Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 4 May 2020

Câu hỏi về khả năng đối phó của Việt Nam trước dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông

Hình minh hoạ. Tàu ngầm hạt nhân 094A Jin của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018
Hình minh hoạ. Tàu ngầm hạt nhân 094A Jin của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018
Reuters
Mới đây, chính quyền Bắc Kinh lại tiếp tục đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông. Lệnh cấm đơn phương này Trung Quốc đã tuyên bố từ năm 1999. Tuy nhiên, mãi tới năm 2007 trở về sau, Trung Quốc mới có thể sử dụng các lực lượng chấp pháp của mình “thực thi” lệnh cấm này. Và kể từ khi đó trở đi, cứ đến độ tháng 5 hàng năm, khi biển êm, cũng là mùa đánh bắt của ngư dân Việt Nam, thì lại tái diễn cảnh các tàu Hải cảnh, Kiểm ngư của Trung Quốc đâm chìm và bắt giữ các tàu cá của ngư dân Việt Nam. Những năm trước 2017, lệnh cấm đơn phương này Trung Quốc cho áp dụng từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 8. Từ năm 2017 trở đi, Trung Quốc tuyên bố áp dụng “lệnh cấm” này từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8.
Năm nay, sau nhiều sự kiện dồn dập, từ đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ngày 2/4, đến gửi Công hàm đe doạ Việt Nam ngày 17/4, ngày 18/4 thành lập chính quyền “khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa”, ngày 19/4 tuyên bố đặt tên địa danh cho 25 đảo đá và đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển Đông.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, với các hành động này, Trung Quốc cho thấy sự leo thang trong việc thực hiện bằng được dã tâm độc chiếm biển Đông, bất cứ dưới thủ đoạn gì.
Hình minh hoạ. Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014
Hình minh hoạ. Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014 Reuters
Về phía Việt Nam, ngoài việc lên tiếng phản đối từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, vẫn chưa thấy có hành động nào quyết liệt để đối phó các hành động leo thang này của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc thống nhất đặt tên cho các thực thể cũng thể hiện phần nào hoạt động chủ quyền đối với các thực thể này. Tại khu vực biển Đông có 4 nhóm thực thể lớn, đó là Hoàng Sa, Trường Sa, Pratas và Macclefield. Trong số đó, Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình đối với hai nhóm thực thể là Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì vậy, nhiều năm trước, đã có ý kiến kêu gọi chính phủ Việt Nam tập hợp và thống nhất tên gọi cho các thực thể này thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong một Công văn của Bộ Nội vụ Việt Nam ngày 18/6/2007, đã thể hiện việc một số cơ quan Việt Nam đã dự kiến “thực hiện các Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam”. Đề án này bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc năm 2007. Kết thúc Đề án này, Bộ trưởng Bộ nội vụ Việt Nam đã đề nghị “ban hành Nghị định về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam phục vụ công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”.
Năm 2015, một chuyên gia cũng đã đề nghị sớm công khai địa danh đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, là giữa năm 2020, tức là sau khi Đề án kết thúc 13 năm, vẫn chưa thấy bóng dáng Nghị định của Chính phủ Việt Nam ban hành để thống nhất tên gọi cho các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông ở đâu?
Từ sự kiện này đặt ra một câu hỏi về năng lực của Chính phủ Việt Nam cũng như các chiến lược để đối phó lại dã tâm và hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông như thế nào?
Một sự kiện cũng liên quan là ngày 3/5/2020, Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông báo việc đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng ông Nguyễn Văn Hiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam. Việc khai trừ Đảng này, sẽ là bước quan trọng để tiến hành các bước tố tụng tiếp theo, cụ thể là truy tố hình sự. Mặc dù trong các thông báo chính thức của nhà nước Việt Nam thì khẳng định rằng ông Hiến đã sai phạm trong việc làm thất thoát đất quốc phòng dưới quyền quản lý của ông. Tuy nhiên, dư luận Việt Nam đồn đoán rằng, với những sai phạm về đất đai như vậy (vốn rất phổ biến ở Việt Nam) thì khó dẫn đến việc ông Hiến sẽ bị truy tố hình sự như vậy. Mà khả năng là ông Hiến liên quan tới sai phạm trong những sự việc lớn hơn rất nhiều, đó là mua sắm các vũ khí quốc phòng cho Hải quân Việt Nam. Những tin đồn này, khó bao giờ có thể kiểm chứng được, do việc gần như không có sự minh bạch các loại thông tin như vậy ở Việt Nam. Và các thông tin đưa ra công khai với công chúng, bao giờ cũng đã bị “sửa đổi, nắn bóp” bởi các cơ quan tuyên giáo.
Mới đây, trong phát biểu của tướng Nguyễn Chí Vịnh về tình hình biển Đông, mặc dù tướng Vịnh có lên án một quốc gia nào đó nhân dịp dịch COVID - 19 để thực hiện tham vọng, nhưng tướng Vịnh cũng né tránh khi nhắc đến tên Trung Quốc và vấn đề biển Đông. Thêm nữa, tướng Vịnh còn hạ thấp nguy cơ trên biển Đông thành thách thức. Điều đó đã có người quan sát cho là đó là các tín hiệu cho thấy các lãnh đạo Việt Nam chưa đặt vấn đề biển Đông vào đúng tầm quan trọng của nó. Điều đó cũng được chứng minh thêm với việc trong suốt năm 2019, khi tàu Trung Quốc hơn 100 ngày “đan áo” xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đe doạ việc khai thác trên mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, nhưng không thấy các lãnh đạo cao cấp Việt Nam lên tiếng về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong thời gian đó đang thăm Trung Quốc, không hề thể hiện một dấu hiệu bất bình nào. Ông Nguyễn Thiện Nhân còn phát biểu “chúng ta không thể quay lưng được với Trung Quốc”.
Gần đây, mỗi lần người dân thắc mắc về chuyện biển đảo cũng như chủ quyền biển đảo của đất nước, của dân tộc thì đều luôn nhận được câu trả lời như một công thức có sẵn là: “bà con yên tâm. Tất cả mọi việc Đảng và Nhà nước biết hết cả rồi và cũng có phương án cả rồi”.
Tuy nhiên, xâu chuỗi các sự kiện trên, chúng ta có thể nhận thấy, hoặc là năng lực thực hiện của Chính phủ Việt Nam rất hạn chế, hơn 13 năm mà không ra nổi một văn bản thuộc thẩm quyền của mình, hoặc là cơ quan cấp trên của Chính phủ là Bộ Chính Trị không quyết tâm, vì bản thân các thành viên của Bộ Chính Trị thể hiện cho thấy sự thiếu quyết tâm trong việc đối phó với Trung Quốc, hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề biển Đông trong mối quan hệ với Trung Quốc. Chưa kể, sự tham nhũng đe doạ tới cả những vấn đề trọng yếu nhất của đất nước như vấn đề quốc phòng với những nhân vật cao cấp trong quân đội đang từ từ “vô lò”.
Trong một chi tiết mới đây được nhắc lại từ nhân vật tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn thông qua tác phẩm “Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên hoàn hảo” của tác giả Larry Berman có nhắc tới một chi tiết quan trọng, đó là trong băng ghi âm khi phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn của Larry Berman có phần kể vào năm 1968, khi Phạm Xuân Ẩn gửi tin tình báo mật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất sáng suốt và có tầm nhìn khẳng định rằng: ... Cuộc đấu tranh chống Mỹ là trước mắt và có thời gian, nhưng kẻ thù nguy hiểm và lâu dài nhất sau này của Việt Nam chính là Trung Quốc - chứ không phải là Mỹ”.
Như vậy, việc nhận biết âm mưu của Trung Quốc không phải là phía Việt Nam không có người biết, nhưng Việt Nam vẫn cứ rơi vào “vòng cương toả” của Trung Quốc những năm gần đây thì khó lý giải được vì sao. Và điều đó cũng dẫn đến hệ quả là “cho dù Đảng và Nhà nước biết hết” nhưng “Đảng và Nhà nước có làm gì không? có làm được gì không?” để đối phó lại các dã tâm và hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

No comments:

Post a Comment