Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 12 August 2020


Nhà văn Túy Hồng đã từ trần. Mời đọc Thụy Khê viết về nhà văn nữ này và những tác phẩm của bà.


Virus-free. www.avg.com

On Mon, Aug 3, 2020 at 7:09 PM 


Xin Chuyển

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ty-hong-nguoi-di-nguoc-gi/


TÚY HỒNG – NGƯỜI ĐI NGƯỢC GIÓ

Thụy Khuê

Một mình. Đi ngược dòng thời đại. Túy Hồng là một kiện tướng. Chưa từng biết sợ.

Nguyễn Thị Túy Hồng sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938, tại thôn Chí Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình nhiều con gái, ở căn nhà có vị trí rất đẹp đường Phan Châu Trinh, nhìn xuống dòng An Cựu.

Mất ngày 19-7-2020, tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Nữ sinh Đồng Khánh thời trung học đệ nhất cấp. Quốc Học Huế, đệ nhị cấp.

Học khoá đại học sư phạm một năm ở Huế.

Năm 1961 được bổ dạy Việt văn ở trường trung học Hàm Nghi (trước là trường Quốc Tử Giám).

Sau biến cố chính trị 1963 (lật đổ và hạ sát anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm), gia đình di cư vào Nam, nhưng Túy Hồng ở lại Huế dạy học. Trường Hàm Nghi trong Thành Nội, địa điểm thường trực bất an vì những vụ biểu tình thường xuyên xảy ra, nên Túy Hồng xin đổi về dạy trường Gia Hội.

Cuối năm 1962, bắt đầu viết văn, gửi đăng các báo ở Sài Gòn.

Đầu tiên là hai mẩu truyện khôi hài đăng trên báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, tiếp đó là truyện ngắn đầu tay Bát nước đầy đăng trên báo Văn Hữu.

Liền được Võ Phiến viết thư khen và tán, bắt đầu một chuyện tình văn nghệ qua thư từ.

Túy Hồng xuất hiện trên báo Bách Khoa trong hai năm với sáu truyện ngắn:

Lòng thành (Bách Khoa số 150, 1/4/1963)

Thở dài (Bách Khoa số 158, 1/8/1963)

Ngày xuân đêm xuân (Bách Khoa số 170, 1/2/1964)

Vòng tay anh (Bách Khoa số 175 (15/4/1964) và số 176 (1/5/1964)

Vết thương dậy thì (Bách Khoa số 187 (15/10/1964) và số 188, 1/11/1964)

Tóc mai nghìn năm (Bách Khoa từ số 204 (1/7/65) đến số 206 (1/8/65).

Chấm dứt mối tình với Võ Phiến bằng truyện ngắn Vòng tay anh, gửi thẳng đến toà soạn Bách Khoa. Sau đó Túy Hồng còn gửi thêm cho Bách Khoa hai truyện nữa là Vết thương dậy thì và Tóc mai nghìn năm, rồi hết cộng tác với Bách Khoa.

*

Túy Hồng trao đổi thư từ với Mai Thảo ngay từ khi còn ở Huế.

Năm 1966, được chuyển vào dạy học ở Sài Gòn. Đầu tháng 12/1966, Mai Thảo giới thiệu Túy Hồng với Thanh Nam, nhà báo, tác giả tập truyện ngắn Buồn ga nhỏ.

Cuối tháng 12/1966, Túy Hồng-Thanh Nam tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng Đồng Khánh, nhưng không làm giá thú, có 4 con. Con gái đầu lòng tên Hồng Ân và ba trai kế tiếp.

Trả lời Trần Thị Lai Hồng, năm 2005, về hoạt động nghề nghiệp trước 1975, Túy Hồng cho biết:

"Hồi đó, tức là trước 1975, nghề nghiệp chính của tôi là dạy Việt văn trường Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn. Nghề phụ là viết văn, gửi bài đăng nhiều báo xuất bản tại Sài Gòn, phần lớn là những loạt bài feuilleton. Ngoài ra tôi còn viết bài cho đài Tiếng Nói Tự Do, do tiền Mỹ yểm trợ. Các bài được Thái Thanh đọc trên làn sóng điện chuyển vào bưng và ra Bắc. [...]

Năm 1973, khi Mỹ bắt đầu rút quân, đài Tiếng Nói Tự Do chuyển lại cho người Việt điều hành. Năm đó tôi sinh cháu út và cũng rời đài Tiếng Nói Tự Do để viết bài cho đài Mẹ Việt Nam, cũng đã chuyển cho người Việt điều hành dưới quyền hai cố vấn Hoa Kỳ, và cũng do tiền Mỹ đài thọ, nên coi như mình làm cho Mỹ.

Mỗi tuần tôi gửi một bài cho đài Mẹ Việt Nam, toàn là những bài chống cộng lời lẽ nhẹ nhàng. Mỗi bài được trả thù lao hình như gấp sáu lần nhuận bút gửi cho các báo và cho các đài khác." (Trả lời phỏng vấn của Trần Thị Lai Hồng, mạng Gió O, tháng 4/2005).

Túy Hồng là nhà văn hiếm hoi, nếu không muốn nói duy nhất, đã viết rất thật về hoạt động phát thanh của mình. Xác nhận mình làm cho Mỹ để kiếm tiền: Tiền nhận bút cao gấp sáu lần một bài viết cho báo Việt.

Bà đã gián tiếp giải thích lý do tại sao, một số nhà văn miền Nam được Mỹ, đưa đi từ trước ngày 30 tháng Tư.

Năm 1975, gia đình Túy Hồng-Thanh Nam rời Sài Gòn theo diện người Mỹ đón nhân viên làm việc với họ, Túy Hồng ra Phú Quốc từ ngày 15/4/1975. Đêm 22/4/75, lên phà, ra khơi lên tàu của hạm đội Mỹ. Ngày 30/4/75, tới đảo Guam. Ở đảo 21 ngày, rồi được đưa về trại tỵ nạn Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania, tạm cư ba tháng, trước khi được chuyển sang tiểu bang New Jersey. Đầu tháng 4/1976, cả gia đình về định cư ở Seattle, thuộc tiểu bang Washington.

*

Túy Hồng tiếp tục viết văn ngay khi còn ở trong trại tỵ nạn, truyện dài Trong cuối cùng, ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn và Phú Quốc, khởi đăng báo trên báo Văn Nghệ Tiền Phong, số 1 của Hồ Anh, ở Virginia, Hoa Kỳ.

Tới Seattle, Thanh Nam được mời làm Tổng thư ký rồi Chủ bút tờ Đất Mới là một trong những tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Mỹ, do Huy Quang Vũ Đức Vinh và Nguyễn Văn Giang sáng lập từ tháng 7/1975.

Thanh Nam có những dấu hiệu bị ung thư thanh quản từ trong trại tỵ nạn, ông đã cầm cự với bệnh trong mười năm, và qua đời ngày 2/6/1985, ở tuổi 54, để lại tập thơ Đất khách, tác phẩm giá trị của đời ông và là một trong những tập thơ hay nhất của văn chương hải ngoại.

Túy Hồng lúc đó 48 tuổi, một mình xoay sở nuôi 4 con: con gái đầu lòng, 17 tuổi phải đi làm thêm, phụ mẹ đang làm việc ở nhà băng. Rồi bà phải đổi xuống Porland, cuối tuần mới về Seattle thăm con. Sau hai năm bán được nhà, gia đình dọn về đoàn tụ ở Porland.

Trên tờ Đất Mới, Túy Hồng đăng truyện dài Tay che thời tiết, viết về cuộc sống của người đàn bà, chồng bị đi tù cải tạo, di tản một mình với hai con, nhà Xuân Thu in thành sách năm 1988. Tiếp đó là truyện Sạn đạo.

Khoảng 1980, bà sáng tác truyện dài Màu đỏ, viết về chiến tranh Việt Nam, đăng dở trên báo Bách Việt của Hà Thúc Sinh. Sau đó là hai tập truyện dài Mưa thầm trên bông phấn và Truyện dài con nít, in trên tờ Phụ Nữ Ngày Nay của nhóm Trần Thị Lai Hồng, Lê Thị Huệ, Bùi Bích Hà, Túy Hồng, và một số truyện ngắn rải rác trên các báo khác.

Túy Hồng trở về Việt Nam lần đầu năm 1996, sau đó có những lần khác. Năm 2011 và 2012, bà thuật lại những chuyến về trong vài truyện ngắn, nội dung vui mừng vì thấy đất nước đã dần dần thay đổi. Bà còn viết bài phản bác thái độ chống cộng cực đoan của một số người. Thêm vào đó, bài Võ Phiến viết ngày 23/9/2012, in trên mạng Gió O, mô tả tác phong của nhà văn tên tuổi đối với bà và các đồng nghiệp phụ nữ.

Sau hai sự kiện này, bà bị dư luận lên án vì hai "tội nặng":

- Dám "bôi nhọ" nhà văn lớn Võ Phiến.

- "Đầu hàng cộng sản".

Từ đó, bà quyết định sống tách rời, gần như ở ẩn. Không giao thiệp với ai.

Cô đơn. Một cõi.

Túy Hồng là nhà văn hiếm hoi dám viết thẳng, viết thực những suy nghĩ của mình, cả đời tư lẫn đời công, không hề che đậy.

Túy Hồng ra đi âm thầm, không điếu văn, không cáo phó, không mấy nơi đưa tin bà chết.

Mặc dù bà là ngôi sao sáng của Văn học Miền Nam, tác phẩm của bà không thua kém gì những tên tuổi nối tiếng nhất trong nền văn học lúc bấy giờ, về mọi mặt, văn chương cũng như tư tưởng.

Tác phẩm đã in:

Truyện ngắn: Thở dài (Đời Mới, Sài Gòn, 1965), Vết thương dậy thì (Kim Anh, 1966). Truyện dài: Trong móc mưa hạt huyền (Đồng Nai, 1969; Xuân Hương, 1970), Tôi nhìn tôi trên vách (Đồng Nai, 1970), Mùa hạ huyền (Văn Khoa, 1971), Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc, 1970, Khai Trí, 1971), Biển điên (Văn Khoa, 1971), Bướm khuya (Đồng Nai, 1971), Hơi thở rướn cong (1972), Nhánh tóc sợi dòn (Tiếng Phương Đông, 1972), Mối thù rực rỡ (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Kinh thiên thu (Tiếng Phương Đông, 1973), Eo biển đa tình (Nguyệt Quế, 1973).

Truyện viết tại hải ngoại: Trong cuối cùng (đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, Hoa Kỳ), Sạn đạo (chưa in), Tay che thời tiết (Xuân Thu, 1988), Thông đưa tiếng kệ (1991), Mưa thầm trên bông phấn và Truyện dài con nít, in trên Phụ Nữ Ngày Nay (Hoa Kỳ).

Túy Hồng kể lại: khi bà gửi truyện ngắn đầu tay cho báo Văn Hữu ở Sài Gòn năm 1962, một tuần sau bà nhận được từ toà soạn, hồi âm của Võ Phiến, đầy giọng tán tỉnh, kèm theo tiền nhuận bút một ngàn đồng. Hai ngày sau, Võ Phiến thân ái gửi tặng Túy Hồng cuốn Hồng lâu mộng.

Tiếp đó, như đã nói ở trên, là thời kỳ cộng tác với Bách Khoa. Rồi chia tay với Bách Khoa.

Bà gửi truyện dài Những Sợi Sắc Không, đã đăng từng kỳ trên nguyệt san Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan (từ số 8, tháng 11- 1967), đi dự giải thưởng Văn chương toàn quốc Việt Nam Cộng hòa 1970. Không ngờ Võ Phiến, một trong ba giám khảo chính, quyết định dùng quyền phủ quyết, loại tác phẩm của bà, nhưng Mai Thảo và Nguyễn Mạnh Côn không đồng ý, nên Võ Phiến đành chịu (theo Túy Hồng, bài Võ Phiến; mạng Gió 0).

Tố cáo sự miệt thị các nhà văn phụ nữ

Về việc sáng tác sau khi lập gia đình, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Trần Huy trên báo Văn năm 1969, Túy Hồng cho biết:

"Bây giờ tôi còn viết bạo hơn hồi độc thân [] nhưng công việc gia đình chiếm nhiều thời gian, thành ra công việc sáng tác bớt đi lắm lắm. Mỗi ngày tôi phải đi dạy hết nửa buổi, còn nửa buổi làm việc gia đình với viết lách [] Ngay bây giờ, có rất nhiều nhà văn kiêm nhà phê bình đã nhân danh lớn để chỉ trích tàn tệ những cây bút phụ nữ". (Trả lời phỏng vấn Nguyễn Trần Huy, Văn số 128 (15/4/69).

Có lẽ đấy là lần đầu tiên Túy Hồng "khai chiến" với các nhà văn kiêm nhà phê bình đã nhân danh lớn để chỉ trích tàn tệ những cây bút phụ nữ.

Bởi vì, hầu như cả ba nhà văn phụ nữ có giá trị hàng đầu trên văn đàn miền Nam: Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ đều bị "xoa đầu" hoặc bị đối xử "tàn tệ" như vậy.

Tác phẩm Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng là một tuyệt tác viết về tình yêu, đạt thành công kỷ lục, tái bản 4 lần trong vài tháng. Nhưng Nguyễn Thị Hoàng cho biết:

"Sóng gió nổi lên từ mọi phiá… Năm tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới." (Trả lời phỏng vấn của Mai Ninh, mạng: amvc.free.fr).

Trừ Nhật Tiến trong bài Sinh hoạt tiểu thuyết một năm qua (Bách Khoa số 265-266, 15/1/1968), đã nhận định đúng giá trị của Vòng tay học trò và của các tác phẩm những nhà văn phụ nữ xuất hiện trong hai năm 1966-1967.

Túy Hồng là nhà văn duy nhất, dám tố cáo quyền "sinh sát" của những nhà văn nhà phê bình nhân danh lớn trên các cây bút phụ nữ, nhan nhản trên văn đàn, trước và sau 1975.

Những nhà văn "nhân danh lớn" này, quen giọng trịch thượng khi nhắc đến "đám nhà văn nữ", cho rằng: nếu họ có viết hay thì cũng chỉ là cái hay của đàn bà, không thể ngồi cùng chiếu với các đấng tu mi được. Các đấng này chỉ bàn luận văn chương với nhau. Thanh Tâm Tuyền, chủ soái thơ tự do, phán: đàn bà chỉ nên ở nhà nấu bếp.

Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, lúc đó là hai nhà văn nổi tiếng, có nhiều tác phẩm giá trị, trong khi Thanh Nam chỉ là nhà văn hạng nhì, nhưng khi các bác Sáng Tạo họp nhau chè chén, thì Túy Hồng, Thụy Vũ phải đóng vai đầu bếp, hầu bàn, ăn trong bếp, trong khi hai đức lang quân Thanh Nam, Tô Thùy Yên sánh vai cùng các tửu đồ Sáng Tạo, bàn chuyện văn chương chữ nghiã.

Ra hải ngoại, Võ Phiến càng lên giọng trịch thượng, kẻ cả đối với đám "nhà văn nữ", ông cho rằng: "các nữ văn sĩ cần sự tán trợ của chồng". Ông khen Thụy Vũ viết được thứ sách mà "phụ nữ không mấy kẻ dám dọc, đừng nói đến chuyện viết", ông lại khen Thụy Vũ "viết dữ", nhưng ông cho biết thời ấy Túy Hồng, Thụy Vũ chỉ "gây xôn xao" mà thôi, và ông kết luận: chỗ hay của Thụy Vũ và Túy Hồng là hay "ví von" và "đó là cái mới của họ, cái làm cho họ gây xôn xao", còn Nhã Ca, theo ông, là người xuất hiện đầu tiên, từ năm 1957, và cũng là người "khởi xướng một lối viết mới, bà dẫn đầu, bà mở một trường phái, tức trường phái… bù lu bù loa"; riêng văn chương Nguyễn Thị Hoàng, thì khỏi nói, ông bảo: "nó lồng lộn lên, inh ỏi quá chừng""ở Nguyễn Thị Hoàng là Chinh phụ hét, Chinh phụ rống. Nghe hãi lắm cơ. Hãi lắm, hãi lắm" (Văn Học Miền Nam, truyện 2, trang 1120, 1208, 1101).

Đấy là cách "phê bình" của nhà văn Võ Phiến. Lối phê bình này đã chôn sống các nhà văn phụ nữ bởi vì bộ Văn Học Miền Nam của ông có ảnh hưởng lớn, vì đó là sách của… Võ Phiến.

Ngoại trừ Nhật Tiến và Tạ Tỵ, hai ngòi bút luôn luôn tôn trọng nhân tài khác phái, thái độ của Võ Phiến dẫn đến những "nhận định" kiểu "Văn chương son phấn" của Uyên Thao, "Văn phong chanh ớt" (chỉ Túy Hồng) và "những móng vuốt sắc nhọn" (chỉ Thụy Vũ) của Du Tử Lê… nhan nhản khắp nơi, phản ảnh ý thức miệt thị phái nữ, xuất phát từ tâm thức nam quyền là chủ, có từ thời thượng cổ mà Simone de Beauvoir đã phân tích rạch ròi trong Le Deuxième Sexe (Phái hạng hai).

Để chống lại thành trì bảo thủ hồng hoang này, mỗi nhà văn phụ nữ có một thái độ khác nhau. Riêng Túy Hồng là quyết liệt hơn cả.

Con đường tư tưởng: Thân phận người phụ nữ

Truyện ngắn Lòng thành (Bách Khoa số 150, 1/4/1963), xác định chủ đề đầu tiên và duy nhất trong không gian tiểu thuyết Túy Hồng: Thân phận người phụ nữ.

Lòng thành là giọng một cô ca sĩ thuật lại đời mình: người con gái đó, hát hay từ nhỏ, bán giọng nuôi gia đình. Làm con, nàng sống trong không khí ngột ngạt của một gia đình nhiều con gái, chị em ganh tỵ, nói xấu nhau. Làm ca sĩ, nàng sống trong môi trường tồi tệ của thế giới về đêm. Rồi nàng cũng lấy được người chồng bác sĩ, tưởng sẽ thoát kiếp cầm ca, nhưng ông bác sĩ nhà binh lương ít nhắm vào món tiền đồ sộ hàng tháng bán giọng của nàng hơn cả bà mẹ ngày trước. Nàng vắt kiệt thể xác và tâm hồn trong tiếng hát, nhưng bất hạnh vẫn hoàn bất hạnh: chồng đi Pháp tu nghiệp, con chết, bị chồng nguyền rủa; cuối cùng, nàng đành phải lựa chọn: hoặc theo chồng tiếp tục những ngày tủi nhục hoặc nhường chồng cho kẻ khác.

Lòng thành phác họa cái bản đồ của xã hội mà Tuý Hồng sẽ vẽ dần trong tác phẩm, khởi đi từ không khí gia đình của chính mình: người mẹ thừa con gái, chỉ muốn tống khứ bớt, bà rao cho một tặng một. Đứa con gái sinh ra chưa kịp lớn, đã sợ ế chồng, phải tìm hết cách lao đi, sớm chừng nào hay chừng nấy. Những lá thư trong truyện Vòng tay anh, phản ảnh trắng trợn bi kịch thê thảm ấy: van nài người tình lấy mình, và để cho "chắc ăn" nàng đã trao thân, mong "được cưới", đâu ngờ trao nhầm kẻ đã vợ đàn con đống.

Mặc cảm "gái già" theo Túy Hồng cho tới khi lấy chồng và cũng là nguồn cội của sáng tác.

Thở dài (Bách Khoa số 158, 1/8/1963) truyện ngắn thứ hai, giá trị không thua gì tác phẩm Thăm chị buổi chiều của nhà văn đàn anh Võ Phiến, cùng đăng trên số Bách Khoa này.

Trong một xóm quê, Cỏ May, 16 tuổi, ngây thơ non dại, rong chơi cùng đám bạn học tản cư. Tây càn. Lũ trẻ chạy hết, chỉ còn một mình Cỏ May lạc lõng không chạy kịp vì nó có tật ngồi lâu tê chân. Điều, đứa con trai dũng mãnh, lớn hơn nó ba tuổi, thầm yêu nó, rủ nó ra ngồi cho y vẽ, cũng bỏ nốt. Đột ngột. Kinh hãi. Cỏ May không hét được, cũng không khóc được. Điều, còn ngoái lại nhìn nó lâm nạn, rồi không bao giờ nhìn nó nữa. Cỏ May trở thành cô giáo già, 30 tuổi.

Đời Cỏ May là tiếng thở dài của người con gái bị Tây làm nhục thủa thiếu thời, vết rách sâu buốt, không sao vá được, không thể lấy chồng. Mỗi dòng chữ nhẹ nhàng là một vết roi quất vào sự đê hèn vô cảm của xã hội cổ hủ, đầy thành kiến, người con gái bị hiếp dâm lặng lẽ bị sa thải như rác rưởi, cặn bã.

Với truyện ngắn Ngày xuân đêm xuân (Bách Khoa số 170, 1/2/1964), cá tính độc đáo của Túy Hồng càng hiển lộ, bà tự xác định như một tài năng lớn, sẽ phát triển và nảy nở hoàn toàn trong truyện vừa Vết thương dậy thì (Bách Khoa số 187-188, 15/10/1964 và 1/11/1964).

Nếu trong Lòng thành và Thở dài, hai nhân vật nữ còn là nạn nhân của xã hội, thì đến truyện Ngày xuân đêm xuân, viết về công chúa Như Mai (trong sử là công chúa Đồng Xuân), em vua Tự Đức, vợ Nguyễn Lâm (con trai Nguyễn Tri Phương), Tuý Hồng để người phụ nữ làm chủ đời mình: Công chúa Như Mai sống tự do, ham đọc binh thư, luyện tập võ nghệ, có đoàn nữ binh canh gác, công chúa tự coi mình ngang hàng với nam giới. Phò mã Nguyễn Lâm nói với vợ: "đàn bà mà đòi khai tên vào lịch sử thì chết cả ba họ… Sao công chúa không chịu làm một cánh hoa nở bên cạnh chồng…". Sao được chứ. Công chúa thừa biết mình là ai, việc đầu tiên là "trị gia", bà đối xử với chồng hệt như một hoàng tử đối với vợ: chỉ khi nào bà cho nữ binh "vời", chồng mới được phép lên "chầu đêm".

Sau khi chồng tử trận, công chúa có chửa với người tình, bị ép uống thuốc ra thai và bị hoàng gia trừng trị. Tác phẩm thể hiện con đường tranh đấu của Túy Hồng: như công chúa Như Mai, Túy Hồng xác định quyền sống tự do, hoàn toàn bình đẳng với nam giới.

Với bút pháp đặc biệt, không giống bất cứ ai, Túy Hồng xuất hiện như một cơn lốc, táp xuống văn chương Việt Nam, xoáy mạnh vào những chỗ người ta chưa dám làm, chưa dám nói, bà nói hết, làm hết.

Dùng chất liệu đời mình để viết, cho nên những nhân vật của bà rất thật, xuất phát từ những mẫu người hoặc đã quen thân với bà, hoặc trong đám họ hàng, quen biết.

Vòng tay anh là chuyện riêng của Túy Hồng được đưa vào tác phẩm. Cam Thảo, một người phụ nữ đầy mặc cảm, nghĩ mình xấu, sợ ế chồng, đã tha thiết viết bao thư van xin người tình cưới mình để khỏi trở thành gái già. Nhưng người đàn ông, tên Biên, đã có vợ con quấn quýt, gia đình hạnh phúc, chỉ muốn chơi ngang. Cam Thảo trao trinh tiết cho người tình, mới biết chàng đã năm con, con lớn 16 tuổi. Hôm ấy, sau khi hai người rời khỏi tiệm ăn…

"Bỗng tôi đứng khững lại, bỏ rơi nàng mấy bước, hai chân tôi như bị dính dầu hắc lát đường… Tôi cứng người, nhìn như đóng vào một thiếu phụ đi giữa hai đứa con từ đàng xa:

- Vợ anh, em tìm xe về đi…" (Vòng tay anh, BK, số 176, trang 64).

Tất cả đổ vỡ từ câu nói ấy.

Túy Hồng gửi thẳng Vòng tay anh đến Bách Khoa, Võ Phiến đọc, hăm dọa bà phải rút ngay về, nếu không thì… Nhưng Túy Hồng đâu có rút. Lê Ngộ Châu – người chủ trì tờ Bách Khoa, rất mực hiền lành – đã cho in, có lẽ vì ông nghĩ độc giả bàng quan chẳng ai biết Túy Hồng viết truyện thật hay hư cấu. Vì bà đã biến hoá những thói quen bí mật trong gia đình người tình, như việc chàng hết mình chăm sóc các con, chàng nuôi cửu, hàng ngày cho vợ con ăn phân cửu "cửu là một giống vật nhỏ bé, có cánh dày láng bóng, cong cong úp trên thân thể, hình giống con bửa củi", chàng "cho cửu ăn toàn món ngon như mứt hạt sen, táo tàu, nếp thơm rang, chánh hoà và cam thảo" và chàng tin rằng "phân của chúng là một vị thuốc hồi xuân, uống vào thì gọi được mùa xuân về với mình, nên dùng trong hai tháng, nhất định lên năm cân"! Tất cả những chi tiết lặt vặt, những lo lắng lẩm cẩm, những chăm sóc tức cười có thật được đưa vào truyện, tạo nên một nhân vật độc đáo, tay nọ vuốt bụng vợ, tay kia mơn trớn người tình, vừa chân chỉ hạt bột, quê mùa mà vừa sở khanh gian dối, sống hai mặt, hết sức cù lần nhưng không kém phần mánh mung. Chỉ mình Võ Phiến biết Túy Hồng dùng ai làm mẫu. Người ngoài làm sao biết được. Nhưng cái vụng của ông là sự dụng quyền uy, là cấm. Vì cấm Túy Hồng, ông tự tạo xì-căng-đan. Bởi vì, không ai có thể cấm được Túy Hồng.

Vết thương dậy thì viết về kinh nghiệm "phong trần" của đứa con gái dậy thì, diễn viên chính trong một gánh hát bội, bị ông bầu mò vào màn hiếp dâm trong những đêm cả đoàn ngủ tập thể.

Truyện này được họ hàng bên ngoại của Tuý Hồng coi là bôi nhọ gia đình, bà bị "cả họ" kết án, rồi ruồng bỏ, khai trừ đứa cháu bất mục đã dám đem chuyện gia đình phơi bày trên mặt báo. Với một số chữ cực tiểu đăng hai kỳ trên tạp chí Bách Khoa, tác giả đã tạo ra không khí căng thẳng cực đại trong không gian sống của đứa nhỏ tên Sao: ngay từ thủa bé ở với ông ngoại và mẹ, đứa nhỏ đã "từng trải" với con trai, nó bán "mỗi cái vuốt một cắc", "mỗi cái vuốt má phải một đồng".

Tạo được những nhân vật đặc thù như thế, truyện ngắn của Túy Hồng không hề nao núng khi đem so với tác phẩm của những cây bút "đàn anh" thời đó, nhưng Túy Hồng vẫn bị nhà văn kiêm nhà phê bình đã nhân danh lớn để chỉ trích tàn tệ những cây bút phụ nữ, bởi vì đối với họ "nhà văn nữ" chưa phải là nhà văn. Chữ nhà văn chỉ dành riêng cho phái nam, cho nên không ai nói "nhà văn nam" bao giờ!

Sự đổi mới văn phong và tư tưởng trong tiểu thuyết của Túy Hồng

Nhiều nhà văn, nhà phê bình, gán cho Túy Hồng nhãn hiệu viết bạo, viết sếch, khai thác nhục dục. Bởi vì họ không hề đọc bà. Cũng như ngày trước Vũ Ngọc Phan khen Khái Hưng là nhà văn của phụ nữ, vì được độc giả nữ yêu chuộng. Lối khen này chẳng khác gì chửi. Thời Vũ Ngọc Phan, đàn bà không có nghiã lý gì cả: phần lớn không được đi học, hoặc chỉ biết đọc, biết viết, vậy khen Khái Hưng viết cho đàn bà đọc, tức là viết sách "hạ cấp"? Mà đã hạ cấp thì nhà phê bình nhìn đến làm gì? Người đọc chờ đợi nhà phê bình đọc và cho ý kiến của chính mình, chứ không phải nhà phê bình cho ý kiến của vợ mình. Vậy mà cái ý kiến của vợ ông Vũ Ngọc Phan, tức bà Hằng Phương, lại được đời sau chép đi chép lại, đến nỗi người ta gán luôn cho Khái Hưng nhãn hiệu nhà văn của phụ nữ.

Trở lại vấn đề Túy Hồng. Không phải vì bà viết về những người phụ nữ bị hiếp dâm mà bà là nhà văn "nhục dục" như người ta tưởng. Người ta tưởng mà không đọc, vì truyện của Tuý Hồng (cũng như của Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ) không có chỗ nào có thể gọi là "dâm dục". Tuý Hồng nhìn cao, bà xoáy vào điều kiện sống của con người, con người tự do, phá tung xiềng xích của thứ huynh quyền, phụ quyền, tối tăm và lạc hậu, tự cho mình là nhất đẳng, bằng tác phẩm văn học.

Hai tiểu thuyết chính của Túy Hồng là Những sợi sắc không và Tôi nhìn tôi trên vách.

Những sợi sắc không đăng trên tạp chí Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan năm 1967, được giải thưởng Văn chương toàn quốc Việt Nam Cộng hòa năm 1970, và nhà xuất bản Khai Trí in năm 1971, viết về thời kỳ đấu tranh ở Huế.

Tác phẩm thứ hai, Tôi nhìn tôi trên vách, (Đồng Nai, 1970), có dáng dấp của một tự truyện: Khanh nhân vật chính, cô gái Huế, vào Sài Gòn lấy Nghiễm, nhà văn người Bắc, là chuyện Túy Hồng-Thanh Nam viết thành tiểu thuyết. Túy Hồng mổ xẻ người chồng với những thói hư tật xấu không che đậy, nhưng đồng thời cũng nói lên niềm yêu thương và chịu đựng vô tận giữa hai cá thể phức tạp, khác biệt, tưởng như không thể sống được cùng nhau. Và như ta biết, họ đã đi cùng đường đến khi cái chết chia lìa.

Sự xung đột giữa hai nền văn hoá Bắc, Huế, giữa các món ăn, giữa hai cá tính, hai gia đình, hai "dân tộc" được Túy Hồng dựng lại bằng thứ bút pháp thẳng thừng, sống động, thọc sâu và những khiá cạnh tàn nhẫn nhất, và đó chính là giá trị của tác phẩm. Tôi nhìn tôi trên vách, tiếp nối dòng văn phong và tư tưởng đã bắt đầu từ Lòng thànhThở dài, đậm hơn trong Vết thương dậy thì, và bao trùm lên tất cả là tiểu thuyết đầu tay Những sợi sắc không.

Với Những sợi sắc không, tất cả Túy Hồng chứa chất trong đó.

Về văn phong, đây là một cảnh Huế, lạ hoắc:

"Khung trời lam, mái nhà đỏ ríu rít tình tỉ muội chìm dưới rừng cây xanh rì bóng đậm. Thấp thoáng những bóng hình con gái trên dòng nước lục, cây cầu bạc và con chợ Bến Ngự tanh tanh mùi tôm cá. Chiều Bến Ngự với những giải mây hường như mỡ chó, thuyền câu rải rác đổ về bến chợ, mấy mẹ hàng cá chóp chép nhai trầu vén quần ngồi quanh những chiếc thúng khổng lồ trét phân trâu bơi lúc nhúc cá vàng cá bạc." (Những sợi sắc không, Làng Văn, Canada, 1989, trang 16).

Từ Mai Thảo, chưa thấy ai viết tiếng Việt như thế. Người ta quen đọc: xứ Huế mộng mơ, cô gái Huế tóc thề buông xõa…

Đâu ngờ Huế nay, tanh tưởi, phân trâu… như thế. Đó là đặc chất Túy Hồng, ngòi bút có khả năng tạo âm thanh, màu sắc và mùi vị cho những tĩnh vật: "mái nhà đỏ ríu rít tình tỉ muội", "con chợ Bến Ngự tanh tanh mùi tôm cá""chiếc thúng khổng lồ trét phân trâu bơi lúc nhúc cá vàng cá bạc"…

Đó là thứ bút pháp lập thể, siêu thực, có khả năng tạo chuyển động và "suy tư" cho những thứ bất động, làm biến đổi bất cứ một cảnh nào bày ra trước mắt: "thành phố nhỏ thường chống những cặp mắt tò mò ngắm soi và kê mõm nhọn bàn tán: coi coi…" thành một quần thể sống động, biết nói, biết đi.

Thứ bút pháp sắc nhọn này có khả năng công phá dữ dội: "Cỏ May nhìn Trầm sâu hoáy. Cỏ May bây giờ héo úa, tóc rụng, áo dài gầy, đôi mắt cụp xuống, gò má nhướng lên" (Những sợi sắc không, trang 122).

Tuý Hồng đã dẫn văn chương bước qua những bức tranh ấn tượng nên thơ cũ: "Về phiá đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng" mà Khái Hưng đã dựng nên, từ những năm 30, trong Hồn bướm mơ tiên, mở đầu cho nền văn chương quốc ngữ mới.

Chống lại chế độ đàn áp phụ nữ từ năm 1932, nhưng văn Tự Lực hiền lành quá. Phải tới thứ bút pháp cộc lốc ghê gớm của Tuý Hồng mới đủ đòn phép để đương đầu với môi trường cổ hủ mà người đàn bà bị dìm sâu trong nhiều thế kỷ.

Trong không khí rần rần, biểu tình, xuống đường, lựu đạn, hung hăng chống lại chính quyền, "mấy tên sinh viên ngoác miệng cười đúng rồi, đúng rồi, vợ phải ngu hơn chồng, đàn bà mà thông minh lắm thì nếu không bị táo bón cũng tiêu chảy, nếu không dâm dật cũng liệt âm không làm cán bộ hộ lý được" (Những sợi sắc không, trang 10-11).

Trầm và Cỏ May, tham gia cuộc "cách mạng" nhưng hoàn toàn khinh bỉ bọn choai choai, mới nứt mắt đã khinh đàn bà, chúng chỉ biết nhai lại những điều tiền bối của chúng dõng dạc.

Trầm và Cỏ May làm cách mạng, tức là sống theo mệnh lệnh của chính mình.

Trầm dám viết văn và dám chửa hoang là hai "nghề" cấm tiệt.

Cha nàng bảo:"Mày coi! Đàn bà nhà văn nữ… nếu không cướp chồng người khác thì cũng lấy Tây lấy Tàu, giết tình nhân, mê học trò" (Những sợi sắc không, trang 25).

Trầm "thành thân" với Hoán, biết mình có thai và Hoán phản bội, Trầm bỏ Hoán, mặc áo bầu đi học, bị đuổi. Đẻ con hôm trước, hôm sau mặc áo dài, đi thi tú tài một…

Tác phẩm của Túy Hồng xác định bà là một trong những nhà văn tiên phong quyết liệt đạp đổ thành trì phong kiến bao quanh người phụ nữ. Nhưng không chỉ có thế, Túy Hồng là nhân chứng đã vén màn lên cái xã hội đó, đã đào sâu nhiều vấn đề, thăm dò cuộc sống nội tâm của mỗi con người, ở Huế, ở Sài Gòn, thập niên 60, 70.

Túy Hồng như chiếc kính hiển vi rọi đèn chiếu vào những vũng tối, làm lộ những ung nhọt giấu sâu trong thân thể và trong lòng người, với một bút pháp sắc sảo lạ lùng, ít có trong văn chương Việt.

Tuý Hồng đã thành công trên hai mặt: đổi mới bút pháp và đổi mới tư tưởng, bà đã ảnh hưởng sâu đậm đến những nhà văn đi sau về hai khía cạnh này. Sinh ra và lớn lên trong một xã hội cổ hủ, người đàn ông nắm độc quyền, kể cả quyền ngoại tình và hiếp dâm. Đàn bà viết văn là đồ bỏ, chửa hoang là tối kỵ, là phạm pháp. Túy Hồng bèn "cho" nhân vật của mình thể hiện hai thành tích "bất hảo" này để xác định quyền sống và quyền tự do của con người. Người phụ nữ.

Thụy Khuê

Yên Cơ, 25-26 tháng 7-2020

 

--
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Các_cụ_đồ_cổ".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến old_foggies+unsubscribe@googlegroups.com.
Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/old_foggies/CAJ0%3DzOM-yqkqpJzF_6nocCKfnGajb_pa_wGq88PxDcb6vTmTXA%40mail.gmail.com.

Virus-free. www.avg.com



 

No comments:

Post a Comment