Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 19 August 2020

BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 2296-LẨY KIỀU

 

Thế nào là tập Kiều, lẩy Kiều?

Theo tôi thì tập Kiều hay lẩy Kiều đồng nghĩa với nhau. Đó là lựa chọn những câu thích hợp trong số 3.254 câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du rồi nối lại sao cho có vần và có nghĩa theo dụng ý của riêng mình...

* Xin cho biết thế nào là tập Kiều, lẩy Kiều. Có phải là không thuộc Truyện Kiều thì không thể viết được các bài lục bát theo kiểu tập Kiều, lẩy Kiều?

Bạn Vũ Bình Minh (huyện Yên Khánh, Ninh Bình)

Theo tôi thì tập Kiều hay lẩy Kiều đồng nghĩa với nhau. Đó là lựa chọn những câu thích hợp trong số 3.254 câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du rồi nối lại sao cho có vần và có nghĩa theo dụng ý của riêng mình, để tạo nên một bài viết về một chuyện nào đó. Tất nhiên cũng có thể thêm bớt để sao cho hợp với ý định riêng theo nội dung chuyện mình kể. Rõ ràng là không thuộc Truyện Kiều thì làm sao có thể lựa chọn được các câu hợp cảnh, hợp người?

Về thăm quê hương của cựu chiến binh Đoàn Văn Đạt, sau này ông trở thành chủ hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương, tôi cảm phục nghị lực của ông, nhất là đức tính ham làm từ thiện với nhiều người, tôi đã viết bài lẩy Kiều “Bánh ngọt tình vàng”. Xin giới thiệu để các bạn trẻ muốn tập làm tập Kiều hay lẩy Kiều có thể tham khảo:

 

BÁNH NGỌT TÌNH VÀNG

Trải bao thỏ lặn ác tà/ Rộn đường gần với nỗi xa bời bời/ Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người/ Nhớ thời kháng chiến tơi bời đạn bom/ Đường Chín ghi một dấu son/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời /Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi/Trở về quê cũ tìm người tri âm/ Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Lẩy Kiều, tập Kiều và bói Kiều: Tục cũ dường như mai một

 
 
Bìa tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du - Ảnh: Internet
Ta thường nghe chuyện các Tổng thống Mỹ Clinton, Obama lẩy Kiều. Có đúng như thế là "lẩy Kiều" theo nghĩa mà truyền thống xưa đã thực hiện hay không?
  1. Thực ra, xung quanh Truyện Kiều, không chỉ có lẩy Kiều, dân gian còn có đố Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều, dẫn Kiều… vân vân. Ba hình thức tập, lẩy, bói là hay dùng và thú vị hơn cả.
  2. “Lẩy” có lẽ là từ thuần Việt. Từ này có hình ảnh là như dây đàn, khi gảy thì phát ra tiếng, cũng có thể xưa kia lẩy/gẩy cùng nghĩa, do thời gian mà biến âm đi. “Lẩy Kiều” thường là ghép các câu khác nhau trong Truyện Kiều với nhau, tạo ra nghĩa khác, ứng với văn cảnh khác.
  3. Ví dụ như câu: “Thúc ông nhà ở gần quanh/Bạc đem mặt bạc lánh mình cho xa”. Hai câu này ở hai cảnh huống khác nhau, vị trí khác nhau trong Truyện Kiều, ghép với nhau chỉ tình cảnh của ai đó cho hàng xóm mượn tiền, thúc mãi đến khi phát hiện người vay tiền đã đi đâu rồi.
  4. Lẩy Kiều không phải chỉ có 2 câu (một cặp lục bát) mà có thể có nhiều câu. Ví dụ lẩy Kiều như thế này: “Trên vì nước, dưới vì nhà/Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng/Nhìn càng lã chã giọt hồng/Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra” là để chỉ cái ống máng nước, dẫn đón nước từ mái nhà. Chọn 4 câu “lung tung” trong Truyện Kiều như vậy để tả cái máng nước thì quá tài.
  5. Lẩy Kiều đòi hỏi người chơi phải thuộc Truyện Kiều, tức cảnh sinh… thơ ngay. Do đó “lẩy Kiều” cực khó.
  6. Như vậy, các câu Kiều mà các ông Clinton, ông Obama đọc ra trong một tình thế khác với Truyện Kiều mà giữ nguyên trật tự câu trong truyện, thì không phải “lẩy Kiều”, nó chỉ là một trường hợp riêng của “lẩy”, đó là “dẫn”, “dẫn Kiều”. So với lẩy, dẫn Kiều dễ hơn rất nhiều. Các nhà nho xưa hầu như không để lại giai thoại về “dẫn” mà thường phấn đấu “lẩy” hoặc “tập”.
  7. “Tập Kiều” là cũng ghép các câu Kiều như “lẩy Kiều” nhưng có thể thêm bớt từ khác để ra những câu theo “hình thức Kiều” mà mang tinh thần khác, phù hợp với văn cảnh. Tập Kiều khó với người bình dân, nhưng lại thú vị và dễ với những bậc cao thủ chữ nghĩa. Ví dụ khi về quê, cụ Hồ nói: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Trường hợp này dùng chữ của Kiều rất ít, lấy ý “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” thế mà vẫn nhận ra hình thức mượn Kiều, còn tinh thần đúng với nỗi lòng người xa nhà đã lâu nay về thăm quê. Còn khi tiễn Tổng thống Indonesia Sukarno ở sân bay Gia Lâm, cụ Hồ tập Kiều: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đang mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Câu này cụ Hồ chỉ thay đúng 1 chữ “đã” thành “đang”.
  • Bói Kiều là dạng thức “ăn theo” Truyện Kiều trong dân gian rộng rãi nhất, vì nó dễ thực hiện, đánh trúng thói quen đam mê bói toán, nhưng ở đây bói toán có văn. Mang cuốn Truyện Kiều ra, khi muốn bói thì khấn khứa cô Kiều và “ông Kiều” (tức là ông làm ra Truyện Kiều), hoặc lâm râm khấn câu "lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thùy Kiều...", rồi mở ra, nhìn vào đâu trước thì đọc, rồi bói xem vận mệnh hoàn cảnh như thế nào. Ví dụ chuẩn bị đi gặp một người không rõ có nên kết thân không mà bói ra câu: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”, thì OK rồi, cứ thế mà tiến tới thôi.
  1. Do Truyện Kiều dài, có mọi tình huống, nhân vật chính trải qua nhiều trạng thái tình cảm, nên sẽ đáp ứng mọi hoàn cảnh của người bói. Tuy nhiên, bói kiểu nào cũng tương đối thôi, có thể “gian lận” một chút. Vì đầu sách là tình huống nào, cuối sách là tình huống nào, có thể cố ý mở vào đầu hay cuối, nhất là những người đã thuộc Kiều, đọc nhiều lần. Nhưng Truyện Kiều có cái hay là vui buồn đan xen nhau, hy vọng và thất vọng liên tục nên cũng tăng tính ngẫu nhiên khi bói. Nếu ngày nay cụ Nguyễn Du làm đạo diễn phim, thì cụ sẽ làm phim Kiều là phim hành động.
  2. Hình thức chơi Kiều đã dần mai một, rồi nó sẽ mất. Truyện Kiều dĩ nhiên còn, nhưng sẽ không còn sống trong dân như trước, nó chỉ còn sống trong bài học văn học, trong kho tàng văn chương. Thời đại ngày nay đang chứng kiến sự biến chuyển đó. Đến nỗi nhà nhà nói “lẩy Kiều”, người người nói “lẩy Kiều”, nhưng nếu tra theo cách chơi Kiều ngày xưa, thì đó chỉ là “dẫn Kiều”, một khía cạnh nào đó là “bói Kiều” mà thôi. Đó là điều mà các nhà nho xưa ít dùng lắm.
  3. Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)

 

Lẩy Kiều, tập Kiều và bói Kiều: Tục cũ dường như mai một

 
Bìa tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du - Ảnh: Internet
 
Ta thường nghe chuyện các Tổng thống Mỹ Clinton, Obama lẩy Kiều. Có đúng như thế là "lẩy Kiều" theo nghĩa mà truyền thống xưa đã thực hiện hay không?Thực ra, xung quanh Truyện Kiều, không chỉ có lẩy Kiều, dân gian còn có đố Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều, dẫn Kiều… vân vân. Ba hình thức tập, lẩy, bói là hay dùng và thú vị hơn cả.

“Lẩy” có lẽ là từ thuần Việt. Từ này có hình ảnh là như dây đàn, khi gảy thì phát ra tiếng, cũng có thể xưa kia lẩy/gẩy cùng nghĩa, do thời gian mà biến âm đi. “Lẩy Kiều” thường là ghép các câu khác nhau trong Truyện Kiều với nhau, tạo ra nghĩa khác, ứng với văn cảnh khác.

Ví dụ như câu: “Thúc ông nhà ở gần quanh/Bạc đem mặt bạc lánh mình cho xa”. Hai câu này ở hai cảnh huống khác nhau, vị trí khác nhau trong Truyện Kiều, ghép với nhau chỉ tình cảnh của ai đó cho hàng xóm mượn tiền, thúc mãi đến khi phát hiện người vay tiền đã đi đâu rồi.

Lẩy Kiều không phải chỉ có 2 câu (một cặp lục bát) mà có thể có nhiều câu. Ví dụ lẩy Kiều như thế này: “Trên vì nước, dưới vì nhà/Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng/Nhìn càng lã chã giọt hồng/Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra” là để chỉ cái ống máng nước, dẫn đón nước từ mái nhà. Chọn 4 câu “lung tung” trong Truyện Kiều như vậy để tả cái máng nước thì quá tài.

Lẩy Kiều đòi hỏi người chơi phải thuộc Truyện Kiều, tức cảnh sinh… thơ ngay. Do đó “lẩy Kiều” cực khó.

Như vậy, các câu Kiều mà các ông Clinton, ông Obama đọc ra trong một tình thế khác với Truyện Kiều mà giữ nguyên trật tự câu trong truyện, thì không phải “lẩy Kiều”, nó chỉ là một trường hợp riêng của “lẩy”, đó là “dẫn”, “dẫn Kiều”. So với lẩy, dẫn Kiều dễ hơn rất nhiều. Các nhà nho xưa hầu như không để lại giai thoại về “dẫn” mà thường phấn đấu “lẩy” hoặc “tập”.

“Tập Kiều” là cũng ghép các câu Kiều như “lẩy Kiều” nhưng có thể thêm bớt từ khác để ra những câu theo “hình thức Kiều” mà mang tinh thần khác, phù hợp với văn cảnh. Tập Kiều khó với người bình dân, nhưng lại thú vị và dễ với những bậc cao thủ chữ nghĩa. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại rất nhiều thơ thuộc dạng tập Kiều. Ví dụ khi về quê, cụ Hồ nói: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Trường hợp này dùng chữ của Kiều rất ít, lấy ý “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” thế mà vẫn nhận ra hình thức mượn Kiều, còn tinh thần đúng với nỗi lòng người xa nhà đã lâu nay về thăm quê. Còn khi tiễn Tổng thống Indonesia Sukarno ở sân bay Gia Lâm, cụ Hồ tập Kiều: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đang mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Câu này cụ Hồ chỉ thay đúng 1 chữ “đã” thành “đang”.

Bói Kiều là dạng thức “ăn theo” Truyện Kiều trong dân gian rộng rãi nhất, vì nó dễ thực hiện, đánh trúng thói quen đam mê bói toán, nhưng ở đây bói toán có văn. Mang cuốn Truyện Kiều ra, khi muốn bói thì khấn khứa cô Kiều và “ông Kiều” (tức là ông làm ra Truyện Kiều), hoặc lâm râm khấn câu "lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thùy Kiều...", rồi mở ra, nhìn vào đâu trước thì đọc, rồi bói xem vận mệnh hoàn cảnh như thế nào. Ví dụ chuẩn bị đi gặp một người không rõ có nên kết thân không mà bói ra câu: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”, thì OK rồi, cứ thế mà tiến tới thôi.

Do Truyện Kiều dài, có mọi tình huống, nhân vật chính trải qua nhiều trạng thái tình cảm, nên sẽ đáp ứng mọi hoàn cảnh của người bói. Tuy nhiên, bói kiểu nào cũng tương đối thôi, có thể “gian lận” một chút. Vì đầu sách là tình huống nào, cuối sách là tình huống nào, có thể cố ý mở vào đầu hay cuối, nhất là những người đã thuộc Kiều, đọc nhiều lần. Nhưng Truyện Kiều có cái hay là vui buồn đan xen nhau, hy vọng và thất vọng liên tục nên cũng tăng tính ngẫu nhiên khi bói. Nếu ngày nay cụ Nguyễn Du làm đạo diễn phim, thì cụ sẽ làm phim Kiều là phim hành động.

Hình thức chơi Kiều đã dần mai một, rồi nó sẽ mất. Truyện Kiều dĩ nhiên còn, nhưng sẽ không còn sống trong dân như trước, nó chỉ còn sống trong bài học văn học, trong kho tàng văn chương. Thời đại ngày nay đang chứng kiến sự biến chuyển đó. Đến nỗi nhà nhà nói “lẩy Kiều”, người người nói “lẩy Kiều”, nhưng nếu tra theo cách chơi Kiều ngày xưa, thì đó chỉ là “dẫn Kiều”, một khía cạnh nào đó là “bói Kiều” mà thôi. Đó là điều mà các nhà nho xưa ít dùng lắm.

Nguyễn Xuân Hưng (nhà văn)

 

No comments:

Post a Comment