Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 29 April 2020

Giai thoại về bài thơ

“Xuân du phương thảo địa…
Những người yêu thơ Đường luật ở Việt Nam ta chắc không ai chưa từng nghe qua bài thơ này: Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm Hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi” (01). Tạm dịch: Xuân chơi miền cỏ mượt/ Hạ ngắm hồ sen xanh/ Thu uống rượu cúc vàng/ Đông ngâm thơ tuyết trắng”.

Cứ lên Google mà xem, có rất nhiều người dịch, bình phẩm bài thơ này, nhưng chẳng thấy ai đưa ra thông tin chuẩn xác về xuất xứ cũng như tác giả bài thơ. Có người thì bảo đó là bài Bốn mùa viễn du của Thôi Hiệu (tác giả bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc lâu), lại có người cho bài thơ “bốn mùa” này là của Thôi Hộ (tác giả bài thơ “Hoa đào năm ngoái” cũng nổi tiếng với giai thoại tình yêu rất lãng mạn). Bản thân tôi là người rất yêu và cũng được biết một ít về lai lịch bài thơ, nhân mùa xuân đến xin kể lại giai thoại về tác giả bài thơ này để góp vui cùng bạn đọc.

1.

Ngày nay các nhà nghiên cứu văn học cổ ở Trung Quốc đã xác định bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt này là Tứ quý thi (四季), nó không phải là tác phẩm của các nhà thơ thời Đường nào đó mà là một bài thơ trong tập Thần đồng thi (神童) (02) của Uông Thù (汪洙) – một tác phẩm có sức ảnh hưởng rất rộng, là sách căn bản dạy cho trẻ làm thơ Ngũ tuyệt ở Trung Quốc trước đây. Ở ta, tác phẩm này được các cụ gọi là Ấu Học Ngũ Ngôn Thi (五言).

Uông Thù tự là Đức Ôn (德温), xuất thân trong một gia đình quan lại cấp nhỏ ở huyện Ngân () thời Bắc Tống (nay thuộc thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang). Từ nhỏ đã thông minh hiếu học, 9 tuổi biết làm thơ nên được người trong vùng gọi là Uông Thần đồng. Danh xưng đó tương truyền từ câu chuyện sau đây:

Một hôm, Huyện Lệnh của huyện Ngân dẫn một đoàn gồm các Cử nhân, Tú tài trong huyện đến viếng Miếu Khổng Phu Tử. Sau khi xong lễ “tam quỵ cửu khấu”, Huyện lệnh chợt phát giác có ai đó đã dùng than viết một bài thơ lên vách điện thờ. Thơ rằng: “Nhan Hồi dạ dạ quan tinh tượng/ Phu Tử triêu triêu vũ đả đầu/ Đa thiểu Công Khanh tùng thử xuất/ Hà nhân khẳng bả bổng tiền tu?” (03) Tạm dịch: Nhan Hồi tối tối xem tinh tượng/ Phu Tử ngày ngày phải hứng mưa/ Nơi đây hun đúc bao Khanh Tướng/ Sao chẳng người nào chịu sửa sang?” Dòng  lạc khoản bên dưới đề tên tác giả là Uông Thù - 9 tuổi.

Huyện Lệnh nhìn một vòng đại điện, thấy mái thủng nhiều chỗ, còn tượng Khổng Tử  và Nhan Hồi cũng bị sức mẻ, quả tình rất thiếu tôn nghiêm, trong lòng lấy làm xấu hỗ. Nhưng rồi lại chợt nghĩ, đứa con nít 9 tuổi thì sao làm được bài thơ thế này? Ắt hẳn là có người mạo danh, cố ý trêu chọc ta đây? Nghĩ vậy nên bèn sai người đi điều tra xem Uông Thù là ai và gọi đến cho ông gặp mặt.

Cha của Uông Thù tên gọi Uông Nguyên Cát (汪元吉 ), vốn là viên chức nhỏ của trong huyện, gia cảnh lại nghèo nên ngày ngày Uông Thù phải giúp gia đình chăn ngỗng, lợi dụng những lúc rỗi rãi thì tranh thủ đọc sách, học bài. Một hôm, Uông Thù lùa ngỗng ra đồng, chợt thấy sân trước miếu thờ Phu Tử cỏ mọc tốt tươi, bèn cho đàn ngỗng dừng lại ăn còn mình thì ngồi dưới gốc đại thụ học bài . Bất ngờ, một cơn gió lạnh thổi qua rồi trời chuyển mưa nặng hạt, liền thu vội sách vở và lùa đàn ngỗng vào miếu tránh mưa.

Vào trong đại điện, Uông Thù ngỡ ngàng khi thấy nền tường loang lỗ, bụi bám nhện giăng, tượng thánh sức mẻ, phân chim đầy đất. Lòng nghĩ, cha vẫn thường nói những văn quan, võ tướng trong triều, đều là học trò của Khổng Phu Tử, người người hưởng chức cao bổng trọng, vậy mà nay lại để Ngài ngồi trong ngôi miếu rách nát, chẳng ai chịu bỏ chút ngân lượng ra tu sửa thì thật là tệ quá. Càng nghĩ lòng càng bực tức, lại thấy góc tường có mấy hòn than, bèn nhặt lấy viết ngay bài thơ lên tường, không ngờ lại bị Huyện Lệnh phát hiện ra.

Lúc sai dịch tìm đến nhà và kể cho nghe sự việc, người cha nghe xong rất là hốt hoảng liền quỳ xuống mà rằng: “Uông Thù này là nghịch tử của ty chức, nó đã trót mạo phạm đại quan, để tôi gọi nó về cho lão gia dạy dỗ!”

Uông Nguyên Cát hối hả tìm con, gặp được Uông Thù ông liền mắng mỏ: “Mày đã gây đại họa rồi! Gây đại họa rồi con ơi! Mau theo ta về gặp lão gia nhanh lên!”

Uông Thù chẳng hiểu nguyên do nên hỏi: “Con suốt ngày đọc sách, chăn ngỗng, an phận thủ thường, trước nay không làm điều gì sai trái, thì họa từ đâu mà tới chứ?”

“Còn dám hỏi từ đâu à? Mày viết bậy, viết bạ gì trong Khổng Miếu để lão gia phát hiện ra, bảo ta phải dẫn về cho ông ấy giáo huấn đó!”

“Việc này sao gọi là đại họa được. Những gì con viết đều là sự thật mà. Thôi để con theo cha về gặp ông ấy.”

Uông Thù cùng cha đến Khổng Miếu để gặp Huyện Lệnh. Huyện Lệnh hỏi: “Bài thơ trên vách kia có phải là của ngươi không?” Không chút hoảng sợ, Uông Thù đáp: “Dạ phải, có gì xin lão gia chỉ giáo?”

“Vì sao ngươi lại viết bài thơ này?”

Uông Thù nói: “Lão gia nhìn lại ngôi miếu này đi, chẳng lẽ ngài lại không hiểu dụng ý của bài thơ sao?”

Huyện Lệnh thấy Uông Thù trả lời lưu loát, trong lòng ngầm có chút vui, nhưng vẫn chưa hết hoài nghi. Bèn hỏi: “Nói như vậy, bài thơ này quả nhiên là do ngươi viết. Nếu vậy ngươi là Thần đồng rồi!” Huyện Lệnh lại thấy Uông Thù áo quần củn cởn, liền cười mà trêu rằng: “Chỉ là quần áo của Thần đồng sao mà ngắn ngủn quá. Lão gia ta chưa từng từng thấy Thần đồng nào lại mặc áo quần như vậy đó!”

Uông Thù nghe Huyện Lệnh nói, biết là ông không tin bài thơ đó là do mình viết, trong chớp mắt, trí sáng tâm thông, đang khi có mặt mọi người, liền hướng về quan Huyện Lệnh xá một lạy dài rồi xuất khẩu đọc luôn: Thần đồng sam tử đoản/ Tụ đại nhạ xuân phong/ Vị khứ triều Thiên tử/ Tiên lai yết Tướng công/ Xuân du phương thảo địa/Hạ thưởng lục hà trì.”(04) Tạm dịch: “Thần đồng áo ngắn ngủn/ Phẩy tay ghẹo gió xuân/ Chưa đi chầu Thiên tử/ Lại đến gặp Tướng công/ Xuân chơi miền cỏ mượt/ Hạ ngắm hồ sen xanh.

Huyện Lệnh nghe xong rất đổi vui mừng, ông reo lên: “Hay! Thơ hay! Quả thật là Thần đồng! Sau này ắt thành của quý! Có thưởng! Có thưởng nào!”

Từ đấy, cả vùng Ninh Ba đều vang danh Uông Thần đồng. Giỏi thế nhưng đường thi cử của ông lại lận đận, mãi đến năm Nguyên Phù (元符) thứ 3 (tức năm 1100, đời Tống Triết Tông) ông mới đổ Tiến sĩ, được bổ làm Minh Châu Giáo thụ (明州教授), sau thăng làm Quan văn điện Đại học sĩ (观文殿大学士).

. . .

Tập thơ Thần đồng thi của ông là một cống hiến lớn cho việc giáo dục thời xưa. Nó được sánh ngang với Tam tự kinh và thường được đời sau dùng làm giáo trình chủ yếu để dạy cho trẻ con học chữ. Trong đó bài Tứ quý thi được dùng làm kết cho tập thơ. So với giai thoại trên thì bài thơ có thêm hai câu về mùa thu, mùa đông để tách thành một bài ngũ ngôn tứ tuyệt độc lập vịnh bốn mùa – Tứ quý thi. Chúng tôi cho rằng, bài thơ này phải có trước khi giai thoại trên được phổ biến và người đời sau đã đưa hai câu đầu của bài thơ vào giai thoại cho đậm thêm câu chuyện; cũng là một cách khẳng định Uông Thù là tác giả của bài thơ (?) Hơn nữa, khi tác giả (và cả các nhà xuất bản đời sau) đã dùng bài này để kết cho tập Thần đồng thi thì chắc cũng muốn lấy sự nổi tiếng của nó để kéo dài cảm xúc của người đọc khi đã khép lại trang sách.

Đọc Tứ quý thi của Uông Thù thấy thiên nhiên và cuộc đời rất là tươi đẹp, chỉ là chúng ta có biết thưởng thức nó hay không mà thôi. Tư tưởng sống hài hòa với tự nhiên – tinh thần cốt yếu của Lão Trang thấm nhuần trong mỗi câu thơ, chắc hẳn bài thơ này phải được viết khi tác giả đã trưởng thành.

Cuộc đời vốn ngắn nên hãy biết tận dụng sao cho đừng hoang phí. Thiết nghĩ, cách sống của người xưa qua bài Tứ quý thi rất đáng để chúng ta học tập./.

Hình Phước Liên

Chú thích:

01.Nguyên văn:

“春游芳草地,夏赏绿荷池 . 秋饮黄花酒,冬吟白雪诗 .”

- Dịch nghĩa: Mùa xuân rong chơi miền cỏ thơm/ Mùa hạ thưởng thức hồ sen xanh/ Mùa thu nhấp chén Hoàng hoa tửu (rượu cúc)/ Mùa đông ngâm câu thơ tuyết trắng.”

02. Thần đồng thi (神童诗): Tương truyền do Uông Thù (đời Bắc Tống) soạn gồm 34 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Căn cứ vào các bản đã được in ấn qua các thời, ngày nay người ta đã hiệu đính, chỉnh lý thành 48 bài. Bài Tứ quý thi được dùng làm bài kết. Văn phong trong Thần đồng thi rất trong sáng, dễ hiểu, thích hợp với tuổi thơ nên nó vẫn được người xưa sử dụng làm giáo trình để dạy trẻ em làm thơ. Thần đồng thi được sánh ngang với tác phẩm Tam tự kinh (三字经) ở mức độ phổ quát. Ở ta, tác phẩm này được các cụ xưa gọi là Ấu Học Ngũ Ngôn Thi (幼五言诗).

03. Nguyên văn:

“颜回夜夜观星像,夫子朝朝雨打头. 多少公卿从此出,何人肯把俸钱修.”

- Dịch nghĩa: “Nhan Hồi đêm đêm xem tinh tượng/ Khổng Phu Tử sáng sáng bị mưa rớt trúng đầu/ Bao nhiêu Công hầu, Khanh tướng trong triều đều từ nơi đây mà ra cả/ Sao chẳng có ai chịu bỏ tiền để tu sửa?”

04.Nguyênvăn:

“神童衫子短,袖大惹春风. 未去朝天子,先来谒相公. 春游芳草地,夏赏绿荷池.”

Dịch nghĩa: “Thần đồng mặc áo ngắn/ Tay áo rộng chạm gió xuân/ Chưa đi chầu đức Vua/ (Mà) phải yết kiến Tướng công trước/ Mùa xuân rong chơi miền cỏ thơm/ Mùa hạ thưởng thức hồ sen xanh.” Một số bản khác không có hai câu cuối. Người viết bài này cũng cho rằng, vì bài Tứ quý thi quá nổi tiếng nên người đời sau cố tình ghép hai câu này vào để cho câu chuyện thêm ý vị, chứ thực ra đưa hai câu này vào thì bài thơ đâm ra gượng ép.


LỜI BÀN CỦA SƠN TRUNG
Thật vậy thêm hai câu sau là gượng ép!
Ottawa ngàỷ30-4-2020
 
 

No comments:

Post a Comment