Thuốc diệt ký sinh trùng do Úc phát hiện có thật sự là thuốc điều trị COVID-19 tiềm năng hay không?
Trong tuần qua, một nghiên cứu được dẫn
đầu bởi nhóm khoa học gia tại trường đại học Monash, Úc, cho thấy một
loại thuốc chống ký sinh trùng có tên Ivermectin có khả năng ức chế sự
nhân lên của loại virút gây ra đại dịch COVID-19 trong một thử nghiệm
nuôi cấy tế bào.
Ivermectin thường được sử dụng để trị một
số bệnh nhiễm giun ở người hoặc trong ngành thú y để diệt chấy và một
số loại ký sinh trùng khác. Thuốc được bắt đầu sử dụng trong ngành thú y
từ năm 1981.
Vậy thật sự loại thuốc này có tiềm năng trở thành thuốc đặc trị COVID-19 hay không?
Trong chương trình truyền thanh hàng tuần
của nhà virút học Vincent Racaniello tuần vừa qua, ông đã cùng những
chuyên gia làm trong ngành virút học và miễn dịch học mổ xẻ vấn đề này.
Giáo sư Vincent Racaniello là một chuyên gia về virút học danh tiếng trên thế giới.
Ông đã thực hiện gần 600 buổi truyền
thanh hàng tuần trong nhiều năm qua, cùng các chuyên gia bình luận về
nhiều đề tài liên quan đến virút học khác nhau.
Khách mời trong buổi nói chuyện tuần qua
có giáo sư Doris Cully, người đã có bề dày nghiên cứu về Ivermectin và
các thuốc cùng họ từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Theo bà, bài báo đang gây chú ý của các
nhà khoa học người Úc này có nhiều vấn đề cần được tìm hiểu kỹ hơn trước
khi tuyên bố về hiệu quả tiềm năng của Ivermectin trong chữa trị
COVID-19.
Thứ nhất, bài báo đặt tựa đề gây nhầm lẫn, khiến người đọc dễ hiểu nhầm rằng Ivermectin là một loại thuốc đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) duyệt
cho sử dụng với mục đích tương tự ở người. Tuy nhiên, loại thuốc này
chưa được duyệt cho sử dụng với mục đích kháng virút ở người mà hiện chỉ
được sử dụng phổ biến nhất như là thuốc chống ký sinh trùng.
Thứ hai, liều lượng thuốc cần sử dụng
trong thực tế để đạt được hiệu quả như bài báo có thể là không khả thi.
Theo báo cáo nghiên cứu, liều lượng Ivermectin cần dùng để làm giảm 50%
lượng virus là 2 micromolar, tương đương với 25 mg/kg cân nặng. Trong
khi đó, liều dùng FDA cho phép chỉ là 0,1 đến 0,2 mg/kg cân nặng.
Thứ ba, bài báo không đưa kết quả thử nghiệm về độ độc hại của thuốc đối với tế bào ở liều cao.
Thông thường, những bài báo nghiên cứu về
đặc tính của thuốc bằng phương pháp nuôi cấy tế bào (tương tự với bài
báo này) thường đưa ra dữ liệu về độ an toàn đối với loại tế bào đang
thử nghiệm khi dùng thuốc ở nồng độ cao. Ngoài ra, độ an toàn đối với
nhiều loại tế bào khác cũng thường được kiểm tra và báo cáo để đảm bảo
loại thuốc không gây độc đối với các loại tế bào khác nhau trong cơ thể.
Theo giáo sư Doris Cully, dựa theo cơ chế hoạt động được biết rõ của thuốc này, Ivermectin có khả năng sẽ gây độc ở nồng độ cao.
Thứ tư, cơ chế kháng virút được đưa ra
trong bài là do thuốc ức chế con đường truyền vật liệu di truyền virút
vào bên trong nhân tế bào vật chủ. Theo giáo sư Vincent, chưa có virút
nào thuộc cùng họ Coronavirus đưa vật liệu di truyền vào trong nhân tế
bào. Các virút thuộc họ này chỉ nhân lên ở vùng tế bào chất bên trong tế
bào vật chủ.
Như vậy, còn quá nhiều câu hỏi cần được
giải đáp trước khi thuốc Ivermectin có thể được xem là có tiềm năng điều
trị virút gây ra đại dịch COVID-19.
Người dân cần thận trọng đối với những
thông tin về hiệu quả của loại thuốc này và chỉ nên sử dụng thuốc theo
hướng dẫn của bác sĩ. Đã có nhiều người trên thế giới thiệt mạng do sử
dụng loại thuốc này sai mục đích.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thục Phương
(Chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ)
(Chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ)
Tài liệu tham khảo:
Bình luận trên kênh Youtube/Podcast của giáo sư Vincent Racaniello: https://www.youtube.com/watch?v=Q5-7YxucOYE
Sutherland IH. Veterinary use of ivermectin. Acta Leiden. 1990;59 (1-2) 211-216. PMID: 2198752.
Ý kiến
(0)
No comments:
Post a Comment