Giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng cần có giới luật sư tham gia
Thiện Ý
Vì sao giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH) cần có sự tham gia của giới luật sư, tham gia như thế nào và giải quyết ra sao để đem lại kết quả thực tiễn.
I - VÌ SAO?
1 - Vì đó là sáng kiến của Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM đã được người dân VRLH hoan nghênh.
Thật vậy, trong Thư ngày 13-5-2019 của người dân VRLH gửi Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân có đoạn viết:
“1 - Chúng tôi được biết UBND TPHCM có yêu cầu Sở Tư pháp TPHCM có ý kiến pháp lý về vấn đề vụ VRLH và Sở đã có yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cử luật sư nghiên cứu và cho UBND TPHCM biết cơ sở pháp lý giải quyết vụ việc này. Đây là cách đặt vấn để và giải quyết vấn đề đáng được người dân chúng tôi hoan nghênh và chính vì thế các Luật sư VRLH đã có sẵn bộ hồ sơ pháp lý của việc sử dụng đất của người dân chúng tôi. Việc các luật sư hai phía (UBND TPHCM và người dân VRLH) cùng làm việc để giải quyết nan đề này mà đã kéo dài hơn 20 năm qua chắc chắn sẽ được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, đó chính là cách hành xử đúng pháp luật của một nhà nước pháp quyền.
2. Trên cơ sở thảo luận tìm ra giải pháp với thiện chí của chính quyền và người dân, chắc chắn hai phía sẽ đi đến sự đồng thuận, tránh tình trạng mà người dân Thủ Thiêm đã phải khiếu kiện kéo dài 20 năm qua. Chúng tôi tin rằng khi đó và chỉ khi đó ông Bí thư Thành ủy TPHCM sẽ cùng chúng tôi vui đón thành quả mà hai bên nỗ lực cùng giải quyết…”. Thật là một chiều hướng đầy lạc quan, tin tưởng của người dân VRLH.
2 - Vì cách làm này phù hợp với tính chất tranh chấp mang tính pháp lý của vụ VRLH nên chỉ có thể giải quyết trên căn bản pháp luật hiện hành.
Vì đây là sự tranh chấp giữa hai bên liên quan đến tính hợp pháp hay
không hợp pháp theo Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan, nên
chỉ có thể giải quyết trên căn bản pháp luật hiện hành. Một bên là chính
quyền quản lý đất đai F.6 Quận Tân Bình đã dùng biện pháp cưỡng chế để
thu hồi đất VRLH cần xét xem có đúng mục đích, thủ tục luật định hay
không. Còn bên kia là người dân VRLH, những người sử dụng đất ổn định,
liên tục nhiều năm có đủ yếu tố luật định để được coi là sử dụng đất hợp
pháp hay không, dù có được cấp Giấy xác nhận hay chỉ cần sự dụng đất có
nguồn gốc hợp pháp, ổn định, liên tục nhiều năm, không bị ai tranh chấp
như quy định của pháp luật.
Những sự xác nhận tính hợp pháp về mặt pháp lý trên đây sẽ làm căn
bản để xét định và giải quyết vụ VRLH một cách thỏa đáng cho cả đôi bên
chính quyền và người dân VRLH. Nói cách khác cả hai bên tranh chấp đều
dựa trên luật pháp hiện hành nên cần giải quyết bằng giải pháp pháp lý.
Thật vậy, theo hồ sơ hiện vụ cho thấy, trước cũng như sau ngày bị
cưỡng chế, người dân VRLH không chống lại việc thâu hồi đất theo qui
hoạch vì mục đích công ích (xây trường học, công viên…)thường được coi là chính đáng. Trước
sau gì ngưòi dân VRLH đều có tinh thần chấp hành việc giải tỏa, họ
nhiều lần chỉ đòi được chính quyền xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp
theo luật định, để khi đất bị giải tỏa sẽ phải được bồi thường thỏa đáng
theo luật. Thứ nữa là việc tiến hành giải tỏa đất VRLH phải được tiến
hành theo đúng thủ tục luật định. Ý hướng và nguyện vọng này của người
dân VRLH đã được thể hiện qua quá trình khiếu kiện nhiều năm, từ 1999 mà
vẫn không được các cơ quan thẩm quyền giải quyết. Nay, dù bị đẩy đến
đường cùng, qua thư gửi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, người dân
VRLH vẫn tỏ ra tự chế, không manh động, vẫn muốn được chính quyền giải
quyết ôn hòa theo luật pháp.
Chính vì vậy mà việc giải quyết vụ VRLH cần sự tham gia của giới luật
sư, những người am tường về luật pháp nói chung và Luật Đất Đai nói
riêng. Phải chăng vì vậy mà UBND-TP-HCM, cơ quan hành chính cấp trên cùa
F.6-Q.TB mới có sáng kiến tham khảo Sở Tư Pháp và sở này đã hỏi ý kiến
Đoàn luật sư Thành phố. Sáng kiến này đã được người dân VRLH và các luật
sư hổ trợ pháp lý “hoan nghênh”?
3 - Vì cách làm này phù hợp với điều mà chính quyền hay nói
tới, là nỗ lực ngày một hoàn chỉnh “Các qui phạm pháp luật của nhà nước
pháp quyền XHCN” và kêu gọi người dân “sống và làm việc theo pháp luật”.
Đồng thời cách làm này cũng phù hợp với chủ trương cải tiến luật pháp cho phù hợp với thời kỳ “Mở cửa” hội
nhập vào hệ thống pháp lý pháp luật quốc tế và sự chỉ đạo giải quyết vụ
VRLH của Bí thư Thành Ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, rằng “Qua
một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu
với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu".Chúng tôi đề nghị thêm “…và sẽ giải quyết có lý có tình trên cơ sở pháp luật, cho nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của người dân VRLH để an dân”.
Nguyện vọng đó là phải được bồi thường thỏa đáng đất đai trên cơ sở
công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân VRLH. Bởi vì họ đã sử
dụng đất ổn định, lâu dài và không có tranh chấp theo Luật Đất đai và
các luật lệ khác liên quan hiện hành. Họ không được cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất là do nhà cầm quyền địa phương đã từ chối nhiều lần do
ý đồ riêng, không phải lỗi của người dân.
Vì vậy, ngoài ra việc bồi thường đất đai của họ, người dân VRLH còn
có nguyện vọng được bồi thường những thiệt hại tài sản do việc lạm
quyền, cưỡng chế không theo trình tự pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời họ còn muốn được chính quyền tạo điều kiện ổn định chỗ ở,
công ăn việc làm để người dân được an cư lạc nghiệp…
II - GIỚI LUẬT SƯ THAM GIA THẾ NÀO VÀ GIẢI QUYẾT RA SAO ĐỂ CÓ KẾT QUẢ THỰC TẾ?
1 - Giới Luật sư tham gia thế nào?
Chúng tôi đề nghị, để giải quyết tỏa đáng vụ VRLH, không chỉ tham
khảo mà mời tham gia các luật sư cố vấn cho chính quyền và các luật sư
bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân VRLH. Một cách cụ
thể, đề nghị chức năng Thành phố HCM với tư cách và trách nhiệm của cơ
quan hành chánh chủ quản cấp trên sẽ triệu tập và chủ trì một hay nhiều
phiên họp để giải quyết dứt điểm vụ VRLH.
- Thành phần tham dự, gồm đại diện chính quyền F.6 và Quận Tân Bình (Bên cưỡng chế đất) và của một số đại diện người dân VRLH (bên bị cưỡng chế). Đồng thời, có sự hiện diện của các luật sư hổ trợ pháp lý cho người dân VRLH, bên cạnh các luật sư do Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cử ra.
Ngoài ra, mặc dầu trong hồ sơ nội vụ, đã có văn bản xác nhận
nguồn gốc người dân VRLH sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Giám mục
giáo phận Saigon ổn định, lâu dài, không có tranh chấp…Thế nhưng, nếu
được chính quyền Thành phố mời đại diện tham dự các phiên họp giải quyết
vụ VRLH, như là bên có liên quan, chúng tôi nghĩ là việc giải quyết sẽ
dễ dàng và nhanh chóng hơn. Vì rằng…
- Nhiệm vụ của các phiên họp này là để xem xét lý tình của đôi bên chính quyền (cưỡng chế) và người dân VRLH (bị cưỡng chế)
theo Luật Đất đai và các luật lệ có liên quan, căn cứ trên lời khai,
chứng từ đôi bên đưa ra.Chức năng Thành phố chủ trì các phiên họp, sau
khi nghe lý lẽ tranh luận đôi bên, có thể đưa ra giải pháp tức thì nếu
được đôi bên đồng thuận.Nhưng nếu bất đồng, thấy có kéo dài thêm các
phiên họp cũng không giải quyết được mâu thuẫn, chức năng chủ trì sẽ báo
cáo lại với Ủy Ban Nhân Dân Thành phố để sau đó sẽ ra quyết định giải
quyết đơn phương vụ VRLH. Quyết định đơn phương này có thể bị các bên
thượng tố lên cơ quan thẩm quyền chính phủ trung ương (tỷ như Thanh tra Chính phủ hay Tòa án Nhân dân Tối cao…) để giải quyết chung thẩm. Phán quyết chung thẩm này sẽ có hiệu lực cưỡng hành với các bên tranh chấp.
2 - Để có kết quả thực tế
Cách làm này chỉ có kết quả thực tế khi những người cầm “cán cân công lý” thực sự là “công bộc của dân, ăn lương của dân, phục vụ và bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Chỉ những người này mới có “tinh thân chí công vô tư”
mới giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình cho người dân VRLH để đưa đến
kết quả thực tế.Có nghĩa là, kết quả thực tế là tùy thuộc về phía chính
quyền F.6, Quận Tân Bình và Thành phố HCM có tuân thủ đúng qui định của
Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan hay không.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra giải pháp này, là vì trong quá khứ khi còn
ở Việt Nam, đã từng có dịp tham gia hổ trợ pháp lý cho một số vụ khiếu
kiện đất đai của các tập thể người dân vào khoảng các năm 1990-1992, đã
có kết quả tốt. Vì mặc dù các vụ khiếu kiện này đã khởi động nhiều năm
trước đó trong “thời kỳ bao cấp” (1975-1985), công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa triệt để bị thất bại phải “Đổi Mới”. Bước vào “thời kỳ đổi mới” (1985-1995). Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam lúc đó đã chuyển đổi từ cai trị bằng “nghị quyết” qua cai trị bằng “pháp luật” mà chúng tôi gọi là “nghị luật”(nghĩa là nghị quyết của Đảng đưa qua Quốc hội thể chế hóa thành pháp luật)
. Nhưng dẫu sao tôi thấy vẫn có cơ hội để người dân có thể khiếu kiện,
dựa trên pháp để đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp, như quyền sử dụng
đất đai, có thể thắng kiện. Nhờ đó, chính quyền TP.HCM lúc đó đã giải
quyết các đơn khiếu kiện vế đất đai bị giải tỏa thỏa đáng, có lý, có
tình, căn cứ trên luật pháp, nên được người dân chấp nhận. Nay đã và
đang ở thời kỳ “Mở cửa” sau hơn 20 năm (1995-2019) thực
tế cho thấy cả những người cầm quyền và người dân đã ý thức được phần
nào tinh thần thượng tôn pháp luật, công luận và chúng tôi hy vọng sẽ
được chính quyền giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật cho các quyền lợi
hợp pháp, chính đáng của người dân VRLH Sau đây xin được lược kể lại hai
vụ điển hình như tiền lệ giải quyết khiếu kiện đất đai của người dân có
kết quả tốt.
III - HAI VỤ KHIẾU KIỆN BỒI THƯỜNG ĐẤT ĐAI THEO ĐÚNG PHÁP LUẬT
1 - Vụ thứ nhất là vụ khiếu kiện của giáo xứ Phú Trung F.11 Quận Tân Bình, đòi đất cho một đơn vị Bộ đội mượn đóng quân
Theo hồ sơ nội vụ, thì sau ngày 30-4-1975, một đơn vị bộ đội có
ký hợp đồng mượn một khu đất trống của giáo xứ Phú Trung làm nơi đóng
quân trong thời hạn 3 năm. Nhưng hết hạn và sau đó bộ đội rút quân song
vẫn không trả lại mà giao đất cho chính quyền Quận Tân Bình. Khi giáo xứ
thấy nhiều căn nhà được xây dựng trên khu đất này, hóa giá bán cho
nhiều người thì giáo xứ gửi đơn khiếu tố đến Ủy Ban Nhân Quận Tân Bình
và các cấp bộ Đảng, chính quyền thanh phố cũng như trung ương nhiều lần
vẫn không được giải quyết.
Vào khoảng năm 1990 đại diện giáo dân giáo cứ Phú Trung có đến
gặp chúng tôi tại văn phòng tiếp dân của một đại biểu Quốc hội Khóa 8 để
nhờ chuyển đạt hồ sơ khiếu tố đến các cơ quan có thẩm quyền các cấp. Vì
khi đó chúng tôi được vị đại biểu Quốc hội này mời làm cố vấn pháp luật
và đặc trách văn phòng tiếp dân để nhận đơn từ khiếu nại kêu oan của
dân chuyển đạt và can thiệp theo chức năng của một Đại biểu Quốc hội.
Với tư cách này, chúng tôi đã thay mặt Đại biểu quốc hội đến tiếp xúc và
làm việc đôi ba lần với UBND Quận Tân Bình dưới thời Bà Ba Vân làm Chủ
tịch. Qua các buổi làm việc này, chúng tôi đã trình bày về căn bản pháp
lý và thực tế để giải quyết khiếu tố của giáo xứ Phú Trung như sau:
(1) Khu đất mà Đơn vị Bộ đội mượn đóng quân có ký hợp đồng thời
hạn 3 năm đã hết hạn và quá hạn nhiều năm, đúng ra là phải hoàn trả trả
lại cho Giáo xứ Phú Trung, chứ không phải giao trả cho UBND Quận Tân
Bình. Vì khu đất này thuộc quyền sở hữu tập thể (theo luật Điền thổ chế độ cũ) , hay quyền sử dụng đất tập thể hợp pháp (theo Luật Đất đai chế độ mới) của một pháp nhân tôn giáo (Giáo xứ Phú Trung)
là đất tư, không phải đất công thuộc quền sở hữu toàn dân, nên Đơn vị
bộ đội không thể hoàn trả cho UBND Quận Tân Bình tiếp quản. Như vậy là
không đúng pháp luật.
(2) Sau khi tiếp quản khu đất đơn vị Bộ đội mượn của Giáo xứ Phú
Trung không đúng pháp luật, nếu UBND Quận Tân Bình có quy hoạch làm nhà
cho các đối tượng chính sách, thì cần tiến hành theo thủ tục trưng dụng
theo Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan. Nay UBND Quận Tân
Bình đơn phương phân lô xây nhà hóa giá là vi phạm quyền lợi hợp pháp,
chính đáng của giáo dân Giáo xứ Phú Trung nên bị khiếu kiện thì cần được
giải quyết thỏa đáng theo luật.
(3) Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND Quận Tân Bình họp với đại diện
Giáo xứ Phú Trung để giải quyết theo hướng bồi thường đất trưng dụng đã
xây nhà theo giá được đôi bên thống nhất, một cách công bình là tương
đương với 50% tiền lời của mỗi căn nhà, sau khi trừ chi phí; và 50% tiền
lời bỏ vào ngân sách của Quận Tân Bình. Những đất trống còn lại chưa
xây nhà có thể trả lại cho Giáo xứ hay điều đình để lấy đất tiếp tục xây
dựng nhà cửa…
Năm 1992, chúng tôi rời Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện
đoàn tụ gia đình, nên không rõ kết quả thực tế UBND Quận Tân Bình đã
giải quyết vụ việc này ra sao. Chúng tôi có yêu cầu luật sư đồng môn
Luật khoa Saigon là một trong các luật sư đang hổ trợ pháp lý miễn phí
cho người dân VRLH, hãy liên lạc với Giáo xứ Phú Trung để tham khảo như
một tiền lệ. Vì tình trạng pháp lý thực tế vụ đất đai VRLH cũng tương tự
như đất đai của Giáo xứ Phú Trung.
Vì theo chỗ chúng tôi được biết, toàn thể đất đai của Giáo xứ Phú
Trung cũng như VRLR trước đây đều thuộc quyền sở hữu của Tòa Giám Mục
Saigon, một pháp nhân tôn giáo. Sau hiệp định Genève 1954 chia đôi đất
nước, những giáo dân từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam đã được đưa đến định
cư trên khu đất này qui tụ thành Giáo xứ Phú Trung. Cũng như nhiều Giáo
xứ di cư khác, mỗi gia đình thường được cấp phát một lô đất thổ cư làm
nhà thuộc quyền sở hữu cá nhân, gia đình và một khu đất để làm nhà thờ
và các cơ sở sinh hoạt tôn giáo thuộc quyền sở hữu tập thể của giáo xứ. Theo
tài liệu có trong hồ sơ khiếu kiện của Giáo xứ Phú Trung lúc bấy giờ,
thì vào tháng 8/1974 Toà TGM Sài Gòn quyết định thành lập Giáo xứ Phú
Trung và giao cho xứ mới một khu đất 26.000 m2 để xây dựng nhà thờ và
các cơ sở khác. Sau 30/04/1975 có mấy đơn vị đến chiếm hoặc mượn. Quân
Đội, Bưu Điện, Bộ Công Thương... Nhưng chỉ có bên Quân Đội trao trả
nhưng lại qua Quận Tân Bình. Cho nên bị Quận này chiếm hữu một phần, bán
cho tư nhân xây chung cư Bảy Hiền Town hiện nay.
Mảnh đất mà đơn vị Bộ đội ký hợp đồng mượn của Giáo xứ Phú Trung
để đóng quân trong 3 năm là thuộc khu đất trống này, nên không thể coi
là đất công hay sở hữu toàn dân, để không “bồi thường thỏa đáng” mà chỉ “hổ trợ” đơn phương mang tính áp đặt một chiều mỗi khi nhà cầm quyền muốn trưng dụng vì mục đích công ích.
2 - Vụ thứ hai: Đất nghĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm ở
Quận Gòa Vấp bị giải tỏa theo quy hoạch. UBND Quận Gò Vấp đã chia lô xây
dựng nhà ở hóa giá bán cho tư nhân không thông qua Giáo dân.
Vụ việc này đại diện giáo dân Giáo xứ Phát Diệm đã khiếu kiện và chỉ được UBND Quận Gò Vấp “hổ trợ”
số tiền rất nhỏ cho trưng dụng đất nghĩa trang sau khi giải tỏa theo
quy hoạch. Giáo dân không đồng ý đã tiếp tục khiếu kiện lên UBND Thành
Phố HCM qua sự chuyển đạt của văn phòng tiếp dân của Đại biểu Quốc hội
mà chúng tôi phụ trách.
UBND. Thành phố HCM trong một phiên họp có đại diện Sở Nhà đất,
Quản thủ đất đai Thành phố, UBND Quận Gò Vấp và cá nhân chúng tôi đại
diện cho Văn phòng tiếp dân của Đại biểu Quốc hội để hổ trợ pháp lý cho
người dân Giáo xứ Phát Diệm, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch NBND Thành
phố lúc bấy giờ (1990-1991) là Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (nếu tôi nhớ không lầm).
Trong phiên họp liên ngành này, chúng tôi đã trình bày quan điểm
về thực tế và pháp lý của đất nghĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm nói
riêng, các xứ đạo nói chung:
Rằng đất ngĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm là tiền đóng góp của
giáo dân trong xứ đạo để mua đất chôn cất cho giáo dân sau khi qua đời.
Vì thế đây là đất tư, là quyền sở hữu tập thể, khác với đất công, như
đất nghĩa trang Đô Thành, trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt cũ),
thuộc quyền sở hữu toàn dân theo luật Đất đai và các luận lệ liên quan
hiện hành. Vì thế sau khi giải tỏa theo quy hoạch, UBND Quận Gò Vấp muốn
trưng dụng phân lô làm nhà cho diện chính sách, thì phải thông qua các
sở hữu chủ hay tập thể có quyền sử dụng đất nghĩa trang bị giải tỏa là
giáo dân và phải được bồi thường thỏa đáng.
Ví vậy nguyện vọng của tập thể giáo dân Giáo xứ Phát Diệm là muốn UBND Quận Gò vấp phải bồi thường thỏa đáng.
Ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố, đặc trách xử lý nhà đất, sau khi
nghe đại diện Sở Nhà Đất và đại diện Sở quản lý đất đai Thành phố tán
đồng quan điểm của chúng tôi, cũng đã xác nhận UBND Quận Gò Vấp đã trưng
dụng đất không đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy
định của pháp luật. Ông hỏi đại diện UBND Quận Gò vấp tính sao. Vị này
nói là đã đề nghị “hổ trợ” 20 triệu đồng, nhưng giáo dân vẫn không chịu,
đòi hơn nữa Quận không có khả năng vì tiền hóa giá nhà đã bỏ vào ngân
sách quận chi tiêu hết rồi. Ông Phó Chủ tịch yêu cầu tôi thuyết phục
giáo dân chấp nhận số tiền “hổ trợ” 20 triệu này được không. Tôi nói
chắc là giáo dân không chịu đâu. Vì nếu chấp nhận theo đề nghị của UBND
Quận Gò Vấp thì họ đã không khiếu kiện lên Thành phố. Vậy giáo dân muốn
được “Hổ trợ” bao nhiêu, ông Phó Chù tịch hỏi. Tôi nói, giáo dân họ muốn
được “bồi thường” thỏa đáng chứ không phải “hổ trợ” vì
đất trưng dụng là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ. Trước khi đến
đây họp, đại diện giáo dân có cho tôi hay là tiền hóa giá nhà Quận đã
thu về cả trăm triệu, họ chỉ chấp nhận tiền bồi thường đất đai cho họ ít
nhất 50% tiền Quận đã thâu được. Ông Phó Chủ tịch căn cứ trên ý kiến
tán đồng của đa số đã yêu cầu UBND Quận Gò Vấp giải quyết bồi thường
theo tỷ lệ này. Nhưng đại diện UBND Quận Gò Vấp báo cáo số thâu là 70
triệu chứ không phải 100 triệu như giáo dân đưa ra và đồng ý Quận sẽ bồi
thường 50% của 70 triệu là 35 triệu đồng. Cho đến khi chúng tôi rời
Việt Nam, không rõ quyết định này sau đó có được thực thi hay không.
IV - KẾT LUẬN
Tóm lại, vụ VRLH hoàn toàn có thể giải quyết được ổn thỏa nếu
chính quyền thành phố đứng ra giải quyết vụ việc theo đúng Luật Đất đai
và các luật lệ khác có liên quan. Vì đây là một tranh chấp pháp lý nên
cần có sự tham gia giải quyết của giới luật sư am tường pháp lý, pháp
luật. Một khi Thành phố giải quyết trên cơ sở pháp lý này một cách
nghiêm túc sẽ đáp ứng được nguyện vọng hợp pháp chính đáng của người dân
VRLK. tránh được sự bất bình của công luận trong và ngoài nước, nhất là
sự uất ức, phẫn nộ của các nạn nhân dẫn đến bất ổn chính trị xã hội khó
lường, do điều mà Ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cảnh giác “ các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động”.
Đồng thời giải quyết vụ VRLH theo chiếu hướng này sẽ thực hiện
hiệu quả chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện
Nhân, rằng “Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh
nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận
động để người dân hiểu". Xin thêm rằng nhất là để bảo vệ được các
quyền lợi hợp pháp chính đáng cho mọi người dân theo đúng pháp luật, như
đảng và nhà đương quyền Việt Nam từng kêu gọi mọi người dân “Sống và
làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Nhưng trước hết là những người
cầm quyền phải tôn trọng pháp luất trước hết. Phải không thưa Ông Bí thư
Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân? Mong Ông chỉ đạo thực hiện giải quyết vụ
VRLH thể hiện được đúng ý nghĩa cái tên “Thiện Nhân” của Ông cho dân
nhờ.
(Houston, ngày 24-5-2019)
No comments:
Post a Comment