Thủ tướng Việt Nam lặp lại không vì quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc
Tạp chí Nikkei Asian dẫn phát biểu của Ông Nguyễn Xuân Phúc,
người đứng đầu chính phủ Việt Nam bên lề cuộc họp thường niên Diễn đàn
Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ hôm 24/1 rằng Trung Quốc là
nước láng giềng và là bạn bè của Việt Nam; chính quyền Hà Nội mong muốn
cố gắng giải quyết mọi vấn đề với Bắc Kinh để hai nước mở rộng, thúc đẩy
hợp tác thương mại.
Đối với vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, Ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng
Việt Nam sẽ bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chủ quyền của đất nước ngay
cả khi tăng trưởng quan hệ kinh tế.
Phát biểu vừa nêu của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra vào
khi Hà Nội đang tìm cách tránh khỏi những tác động do cuộc thương chiến
Mỹ- Trung đang diễn ra. Đồng thời Hà Nội cũng phải tránh những ảnh hưởng
của tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy trao đổi với chúng tôi rằng
phát biểu của thủ tướng Phúc cũng giống như các nhà lãnh đạo khác chứ
không có điều gì mới mẻ hơn.
“Phát biểu của ông Phúc nó chỉ thể hiện những điều mà những lãnh
đạo từ nhiều năm nay đã nói và nó không có gì mới cả bởi vì Việt Nam
luôn cố gắng đi vay nhờ các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”
Phát biểu của ông Phúc nó chỉ thể hiện những điều mà những lãnh đạo từ nhiều năm nay đã nói và nó không có gì mới cả bởi vì Việt Nam luôn cố gắng đi vay nhờ các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc - TS. Nguyễn Huy Vũ
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lập luận rằng vì sống cạnh một anh hàng xóm lớn
có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như hiện nay thì Việt Nam buộc phải
duy trì mối quan hệ với Trung Quốc; trong khi vẫn phải đảm bảo chủ
quyền đất nước. Trong khi đó thì khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sự
cạnh tranh rất là mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từ Sài Gòn cũng có nhận định:
“Tôi nghĩ rằng trường hợp Việt Nam với Trung Quốc cũng
không khác hơn các trường hợp của những nước khác như Nhật và Nga thành
ra chúng ta không thể tìm được hai nước láng giềng mà hòa thuận chung
cho tất cả mọi phương diện được mà luôn luôn có những xung đột, tranh
chấp chen lấn giữa hợp tác hai nước với nhau. Việt Nam với Trung Quốc có
mối quan hệ phức tạp từ hàng nghìn năm rồi, về lịch sử văn hóa, bây giờ
vấn đề về kinh tế chính trị thành ra đây là mối quan hệ phức tạp. Nói
chung tôi đồng ý với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Việt Nam cần giữ một
quan hệ kinh tế khả quan với Trung Quốc trong chừng mực hợp lý cho Việt
Nam.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì hiện thương mại Việt- Trung phát triển
mạnh và mang lại lợi ích cho cả hai, Trung Quốc là thị trường nhập siêu
lớn nhất của Việt Nam; tuy nhiên không vì mối quan hệ thương mại mà
nhân nhượng chủ quyền.
Nikkei Asian nhận định rằng về bề nổi Việt Nam đang duy trì mối quan
hệ hữu hảo với Trung Quốc. Vào ngày 22 tháng 1, ông tổng bí thư kiêm chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tân đại sứ Hùng Ba và theo Tân Hoa Xã
thì tại cuộc tiếp, Ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại mong muốn tăng cường và
phát triển quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
Cũng tại diễn đàn kinh tế thế giới, báo Vietnambiz.vn loan tin vào
hôm 25/1 cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khiến nền kinh tế
Trung Quốc bị chậm lại và gây tổn thất đối với tất cả nước láng giềng và
đặc biệt là Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng ông chưa thấy được sự chậm lại của Trung Quốc làm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam.
“Thật ra tôi chưa nhìn thấy được thiệt hại lớn cho nền kinh tế
Việt Nam trong cái cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nhưng chắc chắn là nó
có ảnh hưởng tới Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất
của Việt Nam và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên
thành ra khi Mỹ Trung có xung đột thì Việt Nam đứng giữa chịu ảnh
hưởng. Còn thiệt hại thì thật ra tôi chưa thấy có con số bằng chứng cụ
thể.”
Một giải pháp kinh tế đối với Việt Nam hiện nay được Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ là Việt
Nam cần tăng tốc công tác cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Tầm quan trọng
của cải cách doanh nghiệp nhà nước như bán cổ phần tại các doanh nghiệp
này không chỉ cải thiện hiệu quả vốn tư nhân trong và ngoài nước mà nhằm
hạn chế được tình trạng tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thừa nhận việc cải cách doanh nghiệp nhà nước
là một yêu cầu cấp bách để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hội
nhập quốc.
“Vì vậy Việt Nam với Trung Quốc cũng đều phải cải cách còn
tham nhũng thì nó liên quan đến thể chế chính trị, luật pháp, liên quan
đến công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng lãnh đạo và
giám sát của nhân dân đó là vấn đề lớn hơn là cải cách doanh nghiệp nhà
nước. Và thực thi nghiêm túc các cam kết với tổ chức thương mại thế
giới. Việt Nam đã ký một hiệp định rất quan trọng là CPTPP và hiệp định
có nhiều quy định rất là chặt chẽ, rõ ràng và khắt khe trong việc chống
tham nhũng. Tôi hy vọng rằng việc thực thi này giúp Việt Nam đẩy mạnh
chiến đấu chống tham nhũng và làm bộ máy Việt Nam hiệu quả và trong sạch
hơn.”
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp nước ngoài
khi muốn đầu tư vào Việt Nam bị gặp nhiều khó khăn rào cản về luật lệ,
luật kinh doanh, giấy phép và tình trạng tham nhũng khiến chi phí tăng
lên rất nhiều nên làm nản chí nhiều nhà đầu tư nhất là phương Tây.
Thực tế cho thấy chính phủ Hà Nội hô hào cải cách mạnh mẽ; thế nhưng hiệu quả chưa được là bao.
Trong vấn đề làm ăn kinh tế với Trung Quốc, phần thâm thủng vẫn
nghiêng về phía Việt Nam. Còn tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục lấn
lướt và ngư dân Việt Nam là thành phần trước hết chịu thua thiệt trong
hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển tranh chấp này.
Ý kiến
(5)
Bấm vào đây để nêu ý kiến của bạn
No comments:
Post a Comment