An ninh siết chặt ở Thiên An Môn, 30 năm sau vụ thảm sát
Khách du lịch đổ về Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, hôm 4/6 giữa
lúc an ninh được siết chặt hơn thường ngày, Reuters cho biết, mặc dù
hầu hết du khách mà hãng thông tấn tiếp cận đều nói họ không biết gì về
cuộc đàn áp đẫm máu để dẹp cuộc biểu tình do giới sinh viên lãnh đạo 30
năm về trước, hoặc nếu biết, họ không muốn nói về biến cố này.
Ngày kỷ niệm cuộc đàn áp ở Thiên An Môn không được đề cập công khai ở
Trung Quốc, ngày này không được chính quyền đánh dấu chính thức, mà
ngược lại, còn bị nhà nước tăng cường kiểm duyệt.
Trong biến cố Thiên an môn, Bắc Kinh điều quân đội và xe tăng đến trấn áp các nhà hoạt động dân chủ vào ngày 4/6/1989.
Một người đàn ông 67 tuổi tên Li, ngồi trên băng ghế cách quảng
trường khoảng 10 phút đi bộ vào ngày 4/6, nói với Reuters rằng ông vẫn
nhớ như in sự kiện ngày 4/6/1989 và hậu quả của nó.
“Tôi đang trên đường đi làm về. Những chiếc xe bị đốt cháy nằm vương
vải trên đại lộ Changan. Quân Giải phóng Nhân dân đã giết chết rất nhiều
người. Đó là một cuộc tắm máu”, ông nói.
Được hỏi liệu theo ông, chính phủ có nên công khai toàn bộ vụ bạo lực
này? Ông nói: “Để làm gì? Những sinh viên ấy đã chết mà không đạt được
bất cứ điều gì”.
Trong số những đòi hỏi của giới sinh viên vào năm 1989, là báo chí tự
do và tự do ngôn luận, công khai tài sản của các lãnh đạo, và quyền tự
do biểu tình.
Các cựu lãnh đạo biểu tình lưu vong nói những mục tiêu đó vẫn xa vời
hơn bao giờ hết ở Trung Quốc, bởi vì trong thập niên qua chính phủ đã
đàn áp một xã hội dân sự đã được nuôi dưỡng qua nhiều năm phát triển
kinh tế.
Thiên An Môn vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và nhiều
nước phương Tây. Các nước này luôn kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc
phải nhận trách nhiệm về việc ra lệnh cho Quân Giải phóng Nhân dân nổ
súng vào người dân của chính họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc giận dữ lên án những lời chỉ trích của Ngoại
trưởng Mỹ, sau khi ông Mike Pompeo kêu gọi Trung Quốc thả tất cả các tù
nhân chính trị, và vinh danh “những vị anh hùng của nhân dân Trung Quốc
đã dũng cảm đứng lên 30 năm về trước tại Quảng trường Thiên An Môn để
đòi các quyền của mình”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc
họp báo thường nhật tại Bắc Kinh rằng ông Pompeo đã “tấn công một cách
có ác ý vào hệ thống chính trị Trung Quốc”.
Người phát ngôn của Trung Quốc phản bác rằng, “một số người ở Mỹ đã
quá quen với việc khua môi múa mép viện cớ dân chủ và nhân quyền, can
thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác, trong khi nhắm mắt làm ngơ trước
những vấn đề của chính họ”.
“Người dân Trung Quốc đã thấy rõ thói đạo đức giả và động cơ xấu xa
của họ”, Reuters dẫn lời ông Cảnh nói. “Những phát ngôn lố bịch này cuối
cùng sẽ bị ném vào đống rác của lịch sử”.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố số người chết trong sự kiện Thiên An
Môn. Ước tính từ các nhóm nhân quyền và nhân chứng cho biết con sồ này
dao động từ nhiều trăm đến nhiều nghìn người.
An ninh được thắt chặt ở khu vực quảng trường. Không có dấu hiệu của bất kỳ cuộc biểu tình hay hoạt động tưởng niệm nào.
Hàng trăm cảnh sát mặc đồng phục và thường phục theo dõi quảng trường
và khu vực xung quanh, tiến hành kiểm tra giấy tờ tại chỗ và kiểm tra
các cốp xe. Hàng ngàn du khách xếp hàng tại các trạm kiểm soát an ninh
để chờ vào quảng trường, nhiều người mang bảng hiệu của các tour du
lịch.
Một nam du khách ở độ tuổi 30 đứng gần quảng trường cho biết anh không hề biết gì về ngày kỷ niệm biến cố Thiên An môn.
“Chưa bao giờ nghe nói về nó”, Reuters dẫn lời thanh niên họ Trương nói. “Tôi không biết chuyện này”.
Một phụ nữ lớn tuổi đang tô vữa tại một tòa nhà gần lối vào phía nam của quảng trường nói: “Hôm nay à? Tôi đã quên mất rồi”.
Bà lập tức xua phóng viên của Reuters đi khi nhân viên an ninh sáp
đến. Đồng nghiệp của bà, một người đàn ông trẻ tuổi, cho biết anh chưa
bao giờ nghe về những sự cố xảy ra vào mùa xuân và mùa hè năm 1989.
Các nhóm nhân quyền cho biết nhà chức trách đã triệu tập các nhà bất đồng chính kiến trong thời gian dẫn tới ngày tưởng niệm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết cảnh sát đã bắt giữ, quản thúc tại gia
hoặc đe dọa hàng chục nhà hoạt động trong những tuần gần đây.
Trong khi mọi hoạt động đánh dấu ngày kỷ niệm Thiên An môn đều bị
nghiêm cấm ở Hoa lục, sẽ có một lễ tưởng niệm lớn ở Hồng Kông, cựu thuộc
địa của Anh đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, vào chiều tối
thứ Ba. Lễ kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An môn cũng sẽ diễn ra ở Đài Loan,
tự trị và dân chủ, mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Một nhà kiểm duyệt trực tuyến, làm việc trong ca kéo dài hơn 12 giờ
cho đến sáng sớm thứ Ba cho trang mạng xã hội Weibo, cho biết những nội
dung đã bị xóa bỏ bao gồm hình ảnh, trò chơi video và hình ảnh liên quan
kể cả ngày thứ Ba 4/6.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục thương tiếc các nạn nhân
của vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, Reuters dẫn lời đại diện EU cho
biết hôm thứ Ba.
Trong một tuyên bố được công bố cùng ngày, nhà ngoại giao hàng đầu EU
Federica Mogherini nói điều quan trọng là phải thừa nhận những sự kiện
xảy ra vào năm 1989, giải quyết theo đúng thủ tục pháp lý đối với những
người bị giam giữ vào lúc đó, và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các
nhà hoạt động nhân quyền và các luật sư có liên quan đến vụ Thiên An
Môn.https://www.voatiengviet.com/a/an-ninh-siet-chat-o-thien-an-mon-30-nam-sau-vu-tham-sat/4945471.html
No comments:
Post a Comment