Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 8 May 2020

Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ: ‘Đổ lỗi chỉ làm mọi thứ tệ hơn


Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải
Trước làn sóng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, dồn dập chỉ trích Trung Quốc không minh bạch về dịch bệnh COVID, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ biện bạch rằng Bắc Kinh chỉ ‘là nạn nhân’ của virus corona và nói rằng việc Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc chỉ ‘càng gây khó cho công tác chống dịch’.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường sức ép Trung Quốc trên mặt trận chính trị khi cả Tổng thống Trump lẫn Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tục cáo buộc Trung Quốc ‘che giấu thông tin dịch bệnh’, ‘đưa thông tin sai’, ‘xử lý tệ hại’ và thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới phát xuất từ viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán.
Ngoài ra, ông Trump còn lên tiếng đòi Trung Quốc bồi thường một ‘số tiền rất lớn’ và đe dọa sẽ áp thêm thuế quan để trừng phạt nước này. Có tiểu bang của Mỹ, chẳng hạn như bang Missouri, đã xúc tiến việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án liên bang Mỹ vì những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với kinh tế và người dân trong bang.
Phản pháo
Phản ứng trước các cáo buộc này, hôm 5/5, ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã viết trên mục Ý kiến của tờ Washington Post rằng ‘Bỏ qua sự thật để đổ lỗi cho Trung Quốc sẽ chỉ làm mọi thứ tệ hơn’.
Theo ông thì có một ‘tâm lý đổ thừa vô lý’ ở ‘một số chính trị gia Mỹ’ nhưng ông không nêu rõ là ai.
“Một gánh nặng không cần thiết đã làm chúng tôi mất tập trung (trong việc chống dịch) và gây hại cho các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn virus: tâm lý nực cười là ‘luôn đổ tội cho Trung Quốc’. Nói đơn giản là đối với một số người thì Trung Quốc phải sai, bất kể sự thật,” ông Thôi viết.
“Bản chất của chế độ chính trị Trung Quốc chiếm phần lớn nội dung các lời công kích và đảng Cộng sản là mục tiêu cuối cùng của tràng công kích này,” đại sứ Trung Quốc nói.
Ông điểm ra một loạt các sự kiện mà ông cho rằng giới chức Mỹ tận dụng mọi cơ hội để chỉ trích Trung Quốc.
Thứ nhất, khi Trung Quốc có bước đi quyết đoán là phong tỏa Vũ Hán, động thái này lại bị phê phán là ‘hành vi thời Trung cổ’, ‘vi phạm nhân quyền’ và là ‘điển hình cho một chế độ chuyên chế’, ông nhắc lại.
“Khi Trung Quốc cập nhật thông tin về dịch bệnh thì những hành động này lại bị ‘chụp mũ’ là ‘đưa thông tin sai lệch và tuyên truyền’,” ông biện luận.
Khi tình hình của Trung Quốc đã được cải thiện trong khi con số nhiễm bệnh và tử vong tăng vọt ở những nước khác thì ‘ngay lập tức, một số chính trị gia Mỹ chuyển sang chế độ mặc định là đổ thừa, bỏ qua việc Trung Quốc đã cố gắng hết sức để đối phó với dịch bệnh. Họ liên tục cáo buộc Trung Quốc trì hoãn và che đậy’, ông Thôi cáo buộc.
Ngoài ra Trung Quốc cũng bị tố cáo cung cấp trang thiết bị y tế hạng hai với chất lượng xấu. Nhưng khi nước này ‘có các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm’ thì lại bị chỉ trích là ‘tích trữ và găm hàng’, cũng theo lời biện bạch của vị đại sứ này.
Ông còn chỉ ra thêm là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao công tác chống dịch của Trung Quốc thì Bắc Kinh bị cáo buộc là ‘đã mua WHO hoặc gây áp lực chính trị cho tổ chức này’.
Chỉ là nạn nhân?
Bên cạnh chỉ trích ‘tâm lý đổ thừa’ của giới chức Mỹ, ông Thôi còn biện hộ cho Bắc Kinh trong việc chống dịch rằng nước ông ‘đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và hy sinh rất lớn để kiềm chế virus, điều này không chỉ cứu các sinh mạng trong nước mà còn câu thêm thời gian quý giá cho thế giới’.
“Trong cuộc chiến chưa từng thấy này, Trung Quốc không tiếc hy sinh thứ gì để cứu mạng người dân,” ông viết trên Washington Post.
Phản bác lại cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin, ông nói ‘Trung Quốc đã cố gắng hết sức để chia sẻ thông tin về virus’.
Dẫn chứng ông đưa ra là vào ngày 27/12, một bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc đã báo cáo ba trường hợp nhiễm bệnh đáng ngờ thì chỉ trong vòng một tuần sau – vào ngày 3/1 – Trung Quốc bắt đầu thông báo cho WHO, Mỹ và các nước khác về sự bùng phát dịch. Vào ngày 12/1, Trung Quốc đã công bố toàn bộ chuỗi gen của virus corona, vốn đã được chứng minh là rất quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và trong các cuộc điện đàm, ‘Chủ tịch Tập Cận Bình đã tường thuật chi tiết về các biện pháp của Trung Quốc cho Tổng thống Donald Trump’, cũng theo biện bạch của đại sứ Trung Quốc.
Ông nhắc lại việc nước ông đã cung cấp cho Mỹ hơn 4 tỷ chiếc khẩu trang cho đến ngày 29/4, theo số liệu hải quan của Trung Quốc.
“Không có gì phủ nhận rằng trường hợp mắc bệnh Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán,” ông lập luận. “Nhưng điều này chỉ có nghĩa là Vũ Hán là nạn nhân đầu tiên của virus. Đòi nạn nhân bồi thường là điều vô lý.”
“Ai là người phải bồi thường cho các trường hợp tử vong do cúm H1N1 và bệnh HIV/AIDS? Ai là người phải chi trả cho những tổn thất to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008?” ông viết tiếp. Các trận dịch H1N1 và HIV/AIDS đều bùng phát ở Mỹ trước khi lan rộng ra thế giới.
Ông cho rằng đằng sau tâm lý ‘luôn đổ thừa cho Trung Quốc’ là ‘chính trị bẩn thỉu vì lợi ích chính trị’.
“Đổ thừa cho Trung Quốc sẽ không chấm dứt đại dịch này. Trái lại, tâm lý đổ thừa này có nguy cơ cắt đứt mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ và làm tổn thương những nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh, sự phối hợp giữa hai nước để bật lại kinh tế toàn cầu,” Đại sứ Thôi Thiên Khải cảnh báo.
Do Bắc Kinh kiểm duyệt thông tin?
Trao đổi với VOA, ký giả Đỗ Dzũng của báo Người Việt ở tiểu bang California lưu ý rằng tất cả các cáo buộc nhằm vào Trung Quốc như họ cố tình tạo ra con virus này gây họa cho thế giới, hay virus bị vô tình rò rỉ ra từ viện nghiên cứu ở Vũ Hán, hay Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh để trục lợi về thiết bị y tế ‘đều là những thông tin chưa được kiểm chứng’.
Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ có lý do để nghi ngờ Trung Quốc vì thái độ khuất tuất của nước này.
“Trung Quốc làm một số việc khiến người ta nghi ngờ, như không cho thanh tra vào, giấu diếm thông tin và ngay cả số người chết ở Vũ Hán sau đó tăng thêm 1.300 người và đó chính là cái làm thế giới người ta nghi ngờ,” ông phân tích.
“Nhưng mình không biết có phải họ cố tình làm hại cho thế giới hay không vì nếu thế giới bị hại thì chính họ cũng bị hại trước tiên thôi,” ông nói thêm.
Theo lập luận của nhà báo này thì việc Trung Quốc che giấu thông tin là ‘có thể xảy ra’ vì ‘dưới chế độ độc đảng kiểm soát thông tin truyền thông thì họ không muốn có hình ảnh xấu xa của họ trong mắt người dân họ’.
“Có thể vì lý do chính trị nội bộ. Họ giấu để không muốn cho thế giới thấy rằng đất nước họ bị như vậy. Chính vì cái đó tạo ra tác dụng phụ là thế giới bị ảnh hưởng,” ông giải thích.
Về tuyên bố của Bắc Kinh là họ ‘đã hy sinh rất nhiều’ và ‘làm hết sức’ để chống dịch cho họ và cho thế giới, ông Đỗ Dzũng nhận định rằng luận điệu này ‘mang tính tuyên truyền’ và ‘không thể nào kiểm chứng’.
“Mình cũng chỉ dựa vào thông tin qua báo chí của Trung Quốc để mà thấy, như việc họ phong tỏa Vũ Hán, dựng bệnh viện dã chiến. Nhưng không ai có được thông tin trực tiếp nên khó đánh giá,” ông nói.
“Hàn Quốc, Đài Loan và New Zealand cũng chống dịch thành công vậy, nhưng ở các nước này người ta công khai thông tin,” ông chỉ ra.
Ông không cho rằng có thể dựa vào con số không còn người nhiễm và người chết ở Trung Quốc để đánh giá nước này ‘chống dịch thành công’ được vì ‘những con số này vẫn đang bị thế giới nghi ngờ’.
Về đòi hỏi của phía Mỹ là Trung Quốc phải bồi thường vì thiệt hại trong dịch bệnh, nhà báo Đỗ Dzũng cho rằng ‘không khả thi’ và ‘mang tính chính trị nhiều hơn là đòi bồi thường thật sự’.
“Nếu đòi bồi thường thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không chịu vì bồi thường dù chỉ một đồng thôi cũng có nghĩa là anh có lỗi mà cho đến giờ Trung Quốc không nhận lỗi đó,” ông giải thích.
“Nếu Trung Quốc không trả thì Mỹ làm được gì? Không thể xù nợ (Trung Quốc nắm giữ trái phiếu của Mỹ nhiều nhất). Không thể gây chiến tranh với Trung Quốc. Còn nếu đánh thêm thuế nhập cảng Trung Quốc thì tiền thuế đó người dân Mỹ cũng phải chịu mà thôi,” ông phân tích.
Ký giả này cho rằng muốn việc bồi thường khả thi thì Mỹ phải có chế tài, tức là phải được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng tại cơ quan này, Bắc Kinh đang là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết nên chắc chắn sẽ không chấp nhận.

No comments:

Post a Comment