Đại hội đảng cấp cơ sở rất quan trọng để duy trì chế độ
Đúng như vậy, nhưng chưa đáp ứng thực
tế chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Việc chậm cải cách thể chế đang
gây cản trở cho sự phát triển, thịnh vượng và dân chủ. Cải cách chính
quyền cơ sở thực sự là vấn đề cấp thiết và thách thức.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội
đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng được ban hành từ giữa năm 2019, theo đó kế hoạch thời gian tiến
hành đại hội chi bộ hoặc Đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở sẽ bắt đầu từ
tháng 4/2020 và dự kiến hoàn thành trước ngày 30-6. Tuy nhiên, trước
tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng trên thế giới và Việt Nam đang thực
thi chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nhằm để đối phó sự lây lan ra cộng
đồng, ngày 7/4 Ban bí thư đã chỉ đạo về việc tạm hoãn.
Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng đại hội
đảng cấp cơ sở trong việc xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở địa
phương, một mạng lưới rộng khắp đất nước cấu thành bộ máy đảng toàn trị.
Một bộ máy hành chính tập quyền theo hệ tư tưởng cộng sản đòi hỏi tuyệt
đối tuân thủ mệnh lệnh từ cấp trên và kiểm soát chặt chẽ dân chúng tới
từng hộ gia đình. Ngoài ra, vị trí và vai trò của chính quyền cơ sở là
rất quan trọng, bởi vì, diễn tả theo ngôn từ chính trị, đó là nơi thực
hiện mọi chủ chương chính sách của đảng trong thực tế cuộc sống.
Trong suốt quá trình đổi mới một số nội
dung, quy chế hoạt động chính quyền cơ sở được chỉnh sửa, chẳng hạn như
quy chế dân chủ cơ sở, nhưng đại hội đảng cấp cơ sở, nơi thể hiện bản
chất của chế độ, vẫn là quy trình để hình thành bộ máy cai trị của đảng ở
địa phương.
Tuy nhiên, việc chuyển sang kinh tế thị
trường đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi sự thay đổi phù hợp từ
cơ chế tập trung sang thị trường như thế nào để phát triển? Đảng đưa ra
khái niệm ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ để kiềm chế ‘sự bất
kham’ của thị trường hay duy trì chế độ với hệ tư tưởng XHCN? Những
chính sách được cụ thể hoá như thế nào ở cấp cơ sở?
Nền tảng kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ ở địa phương, đặc biệt ở nông thôn Việt Nam với gần 70% dân số sinh sống.
Kinh tế hợp tác xã kiểu cũ
được thành lập duy ý chí đã hoàn toàn sụp đổ trong khi ‘kiểu mới’ chưa
hoặc không thể định hình tự nhiên, tự nguyện. Kinh tế hộ gia đình và
trang trại tư nhân được mở rộng khiến tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa
dạng, phong phú không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống và phục vụ nhu cầu
thị trường trong nước, mà đã vươn tới một số thị trường quốc tế kể cả
các thị trường đòi hỏi nông sản với chất lượng cao hơn.
Nhu cầu dịch vụ cho kinh tế hàng hoá nông
thôn, như phản ứng dây chuyền, đang nhanh chóng đáp ứng. Từ phân bón,
thuốc trừ sâu, con giống đến máy móc nông cụ… và cơ sở chế biến tự phát
hình thành, tiêu thụ điện năng tăng lên… đã và đang trở thành nhu cầu
không thể thiếu để tăng sản lượng và chất lượng. Khi có thu nhập dư dả
cuộc sống, sinh hoạt của người dân được cải thiện đã kích thích nhu cầu
tiêu dùng…
Các quan hệ xã hội, như kết quả của quá
trình chuyển đổi cũng đang thay đổi nhanh theo hướng ‘thị trường’ thay
vì ‘xã hội chủ nghĩa’ như đảng muốn. Tiêu chuẩn giá trị ngày càng được
nhìn nhận có ý nghĩa hơn trong quan hệ làng xã, dòng họ. Thậm chí, quan
hệ dòng họ, huyết thống được ‘phát huy’ để củng cố quyền lực trong chính
quyền cơ sở, từ đó lợi ích nhóm, cục bộ được hình thành ngay từ cơ sở
làng, xã… Tình trạng tham nhũng của đội ngũ cán bộ đảng viên, phân hoá
giàu nghèo, bất công, tệ nạn xã hội và những bất ổn khác nảy sinh và
ngày càng gay gắt…
Nền tảng chính trị ở cơ sở đã thay đổi và
chính quyền địa phương đã không theo kịp với thực tế chuyển đổi kinh tế
sang thị trường. Đảng cấp cơ cở lãnh đạo toàn diện hành chính, kinh tế,
xã hội ở địa phương ở nông thôn, như thế nào? Giải pháp hiệu quả và bền
vững nào kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng của quan chức địa
phương? Và nhiều câu hỏi khác nữa được đặt ra cho đại hội đảng cấp cơ sở.
Xin nêu hai tình huống điển hình liên quan đến xung đột đến đỉnh điểm liên quan đất đai để soi xét và bàn luận.
Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải
Phòng nhiều năm trước. Từ việc khai phá đất lấn biển, hộ gia đình người
nông dân nghèo phát triển thành cơ sở nông trại tư nhân. Như bản năng họ
quyết giữ mảnh đất ‘thiêng’ được gây dựng bằng mồ hôi và tài sản của
gia đình. Quan niệm về sở hữu đất đai không rõ ràng về
nguồn gốc tạo ra cách ứng xử chính quyền bằng bạo lực. Bản án tù luôn là
công cụ của chính quyền đối với người dân yếu thế.
Vụ ‘Đồng Tâm’ liệu sẽ là một đại án hình
sự? Xuất phát từ tranh chấp gần đây về đất đai, đất của làng Xênh hay
đất quốc phòng, sân bay Miếu Môn đã bị đẩy lên đỉnh điểm bạo lực, dẫn
đến án mạng nghiêm trọng, gây kinh hoàng trong dư luận và thu hút sự chú
ý của cả một số tổ chức quốc tế, với cái chết thương tâm của cụ Lê Đình
Kình, người đảng viên có thâm niên hơn 50 năm và ba cán bộ công an viên
thi hành công vụ trong cuộc tập kích rạng sáng ngày 9/1/2020 vừa qua
vào thôn Hoành xã Đồng Tâm, Hoài Đức, Hà Nội.
Cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành
phố với dân làng tưởng như một lối thoát ‘dân chủ’ cho tranh chấp đất
đai đã không phản ánh đúng bản chất của chế độ, chính quyền địa phương.
Phía sau của vụ việc có thể được chính quyền nhìn nhận là ‘mầm mống’
phản kháng từ dân chúng, ‘manh nha’ nhưng dần ‘rõ nét’ mang tính có tổ
chức, có thủ lĩnh tinh thần và tổ đồng thuận chống tham nhũng, chống
quan tham ở địa phương. Đây có thể là ‘ung nhọt’ trong mắt chính quyền,
và nếu không ‘cắt bỏ’ liệu có thể tổ chức thành công theo ý đảng cấp cơ
sở tại đây?
Liệu chính quyền có thể duy trì bền vững,
dân chủ khi còn đấy ‘những vườn rau Lộc Hưng và khiếu kiện ‘Thủ Thiêm’
đang tồn tại nhiều địa phương đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ thể chế từ
cấp cơ sở đến trung ương. Không chấp nhận một cơ chế đối thoại trong các
tình huống xung đột như trên vậy ‘Quy chế dân chủ cơ sở’ liệu cần phải
tiếp tục hoàn thiện như thế nào?
Phạm Quý Thọ, gửi từ Hà Nội ngày 12/4/2020
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment