Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 27 June 2019

Cải lương chi bảo' Bạch Tuyết: Cuộc đời đa tình, đa đoan của giai nhân tài sắc vẹn toàn

Bạch Tuyết không chỉ sở hữu nhan sắc hơn người mà còn được ông trời ưu ái ban tặng nhiều tài năng. Bà biết vẽ tranh, làm thơ, viết nhạc... và sở hữu giọng ca được vạn người mê đắm. Thế nhưng, hồng nhan vốn đa đoan và Bạch Tuyết cũng chẳng ngoài quy luật ấy. Hai lần lên xe hoa, 2 lần đổ vỡ và giờ đây bà sống một mình ở cái tuổi xế chiều. Bà sống lặng lẽ nhưng không cô đơn. Bởi, Bạch Tuyết thỏa mãn với những thành công đã đạt được và hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị Tiến sĩ
Bạch Tuyết lớn lên ở Châu Đốc - nơi con sông Mê-kông hùng vĩ chảy vào đất Việt. Dòng sông ấy đã ban tặng cho vùng đất Nam Bộ những cánh đồng màu mỡ, kênh rạch nhiều cá tôm và những con người hồn hậu. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ấy nên Bạch Tuyết trở thành người con gái đẹp như thơ, sống chân thành và luôn yêu thương những người xung quanh.
Ngày nhỏ Bạch Tuyết theo học tại trường làng Khánh Bình và là cây văn nghệ của trường. Giọng hát trong veo của cô bé Bạch Tuyết được bạn bè, thầy cô và bà con trong vùng yêu thích. Ai cũng nghĩ, cô bé này rồi sẽ trở thành cái tên nức tiếng trong giới nghệ thuật.
Với Bạch Tuyết, những điệu vọng cổ dường như là máu, là thịt, là hơi thở của cuộc sống. Nó ngấm vào bà từ khi còn nằm trên nôi qua những lời ru tha thiết của mẹ. Bạch Tuyết ca vọng cổ rất tự nhiên, chẳng cần phải diễn, chẳng cần phải tốn tâm trí mà cứ cất giọng theo tiếng gọi của con tim. Vì vậy mà giọng hát của Bạch Tuyết luôn đong đầy cảm xúc, sự yêu thương và dễ dàng chạm đến trái tim của khán giả.

Bạch Tuyết nói rằng, những cảm xúc chất chứa nơi giọng hát ấy xuất phát từ việc bà mồ côi từ rất sớm. Năm 8 tuổi, mẹ bất ngờ ra đi khiến cô bé Bạch Tuyết bị hẫng hụt suốt một thời gian dài. Mặc dù được cha nhất mực yêu thương nhưng trong tâm hồn của cô bé vẫn có một khoảng trống không thể lấp đầy. Điều Bạch Tuyết nhớ nhất về mẹ chính là những lời hát ru và những lời ca ấy đã theo bà suốt cuộc đời. Bà yêu mẹ thật nhiều, nhớ mẹ thật nhiều và những cảm xúc đó được Bạch Tuyết dồn vào những điệu vọng cổ.
Bước ngoặt cuộc đời của Bạch Tuyết chính là cuộc gặp gỡ với cố nghệ sĩ Thanh Nga. Thuở ấy, Thanh Nga đã mỉm cười và nói với cô bé Bạch Tuyết: “Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công trong nghề nghệ thuật đó”. Những lời nói này đã trở thành động lực để Bạch Tuyết quyết tâm theo nghệ thuật, dũng cảm bước qua sự phản đối quyết liệt của cha và ông bà để đứng trên sân khấu.
Sau cuộc gặp gỡ tình cờ với cố nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền biết đến. Ngay khi gặp cô bé có đôi mắt biết nói và giọng hát tuyệt vời, ông đã đến tận nhà để xin cho Bạch Tuyết đi theo đoàn hát. Khi ấy Bạch Tuyết mới bước sang tuổi 16.
Mặc dù là con nuôi của Điêu Huyền và có tài năng thiên bẩm, nhưng Bạch Tuyết cũng phải tự mình rèn giũa bản thân. Từ một cô gái trẻ ca vọng cổ tự nhiên như hít thở không khí, bà quan sát những người xung quanh học từng dáng dấp, điệu bộ... để tự hoàn thiện mình.
Với tài năng hơn người, sự nghiêm túc trong học tập và rèn luyện, Bạch Tuyết đã được giao đóng đào chính ngay từ vai đầu tiên. Lần đầu tiên lên sân khấu, Bạch Tuyết rực sáng với khả năng diễn bi hết sức tài tình. Từ sau lần đó, Bạch Tuyết liên tục gặt hái thành công trong những năm tiếp theo, trở thành cô đào ngoại hạng trong giới cải lương bấy giờ. Khi ấy báo giới, người trong nghề và khán giả không ngớt lời khen ngợi Bạch Tuyết. Họ coi bà là “cải lương Chi Bảo”.
Một trong những điều giúp Bạch Tuyết trở thành người nghệ sĩ toàn tài chính là việc ham học hỏi. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Bạch Tuyết quyết quay lại trường học để hoàn thiện kiến thức với tấm bằng Ngữ văn. Sau đó, bà tiếp tục học thêm và năm 1988, Bạch Tuyết “bội thu” khi tốt nghiệt khoa Đạo diễn của viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh Sofia- Bulgaria.
Từ năm 1990 - 1995, Bạch Tuyết tiếp tục bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ rồi Tiến sĩ tại viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc, viện Hàn lâm Sân khấu Phim ảnh Bulgaria. Bà trở thành nghệ sĩ cải lương đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có học vị Tiến sĩ (tính đến thời điểm này). Năm 2012, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Hai lần đổ vỡ hôn nhân
Không giống như nhiều đồng nghiệp cùng thời, thành công đến với Bạch Tuyết khá dễ dàng. Thế nhưng, trái ngược với sự nghiệp, tình duyên của Bạch Tuyết lại không được may mắn như vậy. Mặc dù là người con gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng bà lại phải sống cảnh một mình ở tuổi xế chiều.
Bạch Tuyết đã từng trải qua 2 cuộc hôn nhân nhưng đều đứt gánh giữa đường. Ở cái tuổi xế chiều, bà lặng lẽ một mình nhưng luôn mỉm cười. Với bà, cuộc sống lúc này đã tròn đầy. Bà đã có một sự nghiệp thành công, một cậu con trai và một cuộc sống an nhàn ở tuổi già.


Nói về chuyện tình ái của Bạch Tuyết nhiều người sẽ nhắc đến mối tình nổi tiếng Sài Gòn thời bấy giờ giữa bà với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Thuở ấy, Tam Lang là danh thủ nức tiếng của làng túc cầu còn Bạch Tuyết là cái tên đình đám của làng cải lương. Họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên và mối tình sét đánh ấy mang đến cuộc hôn nhân đẹp của làng giải trí. Hôn lễ của họ dù diễn ra trong sự chúc phúc và ủng hộ của mọi người nhưng lại không thể song hành đến cuối con đường.
Bạch Tuyết và Tam Lang đều là những người nổi tiếng, họ thường xuyên bị công việc cuốn đi nên có ít thời gian dành cho nhau. Sự xa cách khiến cho tình yêu của họ dần trở nên lạnh nhạt. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ lại chính là tiếng khóc trẻ thơ. Khi ấy Bạch Tuyết đã sẵn sàng bỏ lại mọi thứ để trở thành một người mẹ nhưng phước lành mãi không đến. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vì vậy mà phải chịu những áp lực vô hình. Sau một thời gian, họ chia tay.
Hôn nhân đổ vỡ, Bạch Tuyết đón nhận cú sốc đầu đời. Bạch Tuyết đã rất đau, rất khổ nhưng bà hiểu, đó là cái kết không thể tránh khỏi. Sau một thời gian, trái tim giai nhân lại một lần nữa loạn nhịp. Bà đã bỏ lại nỗi đau năm nào để tiếp tục tận hưởng mật ngọt của tình yêu và kết hôn. Chồng thứ hai của Bạch Tuyết là Charles Đức, quốc tịch Pháp. Ông có đến 2 bằng Tiến sĩ kinh tế ở Pháp và Tiến sĩ luật học ở Hà Lan.
Ở cuộc hôn nhân này, Bạch Tuyết đã được làm mẹ, khi ấy bà 29 tuổi. Bạch Tuyết nói rằng, cuộc hôn nhân đã mang đến cho bà nhiều điều, một đứa con xinh xắn và giúp bà hiểu được giá trị của tri thức.
Bà kể: “Lúc mới gặp gỡ, anh ấy buông lời làm tôi bực tức: “Cô là người quá tên tuổi trong lòng công chúng, nhưng trình độ thì chưa xứng đáng với cô. Đó là bi kịch của người nghệ sĩ. Tôi muốn tạo điều kiện để cô lấp đầy khoảng trống kiến thức ấy”. Nghe xong, tôi choáng váng vì cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi thấy anh là người trung thực ngay thẳng. Lúc này, tôi nhận ra một phần giá trị của con người là học vấn”.
Giờ đây, khi nhắc về người chồng thứ hai này, Bạch Tuyết luôn gọi ông một cách trìu mến “anh Ba Đức”. Bà nói rằng, mình vô cùng may mắn khi gặp được ông, nhờ ông mà bà có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Ông cũng giúp bà hiểu giá trị của tri thức, giúp bà bước vào một thế giới với những điều kỳ diệu. Họ rất tâm đầu ý hợp nên cuộc sống hôn nhân luôn đong đầy hạnh phúc, sự yêu thương. Thế nhưng, cuộc đời có những lối rẽ bất ngờ mà đôi khi người ta chẳng thể lý giải được.
Bạch Tuyết và chồng chia tay rất nhẹ nhàng, bao nhiêu yêu thương thuở nào được gói ghém lại để mỗi người bước đi trên con đường riêng đã chọn. Đến nay, Bạch Tuyết sống một mình nhưng bà không hề cô đơn. Bà sống yêu thương với mọi người nên nhận được nhiều tình cảm của những người xung quanh. Với 2 người chồng, duyên đã hết nhưng họ trở thành những người bạn và vẫn cùng nhau chia sẻ những buồn vui.
Lê Anh
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 44
>

No comments:

Post a Comment