Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 14 May 2020

Mỹ, Trung Quốc ngấp nghé Chiến tranh Lạnh mới có thể tàn phá kinh tế toàn cầu


Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau ở Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tháng 6/2019
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã tiến sát mép vực trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng rồi đại dịch đã đẩy mối quan hệ đó rơi xuống.
Những chuyển động giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng trong đợt dịch virus corona đến nỗi các chuyên gia về Trung Quốc giờ đây cho rằng hai cường quốc vừa bước vào những ngày đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có thể làm kéo dài đại dịch, làm trầm trọng thêm sự tàn phá về kinh tế có liên quan đến virus, và làm suy yếu khả năng của thế giới trong việc ngăn chặn các nguy cơ thông thường.
"Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh", ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội châu Á, nói. "Chúng ta đang trượt dốc tới một tình trạng ngày càng đối nghịch với Trung Quốc", vẫn theo ông Schell.
Ông nói thêm: "Hậu quả của mối quan hệ Mỹ-Trung bị đổ vỡ sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và nền kinh tế toàn cầu, bởi vì khả năng của Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau chính là yếu tố then chốt duy trì kiến trúc toàn cầu hóa và thương mại toàn cầu. Khi mất đi yếu tố đó, sẽ có sự xáo trộn rất lớn".
Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đang trượt dốc tới một tình trạng ngày càng đối nghịch với Trung Quốc. Hậu quả của mối quan hệ Mỹ-Trung bị đổ vỡ sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và nền kinh tế toàn cầu.
Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung, Hội châu Á

Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh mâu thuẫn về ý thức hệ, đó là điểm chính của cuộc đối đầu kéo dài 4 thập kỷ giữa hai siêu cường.
Nhiều người lo ngại rằng tình trạng thù địch ngày nay giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến một sự chia rẽ toàn cầu tương tự.
"Đối với toàn bộ hệ thống quốc tế, một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ có tác động tàn phá. Ví dụ, nó sẽ đặt tất cả các vấn đề toàn cầu - từ biến đổi khí hậu cho đến đại dịch hay khủng bố - vào tính toán của mỗi bên là họ sẽ tăng hay giảm sức mạnh tương đối của họ, làm cho việc hợp tác của các bên thậm chí còn khó khăn hơn", bà Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
Theo bà, Chiến tranh Lạnh “cũng sẽ buộc các quốc gia phải chọn đứng về một bên nào đó, và khi làm như vậy, họ phải đánh đổi rất khó khăn và có nguy cơ tiết lộ một số điều chẳng hay ho về chính họ: như là cách họ ưu tiên các giá trị chính trị, an ninh quân sự và sinh kế kinh tế của họ".
Trung Quốc bồi đắp Đá Subi thành đảo nhân tạo, gây căng thẳng ở Biển Đông
Trung Quốc bồi đắp Đá Subi thành đảo nhân tạo, gây căng thẳng ở Biển Đông
Các tác nhân
Cuộc Chiến tranh Lạnh mới tiềm tàng có gốc rễ từ nhiều năm qua, trước cả khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Thật khó để xác định chính xác lúc nào quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu chuyển từ “thân mật nhưng cảnh giác” sang thù địch ngày càng gia tăng ở cả hai bên, nhưng có một dấu mốc là khi Bắc Kinh khởi động những nỗ lực nhằm bảo đảm việc họ kiểm soát Biển Đông, một tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu.
Từ khoảng năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khẳng định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền bằng cách biến các rạn san hô và bãi cạn trên biển thành những đảo nhân tạo. Việc Trung Quốc quân sự hóa ở đó đã gây ra những phản ứng giận dữ từ Việt Nam, Philippines và một số nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền về một vài phần của Biển Đông. Chính phủ Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng phản ứng.
Một tác nhân khác là vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền về Đài Loan là một điểm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ trong hơn 70 năm qua. Nhưng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ông ta đã cố ép các đồng minh ngoại giao của Đài Loan cắt đứt quan hệ. Mặt khác, ông Tập cũng đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Những động thái này làm cho vấn đề trở thành một mối lo ngại mới.
Một trong những điểm gây căng thẳng nhất giữa Washington và Bắc Kinh là chính sách có tính dấu ấn của chính quyền Tổng thống Trump - cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Từ lâu trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã nói ông tin rằng Trung Quốc trục lợi kinh tế từ nước Mỹ, gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la vào giữa năm 2018 để gây áp lực lên Bắc Kinh, buộc họ thay đổi cách thức kinh doanh với Mỹ.
Tòa nhà Huawei ở London; Mỹ lo ngại việc các nước đồng minh sử dụng công nghệ của Huawei
Tòa nhà Huawei ở London; Mỹ lo ngại việc các nước đồng minh sử dụng công nghệ của Huawei
Ngoài ra, còn có một yếu tố khác dẫn đến Chiến tranh Lạnh, đó là Hoa Kỳ chống lại việc Trung Quốc phổ biến công nghệ 5G của họ trên khắp thế giới.
Trung Quốc và đặc biệt là công ty viễn thông khổng lồ Huawei đã đi đầu trong công nghệ 5G. Nhưng trong năm qua, Mỹ công khai lên tiếng bày tỏ hết sức lo ngại về việc sử dụng công nghệ Huawei trong các mạng viễn thông của các nước đồng minh. Hồi tháng 2, chính phủ Hoa Kỳ buộc tội Huawei “kiếm tiền bất hợp pháp”, làm gia tăng căng thẳng với hãng này và chính phủ Trung Quốc.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội Châu Á, cho rằng ngay cả khi đại dịch và cuộc bầu cử năm 2020 kết thúc, không thấy có kế hoạch rõ ràng nào về cách thức làm giảm căng thẳng hoặc đưa quan hệ Mỹ-Trung trở về trạng thái ổn định.
"Đó là điều đáng lo ngại - người ta không thể thấy tình trạng này sẽ được kiểm soát như thế nào, ít nhất là không có nhiều bằng chứng cho thấy có những người có ý muốn hay vạch ra lộ trình để cố gắng làm chậm quá trình này", ông Schell nói.
"Chúng ta dường như chỉ có đang rơi tự do thôi", ông nói.
(Business Insider, CNN)

No comments:

Post a Comment