Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 17 March 2020

Putin 'là tài sản quý' nước Nga cần bảo vệ

  • 13 tháng 3 2020
  • Bản quyền hình ảnh Reuters
    Image caption Tổng thống Putin thống trị chính trường Nga 20 năm qua
    Chủ tịch Quốc hội Nga ca ngợi Tổng thống Putin và nói trong thời biến động như hiện nay, không phải dầu, khí mà "Putin mới là tài sản quý" của quốc gia.
    Ông Putin có cơ hội cầm quyền đến 84 tuổi?
    Đảng Cộng sản Nga ủng hộ 'đưa Chúa vào Hiến pháp'
    Bảo vệ cho điều sửa đổi Hiến pháp Nga mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, đến 2036, các lãnh đạo Nga nay công khai cho rằng ông Putin "là tài sản quý" cần bảo vệ, duy trì.
    Theo trang Moscow Times, phát biểu trước Viện Duma Quốc gia hôm 11/03, Chủ tịch Duma, ông Vyacheslav Volodin nói:
    “Vladimir Vladimirovich [Putin] chính là hạt nhân của Liên bang Nga...Ông đã giữ để Nga không trượt đi và nhận lãnh trách nhiệm mà nay sẽ trong tay ông trọn đời."

    Giá dầu

    Nói đến cả việc giá dầu sụt thảm hại khiến đồng tiền Nga mất giá, ông Volodin bình luận:
    "Ngày nay, trước những thách thức và đe dọa đang xảy ra trên thế giới, dầu và khí đốt không phải là ưu thế của chúng ta nữa, mà chỉ có Putin. Dầu và khí còn có thể mất giá. Ưu thế của chúng ta là có Putin, và chúng ta cần bảo vệ ông."
    Hôm đầu tuần, giá dầu giảm mạnh và đồng ruble của Nga sụt 10%, xuống mức thấp nhất từ bốn năm qua, với giá 1 USD ăn 75 ruble ở Moscow cuối ngày thứ Hai.
    Hiện Nga còn 570 tỷ USD dự trữ tài chính, chủ yếu nhờ bán dầu và khí đốt.
    Giá dầu thô Brent hôm đầu tuần rớt xuống 34 USD/thùng, vài đô trên giá 'kinh tế Nga còn chịu được' là 30 USD.
    Nếu giá dầu sụt xuống dưới ngưỡng đó, Nga sẽ gặp khó khăn lớn, một phần vì chi phí khai thác cao,

    Cùng nhau bảo vệ Putin vì tổ quốc

    Gọi ông Putin là "gia sản quý" của Nga, ông Volodin cũng khen ngợi nghị sĩ Valentina Tereshkova, người đề xuất sửa đổi hiến pháp để ông Putin cầm quyền lâu hơn.
    Bà Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1963, đã nhân danh đảng Nước Nga Thống nhất, đưa ra sửa đổi để hai nhiệm kỳ liên tiếp hiện nay của ông Putin "coi như không tính".
    Sáng kiến này nói điều khoản "tối đa hai nhiệm kỳ" với tổng thống chỉ có hiệu lực sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm nay.
    Nhờ đó, ông Putin sẽ có thể ra tranh cử và đắc cử "như mới" sau 2024, khi nhiệm kỳ này chấm dứt, và cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, đến 2036.
    Bản quyền hình ảnh Reuters
    Image caption Nghị sĩ Valentina Tereshkova
    Có vẻ như Chủ tịch Viện Duma đã rất đồng ý với sửa đổi của bà Tereshkova, và lên tiếng chỉ trích những ai phê phán bà là "nịnh bợ ông Putin".
    Theo ông Volodin thì "công kích Tereshkova chẳng khác nào công kích nước Nga".
    Ông cũng nói tương lai ổn định của Nga yêu cầu chọn ông Putin nắm quyền lâu dài.
    Ông Putin, qua lời phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov, đã đồng ý với điều sửa đổi về nhiệm kỳ, và chỉ nói cần có toà án chuẩn thuận nữa là xong.
    Năm nay 67 tuổi, ông Putin lên làm thủ tướng Nga cuối 1999 và sau đó, cầm quyền ở hai vị trí cao nhất nước, là thủ tướng và tổng thống cho đến nay.
    Dù Nga vẫn có đảng đối lập, báo chí tư nhân hoặc độc lập, đảng Nước Nga Thống nhất có sự ủng hộ nhiều ở các vùng xa, thành phố nhỏ nhờ đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
    Phần đông chính giới Nga coi ông Putin là nhân tố tạo ổn định - hoặc trì trệ, tùy theo cách nhìn, và việc chọn ai ra thay ông xem ra rất khó.
    Các sửa đổi với bản Hiến pháp Liên bang Nga đang được bàn thảo và bỏ phiếu trong Viện Duma trước khi đem ra trưng cầu dân ý cuối tháng 4 này.
    Một trong số thay đổi do chính ông Putin đề xuất và được Giáo hội Chính thống giáo Nga ủng hộ nhiệt tình, là điều nhắc đến Chúa Trời trong hiến pháp.

    Chủ đề liên quan

    Tin liên quan

    Tại sao loài ngựa vằn lại có sọc

    Nghệ thuật nài nỉ của người Nhật

    Virus corona: Bệnh nhân 21 gây ra bình luận bức xúc ở VN

    Chế độ ăn thuần chay có tốt cho sức khỏe?

    Covid-19: Bản đồ cập nhật số bị nhiễm, tử vong toàn thế giới

    Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng, quan hệ Việt - Mỹ gắn bó

    Chuyện một doanh nhân trở thành tình nguyện viên chống bệnh dịch

    Đà Nẵng và các bước ngoặt chiến lược của Mỹ

    No comments:

    Post a Comment