẳng thấy câu trên ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục cả!"; ThS văn học Huỳnh Diễm Diễm nhấn mạnh thêm: "Chữ nghĩa rõ ràng, không ẩn ý, về thuần phong mỹ tục thì câu trên không có vấn đề gì!".
Khi chúng tôi nêu ý kiến của bà Cục trưởng: từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa; nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm thì ThS ngữ văn Nguyễn Tố Nga nêu cảm nhận của mình: "Tôi nghĩ ngay đến việc mở cái lon bia/ nước ngọt chứ có nghĩ gì đâu. Mình thì nghĩ thế, người quản lý thì lại thấy có chuyện, kiểu "nhạy cảm", nhìn đâu cũng thấy vấn đề không bình thường".
Từ "lon" có tội tình chi?
Tâm điểm gây xôn xao cộng đồng chính là ở từ "lon" trong slogan trên. 
Khảo cứu cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức do Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1931, chúng tôi chưa thấy ghi nhận từ "lon" này, mặc dù đã thấy xuất hiện từ "bơ" với giải thích là cái vỏ hộp đựng bơ (beurre - tiếng Pháp) hay sữa bò, trong dân gian tận dụng dùng làm dụng cụ đong lường chất hạt rời như thóc, gạo, ngũ cốc...
Một số từ điển hiện hành thì giải thích "lon" là vật tròn bằng kim loại, dùng đong hay múc: cái lon, lon nước, có dung lượng bằng 1/3 lít. Ở một số vùng phương ngữ phía Bắc, "lon" được gọi là bơ/ ống bơ: nấu hai bơ gạo = nấu hai lon gạo.
Như vậy, "lon" là một vật dụng tồn tại lâu đời trong đời sống dân gian và được phản ánh trong từ điển với tư cách là một danh từ riêng biệt, định danh một sự vật cụ thể đang hiện hữu trong đời sống hiện tại, chứ không hề mang ẩn ý gì, hay gợi lên những suy tưởng thô tục, phản cảm nào cả.
Hiện nay, hầu hết các loại đồ uống như bia, nước ngọt đều được đóng trong lon, nên từ lon trở thành thông dụng trong lĩnh vực giải khát nói chung. Trong giao tiếp, mua bán người ta cũng sử dụng từ "lon" hết sức tự nhiên, như kiểu: "Bà chủ, cho tôi thêm 2 lon nữa nhé!".
"Mở lon Việt Nam" có sai ngữ pháp?
Bà Thu Hương nhận xét thêm: Cụm từ "Mở lon Việt Nam" không rõ ràng về sản phẩm, nên ghi Mở lon Coca tại Việt Nam, hoặc Chương trình mở lon Coca trong chiến dịch tại Việt Nam... "Cụm từ "lon Việt Nam" trong cụm từ "Mở lon Việt Nam" là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam". Vậy vấn đề gây lăn tăn cho Cục phải chăng nằm ở sự kết hợp giữa chữ lon và chữ Việt Nam - tên một quốc gia?
Thực ra, slogan không nhất thiết phải nêu tỉ mỉ, chi tiết đặc điểm, tính chất của sản phẩm, mà là một khẩu hiệu ngắn gọn chứa đựng thông điệp cần nêu, có âm điệu phù hợp. Cách khác, slogan là "khẩu hiệu tiếp thị" của các doanh nghiệp, thường được sáng tạo dựa trên các phương thức tu từ như điệp âm, chơi chữ mang tính liên tưởng, ẩn dụ, sao cho khách hàng chóng nhớ, lâu quên.
Về ngữ pháp, slogan thường phải là câu rút gọn, câu đặc biệt; có thể lược bớt hầu hết các thành phần câu sao cho ngắn gọn, súc tích trong khoảng 3-5 từ, mà mang được đầy đủ thông điệp về thương hiệu - là tiêu chí hàng đầu của mọi slogan.
Không thể thay "lon" bằng "chai", "hộp"
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-6, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết theo yêu cầu của cơ quan quản lý, công ty đã sửa câu "Mở lon Việt Nam" nhưng không thể dùng các từ như "chai" hay "hộp" thay cho "lon". Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành "Mở lon trúng vàng". Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được, công ty sẽ cho gỡ bỏ.
"Trong tuần tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ VH-TT&DL để giải thích rõ hơn về việc này" - đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết. (T.ĐIỂU)
'Mở lon Việt Nam' trái thuần phong mỹ tục thế nào mà bị cấm?
TTO - Mở lon Việt Nam có lẽ là câu đang 'hot' nhất trên mạng xã hội sáng nay 29-6, liên quan đến một văn bản của Cục Văn hóa cơ sở về thẩm mỹ quảng cáo của một nhãn hàng. Cơ quan ra văn bản này giải thích như thế nào?
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

 https://tuoitre.vn/xon-xao-vi-mot-tu-lon-ma-tu-lon-co-toi-tinh-gi-20190629214310355.htm

VẠN MỘC  cư sĩ  luận
Thiên hạ hay nghĩ vớ vẩn! Người ta dùng Cu thì sao? Cu hay Hĩm chỉ giống mà thôi. Lon thì lại càng xa!Nếu khó khăn như thế thì giải quyết làm sao các từ tưiơng cận: như lổn nhổn, Côn Lôn...?

No comments:

Post a Comment