Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 12 April 2020

Có phải Việt Nam đang học sách “Ngoại giao Khẩu trang” của Trung Quốc?

Hình minh hoạ. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng trao tượng trưng thùng khẩu trang cho Đại sứ Ý tại Việt Nam ông Antonio Alessandro trong một buổi lễ trao tặng hàng y tế cho các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh ở Hà Nội hôm 7/4/2020
Hình minh hoạ. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng trao tượng trưng thùng khẩu trang cho Đại sứ Ý tại Việt Nam ông Antonio Alessandro trong một buổi lễ trao tặng hàng y tế cho các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh ở Hà Nội hôm 7/4/2020
Reuters
Vào tháng 3 vừa qua, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm thành phố Vũ Hán để kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền toàn cầu để tô vẽ cho thành công của Trung Quốc. Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhằm đáp trả những chỉ trích từ nước ngoài rằng Trung Quốc đã chậm chạp trong việc có phản ứng đối phó với dịch bệnh và không minh bạch trong việc báo cáo về con số tử vong do COVID-19.
Điểm nhấn trong phản ứng của Trung Quốc là việc nước này tặng khẩu trang, thiết bị bảo vệ cá nhân, kit thử, máy thở, nước rửa tay cho gần 90 quốc gia. Việc này đã dẫn đến khái niệm “ngoại giao khẩu trang”.
Việt Nam lúc đầu đã đối phó với sự bùng nổ của dịch bệnh corona bằng cách nhanh chóng cách ly người bệnh và truy tìm những người có tiếp xúc với người bị bệnh, hoãn lại việc mở lại trường học (sau Tết nguyên đán), áp đặt việc kiểm soát tỏng xã hội, bỏ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc và các điểm nóng khác, cùng một số những biện pháp khác.
Khi Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát được sự lây lan của COVID-19 trong nội địa, nước này đã nhìn ra bên ngoài và bắt đầu một dạng ngoại giao “khẩu trang” của riêng mình.
Vào tháng 2, Việt Nam đã tặng các vật dụng y tế cho Biên phòng Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ví dụ, vào ngày 8/2, Biên phòng tỉnh Hà Giang đã tặng 1.000 khẩu trang và 20 container nước rửa tay cho các đối tác của mình ở Vân Nam. Hai tuần sau đó, trong một buổi lễ trang trọng hơn, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam và Quân y đã bàn giao một số lượng không xác định các thiết bị y tế cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Sau đó, vào ngày 8/3, Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tặng 10.000 khẩu trang cho các đối tác Trung Quốc.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện ngoại giao “khẩu trang” với Lào, Campuchia và Nga.
Trong một cuộc hộp qua điện thoại với các đối tác Lào và Campuchia vào ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cung cấp cho mỗi nước các thiết bị y tế trị giá 100.000 đô la và cử các chuyên gia y tế sang giúp các nước chống dịch COVID-19.
Hình minh hoạ. Một người dân đeo khẩu trang chống dịch bên ngoài một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 3/4/2020
Hình minh hoạ. Một người dân đeo khẩu trang chống dịch bên ngoài một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 3/4/2020 Reuters
Vào ngày 3/4, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã gặp các Đại sứ Lào và Campuchia tại hà Nội và thông báo là Việt Nam sẽ bàn giao các thiết bị y tế trị giá 300.000 đô la cho các nước này để giúp họ chống lại dịch bệnh COVID-19, tặng 390.000 khẩu trang cho Campuchia và 340.000 khẩu trang cho Lào.
Vào ngày 27/3, Người đứng đầu Quân y Việt Nam đã tăng thuốc men với số lượng chưa xác định cho Tham tán Đại sứ quán Nga tại Việt Nam.
Song song với những quà tặng y tế cho Trung Quốc, Biên phòng Việt Nam cũng tặng đối tác Lào những quà tặng biểu tượng. Ví dụ, vào ngày 30/3, Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã tặng 1.000 khẩu trang và một số nước rửa tay cùng 300 kg gạo, 36 thùng mì ăn liền và 36 container sữa cho đối tác Lào. Vào ngày 2/4, Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trao một số lượng chưa xác định các vật dụng y tế cho Bộ tư lệnh Quân khu Khammuane.
Trong một hành động mới nhất của ngoại giao “khẩu trang”, Việt Nam đã tặng 550.000 khẩu trang chống khuẩn cho các đại sứ một số nước Châu Âu bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Đức, và Anh. Việt Nam cũng đẩy nhanh tiến độ việc chuyển 450.000 bộ quần áo bảo hộ do hãng Dupont sản xuất ở Việt Nam cho Mỹ. Vào ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump đã cảm ơn “những người bạn ở Việt Nam của chúng ta đã có đáp ứng nhanh chóng”.

Tại sao Việt Nam bắt đầu ngoại giao “khẩu trang”?

Thứ nhất, việc làm này của Việt Nam nhất quán với những hành động trong quá khứ đối với nước ngoài khi các nước gặp thảm hoạ thiên nhiên. Sự trợ giúp của Việt Nam chủ yếu mang tính biểu tượng và cho thấy sự đoàn kết. Nói theo cách khác, Việt Nam muốn được nhìn nhận là một công dân quốc tế có trách nhiệm.
Thứ hai, “ngoại giao khẩu trang” của Việt Nam lúc đầu hướng tới một số nước được ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Kể từ sau Đại hội 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1991, Việt Nam đã có ưu tiên trong quan hệ ngoại giao với Liên Xô cũ (giờ là Liên bang Nga), Lào, Campuchia, Trung Quốc…. Việt Nam có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Việt Nam sử dụng từ “quan hệ đoàn kết đặc biệt” để mô tả mối quan hệ với Lào và Campuchia. Việt Nam duy trì quan hệ gần gũi với các lực lượng vũ trang của hai quốc gia này.
Hình minh hoạ. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc về hợp tác chống dịch bệnh COVID-19 ở Vientiane, Lào hôm 20/2/2020
Hình minh hoạ. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc về hợp tác chống dịch bệnh COVID-19 ở Vientiane, Lào hôm 20/2/2020 AFP
Thứ ba, Việt Nam có thể đang học từ sách của Trung Quốc. Vào tháng 2 và tháng 3, Trung Quốc đã tặng thiết bị, vật dụng y tế và đệ nghị cung cấp các chuyên gia y tế cho 8 nước thuộc khối ASEAN. Singapore và Việt Nam không phải là những nước nhận được trợ giúp từ Trung Quốc có lẽ vì họ đã có thể kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là vào ngày 2/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hữa với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Trung Quốc sẽ cung cấp các thiết bị và vật dụng y tế cho Việt Nam trong khả năng của mình.
Việt Nam không thể hy vọng là mình sẽ ngang bằng với Trung Quốc trong số lượng hàng tặng tính theo trị giá đô la nhưng Việt Nam có thể thể cung cấp các trợ giúp khi cần. Ví dụ, Việt Nam đã đàm phán với các đối tác chiến lược là Ý, Tây Ban Nga, Pháp Đức và Anh. Các nước này có vị trí đặc biệt trong chính sách đa dạng hoá đa phương hoá về quan hệ ngoại giao của Việt Nam và vì vậy họ nhận được những hàng tặng khẩu trang của Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam dường như đã đạt được sự tự tin trong việc đối phó thành công với virus corona. Việt Nam đã chính thức công bố khoảng hơn 250 ca nhiễm bệnh nhưng chưa có ca tử vong nào tính đến nay (ngày 12/4). Trong khi Việt Nam đang tự mình đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai, nước này cũng bắt đầu nhìn lên phía trước cho sự phục hồi của hoạt động kinh tế. Đạt được sự chấp thuận của EU đối với hiệp định tự do thương mại là điều quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai.
Thứ năm, Việt Nam có thể nhìn thấy cơ hội cung cấp khẩu trang chất lượng cao cho thị trường thế giới trong khi đang có một loạt khẩu trang cùng thiết bị y tế của Trung Quốc bị trả về. Ước tính có đến 40 công ty đang sản xuất khoảng 5,7 triệu khẩu trang mỗi ngày ở Việt Nam. Vingroup, công ty lớn nhất được ghi danh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hồi tuần trước cũng thông báo công ty này sẽ bắt đầu sản xuất tối đa 55.000 máy thở một tháng cho cả thị trường nước ngoài.
_________________
*Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.
Ý kiến (0)

No comments:

Post a Comment