Mừng 15-5 ngày áo dài Việt Nam California, nghe tà áo dài quê hương
Trần Củng Sơn (Danlambao) - Mùa hè năm 1979 tại thành phố Vancouver Canada có ngày lễ hội văn hóa dành cho các sắc tộc và cộng đồng Việt Nam lúc đó tuy không nhiều nhưng cũng có tham dự. Một chị từng là sinh viên du học Nhật Bản và sau biến cố 1975 thì định cư Canada- chị mặc chiếc áo dài và dân Canada ngạc nhiên thích thú. Có người tò mò hỏi trang phục đó là của dân tộc nào thì được cho biết đó là áo dài Việt Nam.
Sau này, những người vượt biển tạo nên một cộng đồng Việt Nam vững chắc
khắp thế giới thì chiếc áo dài được phổ biến khắp nơi; đặc biệt trong
các ngày lễ hội truyền thống như Tết Âm Lịch, các buổi văn nghệ, các
buổi sinh hoạt cộng đồng, đi lễ Chùa, đi lễ Nhà Thờ…
Lịch sử chiếc áo dài Việt Nam có hàng trăm năm, thay đổi dáng kiểu qua
nhiều thời kỳ và gần nhất là kiểu áo của họa sĩ Le Mur Cát Tường và họa
sĩ Lê Phổ vào khoảng thập niên 1930 và được ưa chuộng nhất cho tới ngày
nay. Mặc áo dài cần phải có thân hình thon thả thì mới đẹp. Thời Việt
Nam Cộng Hòa 1954- 1975 thì nữ sinh các trường trung học công lập mặc áo
dài đi học. Đây là nét đặc biệt của xã hội Miền Nam Tự Do thời đó.
Sau khi Sài Gòn thất thủ vào cuối tháng Tư 1975 thì hàng triệu người bỏ
nước ra đi tìm tự do và định cư tại nhiều nước trên thế giới. Họ mang
theo kỷ niệm, mang theo văn hóa và trong đó có chiếc áo dài Việt Nam.
Khí hậu Việt Nam nóng nên chiếc áo dài mỏng manh thích hợp nhưng ở xứ
trời Tây lạnh lẽo thì mặc áo dài là một điều khó khăn. Thường ngày Tết
Âm Lịch vào cuối tháng một và đầu tháng hai Dương Lịch, trời rất lạnh
nhưng vẫn xuất hiện những tà áo dài ở các buổi sinh hoạt, các chùa, các
nhà thờ. Vì thiếu tà áo dài trong các buổi sinh hoạt đó thì có vẻ không
phải là Việt Nam?
Hình ảnh vài chiếc áo dài thướt tha bay trên đường phố xứ người thật thơ
mộng và ấm áp quê hương. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã cảm hứng viết nên ca
khúc Tà Áo Dài Quê Hương, điệu Swing nhún nhẩy, lời ca như sau :
“Chiều nay lang thang nơi xứ xa, chợt hồn mênh mang nhớ nhung quê
nhà. Một mái tóc buông dài, một tiếng nói quen thuộc, một tà áo thân
thương. Này người thiếu nữ xa xứ ơi, tình yêu quê hương thiết tha không
nhòa, vì chiếc áo em mặc, là hình nét tuyệt vời, tà áo dài quê hương.
Áo dài bay bay thướt tha, tà áo trắng trinh nguyên sân trường học
trò. Tà áo tím thủy chung hoa sim đồi mơ, áo xanh yêu kiều dáng em, hồng
tươi khoe sắc tình yêu đôi mươi đắm say.
Áo vàng kiêu sa hoa cúc xinh, nhuộm ánh nắng lung linh yêu đời ngày
vui. Và mùa xuân nở tươi thắm muôn ngàn hoa. Gió bay trong chiều áo em,
từ xa mang tới bầu trời quê hương.”
Tiếng hát Tuấn Ngọc diễn tả cùng nhạc đệm phong cách Jazz của các nhạc
sĩ Hoa Kỳ tạo nét riêng cho bài hát Tà Áo Dài Quê Hương trong CD Chiều
San Francisco, Trần Chí Phúc phát hành năm 1995.
Tháng 5 năm 2016, Thượng Viện California đã thông qua dự luật SB 73 công
nhận ngày 15-5 hàng năm là Ngày Áo Dài Việt Nam. Đây là kết quả của sự
kết hợp vận động của nữ luật sư Jenny Đỗ cùng Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang
Janet Nguyễn.
Năm 2019, tại một buổi trình diễn thời trang ở Trung Cộng, có người mẫu
mặc những chiếc áo dài Việt Nam nhưng lại được giới thiệu là của Tàu.
Điều này nói lên nguy cơ trong tương lai có thể bản quyền áo dài Việt
Nam sẽ lọt vào tay đế quốc Phương Bắc. Nữ luật sư Jenny Đỗ nói rằng điều
mà cộng đồng Việt Nam có thể làm được là vận động Quốc Hội Hoa Kỳ công
nhận Áo Dài Việt Nam là nét văn hóa của Việt Nam giống như Thượng Viện
tiểu bang California đã làm.
Kỷ niệm Ngày Áo Dài Việt Nam tại California 15-5, nhạc sĩ Trần Chí Phúc
thực hiện Music Video kết hợp ca khúc Tà Áo Dài Quê Hương với các hình
áo dài do tác giả tự chụp trong các buổi diễn hành Tết và Hội Chợ Sinh
Viên Quận Cam cùng những hình áo dài của các thân hữu gởi tặng để đưa
lên Youtube làm kỷ niệm mà ca ngợi tà áo dài quê hương.
Ngoài tiếng hát Tuấn Ngọc thu âm trong CD Chiều San Francisco, tác giả
còn tốn chi phí để nhờ thực hiện bài hát Tà Áo Dài Quê Hương quay cảnh
ca sĩ Trà My hát tại Bưu Điện Sài Gòn năm 2016.
Mời quí vị vào Youtube gõ chữ Trần Chí Phúc Tà Áo Dài Quê Hương hoặc bấm vào:
16/05/2020
No comments:
Post a Comment