Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 23 April 2020

Biển Đông: Ai sẽ liên minh và hậu thuẫn Việt Nam?

  • 24 tháng 4 2020




  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh tháng 9/2016

    Việt Nam không nên liên minh quân sự với bất cứ nước mạnh nào kể cả Mỹ, và cũng không có nước nào có thể hậu thuẫn Việt Nam trong lúc này, ý kiến các học giả từ đại học Hoa Kỳ nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/4/2020.
    Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và Trung Quốc học từ Đại học Maine nêu quan điểm:
    "Tôi nghĩ Việt Nam không nên liên minh với một nước mạnh, nhất là liên minh với Mỹ. Tăng cường sự hợp tác về an ninh với Mỹ là tốt, nhưng mà liên minh sẽ cho Trung Quốc cái cớ để làm áp lực với Việt Nam đủ mọi việc.
    "Chúng ta phải nên nghĩ rằng ngoài Biển Đông còn đất liền nữa, mà đất liền, vấn đề về quân sự, về kinh tế v.v… rất là lớn, Trung Quốc có cớ, thể lực để mà đánh Việt Nam theo kế gọng kìm.
    "Việt Nam nên suy nghĩ chín chắn trong vấn đề có liên minh hay là không, nhưng mà tôi nghĩ củng cố an ninh của mình bằng cách tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và Mỹ hay Úc là vấn đề tốt thôi."

    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón ông Nguyễn Phú Trọng ở Paris tháng 3/2018

    'Liên minh với ai, ai liên minh?'

    Việt Nam cần làm gì nếu Trung Quốc có hành vi được cho là lấn tới, thậm chí có hành động quân sự với Trường Sa và trên Biển Đông như đã từng tiến hành các năm 1974, 1988 trước đây, Giáo sư Long bình luận tiếp:
    "Việt Nam phải kêu gọi các nước vì an ninh chung, vấn đề liên minh là vấn đề xưa rồi, chẳng hạn như là Mỹ liên minh với Philippines hay là liên minh với Đài Loan, hay là với Hàn Quốc, đó là thời chiến tranh Lạnh.
    "Bây giờ thời đó đã đi qua rồi, có thể trong tương lai xa sẽ trở lại, nhưng mà bây giờ đi đến vấn đề liên minh thì tôi nghĩ rất là nguy hiểm."
    Từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế phát biểu:
    "Việt Nam, liên minh quân sự với nước nào để chống Trung Quốc, thì giải pháp ấy là không thực tiễn.
    "Việt Nam muốn liên minh thì liên minh với ai? Đông Nam Á, không ai muốn liên minh với Việt Nam cả. Những nước lớn như Ấn Độ thì cứ theo chính sách lờ mờ, trung lập, có thể hiện nay là hơi chống Trung Quốc một chút.
    "Nhưng mà truyền thống của Ấn Độ là cứ đứng ngoài diễn thuyết về đạo lý cho người khác thôi, chứ không dính dáng vào.
    "Nhật Bản, hiến pháp rất giới hạn việc đó. Thành ra những nước mà đáng có thể giúp cho Việt Nam ở trong vùng thì không có.
    "Mỹ hiện nay là một đồng minh không khả tin, là bởi vì thứ nhất trong chính sách nội bộ đối với Trung Quốc thì đã chưa đồng nhất rồi.
    "Mỹ luôn luôn tính toán. Liên minh thì phải có lợi cho Mỹ. Tức là hai bên cùng có lợi, tức là khi nào tích sản thì gọi là liên minh, còn nếu là tiêu sản, làm hại cho mình, thì không liên minh nữa.
    "Vì thế, nếu Việt Nam dùng Mỹ để liên minh để chống Trung Quốc, thì Mỹ lại sợ rằng nếu trong trường hợp này Việt Nam gan lên, thì Mỹ lại tự nhiên phải đi vào đánh nhau với Trung Quốc, Mỹ sẽ không muốn phải vì Việt Nam mà chiến tranh với Trung Quốc.
    "Cho nên tình hình hiện tại cho thấy giải pháp đó không thực tiễn. Việt Nam cũng không muốn và không ai muốn chuyện đó xảy ra trong lúc này."

    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội tháng 11/2017

    Từ tìm hiểu tương quan

    Việt Nam cần phải làm gì, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm:
    "Trên thực tế, bất cứ luật pháp cũng phải hậu thuẫn được bằng sức mạnh, thành ra phải có một tương quan lực lượng tốt đẹp, thuận lợi nào thì mới có thể ngăn chặn được Trung Quốc.
    "Về tương quan lực lượng, nước có thể đối trọng nhất với Trung Quốc là Mỹ và Mỹ hiện nay ở trong rắc rối đó.
    "Thí dụ về mặt lý thuyết thôi, Mỹ thấy Việt Nam là quan trọng và Mỹ cũng cần đến cái đó, thì thực sự Việt Nam có thể vận dụng khối các quốc gia Đông Nam Á, với điều kiện là khối đó thuần nhất.
    "Hai cái đó tương tác với nhau, nếu mà khối Đông Nam Á thuần nhất, cùng cố gắng chống Trung Quốc, thì lại giúp cho Mỹ can thiệp nhiều hơn và can dự nhiều hơn.
    "Ngược lại, Mỹ càng can thiệp ít hơn, các quốc gia kia càng chia rẽ hơn, là vì họ phải tính rằng nếu Trung Quốc trở thành một lực lượng trội ở khu vực đó, nếu Mỹ mà không giúp họ, họ phải tìm cách thích ứng với một quốc gia lớn hơn mình.
    "Thì đó là lý do hiện nay mà chúng ta thấy các quốc gia không có quyền lợi thiết thực về Biển Đông thì tìm cách "rón rén" đi dây, nếu Mỹ tiến thì tôi tiến theo, Mỹ lùi thì tôi phải tiếp ứng Trung Quốc.
    "Thành ra chúng ta thấy hai yếu tố đáng để ý. Thứ nhất là sự đoàn kết Đông Nam Á và thứ hai, sự can dự của Mỹ. Hai cái có tác dụng hỗ tương với nhau.
    "Và trong trường hợp Đông Nam Á, mà theo phương thức đồng thuận thì không bao giờ làm được cái gì lớn cả. Đồng thuận chỉ có tính cách mẫu số chung nhỏ nhất, cái mà ít người chống đối nó thôi. Còn vì thế phải có quyết liệt."


    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới

    Đến chính sách, vận dụng

    Việt Nam cần khéo léo tìm phương thức vận dụng để thu được lợi ích cho mình, GS Nguyễn Mạnh Hùng nói tiếp:
    "Nếu muốn vận động cái đó thì dĩ nhiên phải vận động một khối nào đó nó trở thành một sự thúc đẩy, những nước quan trọng mà thúc đẩy.
    "Thì những nước đó có quyền lợi chung, có thể nên vận dụng những nước có quyền lợi chung đó. Và một trong những nước rất quan trọng mà tôi nghĩ là khó lôi họ vào là Indonesia. Indonesia là nước rất mạnh, đông dân.
    "Nếu họ có quan tâm đến thì tốt hơn, nhưng theo ước tính của tôi thì Indonesia có đường lối riêng của họ, khó đưa vào. Thì chỉ còn vài nước nhỏ thôi - Philippines, Malaysia, như Việt Nam, là những nước có quan hệ, trên lý thuyết, nên vận động những nước đó và nhất là vận động cả Singapore nữa.
    "Thành ra, nếu có sự ủng hộ thêm của Singapore, sẽ tạo thêm uy tín, sức mạnh quốc tế - quyền lợi mềm của họ, nên vận động.
    "Do đó, chúng ta thấy mỗi nước đều có quyền lợi riêng, cho nên về lý thuyết thì nên vận động, nhưng mà về thực tiễn, thì tôi thấy cuộc vận động đó rất là khó khăn," học giả từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ nói với BBC News Tiếng Việt.
    Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi của GS. Nguyễn Mạnh Hùng và GS. Ngô Vĩnh Long với BBC hôm 23/4/2020 từ Hoa Kỳ.

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment