Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 17 December 2020

 

Tình cảm yêu, ghét của Hồ Chí Minh có gốc tư duy xổi mà ra

< A >
Trần Đắng (Danlambao)
HCM nói ông ta yêu điều thiện, ghét điều ác. Ta cho ông này hướng thiện kiểu cộng sản, theo thuyết “duy thiện cộng sản” mà tôi cho là tầm thường, nông cạn. Tư tưởng tôi thì theo thuyết tùy cơ ứng biến, tùy thời, tùy nơi, tùy người, tùy việc mà có hành vi thích hợp, không phải nhất nhất lúc nào cũng theo thiện. Có cái thiện không làm, có cái ác cần làm. Tôi viết bài luận này để thấy hai thuyết, thuyết tùy cơ ứng biến đúng thực tế hơn là thuyết “duy thiện cộng sản”.

Theo thuyết tùy cơ ứng biến thì có cái ác cần làm, ví như Chu Văn Vương (1152 TCN - 1046 TCN) trong lịch sử Trung Quốc ăn thịt con ruột đầu lòng của mình. Nguyên do vua Trụ nhà Thương bạo ngược vô đạo. Cửu Hầu, Ngạc Hầu và Chu Văn Vương đều là Tam Công của vua Trụ. Cửu Hầu có đứa con gái đoan trang xinh đẹp tiến cung, chỉ vì giữ thân trinh tiết, không dâm loạn, làm Trụ Vương đại nộ, không những đã giết nàng mà còn giết cả Cửu Hầu, băm nát thành tương. Ngạc Hầu nghe tin đã hô hoán, kêu oan cho Cửu Hầu, cũng bị băm nát thành tương. Người anh chi thứ của Trụ Vương là Vi Tử nhìn thấy thảm cảnh đó đã phải chạy tới phương xa để trốn tránh. Ông chú là Tỉ Can khuyên can liền ba ngày không ra khỏi nhà, bị Trụ Vương mổ ngực rạch bụng. Chu Văn Vương nghe tin lo lắng, sợ có ngày bị họa giáng vào đầu. Thân tín của Trụ Vương là Sùng Hầu Hổ phát giác thấy sự uy hiếp của nhà Chu đối với nhà Thương, đã cảnh tỉnh Trụ Vương:

- Văn Vương hành thiện tích đức, các nước chư hầu đều tranh giành nhau quy thuộc vào hắn. Điều này đối với đế vương ngài sẽ là điều bất lợi cực kỳ to lớn đó!

Trụ Vương nghe có lý liền ra lệnh bắt Chu Văn Vương, giam ở Dữu Lý, cho rằng từ nay vạn sự tốt lành.

Để trừ bỏ hậu họa, Thương Trụ Vương còn bắt con cả của Chu Văn Vương là Bá Ấp Khảo tới Thương đô Triều Ca để làm con tin, bắt Bá Ấp Khảo làm người đánh xe cho Trụ Vương. Để thử thách Chu Văn Vương có phải là “thánh nhân” hay không, Trụ Vương hạ lệnh giết Bá Ấp Khảo, lấy thịt nấu canh, bắt Văn Vương phải ăn, còn nói với mọi người:

- Ta muốn xem hắn có phải là thánh nhân hay không. Nếu là thánh, lẽ dĩ nhiên hắn sẽ biết đó là thịt con trai của mình.

Thế nhưng Chu Văn Vương hết sức nén nhịn nỗi bi phẫn, giả vờ như không biết, ăn hết bát canh đó. Tới lúc này Trụ Vương mới yên lòng.

Về sau, các bề tôi của Chu Văn Vương dâng mỹ nữ, ngựa tốt, của hiếm vật lạ cho Trụ Vương, Trụ Vương vui mừng, tha cho Chu Văn Vương.

Chu Văn Vương, khi qua đời, dặn con là Chu Vũ Vương phải diệt Trụ. Trụ Vương điều động mười bảy vạn binh mã đánh nhau với quân Chu Vũ Vương. Quân của Trụ Vương hạ vũ khí đầu hàng, coi Chu Vũ Vương là cứu tinh, dẫn quân Chu đánh vào Triều Ca. Trụ Vương nhảy vào lửa tự thiêu.

Nếu Chu Văn Vương không ăn thịt con thì ông dễ bị giết bởi tay giết người như ngóe Trụ Vương, làm chậm bước đánh nhà Thương.

Một người nữa làm cái ác, cái nhục, cái hèn hạ cho chính mình là Hàn Tín (230-196 TCN). Theo sách Tây Hán chí thì Hàn Tín, người ở Hoài Âm, nước Sở. Cha mẹ mất sớm phải sống côi cút từ bé, nhà nghèo phải làm nghề câu cá. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín "tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm", có gã hàng thịt ở chợ thách đâm, nếu không dám đâm thì phải chui qua háng của gã. Hàn Tín chọn chui qua háng, mọi người thấy vậy đều chê cười. Vì sao chịu nhục? Vì cái chí, hoài bão của ông rất xa, muốn làm đại tướng, nên phải giữ mạng sống. Quả nhiên về sau ông thành danh tướng bách chiến bách thắng, công to nhất giúp Hán Cao Tổ được thiên hạ. Còn hạng không chịu được cái nhục, đâm chém nhau bị thương tật, hay đến mất mạng là hạng tầm thường, họ bí lối đó thôi.

Tục ngữ Việt Nam có những câu cảnh báo cho người duy thiện nói chung:

Cây ngay bị đốn trước.

Giếng ngọt bị cạn trước.

Cây cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng càng dày gian truân.

Quan cả, vạ to.

Có những cái thiện không nên làm. Tục ngữ ta viết: Làm phước quá tay, ăn mày chẳng kịp. Tôi biết một công nhân nọ, có người chị bị phá sản, đã cho chị chiếc xe máy duy nhất anh ta có. Thế là đi làm phải đi xe thồ, tốn kém, ăn thêm vào lương công nhân không lấy gì làm cao lắm, khổ thêm, hoặc anh ta đi bộ tới nhà máy thì xa đến 5 km. Phải tự lo cho bản thân ta đầy đủ đã, rồi mới có tinh thần khỏe, sức lực khỏe, có dư thừa ra thì giúp chị ruột mới được. Cũng tục ngữ ta viết: Thương cô, thương dì lấy gì làm bữa.

Còn việc làm thiện, không làm việc ác thì việc này dễ thấy, phổ biến, ai cũng biết, tôi không cần chép ra.

Như vậy, tôi trình bày xong thuyết tùy cơ ứng biến. Dưới đây ta xét xem thuyết hướng thiện, bao hàm cả thuyết duy thiện của cs, tức thiện theo đấu tranh giai cấp, không có tình nhân đạo chung chung, nó dở, nó là kết quả của tư duy xổi như thế nào.

Thần y, danh y Tuệ Tĩnh (1330-1400), là tổ thuốc Nam, tức người thiện, là người làm nhiều điều phúc cho nhân dân. Ông nổi tiếng quá, vua Tàu biết, bắt vua Trần cống người, ông phải qua Trung Quốc sống. Thật là đại họa cho dân ta & cho ông. Nếu tài đức của ông chỉ trung bình, hay khá thì ông yên ổn ở VN.

Thời Tam Quốc, thừa tướng nước Ngô là Lục Tốn (183- 245), nhân vật số 2 của Đông Ngô, chỉ sau vương, rồi hoàng đế Tôn Quyền, là người giới trí thức thích giao du hơn cả được làm việc với Tôn Quyền. Ông vừa có tài quân sự, vừa rất đức độ, biết đủ, “tri túc”, nên khi ông qua đời, gia sản chẳng có gì!! Thật khác xa CS ngày nay, như vụ Thủ Thiêm, bọn chóp bu SG cướp đất dân, bán được khoảng 6 tỉ USD! Tôn Quyền e ngại sau khi mình qua đời, vua mới bị Lục Tốn lấn át, hoặc đảo chính nên tìm mọi cách giết Lục Tốn. Tôn Quyền nhiều lần cho sứ giả trách Lục Tốn, lại gạt bỏ những ai thân Lục Tốn, bà con anh em của Lục Tốn trong triều. Lục Tốn qua đời trong uất ức, trầm cảm ở tuổi 62. Nếu Lục Tốn không quá xuất sắc, chỉ ở mức khá thì hưởng hết tuổi trời, không bị hành hạ như vậy. Làm thiện là ký bản án tử hình cho mình, lại khổ lây cho gia đình, bà con, anh em, bạn bè, người ủng hộ.

Những gương như vậy nhiều lắm. Đọc sử thấy ngay, đến mức tôi không ngạc nhiên mà là thấy ai thiện, tài, có tâm, có tầm là tôi lo, như lo cán bộ đức độ, tài giỏi ở VN “nhảy lầu tự tử” sau chầu nhậu khi có tiềm năng làm bộ trưởng vậy. Người VN ta nói khi tiến thân tốt thì nhậu ở tầng một, chứ nhậu ở tầng 8, tầng 14, thì bị ném từ lầu xuống đất chết rồi bị coi là “tự tử”!

Lại một tấm gương nữa là Nguyễn Trãi (1380-1442), khai quốc công thần, danh nhân văn hóa thế giới, là người thiện, lại bị tru di tam tộc. Về sau được vua Lê Thánh Tông minh oan, nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng”, cả cái dân tộc VN không ai muốn ông bị chết thảm như vậy.

Thêm một tấm gương trong lịch sử hiện đại. Nguyên soái Giu-cốp (Zhukov, 1896-1974) của Liên Xô, được xếp ngang hàng với cỡ thiên tài quân sự Alexander Đại đế, Napoleon, là những người làm thay đổi tiến trình lịch sử. Giu-cốp là người chiến thắng Hitler. Ông đang làm bộ trưởng quốc phòng thì bị cách tuột mọi chức vụ, bị tổng bí thư Khrushchev cho về vườn mà… không vì lý do gì cả! Giu-cốp được dân và quân tin cậy, yêu quý, nói dân và quân nghe. Người như thế thì đảo chính lật tổng bí thư dễ, Khrushchev không được như ông nên ông không làm điều ác vẫn bị đì sói trán.

Tôi e rằng quý độc giả kính mến vẫn chưa tin thuyết hướng thiện nó… thấp, tôi kể tiếp một tấm gương nữa là thánh Gandhi (1869-1948) của Ấn Độ. Ông đấu tranh bất bạo động. Ông nói đấu tranh bất bạo động mạnh hơn cả bom nguyên tử. Ông đuổi thực dân Anh ra khỏi Ấn Độ không tốn một viên đạn. Hạng quân tử cỡ… Khổng Minh còn gây vạ, giết kẻ thù, tức cũng là giết người, làm thành núi xương, sông máu, kém so với Gandhi, không giết kẻ thù nào cả mà nước vẫn độc lập, đúng là thánh. Gandhi nói tôn giáo và chính trị là một. Cao cả thật! Nhưng ông bị người theo Ấn Độ Giáo ám sát vì Ấn Độ lúc đó chia rẻ giữa Hồi Giáo và Ấn Độ Giáo. Ông không thể mạnh tay trị tôn giáo nào. Có một số người Ấn Giáo có người thân bị người Hồi Giáo giết đã căm thù Hồi Giáo. Họ cực đoan cho thái độ hòa hoãn của Gandhi là ủng hộ Hồi Giáo nên số người Ấn Độ Giáo đó đã bắn ông.

Tôi kể tới 5 tấm gương, chứng minh thuyết duy thiện nó nông cạn, tầm thường, quý độc giả rõ rồi chứ?! Đừng hướng thiện mà hãy tùy cơ ứng biến.

Khăng khăng lúc nào cũng duy thiện là trẻ con. Chả cần ai dạy, trẻ biết nói, biết chạy, bạn cướp bánh của chúng, chúng sẽ ghét bạn ngay, ta thấy chúng yêu thiện ghét ác dễ dàng, khỏi cần dạy. Mà Hồ thì, mãi về già 79 tuổi cũng chỉ duy thiện thì tư duy Hồ từ hồi 4 tuổi tới khi qua đời, không đổi. Thật là nông cạn!!

Chốt hạ: Thách Hội đồng lý luận trung ương của đảng, Học viện chính trị Hồ Chí Minh, Hội triết học Việt Nam phản biện, tranh luận với Đắng tôi sao cho thắng xem sao?! Năn nỉ ấy!! Nếu các ông không lên tiếng thì độc giả báo Dân Làm Báo biết các ông bị đuối lý, cái yêu, ghét của HCM là bá vơ, tầm bậy tầm bạ, do tư duy xổi mà ra và tôi nói là tôi thách thức toàn bộ CS VN, các ông hèn nhát, không dám ứng chiến với tôi. Không dám tranh luận với tôi là các ông sai. Khi sai thì các ông không chính danh, tức ngụy. Vậy CS VN & HCM là ngụy. Các ông không bút chiến thì tôi cũng mặc nhiên coi các ông là thua cuộc, là sai, là ngụy.

Thanh Hóa 16-12-2020

No comments:

Post a Comment