Trung Quốc luôn ‘ăn đằng sóng, nói đằng gió’: chuyên gia nhận định!
Đổi trắng thay đen vấn đề
Hoàn Cầu Thời Báo vào ngày 11/4 đã đăng tải bài viết của tác giả Cheng Hanping với tiêu đề tạm dịch ‘Tại sao Việt Nam xâm phạm Biển Đông vào thời điểm này?’Mở đầu bài viết, tác giả cho hay một tàu đánh cá Việt Nam ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa của Trung Quốc đã đâm vào mũi tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc hồi đầu tháng tư. Nhưng Việt Nam lại chính thức phản đối Trung Quốc và đổ lỗi cho tàu Hoa Lục nhằm nỗ lực tìm kiếm bồi thường.
Nhận xét về việc không chỉ người đại diện chính quyền Bắc Kinh mà ngay cả báo chí Trung Quốc cũng đưa tin không đồng nhất với nguồn tin từ ngư dân và cả chính phủ Hà Nội, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đưa ra câu hỏi:
“Một chiếc tàu cá Việt Nam to lớn thế nào so với tàu hải cảnh Trung Quốc? Liệu tàu cá đâm đầu vào tàu hải cảnh Trung Quốc thì có ai tin được hay không? Việc ‘ăn đằng sóng nói đằng gió’ của chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay cả thế giới không ai lạ. Ví dụ như 11 năm trước, trong ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho rằng hết sức hòa bình, hữu nghị và ca ngoại Trung Quốc không còn từ nào tốt hơn. Nhưng ngay lúc đó tại Biển Đông, Trung Quốc bắn giết, cầm tù các ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển của mình. Kể từ đó đến nay, hầu như không lúc nào Trung Quốc không bắt giết, bắt bớ tàu cá của ngư dân Việt Nam.”
Còn Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, nhận định rằng đây là chiến lược thông tin của Trung Quốc được áp dụng từ xưa đến nay:
“Cũng không riêng bài của Hoàn Cầu Thời Báo mà ngay cả trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng mới đây cũng có bài tương tự như vậy. Trên rất nhiêu diễn đàn Trung Quốc vẫn đang làm điều đó, thể hiện chiến thuật của Trung Quốc: muốn đổi trắng thay đen vấn đề. Trong vấn đề Biển Đông thì ta thấy vấn đề tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 2/4 thì rõ ràng ngay cả phía Hoa Kỳ đã 3 lần lên tiếng, cùng với Philippines đã đồng cảm với Việt Nam trong vấn đề này. Nhưng Trung Quốc lại đưa ra luận điệu cho rằng tàu của Việt Nam tốc vào tàu hải cảnh Trung Quốc cho thấy lập luận của Trung Quốc là muốn đổ vấy trách nhiệm, đổi trắng thay đen vấn đề.”
Theo tường thuật của chính những ngư dân bị nạn với cơ quan chức năng Việt Nam, tàu cá QNg90617 đã bị tàu hải cảnh 4301 của Trung Quốc cố tình đâm chìm vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4.
3 tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi sau dó đã đến để cứu tàu QNg90617. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vây bắt hai tàu của ngư dân Quảng Ngãi, đưa về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tại đó, hai tàu này bị lục soát, trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tịch thu.
Chiếc tàu thứ ba của ngư dân Việt bị Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi.
Đến chiều ngày 2/4, Trung Quốc trao trả 8 ngư dân trên chiếc tàu bị chìm cho hai tàu cá bị bắt giữ và buộc các tàu này phải rời khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng vào ngày 3/4 cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trao công hàm phản đối yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Trong khi đó, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 4/4 đưa tin trích lời phát ngôn nhân Hải cảnh Trung Quốc Zhang Jun cho biết tàu cá của ngư dân Việt Nam đã đâm vào tàu hải cảnh 4301 của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4 nên bị chìm, 8 ngư dân trên tàu đã được cứu sống.
Liên kết với Hoa Kỳ, cô lập Bắc Kinh?
Sau khi vụ việc Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 6/4 ra tuyên bố báo chí dẫn lời người phát ngôn Morgan Ortagus nói rõ vụ việc là hành động mới nhất của Trung Quốc trong loạt lâu dài những hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giềng tại Biển Đông. Phía Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng phản đối sau đó.Mới đây nhất, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ vào ngày 10/4 đã đưa một tuyên bố lên án Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam và triển khai máy bay chiến đấu ra Biển Đông.
Theo quan điểm của tác giả Cheng Hanping, qua vụ việc này, Hoa Kỳ đang một lần nữa cố gắng chính trị hóa một vấn đề đối ngoại để bêu xấu Trung Quốc.
Ông Cheng Hanping cho rằng sự hỗ trợ kịp thời từ Hoa Kỳ sẽ khuyến khích chính phủ Việt Nam và ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt cá trái phép, mạnh dạn xâm phạm lợi ích và quyền lợi của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Quần đảo Hoàng Sa hơn. Điều này có khả năng leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Không đồng ý với nhận định vừa nêu của tác giả, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng Hà Nội sẽ không bao giờ căng thẳng với Bắc Kinh. Ông giải thích:
“Hiện nay Bắc Kinh sợ sự phát triển trong mối quan hệ Việt – Mỹ vì nếu như mối quan hệ Việt – Mỹ có tiến thêm một bước nữa hay nói cách khác là bước thêm bước gọi là đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện thì sẽ đe dọa đến âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Chính vì vậy khi Bộ Ngoại giao Mỹ, một số Thượng Nghị sĩ Mỹ lên tiếng về vấn đề Trung Quốc đụng tàu cá Việt Nam thì họ tưởng rằng Việt Nam bắt đầu liên minh quân sự hay liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Việt Nam không bao giờ dại để làm hành động đó. Chúng ta biết rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam từ trước đến giờ là ‘3 không’ được đặt ra tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 đến nay và Việt Nam vẫn tuyên bố tuân thủ chính sách ‘3 không’ đó. Do đó, tất cả những tố cáo, lên án của Trung Quốc đối với Việt Nam thời gian vừa qua là nhằm muốn cô lập Việt Nam, vẫn muốn Việt Nam thần phục Trung Quốc chứ không mở rộng đa phương như mong muốn của chính phủ Việt Nam hiện nay.”
Bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo cũng đưa ra nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa đối với Trung Quốc, tương ứng với các động thái của Hoa Kỳ.
Theo đó, Việt Nam lấy danh nghĩa thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng thực chất để cô lập Bắc Kinh trong khi chính phủ Trung Quốc đang chiến đấu gian khổ chống lại COVID-19.
Tác giả đã dẫn chứng trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ đầu tháng ba. Nhiều người lo lắng rằng Việt Nam có thể trải qua một đợt bùng phát vào giữa tháng Tư.
Từ đó cho thấy Hà Nội có ý định chuyển sự chú ý khỏi áp lực trong nước gần đây và sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nhận định mà tác giả đưa ra trong bài viết là hết sức thô thiển, không dựa trên sự thật:
“Chúng ta thấy rõ rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi muốn đóng đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc là phải thảo luận, xin phép và được sự đồng ý của Trung Quốc. Không thể nào Việt Nam đơn phương đóng cửa biên giới, coi Trung Quốc là một thế lực thù địch hay kẻ thù, chuyện đó trong mấy mươi năm qua, kể từ năm 1979 hay nói cách khác từ khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trở lại bình thường thì chưa bao giờ Việt Nam coi Trung Quốc là kẻ thù, chưa bao giờ Việt Nam bao vây Trung Quốc mà Việt Nam vẫn tuân thủ ‘4 tốt, 16 chữ vàng’ trong mối quan hệ Việt – Trung hiện nay.”
Đồng quan điển vừa nêu, Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Đấy là Trung Quốc họ nói chứ Việt Nam làm sao có đủ sức cô lập Trung Quốc. Ngay cả trong Chiến tranh biên giới 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam nhưng lại tuyên truyền là Trung Quốc bị Việt Nam đe dọa tấn công nên phải tự vệ, đó là lập luận của Trung Quốc. Chúng ta quá hiểu dân tộc Trung Quốc luôn sử dụng biện pháp ngụy biện và đổi trắng thay đen vấn đề, nên cần bình tĩnh để hiểu vấn đề.”
Thạc sĩ Hoàng Việt cũng cho rằng không phải chỉ riêng Việt Nam bị Trung Quốc tấn công thông tin, mà ngay cả Hoa Kỳ cũng từng bị Trung Quốc ‘đổi trắng thay đen’.
Cụ thể là việc người phát ngôn của Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng có khả năng quân đội Mỹ mang COVID-19 tới Trung Quốc trong khi tất cả đều biết rõ nguồn gốc của virus từ Vũ Hán của Trung Quốc.
Vì thế, trước những thông tin sai lệch về Việt Nam mà chính phủ và truyền thông Bắc Kinh liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây, Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra đề xuất:
“Tôi nghĩ rằng tốt nhất Việt Nam cũng phải đưa lại thông tin cho cộng đồng quốc tế biết vấn đề và cũng phải có phản bác lại. Có lẽ trong trường hợp này chỉ là báo thôi thì phía Việt Nam cần có những báo viết bằng tiếng Anh để phản bác vấn đề này cho cộng đồng quốc tế biết rõ nguyên nhân từ đâu.”
No comments:
Post a Comment