Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 27 August 2020

SƠN TRUNG * CA DAO HUẾ


 

Huế là cố đô cho nên có một nền văn chượng đặc thù.  Ðến Huế để nhìn lại những cung điện, đền đài, lăng tẩm, ăn các món ăn đặc sản .. chưa đủ , nhưng nếu nghe tiếng hát ru con qua ca dao, các giọng hò trên sông Hương, như vậy mới gọi là thưởng thức trọn vẹn được cái hay, thơ mộng của Huế.

Ca dao Huế là dấu ấn của văn chương Huế và cả Thừa Thiên.

Ru em em thét cho muồi

Để mạ đi chợ  mua vôi ăn trầu.

Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu,

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh.

Chợ Dinh bán áo con trai.

Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

-Ai ra xứ Huế thì ra.

Ai về là về Gia Hội ,

Ai về là về Nam Giao

Dốc Nam Giao còn cao mong đợi,

Thuyền Bến Ngự còn đợi câu chờ.

Người tình ơi là người tình ơi!

Thi ca bình dân gợi lại dư âm, cái uy nghi của Kinh đô, Từ cửa Ngọ Môn cao vời vợi có lầu Ngũ phụng uy quyền qua các triều đại đến Ðiện Thái Hòa nơi thiết-đại-triều giờ đây vắng bóng người.. Thời xa xưa người Việt dùng loại đèn chai đốt sáng, đã biến mất theo sự phát triển khoa học, đèn điện sáng tiện lợi, nhưng không tạo được nét huyền ảo trong những đêm trăng non ở Huế .

Ngọ Môn năm cửa chín lầu

Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng

Ai ơi chớ phụ đèn chai

Thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn

Ngọ Môn năm cửa chín lầu

Người xưa tạo lập để công hầu vô ra.

Ngọ Môn năm cửa chín lầu

Một lầu vàng, tám lầu xanh,

Ba cửa thẳng, hai cửa quanh

Sinh em ra phận gái, không hỏi chốn kinh thành làm chi !

Huế đất không rộng nhưng có chợ Ðông Ba trước có tên là Ðông Phước thay đổi vài lần , năm 1899 dời ra phố Tràng Tiền cho đến ngày nay, chùa Diệu Ðế ở đông ngạn sông Ðông Ba, Thiên Mụ..... các di tích dù bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai được trùng tu, những địa danh gắn liền với lịch sử, và phong tục.

-Văn Thánh trồng thông

Võ Thánh trồng bàng

Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u. (1)

-Ðông Ba , Gia Hội hai Cầu

Ngó lên Diệu Ðế trống lầu gác chuông

Bến chợ Ðông Ba, tiếng gà eo óc

Bến chùa Thọ Lộc, tiếng trống sang canh

Giữa sông Hương giợn sóng khuynh thành

Theo tương truyền năm 1601 chúa Nguyễn Hoàng đến đây thấy phần đất thiên, cảnh đẹp, trước có sông sau là hồ, dựng nên chùa Thiên Mụ, mãi đến năm 1710 chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc chuông nặng 3285 cân ta, tiếng chuông ngân vọng ra xa, bên kia sông là làng Long Thọ Xương , có tiếng gà gáy ó o:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Câu này bị cải biến: 

Thọ Xương ở Bắc, Long Thọ ở Huế,

Huế đẹp thơ mộng, từ Ðà nẳng ra trước khi đến Huế thấy núi Ngự Bình nhìn phía trước tròn nhưng sau hơi méo, cây cối không cao nhưng có nơi chim cu đứng gáy. Bến đò nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, dưới cầu Gia Hội những chiếc đò nhỏ có mái cong.. Nếu khách bộ hành đi ngang qua đó sẽ được mời gọi. Muốn thưởng thức vẽ đẹp Hương giang, thuê thuyền đi trên sông, với gió mát, vẽ đẹp của thiên nhiên mây nước..đi vào thế giới yên tĩnh, tâm hồn thỏa mái nghe vọng lại tiếng hát cung đàn của ai đó ?

Thuyền ai lơ lửng trên sông,

Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền?

Ðể ta kết ngãi nối duyên

Trai anh hào gặp được thuyền quyên còn gì ?

Thuyền ai trôi trước cho em lướt tới cùng ,

Chiều đã về, trời đất mông lung,

Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng đêm sương.

-Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió

Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình

Ðoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh

Sông bao nhiêu nước, dạ sầu bấy nhiêu !

Biến cố của Kinh thành Huế sau khi vua Tự Ðức(1829-1883) băng hà, để lại những rối ren trong nội bộ triều chính, (2) được nhắc lại qua cao dao :

Một nhà sinh được ba vuă (3)

Vua còn, vua mất , vua thua chạy dài

Gẫm xem thế sự mà rầu

Ở giữa Ðồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Nhất giang lưỡng quốc nam phân thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường (4)

Thực dân Pháp đô hộ, Triều đình Việt Nam mất hết uy quyền chỉ làm vì, thực quyền do thực dân và bọn tay sai cai trị, bóc lột tận xương tủy dân tộc. Các vua quan Việt Nam đều phẩn uất. Thành Thái bị phế, vua Hàm Nghi và Duy tân đều muốn khởi nghĩa dành lại độc lập, nhưng đều thất bại. (5)

Chiều chiều trên (trước) bến Văn Lâu

Ai ngồi ai câu , ai sầu, ai thảm ?

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông ?

Thuyền ai thấp thoáng bên sông ?

Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non!

Sông Hương chảy đến chợ Ðông Ba chia làm ba nhánh, không kể sông Ðông Ba chảy dọc theo phía Ðông hoàng thành về Bao Vinh, một nhánh chảy về Gia Hội chợ Dinh, Bãi Dâu , một nhánh chảy dọc theo thôn Vĩ Dạ xuống ngã Ba Sình. Ở giữa hai nhánh nầy là Cồn Hến. Một nhánh khác chảy về Chợ Cống có Ðập Ðá ngăn lại.

Thuyền từ Ðông Ba, thuyền qua Ðập Ðá

Thuyền về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình

Lờ đờ bóng ngả chênh chênh

Giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non

Thời thế ngửa nghiêng, Huế đôi lúc trỡ nên u buồn trầm mặc, sầu muộn trong thời tao loạn. những biến đổi của cuộc đời, chỉ để lại cho con người giọt nước mắt thương đau !

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự

Sầu vơi giọt lệ nước sông Hương

Nơi bến Trường Tiền có cây đa bóng mát,

Gần bến Bồ Ðề có bãi phẳng lì

Trời ơi ! sang giặc làm chi ?

Ðể quân Trấn Vũ phải ra đi cơ hàn !

-Ðêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng

Tiếng hát ngư ông giữa sông Nhật Lệ,

Tiếng kêu đàn nhạn trên áng Hoành Sơn

Một mình em ngồi giữa sông Hương,

Tiếng ca theo khúc đoạn trường ai nghe !

Nhiều sĩ phu không cộng tác với chính quyền thuộc địa, một lòng chống lại thực dân, nhưng không thiếu những người vì quyền lợi cá nhân làm tay sai cho giặc, để vinh thân phì gia

Ðất Thừa Thiên trai thanh gái lịch

Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng

Tháp bảy tầng, thánh miếu, chùa Ông

Trách ai hai dạ một lòng

Tham đồng bạc trắng phụ lòng dân đen !

Tình yêu với tổ quốc cũng như gia đình được truyền tụng, cao dao chứa đựng được lòng hiếu thảo của con cái đối cha mẹ ông bà.

Ðêm đêm khấn vái Phật ,Trời

Cầu xin cha mẹ sống đời với con

Vô chùa thấy Phật muốn tu

Về nhà thấy mẹ công phu chưa đành

Con gái lúc trưởng thành lập gia đình, theo chồng đi về một vùng trời nào xa xăm tận Quảng Nam... không quên nhìn mái nhà xưa thân yêu luyến tiếc tuổi thơ , xa gia đình theo quan niệm xưa" xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử"

Ra đi ngó trước ngó sau ,

Ngó nhà mấy cột , ngó cau mấy buồng.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

Mỗi địa phương đều có những lời hát ru con, từ thành thị cho tới thôn quê có những nét giống nhau, nhưng âm hưởng tùy theo lời ru à ời ..kéo dài thanh thoát . Chúng ta đã được mẹ hiền, hát ru ngủ lúc còn bé nằm trong nôi, Những trưa hè thanh vắng trong thành nội, vọng lại tiếng hát ru con à ời kéo dài âm thanh như lời dặn dò

Mạ ơi ! chớ đánh con đau

Ðể con bắt ốc hái rau mẹ nhờ!

Ru con con thét cho muồi

Ðể mạ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam phổ, mua trầu chợ Dinh

Cá tôm mua tại chợ Sình

Triều Sơn bán nón, Bao Vinh bán đường

- Con chim xanh xanh ăn trái xoài xanh

Ăn no tắm mát đậu ngành dâu da

Cực lòng em chẳng nói ra,

Chờ trăng trăng lặng chờ hoa hoa tàn...

Nguồn an ủi của tuổi già được sống bên con cháu có lòng hiếu thảo. Chữ hiếu là căn bản đạo đức của văn hóa lâu đời. Người Việt rất thiết tha với mái ấm gia đình. Các món ăn ngon, dâng ba mẹ dùng như gạo vùng An Cựu nổi tiếng thơm ngon. Cha mẹ phải từ giả cõi đời nầy, theo định luật sinh tồn của tạo hóa. Phong tục thờ cúng tổ tiên tưởng nhớ ông bà. Trông lên bàn thờ nhang tàn đèn tắt, cảm thấy nỗi buồn lắng đọng

Ngó lên nhang tắt đèn lờ

Mẫu thân đâu vắng bàn thờ lạnh tanh !

Mẹ Già như chuối ba hương

Như xôi nếp luột (một), như đường mía lau

-Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi

Gạo lúa de An Cựu mà nuôi mẹ già

Tình yêu là những rung động của hai tầng số tâm hồn gặp nhau, ca dao Huế cho tình ca đó len lỏi vào lòng, vượt thời gian tâm lý cũng như vật lý, tìm đến với tình yêu những phút giây đợi chờ, thương nhơ, hay giận hờn

Ðường vô xứ Huế loanh quanh,

Non sông nước biếc như tranh họa đồ

Thương anh, em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang (6)

Phá Tam giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm

Lời nguyện ước một lòng thủy chung, đá mòn theo thời gian xâm thực nhưng lòng người, tình yêu phải một lòng một dạ. Hạnh phúc không đánh đổi bằng tiền, không phải ở địa vị cao sang, hạnh phúc chính là ở chổ sống bên nhau, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khi nào cạn nước Ðồng Nai

Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền !

Tay bưng dĩa nuối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau !

-Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,

Sông An Cựu nắng đục mưa trong,

Ðôi ta nguyện kết chữ đồng,

Ðá mòn sông cạn mà lòng thủy chung!

-Dãy dọc tòa ngang, giàu sang có số,

Kim Long, Nam Phổ, nước đổ về Sình

Hai đứa mình gá nghĩa ba sinh,

Dẫu có mần răng đi nữa, hai đứa mình không thể bỏ nhau

Ðôi ta kết nghĩa vợ chồng

Ðá mòn, sông cạn mà lòng thủy chung !

Sông nước thiên nhiên, cô gái chèo đò duyên dáng mái tóc thề dưới chiếc nón bài thơ. Phong cảnh nhân tình như một bức tranh, đủ màu sắc, có sông hồ, có vườn, chùạ.trái cây ngọt ngào ..

Thuyền về Ðại Lược

Duyên ngược Kim Long

Ðây là chỗ rẽ của lòng

Mai kia rồi biết trên sông bến nào?

Hồ Tĩnh Tâm giàu sen bạch diệp

Ðất Hương Cần ngọt quít thơm cam

-Ai về Cầu ngói Thanh Toàn

Cho anh về với một đoàn cho vui.

Ai về Cầu ngói Dạ Lê,

Cho em về với thăm quê bên chồng.

-Ðố ai biết rít (rết) mấy chân

Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người

-Ðông Ba, Gia Hội hai cầu

Có chùa Diệu Ðế bốn lầu hai chuông.

Nhớ nhung nhẹ nhàng, buồn trách xa xôi, những ước mơ thầm kín thuyền tình cập bến yêu đương

Kim Long có gái mỹ miều,

Ta thương ta nhớ, ta liều ta đi!

(Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi! )

-Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn,

Chèo qua Ngọc Trản, đến vạn Kim Long ;

Sương sa gió thổi lạnh lùng ;

Sóng xao trăng lặn , gợi lòng nhớ thương !

Nỗi xót xa khi tình yêu bị chia ly, buồn cuộc đời dâu bể, cảnh vật đổi thay mỗi người một phương trời vô định

Nước chảy xuôi , con cá buôi lội ngược

Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang

Thuyền em xuống bến Thuận An

Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi !

Sen xa hồ, sen khô hồ cạn

Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng

Vàng trên tay rớt xuống không phiền,

Phiền người bội nghĩa biết mấy niên cho hết sầu!

-Em nói với anh như rìu chém xuống đá,

Như rựa chém, xuống đất, như mật rót vào tai.

Răng chừ em lại nghe ai

Qua cầu nghiêng nón chạm vai không chào ?

Anh nói với em như rìu chém xuống đá

Như rạ chém, xuống đất, như mật rót vào tai.

Bây chừ anh lại nghe ai.

Bỏ em ở chốn non đoài thảm chưa ?

Chia tay nhưng vẫn mơ ngày hội ngộ, với số phận đẩy đưa trong bi thương và gợi cảm

Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp

Anh qua rồi xin kịp về sau

Kẻo mai tê bóng xế ngang cầu

Bạn còn thương bạn biết gửi sầu nơi mô mà tìm ?

-Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non

Dị bản

  • Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
    Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
    Anh đi lên đi xuống đã mòn
    Không ghé vô thăm thầy mẹ
    Để thầy mẹ trách rể con chi bạc tình

-Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội

Người xa người tội lắm người ơi

Thà rằng không biết thì thôi

Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn

Tập tục ngàn xưa dựng sẳn bức từng "môn đăng hộ đối" một chướng ngại lớn lao viễn ảnh đen tối của ái tình !!. Quan niệm hôn nhân, cha mẹ đặt đâu còn ngồi đó, hôn nhân gượng ép, tình yêu đôi khi phải phó mặt cho định mệnh an bài.

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

Ðôi ta như chỉ lộn vồng,

Nợ thì có nợ, vợ chồng không duyên !

Bởi vì mẹ thầy lánh đục tìm trong

Cho nên duyên chàng, phận thiếp cứ long đong mãi hoài !

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non

Dị bản

  • Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
    Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong
    Anh đi lên đi xuống đã mòn
    Không ghé vô thăm thầy mẹ
    Để thầy mẹ trách rể con chi bạc tình

Sự kỳ diệu của tạo hóa, màu nhiệm của định luật ràng buộc ái tình đưa đến hôn nhân , đàn bà cần các đức tính "công dung ngôn hạnh" nhưng không thể thiếu lòng chung thủy.

Ðôi ta kết nghĩa vợ chồng

Ðá mòn, sông cạn mà lòng thủy chung !

Ði đâu cho thiếp đi cùng

Ðói no thiếp chịu lạnh lùng có đôi !

Lên non em cũng lên theo

Xuống thuyền em cũng đắp đeo mạn thuyền !

Ca dao  Huế là kho tàng văn chương bình dân vô giá.Ca dao Huế là biểu thị tâm hồn Huế, lịch sử Huế.

Có kẻ viết:

 Sông Hương nước chảy lờ đờ, 

Dưới sông có đĩ trên bờ có vua!

Người truyền bá câu này không hiểu gì về Huế và lịch sử Huế. Khi Pháp chiếm Việt Nam, các vua đã anh dũng chiến đấu:

"Một nhà sinh đặng ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài"

3 vua trên là những vua nào ?

Đó là Đồng Khánh (vua còn); Kiến Phúc (vua mất) và Hàm Nghi (vua thua chạy dài)

Câu ca dao này nói về gia đình Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai - Hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị. Ông có 3 người con làm vua:

- Vua Kiến Phúc: tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con thứ ba của Kiên Thái Vương và bà Bùi Thị Thanh. Vua Tự Đức vì lúc bé bị bệnh đậu mùa, không có con nên đã nhận Ưng Đăng làm con nuôi. Sau này, Ưng Đăng lên ngôi, là vị vua thứ 7 của triều Nguyễn.

- Vua Hàm Nghi: tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Nguyễn Phúc Minh, con thứ 5 của Kiên Thái Vương và bà Phan Thị Nhàn. Là vua thứ 8 triều Nguyễn.

- Vua Đồng Khánh: tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, đồng thời là con nuôi của vua Tự Đức. Là vị vua thứ 9 của triều Nguyễn.

Trong 3 vua này thì vua Kiến Phúc chỉ làm vua được 8 tháng. Vua mất lúc mới 16 tuổi, chưa nạp phi, không có con cái. Vua Hàm Nghi chống lại quân Pháp, ban hịch Cần Vương, tổ chức kháng chiến nhưng thất bại. Vua phải chạy lên vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh. Sau bị Pháp bắt đầy đi Algérie năm 1888. Vua Đồng Khánh lên ngôi năm 1885. Vua rất được lòng người Pháp nhưng chỉ ở ngôi được hơn 3 năm, mất ngày 28 tháng 1 năm 1889. Khi đó ông 25 tuổi.

Câu ca dao này ra đời khi vua Đồng Khánh vừa lên ngôi. Vua Kiến phúc đã mất. Vua Hàm Nghi đang cùng quân Cần Vương chạy lên vùng núi. Do đó mới gọi là "vua còn, vua mất, vua thua chạy dài".

Có nhà địa lý chê Huế:

Sơn bất cao

Thủy bất thâm.

Nam đa trá,

Nữ đa dâm 

Nhưng Lưu Vũ Tích có quan điểm khác trong bài Lậu Thất minh:

 Lậu thất minh 陋室銘

(Bài minh về căn nhà quê mùa)

Thơ » Trung Quốc » Trung Đường » Lưu Vũ Tích

  




 ,

調

西
:「?」

Lậu thất minh

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh.
Ðài ngân thượng giai lục, thảo sắc nhập liêm thanh.
Ðàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh.
Khả dĩ điều tố cầm, duyệt Kim kinh.
Vô ty trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình.
Nam Dương Gia Cát lưTây Thục Tử Vân đình.
Khổng Tử vân: “Hà lậu chi hữu?


Nguồn: Cổ văn Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, Tao Đàn xuất bản, 1966

 

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê

Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh;
Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh.
Ðây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho.
Ngấn rêu biếc leo thềm, sắc cỏ xanh chiếu rèm.
Cười nói có đại nho, đi lại không bạch đinh.
Có thể gảy cây đàn mộc mạc, đọc Kim kinh.
Không tiếng tơ tiếng trúc làm loạn tai, không giấy tờ, thư trát làm mệt thân hình.
Thảo lư của Gia Cát ở Nam Dương, nhà mát của Tử Vân ở Tây Thục.
Khổng Tử nói: “Có gì mà quê mùa?”


Bản dịch của Sơn Trung

 Núi không cần cao,

Có tiên ắt nổi danh,

Sông không cần sâu,

Có rồng ắt linh.

Căn nhà quê mùa của ta

Nhờ đức thơm của ta mà nổi danh

Rêu biếc leo thềm, cỏ xanh chiếu rèm

Đại nho vui cười, vắng kẻ bạch đinh

Ta gảy cây đàn mộc mạc, đọc Kim kinh

Không tơ trúc loạn tai, 

Không thư trát loạn thân mình

Thảo lư của Gia Cát Nam Dương

Nhà mát của Tử Vân ở Tây Thục,

Khổng tử nói:" Đâu có quê mùa!"

                                                     SƠN TRUNG 

                                      OTTAWA 27VIII 2020

 

 

 

No comments:

Post a Comment