Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 4 May 2020

[Bảo Ninh] Nỗi buồn chiến tranh – Hành trình đi tìm sự sống trong ký ức ám ảnh

Nỗi buồn chiến tranh – Khúc ca đau thương của những điều đã chết nhưng còn tồn tại và tiếp diễn.

Xuyên suốt Nỗi buồn chiến tranh là hành trình tìm lại quá khứ, tìm lại cuộc sống đã trôi qua, tìm về chính sự ám ảnh với chiến tranh, chết chóc. Cuốn sách là “Thì quá khứ tiếp diễn” nỗi buồn chiến tranh trong thời bình, là sự ám ảnh dữ dội, đau đớn của nhân vật Kiên những ngày sau giải phóng
Tác phẩm tái hiện lại cuộc chiến trong tâm tưởng nhân vật Kiên, sự mô phỏng chi tiết và sống động chiến tranh trong sự tìm về, trong tâm tưởng. Là hành trình trôi ngược, đi ngược lại sự sống tự nhiên, cuộc sống mà Kiên chỉ đang tồn tại. Trình tự thời gian đảo lộn, không gian đổ nát, vỡ vụn, trở thành những mảnh chắp vá, ghép nối theo trí nhớ của Kiên. Từng trận đánh, từng con người, từng kỷ niệm đẹp đẽ vụt hiện lên rồi vỡ vụn theo chính sự sụp đổ của nhân vật.
Nỗi buồn chiến tranh là tiếng gọi của quá khứ, của những người đã nằm sâu dưới lớp cát bụi chiến tranh, của những miền đất cằn cỗi mà nhân vật chính đã trải qua. Những điều đã tắt đi nhưng còn sống mãi và tiếp diễn trong tâm tưởng nhân vật chính.
Tiểu thuyết còn là sự đấu tranh nội tâm, day dứt, dằn vặt, giằng xé từng ngóc ngách, từng góc cạnh trong tâm hồn chai sạm bởi cái chết, bởi tình yêu, bởi tiếc nuối, tội lỗi của Kiên.
Ẩn chứa phía sau sự chết chóc, hủy diệt, đau thương của chiến tranh là sự tươi đẹp, sống động, sinh tươi dưới con mắt trải nghiệm của tác giả, được thể hiện bởi Kiên – chân thực và mờ ảo, xa xăm. Là sự vẫy gọi đầy đê mê, hấp dẫn vọng lên từ quá khứ mà Kiên không thể lãng quên.
Càng đi sâu vào quá khứ, hiện tại càng phai nhạt, càng gắn bó với thực tại, càng lùi sâu vào quá khứ, càng thoát ra lại càng mắc kẹt. Cuộc sống càng trôi đi, ký ức càng hiện về mạnh mẽ và sống động.
Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh

Mưa – Điều đã dẫn Kiên trở lại với chiến trường, đồng đội, về với cuộc sống đã ngủ sâu, kết thúc trong chiến tranh.

Mở đầu tác phẩm là cơn mưa trong rừng sâu thuộc miền Cánh Bắc, nơi mà Kiên chằng xa lạ gì. Mưa mang đến những nỗi buồn, mưa mang đến ký ức, mưa đem Kiên trở lại những trầm tích nằm sâu dưới lớp đất sâu.
Đêm đó là đêm mưa nặng hạt, Kiên mắc võng nằm ngủ trên thùng một chiếc xe đi thu lượm hài cốt đồng đội cùng một người tài xế. Đây là điểm khởi nguồn của quá khứ được tái hiện, khởi nguồn của hiện tại bắt đầu trong quá khứ, của mọi ngõ ngách phức tạp trong tâm hồn Kiên. Cảnh tượng mắc võng nằm ngủ cạnh xác chết, trùm áo mưa – một sự giao tiếp ban đầu, mơ hồ với những điều đã nằm yên ngủ sâu.
Mưa mang trong mình từng hạt máu, từng linh hồn, từng tiếng gọi của đồng đội đã nằm lại nơi đây. Mưa vờn trên tán cây, mưa nhỏ xuống ca bin, nhỏ xuống những bọc hài cốt bên cạnh Kiên. Trong cơn mưa đó, lần đầu tiên trong tác phẩm Kiên đã quay lại với chiến trường xưa, quay trở lại trận đánh đẫm máu, tàn ác đã xóa sạch tiểu đoàn của Kiên. Một trận đánh mà toàn bộ phiên hiệu và những người tham chiến đều bị lãng quên rồi bỗng chốc sống dậy thật sinh động trong giấc mơ của Kiên đêm nay.
Đó là cảnh tượng tiểu đoàn của Kiên tháo chạy trên sườn dốc, quá nửa tiểu đoàn tan tác đã nằm gục xuống Truông Gọi Hồn. Những thân thể còn sống, rách rưới, nát tươm đang lê lết, tháo chạy trong làn đạn kẻ thù. Tiểu đoàn trưởng dí sát khẩu súng ngắn vào đầu mình, đúng giây phút hình dạng con người rời bỏ đồng chí tiểu đoàn trưởng đó, Kiên cũng trúng đạn kẻ thù và lăn mình xuống suối. Kiên ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi lịm đi, vết thương nhỏ máu, quyện với mồ hôi, nhớp nháp. Thần chết vờn quanh, trực sẵn để gọi Kiên theo rồi lại buông tha. Từ đó chẳng ai nhắc đến tiểu đoàn 27 của Kiên nữa mặc dù vô số hồn ma ra đời sau trận Truông Gọi Hồn đó, vẫn lảng vảng quanh bờ suối chưa chịu về chầu trời. Từng ký ức trong quá khứ hiện lại trong một giấc mơ dưới cơn mưa rừng nặng hạt.
Từng hình hài, từng hình dáng thân thương, có tên gọi bị làn đạn kẻ thù xé toạch, bẻ nát, làm biến dạng. Trận đánh kéo dài một thời gian, có người máu còn nóng hổi, có người thì hình dạng chỉ còn đọng lại thành chút bùn lỏng. Sau trận đánh là mưa, mưa xối xả, mưa vội vã như muốn xóa bỏ toàn bộ dất vết còn sót lại của trận đánh. Cơn mưa từ quá khứ được cảm nhận sâu sắc trong hiện thực, cơn mưa thấm vào tâm tưởng của Kiên, rửa sạch tâm tưởng để nhường chỗ cho sự đau thương len lỏi.
Tại nơi Kiên nằm ngủ đêm nay dưới cơn mưa rừng – Truông Gọi Hồn – Đúng như tên gọi của địa danh này, dường như sau một thời gian sau chiến tranh, cây cỏ vẫn chưa hoàn hồn để mọc lại trên nơi đây. Trong tiếng ú ớ mê sảng giữa cái nhập nhoạng sáng, anh lái xe gọi Kiên dậy và được chứng kiến trận đánh vừa rồi trong sự thổn thức. Rằng ở đây thương tâm lắm, nhìn thì vắng vẻ thế kia thôi chứ dưới đất thì chật ních người nằm rồi. Quân ta có, quân Mỹ có, quân Ngụy có, thi thoảng trong những đêm ngủ rừng, Kiên và anh lái xe vẫn bắt gặp những người dưới âm đó. Dưới đất kia chắc chưa biết rằng hòa bình lặp lại trên mặt đất, nhưng chắc dưới đó âm hồn cũng không còn đánh nhau nữa rồi.
Những đêm đi thu lượm hài cốt trên chiến trường xưa là mỗi đêm Kiên gặp lại đồng đội, gặp lại sự sống, gặp lại chính mình năm xưa. Cũng ngay trong đêm đó, Kiên gặp lại tiểu đội của mình còn nguyên vẹn, lành lặn. Những người rồi Kiên phải tận mắt chứng kiến thần chết gọi tên từng người, mang họ rời xa, lấy đi hình hài con người của họ. Những ký ức đầu tiên về tiểu đội, đẹp đẽ và thơ mộng, liền mạch và thương đau. Sự thảng thốt, mờ ảo, mơ hồ về cảnh tượng, về mùi hương, về đồng đội và cũng trong chính mùa mưa năm đó – mùa mưa đã kết thúc từ lâu nhưng còn đọng mãi trong tâm hồn Kiên.
Những cảnh tượng tại một con thác nằm sâu trong núi, nơi những Thịnh con, Thịnh lớn và chính Kiên đã chứng kiến cái đẹp bị giết hại, thương đau và tiếc nuối. Ba cô gái trong đội giao liên – Ba đồng đội của Kiên trong một thời gian đã nảy sinh tình cảm giữa thời chiến, giữa núi rừng hoang vu và cô quạnh. Rồi một toán thám báo ra tay sát hại ba người con gái nọ, cùng với đó là Thịnh con hy sinh trong khi giao chiến với toán thám báo. Đó là sự căm hận tột đỉnh, sự tiếc nuối xót xa, sự đấu tranh tận cùng trong việc có kết liễu toán thám báo hay không và rồi cuối cùng Kiên quyết định giao chúng cho cấp trên. Những mộ huyệt, những mồ chôn nơi đồng đội nằm lại, nơi cuộc sống nằm lại nhưng đâu đó, những mộ huyệt đó chôn chặt trong trính tâm trí Kiên.
Đến khi tiểu đội của Kiên chạm trán một điều kinh dị, có tính quả báo, thì từ đó những người tham gia vào sự kiện đó – một cách đau đớn và tàn bạo, rời bỏ những đồng đội trong trạng thái không chút lành lặn. Đó là việc tiểu đội của Kiên giết một người phụ nữ trong hình hài một con vượn trắng hếu, lông bạc phếch, lở loét sần sùi. Mặc dù đã cúng bái, chôn cất người phụ nữ đó đàng hoàng nhưng sự báo oán oan nghiệt là không tránh khỏi.
Cái chết tiếp theo mà Kiên chứng kiến, không bị hủy hoại bởi bom đạn hay kẻ thù, nhưng chính rừng thiêng nước độc đã nuốt trọn sự sống trong con người đó – một người đào ngũ là Can. Cái chết của Can, nhẹ nhàng nhưng nhục nhã, yên ả nhưng ám ảnh. Hốc mắt bị quạ, cá rỉa hết, trống hốc, mọc rêu xanh lè, da dẻ chốc hết, mục rữa bên bờ con suối. Một cái chết mà về sau cũng chẳng được ai nhắc đến, chẳng ai tưởng nhớ, một kiếp người nằm sâu dưới đất nhưng bị vùi lấp bởi sự ghẻ lạnh, khinh bỉ, coi thường. Và Can chết trong cơn mưa rừng ngày đó, lạnh lẽo và âm u.
Mùa mưa cũng chứng kiến chính Kiên nhiều lần tước đoạt, lấy đi mạng sống kẻ thù, những cách kết liễu đầy man rợ, đầy thương đau với chính Kiên. Để rồi đến khi cuộc sống mãi về sau, Kiên vẫn kiếm tìm lại những cái chết do mình gây ra, tìm kiếm sự an ủi, tha thứ bởi quá khứ. Đó là hình tượng một tay lính Mỹ bị thấu dao lòi ruột, rồi được úp lên thứ bầy nhầy đó một cái bát tạm bợ, sưt mẻ. Trong giây phút Kiên đi tìm đồ sơ cứu, người lính Mỹ kia có lẽ đã chết ngạt trong một hố bom đầy ắp nước mưa. Tâm trí Kiên giây phút đó cũng ngập nước và sự ân hận với người Lính kia, trong ánh mắt khẩn thiết van xin và hy vọng của anh lính Mỹ, rằng mình có cơ hội sống sót và ra khỏi mảnh đất này.
Hay như cách Kiên hình dung lại hình ảnh mình cầm cây AK xả cả một băng đạn vào tên lính Mỹ đang hoảng hồn, ú ớ. Hoặc như cách Kiên xả cả băng đạn vào một nữ cảnh sát Mỹ tại Tân Sơn Nhất trước ngày thống nhất, tiếng đạn AK ghim xuyến nền đá như đóng đinh vào tâm trí Kiên từ ngày đó.
Mùa mưa cũng chứng kiến những sự bình lặng, những lạc thú giữa chốn rừng núi Tây Nguyên, chứng kiến sự vui vẻ bình dị đậm chất lính. Trong làn mưa không ngớt, mùi hương hoa hồng ma lan tỏa ra từ các căn lều. Những hình ảnh, câu chuyện kỳ bí và khó tin cũng ra đời trong làn khói hoa hồng ma. Những tiếng lầm rầm cúng bái, cầu nguyện, mùi hương trầm quyện lẫn mùi hoa hồng ma, thoát ra từ các lều lính và mất dạng trong mùa mưa. Những ván bài, cỗ bài cuối cùng giữa Kiên và ba thành viên còn lại. Rằng nếu dở ván bài thì cả bốn cùng sống, những thỏa thuận của mỗi người về ai còn sống cuối cùng thì giữ cỗ bài. Hoặc những giây phút đùa giỡn tham lam rằng chỉ một người chết để cả ba còn sống và người nào chết sẽ được giữ cỗ bài đó. Cuối cùng cỗ bài đi theo Kiên, đánh bạc với cuộc đời, đánh bạc với đồng đội từ thế giới bên kia, đánh bạc với quá khứ từ chính hiện tại.
Mưa trong tác phẩm mang sự u ám, lặng lẽ, chứng nhân cho cái chết, nhứng nhân cho tuổi trẻ, sự hăng say, nhiệt huyết của Kiên cùng những đồng đội nằm lại nơi chiến trường.
The Sorrow of War - Nỗi buồn chiến tranh

Kiên và những người phụ nữ – Tình yêu, sự sống tuổi trẻ của Kiên trong quá khứ – Sự giao thoa, tiếc nuối trong chính hiện tại của Kiên.

PhươngCô gái Kiên yêu năm 17 tuổi, năm cả hai còn là học sinh, còn trên ghế nhà trường, năm mà chiến tranh còn ở rất xa với cuộc đời Kiên. Thời gian mà tình yêu, hy vọng tuổi trẻ, dự định cho tương lai còn choán hết tâm trí Kiên. Nhưng đó cũng chính là lúc Kiên nhận ra lý tưởng cao đẹp của cuộc đời mình đang hướng về chiến trường, mặt trận phía Nam.
Tình yêu, sự day dứt, đấu tranh, giằng xé, tiếc nuối nhưng đầy dứt khoát, quyết đoán xuất hiện trong tâm tưởng Kiên. Chiến tranh – cõi vĩ đại không nhà, không cửa, cuốn con người trai trẻ nhiệt huyết ấy vào, phá tan mọi thứ – rồi trả về một sản phẩm của chiến tranh khô héo, cộc cằn như chính hiện tại.
Phương năm đó – hồn nhiên và trong trắng, tin tưởng vào sự lựa chọn cao cả của Kiên, tin vào sự lựa chọn của chính mình. Như cha của Kiên từng nói về Phương, về số phận bạc bẽo của Phương, một cách ám chỉ rằng hai đứa sẽ không có tương lai hay số phận gì với nhau cả. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho Kiên quyết tâm lên đường tham gia vào mặt trận B3 lúc này đang rất ác liệt.
Kiên và Phương trong tác phẩm – luôn quấn quít, hòa quyện, gắn bó, luôn có sự liên kết, về cả mặt thời gian, không gian, tình cảm. Cho đến khi Kiên và Phương cùng đi trên một chuyến tàu để rồi chính Kiên chứng kiến cảnh Phương bị hãm hiếp. Sự kiện bất ngờ đó gần như thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa hai người. Sự xấu hổ, nhục nhã, tội lỗi, trách móc dẫn đến sự xa cách, cuộc chiến và không gian địa lý dần tạo ra sự cách trở của hai người.
Sau sự kiện ấy, mỗi đêm trằn trọc, khó ngủ, khi tiếng quạt trần trở thành tiếng động cơ máy bay, Kiên lại hình dung về những kỷ niệm nhẹ nhàng của mình với Phương. Cả trong cuộc chiến hay trong cuộc sống thì Phương vẫn là một sự đau đớn, một miền ký ức cay đắng và cũng là đẹp đẽ nhất. Trong suốt tác phẩm, giữa hai người luôn có một sợi dây liên kết vô hình. Trong thời bình thì hai người vẫn ở cùng hành lang trong khu tập thể. Phương chính là người đầu tiên mà Kiên gặp kể từ khi anh trở về từ cuộc chiến.
Trong suốt tác phẩm, Kiên còn gặp và có tình cảm với rất nhiều người phụ nữ khác. Những tiếp xúc về mặt cơ thể, xác thịt, những sự liên kết với phụ nữ – dù còn sống hay đã chết đều mang đến những cảm xúc khác lạ, đặc biệt, riêng nhất.
Đó là người phụ nữ mà Kiên đã đào hầm giúp năm Kiên 16 tuổi, một giây phút cảm tưởng như hai người đã có sự giao thoa về mặt thể xác.
Người phụ nữ Kiên gặp và ôm ấp suốt chuyến tàu trở ra Bắc khi kết thúc chiến tranh và tiếc nuối khi cô này xuống tàu ở Nam Định.
Cô gái hành nghề mại dâm bên hồ mà Kiên còn gặp lại tới vài lần về sau, trước khi đấm gục một dân anh chị ngay trước mặt cô gái.
Cô gái câm – người chứng kiến gần như toàn bộ sự ám ảnh, sự điên loạn, sự bế tắc, sự cùng cực của một người lính trở về từ chiến tranh. Người mà Kiên luôn cho phép bản thân hành hạ, luôn tìm đến khi say và giãi bày những ước vọng, những dự định trong cơn say. Cô cũng chứng kiến tập bản thảo Nỗi buồn chiến tranh của Kiên dày lên từng ngày. Chứng kiến cuộc sống hiện tại của Kiên ngày một lùi sâu vào quá khứ, chứng kiến cuộc chiến tranh ngày ngày tìm đến Kiên.
Hay như xác cô gái lõa lồ ở sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày giải phóng, nhiều lần Kiên thấy hình ảnh thi thể đó mặc dù nhiều lần đã xếp gọn vào một chỗ. Thậm chí Kiên đã lấy những mảnh vải quấn quanh thi thể đó, nhưng đến một lúc sau, bằng cách nào đó thi thể đó lại lõa lồ ngay trước mặt anh. Kiên cũng chứng kiến thi thể ấy bị quăng quật, liệng ra ngoài sân trước sự căm phẫn tột cùng. Từ thi thể đó mà Kiên được nghe thêm những chia sẻ của một anh lính tăng, rằng dưới xích xe còn vô số mảnh xương người, tóc dính vào đó. Chính Kiên cũng đã từng dùng xe tăng để nghiền nát kẻ thù ngay trước mắt mình, nghiền nát những sự nhân đạo cuối cùng còn sót lại trong tâm tính.
Những người phụ nữ từng xuất hiện trong suốt cuộc đời Kiên, đều giữ một vai trò khác nhau với những nét cảm xúc khác nhau cùng tồn tại trong nhân vật chính. Đó là tình yêu, là những xúc cảm đầu tiên, là đồng đội, là sự tiếc nuối, chia ly, là tội lỗi, là sự thương xót,… Tác giả xây dựng mỗi nhân vật riêng đó tạo cho Kiên những con đường, những cách thức khác nhau để quay lại quá khứ, để kiếm tìm trong ký ức sự dở dang cần hoàn thiện.
Tất cả họ, từng người một, tùy thời gian gắn bó dù ngắn hay dài, đều rời bỏ Kiên, rời bỏ thực tại bế tắc, quanh quẩn của anh. Sự rời bỏ để Kiên được sống với quá khứ, sống là chính mình, sống để kiếm tìm những điều chính anh đã lãng quên từ cuộc chiến.
Họ là cầu nối đưa Kiên trở lại chiến tranh, đưa Kiên trở về với sự vui vẻ, nhiệt huyết, đưa Kiên trở lại với lý tưởng cao đẹp khi lao vào cuộc chiến. Đưa Kiên trở lại cuộc sống mà anh đã trải qua và sống lại nó một lần nữa. Tại đó Kiên lại tìm thấy tình yêu, lại thấy thanh xuân và một lần nữa tràn trề sức sống.
Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh - Reviewsach.net

Diễn biến tâm lý, trạng thái cảm xúc cực kỳ phức tạp, đan xen lẫn lộn của Kiên song song với trình tự thời gian đảo lộn, quay ngược trong tác phẩm.

Kiên bước ra khỏi cuộc chiến, hòa bình nhưng trong tâm trí anh không hề có sự bình yên thanh thản. Những miền ký ức dọc theo dấu chân người lính, đảo lộn trong trí nhớ, lẫn lộn hòa vào không gian vô định, xa xăm vẫn không ngừng tìm đến Kiên. Giấc ngủ là nơi Kiên gặp lại cơn mưa rừng Cánh Bắc, nơi một lần nữa chiến trường B3 nuốt chửng mọi thứ. Nơi mà Truông Gọi Hồn, Ngọc Bơ Rẫy, những cánh rừng không tên vẫy gọi Kiên trở lại với đồng đội của anh.
Cuộc sống càng trôi đi, chiến tranh càng ở lại phía sau thì Kiên càng lún sâu vào chính cuộc chiến mà mình đã bước ra. Thực tại mới chính là cuộc chiến với Kiên, sự tẻ nhạt, khô khan của cuộc sống cùng những đêm quay ngược ký ức đang bòn rút từng chút một sinh lực của Kiên. Trong thực tại Kiên chỉ như một cái xác, tồn tại mòn mỏi, không rõ mục tiêu của cuộc đời. Còn trong quá khứ, Kiên được là chính mình, được sống và chiến đấu cùng các đồng đội đã trở nên bất tử. Được tìm thấy tình yêu và khát vọng thanh xuân trong đó, một cách rõ ràng và chắc chắn.
Sự ám ảnh tột cùng, sự đau đớn không nguôi, tiếc nuối không giới hạn với chính cuộc chiến mà toàn bộ dân tộc hướng về. Kiên là một phần của chiến tranh, cuộc chiến cũng là một phần không thể tách rời của Kiên.
Kiên sống song song, đồng thời trong hai cuộc sống: Thực và ảo, hiện tại và quá khứ, đan xen lẫn lộn không tách rời. Thực tại của Kiên mờ nhạt, không thể hòa nhập với mọi người. Thực tại gắn với khói thuốc, men say, sự ngột ngạt trong căn phòng khu tập thể. Quá khứ diễn ra trong chính thực tại, chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh tâm trí của Kiên.
Cho đến khi bắt tay vào viết tập bản thảo Nỗi buồn chiến tranh, Kiên mới nhận ra thiên mệnh của mình. Đó là vĩnh viễn lùi sâu vào cuộc chiến, tìm kiếm đồng đội, tìm kiếm những điều bị lãng quên, khiến cho cuộc chiến trở nên bất tử và không bao giờ kết thúc trong tâm tưởng.
Những đoàn tàu, những chuyến tàu đưa Kiên trở về hòa bình từ chiến trường, nhưng đêm đến lại đưa Kiên quay trở lại cuộc chiến, quay trở lại nơi Kiên đã bắt đầu. Cuộc sống không ngừng trôi đi theo vòng quay thời gian, còn định mệnh đã chỉ ra thời gian của Kiên sẽ quay ngược, sẽ tìm về quá khứ.
Mỗi lần trở lại với cuộc sống đã kết thúc, là một cảm xúc mới của Kiên, hoặc những cảm xúc, tâm tưởng đã nằm sâu dưới lớp bom đạn. Đó là Kiên với sự giận giữ, căm thù tột độ, là sự đau khổ khôn nguôi, là sự gan dạ khác thường,… Mỗi cảm xúc khác nhau gắn với một câu chuyện, con người khác nhau, hòa trộn vào tổng thể tạo nên nỗi buồn mà Kiên không thể quên.
Hình ảnh quê nhà nơi Kiên sống hồi nhỏ, hình ảnh một bệnh viện nhỏ trong chiều hoàng hôn Đà Lạt, hình ảnh khu tập thể, lán trại tiểu đội,… Mọi thứ xuất hiện đảo lộn theo trình tự thời gian, nhạt nhòa, buồn bã nhưng day dứt khôn nguôi.
The sorrow of war 2

Nỗi buồn chiến tranh – Nỗi buồn của người lính bước ra từ cuộc chiến

Tác phẩm là sự hoài niệm về chiến tranh, về những gì một người lính cảm nhận và ám ảnh, là giá trị của hòa bình ngày hôm nay. Là sự thể hiện, tái hiện những hy sinh, mất mát của dân tộc ta, của con người, của quê hương đất nước. Là lời nhắn nhủ, cảm ơn gửi tới những người làm công tác thu thập, tìm kiếm mộ liệt sĩ sau chiến tranh, những người từng là một phần của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đồng thời là sự lên án mạnh mẽ chiến tranh, sự tàn phá, hủy diệt không đếm xuể của cuộc chiến tranh tàn bạo, vô nhân tính.
Hình ảnh chết chóc, những nhân dạng không còn nguyên vẹn, những cái chết cực kỳ thảm khốc, dữ dội do bom đạn gây ra,… Sự tiếc thương vô hạn, đau đớn dành cho những người đã nằm xuống, những người còn nằm lại nơi chiến trường năm xưa. Cảm giác hoang mang, tiếc nuối, tuyệt vọng… với những câu hỏi về đời, về người, về lý tưởng sống mà có lẽ vĩnh viễn, dù con người có cố công tìm kiếm bằng cách nào, cũng không ra lời đáp.
Thông qua Kiên, tác giả gửi lời nhắn nhủ đến những người lính bước ra khỏi cuộc chiến cùng toàn thể dân tộc, đừng bao giờ quên đi những đau thương dân tộc ta đã trải qua.
Văn học Việt Nam là một phần của chiến tranh, nhưng trong Nỗi buồn chiến tranh, cuộc chiến trở thành một phần không thể thiếu của người lính. Cuộc chiến còn tồn tại, còn tiếp diễn mãi về sau!

No comments:

Post a Comment