“Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC”
Cùng với ăn, mặc là nhu cầu thiết thân , quan hệ tới sự sống còn của con người. Đồng thời, cách ăn và cách mặc cũng bộc lộ rõ nhất từ thói quen, tính cách tới phẩm cách của mỗi cá nhân. Cho nên, cha ông xưa đã có nhiều câu răn dạy, và mỗi đứa trẻ, ngay từ khi còn nhỏ đã luôn được nhắc nhở, bảo ban “đường ăn ý ở” trong đó rất quan trọng là cách ăn và mặc. Xin nói về chuyện mặc.
Ban đầu, quần áo có tác dụng bảo vệ cơ thể, nhưng sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội, quần áo nói riêng và trang phục nói chung còn có tác dụng làm đẹp. Từ vỏ cây, da thú, … người ta đã biết làm nên lụa là, gấm vóc để làm đẹp cho con người. Nhưng mặc quần áo, sử dụng trang phục cũng là một biểu hiện văn hóa. Xã hội càng tiến bộ, con người càng văn minh, việc ăn mặc càng không thể tùy tiện. Người xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”. Trong Từ điển thành ngữ tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Lân giải nghĩa là “ăn mặc tương xứng với địa vị xã hội”, khi anh có một trình độ học vấn, nhận thức nhất định, có một vị trí nhất định trong xã hội, anh sẽ phải có trang phục, hành vi ứng xử tương xứng và sự tương xứng này thể hiện sự thống nhất hài hòa giữa hình thức và nội dung. Nhìn vào cách ăn mặc, người ta dễ dàng đánh giá được nhiều mặt về con người ấy trong đó phần quan trọng là tư cách, phẩm giá. Cho nên qua những truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, … ta thấy những ông “giáo khổ trường tư” dù mức thu nhập rất hạn chế trong cuộc sống mỏi mòn nhưng mỗi khi ra đường đều phải chú ý ăn mặc sao cho “tươm tất”. Áo quần dù đã cũ cũng được là phẳng phiu, những chỗ sờn rách cũng được vá, mạng khéo léo để che khuất. Cốt cách của một ông giáo, của người được lũ trẻ và cha mẹ chúng gọi là “thầy” khiến họ không thể tùy tiện trong cách ăn mặc. Điều ấy nhiều người đã hiểu, xin không bàn thêm.
Nhưng trong lời dạy đó, còn bao hàm một ý nghĩa mà tôi nghĩ là quan trọng. Nó bao hàm ý thức khiêm nhường của người tử tế, có giáo dục. Chữ “khiêm” không chỉ thể hiện trong sự khiêm tốn, không khoe khoang, tự vỗ ngực về tài năng, đức độ mà còn thể hiện trong cách ăn mặc. Bộ quần áo mang trên người, cái mũ đội đầu, đôi giày, dép mang dưới chân sao cũng không được vượt quá cái “đức” của mình. Đức tính khiêm nhường trong tự đánh giá đồng thời cũng biểu hiện qua cách ăn mặc. Cho nên, những người tử tế xưa, dù có bằng cấp cao, chức quyền lớn cũng thường có cách phục sức giản dị. Giản dị để không vượt qua cái “đức” (được tự đánh giá rất khiêm nhường) mình đang có; giản dị để không nổi trội, gây sự chú ý giữa đám đông, không khác người. Trong chính kiến, quan niệm, họ có cốt cách riêng, không dễ dàng đồng nhất với số đông, không a dua bầy đàn, nhưng trong cách giao tiếp, họ sẵn sàng hòa mình cùng mọi người. Cho nên người xưa mới nói họ “hòa mà không đồng”.
Một nghĩa nữa của hai chữ “y phục” cũng cần hiểu là những danh hiệu, tên gọi. Các trí thức Tây học trước đây hầu hết đều bắt đầu bằng học chữ Nho chắc chắn thấu hiểu lời dạy này, đồng thời, họ cũng luôn nhớ một câu ngạn ngữ của người phương Tây “thùng rỗng kêu to”. Và với đức khiêm nhường luôn thường trực, người tử tế không bao giờ muốn được đánh giá cao để ngồi vào những chỗ giàu bổng lộc, không muốn ồn ào, ầm ĩ trong các loại danh xưng. Nghĩ mới thấy trơ trẽn khi có những kẻ đã “gần đất xa trời” mà vẫn cố níu giữ quyền chức cho bản thân; thật thảm hại cho những kẻ mưu cầu đủ cách để mang chức trọng quyền cao cho những đứa con còn mới chập chững vào đời; thật trơ tráo cho những kẻ dám khai quật cả tên tuổi của cha mẹ đã mồ yên mả đẹp từ lâu để giành mấy cái danh hiệu rỗng tuếch, cái huân chương hão huyền.
May mắn trong cuộc sống hiện nay, ta vẫn còn được thấy người tài cao học rộng nhưng vì nhiều lý do khác nhau từ chối chức trọng quyền cao, người đã lập được công trạng không nhỏ ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn từ chối sự tôn vinh ầm ĩ.
Thế là trên cái đà suy thoái đạo đức, cái mầm “thiện”, cái sự tử tế vẫn chưa thui chột.
Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC
“Y phục xứng kỳ đức” có nghĩa là mình phải ăn mặc sao cho thích hợp với
nơi chốn, với công việc và môi trường mình đến. Khái niệm chọn lựa
trang phục là để chuyển tải thông điệp của bản thân mình: tôi là ai?
Công việc của tôi là gì? Môi trường tôi sắp đến gồm những ai? Như vậy,
việc chọn lựa y phục cũng rất quan trọng, và nên có sự hiểu biết về nó,
vì nó nói lên trình độ văn hóa của người
đó. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu: “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma
mặc áo giấy”. Chúng ta sẽ không mặc những bộ đồ công nhân để đến dự đám
cưới, cũng chẳng ai mặc những bộ váy kiêu sa vào trong nhà máy để làm
việc, càng không thể mang trang phục thể thao vào những hội nghị…nhưng
đã là đi với bụt, làm chi thì làm, ấy hẵng là chiếc cà sa. Không phải vì
ta mà vì bụt và bụt là đối tượng của ta, đáng được cân nhắc lắm!
Ai trong chúng ta nếu khi đi đám tiệc hoặc nhà hàng, chúng ta cũng phải lo chuẩn bị trang phục cho sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự, đứng đắn, đoan trang và kín đáo. Không những chúng ta làm đẹp cho mình, mà cho phù hợp với mọi người tham dự với mình, và nhất là tôn trọng người khách mời mình.
Trong Mùa Hè này, tôi cũng đã chia sẻ và kêu gọi, quý ông bà và anh chị em về y phục khi đến nơi thờ phượng. Nhưng có một số người sợ làm buồn lòng con cái, quan khách hay bạn hữu khi không nhắc nhở về việc ăn mặc của họ: như cho con cái mặc áo thun, quần bò (jean), quần cụt, váy ngắn, áo quần lao động và đi dép lẹp kẹp. Chúng ta là chủ nhà và là người lớn, tại sao lại để những người ngoài dạy chúng ta phải làm gì trong nhà mình. Hơn nữa, với con cái, chính chúng ta cũng phải dạy con bằng cách làm gương sáng để con bắt chước theo.
Ai trong chúng ta nếu khi đi đám tiệc hoặc nhà hàng, chúng ta cũng phải lo chuẩn bị trang phục cho sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự, đứng đắn, đoan trang và kín đáo. Không những chúng ta làm đẹp cho mình, mà cho phù hợp với mọi người tham dự với mình, và nhất là tôn trọng người khách mời mình.
Trong Mùa Hè này, tôi cũng đã chia sẻ và kêu gọi, quý ông bà và anh chị em về y phục khi đến nơi thờ phượng. Nhưng có một số người sợ làm buồn lòng con cái, quan khách hay bạn hữu khi không nhắc nhở về việc ăn mặc của họ: như cho con cái mặc áo thun, quần bò (jean), quần cụt, váy ngắn, áo quần lao động và đi dép lẹp kẹp. Chúng ta là chủ nhà và là người lớn, tại sao lại để những người ngoài dạy chúng ta phải làm gì trong nhà mình. Hơn nữa, với con cái, chính chúng ta cũng phải dạy con bằng cách làm gương sáng để con bắt chước theo.
No comments:
Post a Comment