Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 17 April 2020

Một trời mực đậm son tươi
Một trời Đại Học, một trời Văn Khoa.
Đông Hồ Lâm Tấn Phác
Sáng ngày 19.10.2019, khi nhận được tin vui về một cựu sinh viên ở trong nước, tôi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian giảng dạy ngắn ngủi tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1972-1975) với thật nhiều kỷ niệm.
Trước hết, chuyện tôi từ trung học lên dạy đại học là hoàn toàn nhờ giáo sư Nguyễn Thế Anh. Nguyên khi tôi dạy tại trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho thì ghi danh Cao Học và hoàn tất tiểu luận dưới sự bảo trợ của giáo sư Anh.
Bấy giờ gs Nguyễn Thế Anh nguyên là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế từ miền Trung vào Sài Gòn làm Trưởng Ban Sử Học, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Gs Anh nổi tiếng khó tính. Sinh viên kính và sợ mà không dám thân gần, nhưng ai ai cũng tâm phục khả năng phân tích và tổng hợp của Ông. Vì thế, khi tôi muốn nhờ Ông làm giáo sư bảo trợ tiểu luận thì tôi phải nói “khích.” Một hôm, tôi đón Ông ra về ở cổng trường đường Cường Để. Tôi chào thầy, và ngỏ ý xin Ông bảo trợ Cao Học vì chỉ có Ông thì tôi mới học được chuyên môn trong nghề. Ông cười và nói, nguyên văn: “Vậy hôm nào anh đến nhà tôi.”
Về đề tài, tôi suy nghĩ và theo gương Ông. Luận án Tiến sĩ Sorbonne của Ông là Bibliographie critique sur les relations entre le Viet-Nam et l’ Occident (Ouvrages et articles en langues occidentales) nên tôi xin làm đề tài Thư mục chú giải lịch sử Việt Nam qua các tạp chí Pháp ngữ 1865-1970.
Thế là hàng tuần, sau khi dạy học ở Mỹ Tho về, tôi vào thư viện của hội Société des Études Indochinoises tại Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên để đọc Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine (BCAIC, 1865-1881), Excursions et Reconnaissances (ER, 1879-1890), Bulletin de la Société des Études Indochinoises (BSEI, 1883-1970), Revue Indochinoise (RI, 1893-1925), Bulletin de l’ École Francaise d’ Extrême-Orient (BEFEO, 1901-1970), Cahiers de l’ École Francaise d’ Extrême-Orient (CEFEO, 1934-1948), France Asie (FA, 1946-1970)... Riêng tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, 1914-1941) thì tôi không khai thác vì trước tôi, linh mục Léopold Cadière, vị sáng lập Tạp Chí, đã thực hiện hai thư tịch năm 1925 và 1942, phân tích và chú giải tất cả những bài viết trong BAVH rồi.
Tôi rất phục giáo sư Nguyễn Thế Anh khi, một hôm, tôi đến nhà Giáo Sư ở đường Công Lý Sài Gòn và trình Ông những phiếu tôi đã ghi chú để xin Ông cho ý kiến. Ông chọn xem vài phiếu, rồi thản nhiên nói, nguyên văn: “Anh làm thế này là hơn tôi rồi, đâu cần sửa chữa gì nữa?!” Ý là Ông chưa đọc bài viết trong các chuyên san, còn tôi thì đọc rồi!
Giáo sư Nguyễn Thế Anh hiện nghỉ hưu tại Pháp.
Tiểu luận được chấm đậu “Ưu hạng” năm 1972 là thứ hạng lần thứ hai được cấp phát trong Ban Sử Học tại ĐHVK Sài Gòn. Người đầu tiên đỗ hạng “Ưu” năm 1964 là giáo sư Phạm Cao Dương hiện hưu trí tại miền Nam California. Lúc đậu Ưu Hạng, gs Dương đang dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và trong Ban Giám Khảo có giáo sư Lâm Thanh Liêm là bạn cùng Khóa 1 Ban Sử Địa với Ông tại Đại Học Sư Phạm. Còn tôi chỉ là sinh viên thuần túy.
Vì khai thác tài nguyên của Thư Viện hội Société des Études Indochinoises mà sau đó tôi được gs Nguyễn Thế Anh giới thiệu vào Hội Đồng Quản Trị của Hội và giữ vai trò Bibliothécaire. Vai trò này tôi dịch là Thư Viện Trưởng mà không dịch là Quản Thủ Thư Viện vì tôi không học về Thư Viện Học nên dịch ra Quản Thủ thì không chỉnh. Được giáo sư Anh giới thiệu, nhưng qua vài buổi họp Hội Đồng Quản Trị SEI mới bầu tôi làm thành viên mới. Lý do là vì vị Chủ Tịch Ban Quản Trị, một cụ già người Pháp tóc bạc trắng tên Joseph Bocquet, Quản Trị Viên của Ngân Hàng Pháp Á (France Asie), sợ tôi trẻ quá và làm chính trị. Lại có một chi tiết đáng nhớ nữa, là hồi ấy tôi là sinh viên đến đọc sách rồi nghiễm nhiên thành bibliothécaire trông coi một thư viện chuyên ngành quý giá nhất nhì Đông Nam Á thời bấy giờ mà tài nguyên bắt đầu bằng bản gốc bộ tự điển Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651, hay toàn bộ tác phẩm của Pétrus Trương Vĩnh Ký và đơn từ viết tay của học giả họ Trương cùng văn thư đánh máy từ Phủ Thống Đốc Nam Kỳ, nhiều nhất là văn thư và lời phê của một Inspecteur des Affaires Indigenes (Thanh Tra Bản Xứ Vụ) tên Paul Vidal, nên một hôm tôi nghe lóm hai nhân viên phụ tá nói chuyện với nhau. Chị nữ nhân viên thắc mắc không hiểu sao tôi được mời vào Ban Quản Trị thì anh nam nhân viên nói, tôi còn nhớ nguyên văn cách nói miền Nam: “Thì thằng chả đọc hết sách ở đây rồi!” Họ không biết tôi đã có mặt trong Thư Viện, và đang thơ thẩn khuất trong khu chuyên san hàng trăm loại về vùng Viễn Đông. Tôi phớt lờ, chỉ nghĩ thầm, là nếu tôi chỉ cần đọc 1/10 tài nguyên của Thư Viện SEI thì tôi đã trở thành một bác học rồi!
Giáo sư Phạm Cao Dương muốn giúp tôi về dạy cùng trường với Ông tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi rất cảm động về hảo ý của gs Dương. Tuy nhiên, khi giáo sư bảo trợ ngỏ ý nhận tôi vào dạy Ban Sử tại ĐHVK, tôi cám ơn ngay.
Lý do là vì tuy vào nghề Thầy, tôi lại là người phóng khoáng không để ý đến hình thức, và làm việc tài tử: thích thì làm việc miệt mài không kể ngày đêm, nhưng có khi đang viết lại lăng ba vi bộ suốt ngày ở các sạp sách báo cũ trên vỉa hè Sài Gòn hay giang hồ vặt, có khi mất nhiều tháng trời. Đó là may không vướng vào “cái lăng nhăng” thứ ba của Tú Xương.
Kỷ niệm giang hồ là một ngày đầu tháng ngay sau khi lãnh lương, tôi ra bến xe Miền Tây ở Phú Lâm lên xe đò đi Long Xuyên thăm một người bạn thân là giáo sư Trần Đức Tường -hiện ở Nam California- đang dạy trung học Thoại Ngọc Hầu. Xuống đến Long Xuyên, việc đầu tiên là tôi ra chợ mua bàn chải, kem đáng răng, khăn mặt, quần áo… và trái cây làm quà cho gia đình bạn. Đó là lúc tôi biết một chục cam ở Long Xuyên có tới 14 quả.
Một kỷ niệm khác là tôi thường ăn mặc giản dị quần tây áo sơ-mi khi đi dạy. Vì thế một hôm tại giảng đường lớn nhất của ĐHVK là Giảng Đường I, sinh viên ngồi chật như nêm, một nam sinh chận không cho tôi đi vào. Tôi chỉ đứng cười tại chỗ rồi ai đó nói “Thầy Tuấn, thầy Tuấn…” thì tôi mới được mở lối đi lên bàn giáo sư. Đến bàn, tôi nhìn xuống thì, Trời ơi, ba nữ sinh viên mặc áo dài trắng bó gối thu lu mỗi người một góc dưới gầm bàn. Chuyện xảy ra ngày hôm ấy khiến tôi càng tin tưởng vào thiên chức của mình, và từ đó cũng không quên đeo cravate khi có giờ dạy.
Về Văn Khoa, tôi dạy ba buổi sáng môn Phương Pháp Sử cho Năm Thứ Nhất vì sĩ số sinh viên lên đến hơn 3,000 người và hai buổi chiều môn Cổ Sử Nhật Bản và Bình Giảng Sử Liệu cho chứng chỉ Lịch Sử Thế Giới Thời Cổ, sĩ số khoảng 15 sinh viên. Soạn bài thì tôi bỏ rất nhiều thì giờ vì trọng nghề Thầy và vì khi soạn bài là khi tôi cũng học thêm.
Thành phần giáo sư Ban Sử khi ấy gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là giáo sư cơ hữu, tức chính thức của Ban, gồm có bốn vị là gs Nguyễn Thế Anh (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp), gs Châu Long (Tiến sĩ đại học, Pháp), gs Đỗ Phan Hạnh (Cao Học Sử, ĐHVK Sài Gòn), và tôi.
Tuy đều là những giáo sư dạy lớp, nhưng ng̣ach trật -cũng có nghĩa là lương bổng- hoàn toàn khác nhau. Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Châu Long thuộc ngạch Giáo sư Diễn Giảng (chỉ số lương 1,100-1,200?) dù ông Châu Long chỉ là tiến sĩ đại học Pháp (docteur d’université). Gs Đỗ Phan Hạnh thuộc ngạch Giảng Sư (chỉ số lương 750-800?) và tôi thuộc ngạch Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (chỉ số lương 470) tuy gs Hạnh và tôi đều có Cao Học.
Giấy Biên Nhận của Ban Sử Học có chữ ký và
ghi rõ chức vụ của tôi: “G.S. Trần Anh Tuấn.
Cao Học mà được đặc cách vào ngạch Giảng Sư -là ngạch căn bản phải có văn bằng tiến sĩ- là một vết nhơ của giáo dục Đại Học thời VNCH.
Cao Học chỉ là ngạch Phụ Khảo. Nhưng bấy giờ một bộ trưởng Phủ Thủ Tướng có người em làm Phụ Khảo ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn nên ký một nghị định đặc cách cho các Phụ Khảo được cải ngạch thành Giảng Sư. Nghị định lại đặc biệt chỉ giới hạn những Phụ Khảo trong thời điểm phù hợp với tình trạng của em ông ta, sau thời điểm đó thì dù đang ở ngạch Phụ Khảo còn phải thi tuyển. Thế là Hội Đồng Khoa -tức là Ban Giám Đốc- của Trường Văn Khoa tổ chức một kỳ thi cho những Phụ Khảo hiện hữu không những không được cải ngạch Giảng Sư mà còn phải thi vào ngạch Phụ Khảo. Hôm thi, các đại giáo sư Văn Khoa đều lánh mặt, đùn cho một giáo sư ngoại quốc hiền lành là gs Philippe Langlet làm Giám Thị. Tội nghiệp, Ông chỉ biết ngồi trên bàn như phỗng đá! Nhưng tất cả các Phụ Khảo hiện hữu -dĩ nhiên kể cả tôi- phản đối không ai làm bài thi.
Và chuyện ngạch trật cũng qua đi như một cơn gió chướng, thời buổi nhiễu nhương vô đạo đức ai hưởng được cái gì cứ hưởng!
Sự việc vô lý và bất công ấy khiến tôi thấm thía lời của Lê Duẩn, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, khi ông ta nhận định, nguyên văn: “Bọn tư bản chúng nó làm luật để bảo vệ quyền lợi của chúng nó. Nay ta phải làm luật để bảo vệ quyền lợi của giai cấp chúng ta.”
Buổi ấy tôi đâu thiết tha gì đến quyền lợi vật chất. Từ năm 1967 cho đến năm 1975, tôi vẫn hưởng lương GSTHĐ2C hạng Tư với chỉ số 470 là hạng đầu tiên khi ra trường ĐHSP Sài Gòn năm 67 cũng chẳng sao! Chẳng có cấp trên nào theo luật lệ phải cải ngạch cho tôi, tôi cũng không để ý. Nhưng gian dối đến độ phải đạo văn người khác, hay giúp người khác đứng tên công trình của mình, và nhất là ỷ quyền cậy thế ký giấy đưa nhau lên ngạch thêm lương… mà tôi biết từng người từng chi tiết chỉ làm tôi xem thường!
Chứng Minh Thư của Đại Học Văn Khoa
Sài Gòn năm 1973 ghi rõ “Giáo sư THĐ2C.”
Nhóm thứ hai là quý vị giáo sư dạy giờ, gồm gs Philippe Langlet (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp, thuộc Phái Bộ Văn Hoá Pháp), gs Nghiêm Thẩm (Tốt nghiệp Bảo Tàng Học, Viện Louvre, Pháp, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Sài Gòn), gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc (Giáo viên hồi hưu), và gs Phạm Cao Dương (Giáo sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn).
Trong biến cố 30.4.1975 thì gs Nguyễn Thế Anh, gs Đỗ Phan Hạnh và gs Phạm Cao Dương lần lượt chạy được sang Pháp, Canada và Mỹ. Còn lại trong nước là gs Châu Long, gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc, gs Nghiêm Thẩm và tôi.
Những người còn lại nổi trôi theo vận nước. Gs Châu Long được cấp phát một biệt thự 18 phòng ở Phú Nhuận vì ông “nằm vùng,” tức là hoạt động nội thành cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc gặp lại nhóm bạn giáo viên ngày xưa, nay đã là những cán bộ văn hóa cao cấp của chính quyền mới. Gs Nghiêm Thẩm bị thảm sát không rõ lý do, hoặc là vì cán bộ văn hoá cao cấp nào đó thèm muốn kho sách quý giá của Ông, hoặc là lụy vì tình. Còn tôi thì bị tù tập trung trong các Trại Trảng Lớn, Kà Tum, Đồng Ban, và Xuân Lộc trong ba năm vì thời VNCH, tôi bị động viên khóa 2/68.
Thuở ấy tôi toàn tâm toàn ý với Sử Học -bây giờ vẫn thế-. Lý tưởng của người giáo sư trẻ từ thập niên 1960-70 không phải là tiền bạc hay quyền thế địa vị. Đơn thuần chỉ là đọc và viết Sử theo phương châm tất cả sự thật và không gì ngoài sự thật cùng nhận định chết là cùng!
Sau ngày 30.4.1975, cái nhận định ấy đã được tôi áp dụng tại Trại Tập Trung Trảng Lớn, Tây Ninh mà đội trưởng cùng bị cầm tù là bác sĩ Nguyễn Tường Vân một hôm sau khi đi họp “giao ban” với cán bộ về, lo lắng nói riêng với tôi là anh trung úy cán bộ quản giáo nói, nguyên văn, “Anh Tuấn khinh chúng tôi.” Lúc ấy tôi chỉ thản nhiên cười mà không giải thích với anh Vân là tôi đang vui trong lòng.
Vui vì mình thế nào họ mới nói là “khinh,” chứ họ coi thường thì sẽ nói “hỗn,” hay “láo” chứ! Anh Vân, bây giờ anh ở đâu? Nếu còn hiện diện trên Trái Đất này, tuổi anh cũng đã trên 80 và cầu mong anh được an khang trường thọ.
Nguyên nhân cán bộ quản giáo trách tôi là vì trong dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám năm 1975, tôi được/bị cắt cử đại diện trại (L3T3 thì phải?) lên hội trường nói về Cách Mạng Mùa Thu. Hôm ấy, tôi cứ nói như đang giảng bài ở Văn Khoa mà quên thân phận đang bị cầm tù. Tôi đã nghĩ trong lòng, là phải giữ tư cách của một giáo sư đại học miền Nam nên cứ thẳng thắn trình bầy những sự kiện lịch sử mà mình biết, xoáy vào ý niệm “cướp chính quyền” chứ không phải “cách mạng.” Tuy vậy, tôi cũng đã “thủ” chứ không phải cắm đầu vào xe lửa đang chạy trên đường rầy. Thủ về nghĩa của chữ “cướp.” Tôi nghĩ đến chuyện chúc mừng của người xưa khi bạn sinh con trai với câu:
Mong cho chóng lớn đi ăn cướp…
(Ngừng cho thơ ngấm vào bạn và mọi người chung quanh. Rồi mới hạ câu:
…Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài!
Còn nếu cán bộ trại không phản ứng thì tốt thôi, cướp vẫn hoàn cướp!
Tính cách đó đã từng biểu lộ qua các giảng đường Đại Học Văn Khoa đường Cường Để những năm 1972-75 chắc phần nào nhận được sự cảm thông của hơn 3,000 sinh viên Ban Sử. Trong số sinh viên hay tìm gặp tôi sau giờ học, tôi nhớ có một nhóm chủng sinh đại chủng viện đang học Năm Thứ Nhất và sáng nay, tôi tình cờ biết được tin mừng làm tôi rất vui và hãnh diện, về một người trong nhóm đó.
Niềm vui được trọn vẹn, không như niềm vui bàng hoàng khi một cựu sinh viên khác giữ vai trò quan trọng trong guồng máy nhà nước Cộng Sản.
TRẦN ANH TUẤN
10.2019-cập nhật 15.4.2020
Hồi tưởng Văn Khoa Sài Gòn
Một trời mực đậm son tươi
Một trời Đại Học, một trời Văn Khoa.
Đông Hồ LÂM TẤN PHÁC
Sáng ngày 19.10.2019, khi nhận được tin vui về một cựu sinh viên ở trong nước, tôi bồi hồi nhớ lại quãng thời gian giảng dạy ngắn ngủi tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1972-1975) với thật nhiều kỷ niệm.
Trước hết, chuyện tôi từ trung học lên dạy đại học là hoàn toàn nhờ giáo sư Nguyễn Thế Anh. Nguyên khi tôi dạy tại trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho thì ghi danh Cao Học và hoàn tất tiểu luận dưới sự bảo trợ của giáo sư Anh.
Bấy giờ gs Nguyễn Thế Anh nguyên là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế từ miền Trung vào Sài Gòn làm Trưởng Ban Sử Học, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Gs Anh nổi tiếng khó tính. Sinh viên kính và sợ mà không dám thân gần, nhưng ai ai cũng tâm phục khả năng phân tích và tổng hợp của Ông. Vì thế, khi tôi muốn nhờ Ông làm giáo sư bảo trợ tiểu luận thì tôi phải nói “khích.” Một hôm, tôi đón Ông ra về ở cổng trường đường Cường Để. Tôi chào thầy, và ngỏ ý xin Ông bảo trợ Cao Học vì chỉ có Ông thì tôi mới học được chuyên môn trong nghề. Ông cười và nói, nguyên văn: “Vậy hôm nào anh đến nhà tôi.”
Về đề tài, tôi suy nghĩ và theo gương Ông. Luận án Tiến sĩ Sorbonne của Ông là Bibliographie critique sur les relations entre le Viet-Nam et l’ Occident (Ouvrages et articles en langues occidentales) nên tôi xin làm đề tài Thư mục chú giải lịch sử Việt Nam qua các tạp chí Pháp ngữ 1865-1970.
Thế là hàng tuần, sau khi dạy học ở Mỹ Tho về, tôi vào thư viện của hội Société des Études Indochinoises tại Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên để đọc Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine (BCAIC, 1865-1881), Excursions et Reconnaissances (ER, 1879-1890), Bulletin de la Société des Études Indochinoises (BSEI, 1883-1970), Revue Indochinoise (RI, 1893-1925), Bulletin de l’ École Francaise d’ Extrême-Orient (BEFEO, 1901-1970), Cahiers de l’ École Francaise d’ Extrême-Orient (CEFEO, 1934-1948), France Asie (FA, 1946-1970)... Riêng tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, 1914-1941) thì tôi không khai thác vì trước tôi, linh mục Léopold Cadière, vị sáng lập Tạp Chí, đã thực hiện hai thư tịch năm 1925 và 1942, phân tích và chú giải tất cả những bài viết trong BAVH rồi.
Tôi rất phục giáo sư Nguyễn Thế Anh khi, một hôm, tôi đến nhà Giáo Sư ở đường Công Lý Sài Gòn và trình Ông những phiếu tôi đã ghi chú để xin Ông cho ý kiến. Ông chọn xem vài phiếu, rồi thản nhiên nói, nguyên văn: “Anh làm thế này là hơn tôi rồi, đâu cần sửa chữa gì nữa?!” Ý là Ông chưa đọc bài viết trong các chuyên san, còn tôi thì đọc rồi!
Giáo sư Nguyễn Thế Anh hiện nghỉ hưu tại Pháp.
Tiểu luận được chấm đậu “Ưu hạng” năm 1972 là thứ hạng lần thứ hai được cấp phát trong Ban Sử Học tại ĐHVK Sài Gòn. Người đầu tiên đỗ hạng “Ưu” năm 1964 là giáo sư Phạm Cao Dương hiện hưu trí tại miền Nam California. Lúc đậu Ưu Hạng, gs Dương đang dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và trong Ban Giám Khảo có giáo sư Lâm Thanh Liêm là bạn cùng Khóa 1 Ban Sử Địa với Ông tại Đại Học Sư Phạm. Còn tôi chỉ là sinh viên thuần túy.
Vì khai thác tài nguyên của Thư Viện hội Société des Études Indochinoises mà sau đó tôi được gs Nguyễn Thế Anh giới thiệu vào Hội Đồng Quản Trị của Hội và giữ vai trò Bibliothécaire. Vai trò này tôi dịch là Thư Viện Trưởng mà không dịch là Quản Thủ Thư Viện vì tôi không học về Thư Viện Học nên dịch ra Quản Thủ thì không chỉnh. Được giáo sư Anh giới thiệu, nhưng qua vài buổi họp Hội Đồng Quản Trị SEI mới bầu tôi làm thành viên mới. Lý do là vì vị Chủ Tịch Ban Quản Trị, một cụ già người Pháp tóc bạc trắng tên Joseph Bocquet, Quản Trị Viên của Ngân Hàng Pháp Á (France Asie), sợ tôi trẻ quá và làm chính trị. Lại có một chi tiết đáng nhớ nữa, là hồi ấy tôi là sinh viên đến đọc sách rồi nghiễm nhiên thành bibliothécaire trông coi một thư viện chuyên ngành quý giá nhất nhì Đông Nam Á thời bấy giờ mà tài nguyên bắt đầu bằng bản gốc bộ tự điển Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651, hay toàn bộ tác phẩm của Pétrus Trương Vĩnh Ký và đơn từ viết tay của học giả họ Trương cùng văn thư đánh máy từ Phủ Thống Đốc Nam Kỳ, nhiều nhất là văn thư và lời phê của một Inspecteur des Affaires Indigenes (Thanh Tra Bản Xứ Vụ) tên Paul Vidal, nên một hôm tôi nghe lóm hai nhân viên phụ tá nói chuyện với nhau. Chị nữ nhân viên thắc mắc không hiểu sao tôi được mời vào Ban Quản Trị thì anh nam nhân viên nói, tôi còn nhớ nguyên văn cách nói miền Nam: “Thì thằng chả đọc hết sách ở đây rồi!” Họ không biết tôi đã có mặt trong Thư Viện, và đang thơ thẩn khuất trong khu chuyên san hàng trăm loại về vùng Viễn Đông. Tôi phớt lờ, chỉ nghĩ thầm, là nếu tôi chỉ cần đọc 1/10 tài nguyên của Thư Viện SEI thì tôi đã trở thành một bác học rồi!
Giáo sư Phạm Cao Dương muốn giúp tôi về dạy cùng trường với Ông tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi rất cảm động về hảo ý của gs Dương. Tuy nhiên, khi giáo sư bảo trợ ngỏ ý nhận tôi vào dạy Ban Sử tại ĐHVK, tôi cám ơn ngay.
Lý do là vì tuy vào nghề Thầy, tôi lại là người phóng khoáng không để ý đến hình thức, và làm việc tài tử: thích thì làm việc miệt mài không kể ngày đêm, nhưng có khi đang viết lại lăng ba vi bộ suốt ngày ở các sạp sách báo cũ trên vỉa hè Sài Gòn hay giang hồ vặt, có khi mất nhiều tháng trời. Đó là may không vướng vào “cái lăng nhăng” thứ ba của Tú Xương.
Kỷ niệm giang hồ là một ngày đầu tháng ngay sau khi lãnh lương, tôi ra bến xe Miền Tây ở Phú Lâm lên xe đò đi Long Xuyên thăm một người bạn thân là giáo sư Trần Đức Tường -hiện ở Nam California- đang dạy trung học Thoại Ngọc Hầu. Xuống đến Long Xuyên, việc đầu tiên là tôi ra chợ mua bàn chải, kem đáng răng, khăn mặt, quần áo… và trái cây làm quà cho gia đình bạn. Đó là lúc tôi biết một chục cam ở Long Xuyên có tới 14 quả.
Một kỷ niệm khác là tôi thường ăn mặc giản dị quần tây áo sơ-mi khi đi dạy. Vì thế một hôm tại giảng đường lớn nhất của ĐHVK là Giảng Đường I, sinh viên ngồi chật như nêm, một nam sinh chận không cho tôi đi vào. Tôi chỉ đứng cười tại chỗ rồi ai đó nói “Thầy Tuấn, thầy Tuấn…” thì tôi mới được mở lối đi lên bàn giáo sư. Đến bàn, tôi nhìn xuống thì, Trời ơi, ba nữ sinh viên mặc áo dài trắng bó gối thu lu mỗi người một góc dưới gầm bàn. Chuyện xảy ra ngày hôm ấy khiến tôi càng tin tưởng vào thiên chức của mình, và từ đó cũng không quên đeo cravate khi có giờ dạy.
Về Văn Khoa, tôi dạy ba buổi sáng môn Phương Pháp Sử cho Năm Thứ Nhất vì sĩ số sinh viên lên đến hơn 3,000 người và hai buổi chiều môn Cổ Sử Nhật Bản và Bình Giảng Sử Liệu cho chứng chỉ Lịch Sử Thế Giới Thời Cổ, sĩ số khoảng 15 sinh viên. Soạn bài thì tôi bỏ rất nhiều thì giờ vì trọng nghề Thầy và vì khi soạn bài là khi tôi cũng học thêm.
Thành phần giáo sư Ban Sử khi ấy gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là giáo sư cơ hữu, tức chính thức của Ban, gồm có bốn vị là gs Nguyễn Thế Anh (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp), gs Châu Long (Tiến sĩ đại học, Pháp), gs Đỗ Phan Hạnh (Cao Học Sử, ĐHVK Sài Gòn), và tôi.
Tuy đều là những giáo sư dạy lớp, nhưng ng̣ach trật -cũng có nghĩa là lương bổng- hoàn toàn khác nhau. Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Châu Long thuộc ngạch Giáo sư Diễn Giảng (chỉ số lương 1,100-1,200?) dù ông Châu Long chỉ là tiến sĩ đại học Pháp (docteur d’université). Gs Đỗ Phan Hạnh thuộc ngạch Giảng Sư (chỉ số lương 750-800?) và tôi thuộc ngạch Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp (chỉ số lương 470) tuy gs Hạnh và tôi đều có Cao Học.
Giấy Biên Nhận của Ban Sử Học có chữ ký và
ghi rõ chức vụ của tôi: “G.S. Trần Anh Tuấn.
Cao Học mà được đặc cách vào ngạch Giảng Sư -là ngạch căn bản phải có văn bằng tiến sĩ- là một vết nhơ của giáo dục Đại Học thời VNCH.
Cao Học chỉ là ngạch Phụ Khảo. Nhưng bấy giờ một bộ trưởng Phủ Thủ Tướng (không biết học thức đến đâu!) có người em làm Phụ Khảo ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn nên ký một nghị định đặc cách cho các Phụ Khảo được cải ngạch thành Giảng Sư. Nghị định lại đặc biệt chỉ giới hạn những Phụ Khảo trong thời điểm phù hợp với tình trạng của em ông ta, sau thời điểm đó thì dù đang ở ngạch Phụ Khảo còn phải thi tuyển. Thế là Hội Đồng Khoa -tức là Ban Giám Đốc- của Trường Văn Khoa tổ chức một kỳ thi cho những Phụ Khảo hiện hữu không những không được cải ngạch Giảng Sư mà còn phải thi vào ngạch Phụ Khảo. Hôm thi, các đại giáo sư Văn Khoa đều lánh mặt, đùn cho một giáo sư ngoại quốc hiền lành là gs Philippe Langlet làm Giám Thị. Tội nghiệp, Ông chỉ biết ngồi trên bàn như phỗng đá! Nhưng tất cả các Phụ Khảo hiện hữu -dĩ nhiên kể cả tôi- phản đối không ai làm bài thi.
Và chuyện ngạch trật cũng qua đi như một cơn gió chướng, thời buổi nhiễu nhương vô đạo đức ai hưởng được cái gì cứ hưởng!
Sự việc vô lý và bất công ấy khiến tôi thấm thía lời của Lê Duẩn, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, khi ông ta nhận định, nguyên văn: “Bọn tư bản chúng nó làm luật để bảo vệ quyền lợi của chúng nó. Nay ta phải làm luật để bảo vệ quyền lợi của giai cấp chúng ta.”
Buổi ấy tôi đâu thiết tha gì đến quyền lợi vật chất. Từ năm 1967 cho đến năm 1975, tôi vẫn hưởng lương GSTHĐ2C hạng Tư với chỉ số 470 là hạng đầu tiên khi ra trường ĐHSP Sài Gòn năm 67 cũng chẳng sao! Chẳng có cấp trên nào theo luật lệ phải cải ngạch cho tôi, tôi cũng không để ý. Nhưng gian dối đến độ phải đạo văn người khác, hay giúp người khác đứng tên công trình của mình, và nhất là ỷ quyền cậy thế ký giấy đưa nhau lên ngạch thêm lương… mà tôi biết từng người từng chi tiết chỉ làm tôi xem thường!
Chứng Minh Thư của Đại Học Văn Khoa
Sài Gòn năm 1973 ghi rõ “Giáo sư THĐ2C.”
Nhóm thứ hai là quý vị giáo sư dạy giờ, gồm gs Philippe Langlet (Thạc sĩ Sử và Tiến sĩ Đệ Tam Cấp tại Paris, Pháp, thuộc Phái Bộ Văn Hoá Pháp), gs Nghiêm Thẩm (Tốt nghiệp Bảo Tàng Học, Viện Louvre, Pháp, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Sài Gòn), gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc (Giáo viên hồi hưu), và gs Phạm Cao Dương (Giáo sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn).
Trong biến cố 30.4.1975 thì gs Nguyễn Thế Anh, gs Đỗ Phan Hạnh và gs Phạm Cao Dương lần lượt chạy được sang Pháp, Canada và Mỹ. Còn lại trong nước là gs Châu Long, gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc, gs Nghiêm Thẩm và tôi.
Những người còn lại nổi trôi theo vận nước. Gs Châu Long được cấp phát một biệt thự 18 phòng ở Phú Nhuận vì ông “nằm vùng,” tức là hoạt động nội thành cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Gs Thọ Xuân Lê Văn Phúc gặp lại nhóm bạn giáo viên ngày xưa, nay đã là những cán bộ văn hóa cao cấp của chính quyền mới. Gs Nghiêm Thẩm bị thảm sát không rõ lý do, hoặc là vì cán bộ văn hoá cao cấp nào đó thèm muốn kho sách quý giá của Ông, hoặc là lụy vì tình. Còn tôi thì bị tù tập trung trong các Trại Trảng Lớn, Kà Tum, Đồng Ban, và Xuân Lộc trong ba năm vì thời VNCH, tôi bị động viên khóa 2/68.
Thuở ấy tôi toàn tâm toàn ý với Sử Học -bây giờ vẫn thế-. Lý tưởng của người giáo sư trẻ từ thập niên 1960-70 không phải là tiền bạc hay quyền thế địa vị. Đơn thuần chỉ là đọc và viết Sử theo phương châm tất cả sự thật và không gì ngoài sự thật cùng nhận định chết là cùng!
Sau ngày 30.4.1975, cái nhận định ấy đã được tôi áp dụng tại Trại Tập Trung Trảng Lớn, Tây Ninh mà đội trưởng cùng bị cầm tù là bác sĩ Nguyễn Tường Vân một hôm sau khi đi họp “giao ban” với cán bộ về, lo lắng nói riêng với tôi là anh trung úy cán bộ quản giáo nói, nguyên văn, “Anh Tuấn khinh chúng tôi.” Lúc ấy tôi chỉ thản nhiên cười mà không giải thích với anh Vân là tôi đang vui trong lòng.
Vui vì mình thế nào họ mới nói là “khinh,” chứ họ coi thường thì sẽ nói “hỗn,” hay “láo” chứ! Anh Vân, bây giờ anh ở đâu? Nếu còn hiện diện trên Trái Đất này, tuổi anh cũng đã trên 80 và cầu mong anh được an khang trường thọ.
Nguyên nhân cán bộ quản giáo trách tôi là vì trong dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám năm 1975, tôi được/bị cắt cử đại diện trại (L3T3 thì phải?) lên hội trường nói về Cách Mạng Mùa Thu. Hôm ấy, tôi cứ nói như đang giảng bài ở Văn Khoa mà quên thân phận đang bị cầm tù. Tôi đã nghĩ trong lòng, là phải giữ tư cách của một giáo sư đại học miền Nam nên cứ thẳng thắn trình bầy những sự kiện lịch sử mà mình biết, xoáy vào ý niệm “cướp chính quyền” chứ không phải “cách mạng.” Tuy vậy, tôi cũng đã “thủ” chứ không phải cắm đầu vào xe lửa đang chạy trên đường rầy. Thủ về nghĩa của chữ “cướp.” Tôi nghĩ đến chuyện chúc mừng của người xưa khi bạn sinh con trai với câu:
Mong cho chóng lớn đi ăn cướp…
(Ngừng cho thơ ngấm vào bạn và mọi người chung quanh. Rồi mới hạ câu:
…Cướp lấy khôi nguyên kẻo nữa hoài!
Còn nếu cán bộ trại không phản ứng thì tốt thôi, cướp vẫn hoàn cướp!
Tính cách đó đã từng biểu lộ qua các giảng đường Đại Học Văn Khoa đường Cường Để những năm 1972-75 chắc phần nào nhận được sự cảm thông của hơn 3,000 sinh viên Ban Sử. Trong số sinh viên hay tìm gặp tôi sau giờ học, tôi nhớ có một nhóm chủng sinh đại chủng viện đang học Năm Thứ Nhất và sáng nay, tôi tình cờ biết được tin mừng làm tôi rất vui và hãnh diện, về một người trong nhóm đó.
Niềm vui được trọn vẹn, không như niềm vui bàng hoàng khi một cựu sinh viên khác giữ vai trò quan trọng trong guồng máy nhà nước Cộng Sản.
TRẦN ANH TUẤN
10.2019-cập nhật 15.4.2020

No comments:

Post a Comment