Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 27 June 2019

"Nghe em vào đại học" và nỗi lòng của nhà thơ Giang Nam

Khi nhắc đến nhà văn Giang Nam là người ta nghĩ ngay tới bài thơ Quê hương, thế nhưng bên cạnh đó, nhiều thế hệ học sinh - sinh viên còn yêu thích bài thơ Nghe em vào đại học của ông.

Nghe em vào đại học
Nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên
Hôm nay nhận được thư em
Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng
Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng
Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em
Ngọn gió quê hương sông rạch dịu hiền.
Miền Nam em ơi còn nhớ
Kháng chiến năm nào gian khổ
Đồn giặc bủa vây thôn xóm điêu tàn
Trường giặc đốt rồi còn lại ánh trăng
...
Nhân thời điểm nhiều bạn trẻ bước chân vào giảng đường đại học, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với nhà thơ Giang Nam để nghe ông tâm sự về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này.
Trong buổi trưa hè ở phố biển, nhà thơ Giang Nam đã say sưa nói về Nghe em vào đại học. Như lời ông nói thì đó chính là “nỗi lòng” của mình trong những ngày ở lại miền Nam chiến đấu.
Nhà thơ Giang Nam cùng người bạn hiền đồng hành cùng ông suốt cuộc đời.
"Vào giữa năm 1961, lúc đó cơ quan Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa đóng ở căn cứ Hòn Dù (Nha Trang). Cũng trong thời gian này ta thường mở các đợt phá kềm ở các vùng giáp ranh. Trong cơ quan tuyên huấn lúc đó có cậu liên lạc người địa phương được anh em đặt bí danh là “Mi-đa”. Vào một đêm vào giữa mùa hè như bây giờ, chúng tôi về phá kềm ở làng Đại Điền - Diên Khánh. Mặc dù đã nhận được giấy báo ra miền Bắc học tập nhưng Mi-đa vẫn nằng nặc xin theo vì Đại Điền chính là quê hương của cậu.
Hôm đó chúng ta phá kềm thành công, tôi và các anh trong cơ quan Tuyên huấn chia nhau đi nói chuyện, tuyên truyền vận động bà con. Thế nhưng đêm hôm sau chúng tôi vừa rút ra khỏi làng thì gặp ổ phục kích của địch, phía ta có một người hy sinh và thật đau đớn đó lại chính là Mi-đa.
Ngay trong đêm chúng tôi đưa Mi-đa về căn cứ Hòn Ngang chôn cất, còn nhớ lúc đó là mùa khô nên đất rất cứng chúng tôi phải đào huyệt rất lâu. Côn cất Miđa xong anh em phải rút đi thật xa vì sợ địch lần theo. Đang trằn trọc trên võng thì giống như định mệnh, giao liên đến đưa cho tôi lá thư từ miền Bắc gửi vào. Đó là thư của một cậu trước đây cũng là liên lạc của cơ quan được cho ra Bắc học tập. Trong thư cậu này khoe với các chú đã thi đậu vào đại học. Từ những cảm xúc đau đớn, vui mừng lẫn lộn đó tôi đã thức suốt đêm để làm bài thơ này.
Thú thật bài thơ viết về Miđa nhưng trong đó có một phần nỗi lòng của tôi. Tuy đã hai lần được đề nghị ra Bắc học tập nhưng tôi vẫn xin ở lại quê hương chiến đấu. Thế nhưng có những lúc vẫn xốn xang trong lòng, cảm thấy tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội được học hành, nhất là trong những lúc gian khổ lại mơ về cảnh cổng giảng đường đại học, lại được bay bổng trong không gian thơ ca mà mình hằng mơ ước. Anh em chúng tôi vẫn thường nói với nhau. Khi quyết định ở lại bám trụ chiến đấu cái đáng sợ nhất không phải là sự tàn khốc của chiến tranh, đối mặt với cái chết cận kề mà đó là sự đau đớn, tiếc nuối vì bỏ qua cơ hội học hành, tiếp tục theo đuổi sở học của mình.
Thế nhưng sau khi làm bài thơ này tôi như cất được hòn đá tảng đè lên ngực. Kể từ đó tôi bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù mà lòng thanh thản đến lạ thường".
Có nhà phê bình đã nói: “Thơ Giang Nam mang niềm tin cho người ở lại và cả cho người tập kết ra Bắc. Đó là cảm xúc chủ yếu nối tình cảm đồng bào Nam Bắc ruột thịt”. Bài thơ trên cho chúng ta thấy chính niềm lạc quan, tin vào ngày mai tất thắng đã giúp cho người lính vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh. Chính vì được tôi luyện trong “trường cách mạng” nên sự hy sinh của người anh hết sức lớn lao, thể hiện rõ bản chất của người chiến sĩ cộng sản luôn đi trước về sau: “Anh không buồn vì anh biết em anh/Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học”.
Bài thơ đến ngày hôm nay càng có giá trị bởi nó toát lên ý nghĩa nhân văn. Lớp trẻ hôm nay có cái nhìn sâu sắc hơn về thế hệ cha anh đã phải “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.
“Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt/Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam/Câu chuyện mở đầu thuở ấy ở quê hương/Anh chỉ học có một trường cách mạng”.
Theo ANH CƯỜNG (VTC

No comments:

Post a Comment