Hiểu thế nào về công hàm ngày 30 tháng ba năm 2020 của VN gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc?
Trương Nhân Tuấn (Danlambao)
- Trên VOA hôm qua 7 tháng tư 2020 có đăng bài phỏng vấn TS Hà Hoàng
Hợp về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Bài bài phỏng vấn xảy ra
nhân VN gởi công hàm ngày 30 tháng ba năm 2020 mục đích phản đối TQ lên
Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ.
Nội dung công hàm ghi rõ lý do: “Việt nam phản đối các yêu sách của
Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển
Đông”.
“Các công hàm trên” là hai công hàm của TQ. Thứ nhứt là công hàm số
“CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 nhằm phản hồi đệ trình ngày 12
tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa”. Thứ
hai là Công hàm số “CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn
thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng
Thư ký Liên Hợp Quốc”.
VN khẳng định qua công hàm rằng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển
1982 là cơ sở pháp lý duy nhứt, qui định toàn diện và triệt để về phạm
vi quyền được hưởng vùng biển giữa VN và TQ.
Các yêu sách của TQ (mà VN phản đối) là:
1- Chủ quyền hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của VN) và Nam Sa (tức Trường Sa của VN).
2- Vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa phải
được xác định theo điều 121 khoản 3 của Công ước của Liên Hợp Quốc về
Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
3- Các nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm HS và TS không có dường cơ sở vẽ
bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhứt.
4- Các bãi chìm lúc chím lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh
thổ và không có vùng biển riêng. 5/ Việt Nam phản đối các yêu sách ở
Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó
có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp
lý.
Có nhiều điều cần bàn lại với TS Hà Hoàng Hợp.
TS Hà Hoàng Hợp cho rằng “Trước giờ Việt Nam gần như chưa bao giờ nói
gì với LHQ về chuyện này cả, bởi vì hiển nhiên rằng LHQ đã giao cho
Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951, sau khi Nhật Bản và một
số nước phải làm thủ tục từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
Đây không phải là "lần đầu tiên" VN phản đối TQ lên LHQ về vấn đề chủ
quyền HS và TS cũng như các yêu sách của TQ về "đường cơ sở quần đảo" và
"vùng nước" chung quanh các đảo.
Đã rất nhiều lần VN lên tiếng phản biện TQ trước quốc tế về vấn đề chủ
quyền lãnh thổ và hải phận. Trước 1975 với VNCH qua tư cách “quốc gia
chưa hoàn tất”. Hay với tư cách quốc gia thống nhứt CHXHCNVN sau 1976.
Các tuyên bố thể hiện tại các định chế quốc tế thuộc LHQ. Như ở đây là
Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ.
Riêng tại Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, ta có thể thấy VN đã
gởi nhiều công hàm phản biện các yêu sách của TQ, từ hơn 10 năm nay,
trong phần Hồ sơ ranh giới thềm lục địa mở rộng của VN, hay của VN và Mã
lai v.v...
Cũng tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, lần đầu tiên yêu sách của TQ về
vùng biển theo bản đồ chín đoạn chữ U được xuất hiện trên trường quốc
tế. Dĩ nhiên VN cũng đã nhanh chóng phản đối yêu sách phi lý này.
Việc phản đối như vậy là cần thiết.
Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, sự "im lặng" của một quốc gia trước một
vấn đề (quốc tế) đòi hỏi quốc gia phải lên tiếng, được xem là "sự đồng
thuận ám thị".
Nếu có theo dõi sự việc, ta biết rằng ngày 12 tháng 12 năm 2019 Mã Lai
nộp "Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng phía bắc" của quốc gia này lên Ủy
ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ. Cùng ngày, TQ nộp công hàm phản
biện yêu sách của Mã Lai. TQ khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa (tức
Trường Sa) đồng thời cho rằng yêu sách của Mã Lai đã chồng lấn với vùng
"biển lịch sử" của họ. Ngày 6 tháng ba Phi Luật Tân gởi công hàm lên Ủy
ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia
này. Theo đó Phi khẳng định chủ quyền của Phi ở nhóm đảo "Kalayaan" (tức
Trường Sa của VN).
TQ không thể im lặng (vì im lặng là đồng thuận). Do đó TQ lên tiếng phản
biện lại yêu sách của Phi, đồng thời khẳng định chủ quyền của họ tại
Nam Sa (tức Trường Sa của VN), chủ quyền Tây Sa (Hoàng Sa của VN), Trung
Sa và đá Hoàng Nham (tức Scarbourough). TQ cũng khẳng định đường cơ sở
quần đảo chung quanh quần đảo Trường Sa, đường cơ sở chung quanh quần
đảo Hoàng Sa và vùng "biển chung quanh".
Dĩ nhiên việc này "lôi kéo" theo VN. VN cũng không thể im lặng vì sự im
lặng của VN có ý nghĩa "từ khước chủ quyền" ở Hoàng Sa và Trường Sa đồng
thời nhìn nhận yêu sách về vùng biển của TQ.
Nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế cho thấy, việc "xao lãng" của nhà
cầm quyền trước một vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng, thí dụ im lặng
trước tuyên bố của một quốc gia khác về chủ quyền một vùng lãnh thổ. Sự
im lặng của nhà cầm quyền có thể làm cho quốc gia mất chủ quyền ở vùng
lãnh thổ đó.
Tức là sự phản biện của VN trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm
lục địa thuộc LHQ) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là chuyện
“hết sức bình thường”.
Theo tôi, phản biện của VN là phản xạ tự nhiên và cần thiết. Không phải
như ý kiến của TS Hợp là nhà cầm quyền VN bị thúc đẩy bởi “áp lực từ
công chúng” sau vụ TQ đâm chìm tàu của VN gần quần đảo HS. Bởi vì vụ
chìm tàu ngày 2 tháng tư trong khi công hàm đã ra trước đó ngày 30 tháng
ba 2020.
Một số chi tiết lịch sử cũng cần nhắc lại. Không hề có việc “LHQ đã giao
cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951” như ý kiến TS Hà
Hoàng Hợp.
Hội nghị San Francisco 1951 được mở ra tại Hoa Kỳ, VN được quốc gia chủ
nhà mời tham gia với tư cách là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”.
Nhân dịp này đại diện Quốc Gia Việt Nam là ông thủ tướng Trần Văn Hữu
tuyên bố nhận chủ quyền của VN tại hai quần đảo HS và TS. Đây là lần đầu
tiên, sau 80 năm lệ thuộc Pháp, VN được tham dự một “hội nghị quốc tế”
với tư cách “quốc gia”.
Đến năm 1954 VN bị chia đôi lãnh thổ tại vĩ tuyến 17. Mặc dầu theo Hiệp
định Genève 1954 đây chỉ là “đường phân chia tạm thời”, chủ về quân sự
và không nhằm mục tiêu phân chia lãnh thổ. Dầu vậy hai miền Nam và Bắc
(tức Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) hiện hữu trên trên
trường quốc tế như là hai thực thể chính trị riêng biệt và đối nghịch
nhau về ý thức hệ. Hai miền không có bên nào được ngồi vào ghế chính
thức đại diện cho VN tại LHQ.
Vì không có bên nào là quốc gia thực sự, có ghế đại diện chính thức tại
LHQ (mà chỉ có ghế dự khuyết). Do đó cả hai bên đều không có tiếng nói
tại Đại hội đồng LHQ hay trước Hội đồng Bảo an LHQ.
Dầu vậy miền Nam, tức VNCH, được nhìn nhận là đại diện chính thức cho VN
tại hầu hết các định chế thuộc LHQ như Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO),
UNESCO, Tổ chức Lương nông (FAO) v.v...
Trường hợp TQ, không được tham gia Hội nghị San Francisco 1951 và không
có ghế đại diện LHQ cho tới năm 1972. Nhưng không phải vì vậy mà TQ,
cũng như VNCH, không có những tuyên bố có giá trị quốc tế về chủ quyền
lãnh thổ.
Tuyên bố “bên lề” Hội nghị San Francisco của TQ, mặc dầu không được
nhiều quốc gia ủng hộ, nhưng vẫn “có giá trị pháp lý”, như là một yêu
sách của quốc gia này về lãnh thổ.
Các hành vi cũng như tuyên bố của VNCH trước quốc tế, từ tháng giêng năm
1974 liên quan đến việc TQ dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa, có giá trị
pháp lý, chứng nhận thái độ của VN trước sự việc TQ xâm lược HS của VN.
Điều cần nhắc là VNDCCH đã "im lặng" trước biến cố TQ xâm lăng Hoàng Sa
của VN vào tháng giêng 1974. Sự "im lặng" này có nhiều ý nghĩa.
Sau khi thống nhứt đất nước, năm 1977 VN lần đầu tiên khẳng định chủ quyền HS và TS trước quốc tế.
Vì vậy, một tuyên bố của một quốc gia liên quan đến vấn đề chủ quyền
lãnh thổ luôn có giá trị pháp lý, ngay cả khi nó không tuyên bố trước
Đại hội đồng LHQ hay trước Hội đồng bảo an LHQ.
Dó đó, theo tôi, công hàm phản biện của VN vừa gởi lên Tổng thư ký LHQ
không phải là một “vấn đề rất nghiêm trọng” như TS Hà hoàng Hợp có nói.
Công hàm này chỉ gởi đến Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ mà
không phải tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ hay gởi tới Hội đồng bảo an
LHQ. Mặc dầu thời gian qua VN đóng vai trò “cầm chịch” luân phiên Hội
đồng bảo an LHQ.
Về ý kiến công hàm này "báo hiệu một tiến trình pháp lý".
Theo tôi, VN đã bỏ qua rất nhiều dịp tốt để kiện TQ trước một tòa án
quốc tế. Vụ Tư Chính năm ngoái là một thí dụ. Vấn đề là VN phải kiện về
nội dung nào? kiện ở đâu? Nhiều lần tôi đã nói việc này.
Điều đáng ghi nhận trong công hàm của VN là VN mặc nhiên nhìn nhận "Phán
quyết của tòa PCA 2016" Phi Luật Tân kiện TQ về việc "giải thích và
cách áp dụng Luật biển". Ta thấy việc này trong công hàm của VN, như về
điều 121 (khoản 3) nói về hiệu lực các đảo, bãi ngầm... và đường cơ sở
quần đảo...
Tức VN đã nhìn nhận phán quyết PCA 2016 là "luật". Đây cũng là ý kiến
của cá nhân tôi thể hiện qua các bài viết từ nhiều năm trước.
Nếu chỉ ngừng ở công hàm này thì VN, như đề nghị của các học giả trong
ngoài nước. VN có thể cóp py mô hình của Phi kiện TQ ra tòa PCA, với nội
dung "làm lại từ đầu".
Theo tôi, VN đi con đường này không phải là "thượng sách". Bởi vì ta
biết chắc chắn là TQ sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như
không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết. Như đã xảy ra ở
phán quyết PCA tháng 7-2016.
Tức là, nếu VN may mắn thắng kiện TQ tại tòa quốc tế, thì sẽ có hai phán quyết có cùng nội dung mà TQ không nhìn nhận cả hai.
Theo tôi, nếu chỉ bàn trong vấn đề “hải phận” ở Biển Đông, VN có thể đạt
được yêu sách của mình, cũng như loại bỏ yêu sách về biển của TQ, mà
không cần phải kiện tụng chi cả.
Nhiều lần tôi có đề nghị VN có thể sử dụng nội dung Phán quyết PCA 2016,
thông qua Ủy ban ranh giới Thềm lục địa, để nhờ cơ quan này nhìn nhận
hồ sơ hợp pháp của VN về ranh giới thềm lục địa mở rộng.
Điều này có thể đang xảy ra. VN đang hợp cùng với Phi và Mã Lai, qua các
Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12 năm 2019.
* Đính kèm ý kiến về bãi Tư chính:
No comments:
Post a Comment