Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 5 June 2019

 Nhân vụ Nhà thờ Bùi Chu: Những bất cập trong việc xây dựng công trình Công giáo - Phần 1

Ảnh của nguyenhuuvinh
Thánh đường hơn trăm tuổi sắp bị đập bỏ để xây lại
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông Việt Nam và quốc tế, nói nhiều đến nguy cơ Nhà thờ Bùi Chu, một ngôi nhà thờ với lịch sử cả trăm năm sắp bị phá bỏ để xây dựng lại.

Sau khi báo chí ồn ào, một bức thư ngỏ của Tòa Giám mục Bùi Chu được đưa lên mạng Internet kêu gọi sự giúp đỡ để đại tu nhà thờ Bùi Chu vì thời gian sử dụng đã lâu nay xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng, người ta lại nhận được thông tin rằng, cái gọi là “Đại tu” ở đây thực chất lại là đập bỏ hoàn toàn để xây dựng mới theo mô hình cũ.
Trước những thông tin đó, nhiều người đã có những ý kiến khác nhau và những hành động khác nhau tùy theo sự suy nghĩ và hiểu biết của họ.
Cần ghi nhận rằng, đó là những ý kiến với tinh thần xây dựng và có thiện chí với một ngôi nhà thờ mang nét văn hóa Công giáo kể từ những ngày đầu phôi thai và quá trình phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Người ta xót xa, khi một chiều dày lịch sử của giáo hội, của dân tộc sẽ bị phá bỏ để xây dựng mới. Dù có xây dựng lớn hơn, hiện đại hơn, dù theo mô hình cũ, thì điều đó cũng không có giá trị bảo tồn như giá trị của ngôi Thánh đường vốn có.
Ngôi Thánh đường có tuổi đời gần 1,5 thế kỷ giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng lên bằng những bàn tay thợ công giáo lành nghề. Không chỉ là một năm, một chục năm mà có được với trình độ công nghệ xây dựng ngày đó, giữa một vùng đất trũng với khí hậu nắng mưa bất chợt, khắc nghiệt và đầy biến động.
Với trình độ, năng lực và đời sống người dân một vùng quê nghèo quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngôi nhà thờ đó như là một điển hình của sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông, những tiền nhân đã không tiếc mồ hôi nước mắt, công sức, thời gian và tiền bạc để xây dựng nên công trình lớn lao này. 
Ngôi Thánh đường này được kết tinh bằng xương máu, công sức mồ hôi nước mắt của giáo dân, từ bữa ăn của em bé bớt đi một miếng, từ bữa chợ của bà nông dân bớt đi một bó rau, từ những người thợ, những người có trách nhiệm đã phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” không biết bao nhiêu năm, chịu bao nhiêu hy sinh vất vả... tất cả để xây nhà thờ phụng sự Chúa.

Với 1,5 thế kỷ đứng đó, ngôi nhà thờ này đã là niềm tự hào của biết  bao lớp người, biết bao đời giáo dân tại đây, họ không chỉ tự hào vì đã được đóng góp sức lực, của cải vật chất, mà là sự tự hào về lòng say mê tận hiến bằng tinh thần người giáo dân dâng hiến xây dựng ngôi nhà của Chúa.
Với 1,5 thế kỷ đứng đó, biết bao lớp người đã đến đây để đến với Giáo hội Công giáo, bước chân vào Hội Thánh ngay từ khi lọt lòng mẹ, và cũng từ giã nơi này lần cuối trước khi về với Chúa hưởng Nhan Thánh của Người.
Bao nhiêu lớp người đã khắc rõ trong tâm khảm mình từng vết nứt nẻ  nơi mỗi cây cột, từng miếng bong tróc nơi ngôi Thánh đường mà họ coi quý trọng hơn ngôi nhà của họ.
Với 1,5 thế kỷ tồn tại của mình, ngôi nhà thờ này đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của đời sống người dân, của giáo hội và đất nước. Những ngọn tháp, những cây cột, những nét chạm khắc, phù điêu trong ngôi nhà thờ này, cho đến những viên ngói, mảnh gạch vỡ… Nếu có thể nói được, hoặc nếu chúng ta có thể hiểu được những ngôn ngữ thời gian đã ngấm sâu trong đó, chúng sẽ kể cho chúng ta nghe về những giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của giáo dân ở đây cũng như của người dân trong đất nước này qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.
Có lẽ từ năm 1884, khi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận bắt tay vào xây dựng ngôi Thánh đường khổng lồ này, với điều kiện của giáo dân và giáo hội lúc đó, chắc chắn ngài sẽ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày nào đó, ngôi Thánh đường này sẽ bị phá bỏ trong sự ngổn ngang của lòng người như hôm nay.
Cũng có lẽ cả 5 vị Giám mục đã từng cai quản Giáo phận Bùi Chu đang nằm yên nghỉ trong ngôi nhà thờ này, chẳng bao giờ từng nghĩ rằng có ngày mình phải bị đào dậy, bị “hạ giải” để xây cho ngôi mộ mới đẹp hơn.
Vì vậy, khi bỏ đi một công trình như thế, những giáo dân ở đó và cả những người còn biết, còn nhớ và tôn trọng đến văn hóa, lịch sử, ai chẳng thấy xót xa.
Là một người công giáo, chúng ta thấy rõ điều này: Lịch sử 500 năm truyền giáo và phát triển tại đất nước Việt Nam, giáo hội Công giáo đã mang đến và để lại cho đất nước, dân tộc này những nét văn hóa của các nền văn minh khác nhau của loài người được đúc kết qua một quá trình dài chắt lọc và đã tồn tại, khẳng định những giá trị của nó.
Những dấu ấn đó hiện hữu ở chính ngôi nhà thờ, ở những nét kiến trúc Gothich, Baroque hay Roman đưa vào hòa quyện với những nét văn hóa phương Đông của dân tộc Việt từ ngàn đời nay như một nét in đậm vào ý thức của người Việt. Những ngọn tháp cao vút giữa khung cảnh đồng quê đầm ấm, luôn luôn là một niềm tự hào, là sự sưởi ấm những tâm hồn tín hữu Việt bao đời nay.
Qua một thời gian dài, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử truyền giáo và phát triển đạo Công giáo tại Việt Nam, Phát Diệm, Bùi Chu không chỉ là một địa danh, không còn là một ngôi nhà thờ của riêng mình. Những cái tên đó, những địa danh đó, đã trở thành máu, thịt, trở thành niềm tự hào của người Công giáo Việt Nam khắp nơi từ trong ra ngoài nước. Bởi nói đến Công giáo Việt Nam, người tín hữu Việt Nam sẽ nhắc đến Bùi Chu, Phát Diệm như một niềm tự hào, dù có những người chưa bao giờ đặt chân đến nơi đây.
Những tác phẩm văn học của nhà nước chống Công giáo mạnh mẽ nhất, cuồng dại và ngu xuẩn nhất, cũng lấy Bùi Chu làm trọng điểm. Những Bão Biển, Giáp Mặt của Chu Văn, “Xung đột”, “Cha và con và…” của Nguyễn Khải. Những “Ngày lễ Thánh” của Bạch Diệp… hầu hết, đều tấn công trực diện vào Công giáo tại Bùi Chu.
Ngôi nhà thờ đã cũ, bị xuống cấp bởi thời tiết khắc nghiệt qua thời gian, nhưng những giá trị tinh thần, những dấu ấn thời gian nó mang trên mình, dần dần đã càng ngày càng dày lên, trở thành những giá trị văn hóa, tinh thần không bao giờ có thể thay thế hoặc lấy lại được nếu để mất đi.
Một ngôi Thánh đường mới hiện đại hơn, to lớn hơn, vững chắc hơn và hoành tráng, tiện nghi hơn chưa hẳn đã có giá trị bằng sự bền vững qua thời gian của ngôi Thánh đường cổ. Bởi giá trị của nó, nhiều khi ẩn sâu đằng sau những sự xù xì, thô nhám, mốc rêu và hoen rỉ trơ trụi của sự vật mà chỉ nhìn bằng mắt thường có thể không thấy bao giờ.
Bởi cuộc sống là vậy, giá trị của con người đâu nằm ở chỗ thân xác anh nặng chỉ 35 kg hay đến 150 kg. Nó cũng không nằm ở chỗ chiếc áo anh mặc là gấm bào hay chỉ là chiếc áo vải của nông dân.
Vì vậy, việc xóa bỏ đi những dấu ấn đó, xóa bỏ đi lịch sử tồn tại của nó, là sự tiếp tay cho việc xóa bỏ dấu vết của Giáo hội Công giáo đã tồn tại ở đất nước này với những chứng nhân của lịch sử. Và điều này ai là người muốn nhất?
Hẳn nhiên, bằng cảm xúc của mình, nhiều người nêu ý kiến phản đối có, giận dữ có, thậm chí có nhiều ý kiến hết sức nặng nề.
Một số báo chí đã có những bài viết kêu gọi bảo tồn nét văn hóa của ngôi nhà thờ đã có lịch sử gần 150 năm xây dựng và tồn tại này. Thậm chí, hơn 20 kiến trúc sư và các nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn đề nghị chính phủ Việt Nam cứu xét tạm dừng phá bỏ nhà thờ Bùi Chu vì đây cần được xem là công trình di sản quốc gia.
Phải thừa nhận rằng, đó là một thiện ý của những người ngay lành không nỡ nhìn một công trình văn hóa có giá trị lịch sử như vậy bị phá hoại.
Thế nhưng, rất nhiều người đã không thể hiểu và nhiều khi cách nghĩ chưa đúng với thực tế đời sống tôn giáo hiện nay tại Việt Nam.
Tấm lòng của giáo dân
Thuở nhỏ, khi bố tôi thiết kế Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Vinh năm 1976, tôi đã hiểu được phần nào những khấp khởi, những lo lắng và nỗi vui mừng ra sao của từng giáo dân trong giáo phận. Khi ông giúp thiết kế một ngôi nhà thờ nhỏ của một giáo họ, tôi đã đến và chứng kiến những gia đình giáo dân, ngày mai đổ bê tông mái nhà mình, vẫn sẵn sàng rút luôn cốt thép để đưa ra làm cho xong phần nhà thờ trước đã.
Khi lớn lên, tôi cũng đã từng thiết kế một số nhà thờ ở các Giáo phận, đã tiếp xúc rất nhiều vấn đề đặt ra khi mà những ngôi Thánh đường khắp miền Bắc đều đã trải qua một thời gian dài và xuống cấp, sụp đổ cũng như quy mô không thể đáp ứng được nhu cầu phụng tự. Tôi hiểu rằng, nhu cầu và mong ước của mọi giáo dân được đóng góp, được xây dựng lại ngôi Thánh đường lớn đến mức nào.
Có thể nói không ngoa rằng, niềm ao ước đó, nhiều khi còn lớn hơn cả việc xây cho gia đình mình một ngôi nhà mới. Có thể thời nay, ít ai hiểu rằng những năm 90 của thế kỷ trước, có những người đã sáng đi làm nhà thờ, trưa tối về ăn cơm nhà, mọi việc đời sống gia đình phó mặc cho vợ con suốt hơn 10 năm trời đằng đẵng mà họ không hề kêu than nửa lời.
Tôi đã từng thấy có những giáo họ, chỉ dăm bảy gia đình, cũng làm bằng xong một ngôi nhà nguyện với tất cả sự hân hoan. Cũng đã từng thấy những giáo họ mà các gia đình thay nhau nấu cơm nuôi thợ làm nhà thờ hết tháng này qua tháng khác. Những cô gái, những chàng trai sẵn sàng bỏ hết mọi việc để lên đường lấy củi, làm gạch, chặt cây, đào đất… bất cứ lúc nào cần để xây dựng ngôi Thánh đường của một họ nhỏ.
Bởi được xây dựng ngôi nhà Chúa, không chỉ là một nhiệm vụ của giáo dân mà là vinh dự, một niềm tự hào của các tín hữu và gia đình họ.
Nói lên điều đó, để hiểu rằng, với giáo dân, việc có một công trình của Giáo hội, có ý nghĩa lớn lao biết nhường nào.
Thế nhưng!
Điều khó lý giải cho những người dân ở Miền Nam và hải ngoại cũng như nhiều người khác nếu họ không tìm hiểu cách sâu sắc lý do vì sao người giáo dân Miền Bắc lại nổi lên phong trào xây dựng lại nhà thờ một cách rầm rộ và nô nức đến thế.
Bởi họ có thể chưa trải qua và chưa hiểu được điều kiện đời sống tôn giáo ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ qua.
(Còn nữa)
Ngày 7 tháng 5 năm 2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh

 Nhân vụ Nhà thờ Bùi Chu: Những bất cập trong việc xây dựng công trình Công giáo - Phần 2

Ảnh của nguyenhuuvinh
Thời kỳ nhà thờ là đề tài cấm kỵ
Ở Việt Nam, thời kỳ của những năm 50 của thế kỷ trước trở đi, dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản, với “Cuộc Cách mạng về tư tưởng và văn hóa” thời kỳ quyết liệt nhất, chính sách xóa bỏ tôn giáo đã được tiến hành hết sức trắng trợn.
Dưới bức màn sắt che kín mọi phía, người Cộng sản đối xử với người công giáo Việt Nam như một thứ công dân hạng hai, và tôn giáo của họ là điều tối kỵ.
Biết bao chính sách đã được thi hành trong thời kỳ đó, chắc chắn chỉ một vài bài viết không thể nào mô tả được. Ở đây, chỉ nói riêng về vấn đề cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự.
Hầu hết các giáo xứ, giáo họ ở miền Bắc đã trải qua thời kỳ khốc liệt nhất của sự hạn chế tôn giáo bằng mọi cách, đất đai nhà thờ bị chiếm đoạt, nhà thờ biến thành nhà kho hợp tác xã, làm nơi chăn nuôi, đất đai biến thành của Hợp tác xã, các cơ sở tôn giáo như nhà dòng, nhà nguyện bị chiếm đoạt phần lớn.
Những phần không thể chiếm đoạt, thì bằng mọi cách, sự hạn chế khắc nghiệt nhất đã được tiến hành. Những ngôi nhà thờ còn sót lại, phải để nguyên tình trạng hư hỏng, dột nát, không một giáo dân, kể cả linh mục được phép sửa chữa. Nhiều giáo dân, chỉ dọi lại mái nhà thờ, thay vài viên ngói bị vỡ, bị dột nát, lập tức được công an Huyện về tận nơi đưa lên nhốt dăm bảy ngày là chuyện bình thường.
Tất cả mọi hoạt động tôn giáo bị kiểm soát và ngăn chặn gắt gao. Chắc hẳn những giáo dân Bùi Chu không lạ gì cảnh những mùa Thương khó, mùa nguyện ngắm, nhưng có giáo xứ chỉ tổ chức rước ngắm trong nhà thờ cũng bị chính quyền cấm đoán và nơi nào có tiến hành thì cũng hành lên hành xuống đến khốn khổ.
Những tiếng chuông nhà thờ im bặt trong thời kỳ đó, với lý do ảnh hưởng đến “Phòng không”. Trong khi, chẳng ai còn lạ gì tiếng chuông nhà thờ khác với tiếng kẻng báo phòng không ra sao và chắc chắn chẳng ai nhầm lẫn. Điều cơ bản, chỉ là nhà cầm quyền Cộng sản thời kỳ đó không hề muốn tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa cứ cất lên đều đều trong làng mạc, thôn xóm. Bởi như vậy thì làm sao có thể “Xây dựng nền văn hóa mới XHCN” mà ở đó trục xuất Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, trục xuất tư hữu, tư bản ra khỏi đời sống cá nhân, xã hội.
Trong khi đó, những công trình này xây dựng từ thời xa xưa, vật liệu không được tốt và hiện đại như ngày nay, do vậy, hầu hết các cơ sở dần dần đi đến mục nát và hư hỏng.
Rồi chiến tranh, bom đạn hàng ngày, hàng giờ ném xuống, những trận bão bùng thiên tai hàng năm cứ chà đi xát lại những ngôi nhà thờ già cỗi cả trăm năm tuổi cũng đã góp phần tạo nên việc hư hỏng của nó.
Nhiều cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ đều trong tình trạng xuống cấp thê thảm trong sự bất lực của chính người giáo dân ở đó. Do điều kiện kinh tế khó khăn là một phần, bởi cả miền Bắc trong cơn đói triền miên, lo chạy ăn từng bữa chưa xong, lấy đâu ra tiền của để đóng góp xây dựng nhà thờ.
Nhưng cái chính yếu, là sự hạn chế kiểm soát đến mức quá khắc nghiệt và khắt khe của nhà cầm quyền cộng sản đã tạo nên một sự tiêu tán đến mức tối đa các công trình tôn giáo khắp miền Bắc nói chung.
Thay đổi chiến thuật với tôn giáo
Sau một thời gian kéo dài với tư duy Kinh tế XHCN tập trung, bao cấp theo kế hoạch nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đi đến kiệt quệ. Sự đói kém xảy ra ngay trên các vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, đời sống người dân lao dao. Trước sức bật của những nhân tố mới, nhà cầm quyền CSVN buộc phải chấp nhận việc mà họ gọi là :Đổi mới”.
Kể từ đó cuộc sống kinh tế có phần khởi sắc hơn trên toàn diện đất nước, những giao lưu giữa hai miền Nam Bắc và với bên ngoài được mở rộng, dần dần xé bỏ bức màn sắt về thông tin, giao lưu với thế giới, đã làm cho đời sống xã hội có những bước phát triển hơn.
Về mặt tôn giáo, sau một thời kỳ kéo dài chính sách hạn chế bằng mọi cách, phá hủy và tiêu diệt cách trắng trợn nhưng không thành công. Nhà cầm quyền Hà Nội mới nhớ ra câu nói của Lenin: Tuyên chiến với tôn giáo là tự sát. Khi không thể tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực, bằng những tuyên chiến thẳng thừng, nhà cầm quyền CSVN đã đổi chiến thuật với tôn giáo.
Từ chỗ bất dung, bằng mọi cách tiêu diệt tôn giáo với hàng vạn đền chùa, đình miếu bị đập tan, nhà thờ bị chiếm đoạt, nhà cầm quyền Việt Nam trở lại phương châm: “Liên minh tiêu diệt”.
Những tôn giáo có tổ chức lỏng lẻo, dễ khuynh loát như Phật Giáo, ngay lập tức đã được tận dụng triệt để việc thâu tóm và điều hành bởi hệ thống công an thông qua cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lập nhiều hệ thống tôn giáo quốc doanh khác để thay thế nhân sự, tổ chức các tôn giáo.
Đền chùa được xây dựng lại bạt ngàn, tất cả đều gom lại vào chiếc túi “Phật giáo quốc doanh” mà trở đi thì cũng Thích Thanh Tứ, trở lại cũng Thích Thanh Quyết… điều hành. Tất cả đều được đào tạo bởi nghiệp vụ công an, cài cắm vào các chùa chiền lớn nhất nước cho đến tận vùng sâu, vùng xa.
Cả hệ thống Phật giáo bị điều khiển bởi duy nhất một thủ lĩnh là đảng CS vô thần, do đó, hệ thống Giáo lý Phật Giáo đã bị làm biến dạng méo mó đến tận chân tơ kẽ tóc. Những điều ngược lại hoàn toàn với giáo lý Phật giáo đã dần dần được đưa vào chùa chiền như xem ngày, cúng sao, giải hạn, gọi vong gọi hồn rồi lên đồng xem bói… Đủ cả các loại, miễn sao các cán bộ công an biệt phái làm sư sãi có đầy đủ vật chất, thỏa mãn nhu cầu của các cán bộ này, đồng thời kiểm soát được hệ thống dân chúng nhiều khi mê muội cả tin.
Với Công giáo, những cố gắng khuynh loát cũng không được miễn trừ. Cái gọi là Ủy ban Liên lạc Công giáo ra đời nhằm mục đích thành lập một Giáo hội nhà nước thay thế giáo hội công giáo Tông truyền. Giáo hội nhà nước sẽ thực hiện điều Hồ Chí Minh chủ trương:  “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm” (Trích bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh - Đen trắng rõ ràng, Nxb Sự thật 1952, tr34).
Từ chỗ bắt bớ, giam cầm các linh mục, tu sĩ, giáo dân ở những trại giam chỉ có đi không có về. Tất cả những điều đó đã không khuất phục được Giáo hội Việt Nam vốn vững vàng đức tin. Nhà cầm quyền CSVN đã thay đổi sách lược. Các Linh mục, các chức sắc được săn đón, chiều chuộng, kính trọng ra vẻ tôn trọng, nhằm nâng cái “Tôi”, cái bản ngã của nhiều vị lên, để kết thân, để rồi từ đó có thêm cơ hội xỏ mũi bằng nhiều trò bẩn thỉu đến bần tiện.
Những khóa chủng sinh được mở lại, các chủng sinh được ưu ái có những cán bộ an ninh chuyên trách từ khi vào học cho đến khi được thụ phong. Các bộ môn Mác – Lenin vô thần buộc phải đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở các chủng viện. Sự theo dõi riết rao từ quá trình học cho đến khi đi phục vụ.
Không chỉ là trong những lần gặp gỡ, trong các cuộc họp hay những khi gặp gỡ riêng tư, mà ngay cả trong những hành xử đời thường, hệ thống công an tôn giáo ra sức ve vuốt các linh mục, tu sĩ và những chức sắc tôn giáo thậm chí hết sức thái quá. Nhiều linh mục, quen biết cả công an tỉnh, do vậy ra đường chạy xe bất chấp, nếu có bị CSGT thổi dừng phạt, chỉ cần gọi điện cho lãnh đạo công an tỉnh lại đi. Thậm chí, có linh mục đi ô tô, đâm vào người dân, nhưng vẫn xuống hùng hổ và bắt người dân đền mấy triệu đồng. Và những hình ảnh không đẹp đó, đã được phản ánh lên mạng xã hội.
Các Tòa Giám mục được công an ưu tiên cho gắn xe biển xanh, giống như chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, có thể tung hoành ngang dọc với những ưu tiên cho những xe đó.
Những dịp lễ lạt, năm mới, tết nhất, nhiều cuộc thăm hỏi, tặng quà, đáp lễ đã tưng bừng hơn trước. Trong nhà thờ, các đại biểu chính quyền, công an được ngồi những hàng ghế sang trọng nhất, thậm chí có những nơi đã xảy ra việc công an, chính quyền leo lên tòa giảng để phát biểu, răn dạy giáo dân.
Sự giao lưu giữa hai bên khăng khít, đề huề bao nhiêu, thì những thông tin nội bộ giáo hội dường như không còn gì riêng tư.
Người ta đã thấy có giáo phận đến mùa Giáng sinh, hàng đoàn công an sắc phục đầy đủ vào Giáo xứ Chính tòa để nhảy nhót, hát hò những bài ca cách mạnh ca ngợi các chiến sĩ Cảnh sát giao thông – Những người mà người dân gặp hàng ngày trên đường, và trong mắt người dân cả nước, thì đó là những đám trấn lột, gài bẫy móc tiền người dân trắng trợn. Điều này không chỉ xảy ra một năm, không chỉ một giáo xứ mà đã nhiều năm nay.
Người ta cũng đã thấy ở một giáo phận, cuộc giao lưu đầu năm giữa các tôn giáo tại Công an Tỉnh, có cả Giám mục tham gia, nhưng giám mục chỉ được ngồi phía dưới, sau khi mời đại diện Phật giáo Quốc doanh phát biểu xong, thì đến đại diện công giáo phát biểu. Oái oăm thay, đại diện công giáo lại là linh mục Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo” của nhà nước Trần Xuân Mạnh, còn vị Giám mục Giáo phận thì ngồi yên, để rồi sau đó vẫn cứ lên nhận quà của Công an Tỉnh như một ân huệ.
Người ta cũng đã thấy những hình ảnh các nữ tu nhà dòng đón Nguyễn Thị Doan, gặp gỡ đón tiếp tưng bừng Nguyễn Phú Trọng hay đón tiếp Đinh La Thăng. Điều người ta quan tâm, là những hình ảnh đó, sự hạ mình đến mức không thể gọi là khiêm nhường mà là sự quỵ lụy. Cái cúi rạp mình của một linh mục già trước một tên cộng sản tội phạm oắt con, những cái nắm tay, vuốt chân tỏ rõ sự nịnh bợ đến mức phản cảm là những điều giáo dân thấy tự cảm thấy hổ thẹn cho các đấng bậc, các chức sắc, chủ chăn của mình.
Một số giáo dân ở một Giáo phận còn cho chúng tôi biết: Khi có một lãnh đạo đất nước về thăm quê, vị Giám mục cứ thấp thỏm mong chờ một cuộc viếng thăm hoành tráng nhưng không được…
Thậm chí có những nơi, Ủy Ban nhân dân Tỉnh gửi công văn, yêu cầu Giám mục thay đổi liên tục các linh mục mà chính quyền không ưa và được đáp ứng. Và đó là cách dễ dàng nhất cho chính quyền công sản khi phải đối phó với những linh mục biết dân thân vì con người, vì giáo dân hoặc lương dân ngày ngày bị bóc đến tận đồng cắc cuối cùng và những mét đất cuối cùng của cha ông họ để lại.
Tất cả những điều đó không thể qua mặt giáo dân.
Công an, chính quyền ưu ái, vuốt ve các Giám mục, linh mục bao nhiêu, thì trong con mắt giáo dân, hàng giáo phẩm xa rời họ bấy nhiêu. Đó là điều mà chẳng lẽ các linh mục, các Giám mục không nhìn thấy?
Hẳn nhiên, ai cũng biết điều này: Công an tôn giáo, chính quyền cộng sản là những bậc thầy về sự xảo quyệt với những lời nói như đạn bọc đường. Các vị tu sĩ, giáo dân hiền lành, làm sao có thể so được sự tráo trở, gian dối và lật lọng nham hiểm của họ?
Chúng tôi đã gặp những viên an ninh tôn giáo như vậy. Có thể nói rằng, về kinh sách, về trích dẫn Kinh Thánh và những lời lẽ nhà đạo, nhiều giáo dân, tu sĩ chưa chắc đã thuộc, đã nói trơn tru bằng họ. Có những từ ngữ của người Công giáo từ xa xưa, từ lâu lắm chúng tôi không còn dùng nữa, nhưng nhân viên an ninh vẫn cứ dùng thông thạo đến ngạc nhiên.
Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã dặn: “Mật ngọt thì ruồi chết tươi. Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Đằng sau những ngôn ngữ đẹp đẽ, những lời hứa, những sự vồn vã đó, là những âm mưu mà người bình thường còn không tưởng tượng nổi, nói chi đến những bậc tu hành.
Thế rồi sẽ đến giai đoạn “Ma đưa lối, quỷ đẫn dường. Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi”.
Và một khi đã xỏ mũi, thì coi như những vị đó tắt tiếng nói, trở thành các công cụ cho nhà cầm quyền mới mong được giữ kín, để còn có “Uy tín” trước giáo dân. Và thế là quốc doanh ra đời.
Một yếu tố quan trọng nữa, đó là Tòa Thánh đã có một thỏa thuận với nhà nước Cộng sản, rằng mọi sự bổ nhiệm Giám mục cần phải thông qua nhà nước. Những nhân sự Tòa Thánh đưa ra, nếu không được nhà nước chấp nhận, thì phải thay người khác, cho đến khi nào nhà nước đã làm việc riêng với từng người mà thấy chấp nhận được thì nhà nước mới đồng ý.
Và dù vô tình hay hữu ý, thì với thỏa thuận này, Tòa Thánh Vatican đã trao ngọn roi quyền lực của mình cho nhà nước Cộng sản thò vào điều hành Giáo hội công giáo.
Kể từ đó, giáo hội Công giáo Việt Nam bước vào giai đoạn mới.
Từ chỗ nhà nước cấm đoán mọi lễ lạt, rước xách, sẵn sàng bắt bớ bất cứ ai tham gia các công việc tôn giáo. Các nhà thờ, nhà nguyện bằng mọi cách để cho hoang phế, biến thành tài sản nhà nước, tư nhân. Thậm chí lấy nhà thờ làm “Di tích ghi tội ác căm thù” như Nhà thờ Cầu Rầm, Nhà thờ Tam Tòa (Giáo phận Vinh).
Việc xin phép sửa chữa, xây dựng lại nhà thờ là một quá trình gian nan khốn khổ của các giáo xứ, giáo họ, nhiều khi phải lén lút, phải đi đêm với cán bộ để được cấp phép… Nhiều nơi, để được giải quyết vài vấn đề quyền lợi của mình, nhà nước đặt thẳng vấn đề với Giám mục, linh mục sự trao đổi nào đó. Chẳng hạn, để được giải quyết vấn đề nọ, vấn đề kia thuộc quyền lợi của giáo dân, thì phải chấp nhận trong Giáo phận có thêm các linh mục tham gia vào “Ủy Ban Đoàn kết Công giáo” – Tổ chức Giáo hội quốc doanh – hoặc tham gia Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc… là những cánh tay nối dài của đảng cộng sản.
Cho đến thời kỳ sau đó, nhà cầm quyền CSVN đã đổi sách lược mới: Quyết tâm biến tôn giáo thành một thứ “Tôn giáo Lễ hội”.
Kể từ đó, nhà thờ và các công trình được cấp phép dễ dàng hơn, thậm chí khuyến khích phá bỏ để làm lại cái thật mới, thật to cho đủ hoành tráng và nguy nga. Lễ lạt được tổ chức rước xách linh đình từ việc đón Giám mục đến thăm cho đến khởi công, khánh thành…
Không phải không có lý khi nhà cầm quyền làm vậy. Bởi ai cũng biết, xây dựng lại, làm lớn lao, hoành tráng thì cần tiền. Mà như cha ông đã nói  "Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”, do vậy sẽ sớm nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ của tôn giáo, giữa giáo dân với nhau, giữa linh mục với giáo dân, và ngay cả sự ganh đua giữa các linh mục, các Giáo họ, giáo xứ và Giáo phận.
Và nhà thờ càng lớn, càng nguy nga, giáo dân rước xách càng đông, càng chứng tỏ rằng ở Việt Nam, “quyền tự do tôn giáo” của người dân luôn được tôn trọng.
Hẳn nhiên, đó là sự tôn trọng trong sự kiểm soát theo cách của nhà cầm quyền.
(Còn nữa)
Ngày 8/5/2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh

  Nhân vụ Nhà thờ Bùi Chu: Những bất cập trong việc xây dựng công trình Công giáo - Phần 3

Ảnh của nguyenhuuvinh
Thời kỳ mới: Xây dựng lại
Thời kỳ các ngôi Thánh đường được xây dựng tại Việt Nam cách đây đã ngót nghét trăm năm. Quy mô chỉ nhằm phục vụ cho từng giai đoạn lúc bấy giờ.
Hơn trăm năm qua đi, số lượng giáo dân tăng lên theo con số cơ học cũng đã gấp nhiều lần thời kỳ xây dựng. Trong khi đó, quy mô các ngôi thánh đường thì không thay đổi, thậm chí đất đai, khuôn viên ngày càng bị lấn chiếm, bị cướp bất chấp luật pháp của nhà cầm quyền. Khi những ngôi nhà thờ đó được xây dựng lượng giáo dân chỉ bằng khoảng ¼ hoặc 1/5 số giáo dân hiện tại.
Khi số lượng giáo dân tăng lên, thì nhu cầu thờ phụng tăng lên theo lẽ tự nhiên. Trong khi nhà thờ, nhà xứ, các công trình tôn giáo không đủ phục vụ, do vậy việc có nhu cầu mở rộng, xây dựng nhà thờ là điều hiển nhiên.
Các cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài mấy chục năm với hàng triệu tấn bom đạn, những biến động thời thế đã tạo ra sự thiếu hụt, hư hỏng và sụp đổ nhiều công trình tôn giáo.
Với điều kiện về vật liệu, kinh phí, trình độ xây dựng cũng như nhiều yếu tố khác nhau kèm theo yếu tố khí hậu khắc nghiệt, hầu hết các công trình xây dựng của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã xuống cấp đến mức tột cùng.
Trong khi đó, sự khắc nghiệt của khí hậu và thời tiết, thiên tai chỉ là một phần nhỏ so với sự khắc nghiệt của chính sách tiêu diệt tôn giáo qua mấy chục năm dưới chế độ Cộng sản, hầu hết các cơ sở thờ tự, phụng vụ đã không thể tồn tại hoặc có tồn tại cũng không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân sinh hoạt tôn giáo. Đó là một thực tế.
Bởi hầu hết các Giáo xứ, Giáo họ và Giáo phận, những cơ sở xây dựng cả trăm năm trước đã không được mở rộng, lại còn bị cướp đoạt, thu hẹp đến mức tối đa. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội với diện tích đất đai mua hơn 71.000 mét vuông, bị cướp chia chác sạch chỉ còn lại 2.700 mét vuông là một ví dụ điển hình. Hoặc riêng Hà Nội, vẫn còn hơn 150 cơ sở bị nhà nước cướp đoạt, mượn mà không trả cho đến nay.
Chính vì vậy, những nhu cầu của giáo dân về việc xây dựng lại, sửa chữa, phục hồi lại các cơ sở tôn giáo đã trở nên cấp thiết. Vì thế, đã hình thành một phong trào khắp miền Bắc là vận dụng mọi cách, mọi phương thức, mọi nguồn lực để xây dựng nhà thờ.
Đến khi đó, phong trào “Trăm hoa đua nở” xây dựng nhà thờ đã thành một “mốt” trong đời sống công giáo Việt Nam. Những ngôi Thánh đường nguy nga, lộng lẫy cũng có, hoành tráng và lớn lao cũng có, xây đi đập lại cũng có, sụp đổ hư hỏng cũng có… và nảy sinh rất nhiều hệ lụy trong một thời kỳ dài.
Nhiều vấn đề đặt ra như những bài toán khó giải với tất cả các Giáo xứ, Giáo họ và Giáo phận.
Trước hết, đó là vấn đề tiền bạc.
Có lẽ ai cũng biết rằng, với những xứ họ ở Miền Bắc, thời kỳ khởi sắc về kinh tế chưa dài, nền kinh tế Miền Bắc sau bao năm kiệt quệ, đời sống các vùng thôn quê chủ yếu là nông nghiệp một nắng hai sương và hiệu quả không cao. Rất nhiều nơi người dân đã phải bỏ ruộng vườn để ra thành phố kiếm sống bằng đủ các thứ nghề khác nhau. Do vậy để xây dựng một ngôi Thánh đường với chi phí hàng chục tỷ đồng, không phải là chuyện một sớm một chiều đơn giản.
Bởi nếu như chùa chiền được các đại gia đầu tư vào đó rồi thu tiền bằng mọi cách, theo cái gọi là “Du lịch tâm linh” nhưng thực chất là kinh doanh Phật giáo rất hiệu quả. Thì ngược lại, nhà thờ không phải là nơi có thể kinh doanh kiếm tiền. Tất cả mọi công sức, đóng góp vào đó, chỉ là tinh thần yêu mến Giáo hội cũng như sự hy sinh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Do đó không dễ dàng để có đủ kinh phí trong điều kiện khó khăn của mỗi người và toàn xã hội.
Trong khi đó, nhu cầu thì cấp bách và rất lớn. Và những vấn đề mới xuất hiện.
Nhiều giáo xứ, giáo họ đã vận động được sự giúp đỡ của nhiều ân nhân ở nước ngoài, những người đã bỏ xứ ra đi, nay có điều kiện vẫn luôn hướng về quê hương, về đất nước đã không ngại dâng cúng những khoản tiền để góp phần xây dựng Thánh đường nơi quê hương.
Nhiều vị linh mục, giáo dân đã phải cất bước ra đi, nhiều khi chịu nhục nhằn, đau khổ trong ánh nhìn, trong sự thiếu cảm thông của những người khi họ đến nhờ vả những việc chung. Thật cảm phục sự hy sinh của họ và những người đã vô tư khi giúp đỡ trong việc xây dựng các công trình của giáo hội.
Thế nhưng, không phải giáo xứ nào, giáo họ nào cũng có may mắn có được những ân nhân có điều kiện về kinh tế. Có thể nói, vấn đề tài chính cho việc xây dựng lại các ngôi Thánh đường nhiều khi không tỷ lệ với nhu cầu của giáo dân, và đó cũng là đầu mối gây nhiều bất hòa, gây mâu thuẫn nhiều nhất.
Trong khi đó, việc quản lý, xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam không như ở nước ngoài. Hầu hết mọi việc trong Giáo xứ từ lớn đến nhỏ đều do một tay cha xứ đảm nhiệm, kể cả xây cất và quản lý tiền bạc.
Cha xứ hết sức được sự tôn trọng của giáo dân. Sự tôn trọng này nhiều khi thái quá. Giữa một vùng dân đen ít học, cha xứ luôn đúng, luôn hiểu hết mọi thứ và mọi thứ phải theo ý cha xứ. Câu Kinh Tin Kính được sửa chữa lại “Tôi tin kính có một cha xứ là cha toàn năng” thật đúng với giáo hội miền Bắc những năm qua.
Khổ nỗi, cha xứ không được đào tạo về vấn đề quản trị, kinh doanh cũng như quản lý tiền nong hay kỹ thuật xây dựng. Do vậy nhiều khi để xây dựng một công trình đã xảy ra biết bao nhiêu vấn đề lãng phí thất thoát không đáng có cũng như những sự dự trù, tiên lượng không thể đáp ứng thực tế.
Tôi đã chứng kiến những hoàn cảnh bi đát khi xây dựng một ngôi nhà thờ ở một Giáo xứ. Cha xứ đã quyết định xây dựng một công trình đồ sộ và lớn lao vượt sức giáo dân tại đó. Thời kỳ đó, các công trình ở miền Trung thường do giáo dân tự lập. Còn ở miền Bắc, công trình được giao cho nhà thầu. Tệ hại là nhà thờ được giao cho một công ty nhà nước, ban quản lý lại là những giáo dân được bầu ra, không có khả năng và trình độ dưới sự điều hành của cha xứ.
Thế là công ty nhà nước tha hồ vẽ ra dự toán, kinh phí đội lên khủng khiếp mà không thể đáp ứng. Trước tình hình đó, cha xứ lại đi vay nóng để xây nhà thờ. Kết quả là vỡ nợ, cha xứ phải bỏ đi lang thang xin tiền khắp nơi như trốn nợ đến tận mấy năm sau.
Thật là bi đát và là bài học nhớ đời.
Nhiều giáo xứ, kêu gọi giáo dân đóng góp cũng chỉ có mức độ khi mà giáo dân còn kiệt quệ về kinh tế, nhiều khi nảy sinh mâu thuẫn, sự phân bì tị nạnh giữa giáo dân. Nhiều khi những việc quyên góp đã trở thành nghĩa vụ, đã trở nên phản cảm và hầu như không thể đủ cho việc làm thật lớn, thật nhanh.
Và khi đã khởi công, đã bắt đầu một công trình để đời mà không thể nhanh chóng, không thể thực hiện được, thì người ta vận dụng nhiều cách, nhiều kiểu để huy động.
Ngay ở Giáo phận Bùi Chu, đã có thời người dân bàn tán khắp nơi về việc các giáo xứ cứ nộp 300 triệu đồng là được nâng lên Đền Thánh, mục đích là để huy động cho đủ số tiền huy động xây dựng các công trình ở đây dang dở.
Quan sát những điều vừa nói, người ta thấy rằng những câu chuyện của thế kỷ 16 khi xây đền thờ Thánh Phê rô và cuộc ly giáo đau đớn trong Giáo hội Công giáo trong lịch sử là điều không khó hiểu lắm.
Thế rồi xuất hiện những tầng lớp “Đại gia” tài trợ ngay trong nước.
Có lẽ cùng cần nói thêm rằng: Ở Việt Nam, trong tình cảnh thời buổi này, để làm ăn kiếm sống chân chính đã là điều không đơn giản với mọi người dân, chưa nói đến chuyện làm giàu.
Để có thể làm giàu được, sẽ rất nhiều câu chuyện đằng sau đó, về luật pháp và đạo đức. Nhưng, đa số các “đại gia” hình thành và phát triển được nhanh chóng về kinh tế, hẳn nhiên phải có sự hợp tác chặt chẽ của quan chức công quyền.
Họ có thể làm sân sau cho quan chức nào đó, họ có thể dựa uy một nhân vật nào đó, hoặc thể chế cộng sản để làm giàu nhanh chóng bằng những dự án tiền dân rồi rút ruột chia nhau. Bởi hệ thống quan chức Việt Nam thì vẫn nổi tiếng tham nhũng vô độ. Bất cứ ai, nếu đủ độ trung thành, kín đáo và có thể hợp tác, thì quan chức sẵn sàng biến thành các sân sau cho họ. Thậm chí, nhiều đại gia sẵn sàng giúp nhà nước trong mối quan hệ với Giáo hội. Hẳn nhiên cần phải lưu ý rằng, đó là những mối quan hệ mà bất cứ khi nào, thì các Chức sắc thuộc giáo hội vẫn là bên thua cuộc.
Và tầng lớp “Đại gia” đó đã có những khi khuynh đảo cả nhiều nơi trong Giáo hội sau khi bỏ một phần những đồng tiền kiếm được trong quá trình hợp tác làm ăn với quan chức. Thậm chí có những “đại gia” học hành chẳng mấy, cũng chẳng tham gia bất cứ chức việc nào trong Giáo hội, nhưng có thể tuyên bố trước các linh mục rằng: “Nếu cần, có thể gọi ngay Đức Giám mục đến đây bất cứ lúc nào”.
Mỗi khi có những dự án liên quan đến đất đai hay khó khăn với giáo dân trong các dự án, những nhà thầu có gốc Công giáo được ưu tiên số 1. Ở đó,
Những đồng tiền mà ai cũng biết rõ ràng từ rút ruột dự án, từ nhiều sự việc bất minh giữa các nhà thầu, các doanh nhân liên kết với các quan chức lãnh đạo cộng sản, được hào phóng dâng cúng cho các nhà thờ, cho các giáo phận, đã nâng những người đó “lên hàng khanh tướng” trong giáo phận.
Trước mắt giáo dân, họ là những người được nghiễm nhiên hưởng đủ mọi ưu tiên. Nhiều khi chỉ đơn giản là lễ lạt tại nhà riêng, cha mẹ chết, con cái cưới hỏi được làm lễ đồng tế… là những điều chỉ dành cho những gia đình có đóng góp lớn cho giáo hội.
Và qua hàng giáo phẩm rồi đến giáo dân họ trở thành gương mẫu cho các giáo dân noi theo về lối sống, về cách làm ăn. Dù con cái họ đa số không học hành, chỉ giỏi chạy mánh mung, thâm chí nghiện hút, cờ bạc, ăn chơi là số 1.
Và Giáo hội lại bước đi những bước nhiều khi xa rời người nghèo, nhiều khi lạc bước khi mưu cầu về vật chất mà coi nhẹ phần tâm hồn tín hữu.
Thế nên, nhiều khi xây dựng xong ngôi Thánh đường to lớn, thì người ta đã đánh mất hàng ngàn ngôi Thánh đường nhỏ là tâm hồn người Tín hữu  kiên trinh, vững vàng và xác tín đã bao đời nay đối với Thiên Chúa.
(Còn nữa)
Ngày 22/5/2019
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment