Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 13 April 2020

Cứu đói giữa đại dịch, khi xã hội dân sự bổ khuyết cho chính quyền

  • 40 phút trước




  • Bản quyền hình ảnh Nguyễn Thế Phương
    Image caption Cuộc sống của nhiều người nghèo ở các thành phố lớn lâm vào cảnh cùng quẫn trong dịch bệnh.

    Đại dịch Covid-19 làm tăng nhanh số người nghèo đói ăn tại các đô thị lớn trong khi chính sách cứu trợ của chính phủ không đủ nhanh và rộng để bao phủ. Đấy là lúc vai trò của xã hội dân sự phát huy.
    Buổi sáng đầu tuần, trước khoảng sân rộng của một công ty trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM), nhiều người xếp hàng trong trật tự. Chân họ đặt lên những ô nhỏ được vẽ trên gạch, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m theo quy định nhằm phòng dịch.
    Họ là những người đang đợi nhận gạo từ cây ATM gạo, nguồn lương thực giúp họ chống chọi qua cuộc khủng hoảng. Họ thuộc lớp nghèo khó, dễ tổn thương nhất giữa đại dịch.

    Bản quyền hình ảnh Huỳnh Tuấn Anh
    Image caption Sau TP HCM, mô hình ATM gạo đã lan rộng ra một số địa phương khác, như Hà Nội và Huế.
    Dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về việc "Cách ly xã hội" đến hết ngày 15/4 được ban hành, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh, các hàng quán đóng cửa và nhiều lao động nghèo rơi vào cảnh thất nghiệp.
    Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh xã hội, địa bàn TP HCM có gần 12.000 người bán vé số gặp khó khăn do dịch Covid-19. Người nghèo cũ vẫn nghèo, người nghèo mới do dịch bệnh xuất hiện, lực lượng người đói ăn trở nên đông đảo hơn bao giờ hết.
    Hàng người đứng dài chờ đợi lấy cơm, lấy gạo hoặc các nhu yếu phẩm là thực tế sinh động của những con người kiếm ăn trên hè phố. Họ là những đại diện của người nghèo không có ăn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Cuộc sống của họ gói gọn trong một ngày, "làm đồng nào xào đồng đó".
    Dù chính phủ đã có kế hoạch với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ cho khoảng 20 triệu đối tượng nhưng các gói hỗ của nhà nước thường không đủ nhanh để cứu đói cho những người "vừa ráo mồ hôi là hết tiền". Vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp, hội nhóm, tổ chức và cá nhân đứng ra cứu đói.

    "Chết đói trước khi chết dịch"

    Chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười Hoạt động dưới sự quản lý của Quỹ từ thiện tình thương TP HCM. Quán cơm Nụ Cười 1 ra đời vào tháng 10/2012, cho tới nay chuỗi đã phát triển tới quán thứ 6. Trong dịch bệnh, thực hiện Chỉ đạo 16, quán tạm thời đóng cửa.
    Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Tập, thành viên của chuỗi quán cơm Nụ Cười, nói:
    "Khi chúng tôi tạm đóng cửa, những khách hàng quen thuộc vẫn tới. Nhiều người hỏi: Đóng cửa vầy rồi tụi tui thất nghiệp, đói ăn phải làm sao. Chính vì thế, chúng tôi không tổ chức ăn tại quán mà đi phát cơm".

    Bản quyền hình ảnh Nguyễn Tập
    Image caption Tuy là cơm trưa nhưng từ 8 giờ sáng các tình nguyện viên đã chuẩn bị xong các suất ăn để phân phát.
    "Thời điểm này, dịch bệnh kéo dài và kinh tế kiệt quệ, thất nghiệp gia tăng thì những người vừa ráo mồ hôi là hết tiền không thể cầm cự. Chúng tôi nói với nhau: Chỉ sợ người nghèo chết đói trước khi chết vì dịch. Cho nên bằng mọi cách chúng tôi cố gắng vừa đảm bảo vệ sinh phòng dịch mà vẫn giúp được người nghèo. Cứu người giống cứu hỏa. Khi đã sẵn sàng, chúng tôi treo bảng thông báo ngay dù biết lượng cơm mình thực hiện được so với số người nghèo như muối bỏ bể," ông Tập trải lòng.

    Bản quyền hình ảnh Nguyễn Tập
    Image caption Tình nguyện viên của quán cơm Nụ Cười đi phát được trang bị khẩu trang, tấm kính chắn phía trước để giảm rủi ro.
    Ông cho biết những thành viên của chuỗi quán cơm và các tình nguyện viên đều cố gắng hết sức để thực hiện việc vừa chống dịch, vừa đảm bảo suất ăn cho người nghèo: "Bình thường trưa khoảng 11 giờ quán bắt đầu phục vụ thì bây giờ chúng tôi nấu từ sớm để phân thời gian ra, không để dồn vào một thời điểm. Vì vậy, tuy là suất cơm trưa nhưng 8 giờ sáng đã phát. Tình nguyện viên đi phát được trang bị khẩu trang, tấm kính chắn phía trước để giảm rủi ro. Chỉ đưa nhanh và đi ngay trong vài giây".
    Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock là chủ nhân của sáng kiến máy ATM gạo, chia sẻ:
    "Dịch bệnh khiến nền kinh tế kiệt quệ và những người nghèo, người bán vé số, ve chai bị mất hoàn toàn thu nhập. Bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều anh chị lái xe công nghệ, họ vốn không quá nghèo nhưng giờ không kiếm được đồng nào mà lại phải nuôi gia đình bốn năm miệng ăn nên cũng là đối tượng cần được giúp."

    Bản quyền hình ảnh Huỳnh Tuấn Anh
    Image caption Không chỉ những người nghèo mà những người thu nhập bấp bênh cũng là đối tượng cần giúp đỡ
    Biết rằng có nhiều tranh cãi về việc người không đói ăn cũng đến nhận cứu trợ, ông Tuấn Anh lý giải: "Chúng tôi đã tính toán, mỗi lần phát gạo chỉ 1,5 kg nên những người đến đây thực sự kẹt lắm, họ phải bỏ qua mặc cảm để đến nhận gạo. Đã giúp người thì đừng khó khăn quá với họ. Một túi gạo như vậy cũng không đáng cho những người khá giả đổ tiền xăng, mua khẩu trang hay đứng đợi vài chục phút để nhận."

    Ứng dụng công nghệ làm từ thiện

    Câu chuyện làm sao đảm bảo an toàn dịch tễ là thách thức lớn với các mô hình từ thiện kiểu này.
    Ông Nguyễn Tập bày tỏ: "Điều chúng tôi phải tính toán nhiều nhất là làm sao để vệ sinh phòng dịch. Có nơi người dân chưa đủ ý thức thì họ hơi mất trật tự trong khi chúng tôi xem chuyện phòng dịch là ưu tiên số một. Quán cơm Nụ cười luôn yêu cầu mọi người đeo khẩu trang và xịt rửa tay. Tuy nhiên, phải hiểu luôn có nguy cơ tiềm ẩn và chúng tôi đang làm hết sức để vừa giúp được cho người nghèo, vừa đảm bảo an toàn dịch tễ".
    Về hoạt động của quán cơm, ông cho biết thêm chính quyền địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ, cắt cử hai dân phòng xuống để giúp đảm bảo trật tự và giữ khoảng cách. Công an phường cũng có đi tuần để tránh việc người dân tập trung đông.
    Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, ông Huỳnh Tuấn Anh cho biết ý tưởng làm ra cây ATM gạo nảy sinh từ việc ông quan sát những hội nhóm, tổ chức làm từ thiện đang gặp vấn đề nan giải về phòng dịch.
    Ông nói: "Bên tôi làm về công nghệ tòa nhà thông minh và khóa điện tử nên tôi nghĩ tại sao không áp dụng mô hình vốn thuần cho kinh doanh để làm từ thiện. Tôi quyết định làm một máy ATM gạo.

    Bản quyền hình ảnh Huỳnh Tuấn Anh
    Image caption Người dân đứng xếp hàng lấy gạo vẫn đảm bảo khoảng cách 2 mét.
    "Ý tưởng đã có nhưng chúng tôi gặp khó khăn về mặt thời gian. Tôi yêu cầu nhân viên phải hoàn thiện trong 8 tiếng. Hôm đó là chủ nhật, thiếu thiết bị nên tôi phải gỡ tạm một máy khác của công ty, có giá khoảng 1 tỷ đồng để sử dụng tạm cho máy ATM gạo đầu tiên."
    Ông Tuấn Anh lý giải thêm, việc sử dụng mô hình ATM gạo sẽ giúp tránh được các rủi ro về phòng dịch:
    "Mặt bằng bên tôi làm là 1.000 mét vuông nên có thể đảm bảo cho người đến nhận gạo giữ khoảng cách. Đặc biệt, máy ATM gạo hoạt động 24/24, nên không nhận được lúc này thì đến lúc khác, không phải cố định trong khung giờ nhất định sẽ giúp giãn khoảng cách. Kiểu phát gạo truyền thống thường xảy ra chen lấn, xô đẩy vì tâm lý sợ mất phần".
    Cây ATM gạo cũng là cách giảm tranh cãi, theo lời ông Tuấn Anh: "Đối với những người không đúng đối tượng, chúng tôi kiểm tra camera để loại ra thì sau khi đứng xếp hàng nửa tiếng để nhận gạo mà không được thì họ cũng biết mà rời đi. Vì họ tiếp xúc với cái máy, không phải con người nên giảm được việc tranh cãi, gây hấn với nhân viên."

    Khi lòng tốt tạo sự cộng hưởng

    Với mô hình ATM gạo khá thành công, ông Huỳnh Tuấn Anh nói rằng bản thân mình chỉ là cầu nối giúp gắn kết mạnh thường quân và người nghèo. Ông cho biết ngân sách ban đầu là do chính công ty bỏ tiền túi ra với dự định phát 500kg gạo mỗi ngày. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, công suất phát gạo đã lên 5 tấn mỗi ngày.

    Bản quyền hình ảnh Huỳnh Tuấn Anh
    Image caption Ông Huỳnh Tuấn Anh, người sáng chế ra máy ATM gạo đầu tiên ở TP HCM.
    "Chúng tôi cung cấp gạo cho khoảng 3.000 người/ngày. Nhưng tính cụ thể, 3.000 người đi nhận gạo sẽ đủ ăn cho gia đình 4 người, tức chúng tôi sẽ giúp được khoảng 12.000 người/ngày đủ gạo ăn trong vòng 5-7 ngày. Lượng gạo trong ngày hôm trước là 20 tấn, các kho chứa gạo bên tôi đang quá tải, phải chuyển sang quận 12 và Bình Chánh để 1-2 ngày nữa chạy," ông phân tích.
    Hiện cây ATM gạo đang được tiến hành ở 3 điểm, mỗi điểm 3 máy hoạt động. Ông Tuấn Anh nói:
    "Chúng tôi dự tính sẽ làm thêm hai điểm nữa nhưng đội ngũ đã quá tải. Trong khi đó, chúng tôi mong muốn có khoảng 100 điểm nên tôi quyết định chuyển giao nó cho những bên mong muốn mở rộng".
    Sau TP.HCM, mô hình ATM gạo đã lan rộng ra một số địa phương khác, như Hà Nội và Huế.


    Bản quyền hình ảnh Huỳnh Tuấn Anh
    Image caption Lượng gạo trong ngày là 20 tấn, các kho chứa gạo đã quá tải nên ông Tuấn Anh phải chuyển sang quận 12 và Bình Chánh để chứa.
    Với quán ăn Nụ cười, ông Nguyễn Tập cho biết thêm, các hội nhóm, các tổ chức từ thiện đang đồng lòng hỗ trợ nhau:
    "Tất cả mọi người đang cùng một tâm thế: ai giúp được gì thì giúp, mỗi người một tay để cưu mang những người đói khổ hơn mình qua dịch bệnh. Nhóm chúng tôi cũng nhận được sự giúp sức của các hội nhóm khác".
    "Vì hệ thống quán cơm Nụ cười có quan hệ tốt với nhóm Người tôi cưu mang, khi thành lập thì họ giúp đưa người qua phụ và đào tạo cho nhiều người bên tôi để cùng chung một mục đích là giúp người nghèo. Bên nào có gạo dư thì san sẻ bên kia, nước rửa tay hay những thứ khác đều vậy. Tinh thần rất vui. Sắp tới đây, quán cơm Nụ cười dự tính sẽ giúp đỡ bà con thực phẩm khổ như gạo, dầu ăn, nước tương để họ có thể cầm cự lâu hơn trong dịch bệnh này".
    Về nguồn tài trợ, ông Tập lý giải: "Nguồn tài trợ đến từ nhiều phía, đợt này có doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và công ty Cỏ May, họ sẽ giúp cung cấp trên 500 suất ăn mỗi ngày để quán cơm Nụ cười đi phân phát cho người dân. Có người giúp 200.000đ, có khi 20.000đ, đủ thành phần quyên góp. Với chúng tôi, tiền lớn hay nhỏ thì đều xuất phát từ tấm lòng của họ".

    Chủ đề liên quan

    No comments:

    Post a Comment