Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 June 2019

Kì Ngoại Hầu Cường Để

Bấm cái nút bậy bạ gì mà tự dưng mất hết content mình đang viết nên giờ phải viết lại từ đầu ;-(

Đọc xong cuốn "A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cuong De (1882-1951)" của tác giả Trần Mỹ Vân mới biết được cuộc đời kiên định của một nhà yêu nước Việt Nam bị lịch sử (cố tình) lãng quên.

Cuộc đời của Kì Ngoại Hầu Cường Để là một cuộc đời kiên định vì ông đã giữ vững chính kiến của mình cho đến tận lúc cuối đời. Mặc dầu ông đã nếm trải biết bao nhiều cay đắng và thất bại, Cường Để vẫn nhất quyết theo đuổi mơ ước của mình: một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, và văn minh không kém các cường quốc trên thế giới.

Nhưng theo mọi người vẫn nói, mơ ước vẫn chỉ là ước mơ mà thôi. Trong hoàn cảnh này, tuy ước nguyện của ông cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất đã thành hiện thực, nhưng phần còn lại của giấc mơ vẫn chỉ là một mộng tưởng, vì Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo trên thé giới mặc dầu chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm.

Cuộc đời của vị hoàng tử này bắt đầu khi ông được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc sinh sống ở một ngôi làng tại miền Trung. Nói là hoàng tộc, chứ gia đình của Cường Để không hề có bất cứ quyền lực gì đối với việc triều trính, và họ cũng đừng mong một thành viên trong gia đình được chọn làm người kế vị cho ngôi vua. Nguyên nhân của sự việc này là do tổ tiên của Cường Để là Thái tử Cảnh, người con yêu dấu của vua Gia Long nhưng lại đoản mệnh và qua đời ở độ tuổi 22 trước khi ông được lên làm vua. Theo truyền thống thì sau khi Thái tử Cảnh qua đời, người con trai đầu của ông phải được phong làm người thừa kế ngai vàng. Tuy vậy, do thời cuộc lúc bấy giờ đầy rối ren do các giáo sĩ và thế lực phương Tây, mà chủ yếu là người Pháp, bắt đầu gây áp lực lên triều đình Huế và đòi hỏi Pháp phải được buôn bán và tham gia vào các hoạt động ở Việt Nam. Chính mội đe dọa từ Tây Phương khiền Gia Long quyết định chọn Minh Mạng, một người có kinh nghiệm và sự từng trải, làm người kế nhiệm của mình. Chình từ đây mà dòng họ trực thuộc vị Thái tử quá cố bắt đầu bị gạt ra bên lề của chốn cung đình. Những gì Cường Để và tổ tiên của ông có trong tay chỉ là cái danh hiệu "Hầu" hữu danh vô thực mà thôi.


Lúc Cường Để được hai mươi mốt tuổi, đất nước đã bị giặc Pháp xâm lấn và đô hộ. Ông muốn làm một điều gì đó đề cứu nước, nhưng lại phải bất lực nhìn Tổ quốc của mình bị giày xéo bởi gót giày ngoại xâm.

Đau xót lắm chứ.

Chính vào thởi điểm này mà Cường Để được gặp Phan Bội Châu. Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang đi tìm một vị Minh chủ cho phòng trào yêu nước chống Pháp của mình, mà cụ thể là Phan Bội Châu sẽ dựa và sức mạnh của Nhật Bản - một cường quốc đang lên - để giành lại độc lập cho Việt Nam. Và trên hết, vị Phan Bội Châu cần một con người thuộc dòng dõi hoàng tộc để gây tiếng vang và thu hút nhân lực cho phong trào của mình, như những vị tiền bối của ông đã làm trong phong trào Cần Vương vậy.


Kì Ngoại Hầu Cường Để và Phan Bội Châu

Chính lúc đó Phan Bội Châu tìm được Cường Để. Hai con người có cùng chí hướng, nhưng vai vế của họ lại không bằng nhau. Tuy Cường Để được coi là người đứng đầu của tổ chức Duy Tân Hội, nhưng Phan Bội Châu mới chính là người lãnh đạo của phong trào này, Từ lúc Cường Để gặp Phan Bội Châu lần đầu tiên cho đến khi nhà trí thức yêu nước bị bắt giam bởi thực dân Pháp, ông vẫn luôn bị che khuất bởi cái bóng quá lớn của Phan Bội Châu. Chính vì lẽ đó nên khi Phan Bội Châu bị giam cầm tại Việt Nam, Cường Để - lúc này đang sống lưu vong tại Nhật Bản - đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát đối với tổ chức do ông và Phan Bội Châu lập ra.

Ngoài việc dựa dẫm quá nhiều vào Phan Bội Châu, Cường Để cũng đã quá ngây thơ khi hoàn toàn tin tưởng vào ý nghĩ chính phủ Nhật Bản thời bấy giờ sẽ ra sức giúp Việt Nam dành lại độc lập. Lòng tốt của người không phải là thứ miễn phí mà cứ muốn là có được, nói gì đến việc một quốc gia đang củng cố vị thế của mình trên thế giới lại muốn đi gây hấn với một cường quốc khác. Chính vì lẻ đó mà trong suốt cuộc đời của mình, Cường Để đã không biết bao nhiêu lần bị phản bội bời chính những người mà ông tin tưởng và đặt hi vọng vào, và cũng không biết bao nhiêu lần ông càm thấy vô vọng khi ông bị dùng như một con tốt trên bàn cờ: khi đã hết công dụng rồi thì bị vứt bỏ đi.


Thời cơ đến rồi lại đi. Năm tháng và tuổi xuân của đời người cũng thoảng bay theo gió. Kì Ngoại Hầu Cường Để vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho nền độc lập của dân tộc. Ông đi từ tây sang đông, từ nam ra bắc, vượt nửa vòng trái đất, thăm vô số quốc gia để tìm kiếm một mạnh thường quân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ ý trời không muốn ông thành vương, nên công sức của ông cuối cùng đổ sông đổ bể. Không một ai chịu chìa tay ra để giúp một đất nước nhỏ bé ở một nơi xa xôi, hoặc nếu có giúp thì cũng chỉ là một phần nhỏ cho kế hoạch của Cường Để. Vị Kì Ngoại Hầu cuối cùng cũng phải quay lại Nhật Bản, nơi ông sẽ sống cho đến cuối đời mình.

Những tưởng ông sẽ đạt được ước nguyện của mình khi Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam năm 1945, nhưng ý trời đã định, ông vuột tay khỏi cơ hội cuối cùng để trở thành lãnh đạo của một nước Việt Nam độc lập. Cường Để trút hơi thở cuối cùng 6 năm sau đó, ở nơi xứ người xa khỏi mảnh đất cha ông, Lúc hấp hối, ông thốt ra những lời cuối cùng bằng tiếng Việt, cầu xin người Việt Nam đừng chém giết lẫn nhau. Ông mất năm 1951 vì ung thư gan, bên cạnh ông có những người bạn Việt và Nhật, và người bạn đời Ando Chieko.

Cánh hoa cúc chạm xuống mặt nước tĩnh lặng. Cuộc đời của một con người yêu nước cũng khép lại, nhưng những bài học mà ông để lại cho hậu thế thì không bao giờ phôi phai.

No comments:

Post a Comment