Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 30 April 2020

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Chương 3


NHIỀU THÁNG VÀ CÓ LẼ NHIỀU NĂM ĐÃ TRÔI QUA. Từng đêm lần hồi, cần mẫn và do dự, bản thảo tiểu thuyết của Kiên đầy dần lên và dần đến đoạn kết, song đồng thời cũng như thể mỗi ngày một thêm dang dở. Những chương sau là những điệp khúc của các chương trước. Những khung cảnh và những tình tiết đã có tự phần đầu rốt cuộc lại đang chờ Kiên ở phần chót. Tuy nhiên ấy là bởi dòng trôi của tiểu thuyết này nó như thế, tự nó chứ không phải tự Kiên. Tác phẩm tự nó cấu trúc nên thời gian của nó, tự định hướng, chọn luồng và tự chọn lấy một bến bờ. Còn Kiên anh chỉ là người viết, bền bỉ và lặng lẽ hòa nhập thân phận mình vào cộng đồng số phận các nhân vật. Nói chung anh hết sức thụ động, hầu như trở thành bất khả tri trước các trang viết của chính mình. Mạch truyện nó thế nào thì buông theo như thế, anh như hoàn toàn cam chịu cái lô gíc bí ẩn của trí nhớ và trí tưởng tượng.
Bắt đầu vào tiểu thuyết, ánh đuốc hồi ức đã đưa Kiên lạc sâu trong mê cung, vòng vo trong muôn ngóc ngách rồi lại dẫn anh về với những rừng rậm hoang vu của thì quá khứ. Lại sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu… những địa danh tù mù như tên tuổi sông núi của cõi âm. Rồi lại cuộc đời chiến đấu của trung đội trinh sát với những khúc buồn vui tình đồng đội, những thống khổ thời trận mạc hòa cùng bao lạc thú tuổi trẻ. Và theo dòng tiềm thức, con đường của tiểu thuyết lại nhập vào với chặng đường hành hương sau chiến tranh của đội thu nhặt hài cốt tử sĩ, chặng đường xa nối những nấm mồ bộ đội tản mát vương rắc trên hầu hết khắp liền non cao Cánh Bắc Tây Nguyên. Quá trình tập hợp lại những nhân vật đã chết làm nên cuộc sống của từng trang bản thảo. Có thể nói không khí truyện của Kiên là bầu không khí của những khu rừng tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà. Những di vật và những bộ xương mủn nát được vớt lên từ đáy những rừng cây ấy.
Cũng từ bóng tối của rừng sinh ra những huyền thoại, những truyền thuyết về cuộc đời của những người lính thường, những người làm nên thi hứng, làm nên cốt truyện, cho Kiên giọng văn, nhịp điệu câu chữ và cả nhịp sống của từng từ. Có thể thấy trước là chẳng mấy người trong số các nhân vật của cuốn tiểu thuyết được như Kiên sống đến ngày thắng lợi. Ngay từ đầu họ đã phải hành động quyết liệt để không lập tức bị nhận chìm tăm tích vào những huống cảnh chiến trận kinh hoàng, những cảnh huống mà cầu trời cho đừng bao giờ có ai đó trên đời này lại một lần nữa phải lâm vào. Họ bị cái chết rình rập, săn đuổi, xô dồn vào thế mất còn chỉ trong nháy mắt và trong tấc gang. Họ bị giết từng người một hoặc là hàng loạt, bị bắn gục tại chỗ hay bị thương mất máu chết dần, chưa kể tới bao nhiêu kiểu đọa đày khác, chưa kể những cơn ác mộng hủy diệt tâm hồn và lột trần nhân tính.
Có lẽ rất ít người cầm bút đương thời nào chứng kiến nhiều cái chết và thấy phải nhiều xác chết đến như Kiên. Vì thế sách anh đầy rẫy tử thi. Những xâu lính Mỹ trẻ măng mình mẩy không chút sây sát, ngồi ngả đầu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm dưới những ngách hầm ngầm bị tống thủ pháo. Những lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình. Và ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy vào lúc rạng mơ sau suốt một đêm B52 liên tục chần. Có thể tận mắt ngắm sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt một mái nhà lợp bằng thây người. Có thể thậm chí giật bắn mình khi thấy một người lính nọ đạp phải mìn nhảy cẫng lên ngọn cây như được chắp cánh… Những cái chết “của Kiên” đa dạng, nhiều màu vẻ, giàu sắc khí và sinh động hơn người. Anh như thể là một người lính không còn sống từ trong lòng đất và từ trong các giấc mơ lên tiếng kể cho ta nghe về sự sống chết; kể về phút lìa đời và thậm chí kể về cuộc đời sau khi đã bị giết.
- Các bạn hãy tin tôi: trong lòng cái chết không phải là địa ngục khủng khiếp - một linh hồn trong truyện đã nói như thế với những người sống - Trong lòng cái chết vẫn là cuộc sống, dĩ nhiên là một kiểu khác của cuộc sống kia. Trong lòng cái chết ta có được sự bình yên, sự thanh thoát và tự do chân chính…
Đối với Kiên thì người chết vừa mơ hồ vừa sâu xa hơn người sống. Họ cô đơn, trầm lắng và kỳ diệu, như ảo ảnh. Và đôi khi hương hồn người chết trận hóa thành những âm thanh chứ không phải là những hình bóng. Bản thân Kiên thì chưa từng nhưng anh em khác trong đội hài cốt thì đã từng nghe thấy người chết đàn và hát. Chuyện xảy ra ở chân đèo Thăng Thiên, họ bảo thế…
Khi bóng tối vùi kín rừng cây trong hẻm núi thì từ đáy rừng phủ lá mục tiếng hát thì thào dâng lên, có cả tiếng đàn ghi-ta hòa theo nữa hoàn toàn hư, hoàn toàn thực “… Năm tháng vinh quang khổ đau bất tận…”, lời và giai điệu bài ca vô danh ấy giản dị và huyền bí nên mỗi người nghe ra mỗi khác, song không ai là không nghe thấy. Cuối cùng, sau mấy đêm lắng nghe, người ta đã định vị được chỗ đất có hồn người. Trong tấm tăng bó xác xương cốt đã hóa mùn cả, riêng cây đàn ghi ta tự tạo của người chết thì còn nguyên vẹn.
Chẳng biết có phải là do hư cấu thêm không mà người ta kể rằng khi vốc xương mủn và cây đàn vừa được đưa lên từ đáy huyệt thì tất cả những ai có mặt đều nghe thấy vang lên trong lòng rừng những âm điệu bi tráng của bài ca ấy. Sau đó thì vĩnh viễn tắt bặt. Bài ca chắc là đã mãi mãi lìa bỏ khu rừng.
Tất nhiên đấy là một huyền thoại. Hình như có bao nhiêu nấm mồ vô danh và bộ xương đã mất lai lịch thì có bấy nhiêu huyền thoại cùng với hằng hà dị bản hợp lại thành kho tàng những truyện truyền kỳ về sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ, một sự nghiệp vừa được ghi nhớ vĩnh hằng vừa không ngừng bị lãng quên.
Kiên nhớ: ở thung lũng Mo Rai bên bờ sông Sa Thầy, một hôm tổ của anh đào trúng một ngôi mộ kết. Mộ nổi lên như một đụn mối lớn trên vuông đất cao gần dốc bờ sông. Chỗ này ngay giữa mùa mưa lũ cũng không bị ngập. Thế nhưng thật khó lòng mà hiểu nổi nguyên nhân vì sao mặc dù chẳng trong quan ngoài quách, chẳng ướp thuốc tẩm dầu, thi thể người chết lại sống như thế. Nằm trong một cái túi nilông dày giống bao đựng xác của quân Mỹ nhưng trong suốt, người chiến sĩ như là vẫn còn đang thở, mắt nhắm lại ngủ say, khuôn mặt đẹp đẽ trẻ trung vẻ trang nghiêm trầm mặc, da thịt tuồng như còn ấm, bộ đồ tô châu thậm chí còn nguyên độ bóng và nếp là. Nhưng chỉ phút chốc cái túi đã đục trắng, mù mịt như dây khói, rồi sau đó như chói lên một đạo hào quang và một cái gì đấy vô hình đã siêu thoát. Màu trắng đục tan nhanh, cái túi xẹp xuống và trong đó bày ra trọn vẹn một bộ hài cốt màu vàng sạm. Kiên và mọi người sững lặng, xúc động đến bàng hoàng. Không ai bảo ai tất cả đều quì xuống, đưa cao tay lên với theo bóng hồn thiêng liêng người đồng đội đã về thần. Đúng lúc bấy giờ trên vòm trời bao la, cuồn cuộn gió mây miền Cánh Bắc, một đàn thiên đường cánh đen vừa từ hướng biển lên, đội hình chữ V đều tăm tắp, nhịp nhàng vỗ cánh, thong thả và trang trọng bay vượt qua miền núi non trùng điệp.
- Nhưng mà nếu không lần ra được tên tuổi của họ thì cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi bị cái chết của họ đè nặng.
Đội trưởng thu nhặt hài cốt của sư đoàn, một trợ lý chính sách đã lâu niên, trọn cả binh nghiệp chôn chặt vào độc một nhiệm vụ lo khâm liệm và mai táng, vẫn thường nói thế như là đưa ra một lời nguyền cho anh em trong đội.
Nhưng chẳng cần đến lời nguyền ấy thì cũng như Kiên, hầu hết anh em ở đội hài cốt đã ra khỏi chiến tranh với một tâm hồn tràn ngập bóng tối tang thương, oan khốc của bao nhiêu là cuộc đời còn hoặc đã mất sạch tên tuổi.
- Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Tay Phán, một trinh sát của trung đoàn 24, quê ở Hải Phòng, kể cho Kiên nghe - Bấy giờ là cuối mùa mưa đầu mùa khô năm 69, một mùa mưa ra sao chả cần phải nói, anh cũng biết rồi đấy. Đại đội của anh ta và đại đội của tôi sống mái với nhau một trận mưa hòa máu ở đầu lối lên đèo Thăng Thiên. Chẳng thắng chẳng thua, cả hai đều tan nát nhừ tử. Và bất chấp trong tầm pháo có cả đồng minh, tụi Mỹ từ trên đèo nã đại bác xuống suốt hai giờ liên tục. Ngớt pháo, Con ma ào tới bỏ bom. Tôi nhào vào một hố 155, kịp thoát lượt bom phát quang. Rồi bom bi nổ xay nổ nghiến. Tôi nằm chết dí. Và chính lúc đó thì anh ta lộn sấp xuống uỵch đè lên tôi như súc gỗ. Điên lên vì sợ, tôi rút dao thí liền hai nhát vào ngực áo rằn ri, vào bụng một nhát nữa, rồi vào cổ. Anh ta kêu ằng ặc, giãy đành đạch, mắt trợn lên. Bấy giờ tôi mới biết là anh ta bị thương từ trước lúc ăn dao. Mảnh bom chém lìa một bàn chân, người đầm đìa máu, miệng anh cũng ứa máu, hai tay run bần bật ôm lấy chỗ ruột đang phòi ra nghi ngút hơi nóng. Tôi chẳng biết làm thế nào, nom khủng khiếp quá và thương tâm quá. Tôi nhét ruột vào bụng cho anh ta, rồi xé áo để băng. Nhưng toàn những vết thương tàn bạo. Máu chẳng cầm được bao nhiêu. Phải nói là anh ta khỏe như voi, người khác thì hết ngáp rồi nhưng anh ta càng lúc càng to miệng rên rỉ, nước mắt tuôn ròng ròng. Tôi run sợ đến thấu tim, và xót thương nữa. Khi đó trận oanh tạc đã dứt. Không còn tiếng súng cá nhân, chỉ còn tiếng mưa mỗi lúc một mau. “Mày nằm đây một lát nhé” - Tôi lay vai anh ta bảo - “Tao lên tìm ít vải và bông băng. Sẽ quay lại ngay”. Anh ta ngừng rên và chớp chớp mắt nhìn tôi, mặt ướt ròng ròng nước mưa, nước mắt với máu, tôi leo lên khỏi hố. Khu rừng nát bét. Ta địch đều đã dạt ra khỏi vùng bị bắn phá. Tìm quanh tìm quẩn mãi, tôi nhặt được một túi cứu thương còn đầy bông băng. Lập tức quay trở lại với anh ta… Nhưng, tôi ngu quá! - Phát rên lên. Lắc đầu. Im lặng một lúc rồi lại rầu rĩ kể - Tôi ngu quá? Trời đã tối sập. Mưa lụt trời. Rừng thì sụp đổ, ngổn ngang cây cối bị đốn hạ và đáy rừng tanh bành hàng trăm hố bom, hố pháo. Cái hố của tôi với thằng ngụy ở dưới đó đâu rồi? Trời thì mưa kinh khủng là mưa. Nước tràn từ núi xuống réo ồ ồ. Rừng tối đen lại rất mau. Ngụy ơi! Ngụy ơi! - Tôi gọi, lồng lên chạy tìm cuống quít. Ngã òm xuống một hố, thấy rằng nước đã qua đầu gối, nghĩa là nếu ngồi thì ngập ngực… Mưa ngất trời. Nghĩ đến cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt. Suốt đêm tôi mò mẫm lăn lộn lần tìm. Càng lúc càng hụt hơi, kiệt sức, bất lực. Sáng ra, mưa có phần ngớt, những cảnh tượng bày ra trước mắt làm tôi sầm tối mặt mày. Tất cả các hố bom, hố pháo đều là những huyệt nước đầy phè. Kinh hoàng, tôi lao đầu chạy, có nhẽ khi ấy tôi đã phát rồ. Cứ tưởng tượng cái chết từ từ man rợ không kém cái chết của người bị sa hố lầy đã đến với anh ta: nước ngập bụng dâng lên vai, tới cổ, chấm cằm, chạm vành môi, rồi nhân trung, kề ngang hai lỗ mũi… Và bắt đầu sặc. Anh ta hẳn là hy vọng kinh khủng tôi sẽ hiện lên ở giây chót… Nhưng thậm chí… Và rốt cuộc thì anh ta đã ngồi chết như thế ở cái hố nào? Bao năm qua, cứ nhìn cảnh mưa lũ là tim tôi lại như bị thọc dùi. Tôi nhớ tới con người ấy, nhớ tới sự ngu ngốc bạo tàn của tôi. Thà rằng tôi giết phứt ngay anh ta. Đằng này… là người thì không ai đáng phải chịu một nhục hình như tôi đã bắt anh ta phải chịu. Không biết rằng đến nay, sau bấy nhiêu năm sống bình yên, lòng Phán đã nguôi được hay chưa nỗi giằn vặt? Cái người ngồi chết trong hố nước có còn ngoi ngóp nổi lên trong tâm trí anh không? - Kiên vẫn thường hỏi vậy như là tự hỏi mình.
Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu, có thể làm cho người ta bay bổng lên trong thời gian quá khứ, tuy nhiên với điều kiện không được dừng nỗi buồn chiến trận lại ở cụ thể một điểm nào, một sự việc nào, một con người nào, bởi vì khi dừng phắt lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự xé đau trong lòng, và nhất là đừng có nhớ chạm tới những cái chết. Cho đến mãn đời Kiên còn nhớ tới Quảng, người tiểu đội trưởng đầu tiên của mình. Bấy giờ là mùa khô năm 66, chiến dịch Đông Sa Thầy, và Kiên còn là lính mới, lần đầu dự trận. Suốt ba ngày đêm ác liệt quần nhau với bọn Ngựa bay, Kiên theo sát Quảng, được Quảng lẫn dắt, kèm cặp và thực chất là che chắn cho. Đứng, nằm, lăn, bắn, vọt tiến, chạy, nhất nhất Kiên theo Quảng. Nhưng rồi Quảng bị đốn ngã trên đường vận động chiến, khi toàn đại đội đang băng qua vùng rừng le dưới đồi 300 để áp sát bọn Mỹ đang từ trực thăng đổ xuống. Một trái cối 106 nổ tung gần như dưới chân, nhấc Quảng lên, quăng bổng theo đường vòng cung rồi giáng quật xuống. Kiên quỳ cạnh anh, luống cuống không biết băng thế nào. Bụng rách trào ruột. Nhưng điều đáng sợ là xương xẩu dường như gãy hết, mạng sườn lõm vào, tay lủng liểng, và hai đùi tím ngắt. Thế mà Quảng chỉ lịm đi một lúc. Có lẽ vì quá đau đớn nên tỉnh lại ngay. Vốn là một dân chài quê Móng Cái, Quảng cực khỏe, to cao, thô thiển và tốt bụng, tính tình liều lĩnh, trầm lặng, giờ đây anh rống lên:
- Đừng chạm vào tao… đừng băng nữa… Ô… ô… đừng… a…
Kiên vẫn loay hoay tìm cách bó nẹp hai đùi của Quảng.
- Thôi ôi thôi… Giời ơi…? Quảng nấc, mép ứa máu. Lịm đi một lát, Quảng cựa cựa đầu và lại mở mắt.
- Kiên… Kiên…
- Kiên! Bắn anh đi em… - Quảng khóc khe khẽ và gầm lên hung tợn - Bắn!
- Kiên, tao hạ lệnh cho mày giết tao mau! Trời ơi! Trời ơi bắn đi mà em, bắn! Bắn! Mẹ mày chứ, bắn đi, giời!
Trận đánh rung chuyển rừng cây. Kình! Kình! Kình! Cối nã dồn dập. Tiếng reo hò dội tới qua màn khói. Kiên run cầm cập nhưng vẫn cố băng bó cho Quảng. Vừa gắng gượng nhẹ tới quá mức có thể, Kiên vừa âm thầm hy vọng có thể là tiểu đội trưởng sẽ ngất đi mà nhãng khỏi cái đau rùng rợn đang dày xéo cả lên chính cả bản thân Kiên. Nhưng cái chết như muốn nhất định bắt Quảng phải tỉnh để chịu đến cùng sự hành hạ của nó.
Lát sau lại một trận pháo nữa dập tới cấp tập trong vài phút, xé toang vạt rừng thưa và lấp đầy đất lên hai người. Mãi sau Kiên mới moi được Quảng lên: Vẫn sống, vẫn tỉnh, mồm ứa máu nhưng còn thở, sủi bong bóng đỏ, mắt mở trừng như muốn mà không nhắm lại được. Và môi vẫn mấp máy gượng nói. Kiên cúi sát xuống, nghe:
- Thương anh đừng bắt lê lết mãi… Anh khổ quá rồi, xương gãy hết cả, ruột nữa… đứt hết… - Cái giọng lào thào lí nhí như thể tiếng của loài kiến mà đầy vẻ tâm tình của Quảng làm Kiên rùng rợn, ớn lạnh - Cho anh được chết đi… một phát thôi mà… là xong… nào.
Kiên giật mình. Bất ngờ, cực lẹ thu hết tàn lực, Quảng đưa cánh tay chưa gãy lên rút thoắt quả u-ét Kiên cài bên hông.
- Nào…! - Quảng cao giọng hầu như đắc thắng, hoan hỉ và cả cười lên nữa, ha ha, khàn khàn dễ sợ - Ha hà… nào, lùi mau! Kiên, lùi xa ra, nào! Hà hà… ha ha ha ha…
Kiên nhỏm dậy lùi, lùi, lùi, mắt dán vào cái mỏ vịt và vụt quay lưng, lao đầu chạy, chạy lướt qua cái lùm le gãy nát ngút khói. Ha ha ha… Tiếng cười cuồng loạn nức nở rượt sát sau lưng… ha ha ha ha…
Tôi nghĩ, có lẽ là loài quỷ rừng hay cười mà người Triêng gọi là ma ỏm. Hay là quỷ cùi? Nhưng không phải người cười là cái chắc. Rũ rượi. Sằng sặc. Vọng ra dưới đồi 300.
Chín năm sau, một người trong tổ hài cốt, khi nghe thấy tiếng cười điên rồ vọng lên từ phía đồi 300 bên bờ sông Sa Thầy, vào buổi chiều tối đã ngỡ rằng mình nghe thấy yêu quái. Anh ta hồi hộp kể. Mọi người xúm quanh, sa sầm.
- Chỉ cất lên trong chốc lát, nhưng tiếng cười làm tôi lạnh hết người. Nhưng mà tôi cứ thử liều lần về hướng phát ra tiếng cười. Chợt gặp một cái tràng hẹp khoanh một khoang giữa rừng. Mẹ kiếp, và tôi thấy gì… một túp lều. Thoảng gió qua tôi ngửi thấy mùi khét và mùi sắn nướng. Nghĩa là người. Nhưng… Các cậu hiểu không, trước cửa lều trong ánh nhá nhem tôi thấy một hình thù lồm xồm lông lá, đúng hơn là râu tóc quá dài, cởi trần, trần truồng đang ngồi trên một thân cây đổ nhìn thẳng về chỗ bụi cây tôi đang núp. Và tôi thấy, một quả lựu đạn các bạn ạ, ở trong tay hắn. Tôi bò lui. Hình như có làm động cành cây nên con ma để ý hơn, nó đứng lên, chăm chú nhìn, và đi tới. Tôi bật lên vùng chạy. Lập tức tiếng cười kinh dị khi nãy lại cất lên đuổi theo tôi.
- Hay là “xà niên”? - Một người phỏng đoán.
- Nhưng xà niên sao lại có vũ khí, với lại họ đâu có ở lều cũng không phải tàn tích của một bản làng nào vì chẳng hề có vết tích nương rẫy nào ngoài cái rẫy tự giác của lính ta. Mà nhất là người không ai cười như thế.
- Hay là thằng Tùng, anh Kiên?
- Tùng nào?
- Tùng điên chứ Tùng nào, ở vệ binh trung đoàn ấy, anh quên à. Nó hóa điên và bỏ vào rừng khi trung đoàn mình về chốt gần ngã ba đường 90 hồi năm 71 ấy. Rất gần khu vực này.
- À, Tùng… nhớ rồi. Cũng chả biết chừng, thằng đó lên cơn toàn cười. Nghe rất ớn. Người ta bảo rằng trong rừng có những mạch suối ma, uống phải nước của những mạch đó có thể mắc đủ thứ bệnh, kể cả bệnh điên. Nhưng Tùng thì điên do bị một viên bom bi lọt vào não, bác sĩ trung đoàn bảo thế.
Kiên nhớ là lần ấy trung đoàn bộ bị oanh tạc. Nhiều người chết và bị thương. Riêng Tùng hoàn toàn lành lặn. Chỉ có điều là Tùng kêu đau đầu lắm. Y tá cho thuốc cảm, chẳng thuyên giảm, càng đau. Rồi một buổi đêm các lán của cả trung đoàn bộ bị lay thức vì tiếng cười của Tùng. Phải rồi, chuyện đó xảy ra ở vùng này đây. Mọi người tổ chức vây lùng để đưa Tùng về cứu chữa. Nhưng người bệnh lẩn tránh rất tài. Thỉnh thoảng từ một lùm cây anh ta bật cười như để chọc dờn mọi người, nhưng mà tiếng cười ảo não và thương tâm vô cùng. Vờn đuổi, truy sục cả tháng trời rồi đơn vị để mất dấu tích của Tùng. Cậu ta mất hút vào rừng thẳm. Người ta bảo rằng, viên bi đã không chịu nằm yên ở một góc não mà trườn chạy, luồn lách đưa cơn điên vào tất cả những ngõ ngách trong đầu óc Tùng…
Tuy nhiên bây giờ nghe kể về tiếng cười ma quỷ ở góc đồi 300, Kiên ít nghĩ đến Tùng. Anh nhớ lại cái chết của Quảng. Cũng ở khoảng rừng này đây 9 năm về trước. Sự đau đớn như thế có thể từ thân xác ăn vào đất mọc lên thành cây thành rừng, gây nên những vang âm và những ảo hình không tan đi được về tấm thảm kịch. Nói chung, thời gian này Kiên đã bắt đầu tin tưởng vào những bóng ma, tin vào những ngọn gió âm hồn và những lời lẽ thần bí vọng lên từ đáy rừng âm u. Khi anh và những người trong tổ tiến tới gần túp lều thì bóng ma đã lên tiếng cười để ngăn lại. Tiếng cười dằn dữ như thể lời cảnh cáo.
- Anh là ai? - Kiên hỏi to - Hãy ra với chúng tôi. Chúng tôi là bạn. Chúng tôi tìm anh, chúng tôi đã tìm anh bấy lâu nay, khắp nơi.
Im lặng lan xa. Túp lều hoang, bãi trống, vùng cỏ xanh, rừng cây. Tiếng suối từ đồi 300 vọng tới nghe rì rầm như tiếng cầu nguyện.
- Chúng tôi muốn nói để anh hay rằng đã hòa bình rồi - Kiên lại lên tiếng, anh cảm thấy luồng mắt của cô hồn đang xói qua kẽ hở ở vách lều rọi vào mình - Hãy để chúng tôi đưa anh rời bỏ nơi hoang vu này.
Đáp lời Kiên là một chuỗi kinh khủng tiếng cười sởn tóc gáy. Có phải tiếng cười hay không, hay là khóc than, kêu gào, hay chỉ đơn thuần là tiếng hô hú điên loạn mất trí? Rền rĩ, rùng rợn, man rợ… Và, dường như không phải chỉ có một giọng cười. Bên dưới cái giọng khàn khàn là một giọng run run nho nhỏ cười nương theo.
Chờ, không biết là đã chờ bao lâu cho tới lúc tiếng cười kiệt hơi, Kiên bước tới, đi thong thả tới túp lều. Cái lều ọp ẹp rùng mình, Kiên và mọi người không ai kịp thấy rõ một cái gì. Từ trong lều băng ra phía sau, “họ” - nghĩa là không phải chỉ một cái bóng, vút lao đi bay biến và vô hình vào triền cỏ tranh cao lút đầu.
Thảng thốt một tiếng chim kêu lên. Vệt cỏ gianh rẽ giạt trườn lướt đi.
- Kìa! - Một người thốt lên đờ đẫn.
Ở nơi bãi gianh tiếp giáp rừng le, hiện thoáng lên chỉ trong tích tắc một bóng ma rách bươm, uyển chuyển và huyền bí, lướt ngang luồng ánh sáng rồi mất hút đi với mái tóc đen dài xõa bay. Còn một bóng ma nữa nhưng do rạp cúi xuống chạy nên chỉ lộ cho mọi người vụt thấy một cái sống lưng đen cháy như lưng vượn. Ảo giác và cảnh thực đan xen lẫn vào nhau như hai vòng sóng giao thoa trên nền xanh thẫm tối của thảm rừng. Thẫn thờ, rời khỏi khoảng rừng trống, bọn Kiên để lại trước cửa lều một hòm lương khô chứa ít gạo, muối và thuốc men. Nhưng, mấy bữa sau trở lại đó thì buồn thay chỗ quà vẫn nguyên đấy chẳng được ai đụng tới.
- Họ nghi có cạm bẫy - Một người nói - Họ sợ.
- Họ ư? Có nghĩa là người à?
Qua lỗ hổng hẹp dùng làm cửa ra vào, mọi người luồn vào bên trong lều. Chỗ nằm trải những giát lồ ô có phủ bên trên một lượt cỏ Mỹ làm đệm. Ba tảng đá kê lên thành một chiếc bếp ở góc lều. Vương rắc xung quanh bếp, vỏ sắn và lõi ngô. Bầu không khí hăng hắc mùi khói và lờ lợ một thứ mùi người.
- Đây này… - Kiên nói, gần như thành kính nhặt ở đệm lên một cái lược làm bằng nhôm máy bay. Kẽ lược giắt những sợi tóc rất dài và mềm.
- Nghĩa là không phải ma. Không phải xà niên.
- Nhưng là ai? - Một người thì thào - Là ngụy hay là lính mình đào ngũ sống ẩn trong rừng?
Không ai trả lời. Và trong một thời gian khá lâu sau đó cả tổ đã cố công tìm kiếm. Nhưng cặp uyên ương mất trí ấy đã được rừng che chắn trong vòng huyền hoặc. Mặc dù thỉnh thoảng trong gió hình như vẫn nghe văng vẳng họ cười song chẳng thể nào định hướng được để tìm đến. Một lần một người trong tổ nói là đã nom thấy chính người đàn bà nọ ở bờ sông dưới bóng chiều chạng vạng, đang tắm. Khi anh ta tiến gần lại thì người ấy bật lên cười, vẫn chuỗi cười rất rợn ấy và lập tức biến mất, không biết là biến vào các lùm cây ven bờ nước hay là biến vào trong sóng.
- Hình như chị ta còn lại có một mình. Người kia có thể là đã lưu lạc ra xa khỏi vùng này. Nhưng có lẽ chị ta không hoàn toàn cô lẻ. Tôi ngờ là chị ta có mang.
Chắc là do tưởng tượng ra thế thôi. Chắc anh ta cho rằng có thêm một đứa bé, một hài nhi tham gia vào thì câu chuyện tối tăm điên dở mịt mờ không lối thoát này sẽ đỡ thương tâm, sẽ có hương vị hy vọng và sẽ thành ra một chuyện có hậu. Bởi vậy anh ta nói thêm:
- Bệnh điên sẽ không nhiễm sang đứa bé. Và nó sẽ lớn lên. Người ta sẽ tìm ra, hoặc là chính nó sẽ tìm thấy mọi người.
- Thì cũng đành hy vọng thế - Một người khác nói - Phải có một lối thoát chứ. Cảnh ngộ này và những cảnh ngộ tương tự. Chưa nói tới những cảnh ngộ kinh khủng hơn.
Những người chết chẳng hạn. Phải rồi. Cả những người chết. Họ cũng phải được cứu rỗi bằng một cánh nào đó. Phải rồi. Kiên nghĩ. Mình, chính mình, sau từng ấy năm trời đã trở nên hoàn toàn sa đọa, đã trở nên thác loạn, đã ngập chìm trong tủi nhục, oán hờn và lú lẫn. Nhưng là người thì không thể thế mãi. Phải có được một con đường nào đấy để tự giải thoát chứ. Nhưng là con đường nào và đến bao giờ thì mình tìm được con đường ấy?
Còn chuyện này thì không phải ở Tây Nguyên mà là ở Sài Gòn. Ấy là vào buổi đầu chiều ngày 30 tháng Tư. Cuộc chiến tranh trong cuốn tiểu thuyết dang dở và bị xếp xó của Kiên mặc dù rã ra thành nhiều mẩu vụn rời rạc, những tàn tích, những dấu vết, cùng những bằng chứng, những sự kiện của ảo giác, nhưng cuộc chiến ấy cũng đi tới ngày thắng lợi. Trời đổ mưa. Phải, trong cái ngày hùng tráng ấy - Ngày toàn thắng - ở Sài Gòn sau buổi trưa khốc liệt bốc lửa giời đổ tắm một cơn mưa rào. Chừng nửa giờ thì tạnh, mặt trời xua tan mây và hiện ra sau màn khói. Các ổ đề kháng cuối cùng của biệt kích dù trong phi trường Tân Sơn Nhất đã bị dứt điểm. Kiên từ mé bên đường băng chính lê bước trở về nhà ga sân bay để tìm trung đoàn của mình. Đội trinh sát thế là chỉ còn một thân anh sống sót. Ở mạn trung tâm thành phố tiếng súng chỉ thiên bắn lên như hóa rồ, nhưng ở đây, trong sân bay yên ắng lạ lùng. Những đám cháy vẫn nhả khói song không khí được trận mưa làm dịu như nhuốm một vẻ mơ mơ màng màng. Khắp sân bay lính tráng vạ vật, lăn lóc ngủ. Chiến quả đầu tiên của binh sĩ là thế, là ngủ. Kiên thất thểu bước qua một dãy xác quân thù ướt mèm nước mưa rồi uể oải leo lên mấy bậc tam cấp bước lên thềm nhà ga lát đá hoa đen bóng lộn như sơn mài. Đâu cũng chỉ thấy lính đang say sưa giấc nồng. Nằm trên bàn, trên quầy rượu, quầy bán vé, trên ghế băng, trên bậu cửa sổ, ngủ vùi trong xa lông. Tiếng ngáy như đồng ca làm Kiên thêm díp mắt. Anh ngồi phệt xuống bên ngưỡng cửa phòng Hải quan châm một điếu thuốc. Chưa được hai hơi, điếu thuốc hẫng rời khỏi tay. Kiên dài người nằm ra nền đá hoa và tức thì ngủ ngay. Nhưng hình như mộng mơ chẳng được lâu, tiếng ồn ào, hơi lửa nóng và mùi thức ăn đã thổi Kiên dậy. Chống tay, anh nặng nhọc ngồi lên. Ngay cạnh chỗ anh nằm một tốp lính tăng đang chầu quanh một bếp lửa đùng đùng cháy bằng đệm mút và những lát gỗ đánh véc ni. Họ đun một món gì đó thơm ngậy trong chiếc nồi to bự.
- Ái dà, thính mũi gớm! - Một tay trong bọn liếc Kiên - Mà cũng phải, thơm kinh khủng hả? Dậy khớp đi. Món này đáng khớp lắm. Tụi ngụy gọi là mì ăn liền hay ăn liều gì đấy.
- Mẹ kiếp, đã là gì. Khớp mau rồi còn đi kiếm. Đ.mẹ, “đồ cổ” mà không mò nhanh thì nhẵn như chùi với tụi bộ binh! À quên, xin lỗi bạn bộ binh nhá. Mà bạn ơi, bạn biết kho bưu phẩm nằm ở mô không?
- Biết!
- Tuyệt? Ăn xong hướng đạo cho bọn tớ nhé. Xe tớ bao lâu rỗng tuếch, không xơ múi được chiến lợi phẩm nào. Mà kia, ới giời, cái cậu này. Nằm cạnh xác chết, lại xác đàn bà cũng ngủ nổi. Không thấy tanh à?
Kiên hờ hững ngó ra sau. À, một cái xác. Một cái xác đàn bà trắng hếu, ngực ưỡn dựng lên, chân dạng ra như hai lưỡi kéo, mái tóc đổ xõa che lấp nửa khuôn mặt, nằm gần như chắn ngang trước cửa phòng Hải quan. Còn trẻ, mắt nhắm hờ. Dưới lưng không thấy vũng máu.
- Lúc nãy buồn ngủ quá đếch để ý, - Kiên nói. - Để kéo dịch ra xa cho đỡ chướng vậy.
- Thôi, sắp khớp rồi, động tay vào làm gì. Kệ nó, trước cửa hòa bình mà rờ mó xác chết xúi quẩy cả đời.
- Mà sao nó lại truồng ra thế nhỉ?
- Chả hiểu. Hồi trưa xe tớ sục vào đây hạ chết mấy thằng dù đang nằm chết ngoài sân kia, tớ đã ngó thấy bà nàng nằm thế này rồi. Mà lạ nhỉ. Mấy thằng dù thì đã inh mùi ngay lên rồi mà ả này vẫn tươi tỉnh thế. Có lẽ đàn bà họ sạch nên lâu rữa.
- Im đi mày, cái thằng, ăn uống mà cứ nói thiu nói thối. Bất nhã quá thể.
Chợt có tiếng xô đổ, tiếng kéo lê, rồi tiếng chân huỳnh huỵch. Một gã hộ pháp, đội mũ sắt, có lẽ là lính cao xạ, từ trong phòng Hải quan đi ra, khệ nệ khuân trên tay hai két bia 33. Bước qua ngưỡng cửa, mắt nghếch lên, gã vấp phải cái xác, bị xô chúi tới, ngã sấp. Cả đống bia giáng sầm xuống, loảng choảng chai vỡ tan, bia óng ánh vàng tuôn lênh láng. Đám lính tăng cười rộ. Kiên nhếch mép. Sượng sùng, gã sục “đồ cổ” nhỏm dậy, tức tối vò hai nắm đấm gườm gườm nhìn những kẻ đang cười nhạo mình. Rồi nhổ toẹt, hầm hầm cái mặt, hắn sấn lại đá tới tấp vào vật vừa ngáng chân hắn. Vừa đá, vừa rống lên:
- Đ. mẹ mày, con đĩ? Mày ưỡn của nợ ra đây cho chúng nó ngắm à. Mày gài mìn bố mày? Tổ sư mày, cười cái cắc củ? Đứa nào thích ngắm nghía mày thì kệ bố mày, bố mày cứ dọn phắt mày đi?
Chửi đoạn, thằng cha “Chí phèo” túm lấy một chân người chết xềnh xệch kéo lết đi. Tất cả những người đang ăn và đang cười đều như bị vút một roi, đờ hết ra. Không chút nương tay, thằng khốn nọ lôi xác cô gái xuống bậc tam cấp. Tóc tai xõa tung, gáy và sọ xác chết nảy bình bịch như trái banh.
- Trời ơi? Ai đó nấc lên.
Thằng chó má dã man kéo sền sệt cái xác khốn khổ qua mặt sân bê tông loáng sáng nước mưa và nắng chói, rồi hù, hắn choãi chân vặn lưng lấy đà, quăng mạnh, liệng bổng người ta lên. Xoay lộn một vòng trong nắng, cái xác trắng rợn bay chênh chếch, rơi thịch xuống cạnh mấy cái thây lính dù chưa ai dọn. Lưng vừa chạm đất, người đàn bà chết ngồi bật dậy, hai tay đưa vung lên, cái miệng tuồng như há ra chực kêu rồi ngã vật nghiêng, đập đầu xuống. Tên súc sinh khệnh khạng bỏ đi, tay khuỳnh khuỳnh ra dáng người hùng.
Mấy người lính tăng vụt đứng cả dậy chạy xô hết xuống sân. Kiên bối rối, lập cập chạy theo họ.
- Đồ súc vật đểu cáng! - Người trưởng xe cao lớn, đầu quấn băng rít lên, giật phăng khẩu AK khỏi vai. Kiên xốc nhanh lại, chộp cái ốp che đẩy ngược súng lên. Vừa vặn đạn tuốt khỏi nòng. Toàn đạn vạch đường, trọn cả băng xả chếch lên trời. Các tút nóng rẫy tạt tới tấp vào mặt Kiên.
Lúc này khắp phi trường tiếng súng ăn mừng đã loạn lên. Lính quan rầm rập, nườm nượp. Người chạy tới người chạy lui khiêng dỡ, đập phá ầm ầm ào ào, nhốn nháo như chợ. Thành thử chẳng ai để ý sự cố xảy ra. Ngay cả tên đội mũ sắt cũng không hề hay biết là vừa bị cái chết mười mươi sờ gáy.
- Thế nào, chẳng lẽ chỉ vì thế mà cậu định giết nó à? - Kiên sửng sốt.
Chẳng nói chẳng rằng người đã bắn giật thân súng khỏi tay Kiên và trừng trừng nhìn anh một cách hung hãn và thù địch. Hắn làm sao vậy nhỉ, Kiên lạ lùng nghĩ. Anh nói:
- Con ấy chắc chả phải dân thường. Có lẽ là lính thông tin hay không quân gì đấy.
- Cậu câm đi?
- Cái gì?
- Cậu nói ngu lắm? Nên im đi thì hơn.
Kiên vằn mắt, nắm tay lại, điên tiết muốn quại.
- Ôi thôi, thôi mà. Chín bỏ làm mười, ngày vui thắng lợi các bố ơi - Anh em nhà tăng cả.
- Bây giờ bỏ “đồ cổ” đấy đã, - Một người đề nghị - Ta xúm tay vào dọn dẹp chỗ xác này đi cho nó mỹ quan là hơn chứ can gì mà nổi khùng vì cái thằng ôn dịch ấy.
- Nhé, dọn họ đi nhé. Nói chung họ cũng là người. Lấy ri đô và rèm cửa liệm qua cho họ. Còn cô gái thì ta phải lấy vải bận vào cho cô ấy… Khối quần áo đàn bà ở va li đằng kia. Để tớ đi lấy. Cậu nào biết búi tóc thì búi vào cho cô ta.
Kiên nén giận ở lại dọn dẹp cùng với họ. Gần tối mới xong. Tất cả các xác chết đều được khâm liệm và được khiêng ra nằm thành dãy ở rìa đường băng để đợi ô tô tới rước. Cô gái được mặc quần áo đẹp, tóc được búi và mặt mày được rửa.
- Thế là xong! Mẹ nó chứ, vĩnh biệt một thời?
Một người lính tăng chửi thề một cách trang trọng. Mọi người cũng cất mũ.
- Bỏ quá cho tớ nhé, - Người lính đầu quấn băng ban nãy đã sừng sộ với Kiên bây giờ xin lỗi - Bọn tăng chúng tớ nói thật là rất ngợp xác chết. Xích xe còn kẹt khối những mẩu người, phải có sông suối mà lội hẳn xuống thì vỏ xe mới hết thối. Thế nhưng thấy cái thằng khốn nạn nó hành hạ thân thể một con người như thế không chịu nổi. Lại là một người phụ nữ. Giết nó đi là may cho đời. Cơ mà… nếu không có cậu thì tớ đã gây án mạng biến mình thành sát nhân. Vì dù sao thì cũng hòa bình mất rồi. Với lại cho thằng ấy ăn đạn thì cũng vô lý lắm. Chúng mình mà lại chẳng gỗ đá thế hay sao? Ăn uống ngủ nghê ngay cạnh một thi thể con người mà cứ như không. Lại còn biện luận lính hay dân…
- Thôi đủ rồi?
- Không, mình nói thật lòng đấy. Chính cái thằng cục súc hồi chiều nó đã cảnh tỉnh cho chúng ta: Hãy coi chừng mà xem lại nhân tính.
Kiên cau mặt, quay ngoắt, bỏ đi. Nhân tính! Một trò lạ đấy nhỉ. Anh nhớ lại cái chết của Oanh cách đây hơn một tháng, vào buổi sáng hôm trung đoàn đánh vào Ty cảnh sát Buôn Ma Thuộc. Nhân tính! Mẹ kiếp? Bọn cảnh sát văn phòng chống cự hăng không kém bọn lính chiến. Bắn nhau gần một tiếng đồng hồ quân ta mới thọc được vào tòa nhà chính. “Cứ áo trắng mà giết áo vàng có thể tha?” Truyền miệng như thế, chẳng biết lệnh ban đầu ai hô lên.
Nháy cò mỏi tay mà áo trắng vẫn túa ra từ các phòng như cò loạn tổ. Kiên và Oanh, hai thằng trị xong được ổ trung liên trấn đầu cầu thang tầng ba, cùng nhau vọt lên. Dọc hành lang, cứ mỗi phòng tống cho một quả u-ét. Bọn cảnh sát dùng súng lục đáp lại tiểu liên và lựu đạn chứ không chịu hàng. Kiên nhớ đấy là căn phòng cuối cùng hành lang dài suốt dọc tầng ba. Cánh cửa bọc da màu nâu bật mở trước khi Oanh và anh xông tới. Ba cái bóng bận quân phục màu trắng lao ra như ba làn chớp liều mạng bổ tới cầu thang lên gác tư.
- Đàn bà? Đừng bắn…! Oanh rú lên.
Họng AK của Kiên vẫn kịp quất một loạt ngắn. Pầm, pầm, pầm. Ngừng bắn. Kiên thét to một cách máy móc: “Hàng thì sống chống thì chết!” Ba người đàn bà vận váy áo cảnh sát khuỵu xuống hành lang trải thảm xanh. Những búng máu màu mận chín vọt lên như vòi phun. Nhưng chỉ hai người dính đạn chết tươi, người thứ ba ngã ngồi vào chân tường. Kiên và Oanh nhảy một bước xáp tới. Không khí sặc mùi khói đạn và mùi máu mà vẫn không át hơi nước hoa. Mái tóc uốn của cô gái xõa xuống mặt nhưng cô vẫn đưa tay lên che mắt. Đôi môi đỏ chót son méo xệch mếu máo. Cả tòa nhà lúc này inh tai nhức óc tiếng súng, tiếng lựu đạn, tiếng hò hét, tiếng chạy sầm sầm. Kiên tiến vội đến đầu cầu thang. Anh nói rất nhanh với cô gái trẻ đang từ từ đứng dậy:
- Đi xuống sân, đưa hai tay lên cao, sẽ không ai bắn!
Oanh vội vã xách cái ba lô cóc lộn ngược nhét đầy lựu đạn mỏ vịt như cái túi ổi chạy nhào theo, bám sát Kiên. Thực ra, Kiên không nghe thấy tiếng súng lục giữa bốn bề đinh tai tiếng súng máy, cũng không nghe tiếng kêu trúng đạn của Oanh, tai anh ù đặc. Và có lẽ Kiên thoát chết vì khẩu P38 trong tay cô gái đã bắn hết kẹp đạn hoặc đột nhiên bị kẹt… Anh hơi nép vào tường ngoái lại chỉ định bảo Oanh đừng vội xông thẳng lên cầu thang ngay, phải dùng lựu đạn áp đảo ở bên trên đã. Nhưng…
Lưng của Oanh đã hứng trọn cả mấy viên đạn mà kẻ bắn lén kia đã kịp bắn. Cô ta cầm súng bằng cả hai bàn tay, đứng khom khom chĩa nòng vào thẳng mặt Kiên. Khoảng cách mười thước, khoảng cách chắc chắn Kiên phải chết. Cô ta bóp cò. Họng súng chiếu tướng Kiên rồi không ngờ lại nín thinh. Kiên bắn. Nhưng điều kinh khủng là anh đã tiến tới gần rồi mới bắn. Mặt đối mặt. Bắn trả thù. Và kinh khủng hơn thế là khi bị cả chừng nửa băng đạn xô vật ra, cô ta vẫn còn thúc cùi tay xuống sàn và ngóc đầu lên, như toan ngồi dậy, Kiên bắn bồi luôn, không phải một phát mà là trọn nửa băng nữa. Những đầu đạn cỡ 7,6 ly quật đôm đốp vào nền đá hoa dưới lưng tấm thân vận bộ đồ trắng đã đỏ lòm. Kiên ôm bụng ngồi thụp xuống cạnh bốn cái xác và run bần bật ọe khan. Mười năm đánh nhau, từ thuở là tân binh tới giờ anh mới bị một lần như thế… Nhân tính! Tình người…? Kiên cười gằn vung tay liệng chai Brandy vào tường. Suốt đêm anh lang thang trong phi cảng xem lính tráng vét “đồ cổ” nhập hội ăn nhậu đập phá. Cuộc hoan lạc ào ạt song ít vui, đúng hơn là tuyệt nhiên chẳng vui một chút nào. Bàn ghế bị xô đổ, đập nát, chẻ băm ra, ngổn ngang, lổng chổng. Giấy má tiền bạc tung tóe bay. Ly cốc bình tách bằng sứ bằng thủy tinh bị đập vụn. Chai vỡ từng két xối tràn suối rượu xuống tưới đẫm các tấm thảm. Và tiểu liên, súng lục đua nhau nã vung vít lên trần bắn rụng các đèn chùm. Ai nấy thả sức uống. Say khướt. Phần đông dở khóc dở cười. Có tay rống lên rồi nức nở và sặc nấc như dậy cơn tâm thần. Hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui. Kiên ngồi trong căng tin của hàng không Pháp, gác chân lên mặt bàn lặng lẽ uống. Ly này tiếp ly khác, ực một hơi cạn mà mặt chẳng nhăn. Kiểu uống man di. Kiểu uống chửi cha cuộc đời. Nhiều người đã đổ kềnh anh thì mặc kệ vẫn tì tì thả phanh. Đêm lạnh lùng. Đêm kinh khủng. Khắp phi trường, từ ngoài đường băng vào đến trong nhà ga, tiếng súng rầm rộ quay lồng tràn lên trên mọi tiếng ầm à khác. Pháo hiệu xanh, đỏ, vàng, tím, cùng những loạt đạn vạch đường làm ửng hồng vòm trời. Dường như một trận động đất, dường như một cuộc đại náo thiên cung. Không thể nào không rùng mình cảm thấy rằng ra đi cùng với ba chục năm trường chiến trận là cả một thời, là cả một thế giới với biết bao nhiêu là cuộc đời và số phận, là sự sụp đổ của cả một góc trời cùng đất đai và sông núi. Còn Kiên, trong bầu không khí càng gần về sáng càng huyên náo anh cảm thấy sâu sắc cái lặng yên ghê gớm của ban mai hòa bình đang ruổi tới ngược chiều với bóng đêm. Và anh đột nhiên thấy tràn ngập trong cảm giác cô đơn trơ trọi. Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây. Về sau, mỗi khi được nghe người ta kể hoặc được xem phim, được thấy cảnh ngày 30 tháng Tư ở Sài Gòn trên màn ảnh: cười reo, cờ hoa, bộ đội, nhân dân, nườm nượp, bừng bừng, hân hoan, hạnh phúc… tự nhiên trong Kiên cứ nhói lên nỗi buồn pha cả niềm ghen tỵ. Cũng như họ, cũng trải qua những cảnh tượng không thể nào quên của chiến thắng, mà đám lính chiến tụi anh lại không có được tâm trạng sáng choang, bay bổng, ào ào sướng vui như họ là cớ làm sao? Tại sao cảm giác ngột ngạt lại đến với bọn anh quá sớm như thế, hầu như là chưa nhấc kịp chân ra khỏi chiến hào nữa kia?
Bữa đó anh uống suốt đêm nhưng mãi đến sáng đầu óc anh mới bắt đầu sóng sánh. Những bức tường kính như tan thành khói, nền nhà uốn sóng, dập dềnh. Thốt nhiên, Kiên sững người. Cô gái hôm qua nằm chết trần truồng ở ngưỡng cửa Hải quan, giờ đây đã dứt bỏ tấm vải liệm bằng rèm cửa sổ, và cả bộ đồ người ta mặc vào cho cô trước lúc đem đi chôn cô cũng rũ tuột, lõa lồ khủng khiếp bơi tới với anh. Bộ ngực trắng bệch, mái tóc xòa rối rũ rượi, cặp mắt huyền đầy kiến, đôi môi méo mó nở nụ cười vàng ệch kinh khủng. Song Kiên không thấy sợ, không thấy ghê tởm trước cái ảo giác lạnh cứng này, trái lại. Thương xót não nề, tim anh thắt đau. Đây là một con người đã bị giết hại và bị lăng nhục, một thân phận bị chính Kiên coi rẻ và xổ toẹt.
Không được quên, không được quên tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này, số phận chung của chúng ta, cả người sống lẫn người chết!
Như bị roi quất vào lòng, đau đớn và mê loạn, chới với, Kiên những muốn ôm lấy bóng ma người đàn bà vô thừa nhận ấy. Và nghẹn ngào say, anh thiết tha an ủi vong hồn bất hạnh bằng những lời tối tăm mù mịt vì đau khổ. Và nói ra thật khó lòng ai tin nổi: theo năm tháng dần dần nỗi ám ảnh và niềm oan khốc cuối cùng ấy của chiến tranh đã thành ra như là niềm thương nhớ tuồng như cô gái Tân Sơn Nhất ấy đối với Kiên vốn dĩ không phải là một tử thi mà thật sự là một người đàn bà anh được gặp một lần duy nhất trong đời vào thời trong lòng những cái gì đã chứng kiến, đã nghe thấy về người chủ của những bản thảo chứa nặng điềm gở ấy, cũng như sẽ giữ mãi niềm hy vọng còn gặp lại anh.
*
* *
Chị mới dọn đến ngôi nhà được vài năm nay. Cái tầng thượng của ngôi nhà ba tầng cũ nát, bao nhiêu năm bỏ không cho chuột bọ, người ta sang sửa gọi là để chị ở. Mỗi mình phòng chị trên tầng đó. Trên đấy có ma, nghe người ta kháo thế nhưng chị chẳng hãi vì chính chị cũng mang dáng dấp một bóng ma. Chơ vơ cô lẻ. Một mình một bóng, sáng đi tối về, nhẹ chân kín tiếng, và mặc dù còn trẻ nhưng do một mực nín thinh nên hầu như chẳng tiếp xúc với ai, chẳng ai rõ lai lịch hoàn cảnh. Trước khi trở nên đậm tình nghĩa với Kiên, chị cũng đã đôi lần gặp anh trên cầu thang hẹp. Một cách uể oải, anh khẽ nhếch mép cười và gật đầu với chị. Ấy là những khi có hơi men. Còn khi tỉnh táo thì hoặc ậm ừ trong họng một lời chào hoặc cụp mắt xuống, không nhìn, thậm chí chẳng buồn nhường lối cho chị. Người anh cao, vai rộng, nhưng gầy, nước da xấu, cổ lộ hầu, khuôn mặt nhìn nghiêng nhìn thẳng đều không đẹp, thô cứng, sớm dày nếp nhăn, thần thái mệt mỏi, rượi buồn. Loáng thoáng chị biết anh đã tứ tuần nhưng vẫn sống độc thân và người đàn bà anh hằng yêu vốn là người bạn học từ thời thơ ấu, hiện vẫn ở sát buồng anh, là một phụ nữ tài sắc tuyệt vời. Chị cũng nghe nói anh là một nhà văn?
Tay nhà văn của phường chúng tôi kia kìa! Vẫn nghe dân phố này họ nói thế nhưng chẳng hiểu nói như vậy là họ tự hào hay họ cười cợt, họ thương hại. Chị thì chị thấy cái tánh danh “nhà văn” ấy nó làm sao ý, như thể là một thứ tai tiếng. Lại nghe mấy ông bộ đội cũ trong phố gọi anh là Thần Sầu chị ngỡ Thần Sầu là một bút danh. Nghĩa là… do một linh cảm nào đó, không phải là chị đã không sớm có vài ba nghĩ ngợi và nhận xét về anh, đồng thời chị cũng có cảm giác mơ hồ là anh để ý tới chị, vì sao thì không biết, nhưng có để ý. Dĩ nhiên có thể hoàn toàn đơn giản là anh tò mò như mọi người trước một người câm. Rồi, một tối nọ, mùa hè, anh lên, gõ cửa, cạch một tiếng và cạch tiếng nữa. Đã muộn, lại ngửi thấy mùi rượu, chị ngần ngại nhưng rồi cũng mở cửa. Tính chị dễ rụt rè, nhút nhát nhưng chẳng ngán sợ bất cứ thứ gì ở đời, nghĩa là luôn gan góc một cách đầy cam chịu.
- Tôi… Kiên lúng búng, không rõ là lên tiếng chào hay muốn phân bua về sự đường đột, nhưng chị đã mở rộng cửa và né sang bên, tỏ nhã ý xin mời vào.
Loạng quạng, Kiên làm đổ chiếc ghế tựa.
- Không sao… Anh nói và ngồi phịch xuống giường chị. Dựng ghế dậy, chị ra hiệu cho anh lại ngồi ở ghế bên bàn.
- À, vâng, xin lỗi… - Anh ấp úng, đứng dậy, bước đến - Chị đừng sợ…
Khuôn mặt Kiên biến dạng vì ngấm say, môi run run, mắt mờ dại, đùng đục, nhưng ấy thế mà nom hiền và dễ gần. Chị rót một cốc nhân trần đưa mời. Anh uống cạn và như phần nào tỉnh ra, dịu hơn, ngồi thẳng lên đưa mắt nhìn chầm chậm quanh căn phòng nhỏ hẹp, nghèo nàn, rỗng trống của chị.
- Trên này… - Kiên nhả tiếng, gắng không vấp lưỡi - Hè nóng, sang đông thì lạnh. Gió lùa. Tôi biết… Xưa, đây là xưởng vẽ của cha tôi. Ông vẽ… và nhiều chuyện khác nữa… chị hiểu không?
Gật đầu, rồi lắc đầu, chị mỉm cười và với vẻ tin cậy hơn, ngồi xuống chiếc ghế cạnh ghế anh.
- Họ bảo trên này nhiều ma. Không phải đâu. Họ đấy. Những người trong tranh… Trước khi mất cha tôi làm lễ phóng thích cho họ ra khỏi mặt vải. Ông đốt. Một nghi lễ cuồng tín man rợ. Dấy loạn. Chẳng bức nào còn…
Im lặng, anh gõ ngón tay vào trán, cố nhớ ra một cái gì đấy rồi lại nói:
- Khi cha mất, tôi đi biệt mười năm. Trở về, tôi nghĩ: hay là dọn lên trên này? Nhưng tôi sợ, không phải sợ ma quỷ. Ma thì tôi có đủ dùng rồi. Tôi sợ thấy lại cái đêm cha tôi ngồi đốt tất cả sự nghiệp của ông. Và tôi sợ phải nhớ lại từ đầu. Nhớ từ đầu, rồi phải nhớ lại tất cả.
Mặc dù chẳng hiểu gì, nhìn cái bóng Kiên in trên tường, tự nhiên chị hình dung một ông già ngồi nhóm lửa bằng những bức họa của ông, hai mươi năm về trước.
- Thế rồi chị tới. Chị không sợ. Chị là ai? - Lưỡi Kiên líu lại các ý nghĩ như sắp lộn ngược - Trừ phi là nhầm, tôi nhớ ra chị là ai. Tôi… một là muốn chị đổi phòng. Tôi lên, còn chị xuống đó. Hai là, chúng ta làm quen nhau. Nhớ lại nhau. Tóm lại…
Chị lờ mờ hiểu rằng, lúc này ít nhất là do say, anh đang lẫn chị với một ai đó, nhưng chị là người không có khả năng cải chính. Anh đặt bàn tay to và nặng, thô như bàn tay thợ lên bàn tay chị, khẽ bóp lại, và nói với giọng dậm dọa:
- Trong tiểu thuyết tôi đang viết có chị. Hiểu không? Chị có hiểu không? Cho nên chị giúp tôi nhớ lại. Bây giờ tôi rất cần nhớ lại từ đầu. Nhớ lại tất cả. Nhớ bắt đầu từ cái sân thượng này…
Chị cứ để mặc cho anh nói, anh kể. Những người say cần được tự do. Và chị cứ để bàn tay cho anh nắm, xiết, vầy vò đến đau nhói, đỏ tấy lên. Tới khi Kiên rũ gục xuống mặt bàn, ngủ thiếp đi thì chị cũng đã mệt lả. Chật vật mãi mới gỡ được tay ra…
Bẵng đi một thời gian lâu. Chị không nom thấy anh mặc dù đêm đêm cửa sổ phòng anh vẫn sáng đèn. Rồi một bữa chị gặp anh ngoài cổng. Tuồng như Kiên vừa đi xa về, gầy hơn, già hơn, lầm lì. Chị mỉm cười, gật đầu chào anh trước. Kiên ậm ừ gì đó, nhìn chị vẻ ngạc nhiên lạ hoắc. Chị thấy nhói trong lòng. Hiển nhiên là anh đã quên bẵng, lững lờ, gạt chị về với sự câm lặng của chị.
Song, thình lình, một tối nọ lại có tiếng gõ cửa cạch cạch. Lại mùi rượu. Lại một ma men. Còn chị thì lại nhẫn nhịn ngồi hầu chuyện, tay trong tay như thế và vẫn hoàn toàn chẳng hiểu thế giới ngôn từ của con người quái nhân này. Và rồi lại một thời gian bặt bóng anh.
Sau đó, lại bỗng một đêm… lặp đi, lặp lại. Nhưng rõ ràng là chỉ lúc say Kiên mới nhớ tới chị. Chỉ khi đã tự phục rượu cho mình tới một mức đủ điên rồ nào đó anh mới cần tới chị. Anh lần lên cầu thang như trí nhớ mò mẫm theo một rãnh mờ trong não. Và lại chuỗi dài những câu chuyện vừa kinh khủng vừa mù mờ. Trong khoảng thời gian trước khi kềnh nghiêng xuống mặt bàn thiếp đi, anh ngồi kể. Mặt sa sầm. Giọng khàn khàn, độc thoại. Có thể là chậm hiểu nhưng rồi mãi chị cũng hiểu ra, những chuyện lòng thòng anh kể hằng đêm là những gì anh đang viết. Do một nhu cầu mới nảy sinh, kỳ quặc và tham lam, anh cần chị ngồi thu âm các ý nghĩ, các trường đoạn của anh. Với cái thói ích kỷ cố hữu của đàn ông, cộng với lối ích kỷ đặc thù của dân làng văn, cùng cái lối ích kỷ ngây ngô của làng say, anh ta độc đoán hiếm hữu chị về mặt tinh thần còn thì bỏ lơi chị về mọi mặt, biến chị thành một thứ bản nháp. Đôi khi đau đớn, oán hận chị định thét lên, đuổi cổ anh đi, nhưng rồi ngay đến cả ú ớ cũng không. Câm nín, cam chịu và thực sự đam mê, chị như một loài dây leo quấn lấy cơn khủng hoảng của anh. Chị cần những buổi tối hiếm hoi đó, cần những cơn say bét của anh, cần được ngồi im lìm bên anh, bị anh xoay trái, xoay phải bàn tay, cần nghe anh khùng khùng kể lể và miêu tả. Chẳng hiểu gì mấy, đúng hơn là chẳng hiểu một tí gì, song tất cả những lời lẽ rối mù ấy của anh đối với chị mỗi ngày một thêm quyến rũ, như là bùa ngải, như là phép chài êm. Tất nhiên là dân tình bắt đầu xì xầm.
- Một mối tình buồn cười đấy nhỉ!
- Y không ngốc đâu. Con bé tuy câm và hơi hơi dở nhưng kháu ra trò.
- Họ thỏa thuận thế nào với nhau, một câm một khùng?
- Họ sẽ lấy nhau chứ?
Các bà thì thào. Cánh đàn ông phá lên cười. Song có nghe thấy thì chị cũng chả giận họ. Chỉ tủi, bởi vì giá mà như họ nói. Đằng này…
Chị chẳng là một cái gì cụ thể đối với Kiên. Anh lẫn chị với hết người này sang người nọ, cả những người chết với những hồn ma. Và anh chẳng biết gì cái sự tình rằng chị là đàn bà. Chị thừa biết là anh lên đây trong những cơn say không phải đơn thuần vì rượu mà còn vì mê lú bởi yêu mê mệt người đàn bà nọ, bởi khổ sở, tuyệt vọng trong mối tình ấy. Đến bây giờ thỉnh thoảng chị vẫn phải sống lại trong lòng cảm giác kinh hoàng tủi hổ đã phải trải qua vào cái đêm vì không cưỡng được bản thân, chị đã hôn anh. Đêm ấy là đêm duy nhất Kiên lên thăm chị mà gần như không say. Chỉ một chút lơ mơ thôi. Anh rụt rè, ngồi im. Dường như anh muốn nhường lời cho chị tối ấy. Và thận trọng anh hỏi là chị có thể bút đàm không?
Chị lắc đầu, chị nghĩ là nên thế. Anh nói là anh đã viết gần xong cuốn tiểu thuyết. Rồi anh bảo, anh chẳng biết làm gì với núi giấy ấy. Đây là lần đầu anh thổ lộ với chị chuyện đó. Lời lẽ của anh giản dị, mạch lạc và rõ tiếng. Anh như một người hoàn toàn khác. Anh nói anh có thể sẽ đi xa, anh sẽ nhớ chị, nhớ căn phòng này.
- Phải, căn phòng này, xưởng vẽ của cha tôi. Và là nơi của nhiều chuyện khác nữa… - Anh nói.
Bất giác, anh xoay sang kể những câu chuyện của thời thơ ấu. Những kỷ niệm buồn buồn vui vui, sâu xa niềm nuối tiếc. Chị hiểu được tất cả những điều đó. Tự nhiên, theo giọng kể của anh chị đưa mắt ra cửa sổ nhìn vòm trời đầy sao, lắng nghe tiếng gió vuốt nhẹ mái tóc các hàng cây, và tiếng còi tàu hỏa từ đâu xa xăm gọi về…
Tuy vậy vẫn phải có cái gì ma quái trong những cảm giác lâng lâng trong lành đêm mùa xuân ấy chứ nếu không chị đã không để bị xô đẩy tới chỗ buông thả như vậy. Thình lình cắt ngang lời anh, chị chồm mình tới, choàng tay ôm lấy cổ anh, riết miệng vào môi anh hôn một cái hôn xoắn riết, nóng rực và ươn ướt. Chị dìu anh xuống giường. Kiên hét lên một tiếng rất trầm và vùng đứng dậy, xô bắn chị xuống sàn. Chị hơi né mặt, mình run cả vì sợ cả với niềm hưng phấn liều lĩnh, đợi một trận đòn hay nốt hành động nào đó cuồng dại nhất. Song Kiên đã lập tức chùng xuống, cặp mắt mờ hẳn đi. Anh bước giật lùi ra khỏi phòng và lần mò trong bóng đêm mất điện để xuống cầu thang. Lo lắng, buồn rầu át nỗi tủi hổ và niềm oán giận, chị theo sau anh, trông chừng anh cho tới lúc anh vào được buồng anh ở tầng hai, đóng cửa lại. Lúc ấy tình cảnh của Kiên làm chị nhớ tới một cảnh tượng đã thấy hồi nhỏ khi người hàng xóm mắc chứng mộng du bị người ta đột ngột kéo giằng ra khỏi giấc ngủ đang đều nhịp bước để ném quăng vào vực thẳm bừng tỉnh. Từ đấy Kiên không lên chỗ chị nữa. Chị bàng hoàng, ngơ ngẩn, buồn nhớ và thất vọng. Chị biết anh chưa đi đâu xa, như anh nói. Chị nghĩ hay là anh đã chừa rượu và sẽ chẳng bao giờ còn say nữa.
Một đêm, mất điện, chị rón rén xuống cầu thang tới bên phòng anh. Anh vẫn đang thức. Ánh đèn dầu vờn qua khe cửa. Biết phòng anh không khóa bao giờ, lấy hết can đảm, chỉ xoay nắm đấm, rồi lén lút mở hé cánh cửa. Ngạt thở. Mùi rượu, mùi khói thuốc và muội đèn. Chị như nghe thấy tiếng rên rỉ, nhưng chị không dám lách vào. Kiên ngồi bên bàn cắm cúi viết dưới ánh đèn dầu. Mê man. Cặm cụi. Tuyệt nhiên không cảm thấy ánh mắt của chị, không nghe thấy tiếng kẹt cửa. Không gì có thể làm anh sao nhãng những dòng chữ trên các trang của anh vào lúc này. Chị buột lên một tiếng thở dài nhưng mà anh cũng chẳng nghe thấy nổi. Và chị cứ đứng mãi như thế bên cánh cửa hé mở, cho đến lúc đêm tàn, dần dần một buổi rạng mơ. Thời gian trôi qua, nhiều tháng. Cuốn tiểu thuyết của anh hóa ra vẫn chưa thể kết thúc. Anh như bị nhốt trong lồng sắt của cuốn sách ấy. Và đương nhiên là chị thì anh đã quên bẵng rồi. Mùa hè. Mùa thu. Rồi mùa đông… Chị vẫn nhân những đêm bị cúp điện để được thấy anh qua khe cửa hẹp, âm thầm thành kính chị ngắm anh đang làm công việc bí ẩn và điên rồ của anh trong quầng sáng tối tăm, tóc dài ra, râu dài ra, rộc rạc, già đi từng giờ trong đêm.
Nhưng cũng có một lần chị bước vào trong phòng và khép cửa lại. Ấy là một đêm cuối mùa đông điện mất từ đầu tối, nửa đêm bỗng có lại. Hành lang chợt sáng bừng vừa trúng khi có bước chân ai đó lên cầu thang. Chị lách nhanh vào buồng. Khép cửa lại, chị đứng dựa lưng vào đấy thở dồn, tim đập mạnh. Phòng im phắc, lặng câm song không phải là Kiên đã đi ngủ. Cây đèn hoa kỳ đã cạn dầu, bấc nhô cao cháy đỏ như mẩu thép nung. Kiên không ở bên bàn mà quỳ cạnh cái lò sưởi ở trong góc. Lửa trong lò cháy không đều, bùng bùng lên rồi nhỏ lụi xuống rồi lại bùng lên, cứ thế mãi. Chị nghe tiếng giấy bị xé ra chầm chậm. Lẳng lặng chị đi đến cạnh anh và cũng quỳ xuống. Một chồng giấy chất lên sàn giữa hai người. Không nhìn chị, không biết có chị, anh giật tờ trên cùng ra khỏi tập, xé đôi, nhúng từng nửa một vào ngọn lửa trong lò.
Chuyện này cũng như xưa nay mọi chuyện anh làm đều bí ẩn đối với chị và chị chẳng muốn biết, chẳng cần biết làm gì. Cho nên có lẽ chỉ là tình cờ thôi mà chị nhớ tới câu chuyện về những bức tranh của cha anh vào đúng lúc này. “Một nghi lễ cuồng tín, man dại, dấy loạn”. Những bức họa bị thiêu… những người trong tranh được phóng thích… Chính anh đã kể thế đêm nào. Và bây giờ chị như nghe thấy những tiếng xèo xèo, những tiếng kêu than trong lửa. Nén sợ, chị nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay của Kiên đang đưa tới chồng giấy để giật tiếp một tờ nữa. Giật mình, anh vụt ngẩng lên, ánh mắt lóe nhanh một tiếng rít âm thầm, ngạc nhiên và hung dữ. Ngọn lửa trong lò ngốn toàn giấy lập tức tắt lụi. Các tàn giấy xào xạc tơi vụn ra và bay từ miệng lò vào khắp căn phòng tối đen lạnh lẽo. Và, đêm ấy, còn im lặng hơn cả chị, anh chiếm đoạt chị một cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn phá, đâm vào chị nỗi đơn độc bí ẩn, sắc như dao, đầy hiểm nghèo của anh…
Ngay sau đêm ấy chị không thấy anh nữa. Sáng ra chị hiểu ngay rằng anh đã bỏ lại căn phòng đấy cho chị và đi rồi. Cánh cửa bật tung ra, đóng sầm lại. Gió lạnh lùa dọc hành lang, rít lên. Trên sàn nhà giấy tung xòa rơi và những vỏ chai lăn lóc. Chị dọn dẹp căn phòng rồi khóa lại. Giấy, chị thu dồn thành bó, khuân cả lên phòng của chị trên tầng áp mái. Chị có đọc lướt nhưng không hiểu gì hết. Không tờ nào có đánh số trang. Một tập hợp nhàu nát, so le, xô lệch, như rừng vậy với ngàn cây đủ loại, khoảnh này xen trong khoảnh kia. Còn anh thì biền biệt. Không ai hỏi chị mà chị cũng không thể hỏi ai. Dần dần chị cũng chẳng biết có phải là mình đang chờ đợi một ai đó không. Ngày lại ngày. Nhiều tháng. Và hàng năm trời rồi sẽ trôi qua. Đống bản thảo phủ bụi và biến dần thành một cái gì giống như một tập tài liệu cổ. Có lẽ số phận của nó sẽ thế, sẽ không tránh được…
Tuy nhiên tất cả những chuyện trên đều sẽ chỉ xảy ra về sau, vào một mùa đông xa vời phía trước. Còn lúc này vẫn là đang trong thời quá khứ. Còn Kiên, theo như cách anh tự biểu tượng, vẫn đang hằng đêm hóa thân thành ngọn nến leo lét cháy lên trong bầu không khí tù đọng, trong cảm giác ngột ngạt và trong những buồn đau say khướt không tài nào ai hiểu nổi của anh.
Bình luận


© 2020 Sachvui.Com, Nonprofit Organization.

No comments:

Post a Comment