Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 18 December 2020

 

Danh họa Bùi Xuân Phái: Mối giao tình với bè bạn

Vừa qua, lần đầu tiên, một triển lãm đặc biệt về những tác phẩm kí họa chân dung bạn bè của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được tổ chức tại Hà Nội- triển lãm “Phái vẽ Đạm”. Ngày khai mạc, cụ giáo Nguyễn Bá Đạm, nay đã 97 tuổi đã chống gậy tới xem, ngắm lại những hình ảnh của chính mình năm xưa, cũng là ôn lại kỉ niệm về người bạn thân một thời nay đã đi xa.

“Phái vẽ Đạm”

Triển lãm “Phái vẽ Đạm” được tổ chức từ tấm tình của phòng tranh Thái- Việt (Thái Lan) và nhà đấu giá Chọn (Hà Nội) nhân kỉ niệm 99 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, giới thiệu tới công chúng 60 bức tranh chân dung ông Nguyễn Bá Đạm do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ. Bộ sưu tập ký họa chân dung cụ giáo Đạm được trưng bày lần này do ông Tira Vanichtheeranont, nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan, mua được từ bộ sưu tập của ông Petro Paris. Nhà sưu tập tranh Tira Vanictheeranont cho biết, nghe danh Bùi Xuân Phái đã lâu nên quyết định đổi bộ sưu tập đồ cổ lấy các bức tranh. “Những bức ký họa không thể hiện được nhiều về tài nghệ thuật nhưng giàu ý nghĩa cá nhân. Qua những bức vẽ, tôi thấy 2 người có tình bạn bền chặt qua năm tháng, đồng hành trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái”- ông chia sẻ.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và ông Nguyễn Bá Đạm (phải)

Lúc sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tới 242 bức kí họa và tranh chân dung ông Đạm. Nhưng qua thời gian, các bức vẽ tản mát khắp nơi. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập tranh chân dung ông Đạm có hệ thống được trưng bày. 60 bức tranh thể hiện các sắc thái khác nhau trong đời thường của ông Đạm, qua con mắt Bùi Xuân Phái.

Ông Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 tại làng Mọc, Giáp Nhất, Hà Nội- nguyên là giáo viên Sử trường Phan Đình Phùng. Ông Đạm cũng là nhà sưu tập tiền cổ nổi tiếng, hay giao du với các văn nghệ sĩ Hà Nội xưa. Khai mạc triển lãm, ở tuổi 97, ông vẫn đến góp mặt. Ông bảo, mình có được may mắn quen biết với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh… Trong số này, ông Đạm thân với ông Phái hơn cả. Cả hai quen nhau qua sự giới thiệu của một người bạn và dần thân thiết vì chung sở thích về mỹ thuật, văn chương. Ông Đạm kể: “Tôi với ông Phái rất gần gũi nhau, một tuần tôi thường đến nhà ông ấy 4, 5 lần. Khi tôi đến chơi, trong lúc vui câu chuyện hay nhấm nháp với nhau chén rượu, tiện tay thì ông ấy vẽ, vẽ xong rồi thì cũng chẳng đưa cho ai. Thỉnh thoảng thấy bức nào hay hay là tôi xin ông ấy luôn. Tính ra tôi được ông Phái vẽ chân dung nhiều nhất, có khoảng 242 bức... Với ông Phái thì đôi khi những vỏ bao thuốc lá, vỏ bánh mứt kẹo cũng thành giấy vẽ tranh chứ không cần phải nói đến vỏ bao diêm. Ngày xưa giấy cũng hiếm, có khi còn vẽ cả trên giấy nhật trình. Chân dung tôi trên vỏ bao diêm có khoảng chục bức, có thể coi là bộ tranh chân dung nhỏ nhất Việt Nam. Cách đây mấy năm, những chân dung của tôi còn sót lại cũng có giá ít nhất là 20 triệu đồng.”

Mối thân tình của người tri kỉ

Dễ nhận thấy, ông Nguyễn Bá Đạm là hình mẫu trong đa số các bức kí họa chân dung của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Đạm bảo, có lẽ đó là do mối thân tình giữa ông và các nghệ sĩ. Còn bà Nguyễn Thị Sính, vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái cho rằng, ông Phái vẽ ông Đạm nhiều là bởi lúc trẻ, ông Đạm có dáng hình của một người mẫu với gương mặt có những nét rất đặc biệt. Nhưng dù có là lý do gì đi chăng nữa thì việc ông Đạm trở thành hình mẫu trong các bức vẽ của Bùi Xuân Phái đã cho thấy cái tình giữa những người bạn tri kỉ. Và qua những bức vẽ, người ta còn thêm hiểu về một giai đoạn của lịch sử, khi các nghệ sĩ trưởng thành từ gian khó.

Dễ thấy các bức tranh ông Phái vẽ bạn mình- ông Đạm- thường có kích thước nhỏ. Chất liệu được sử dụng chỉ có chì, sang lắm mới là sơn dầu. Điều này đã phản ánh giai đoạn đầu của lịch sử mỹ thuật Việt, khi các họa sĩ sáng tác trong điều kiện rất thiếu thốn, cuộc sống vì thế cũng chật vật. Gia đình Bùi Xuân Phái đông con (5 người con), ông lại bị thôi việc sớm nên chỉ còn cách kiếm tiền vặt qua vẽ minh họa báo chí, phục trang sân khấu, thậm chí là làm thợ mộc. Điều kiện sáng tác của cụ Phái vì thế phải thu hẹp trong các bức họa nhỏ với phương tiện ít ỏi.

Con trai của họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng, cụ Đạm là người gần gũi và hiểu rõ cái tài, cái tình của ông Phái. Cụ Đạm nói ít nhưng hay cười, hiền lành, cá tính cũng điềm đạm như chính cái tên của cụ vậy. “Có lần vào năm 1964, mẹ tôi nói cha tôi cố gắng gặp bạn bè xem khả dĩ có thể vay một số tiền để làm cái gác xép cho ông có thêm diện tích làm xưởng vẽ. Sau khi một người bạn lắc đầu, cha tôi tìm đến cụ giáo Đạm, vợ chồng cụ giáo vui vẻ giúp cho mượn ngay, lại còn cho người đưa ông về tận nhà”- họa sĩ Bùi Thanh Phương kể. Với số tiền đó, gia đình họa sĩ đã làm được cho cụ Phái căn gác xép- cũng là xưởng vẽ riêng, dù rằng điều kiện còn rất thiếu thốn, ánh sáng yếu, chật chội với vỏn vẹn 8m2. Căn gác nhỏ này đã từng được nhà thơ Vũ Đình Liên làm bài thơ mô tả, trong đó có 2 câu: “Gác treo tám thước nhà anh Phái/ Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy...”.

Ngay cả khi đã trả được món nợ cho cụ Đạm thì nhiều năm sau, danh họa Bùi Xuân Phái vẫn nhắc nhớ với các con về món nợ đó, coi như ân tình phải trả. Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, có lẽ, đó cũng là một phần nguyên do mà cụ Phái vẽ cụ Đạm nhiều đến thế. Nhắc về người bạn quá cố của mình, ông giáo Đạm vẫn đầy trân trọng: “Tinh thần của Phái sâu kín nhưng vô cùng đằm thắm và hóm hỉnh, ẩn chứa bên trong vẻ giản dị của một con người với vóc dáng gầy gầy cao cao ấy là một mãnh lực sáng tạo ghê gớm, nó mạnh mẽ đến độ đã biến cả hình ảnh những bức tường rêu phong thành châu báu!”

Thanh Xuân

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1945, cùng thời các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Họa sĩ mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bùi Xuân Phái nổi tiếng với các tác phẩm vẽ phố cổ Hà Nội, ghi lại sự chuyển biến xã hội tại Thủ đô trong thế kỷ XX. Ngoài ra, ông còn vẽ về chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... Chất liệu sử dụng rất đa dạng như vải, giấy, bảng gỗ, giấy báo và dùng sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Ông cũng tham gia minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế Leipzig về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982).

No comments:

Post a Comment