Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 14 April 2020

Covid-19: Giáo viên ngoại quốc dạy tiếng Anh ở VN ‘bấp bênh, lo lắng’

  • 1 giờ trước
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Cảnh người nước ngoài giơ biển xin tiền ở Việt Nam không phải là quá hiếm gặp.
    Từng có những người xin giúp đỡ vì các lý do bị mất cắp giấy tờ, hộ chiếu.
    Thế nhưng, mới đây nhất là trường hợp một giáo viên dạy tiếng Anh ở TP Hồ Chi Minh xin giúp vì lý do 'mất việc'.
    Người đàn ông Anh có tên là John không có việc làm kể từ ba tháng nay, khi các trung tâm dạy ngoại ngữ ở thành phố ngưng hoạt động.
    Đứng ở một góc đường, tấm biển trên tay ông ghi dòng chữ "Không có công việc. Giúp tiền để mua thức ăn. Cảm ơn." Hình ảnh này đã được lan truyền mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam trong những ngày qua.
    Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên một người nước ngoài mất việc do dịch bệnh Covid-19 được công khai tại Việt Nam.
    Bản quyền hình ảnh Facebook
    Image caption Hình ảnh giáo viên tiếng Anh cầm tấm biển nhờ giúp đỡ đã lan truyền mạnh trên mạng xã hội những ngày qua
    Một giáo viên dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ tại TP Hồ Chí Minh, người không muốn nêu tên, cho BBC News Tiếng Việt biết thời gian ba tháng qua thực sự là khó khăn đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.
    "Giáo viên thường dạy tại các trung tâm theo hình thức 'freelance' [nhân viên tự do], được trả thù lao theo giờ dạy."
    "Do vậy, những ai đã ở Việt Nam lâu, có tích luỹ thì sẽ cầm cự được khi trung tâm đóng cửa vài tháng. Nhưng những ai mới sang thì sẽ rất kẹt."
    Có nhiều người vừa mới chỉ tới Việt Nam, hoặc về nước rồi quay trở lại Việt Nam sau dịp về nước nghỉ lễ Giáng Sinh.
    Lẽ ra đó là thời điểm tốt để họ bắt đầu tìm việc ở Việt Nam.
    Thế nhưng virus corona và tình hình dịch bệnh khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ đồng loạt đóng cửa. Họ không có việc làm.
    Một số ít các trung tâm lớn chuyển sang dạy online để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hình thức này có lẽ không thể là biện pháp dài hạn, và số lượng công việc cũng không đủ để duy trì việc làm cho lượng giáo viên nước ngoài.
    "Lượng học viên giảm nhiều. Có lẽ là ngoài việc học online không thật hấp dẫn cho người học, thì còn cả chuyện các phụ huynh cũng bị ảnh hưởng [do dịch bệnh] nên họ khó lòng đăng ký cho con em học," giáo viên ẩn danh nói với BBC.
    "Học phí đã giảm nhưng vẫn không đủ để kéo học viên."

    Trung tâm tiếng Anh 'khó khăn'

    Ông Dennis De Benedetto, người Mỹ, mở một trường dạy tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh từ 2012 và sau đó là trung tâm thứ hai tại Vũng Tàu, 2016, nhận xét rằng tuy Chính phủ Việt Nam đã xử lý bệnh dịch rất tốt, nhưng thực tế là hoạt động của các trung tâm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
    Ông cũng nói việc chuyển sang dạy online không phải là giải pháp.
    "Với tôi thì việc dạy online không tạo được ấn tượng gì hết," ông nói với BBC News Tiếng Việt. "Học viên cần được dạy trực tiếp."
    Không có việc làm, không có thu nhập, nhưng nhiều người vẫn chọn ở lại vì họ "ở lâu, đã quen, và có lẽ cũng hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua".
    Với những người mới sang đúng thời điểm bùng phát dịch bệnh, thì việc xin visa cư trú, giấy phép lao động "có lẽ cũng chưa kịp hoàn tất", những người này thực sự gặp khó khăn, giáo viên ẩn danh nói với BBC.
    Một số người đã quay về nước. Những người còn ở lại đa phần là "kẹt không về được".
    "Tôi đã trải qua ba tháng đầy kịch tính, đầy cảm xúc, với các cuộc cự nự với các hãng hàng không dân dụng và cả với các cơ quan chính phủ Anh nữa," một giáo viên khác, người Anh, cho BBC biết.
    Với việc rất nhiều nơi trên thế giới hạn chế đi lại, áp dụng phong toả trong nỗ lực khống chế bệnh dịch, tình hình khó khăn về công ăn việc làm sẽ còn kéo dài cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
    Những người thầy nước ngoài dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
    Và đây cũng không phải là lĩnh vực hiếm hoi bị mất việc làm, mất thu nhập và đời sống trở nên bấp bênh ở Việt Nam trong thời dịch bệnh Covid-19

    No comments:

    Post a Comment