Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 12 May 2020

HOÀI NIỆM GIÁO SƯ LÂM THANH LIÊM

 thầy Lâm Thanh Liêm

 GIÁO SƯ LÂM THANH LIÊM


Tôi cùng làm việc với GS Lâm thanh Liêm một thời gian dài trước 1975 và về sau này có sang thăm hai Ông Bà tại nhà ở Antony, có lần Gs dành cho cả ngày chở đi coi các thắng cảnh quanh Paris cho tới các lâu đài các vị vua nước Pháp. Lần gặp sau cùng khoảng 2015 tại Pháp, lúc đó Gs cũng đã yếu lắm. 
Bài viết của anh có nhiều chi tiết tôi không được biết, rất hay.
Tôi cũng học được nhiều bài học khi vào động viên khoá cuối quy tụ nhiều vị được hoãn dịch lâu dài trước đó, cũng có nhiều kinh nghiệm trong trại tù sau 1975, lúc này tôi có gặp GS Liêm bên kia hàng rào kẽm gai,( nhưng không được nói chuyện) rồi sau này trong chuyến vượt biên làm thuyền nhân. Chính những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời mới thấy được những vị anh hùng đáng kính. 
Một chi tiết về GS trong chuyến vượt biên lúc đó Gs làm việc tại Toà đô chánh cũ, khi đi GS có để lại trong hộc bàn một bức thư gởi cho Ông Kiệt. Về sau, GS kể là khi hay tin này Ông Kiệt đã gởi văn thơ cho các cơ quan biên phòng nói rằng, nếu có bắt được GS Liêm thì không được giữ mà phải đưa về cho ông. GS Liêm nói rằng ý của Ông Kiệt muốn giúp, nếu bị bắt thì tự ông cho thả ra, nhưng rất may là chuyến này được thoát và GS đoàn tụ với gia đình năm 1979. Sang Pháp GS vẫn cố gắng hoàn tất Tiến Sĩ Quốc Gia và làm việc về khoa học cho đến tuổi về hưu. Đó cũng là một gương sáng cho các đàn em trong ngành địa lý.

Tôi xin chuyển bài này cho bà Lâm Thanh Liêm, Gs Thái Công Tụng, GS Nguyễn Huy, Gs Phạm Cao Duơng và một số các vị khác. 

Thân ái

Đại

On Mon, May 11, 2020 at 3:51 PM Luu Pham <drluupham@yahoo.com> wrote:

Một Vài Cảm Nghĩ Về Vị Gs. Khả Kính Lâm Thanh Liêm
Giữa Một Thời Quê Hương Loạn Lạc

Tôi được biết Thầy Liêm khi Thầy dạy môn Địa Lý Kinh tế ở Trường Chính Trị Kinh Doanh năm 1965, nhưng vì trường CTKD lúc đó quá đông sinh viên, nên tôi không có dịp tiếp xúc với Thầy và mãi đến khi thầy dạy ở Chứng Chỉ Địa Lý Địa Phương ở trường Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Dalat  trong niên học 1967-1968, chỉ có 8 sinh viên theo học, nên tôi có nhiều dịp để gặp gỡ và trò chuyện với thầy. Tôi thấy thầy rất vui tính, cởi mỡ và tận tình chỉ dẫn sinh viên trong việc tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu thêm về các lãnh vực chuyên môn. Khi tôi làm Chủ Tịch của Nhóm Nghiên Cứu Sử địa Viện Đại Học Dalat, lúc đó Nhóm rất thiếu hụt tài Chánh, đến nổi không đủ tiền mua giấy để in bản tin Sử Địa hằng tháng. Thầy Liêm, và thầy Hoàng Ngọc Thành bên Ban Sử Học và đặc biệt là Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã hào phóng giúp đở tài chánh, để chúng tôi có thể tiếp tục công việc hoạt động của Nhóm.
Vào thập niên năm 1960, bên Ban Địa Lý của các Đại Học Miền Nam. các giáo sư người Việt, không kể giáo sư Người Pháp, nếu tôi không lầm, chỉ có Thầy Liêm là tốt nghiệp Tiến Sĩ, nên Thầy, ngoài Trưởng Ban Địa Lý của Trường Đại Học Văn Khoa và dạy ở Trường Đại Học Sư Pham của Viện Đại Học Saigòn, được nhiều Đại Học khác mời dạy, như Đại Học Huế, Đại Học Dalat,  Đại Học Cần Thơ và sau này có thêm Đại Học Vạn Hạnh, rồi Đại Học Minh Đức… Đến đầu năm 1974, thầy trở thành Tổng Thư Ký của Viện Đại Học Sài Gòn.
Nhưng điều làm tôi có ấn tượng sâu sắc về cá tính của Thầy, dù Thầy là người theo Tây học, nhưng lại có  khí phách của một vị thầy đúng nghĩa theo nho học, thầy đủ can đảm nói lên sự thật, dám trình bày quan điểm của mình một cách khách quan, vô tư và khoa hoc. Đây là trường hợp vào những năm 1964,1965 và 1966, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đỗ do  sự điều động của Hoa Kỳ. Các giới chức Mỹ hiểu rất rõ rằng dân chúng Việt Nam là một dân tộc trọng văn hóa, họ rất khó chấp nhận những tướng lãnh thiếu học thức, kém đạo đức, không uy tín, thiếu khả năng lãnh đạo, thiếu sự ủng hộ của giới trí thức và quảng đại quần chúng…như các tướng Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Mai hữu xuân, Trần Văn Đôn.. ở vào các chức vụ lãnh đạo quốc gia. Để giúp cho các vị Tướng bất tài này có thể duy trì quyền lực chính trị, Đại Sứ Lodge đã trực tiếp cố vấn cho các giới chức chính phủ Việt Nam phải dùng tiền bạc mua chuộc một số các nhà báo Việt Nam thiếu lương tâm viết bài xuyên tạc, vu khống, kết án chế độ Tổng Thống Diệm đủ mọi thứ tội trên đời, từ chính quyền độc tài, gia đình trị, đàn áp Phật giáo, thanh toán các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, tiêu diệt các chính đảng đối lập.. đến  tham nhũng, hối lộ, thối nát, bất lực, hẹp hòi, tàn ác, thiển cận, ngu dốt và còn nhiều điều tệ hại khác nữa.. trong những tác phẩm như Đảng Cần Lao, Chín Năm Máu Lữa Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm, Đệ Nhất Phu Nhân…
Hậu quả của tình trạng này là một số sinh viên mới lớn, không đủ hiểu biết về chính trị đã có một cái nhìn khá tiêu cực về Tổng Thống Diệm, nên một số sinh viên Văn Khoa Đại Học Sài Gòn khi vào lớp nghe thầy Liêm giảng về Chương Trình Cải Cách Ruộng Đất Và Người Cày Có Ruộng của dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có những thành công tốt đẹp.. khiến một số sinh viên đứng lên phản đối…Thầy Liêm đã điềm tỉnh trả lời họ, đây là những sự thật khách quan theo những nghiên cứu vô tư và khoa học.. Đó là quan điểm của tôi. nếu anh chấp nhận hay không, đó là quyền của anh. Anh cũng có quyền ngồi lại nghe hay bỏ ra khỏi lớp, cũng là quyền của anh…
Tôi rất kính nể và khâm phục thái độ yêu chuộng sư thật và dám trình bày quan điểm chính đáng và khoa học của thầy Liêm, bất chấp những cám dỗ vật chất hay những áp lực chính trị và phe nhóm diễn ra khá gay gắt  vào thời đó. Đây cũng là thái độ của thầy Hoàng Ngọc Thành bên Ban Sử Học mà tôi luôn ngưởng mộ và kính yêu.
Khi tôi nói có những cám dỗ vật chất và quyền lợi, là tôi muốn nói đến một số không ít các giáo sư đại học thời đó đã vì danh lợi, địa vị, tiền bạc, đã quên cả lương tri đạo đức cao quí của nhà giáo, chấp nhận bẻ cong ngòi bút của mình, viết  bài chỉ trích chế độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam một cách hoàn toàn  nghịch lý, thiếu chuyên môn, phản khoa học và thiếu sự liêm khiết trí thức… Đó là trường hợp của Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện Trưởng, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Gs. Lê Đình Chân, bên Đại Học Luật Khoa và Gs. Trương Bữu Lâm bên Đại Học Văn Khoa. và còn nhiều vị Giáo sư khác nữa… Điều này đã nói lên tinh thần đạo đức cao quí của một một nhà giáo chân chính và sự liêm khiết trí thức đáng ca ngợi của một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn như Thầy Lâm Thanh Liêm lúc bấy giờ.
Rồi đến 1975, sau khi cộng sản cưởng chiếm Sài Gòn, nếu tôi nhớ không lầm vào đầu năm 1978, trong một ngày đi thủy lợi ở Củ Chi. tôi đi công tác trong Đoàn Giáo Chức Đại Học  đến trưa tôi đi tìm một căn lều để nghỉ và ăn trưa, tình cờ gặp Thầy Liêm ở đây, lúc đó thầy đi trong Đoàn Cán Bộ của TP Hồ Chí Minh. Thầy trò gặp nhau vô cùng mừng rỡ và tâm sự nhiều điều. Tôi nói với Thầy các Cha bên Viện Đại Học Dalạt rất thất vọng và ân hận đã từ chối không di tản và chấp nhận ở lại Việt Nam, vì các cha cứ nghĩ rằng sau nhiều năm dài chiến tranh, đây là cơ hội tốt để cha mang kiến thức đã học được ở ngoại quốc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, để họ ra phục vụ quốc gia dân tộc trong thơi bình.. Nhưng bây giờ ở lại, không những chính quyền mới không cho các cha đi dạy học lại, mà còn theo dõi và tìm đủ cách để gây khó khăn …
Thầy Liêm có thái độ lạc quan hơn, thầy khuyên tôi nên nói với  các Cha cố gắng chấp nhận cuộc sống mới và thích nghi để sống… Nhưng khác với thầy Liêm; các Cha không được may mắn như thầy, Cha Nguyễn Hữu Toản, Phó Khoa Trưởng Khoa Học, vượt biên bị bắt và chết trong lao tù cộng sản, Cha Nguyễn Văn Đời, Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa học, vượt biên ở Cần Thơ lần đầu bị bắt, nhưng cũng may, Cha còn đủ dũng khí và mưu lược để vượt ngục thành công, Sau đó, thêm 3 lần vượt biên và bị bắt lại. Cuối cùng mãi đến tháng 12 năm 1981, Cha mới đến được đất Úc. Còn Cha Lê Văn Lý, Viện Trưởng may mắn hơn một chút. Cha có nhờ  Gs. Pham Huy Thông, bạn học với Cha Lý, khi còn ở Paris,  lúc đó là Viện Trưởng Viện Khảo Cổ Hoc của nhà cầm quyền Hànội. Gs Thông xin Thủ Tướng Phạm Văn Đồng cho Cha Lý xuất ngoại sang Pháp để chữa bệnh, rồi Cha được chính phủ Pháp cho phép ở lại luôn. Sau đó Cha xin sang định cự tại Hoa Kỳ.
Trở lại cậu chuyện Thầy Liêm, trong buổi nói chuyện này, Thầy cho biết Thấy làm việc trong UBND thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng về sau tôi biết được thầy lúc đó đang là Cố Vấn cho Bí Thư Thành Ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt. Trong chức vụ này, Thầy đã có can đảm phê bình thẳng thắn những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách Tập Thể Hóa Nông Nghiệp và Chế Độ Cải Tạo Công Thương Nghiệp của cộng sản đang áp dụng thời đó, đã đưa đến tình trạng phá sản toàn bộ nền kinh tế Việt Nam vào những năm 1977 đến 1984. Bí Thư Kiệt cũng là một người khôn ngoan, đủ cởi mở đễ nhận ra giá trị của những lời phê bình chê trách khá phũ phàng đối với chế độ. Sau đó, Ông cũng có đủ sáng suốt để triệu tập một số cán bộ cao cấp của chế độ đến nghe Thầy Liêm thuyết trình… Chính nhờ vậy mà sau này, khi trở thành Thủ Tướng, Ông Kiệt đã biết áp dụng những lời cố vấn của Thầy Liêm và Ts. Nguyễn Xuân Óanh, đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam trở nên khởi sắc về sau.
Chính phân tích, nhận định và phê bình một cách khoa học, sâu sắc và thẳng thắn này, đã làm cho Ông Kiệt rất nể trọng thầy Liêm. Nếu ai đã ở lại Sài Gòn sau năm 1975, đã phải làm việc với cộng sản, mới hiểu được một cách sâu xa những giá trị đạo đức cao quí và đầy lương thiện hiếm có này của Thầy Liêm. Thật vậy, sau năm 1975, rất nhiều nhà trí thức đã đánh mất tư cách của mình một cách tệ hại để nịnh bợ chế độ mới, nhưng cộng sản họ cũng đủ tinh quái để nhận biết tư cách thiếu lương thiện của những nhà trí thức này, để loại bỏ họ.
Tôi muốn kể một chuyện khá đau lòng, của những nhà trí thức Saigòn mà tôi đã ngưởng mộ và quí trọng một thời. Thật vậy, giữa năm 1976, tôi được mời đi, hay bị gọi đi  dự thì đúng hơn, một khóa học gọi là Nghiên Cứu Triết Học, Chính Tri Và Kinh Tế Mác-Lênin, trong đó có khoản 60 người gồm một số giáo sư đại học, các chuyên gia quản trị, kinh tế và các Tổng Bộ Trưởng Kinh Tế, Tài Chánh, Thương Mại của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đó. Trong đó, có Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, Gs. Vũ Quốc Thúc, Gs. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám Đốc Kế Koạch, Lưu Văn Tính, Tổng Trưởng Tài Chánh, Nguyễn Trung Trinh, Giám Đốc Điện Lực, Lâm Văn Sĩ, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Đầu tư và Phát triển,Gs. Phạm Hoàng Hộ, Cựu Tổng Trưởng Giáo Dục, Gs. Phan Thiện Giới, Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Thứ Trưởng Thương Mại Nguyễn Văn Diệp, Tổng Giám Đốc Hối Đoái Trương Như Bích (?),Phan Tấn Chức, Cựu Bộ Trưởng Giáo Dục, Ks. Dương Kích Nhưỡng, Bộ Trưởng Công Chánh, Ký giả Huỳnh Thành Vị, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Nguyễn Nghị thuộc Nguyệt San Đứng Dậy… và rất nhiều viên chức cao cấp khác của Bộ Tái Chánh, Kinh Tế, các Tổng Giám Đốc của các ngân Hàng, và Công Ty Công Kỹ Nghệ khác nữa…
Theo Anh Châu, thư ký riêng của Trung Tướng Đinh Đức Thiện cho biết danh sách mời chính thức lúc đầu, chỉ có khoản 60 người, nhưng sau có một số viên chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã về hưu từ lâu, nên không nằm trong diện phải đi tập trung học tập, nhưng bị phường khóm thường làm khó dễ, nên họ xin theo học khóa này. Từ đó, cuối cùng số học viên đã đến khoảng 150 người.
Khóa học này do Trung Tướng Đinh Đức Thiện lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Dầu Khí kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước của nhà cầm quyền Hà Nội tổ chức nhằm qui tụ các chuyên viên cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, học hỏi để thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Nhà Nước.. Rồi sau đó. sẽ sử dụng số chuyên gia này, nhằm giao thương với các quốc gia Hoa Kỳ và Tây Phương khác…
Trung Tướng Đinh Đức Thiện đã lấy tòa nhà chính của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ củ tại Sài Gòn trên đường Thống Nhất làm  trụ sở chính của Bộ Dầu Khí ở miền Nam... Ngoài ra, cộng sản đã lấy Goethe Institute, tức là Trung Tâm Văn Hóa Tây Đức, số 49, đường Hồng Thập Tự làm nơi giảng dạy cho các học viên. Chương trình Giảng dạy gồm 2 phần: Thuyết Giảng và Thảo Luận và  kéo dài hơn 1 năm.
Phần Thuyết Giảng gồm 8 tiếng mỗi ngày, Sáng từ 8 giờ đến 12 giờ trưa. Chiều từ 2giờ đến 6 giờ chiều.
Phần Hội luận 3 tiếng vào buổi tối, từ 8 giờ đến 11 giờ đêm.
Phần Giảng Thuyết gồm có 3 phần, Triết Học, Chính Trị Và Kinh Tế do các chuyên gia cao cấp của Hà Nội đảm trách, được phân định như sau:
 Phần Triết Học do Ts. Phạm Mạnh Cương, Viện Trưởng Viện Triết Học tại Hà Nội đảm trách.
Phần chính trị học do Đậu Ngọc Xuân, lúc đó là Bí Thư của Tổng Bí Thư Lê Duẫn phụ trách,
Phần kinh tế học do Ts. Trần Phương, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Học Hà Nội, kiêm nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Bộ Nội Thương giảng dạy.
Ngoài 3 vị giảng sư chính yếu này, còn có thêm các giảng viên cao cấp của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vào phụ trách phần thuyết giảng và hướng dẫn các buổi thảo luận vào buổi tối.
Phần Thảo luận: Chia làm 6 nhóm, mỗi Nhóm có từ 10 đến 12 người.
Nhóm của tôi gồm 11 người, trong đó có Gs. Phạm Hoàng Hộ, Cựu Tổng Trưởng Giáo Dục dưới chính quyền Dương Văn Minh, 1963; Luật sư Tiến sĩ Phan Tấn Chức, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục dưới thời Thủ Tướng Trần Văn Hương, năm 1964, Ô. Nguyễn Văn Diệp,Thứ Trưởng Thương Mại, Gs. Phan thiện Giới, không nhớ chức vụ của ông, Antôn Trang, Tổng Giám Đốc Công Ty Giấy COGIDO, còn có một học viên khác hơn tôi chừng 3 tuổi, anh đã tốt nghiệp Ph. D. về Hành chánh Công quyền tại Hoa Kỳ  và về nước làm việc tại của Bô Nội Vụ vào năm 1974, và còn 4 viên chức cao cấp khác  .. mà tôi không nhờ tên. Dĩ nhiên tôi không được phép biết đến các vị trong các nhóm khác.
Trong các buổi thảo luận vào ban tối, lúc đầu thường học tập về quyển Tư Bản Luận của K. Marx. Đây là một bộ sách đồ sộ hơn 20 quyển, rất khó hiểu, tôi nghĩ nó khó hiểu vì chính tác giả đã  viết một cách lượm thượm và tối nghĩa. vì đây, gần như chỉ là một bản thảo của K. Marx, chưa được chỉnh sữa. Phần khác, vì được dịch từ bản chính tiếng Đức sang tiếng Nga, rồi từ tiếng Nga sang tiếng Việt.. Mà người dịch không đủ trình độ về chuyên môn để hiểu các thuật ngữ về triết học, kinh tế và tài chánh …
Bộ Sách Tư Bản  Luận thời đó in rất đẹp, bìa dày, giấy  bóng tốt, được bán giá rất rẽ cho học viên. Dĩ nhiên, hội viên bắt buộc phải mua để tham gia hội luân. Lúc đó, tôi rất chán nản và làm biếng, chẳng muốn đọc gì cả. Và tôi cũng phải học kinh nghiệm của những giáo sư miền Bắc, du học từ Liên Sô về và cũng bất mãn với chế độ, dạy tôi rằng. Khi đi học tập nên chọn thái độ : thứ Nhất là Ngồi Lì, thứ Nhì Đồng Ý. Nghĩa là tốt nhất, là mình chỉ ngồi im lặng nghe người ta nói, thứ nhì, mới tới Đồng Ý, vì nếu nói đồng ý cũng có khi nguy hiểm. Vì cán bộ sẽ khỏi anh đồng ý điểm nào và xin mời Anh đứng dậy giải nghĩa cho mọi người nghe. Như vậy là mình đủ mệt rồi … Thường học tập như vậy, khoảng 1 tháng sẽ có một buổi thu hoạch trong nhóm nhỏ của mình và khoảng 4 đến 6 tháng thì có một buổi thu hoạch cho toàn thể học viên được tổ chức tại Giảng Đường Goethe. Tôi xin giải thích thêm, trong buổi thu hoạch, các học viện phải nói về những gì mình đã học hỏi được trong thời gian vừa qua. Tôi còn nhớ rất rõ trong một buổi thu hoạch nhóm, Giáo sư Phan Tấn Chức, Trưởng Nhóm của tôi, Giáo sư Chức phát biểu như sau:
Trong hơn Ba mươi năm, ngồi trên ghế nhà trường tư bản, tôi đã lãnh nhận được một số kiến thức hỗn độn vô giá trị.. Bây giờ, Đảng và Nhà Nước cho tôi dự Khóa Nghiên cứu này.. Đây là cơ hội vô cùng quí báu. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với hệ thống Triết Học, Kinh Tế và Chính Trị Mác-Lenin, một hệ thống tư tưởng vô cùng giá trị đang làm say mê và cuống hút gần 2/3 nhân loại… Gs còn nói rất nhiều điều nữa để ca tụng chế độ xã hội chủ nghĩa…
Tôi cảm thấy rất khó chịu về lời phát biểu này của Gs. Chức, vì thế, dù chưa tới phiên tôi phải nói về phần thu hoạch của mình. Tôi đưa tay xin phát biểu:
            Thưa thầy Chức, trong chế độ mới này, ai cũng gọi nhau bằng Anh. Nhưng trong thực tế, từ ngày bắt đầu khóa học này, tôi luôn gọi Anh là Thầy, vì tôi rất kính trọng Thầy vì thực ra Thầy là Thầy của Thầy tôi. Thực vậy, Thầy đã dạy Thầy Châu Tiến Khương mà thầy Khương dạy tôi môn Phát Triển kinh tế.. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa tôi luôn kính trong Thầy cho đến trước giờ phút Thầy phát biểu về phần thu hoạch của Thầy. Tôi vô cùng hổ thẹn và xấu hỗ khi nghe Thầy vừa nói. Thầy nói Thầy ngồi trong nhà trường tư bản lãnh nhận một số kiến thức hỗn độn vô giá trị.. thì làm sao Thành Ủy mời Thầy đi học tập khóa này, để hy vọng trong tương lai Thầy sẽ giúp Đảng trong việc giao thiệp với các quốc gia Tây Phương. Phải chăng đây là điều nghịch lý mà Thầy đã biết rõ nhưng thầy vẫn trình bày, để làm vừa lòng chế độ mới, mong được hưởng chút ơn mưa móc của Đảng và Nhà Nước. Cả hai thái độ trên đều không phải là thái độ của sự liêm khiết trí thức và lương tri của một người trí thức chân chính…
Sau khi phát biểu điều này, tôi tin chắc rằng, thế nào người cán bộ trưởng nhóm sẽ khiển trách tôi ngay trong buổi họp này, hay ít ra sau buổi họp sẽ yêu cầu tôi  ở lại sẽ góp ý riêng với tôi. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên, trước khi chia tay ra về, cán bộ trưởng nhóm vẫn chào tôi vui vẽ như lệ thường. Một sự kiện khác nữa làm cho tôi cũng như những thành viên trong nhóm hết sức ngỡ ngàng là trong buổi hội luận kế tiếp vào tối hôm sau, cán bộ trưởng nhóm tuyên bố bắt đầu từ tối nay, Anh Phạm Hoàng Hộ sẽ thay Anh Phan Tấn Chức làm trưởng nhóm chúng ta… Sau này, một người bạn cho tôi biết, vào năm 1987, nghĩa là sau khi mỡ cửa nền kinh tế, Gs. Chức xin làm Đại Lý Cty Nước Suối Vĩnh Hảo, chính quyền cộng sản cũng từ chối.
Một mối u buồn đè nặng trong tâm hồn tôi, khi thấy những nhà khoa học của miền Nam trước kia, đã phản bội đất nước, đã bất chấp cả đạo đức chức nghiệp, đã mù quáng đặt đảng tính lên trên  yếu tố khoa học.. Đó là trường hợp của Gs. Trần Kim Thạch, khi tôi tham dự một buổi hội thảo của các giáo chức đại học miền Nam. Một người chất vấn Gs. Thạch. Tại sao trước năm 1975 anh nói thềm lục địa Miền Nam không có trữ lượng Dầu Hỏa, Bây giờ, anh lại nói Việt Nam có trữ lượng dầu rất lớn? Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe ông trả lời, vì lúc đó, tôi làm cho chính quyền Sài Gòn nhưng thành ủy chỉ thị cho tôi phải nói như vậy. Tôi vô cùng đau lòng và hổ thẹn cho ông ta khi nghe ông trả lời sự gian dối đó. Thứ nhất thái độ phản bội lại chính quyền đã trả lương, biệt đãi và cưu mang ông và gia đình của ông được sốmg sung túc.. ông lại phản bội họ một cách trắng trợn như vậy. Đây chắc chắn không phải là sĩ khí, đạo đức,  lương tâm của một nhà trí thức đúng nghĩa của nó.  Thứ đến, một nhà khoa học mà không biết coi trọng khả năng chuyên môn của mình lại đặt yếu tố chính trị lên trên. Như vậy, chính mình đã tự đánh mất giá trị và uy tín của mình rồi.. Ai còn dám tin vào khả năng chuyên môn của ông ấy nữa. Không biết sau này chính quyền cộng sản sử dụng Gs. Trần Kim Thạch như thế nào? Nhưng ngay từ lúc đó, đối với tôi, nhà khoa học Trần Kim Thạch đã thực sự chết rồi.
Nếu giòng đời cứ bình thản trôi, có lẽ rất khó biết được ai là người tốt kẻ xấu, dù người đó thuộc giới trí thức hay bình dân. Nhưng qua những thăng trầm của lịch sử, những đảo lộn của tình thế hay những thay đổi nghiệt ngã của hoàn cảnh, lúc đó mới dễ nhận biết ai còn can đảm để giữ cái sĩ diện, khí phách của một trí thức chân chính. ai là người trí thức nhưng lại bán rẻ nhân cách của mình trước những cám dỗ của mồi phú quí và bã vinh hoa, chịu khom lung khuất phục trước cường quyền ngu dốt và bất nhân chỉ vì miếng cơm manh áo, như Đào Tiềm đã viết: Bất Năng Vị Ngũ Đấu Chiết Yêu, nghĩa là Đừng Vì Năm Đấu (Thóc) Mà Đành Khom Lưng.
Một khía cạnh khác của vấn đề sinh hoạt trí thức cuả miền Nam, nhà cầm quyền Hà Nội  luôn đặt yếu tố kinh tế lên trên yếu tố khoa học. Tôi còn nhớ vào cuối năm 1980, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của nhà cầm quyền Hà Nội vào thăm thành phố Hồ Chí Minh. UBND Sài Gòn đã tổ chức cho Thủ Tướng gặp khoảng 200 đại biểu của tất cả ngành nghề của thành phố tại Hội Trường Thống Nhất –  tên mới của Dinh Độc Lập củ. Lúc đó, Gs. Chu Phạm Ngoc Sơn đại biểu của Đại Học Khoa Học Sài Gòn, tôi đi với tư cách đại biểu công nhân của một Hợp Tác Xã Sài Gòn, Khi Gs. Sơn, thay mặt các giáo chức Đại Học Sài Gòn  lên trình bày nguyện vọng trước Thủ Tướng:
Kính thưa Thủ Tướng,
Con xin trình bày với Thủ Tướng một thực trạng nghiên cứu khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh, Con rất lấy làm tiếc phải nói rằng đó là tình trạng tụt hậu đáng lo ngại. Con xin kể cho Thủ Tướng nghe một sự kiện để Thủ Tướng thấy rõ được vấn đề, vào năm 1974, một đại học ở Paris, Pháp quốc có tặng cho Ban Vật Lý, Đại Học Khoa Học Sài Gòn một Máy Quang Phổ (?), nhưng sau đó không may, kính của Máy Quang Phổ, bị bễ nên không dùng được nữa. Trong năm vừa qua 1979, một phái đoàn của đại học Pháp đến thăm viếng Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, có đến thăm viếng Ban Vật Lý chúng con. Con có xin họ cho một kính mới, để thay cho máy quang phổ này. Họ hứa khi trở lại Pháp họ sẽ gửi cho.. Nhưng một thời gian sau, họ gửi thư cho biết, ở Pháp hiện nay, ông đã tìm khắp nơi không thấy kính này nữa. Máy quang phổ này đã lỗi thời rồi. Thế hệ kế tiếp của hệ thống quang phổ sau loại này, đại học của ông ta cũng không dùng nữa, mặc dù nó còn tốt . Vì đã có hệ thống mới tân tiến hơn… Do đó ông sẵn sàng gửi biếu loại này cho Đại Học Khoa Học Sài Gòn…
Con muốn trình bày như vậy, là muốn nói lên kiến thức về khoa học của chúng con quá lỗi thời so với thế giới bên ngoài. Do đó, xin Thủ Tướng cho phép chúng con được nhập cảng các tạp chí, chuyên san khoa học của Hoa Kỳ và Anh Pháp để chúng con có thể theo dõi những tiến bộ của khoa học thế giới…
Đó là những nguyện vọng hết sức nhỏ bé, hợp lý và hợp tình để cho các giáo sư và các nhà khoa học có thể tìm hiểu tiến trình phát triển của khoa học và kỹ thuật của nhân loại. Điều này vô cùng thực tiển và cần thiết. Nhưng tôi hết sức kinh ngạc… Sau khi nghe lời yêu cầu này, Thủ Tướng Đồng tỏ ra tức giận, đỏ mặt, gằn giọng và trả lời một các hết sức gay gắt:
Anh có biết rằng, trong tháng vừa qua, một giáo sư đại học Pháp vừa gặp tôi ở Hà Nội và nói rằng, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, sao lại có thể duy trì những ngành khoa học thuần lý như các anh. Những ngành khoa học này vừa tốn kém, không thực tiển và chẳng giúp ích gì cho việc phát triển quốc gia. Anh đã làm gì để cho cây lúa trỗ bông sớm hơn? Anh đã làm gì để tăng sản lượng thu hoạch lúa trong năm? Anh đã làm gì để giúp việc biến chế nông phẩm tiến bộ? Tại sao lúc nào cũng đòi hỏi. Anh muốn nhập cảng sách báo ngoại quốc? chính phủ đã có chính sách, anh cần ra bưu điện mà hỏi. Tại sao phải đặt vấn đề ở đây.
Lúc đó dưới hàng ghế cử tọa, tôi ngồi kế bên một vị giáo sư khoa học, tên Tân, học ở Liên Sô về, đang dạy ở Đại Học Thành Phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là Đại Biểu trong Quốc Hội cộng sản Hà Nội . Anh ghé vào tai tôi nói nhỏ. Gs. Sơn khờ quá, ngay cả bọn tôi đây, cũng không thể xin mua báo khoa học của Liên Sô nữa, Làm sao Gs. Sơn có thể đòi mua báo của các nước Tư Bản Tây Phương được. Đó là sự thực quá đau lòng cho những người làm công tác nghiên cứu dưới chế độ cộng sản.
Nhưng có lẽ thảm hại nhất là số phận của những người trí thức bất đồng chính kiến với chính quyền Hà Nội . Đó là trưởng hợp của nhà trí thức kiệt xuất nhất là Gs. Nguyễn Mạnh Tướng, người đã lấy liên tiếp 2 bằng Tiến Sĩ Luật Khoa và Tiến Sĩ Văn Chương với hạng tối ưu trong cùng một năm 1932, tại Đại Học Montpellier, Pháp quốc, lúc ông mới 23 tuổi…
Vào năm 1956, khi ông đang làm Giám đốc Đại Học Luật, kiêm Phó Giám đốc Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội  và được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội
Cũng trong thời gian đóTổng Bí Thư Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải cách ruộng đất..Đồng thời Đảng và Bác lại đưa ra Chính Sách Trăm Hoa Đua Nỡ cho phép các văn nghệ sĩ và trí thức gia tự do bày tỏ quan điểm góp ý với Đảng và chính quyền trong việc xây dựng đất nước. Nguyễn Mạnh Tường, nhà trí thức uyên bác, nhưng lại ngây thơ về chính trị, cứ tưởng rằng, Đảng thành thật nhận những khuyết điểm của mình, và mong đón nhận ý kiến sửa sai của giới chuyên môn, nên khi ông được mời đọc bản tham luận ông đã thẳng thắn phê bình Đảng với một bài nhận định: Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo… thì lúc đó ông mới nhận ra được bộ mặt nhơ nhuốc và xão quyệt của Đảng. Đó là chiếc bẫy mà Đảng giăng ra để lùa tất cả những văn nghệ sĩ và trí thức bất đồng chính kiến vào rọ.. Thật vậy, sau đó  nhà cầm quyền Hà Nội xếp Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vào thành phần chống đối chế độ, đã bị  bắt giam và đày ãi nhiều năm trong lao tù nghiệt ngã… Riêng Nguyễn Mạnh Tường bị đuổi khỏi Đại Học Luật Khoa và Sư Phạm và không cho hành nghề luật sư nữa. Sau đó, Đảng cho ông làm Chuyên Viên Nghiên Cứu Văn Học Nước Ngoài tại Bộ Giáo dục.. Cộng sản đã đẩy Cụ vào cảnh ngộ đau thương mà chính Cụ đã viết:
Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.
Chính quyền cộng sản đã dùng chính sách tem phiếu, hộ khẩu, cơm áo để bắt buộc giới trí thức phải khuất phục trước cường quyền bất nhân, man rợ và gian manh của chúng. Nhưng đã không bẻ gãy được ý chí kiên cường, khí phách cao quí của nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi.. Khác hẳn với thi sĩ Xuân Diệu đã không có đủ sức mạnh tinh thần đã phải tự giết nhân cách và sĩ diện của mình để mưu cầu một sự an thân và một chút cơm áo nhỏ mọn. Chính Xuân Diệu đã tự thú, nhiều khi ông phải cố gắng nặn ra những vần thơ ca tụng đảng để có thêm một, hai lát thịt heo cho buổi cơm chiều Đây có lẽ cũng là thái độ chung của những văn nghệ sĩ thời tiền chiến như Huy Cận, Lưu Trong Lư, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Hoài Chân, Hoài Thanh, Nguyễn Ngọc Phan.. bị kẹt lại Hà Nội sau 1954 …Có lẽ chúng ta nên thông cảm số phận nghiệt ngã của họ hơn là chỉ trích. Điều đáng lên án là chính sách bất nhân và man rợ của đảng cộng sản đã dùng nhu cầu cơm áo để không chế, điều động và đày đọa giới văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc.
Sỡ dĩ, tôi phải dài dòng về nhà trí thức Nguyễn Manh Tường, vì cuối năm 1981, tôi được Tòa Đại Sứ Liên Sô ở Việt Nam mời tôi đến Hà Nội để hỏi ý kiến về việc sản xuất đồ chơi trẻ em cho cuộc Triển Lãm về Năm Quốc Tế Thiếu Nhi sẽ được tổ chức tại Mạc Tư Khoa vào năm 1981.. Dĩ nhiên, tôi đi phải có một Cán bộ cộng sản Việt Nam đi theo để kiểm soát và hướng dẫn. Sau khi họp với Tham Vụ Thương Mại của Sứ Quán Liên Sô ở trụ sở của Bộ Ngoại Thương Hà Nội.
Ngày kế tiếp, tôi được hướng dẫn đi thăm chợ Đồng Xuân Hà Nội, khi ra trước chợ tôi muốn đứng lại chụp một hình lưu niệm… Bỗng người cán bộ hướng dẫn tôi, chỉ một cụ già tóc đã ngã màu muối tiêu, ốm và gầy yếu, mặc áo sơ mi trắng nhưng đã ngã màu ngà, chiếc quần đùi ngắn tới gối, tay cầm một bó rau muống, run rẫy, dưới gió lạnh cắt da của Hà Nội vào mùa đông… Người cán bộ ghé sát tai tôi và nói rất nhỏ: Đó là cụ Nguyễn Mạnh Tường, chắc anh đã nghe tiếng của cụ? Tim tôi quặng thắc lại, một nỗi đau xót đến tận cùng trái tim, làm lồng ngực tôi như muốn vỡ ra, tôi không thể chịu nỗi.. Một nhà trí thức kiệt xuất của Việt Nam, từ nhỏ không những ba má tôi, mỗi khi nhắc đến cụ đã biểu bộ một thái độ kính trọng tuyệt đối, còn riêng cá nhân tôi khi đọc tiểu sử của Cụ, tôi luôn dành cho Cụ một lòng kính phục và ngưỡng mộ sâu xa đối với một trí thức, đã không màn đến danh lợi, dám thách thức chính quyền thực dân Pháp và đã dám giữ tròn khí tiết và đạo đức của một người trí thức dám lên án chính sách sát nhân, man rợ trong đường lối sách cải cách ruộng đất của chính quyền cộng sản Hà Nội. Giờ người anh hùng hiện ra trước mắt tôi là một cụ già tiều tụy, đói nghèo, run lẫy mẫy dưới giá lạnh căm căm.. Tôi căm giận một chế độ hèn hạ, đốn mạc đã sử dụng miếng cơm, manh áo để cầm cố và hủy hoại cuộc đời và tương lai của một nhà trí thức xuất chúng của Việt Nam, mà không cần biết đến lợi ích lớn lao của gia sản trí thức quí hiếm của  quốc gia .. Tôi đã bước đi và định chạy đến để ôm chầm lấy Cụ bày tỏ lòng xúc cảm nồng thắm và niềm ngưỡng mộ sâu xa của tôi đối với nhân cách cao quí của cụ..Nhưng người cán bộ đã kịp chạy theo và giữ chặt tôi lại, rồi Anh ta nói với tôi:  xin Anh đừng đến gặp Cụ… Điều này không là gì cho cá nhân anh, nhưng thực sự là một rắc rối lớn cho cá nhân tôi
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy nhà trí thức tài ba và có nhân cách đầy quí trọng mà tôi hằng kính mến.
Thật quá não lòng và chua xót cho thân phận của người trí thức dưới chế độ bao cấp của cộng sản tại miền Bắc cũng như Miền Nam trước đây.
Trở lại với trường họp của Thầy Lâm Thanh Liêm, sau khi đã dông dài trình bày một cách chung về thái độ của những nhà trí thức của Việt Nam, trong một xã hội đảo lộn luân thường, đạo lý dưới chế độ cộng sản, để thấy được cái nhân cách cao quý NHÂN-TRÍ-DŨNG với phương châm sống “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” của một nhà giáo có lương tâm cao quí và một trí thức chân chính như Gs. Lâm Thanh Liêm, Gs. Nguyễn Mạnh Tường, Gs. Trần Đức Thảo và Nhà Văn Phan Khôi…Có lẽ Gs. Liêm có may mắn hơn, không bị trù dập như 3 nhà trí thức còn lại, vì khi cộng sản vào cưởng chiếm Sài Gòn. Kinh Đô của Miền Nam đã vượt xa các thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ, bỏ xa Tân Gia Ba, Vọng Các, Manila, Hán Thành và cả Đài Bắc nữa, Điều này làm cho họ thấy được sự ngu muội, đần độn của chủ thuyết lỗi thời Mác-lênin… nên họ biết tôn trọng ý tưởng và nhận định giá trị của giới trí thức miền Nam… Tuy vậy, cấp lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, khi chiếm được miền Nam vẫn mang trong đầu óc niềm hoang tưởng, họ đã thắng được đế quốc Mỹ, tên đế quốc sừng sỏ nhất của thế giới, nên họ đã lên giây kót tuyên bố với nữ ký giả Úc Blanche D’Alpuget, vào năm 1975, trong vòng 15 năm nữa Việt Nam là một Nhật Bản thứ 2 ở Á Châu. Nhưng thực tế, sự tàn bạo và ngu muội của giới cầm quyền Hà Nội đã lộ ra quá nhanh chóng và quá phũ phàng, chỉ trong vòng 5 năm ngắn ngủi (1975-1980), những nhà lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ loài người đã đưa một nền kinh tế dẫn đầu Đông Nam Á xuống hàng thứ 11 trong bản tổng kê những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới[1], còn thua cả Ai Lao. Chính vì vậy, mà đến năm 1990, Nữ Ký giả người Úc này trở lại Việt Nam và hỏi các nhà lãnh đạo Hà Nội, Bây giờ, kinh tế Việt Nam tiến đến đâu rồi? Họ lại muối mặt tuyến bố, 15 năm nữa Sài Gòn sẽ là một Vọng Các thứ hai. Dù có khoan dung và độ lượng đến thế nào đi nữa, nếu còn chút lòng yêu nước tối thiểu, chúng ta phải vô cùng chua xót nói rằng những nhà Lãnh đạo Hà Nội đã thực sự đắc tội với dân tộc, họ phải chịu trách nhiệm nặng nề về sự trì trệ nghiêm trọng trong việc canh tân đất nước. Thực vậy, nếu năm 1975, Sài Gòn đã vượt xa Vọng Các, mà đến bây giờ 45 năm trôi qua, thành phố Hồ Chí Minh còn lẹt đẹt theo đuôi Vọng Các[2]. Thật quá u buồn và đau xót..
Chính vì những sự việc trên đây, khiến tôi dành cho Thầy Cô Lâm Thanh Liêm một cảm tình quí mến đặc biệt và một sự kính trọng sâu xa, mà có lẽ thầy cô cũng không hay biết. Vì thế, trong Đại Hội Thu Nhân Thế Giới Úc Châu năm 2010, dù chuyến bay của Thầy và Cô Liêm đến phi trường quốc tế Tullamarine lúc 10giờ 15 PM. Lúc đó, tôi là Trưởng Ban Tổ Chức đang đón tiếp quan khách và anh chị Thụ Nhân trên khắp thế giới trong bửa tiệc Tiền Đại Hội, Dù dạ tiệc đang tiếp diễn, nhưng tôi quyết định phải đích thân đi đón Thầy Cô để bày tỏ lòng quí mến đặc biệt nhất mà tôi muốn dành cho Thầy Cô. Mặc dù, nhiều Anh chị trong Ban Tổ Chức can ngăn tôi không nên bỏ dỡ dạ tiệc, tình nguyện thay tôi đi  đón thầy cô và rất muốn tôi ở lại để nói lời cám ơn quan khách và anh chị Thụ Nhân khắp nơi… trước khi chia tay giã biệt. Tôi nhất quyết phải đích thân đi đón thầy cô ở phi trường và đưa thầy cô về khách sạn gần 12 giờ khuya.
 Mãi đến năm 2015, trong chuyến du hành Âu Châu, tôi email xin được mời thầy cô cùng Cha Mais, đi ăn tối ở một nhà hàng Việt Nam khi chúng tôi ghé Paris. Nhưng không may, vào tháng 6, khi tôi sắp đến kinh thành ánh sáng này, Cha Mais phải vảo bệnh viện. Tuy nhiên, Cô và Thầy Liêm lại dành cho chúng tôi một ưu ái, cho phép tôi và Thanh, bà xã tôi, được đến tư gia của Thầy Cô dùng cơm tối, cùng với một số Anh Chị Thụ Nhân khác. Điều làm tôi cảm động hơn hết là chính Thầy Liêm đã tự tay cuốn những cuốn Gỏi Cuốn cho bửa cơm thân mật tiếp đãi chúng tôi.
Rồi đến năm 2017, trong chuyến du hành đến Âu Châu kế tiếp, Trước hết, tôi ghé Paris 2 ngày vào giữa trung  tuần tháng 6, để gửi trả lại một số sách của Thầy Vũ Quốc Thúc cho Chị Thương, mà trước đây Chị đã gửi nhờ Thụ Nhân Úc Châu bán, nhưng còn lại không bán hết.. Khi rời kinh đô ánh sáng, tôi có điện thoại cho Cha Mais, nhờ Cha sắp xếp một buổi ăn tối gồm Cha Mais, Thầy Cô Liêm và chúng tôi.. tại một nhà Hàng Việt Nam ở Quận 13. Sau đó, tôi qua Lộ Đức, rồi qua Fatima, Bồ Đồ Nhà, rồi Berlin, Đức Quốc, Sau đó, tôi đến Amsterdam, Hoà Lan. Nhưng vì một nhầm lẫn của Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Cologne trong việc sắp xếp cuộc gặp mặt tại thành phố này, nên chúng tôi lại phải lấy xe hỏa tại Amsterdam trở lại Cologne, nên mất thêm một ngày. Sau đó vì chuyến xe bus tử Brussels đến Paris lại trễ thêm 4 tiếng đồng hồ nữa.. Trong thời gian này, Cha Mais lại không được khỏe nên Cha không thể sắp xếp bửa ăn tối cùng thầy Cô Liêm như dự định. Nên khi tôi về lại Paris giữa trung tuần tháng 7. Cũng chỉ được nói chuyện với Cha Mais qua điện thoại và không có dịp đến thăm Thầy Cô Liêm trong chuyến ghé thăm Châu Âu lần này. Bây giờ, nghĩ lại tôi cảm thấy quá buồn, vì  không ngờ, đây là lần nói chuyện cuối cùng giữa Cha và tôi. Thật vậy, chỉ mấy tháng sau, vào ngày 22. 11. 2017 Cha Mais đã vĩnh viễn ra đi.
Rồi đến năm 2019, chúng tôi trớ lai Âu Châu để kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức và Fatima như đã khấn nguyện, nếu còn đủ sức khỏe, chúng tôi sẽ đến đền tạ Mẹ 2 năm 1 lần vào những năm lẽ 2013, 2015, 2017…và đến thờ lạy Mẹ Maria Guadalupe ở Mexico trong những chuyến du hành Mỹ Châu vào những năm chẳn như 2014, 2016, 2018… Trong chuyến du hành này tôi cố gắng tìm găp và thăm hỏi những thân hữu cao niên một thời đã dành cho chúng tôi nhiều tình cảm quí báu, vì tôi ý thức những tháng ngày của họ trên cõi đời này, không còn nhiều nữa. Do đó, trước khi đi lần này, tôi đã email để xin mời Thầy Cô Liêm đi ăn cơm ở nhà Hàng Việt Nam nào đó. nhưng lại không may trong 2 ngày 11 & 12. 6. 2019, chúng tôi ghé Paris, lại là những ngày Thầy Liêm phải vào sống trong bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Thật ân hận không thể gặp được thầy, những cũng còn chút an ủi là Cô Liêm nhận lời ăn trưa với chúng tôi cùng Chị Thương, CTKD 1 và cháu Tùng… Điều vô cùng nuối tiếc là thường trong các chuyến du hành Âu Châu, tôi luôn sắp đặt chương trình ghé Paris trước tiên, sau đó đí các quốc gia khác của lục địa này, rồi trở lại Paris trước khi bay về lại Úc. Lần này thì lại làm lịch trình khác, sau khi ăn trưa với Cô Liêm, chúng tôi lấy xe lửa tốc hành đi Lộ Đức, sau đó bay qua Fatima, (Portugal), tiếp theo là bay qua Budapest,(Hungary) rồi Bratislava (Slovakia) cuối cùng là Prague (Zchech Republic), trước khi lên đường trở về Úc. Nên không thể gặp được thầy Liêm trong chuyến đi này.
Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng ít nhất cũng sẽ gặp lại Thầy trong chuyến du hành Âu Châu vào tháng 6 & 7 trong năm 2021. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn màng. Thầy đã lặng lẽ giã biệt mọi người vào ngày 11. 4. 2020
Tôi chỉ còn biết cầu mong cho thầy an bình, thanh thản ra đi và sớm được đón vào cỏi Thiên Đàng đầy hoan lạc.
Bây giờ hình ảnh Gs. Lâm Thanh Liêm chìm sâu trong tâm trí tôi với vóc dáng của một vị Thầy với những nhân cách cao quí, một nhà trí thức đầy khí tiết, cương trực đã lưu lại những công trình biên khảo giá trị, đầy tính cách khoa học cho mai hậu.
Xin vĩnh biệt Thầy trong nỗi đau sâu thẳm và niềm tiếc nuối khôn nguôi.
Ts. Phạm Văn Lưu
Melbourne 27. 4 .2020
.

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
                          
                       Giáo sư  LÂM THANH LIÊM
                            từ trần ngày 11 - 4 - 2020
                            tại Paris, Pháp quốc

Giáo sư Lâm Thanh Liêm tốt nghiệp đại học Sorbonne, Paris với các văn bằng:
    - Tiến sĩ Đệ tam cấp (docteur troisième cycle), đại học Sorbonne
    - Tiến sĩ Quốc gia (docteur d' état), đại học Sorbonne

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Lâm Thanh Liêm đảm nhận những chức vụ:
    - Tổng thư ký Viện Đại học Saigon
    - Trưởng ban Địa lý Đại học Văn khoa Saigon
    - Giảng sư môn Địa lý tại Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Saigon, các Viện đại học Huế, Đà lạt, Cần thơ, Vạn hạnh, Vạn hạnh, Minh đức, Cao đắng Quốc phòng.
    - Giáo sư bảo trợ của các sinh viên bậc cao học địa lý và tiến sĩ chuyên khoa địa lý Đại học Văn khoa Saigon.

Tại Pháp, giáo sư Lâm Thanh Liêm đảm nhận các chức vụ:
    -  Giảng sư Đại học sorbonne IV
    -  Chuyên gia khảo cứu của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp (CNRS)

Giáo sư Lâm Thanh Liêm là vị thầy:
    - Tận tâm với học trò
    - Hết lòng với nền giáo dục
    - Đầy lòng nhân ái và rộng lượng với học trò
    - Hăng say trong việc phát triển môn địa lý tại Việt Nam

Học trò của Thầy tại các Viện Đại học Việt Nam
Người viết:  Trần Thế Đức
                (ĐHSP SG, Ban Sừ Địa, Khóa 7)

No comments:

Post a Comment