Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 30 June 2019

“Một góc cuộc đời” của Trần Huy Liệu

Đăng lúc: Thứ năm - 10/04/2008 11:10 - Người đăng bài viết: Administrator

“Một góc cuộc đời” của Trần Huy Liệu

Tôi định viết về anh Trần Huy Liệu từ lâu, vì còn “Một góc cuộc đời của anh” vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Nay, năm Ất Dậu - 2005 - nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành công của Cách mạng tháng Tám mà anh có góp phần không nhỏ; lại nhân ngày giỗ lần thứ 35 kể từ lúc anh qua đời (27-7-1969) (1); và cũng là năm tôi đã lên tuổi 80, không còn là sớm nữa nếu không ghi lại được mấy dòng để “Đền ơn đáp nghĩa” đối với anh.
(Trước hết, tôi cũng xin được tâm sự một điều là: Anh Liệu ra đời năm 1901, tức cùng tuổi với ông thân sinh ra tôi. Khi tôi vào Ban Sử - Địa - Văn (năm 1953, năm 1955 đổi là Ban Văn - Sử - Địa), tôi đã xưng hô với anh là bác cháu. Nhưng anh nói, trong cơ quan để thân mật và dễ giao tiếp hơn, cứ gọi tôi là “anh” như đối với các anh trong Ban (Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh, Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan)... Nay trong mấy lời lưu niệm này, tôi vẫn xin xưng hô như anh đã nói để giữ lại cái Tâm).
Nói về Trần Huy Liệu thì những phần đời chói sáng của anh đều đã được làm rõ: nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà yêu nước kiên cường bất khuất trước mọi tra tấn tù đày của kẻ thù, nhà cách mạng được Quốc dân Đại hội cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa, làm Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ lâm thời vào Huế tước ấn kiếm Bảo Đại v.v...
Nhưng vẫn còn “Một góc cuộc đời” (một “góc” nhỏ thôi không phải là một “phần” cuộc đời của anh”) mà anh không tiện hay chưa kịp nói ra thì đã qua đời. Vào những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, có lúc tôi kính mến nhắc anh viết nốt hồi ký, anh nói: “Nay tôi áp huyết cao, mỗi lần đặt bút định làm cái nhiệm vụ lịch sử nhỏ bé này thì cái đầu lại như muốn vỡ tung ra...”.
Tôi xin kể lại một vài việc cụ thể để góp phần cùng bạn đọc hiểu thêm về anh:
Vào đầu năm 1954, khi công cuộc phát động quần chúng đấu tranh giảm tô, cải cách ruộng đất đợt thí điểm đang được tiến hành tại một số huyện ở Thái Nguyên, Phú Thọ, tôi được Ban Văn Sử Địa phân công đi lấy tài liệu sách báo còn cần cho Sử học, tịch thu được ở các gia đình địa chủ. Khi ra đi anh Liệu trao cho tôi giấy giới thiệu của Ban Tuyên huấn Trung ương với Đoàn uỷ Cải cách ruộng đất và nhờ tôi chuyển một thư riêng đến Đoàn uỷ đóng ở Đại Từ, Thái Nguyên. Anh nói: “Thư tôi để ngỏ, anh có thể mở ra xem để biết việc tôi làm, anh chuyển đến tận tay Đoàn uỷ giúp tôi”. Đi bộ từ Tân Trào đến thị trấn Sơn Dương nghỉ ăn cơm, tôi mở thư xem. Thư có hai nội dung mà tôi nhớ ý chính như sau:
“Kính gửi các anh trong Đoàn uỷ Cải cách ruộng đất Trung ương. Tôi có hai vấn đề muốn ngỏ cùng các anh:
1. Về chủ trương đẩy mạnh cách mạng, phản phong hỗ trợ cho cách mạng phản đế khi cuộc kháng chiến đang đi đến giai đoạn quyết liệt (lúc đó đang diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. BT) là cần. Nhưng cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tiến hành có sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc thì cần xem xét thêm. Theo tôi, lịch sử cho thấy: Giai cấp địa chủ Việt Nam có khác nhiều với địa chủ Trung Quốc. Ở chúng ta, số đại địa chủ làm tay sai cho đế quốc, phát xít chiếm tỷ lệ không cao trong giai cấp địa chủ. Còn đại đa số là trung, tiểu địa chủ và một số địa chủ thân sĩ đều có tinh thần yêu nước, nhiều con em họ đang là quân nhân, cán bộ cách mạng. Chúng ta phải có sách lược triệt để phân hoá, không nên đấu tố tràn lan như hiện nay...”.
Bởi vì qua nghiên cứu lịch sử và thâm nhập thực tế, anh có nhiều băn khoăn suy nghĩ... Bức thư đó đã được tôi chuyển đến cho Đoàn Ưng (2).
Ngoài ra còn có những cuộc gặp gỡ riêng của anh Liệu với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ về vấn đề này. Riêng về trách nhiệm nghiên cứu khoa học, anh còn viết một bài nhan đề: “Xét lại “hồ sơ” của giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam”, nhưng cũng mãi đến năm 1957 mới được đăng ở Tập san Văn Sử Địa (số 25, tháp 2 - 1957).
Lúc này Đảng đã phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và đang tiến hành sửa sai. Vậy mà anh lặng lẽ tâm sự với tôi: “Việc này tôi vẫn bị Trung ương “hỏi” đấy”. Anh lại nói: “Làm một người cách mạng trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc thì mình thấy Đảng làm gì sai phải nói”.
Từ đó tôi nghĩ: Nếu từ 1954, ý kiến của anh Liệu được coi trọng thì có thể dân tộc ta đã đỡ bị tổn thất nhiều trong cải cách ruộng đất như nay ta đã thấy. Tôi thán phục anh và tâm niệm một điều là: “Nên học tập, làm một người đảng viên trung thực như Trần Huy Liệu”.
Năm 1953 anh Liệu đã được Đảng phân công sang làm công tác khoa học. Anh say mê đi vào khoa học để phục vụ cách mạng cho đến trọn cuộc đời. Chúng tôi hân hạnh được tiếp bước theo anh...
Nếu sự việc kể trên đã được ít nhiều làm sáng tỏ thì điều thứ hai này, cho đến nay vẫn còn bị nhiều người hiểu sai - như Trần Thành Công - con trai của anh Liệu đã kể lại trong bài “Chuyện tình của nhà văn hoá Trần Huy Liệu” (báo Tiền Phong tháng 11 năm 1991) như sau:
“Có khá nhiều chi tiết thêu dệt về “Chuyện tình của ba tôi” là: trong những ngày đất nước sôi sục khí thế Cách mạng tháng Tám, ông Trần Huy Liệu được Chính phủ giao nhiệm vụ vào Huế tước ấn kiếm Bảo Đại... Công việc quan trọng là thế mà đến Huế thơ mộng, ông Liệu gặp người con dâu của Phạm Quỳnh... Tình yêu  bùng cháy. Ông Liệu quên cái phương diện quốc gia của mình yêu và lấy con dâu của quan đại thần triều đình huế...”.
Bài báo đã trình bày rõ điều đó là hoàn toàn sai sự thật. Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu. Thậm chí ở một trường cấp III, trong giờ dạy sử, một học sinh đã hỏi thầy “Ông Trần Huy Liệu từ chỗ là một người giữ những chức vụ cao trong Cách mạng tháng Tám, sao sau này lại tụt xuống như vậy?”. Thầy giáo trả lời tương tự như có người đã nói ở trên. Cho đến gần đây tôi vẫn được nhiều người, kể cả mấy vị lão thành cách mạng, hỏi về vấn đề này.
Tôi được sống gần anh Liệu lại được anh Văn Tân, anh Cù Huy Cận cho biết ít nhiều nên xin vắn tắt trình bày đôi điều hiểu biết của mình:
1. Theo biên niên sử thì Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời vào tước ấn kiếm Bảo Đại cho Trần Huy Liệu dẫn đầu có anh Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận tham gia, khởi hành từ Hà Nội ngày 27 - 8 – 1945. Đi qua các tỉnh đều được chính quyền cùng nhân dân địa phương nhiệt liệt đón chào và nghe Đoàn nói chuyện, cho nên đến Huế khá muộn. Mãi đến chiều 29 - 8 Bảo Đại mới được tiếp kiến và nhận những điều quy định về nghi thức thoái vị do Đoàn đề ra. Chiều ngày 30 tháng 8, lễ thoái vị của Bảo Đại mới được cử hành ở cửa Ngọ Môn và kết thúc ngay vào chiều hôm đó để Đoàn kịp về Hà Nội dự lễ 2 - 9.
Một phái đoàn quan trọng đi thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng trong một thời gian gấp gáp như vậy, lại được bảo vệ nghiêm ngặt, thì một đoàn viên nào đó sao lại có thể thực hiện được việc riêng, như chuyện bịa đặt kể trên về anh Trần Huy Liệu.
2. Bà Hy lập thành gia thất với Phạm Giao, con trai Phạm Quỳnh, nhưng do hoàn cảnh éo le nên vợ chồng đã ly thân. Bà Hy lúc đó không còn ở Huế mà từ năm 1942 - 1943 đã đem hai con về sống ở nhà riêng tại ấp Thái Hà, do thân sinh là Đô học Nguyễn Văn Ngọc để lại, nên không có chuyện gặp Trần Huy Liệu ở Huế được.
3. Theo anh Xuân Thuỷ, anh Văn Tân kể lại thì: Trần Huy Liệu từ khi còn làm ở báo Tin tức đã để ý đến “tiểu thư khuê các” Nguyễn Thị Hy, con Đốc học Nguyễn Văn Ngọc đang đứng bán sách báo và giấy bút học sinh tại Vĩnh Hưng Long thư quán ở Hà Nội. Xuân Thuỷ đã muốn giúp Trần Huy Liệu tặng mấy vần thơ. Nhưng rồi nhà báo Trần Huy Liệu thì “vào tù ra khám”, còn tiểu thư thì vu quy về một gia đình quan lại. Trên một thập kỷ hai bên không gặp nhau. Mãi đến cuối năm 1945 - đầu năm 1946, khi Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, cũng là lúc mà tướng Lư Hán (Tàu Tưởng) có chủ trương “cầm Hồ diệt Cộng”; các thành viên Chính phủ ban đêm phải sơ tán ra ngoại thành. Trần Huy Liệu được bố trí về tạm trú ở ấp Thái Hà đã gặp lại bà Hy và cảm thông với những vui buồn trong cuộc đời của nhau. Nhưng cũng mãi đến dịp Trần Huy Liệu đi công tác tại các tỉnh phía Bắc mới qua Lập Thạch, Vĩnh Yên và chính thức chắp nối lại mối tình với bà Hy (3). Việc này hoàn toàn không dính líu gì đến việc Trần Huy Liệu vào Huế cũng như không dính líu tí nào đến cái chết của Phạm Quỳnh.
Tôi được gần anh Trần Huy Liệu từ cuối năm 1953 cho đến tháng 7 - 1969 khi anh qua đời, tôi thấy, nếu trong hoạt động chính trị, anh là người hết sức trung thực với Đảng, với Cách mạng, thì trong cuộc sống đời thường anh hết sức trung thành với gia đình, bạn hữu.
1. Anh Trần Huy Liệu ngã xuống trên  bàn nói chuyện với các quân nhân phục viên và đại diện các gia đình thương binh, liệt sĩ thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam nhân ngày 27 - 7. Do xúc động trước những huy sinh tổn thất lớn lao của dân tộc, trong đó có người con rể của anh, một bác sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô, vừa mới bị hy sinh trên đường Trường Sơn vào Nam phục vụ, vừa mới nhận được giấy báo tử khiến anh bị đứt mạch máu não, hôn mê và ngày hôm sau, 28 - 7 - 1969 - qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.
2. Cụ thể: Sau khi dự cuộc đấu tố địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Đồng Hỷ Thái Nguyên, tôi được cùng anh Liệu đi dự cuộc đấu tố một địa chủ người Thổ từng làm lý trưởng ở một xã cũng thuộc Đồng Hỷ, có cả cố vấn Trung Quốc tham dự. Khi một nữ công dân “cốt cán” lên chỉ tay vào mặt địa chủ tố cáo là: “Mày, thằng cường hào gian ác kia, mày có nhớ không, mày cậy quyền cậy thế, đã hiếp bà bao nhiêu lần rồi?”. Địa chủ bình thản trả lời: “Thưa bà lúc đó bà cứ muốn con ngủ  với bà, chứ con có hiếp bà đâu?”. Cả đấu trường phì cười. Một cốt cán đứng lên giơ tay hô “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Cả đấu trường cùng hô “Đả đảo”. Khi ra về anh Liệu nói: “Sao lại làm như thế nhỉ, tôi sẽ viết thư lên Trung ương về đấu tranh với ai và nên đấu tranh thế nào?”.
3. Bà Hy là con gái nhà nghiên cứu văn học, Đốc học Nguyễn Văn Ngọc, tác giả công trình Ca dao, tục ngữ Việt Nam. Cụ có mua được một đồn điền nhỏ ở Lập Thạch, Vĩnh Yên. Trong kháng chiến bà Hy cùng các con sơ tán lên ở đấy, bị nông dân quy là địa chủ, tịch thu và bao vây kinh tế.
Nguồn: Xưa & Nay, số 31, 297, 12/2007, tr 29
Tác giả bài viết: Văn Tạo
Đánh giá bài viết

No comments:

Post a Comment