Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 18 April 2020

Virus corona: Nước Pháp ngả mũ trước Việt Nam

  • 1 giờ trước
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Một người dân Paris đi tập thể dục hôm 18/4
    Chưa bao giờ tôi nghe thấy ở Pháp đủ những dạng câu hỏi như bây giờ.
    -Bác sĩ ơi, con mèo của cháu nó chạy ra ngoài, bây giờ mới về. Cháu lấy nước javel rửa lưỡi cho nó hay lấy xà bông ? Minu ăn con chim sẻ chết bệnh corona, cháu phải làm gì bây giờ ? Nó bệnh thì gay cho cháu lắm !
    -Bác sĩ ơi, ông chồng tôi phụ bếp chút xíu mà cắt chảy máu tay. Tôi xuống nhà bỏ rác, nhờ ổng xắt dùm cà rốt mà ổng vụng quá hà. Tay ổng bị thương vậy có sợ dính Coronavirus không bác sĩ?
    Về dịch bệnh thời vua Gia Long và cái chết của thi hào Nguyễn Du
    TQ 'non tay' khi chọc giận báo chí Đức?
    Những xúc cảm tình yêu ấm áp dễ dàng thấy trong mục hỏi đáp bác sĩ trực cộng đồng, giải đáp thắc mắc của người dân Paris đang bị cách ly.
    -Thằng nhỏ nhà tôi chơi banh trong nhà, la nó hổng nghe, giờ nó đá trái banh vỡ cặp kiếng của tôi rồi. Tôi làm việc tại nhà, không có kiếng không làm việc được, sếp tôi ổng la quá trời. Tôi phải làm gì, gọi mấy tiệm kiếng, hổng có ai bắc máy. Mấy ông chỉ dùm tôi kiếm đâu ra bây giờ ai sửa kiếng ?
    Khi đại dịch tràn xuống, Paris như một thành phố chìm vào câu chuyện cổ tích 'Công chúa ngủ trong rừng'. Tiếng chim hót vui vẻ, những con chim chíc bông luồn lách chuyền cành đùa nhau trên khóm hoa đào đầu nhà nghe rõ mồn một. Bầu trời rất xanh và gió đùa với những rặng táo đang bừng sắc hoa trắng.
    Một thanh bình giả tạo, thành phố như bị lời nguyền, bùa phép phù thủy.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Người dân Paris vỗ tay cổ vũ nhân viên y tế hôm 18/4
    Người Việt mình bên này cũng còn ranh. Từng sống ở 'đất nước ra ngõ gặp anh hùng, ra chợ gặp kẻ cắp', qua đây hai ba chục năm vẫn giữ được tinh thần cảnh giác, phản ứng nhanh của tổng trù bị chiến lược. Mới phong phanh chuyện Italia phong tỏa đã biết nước Pháp kiểu gì cũng đắm.
    Mấy cha nội thạo tin 'Việt tấn xã vỉa hè', nhớ tụi bạn nhậu bên Việt Nam, dò đài nghe thấy bên đó sao hên quá, thả câu rủ rê vợ :
    -Hay mình về bển vài tuần đi má nó. Êm êm rồi về, vé máy bay rẻ dề, như chạy giặc đó.
    -Ông không coi họ chửi quá xá sao, là mang virus về hại, sung sướng thì không thấy đâu…Ổng về thích nằm trại 14 ngày để khỏi quên vụ vượt biên nằm đảo chờ Cao ủy tỵ nạn cứu xét ? Ông về thì cứ về, để mấy thằng nhỏ ở đây tôi chăm.
    Phụ nữ Việt Nam tuyệt vời. Họ nuốt vào lòng những cay cực của đời, những vô lý, hạch sách của chồng, lo tròn những ngày hết tiền con sốt, cháu xin tiền mua trái cây.
    Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Tổng thống Pháp Macron phát biểu trước một bệnh viện
    Bây giờ Pháp nhận phải ngã mũ trước Việt Nam rồi, đăng báo lớn, không phải bài vớ vẩn đọc chùa trên site kèm quảng cáo.
    L'Obs là tờ đưa toàn chuyện hiếm, tỷ như cuộc gặp bí mật tính chuyện nhảy rào khỏi phe cộng sản của Fidel Castro với chủ bút L'Obs trước cái chết của Kennedy. Lần này báo đã đưa bài về điển hình Việt nam 'Chống dịch hiệu quả với chi phí thấp'. Nguyên văn 'L'efficacité low cost', nửa Anh, nửa Pháp. Từ low cost na ná như nói về Vietjet, giá bay nhẹ hều, phi cơ mầu đỏ bước lên là nghe 'Bonjour Vietnam' của Marc Lavoine & Quynh Anh.
    Bài báo viết: "Với 260 ca nhiễm bệnh, con số tử vong là không vào ngày 12/4/2020, tình hình Việt nam trở nên hấp dẫn. Làm sao một đất nước nhỏ xíu có thể tự làm tốt hơn cả Hoa Kỳ, Pháp, lại còn ra đòn ngoại giao ngoạn mục bằng hành động tặng một triệu khẩu trang cho châu Mỹ và châu Âu trong khi nước này ngồi ở hàng ghế đầu của vỡ diễn đại dịch.
    Và nữa, không có test đạ trà như Hàn quốc (460 000/ ngày so với Việt nam là 100 000)? Câu trả lời : áp dụng chiến thuật giá rẻ để tìm ra các ca nhiễm bệnh, cả những người đã tiếp xúc, và sử dụng cách ly với họ. Việt nam đã học được bài học từ kinh nghiệm từ ác mộng dịch Sras năm 2003, lúc đó đất nước này là nước đứng thứ hai vì lây nhiễm với 63 ca và năm người tử vong."
    Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Hình chụp bài báo 'L'efficacité low cost' đăng trên tờ L'Obs
    Phóng viên Pháp khen: 'Việt nam đã bước vào cuộc chiến với dịch bệnh ngay từ cảnh báo đầu tiên. Bệnh nhân số 0 đến từ Vũ Hán được nhận diện ngày 23/01, đã bị úp chuông luôn (mượn hình tượng Tôn Ngộ không bị Phật nhốt), cùng ngày với thủ phủ Vũ Hán sử dụng biện pháp phong tỏa. Việt Nam đã đóng cửa biên giới một phần với hàng xóm khổng lồ, không cấp visa cho khách du lịch Trung quốc, ngừng các chuyến bay với nước này, đóng cửa các trường học ngay sau dịp nghỉ Tết âm lịch…
    'Rất nhanh, người dân sử dụng khẩu trang. Chúng tôi đã có thói quen sử dụng khẩu trang chống ô nhiễm và khói bụi. Bây giờ thì ai cũng đeo, mọi lúc, mọi nơi',bài báo trích lời Tuấn, một hướng dẫn du lịch ở Sài Gòn.
    Trên mạng xã hội phổ biến clip 'Ghen Cô Vy' vui nhộn với cách biểu cảm của bàn tay đã nhận được công nhận của quốc tế, được nhắc đến trong talk-show của John Oliver tại Mỹ…
    Con số đưa ra của Việt nam dù sao cũng ít bị nghi ngờ như phía Trung Quốc. Mới đây Trung Quốc phải đưa thêm con số đó thêm lên 1300, nâng tổng cộng số người chết là 4632.
    Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Ảnh chụp báo Thanh Niên với bài "Chống dịch là khát vọng của tuổi trẻ lúc này"
    Ngày 11/5 tới được ấn định là ngày cởi bỏ phong tỏa ở Pháp, song người dân vẫn chưa lạc quan. Mọi người đặt câu hỏi ''thêm một tháng hay chỉ còn một tháng nữa'' sau tuyên bố của tổng thống Macron ngày 13/4.
    Emmanuel Macron thừa nhận những sai lầm, thất bại của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh.
    Tổng thống Pháp phát biểu với lời lẽ khiêm nhường ''tôi chia sẻ với quốc dân về những cái mà chúng tôi biết và những điều mà chúng tôi không biết''.
    Nước Pháp chống dịch không thể nói là nắm quyền chủ động. Hôm 17/4, con số tử vong đã nhảy lên 17.920.
    Dù sao người dân Pháp được an ủi, nhưng những người chết chắc không.
    Sẻ chia cùng quốc dân, Nữ hoàng Anh hủy bắn đại bác ngày sinh nhật
    Virus corona: Dân Mỹ nhà nhà nhận tiền từ chính phủ Donald Trump
    Macron một tháng lên truyền hình bốn lần, đến bệnh viện nói đất nước nợ các bác sĩ, y tá, cảm tạ công lao của ngành y tế, hứa chính phủ sẽ ghi sổ, đền đáp công ơn quên mình của đội ngũ y tế, xuống xưởng làm khẩu trang cám ơn công nhân làm tới 60 giờ một tuần, nói biết ơn phu đổ rác không viện 'Luật từ chối lao động nếu có nguy hiểm' đi làm đầy đủ để Paris không bị Chernobyl rác thải.
    Tổng thống một cường quốc phát biểu đứng trước cửa bệnh viện, đứng trước cửa nhà máy, chẳng cờ hoa, tượng ảnh của ai phía sau.
    Còn ở Việt Nam, lời diễn văn nghe hùng tráng, vững vàng như thời 'tổ quốc ta có bao giờ được như thế này chăng'. Ông chủ báo Thanh niên lên trang nhất tít khổ lớn, mầu xanh dương bắt mắt "Chống dịch là khát vọng của lớp trẻ lúc này". Ông thay chủ ngữ, giữ vững tinh thần khẩu hiệu tuyên truyền. Như "Diệt giặc dốt là khát vọng của cả làng"? Coronavirus là chùm khế ngọt, ai cao thì hái được nhiều, nghĩ mà thèm.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Người dân Paris đi mua thực phẩm tại đường Mouffetard, Paris hôm 19/4
    Bất bình đẳng ở Pháp rất lớn giữa thành thị và vùng thôn quê. Đời sống đắt đỏ, bất bình đẳng là nguyên nhân 'Gilets jaunes -áo vàng' xuống đường. Kiến nghị mãi, chính phủ chẳng nghe. Thế mới sinh ra chuyện 'Gilets jaunes' lên Paris quậy. Đây là minh chứng về gẫy nối đối thoại xã hội. Các chính trị gia hứa nhiều trước khi tranh cử, lên là quên lời. Giỡn mặt cử tri nên dân đạp lại. Dân Pháp hung, không đồng thuận như bên mình 'lòng dân ý Đảng' chắc nịch.
    'Gilets jaunes', là áo vàng hở nách, có sọc phản quang mặc để đạp xe, đèn chiếu vào dễ nhận, sau biến thành 'phong trào áo vàng'. Đa phần họ là dân tỉnh lẻ, giỏi nhất làng lên đây cũng lớ ngớ, chuyện thường mà.
    Đầu tiên là họ ghét cái vụ tăng 3 cents cho một lít xăng, sâu xa hơn là 'Cả làng có mỗi mình em nói thõi' lên tỉnh, túm thằng Parisien nào hỏi đường thì nó sục lại, sao không xài Google Map, có thèm hiểu cho mình ở làng Internet ậm ọe, xài cái Noika 3310 bền cực, chắc như cục gạch, bỏ quên trên quầy bia, thằng bán hàng kêu giật lại trả, còn lấy khăn lau trước khi đưa lại như sợ dính phân bò.
    Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Hình chụp một thùng rác trước cửa một siêu thị trong ngày Paris bị cấm ra đường
    Ở Paris không thiếu thứ gì. Bức ảnh này tôi chụp thùng rác trước cửa một siêu thị trong ngày Paris bị cấm ra đường. Luật an toàn thực phẩm bắt buộc các siêu thị không được bán thực phẩm quá date sử dụng. Siêu thị châu Á Paris Store bị đóng cửa một tháng vì để đồ đông lạnh hết hạn trong ngăn hàng.
    Thùng rác đủ các sản phẩm thịt, giò, bánh mỳ bị vứt đi mỗi ngày đủ ăn cho cả phố. Trên ngăn hàng trong cửa tiệm còn đầy sản phẩm, được cung ứng hàng ngày. Trong khi tình trạng khan hiếm xảy ra ở các tỉnh. Dân ở làng muốn đi mua đều phải dùng xe. Nhiều chỗ tiệm bánh mỳ mà cách nhà 2 đến 3 km là ít. Mấy cụ bà muốn mua chiếc croissance chiều chồng điểm tâm phải dùng ô tô đi kiếm, không như Paris. Chỗ khu nhà tôi đất phát sao đó, hai tiệm bánh gần nhà thi nhau trúng mánh phục vụ hai đời tổng thống Pháp. Trong bán kính 300m có tới 5 tiệm Boulangerie.
    Pháp đang trắng mắt ra vì thua Việt nam trong chuyện chống dịch. Nhưng dân Pháp học cũng nhanh, chắc sau đợt này sẽ tỉnh ra.
    Bản quyền hình ảnh Cao Phong Pham
    Image caption Nước Pháp lúng túng trong chuyện khẩu trang 'như gà mắc tóc' (Hình minh họa)
    Riêng chuyện khẩu trang thì như gà mắc tóc. Lúc trước nói, chỉ cần khẩu trang cho nhân viên y tế. Bây giờ, cuống lên vì thiếu, trưng dụng cả đơn đặt hàng riêng của các tỉnh chưa bị nặng để về cứu Paris, cứu Grand-Est. Thị trưởng Nice và Cannes học Việt nam sáng kiến vận động nhân lực trong tỉnh tự may khẩu trang, hy vọng đủ mỗi người dân hai tỉnh mỗi người một chiếc. Trái với hình ảnh cô đầm nhờ thùa lại cái khuy áo sắp rơi thì lên lén bỏ vô thùng rác, đi mua cái mới.
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tính 'Kinh tế Việt nam sẽ bật lên như lò xo sau đại dịch', nhưng ở Pháp đứng trước viễn cảnh u ám lắm. Mới hai tuần phong tỏa, nước Pháp đã mất tích cóp được do tăng trưởng trong 5 năm.
    Bộ trưởng kinh tế Pháp tuyên bố phụ giúp tất cả các xí nghiệp từ nhỏ đến lớn, thành phần sản xuất tư nhân, là gom đủ tiền trả lương công nhân nghỉ giãn thợ để khi dỡ bỏ cách ly là khởi động được ngay. Ổng tuyên bố : "Tôi thà nợ nần còn hơn để kinh tế phá sản", khổ vậy.
    Dân Pháp vô kỷ luật, không biết thêm một tháng nữa có ngon lành không? Riêng Paris tuần rồi kiểm tra đến 1,8 triệu lượt người, phạt 300.000 vụ.
    Những kẻ sẵn tiền không ngán phải trả 135 euro tiền phạt, muốn rông xe về nhà nghỉ ở tỉnh, về vùng biển Nice, Cannes nắng ấm, trốn chứng cuồng chân ở Paris. Cảnh sát tóm được, áp mô tô hộ tống dắt quay đầu ngay trên xa lộ về lại nhà. Cố tình đi đường vòng, bị bắt lần thứ hai thì tước luôn bằng lái, chịu khó cuốc bộ.
    Nước Pháp có đếm cũng chậm như rùa. Năm 2003 nắng nóng, các người chết như rạ, bốn năm sau mới đưa được ra con số chính thức là 19.490.
    Bây giờ cứ phải học Việt Nam chống dịch đã. Khổ thật.
    * Bài viết thể hiện quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.

    Chủ đề liên quan

    No comments:

    Post a Comment