Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 12 October 2019

ĐỂ TÔI NÓI CHO MÀ NGHE

Ảnh của nguyenlanthang
Tây Bắc là một vùng đất mà cả thời tuổi trẻ của tôi lăn lộn ở đó để rong chơi và khám phá. Cái ngày tôi bắt đầu biết xách xe máy đi lang thang thì rừng núi Tây Bắc còn hiểm trở lắm. Những chuyến đi đầu tiên cũng chỉ dám mon men ở vùng Thái Nguyên, Bắc Cạn gần Hà Nội thôi, vì đường thì xấu và tôi cũng chẳng có nhiều tiền để mà đi đâu lâu. Sau này có điều kiện hơn, tôi cứ đi xa dần, cao dần, lên mãi sát những vùng rừng núi biên giới giáp Trung Quốc, Lào, rồi phượt bằng xe máy sang tận vùng thượng Lào gần Tam Giác Vàng. Nhưng có lẽ chuyến đi nhớ đời nhất chính là hồi tháng 4 năm 2007.
Những năm đó phong trào phục hồi và chơi xe Minsk để phượt Tây Bắc bắt đầu nở rộ. Xe Minsk là một loại xe nam, côn tay, cao lớn, nặng và dùng xăng pha nhớt khói mù. Đây là một loại xe huyền thoại của người Nga ở Việt Nam. Nó nổi tiếng vì sự bền bỉ, leo dốc rất khoẻ và khả năng sửa chữa dọc đường vô cùng dễ. Nhưng nó cũng rất kén người đi, không phù hợp lắm trong đường phố đô thị, nên không phải ai cũng dám chơi. Tôi cũng không có nhiều tiền để chơi riêng một con xe này, nên hồi đó lúc cần toàn phải ra hàng Cường Minsk ngay đầu ngõ Phất Lộc để thuê xe đi chơi vài ngày. Lúc đó thì tôi còn chưa biết đến Người Buôn Gió, chưa biết đến Phạm Đoan Trang, hay bất cứ chuyện gì liên quan đến biểu tình hoặc đấu tranh dân chủ nọ kia đâu. Tuổi trẻ của tôi cũng như bao người cùng trang lứa khác lúc đó, là kiếm tiền rồi tiêu tiền mà thôi. Nhưng có lẽ may mắn là tôi dành cái sự tiêu tiền của mình vào nhiều chuyến đi, nên trải nghiệm dù sao cũng tích luỹ được nhiều hơn so với các cậu ấm cô chiêu dân thành phố khác. Phiêu mưu. Mạo hiểm. Khao khát. Liều lĩnh. Thậm chí còn rất điên rồ trên những cung đường. Đó là những phẩm chất cần phải có để rồi sau này tôi dám làm những chuyện tày trời khác.
Quay trở lại chuyện chuyến đi, năm đó chúng tôi chỉ có hai người, thong thả rong ruổi từ Hà Nội lên Tây Bắc, vui đâu chầu đấy, không xác định rõ một lộ trình cụ thể. Thế rồi càng đi, chúng tôi càng gặp dần nhiều người bạn cũng đi phượt như vậy. Vui chuyện, gặp cảnh, thế là chúng tôi cứ thế lao lên Hà Giang, từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn đến Mèo Vạc, Tĩnh Túc... để khám phá con đường Hạnh Phúc mà bấy lâu nay chỉ biết sơ sơ qua vài bài viết đâu đó trên mạng.
Những năm đó đường Hạnh Phúc còn hoang sơ lắm. 185 km đường núi ngoằn ngoèo nhỏ hẹp vắt qua những núi cao và vực thẳm, hầu như chẳng thấy người đi. Đến những trụ đá, vách đá ven đường còn nguyên dấu vết chặt đẽo của lớp người mở đường năm xưa, không hề có những len hộ đường bằng thép sơn phản quang hiện đại như bây giờ. Đường đi xa và gian nan, nhưng lũ người thành phố chúng tôi lại vô cùng phấn khích và sung sướng, vì tự nhiên được đắm chìm trong không gian mênh mông, kỳ vĩ của những rặng núi đá tai mèo nhấp nhô, trải tít đến tận chân trời. Thi thoảng mấy nếp nhà hiền hoà lại hiện ra đâu đó trên sườn dốc dọc theo những cung đường uốn lượn bám lấy lưng trời. Có những lúc hứng chí, chúng tôi còn ngả rượu ngô ra uống ở ngay giữa đường mà chẳng hề sợ làm phiền đến ai, bởi lâu lâu mới có một vài em nhỏ gùi cỏ hay bắp gì đó đi lại chậm rãi trên đường. Mỗi lúc dừng xe nghỉ như thế, chỉ nghe có tiếng gió vi vu, tiếng mõ trâu lốc cốc đâu đó ở trên núi và không gian bao la bất tận của núi và mây. Tuyệt đối tự do và thinh lặng. Ấy là cảm giác tôi không thể nào quên mỗi khi nghĩ về con đường Hạnh Phúc ngày đó.
Được đi và trót yêu mảnh đất Hà Giang từ ấy, nên hàng năm mỗi khi có dịp là tôi lại tìm cách quay về đây để tận hưởng không khí, cảnh vật và văn hoá đặc sắc có một không hai ở nơi này. Nhưng rồi gần đây đã có một chuyện đau lòng đến với Hà Giang. Đó là việc Công viên đá Đồng Văn, như các bạn đã biết đang bị xâm hại bởi công trình Panorama tại hẻm vực Tu Sản. Tranh cãi nhiều lắm. Luận tội nhiều lắm. Nên đập bỏ hẳn hay cải tạo. Rồi cả chuyện tức cười là vụ tụt quần giải cứu Mã Pì Lèng nữa. Những vấn đề đó tràn ngập truyền thông nên tôi không thể không biết. Nhưng từ đầu tôi đã cố tình chưa bàn sâu, để lắng nghe và để nghĩ cho chín rồi mới bầy tỏ suy nghĩ của mình thông qua bài viết này.
Không nhỏ bé như công viên Đầm Sen, công viên Thủ Lệ, công viên Bách Thảo... công viên đá Đồng Văn được xác định là một quần thể núi đá và sông ngòi trải rộng trên diện tích bốn huyện gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Với diện tích khổng lồ đó, nó không có tường bao, không có bảo vệ, không có bán vé... như những cái công viên kia, nhưng nó ẩn chứa trong mình những giá trị vô cùng quý giá. Ấy là núi, là sông, là cảnh vật, là cây cối, là muông thú, là thời tiết khí hậu... và đặc biệt là có khoảng 250.000 người thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau đang sinh sống rải rác ở đây, với đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tập quán vô cùng phong phú.
Trong một cái công viên chúng ta thường thấy ở các đô thị, người ta có thể đào hồ, đắp núi, mang những con khỉ, con nai về nhốt làm đẹp. Nhưng ở đây, Công viên đá Đồng Văn có sẵn luôn trong mình những thứ đó. Và hơn thế nữa, đó là những cấu trúc thiên tạo kỳ vĩ, đẹp tuyệt vời, có một không hai. Đó là những chim muông thú vật tự do bay nhảy. Đó là 17 dân tộc thiểu số với nhà cửa, trang phục, ngôn ngữ, tập quán, văn hoá vô cùng đa dạng tô điểm cho nơi này. Chính vì lẽ đó, dù cực kỳ to lớn, nhưng công viên đá Đồng Văn rất xứng đáng cần được quan tâm và bảo vệ, còn hơn cả những công viên nhân tạo kia. Năm 2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Những năm đó đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam, và là thứ hai ở Đông Nam Á.
Trong quá trình lập hồ sơ, vận động hành lang, đầu tư xây dựng để cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một quần thể địa chất được thế giới công nhận, phải nói cho đúng là ngân sách và công sức nhà nước đã đầu tư cho Hà Giang không phải ít. Mấy năm trên đường đi lang thang ở cao nguyên đá này, tôi đã bắt gặp vô số những đoạn đường và khu vực hành chính được đầu tư mở mang. Tuy thế tôi thấy có những đoạn đường quá to, quá rộng, quá thẳng và hình như có gì đó sai sai so với cảnh vật, với nhà cửa, với con người ở đây. Những nơi như Yên Minh, Phố Cáo, Sủng Là... mấy đoạn đường thẳng tắp, rộng từ 6 đến 8 làn xe chạy tự dưng mọc lên giữa vùng đồi núi, trông thảm hại như những vết chém tàn nhẫn trên gương mặt xinh đẹp của sơn nữ miền rừng. Những ngôi nhà rất đặc trưng của người H'Mong, Dao, Tày, Giáy, La Chí... được "tập kết" dọc đường thành những quần thể khô cứng, rời rạc, tách bạch hẳn với phong cảnh núi rừng ở xa xa kia.
Sống nhờ núi và chết cũng ở núi, người dân tộc vốn xưa nay làm nhà rất tản mát và gắn bó mật thiết với bề mặt địa hình rất đa dạng của núi rừng. Những nếp nhà nhỏ bé, hiền hoà bám chặt lấy từng nếp núi, hoà mình vào cây, như những nét chấm phá tuyệt đẹp có trong tranh thuỷ mặc. Ấy mới chính là nét nguyên sơ, trong trẻo, duyên dáng mà khách đường xa như tôi vốn khao khát được thấy ở nơi này. Rất tiếc là bằng quyết tâm chính trị xuất phát từ nơi đồng bằng, rất nhiều tiền của, nhiều sức người đã đổ lên đây, để rồi phá tan những giá trị tuyệt vời đó. Và đáng buồn nhất là chính con người ở Hà Giang theo tôi cũng không hiểu, không biết quý, không biết giữ những giá trị bản địa đặc sắc của mình. Phong tục, tập quán, nhà cửa, trang phục, lối sống đặc trưng của các dân tộc ít người cứ mòn dần đi, mất dần đi theo đà tiến rầm rộ của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đảng và nhà nước.
Tuy thế, so với vùng du lịch Sapa ở Lào Cai thì cao nguyên đá Đồng Văn còn rất đẹp. Người ta phá như thế mà nó vẫn còn đẹp, bởi vì nó quá to lớn, hùng vĩ, không dễ mà phá hết ngay được. Nhưng nếu cứ để tiếp diễn tình trạng này thì tôi chắc ở đây chỉ khoảng mươi năm nữa thôi là lại nhếch nhác, xô bồ không kém gì Sapa bây giờ. Thật đau lòng.
Sự xuống cấp của Đồng Văn, Sapa, Đà Lạt, Nha Trang... hay bất kỳ danh thắng nào trên cả nước không phải là chuyện tiền. Trong hàng chục năm qua, ngân sách nhà nước đổ không ít về những nơi này hòng biến thành chúng các vùng du lịch đẳng cấp. Nhưng ngay cả Sapa nơi tôi từng làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về kiến trúc phong cảnh để quy hoạch cho nghiêm chỉnh, thế mà cuối cùng vẫn không ăn thua. Tình trạng chung là càng làm càng nát, càng quyết liệt càng tan hoang. Nhiều lúc nhìn lại cả đất nước, tôi thầm ước giá như họ thiếu quyết tâm đi một chút thì đâu đến nỗi vùng nào cũng be bét như thế này.
Năm 2003, khi có duyên được làm việc cùng các chuyên gia Pháp trong dự án Quy hoạch Sapa, tôi được họ trao đổi nhiều về phong cách kiến trúc của một kiến trúc sư Mỹ, ông Frank Lloyd Wright. Tại sao các chuyên gia hàng đầu về kiến trúc phong cảnh của Pháp lại mang phong cách kiến trúc của một người Mỹ ra thảo luận và định hướng cho dự án của mình? Người Pháp vốn rất tự tôn dân tộc, và nhiều người có phần kỳ thị văn hoá Mỹ, không dễ để họ thừa nhận giá trị của ai đâu. Để hiểu được chuyện này hãy cùng tôi tìm hiểu một chút về F.L Wright.
Frank Lloyd Wright là một thiên tài, và là kiến trúc sư vĩ đại nhất của nước Mỹ. Trên thế giới người ta biết đến ông nhiều nhất với công trình Nhà trên thác (Fallingwater) tuyệt đẹp nằm ở trong rừng bang Pennsylvania. Với khả năng tưởng tượng không giới hạn và là một trong những người tiên phong cho chủ nghĩa kiến trúc hữu cơ vô cùng đặc sắc, F.L Wright đã tạo ra vô số các công trình cực kỳ hài hoà với tự nhiên, chưa có ai vượt qua được. Các bạn có thể lấy tên ông ấy tìm kiếm trên mạng sẽ có đầy những công trình tuyệt đẹp, hài hòa với tự nhiên.
Nhấn mạnh về chủ nghĩa kiến trúc hữu cơ, các chuyên gia Pháp ngày đó đã muốn khẳng định với các cơ quan quản lý Việt Nam một điều rằng, chỉ có tôn trọng thiên nhiên, gắn kết con người hòa hợp với tự nhiên, chúng ta mới có thể xây dựng và phát triển được những khu du lịch xinh đẹp đẳng cấp thế giới. Rất tiếc không phải ai trong bộ máy nhà nước cũng có thể hiểu được chuyện đó, và họ còn bị giằng xé vì đồng tiền, vì quyền lực, vì nể nang, vì tư duy nhiệm kỳ và vô số những điều tệ hại khác nằm trong bản chất của hệ thống nhà nước. Điều đó dẫn đến việc ngay cả khi đã hoàn thành một bộ quy hoạch tuyệt vời như ở Sapa, nhưng chúng ta vẫn mất nó. Đâu còn một nơi trong lành, xinh đẹp như trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long ngày xưa. Đâu còn một Đà Lạt mơ mộng đã đi vào thi ca của dân tộc này. Và chắc chắn Đồng Văn sẽ chung số phận nếu đất nước này không đổi thay.
Tôi không muốn sa đà vào bàn chuyện sửa hay đập công trình Panorama ở Mã Pì Lèng. Đập hay sửa rồi thì cũng sẽ vẫn thế thôi. Dân vẫn mất tiền. Phong cảnh đất nước vẫn tan hoang. Và rồi khi chuyện này lắng đi thì ở một nơi nào đó trên cao nguyên đá Đồng Văn lại có khối u xấu xí khác mọc lên, mà dường như vẫn không có ai phải chịu trách nhiệm. Nhưng có một điều tôi thấy thú vị qua toàn bộ chuyện này là dư luận xã hội không còn hiền như trước. Rất nhiều người quan tâm và phẫn nộ. Rất nhiều báo chí và các tổ chức bảo vệ môi trường lên tiếng. Càng nhiều tích tụ, những bức xúc xã hội này sẽ có một ngày nhất định phải bùng nổ, buộc thể chế này phải thay đổi. Khi ấy những giọng nói đòi hỏi tương lai cho đất nước này sẽ không còn lạc lõng, cô đơn.
A í a... Tiếng sáo ai lửng lơ...


 https://www.rfavietnam.com/node/5698

No comments:

Post a Comment