Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 5 May 2020

  TRƯƠNG TỊCH(張籍)                                  (767  -  830)- Trung Quốc        Tên chữ Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, sau đó làm Thủy bộ viên ngoại lang, Chủ khách lang trung, cuối đời làm chức Quốc tử tư nghiệp. Ông là danh sĩ được nhiều người mến mộ.
        Bài thơ  “Tiết phụ ngâm” của ông là một hiện tượng lạ, rất nổi tiếng,được giới văn học để ý bình luận.

 *Nguyên tác

   
節 婦 吟
君 知 妾 有 夫, 
贈 妾 雙 明 珠。 
感 君 纏 綿 意, 
繫 在 紅 羅 襦。 
妾 家 高 樓 連 苑 起, 
良 人 執 戟 明 光 裡。 
知 君 用 心 如 日 月, 
事 夫 誓 擬 同 生 死。
俱 懷 逸 興 壯 思 飛
慾 上 青 天 攬  明  月
還 君 明 珠 雙 淚 垂, 
恨 不 相 逢 未 嫁 時。 
 

*Dịch âm:
        Tiết phụ ngâm 
Quân tri thiếp hữu phu , 
Tặng thiếp song minh châu . 
Cảm quân triền miên ý , 
Hệ tại hồng la nhu . 
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi , 
Lương nhân chấp kích minh quang lý . 
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt , 
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử . 
Câu hoài dật ứng tráng tư phi
Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ , 
Hận bất tương phùng vị giá thì


*Dịch nghĩa :
                  TIẾT PHỤ NGÂM
 (BÀI CA NGƯỜI PHỤ NỮ GIỮTIẾT HẠNH VỚI CHỒNG)

Chàng biết  em đã có chồng 
Còn tặng  em  đôi ngọc minh châu. 
Cảm lòng chàng quyến luyến đeo đuổi
Em buộc ngọc trong áo lót lụa hồng .
Nhà lầu cao của em nhìn sang bên vườn ngự uyển.
Chồng  em  cầm kích canh giữ điện Minh Quang 
Dẫu biết lòng chàng  như mặt trời, mặt trăng 
Nhưng đạo thờ chồng  em  đã nguyện đồng sinh tử
Luôn sợ lo mình lầm lỗi để lòng chồng không yên
Em muốn lên  trời xanh ôm vầng trăng sáng.
Trả lại chàng đôi minh châu , hai hàng lệ chảy.
Hận sao không gặp chàng lúc chưa chồng.
                 * HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch


*Chú thích:
- Có bản chép khác 
.Thiếp gia cao lâu (妾家高樓) = Thiếp tại cao lâu(妾 在高樓)
.Lương nhân (良人) = Lang quân (郎 君)
Sự phu thệ nghĩ  (事夫誓擬) = Sự phu thệ nghĩa ( 事夫誓義) .
    Căn cứ vào “Đường thi nhất bách thủ” (唐詩一百首:Một trăm bài thơ Đường), bài thơ này có 12 câu. Nhưng không hiểu tại sao các bản dịch cũ trước đây chỉ có 10 câu. Ví dụ điển hình như bản dịch của Ngô Tất Tố, đã thiếu đi hai câu như sau:
      俱 懷 逸 興 壯 思 飛       Câu hoài dật ứng tráng tư phi
      慾 上 青 天 攬  明月     Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt.
       Phải chăng bài thơ này có nhiều bản khác nhau?
(1) Minh châu: Loại ngọc trai quí sáng đẹp.
(2) Minh Quang điện: Điện Minh Quang, một trong những cung điện của vương triều nhà Hán.

*Dịch thơ: 

- Bản dịch 1:

 BÀI CA NGƯỜI TIẾT PHỤ
       
Chàng biết em  có chồng
Còn tặng đôi ngọc  quí
Cảm tình chàng  có ý
Em mang trong áo lót lụa hồng
Nơi lầu cao bên vườn ngự, em trông
Chồng cầm kích giữ Minh Quang  điện
Biết lòng chàng sáng như gương  nhật nguyệt
Em giữ đạo thờ  chồng , nguyện kết tử sinh
Em sợ em mang  lỗi phụ tình
Muốn đến trời xanh ôm vầng trăng sáng
Trả lại chàng minh châu, lệ buồn lai láng
Hận sao không gặp thuở  còn xuân !...
                 *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
ịch

*Đôi lời về bài thơ:
    Mới đọc qua bài thơ, ai cũng nghĩ đây là câu chuyện tình của đôi trai gái. Câu chuyện tình hơi bất thường. Bởi lẽ: Biết người con gái đã có chồng rồi mà chàng trai còn đem tặng ngọc minh châu. Người con gái dù có chồng, yêu chồng mà vẫn giữ  ngọc trong áo lót lụa hồng và hành động này có khác nào với nghĩa giữ kín tình riêng của mình.  Chứng tỏ nàng cũng có cảm tình với người tặng ngọc . Tuy nhên , hàng ngày nàng ở trên lầu cao nhìn qua vườn ngự uyển mơ mộng, nhìn điện Minh Quan, thấy chồng mình làm bổn phận canh gác . Hình ảnh này có lẽ phần nào nhắc nhở, củng cố thêm cho nàng nghĩ đến chồng mình, đến bổn phận của mình trong đạo nghĩa vợ chồng  cho nên nàng  quyết định giữ tiết hạnh với chồng. Nàng sợ mình ủ ngọc mãi trong ngực rồi sẽ sinh ra lầm lỗi nên mới đem trả ngọc lại cho chàng trai. Trả lại ngọc mà lòng đau xót để rơi hai hàng nước mắt – Và cũng chính vì trả ngọc mà nàng được gọi là “tiết phụ”!
       Câu chuyện tình quả là phức tạp .
   Tuy nhiên giới văn học đã giải mã gốc tích bài thơ như sau: Thời Trung Đường , nhà Đường đã có mầm mống suy yếu.Trong nước diễn thành các phiên trấn do mỗi Tiết độ sứ cát cứ. Lúc bấy giờ Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ có thế lực mạnh . Biết Trương Tịch là một danh sĩ có tài nên mới cho người đem lễ vật mời Trương Tịch về với mình.Lúc này Trương Tịch  đang làm tân khách của một Tiết độ sứ thân triều đình, ông không biết làm cách nào từ chối cho phải nên mới làm bài thơ này để gửi cho Lý Sư Đạo cùng với lễ vật đem trả. Xem thơ, Lý Sư Đạo cảm động mà không  gây khó dễ gì cho Trương Tịch.
       Đối với một số người làm văn học khác, họ lại bác bỏ lối giải thích này, cho là bất hợp lý, gượng ép...làm mất đi vẻ đẹp bài thơ.
      Tuy nhiên dù như thế nào đi nữa, bài thơ vẫn là một bài thơ hay. Trước đây có vài người dịch nhưng bản dịch của cụ Ngô Tất Tố được mọi người cho là thành công và hay hơn cả.
      Trước khi dịch bản này chúng tôi có đọc lại bản dịch của ông và phát hiện ra thấy nó thiếu hai câu đã nêu: “ Câu hoài dật ứng tráng tư phi ./Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt.”(Luôn sợ lo mình lầm lỗi để lòng chồng không yên./Em muốn lên  trời xanh ôm vầng trăng sáng.). Mặc dù thiếu nhưng bản dịch bài thơ vẫn có ý trọn vẹn  và hay theo nội dung của nó. 
        Để  bài thơ có đầy đủ hai câu trên, chúng tôi mạo muội dịch lại .Đồng thời mạn phép được trích mượn từ “sen” của cụ đã sử dụng trong “màu sen” để thành “hồng sen” trong bản dịch mới. Thật ra trong nguyên tác chỉ có “màu hồng” trong  từ ghép “hồng la nhu” (áo lót màu lụa hồng) chứ không có  “màu sen” hay “hồng sen” nào cả. Nhưng nếu không có “sen” thì không thể nào dịch nổi hai câu sau tiếp và nếu bỏ qua một vần nào khác thì câu thơ sẽ trở thành gò ép hoặc ngô nghê ngay.Đây là sự sáng tạo thật đáng khâm phục của cụ.

 
          Xin giới thiệu bản dịch của cụ Ngô Tất Tố:
Khúc ngâm của người tiết phụ 
    Chàng hay em có chồng rồi, 
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành. 
    Vấn vương những mối cảm tình, 
Em đeo trong áo lót mình màu sen. 
    Nhà em vườn ngự kề bên, 
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang. 
    Như gương, vâng biết lòng chàng, 
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa. 
    Trả ngọc chàng, lệ như mưa, 
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
                          *

- Bài này cụ Ngô Tất Tố chỉ dịch theo 10 câu sâu đây:
      
        Tiết phụ ngâm 

Quân tri thiếp hữu phu , 
Tặng thiếp song minh châu . 
Cảm quân triền miên ý , 
Hệ tại hồng la nhu . 
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi , 
Lương nhân chấp kích minh quang lý . 
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt , 
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử . 
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ , 
Hận bất tương phùng vị giá thì.


BẢN DỊCH CỦA TRẦN TRỌNG KIM 
Lời  hát của người tiết phụ 
Chàng hay thiếp có chồng rồi
Còn đem cho thiếp một đôi ngọc lành.
Cảm lòng quyến luyến khôn đành.
Thiếp đeo vào áo lót mình màu sen.
Vườn kia nhà thiếp gần bên,
Lang quân chấp kich trong đền Minh Quang
Biết chàng bụng sáng như gương,
Thờ chồng thề quyết đá vàng chẳng phai.
Gạt châu trả ngọc chàng thôi!
Tiếc không gặp gỡ đương thời còn không!

BẢN DỊCH CỦA SƠN TRUNG 

Biết thiếp đã có chồng rồi ,
Chàng còn tặng ngọc một đôi!
Khiến thiếp xao xuyến, bồi hồi!
Nhà thiếp ở gần Ngự Uyển
Chồng thiếp Chấp Kich trong cung.
Biết lòng chàng như vầng trăng
Nhưng thiếp phải chung thủy với chồng.
Trả minh châu lại cho chàng
Lệ hai hàng,
Sao chẳng gặp nhau lúc còn không?

Bài này giống ca dao Việt Nam:

Trèo lên cây bưởi hái hoa Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân Nụ tầm xuân nồ ra xanh biếc Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay! Ba đồng một mớ trầu cay, Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lổng biết thủa nào ra?

No comments:

Post a Comment