Shin Kanemaru: ‘Bố già dựng lên nhiều thủ tướng Nhật’
Khi Shin Kanemaru
qua đời tháng Ba năm 1996, một bài trên báo Anh The Independent gọi ông
này trong 20 năm là nhân vật "màu sắc nhất, hùng mạnh nhất, tàn nhẫn
nhất, và tham ô nhất trong chính trị Nhật".
Một
bài trên Japan Times năm 2012 nói: "Hàng triệu người Nhật vẫn còn nhớ
phát hiện chấn động về các miếng vàng và 50 triệu đôla tiền mặt, chứng
khoán sau khi giới công tố lục soát nhà Kanemaru."
Sinh năm 1914,
Shin Kanemaru chỉ có chức cao nhất là phó thủ tướng (1986-87), nhưng
được xem là "đại ca sau màn che" tự tay lựa chọn ít nhất bốn thủ tướng
Nhật.
Ông được biết tới như "bố già" tại Nhật cho đến ngày một scandal hối lộ và trốn thuế kết liễu sự nghiệp năm 1993.
Sự
phẫn nộ của người dân Nhật năm 1993 vì bê bối này được cho là yếu tố
quan trọng khiến đảng LDP rớt đài năm đó, sau 38 năm nắm quyền.
Ông Kanemaru từ chức khỏi đảng và quốc hội năm 1992 sau khi thừa nhận đã nhận 4 triệu đôla hối lộ từ một công ty vận tải.
Kanemaru được xem là thân Mỹ đến mức Washington thỉnh thoảng lại phải nhờ ông ta giúp để đạt các thỏa thuận thương mại với Nhật.
Bước
vào quốc hội năm 1958, ông Kanemaru là trợ lý cho một "siêu bố già"
khác của chính trị Nhật, Kakuei Tanaka, người sau này từ chức thủ tướng
năm 1974 vì tham nhũng.
Sau khi Kakuei Tanaka sa cơ, Shin Kanemaru
cùng người bạn Noboru Takeshita (sau này sẽ là thủ tướng) tách ra,
thành lập phe mới bên trong đảng LDP.
Trong thập niên 1980,
Kanemaru giúp người bạn Noboru Takeshita trở thành thủ tướng năm 1987,
còn chính ông là lãnh đạo của Keiseikai, phe lớn nhất trong quốc hội.
Năm 1988, một bê bối lớn xảy ra, trong vụ Recruit, khiến thủ tướng Noboru Takeshita phải từ chức.
Noboru Takeshita lựa chọn Sosuke Uno làm thủ tướng mới mà không hỏi ý kiến của Kanemaru.
Chỉ ba ngày sau khi Uno thành thủ tướng, báo Nhật đăng cáo buộc ông này có tình nhân.
Sosuke Uno chỉ tại vị được 68 ngày trước khi từ chức.
Trong
cuốn Shin Kanemaru and the Tragedy of Japan's Political System (2015),
tác giả Uldis Kruze nói Kanemaru đã chọn Toshiki Kaifu để thay thế Uno.
Nhưng
tháng 9/1991, khi thủ tướng Kaifu tuyên bố quyết tâm cải tổ, ngụ ý rằng
sẽ giải tán quốc hội, Kanemaru quyết định rút lại sự ủng hộ.
Kaifu phải từ chức tháng 11 năm đó, và Kiichi Miyazawa trở thành thủ tướng mới nhờ ủng hộ của Kanemaru.
Sa cơ
Cơn
bão tàn phá Kanemaru và đảng LDP xảy ra năm 1992. Ban đầu vào tháng 8,
báo chí nói Kanemaru đã nhận 500 triệu yen từ công ty vận tải Sagawa.
Hy vọng một nước cờ hình thức sẽ làm nguội câu chuyện, Kanemaru từ chức phó chủ tịch đảng LDP ngày 27/8.
Ngày 25/9, Kanemaru bị khởi tố tội vi phạm luật kiểm soát tiền đóng góp chính trị, và bị phạt 200.000 yen.
Thủ tướng Nhật Kiichi Miyazawa, người lên ngai nhờ ơn của Kanemaru, phát biểu rằng câu chuyện này "thật không may".
Khoản tiền phạt nhỏ nhoi và thái độ của giới cầm quyền làm công chúng Nhật phẫn nộ.
170.000 bưu thiếp đòi Kanemaru từ chức được gửi tới Quốc hội.
Trước
sức ép ngày càng tăng, Kanemaru từ chức nghị sĩ ngày 14/10. Báo New
York Times khi đó mô tả Kanemaru là người "dùng ảnh hưởng hậu trường to
lớn với tư cách lãnh đạo của phe lớn nhất và giàu nhất trong đảng LDP
cầm quyền để dựng lên và sa thải một loạt thủ tướng Nhật".
Không còn được các đồ đệ trong đảng bảo vệ, Kanemaru bị văn phòng công tố Tokyo bắt tạm giam ngày 6/3/1993.
Bị cáo ra tòa ngày 22/7/1993, không nhận tội trốn thuế 1 tỉ yen của 1,87 tỉ thu nhập không công bố.
Sức khỏe của ông dần suy sụp và sau đó không đủ sức
dự tòa. Nhưng bên công tố chỉ hủy vụ án ngày 13/3/1996, hai tuần trước
khi Kanemaru qua đời.
Bê bối Kanemaru góp phần khiến đảng LDP thua trong bầu cử quốc hội tháng 7/1993, lần đầu tiên để mất quyền lực kể từ năm 1955.
Trong cuốn Shin Kanemaru and the Tragedy of Japan's Political System (2015), tác giả Uldis Kruze nói: "Hoạt động ở hậu trường, Kanemaru tác động mạnh tới sự vươn tới quyền lực (hay sụp đổ) của ba thủ tướng (Nakasone, Takeshita, và Uno) và kiểm soát hai chính phủ (Kaifu và Miyazawa)."
Tác giả này nói sự nghiệp của Kanemaru tiêu biểu cho "bi kịch nền dân chủ Nhật: bề ngoài dân chủ và cạnh tranh, nhưng thực tế là một hệ thống dựa trên ảnh hưởng, tiền bạc, thông đồng và quan hệ cá nhân".
Bê bối Kanemaru góp phần khiến đảng LDP thua trong bầu cử quốc hội tháng 7/1993, lần đầu tiên để mất quyền lực kể từ năm 1955.
Trong cuốn Shin Kanemaru and the Tragedy of Japan's Political System (2015), tác giả Uldis Kruze nói: "Hoạt động ở hậu trường, Kanemaru tác động mạnh tới sự vươn tới quyền lực (hay sụp đổ) của ba thủ tướng (Nakasone, Takeshita, và Uno) và kiểm soát hai chính phủ (Kaifu và Miyazawa)."
Tác giả này nói sự nghiệp của Kanemaru tiêu biểu cho "bi kịch nền dân chủ Nhật: bề ngoài dân chủ và cạnh tranh, nhưng thực tế là một hệ thống dựa trên ảnh hưởng, tiền bạc, thông đồng và quan hệ cá nhân".
No comments:
Post a Comment