Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 28 October 2016

BÙI BẢO TRUC = U TÌNH LỤC =Ì

BÙI BẢO TRÚC * TRẺ TRÂU

Trẻ trâu
Bùi Bảo Trúc
Danh từ “trẻ trâu” xuất hiện ở Việt Nam cách đây không lâu. Hai chữ này được dùng để mô tả những thiếu niên hư hỏng, ăn nói vô giáo dục, thô tục, mở miệng là chửi thề bằng những ngôn từ hết sức dơ bẩn, độc ác và tục tĩu, sẵn sàng tung chưởng giao chiến dữ dội ở bất cứ mọi nơi, trong lớp, ngoài đường. Những thành phần này xuất hiện rất nhiều ngay sau khi miền Nam đổi chủ với những đợt bộ đội, cán bộ cùng gia đình và đám dân từ miền Bắc kéo vào. Chúng gây kinh hoàng trong các lớp học ở miền Nam, cả tiểu học lẫn trung học. Không chỉ những thành phần nhỏ tuổi, mà luôn cả các sinh viên đại học, kể cả các giáo sinh sư phạm ở Hà Nội cũng ăn nói cùng một loại ngôn ngữ như thế. Chính báo chí trong nước, từ những năm 70 kể cả tờ Nhân Dân cũng lớn tiếng phàn nàn nhiều lần.
http://admin.nioeh.org.vn/uploads/LibraryImages/2015317114259.jpg
Mới đây còn xuất hiện hai chữ “sửu nhi” để gọi bọn trẻ trâu này cho có tí hơi hướm Tàu mặc dù người Tàu không hề có cách gọi này bao giờ.
Danh từ trẻ trâu được cho vào tiếng Việt chắc là để thay cho hai chữ cao bồi đã được du nhập vào tiếng Việt từ những năm 1950 ở Hà Nội, rồi cao bồi lô canh nghĩa là cao bồi nội địa chứ không phải là những anh chăn bò trong các phim kể chuyện miền viễn tây nước Mỹ. Thực ra những thứ gọi là cao bồi lô canh hồi đó cũng không mất dạy và khốn nạn như bọn trẻ trâu hiện nay. Nhiều lắm thì cũng kiếm cái áo sơ mi ca rô mặc vào, tay khuỳnh khuỳnh ăn nói hơi du côn một chút là cùng.
Trẻ trâu thì dữ dằn hơn nhiều. Bọn này thường tuổi tác khoảng 9 hay 10 tuổi cho đến 14 hay 15, bé thì không còn bé nữa, mà lớn thì cũng chưa lớn hẳn. Nhưng mức độ mất dạy thì đúng là không đợi tuổi. Gọi chung chúng là “trẻ trâu” vì chúng bị coi là những đứa trẻ thất học hư đốn, mất dạy như bọn chăn trâu chăn bò vậy. Thế là chú bé mục đồng của bài tập đọc trong bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ai cũng yêu quí bỗng nhiên bị làm bẩn đi rất nhiều vì hai chữ trẻ trâu ngày nay ở trong nước.
Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của những chiếc điện thoại di động, hình ảnh, ngôn từ của chúng được đưa đi khắp nơi chỉ trong tích tắc. Vào Internet, đánh những chữ “trẻ trâu đánh nhau” là người ta có thể xem hàng mấy chục video clip thu lại cảnh chửi bới, đánh nhau kinh hoàng của chúng,
nu-sinh-bi-danh-7107-142617037-8195-5734
Những vụ đánh nhau như thế diễn ra gần như ở khắp nơi, không chỉ ở vài ba vùng nam hay bắc. Chỉ cần nghe những câu chửi bới của chúng là có thể biết chúng là người vùng nào ngay. Chúng dùng những đòn độc để đánh nhau: Túm tóc, đá đạp vào mặt, vào bụng, nhắm những chỗ hiểm, ghì đầu xuống, lên gối... Trong những vụ bạo hành đó, người ta thấy đa số các bên là giữa các trẻ gái, ăn mặc sạch sẽ rất thời trang và gần như luôn luôn có cảnh xé quần áo của nhau giữa những tiếng cổ vũ của đám đông đứng chung quanh. Đặc biệt là những đám đông đó rất ít khi can thiệp, ngăn cản những vụ bạo động đó, trái lại chỉ đứng xem, cổ vũ, xúi đánh những đòn mạnh hơn, tụt quần áo của nhau và dùng điện thoại thu hình để bỏ lên Facebook phổ biến rộng rãi. Ngay giữa Hà Nội, một ngôi trường đã phải dựng bảng yết thị nói rõ là các học sinh không được cởi quần áo của nhau. Điều này cho thấy những vụ xé quần áo của nhau rất thường xảy ra. Trong những vụ đánh nhau như thế, thành phần đứng xem phần lớn bao giờ cũng là các nam sinh và rất ít khi bước vào can ngăn. Các trẻ gái này vừa đánh vừa chửi những câu thông thường tưởng chỉ từ mồm miệng của những người đàn ông tục tĩu xúc phạm mẹ của nhau.
Nguyên do đưa tới những vụ bạo động ấy nhiều khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ ở trong lớp, ở cửa trường. Và cũng còn cả những vụ tranh giành bạn trai của nhau. Những vụ đánh ghen như thế diễn ra giữa những trẻ gái chỉ mới 11 hay 12 tuổi. Rất nhiều vụ đánh nhau diễn ra với sự tham gia của ba bốn trẻ ở một bên nhắm vào một đối tượng hệt như cảnh đấu tố giữa sân làng.
Xem những video clip đó người ta không thể không thắc mắc chúng là những thành phần như thế nào. Nhìn quần áo, giầy dép của chúng, người ta thấy chúng là những đứa thuộc gia đình không đến nỗi túng thiếu. Có cả những thứ hàng hiệu trên người của chúng. Một số còn đeo ở cổ những chiếc khăn quàng đỏ. Biết đâu gia đình của chúng lại chẳng được coi là “gia đình văn hóa” có gắn bảng ghi rõ ngoài cửa. Chúng có thể là những “cháu ngoan bác Hồ” giao chiến ngay trong lớp, dùng bàn ghế đánh nhau trong khi trên tường treo những tấm bảng kêu gọi chúng “học tốt theo gương đạo đức của Hồ Chí Minh”...
Những đứa trẻ trâu ấy vài ba năm nữa chúng sẽ thành niên và sẽ hội nhập vào xã hội của người lớn. Lúc đó chúng sẽ là những người như thế nào ?
Lại nhớ một câu trong Kiều:
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh...
__._,_.___

Posted by: MAN PHAN

TRẦN HOÀNG LAN * ĐẠI HỘI XII

Đại hội 12 - cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt, bất ngờ

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Ở Việt Nam ngày nay các câu "phi thương bất phú”, “nhất bản vạn lợi” (không buôn bán thì chẳng thể giàu và buôn bán là nghề sinh lợi nhiều nhất) đã lỗi thời vì có một nghề làm giàu nhanh hơn nghề đi buôn, đó là nghề “làm cán bộ". Ai còn hồ nghi xin mời hãy vào mạng để chiêm ngưỡng phòng khách của cựu tống bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nhà thờ họ của đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, biệt thự của cựu tổng thanh tra Trần Văn Truyền. Hình ảnh cặp ngà voi, chiếc trống đồng, vườn rau sạch, bức tượng đồng bán thân đắt tiền, bộ bàn ghế dát vàng... do các báo nhà nước chụp quyết không thể là ngụy tạo được.

Cảm thấy chưa thuyết phục bạn có thể tới các dinh thự của lãnh đạo các tỉnh hoặc tương đương. Dù có chó dữ phải đứng ngoài nhìn từ xa, bạn vẫn thấy được vẻ bề thế, khang trang của nó. Nếu vẫn chưa thỏa mãn bạn cứ tìm cơ ngơi của lãnh đạo một huyện hoặc thành phố bất kỳ, hoặc của một cán bộ cỡ vừa vừa nào đó để kiểm chứng. Công dân bình thường muốn làm giàu một cách thực sự phải là người tài, giỏi làm ăn, mạo hiểm và phải chọn được cách làm giàu phù hợp cộng với một chút may mắn. Còn với cán bộ nhất là cán bộ càng to thì việc làm giàu đối với họ càng dễ, thậm chí chẳng cần phải “làm”mà vẫn cứ “giàu”. Chẳng hạn: Ký một quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng biến đất nông nghiệp thành đất phân lô để bán ở đô thị bao giờ cũng được những người đề xuất “lại quả” vài mảnh giá trị bạc tỉ. Cất nhắc, đề bạt thậm chí kỷ luật cán bộ luôn là những cơ hội để cấp trên nhận những khoản chạy chức, chạy tội không nhỏ từ đương sự. Muốn làm những công trình, dự án béo bở mà không phải là gia đình, người thân, phe cánh của quan chức thì chỉ còn cách "lì xì" cho cán bộ có quyền phân phối. Tổ chức cưới xin, ma chay cho thân nhân của sếp luôn là dịp để cấp dưới hối lộ hợp pháp bằng cách mừng hoặc phúng những phong bì “dày bất thường”. Vì "một người làm quan cả họ được nhờ" nên nghề "làm cán bộ" còn tạo cơ hội làm giàu cho cả người thân trong gia đình, họ hàng thân cận cùng phe nhóm nữa. 
Ngoài làm giàu nhanh nghề này còn có một "nhân thân tốt" nên khi lỡ “bị lộ”, “lâm nạn”, hoặc buộc phải làm "dê tế thần", đóng vai “Lê Lai” cứu cấp trên cũng dễ dàng thoát tội hoặc chuyển từ nặng thành nhẹ. Còn nếu chẳng may bị tù cũng nhanh chóng được ân xá. Vụ án mua dâm nữ học sinh ở Hà Giang những kẻ có tội là hàng loạt quan chức tỉnh có "thân nhân tốt" nên phiên sơ thẩm được “miễn nêu tên”. Lương Quốc Dũng, Mai Văn Dâu, Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến... là những cán bộ cấp cao lỡ bị tù nhưng đều được nhanh chóng ra trước thời hạn. Các vụ in tiền Pôlime, PCI, PMU18, Vinashin, Vinaline vì có dính líu tới các nhân vật trong BCT nên đã được ỉm đi, khoanh lại không làm tới cùng. 
Chỉ cần kể sơ sơ như vậy cũng đủ thấy sự "hấp dẫn", sức “cuốn hút” của nghề “làm cán bộ”. Cộng với tâm lý thích làm quan vốn ăn sâu bén rễ từ hàng ngàn đời nay nên thiên hạ đua nhau: chưa được làm cán bộ thì phấn đấu, được rồi thì muốn làm to hơn, to rồi thì muốn làm to nữa, bằng đủ mọi cách. Nhưng điều 4 hiến pháp quy định đảng cộng sản lãnh đạo đất nước nên có một tiêu chuẩn bất thành văn: lãnh đạo đơn vị phải là đảng viên và phải có chân trong cấp ủy của đảng bộ cùng cấp. Chẳng han: Lãnh đạo tỉnh hoặc giám đốc một sở quan trọng nhất thiết phải là tỉnh ủy viên. Bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ đều phải có chân trong BCH trung ương. Tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng bộ quốc phòng, công an đương nhiên không ai ngoài các ủy viên bộ chính trị. Bởi vậy cuộc chạy đua giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt chính là cuộc đua giành ghế cấp ủy trong các đại hội đảng bộ. Cuộc đua giữa các đồng chí (cùng phải thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của đảng) nên không có gì ngoài tranh giành, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Lãnh đạo cấp càng cao càng có nhiều “béo bở” do đó mức độ quyết liệt của các cuộc tranh giành nói trên tăng theo cấp của đại hội đảng bộ. Tất nhiên căng thẳng, quyết liệt hơn cả là tranh giành các ghế UVTW, UVBCT, "tứ trụ", TBT. 
Cuộc tranh giành của những kẻ có quyền, tiền vào bậc nhất, câu kết thành phe phái, đứng sau là các nhóm lợi ích khổng lồ, không loại trừ khả năng được ngoại bang hỗ trợ lại diễn ra trong bối cảnh: 5 năm trong nhiệm kỳ của đại hội 11 kinh tế đất nước bết bát, tham nhũng, lãng phí trầm trọng trong các ngân hàng, công ty, cơ quan nhà nước gây thất thoát tới hàng trăm tỷ đô làm gánh nợ công khổng lồ ngày càng chồng chất, hàng loạt các công ty doanh nghiệp trong nước phá sản, làm ra không đủ trả nên thường xuyên phải đi vay để đáo nợ. Ngoài biển, Trung Quốc cộng không ngừng gia tăng sức ép đe dọa chủ quyền nhằm chiếm trọn biển Đông qua các hành động bắt bớ ngư dân, đưa giàn khoan vào thềm lục địa, bồi đắp trái phép các đảo chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa. Đáp lại, nhà nước cộng sản Việt Nam dù tuyên bố kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, đa phương hóa không liên minh liên kết, nhưng tỏ ra hèn đớn, ngày càng lệ thuộc mọi mặt vào Tàu cộng, đồng thời tích cực" đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc để giảm sức ép từ phía phần lớn người dân muốn thoát Trung. Với các động thái: Viếng thăm và ký kết hợp tác với hàng loạt quốc gia trong đó đáng kể là chuyến viếng thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Gia tăng đàn áp những người yêu nước chống đối Trung Quốc. Nhượng bộ để vào TPP bằng được. Các lãnh đạo cao cấp có những hành động, tuyên bố, thái độ không đồng nhất trong mối quan hệ với Trung Quốc. Làm cuộc giành quyền lực trước và trong đại hội 12 quyết liệt, bất ngờ hơn hẳn so với các đại hội trước. Cuộc tranh giành mà hầu như các diễn biến của nó đều liên quan tới số phận chính trị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 
Sau nhiệm kỳ "xuôi chèo mát mái" tích lũy được khá nhiều quyền và tiền ông Dũng đã gặp phải "sóng gió" ngay trong những năm đầu nhiệm kỳ của đại hội 11. Mở đầu là sự đổ bể của Vinashin tiếp theo là hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước khác - những" quả đấm thép trong mơ "của ông - xảy ra tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng chục tỷ USD. Mặc dù không bị kỷ luật nhưng đây là cơ hội để các đối thủ vốn "ghen ăn tức ở" tận dụng nhằm hạ uy tín khởi động "cuộc chiến Ba-Tư" tiến tới hạ bệ ông. Trang blog "quan làm báo" ra đời đăng tải nhiều bài viết tấn công trực diện vào cá nhân, gia đình, thân cận của ông. Nó không hề bị chặn, phá hoại như những trang mạng "lề dân" khác chứng tỏ đã có một thế lực không hề nhỏ đứng đằng sau o bế. Đáp trả, ông Dũng đã có những tuyên bố khá cứng rắn về chủ quyền biển đảo trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Điều mà các lãnh đạo cao cấp khác không làm được. Hành động trên giúp ông đánh bóng tên tuổi và làm lu mờ đi phần nào hình ảnh một thủ tướng tham nhũng bất tài. Mặc dù nó được dư luận tán thưởng nhưng lại gây ngứa tai, ngứa mắt một số người, trong số đó có ông TBT Nguyễn Phú Trọng một nhân vật bảo thủ, thân Tàu khét tiếng. 
TBT đã nhập cuộc và được dư luận "phong" thành người đứng đầu phe bảo thủ, giáo điều thân Trung Quốc. Dĩ nhiên phe còn lại của ông Dũng phải được coi là cải cách, thực dụng, thân Mỹ. Lợi dụng cương vị TBT ông Trọng đã cho ra đời nghị quyết 4 về chống tham nhũng nhằm hạ bệ ông Dũng và dự kiến hội nghị TƯ 6 sẽ là thời điểm "knock out" đối thủ. Một tập tài liệu dày hàng trăm trang A4 kể tội, cùng hình ảnh nhà thờ họ hoành tráng của ông Dũng đã được phát tận tay cho các đại biểu trước hội nghị. 
Nhưng ông Dũng đã thoát hiểm một cách ngoạn mục vì đa phần các UVTƯ không tán thành với BCT kỷ luật ông. Sau thất bại này của đối thủ, giấc mơ trở thành TBT sau đại hội 12 của ông Dũng đã nhen nhóm. Vừa củng cố, thâu tóm thế lực bằng cách cất nhắc vây cánh vào các chức vụ quan trọng vừa triệt hạ đối thủ. Cái chết của trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh bị nghi ngờ là đòn trừng phạt tới những kẻ đâm ngáng đường ông. Trang "chân dung quyền lực" tố cáo một loạt các lãnh đạo cấp cao tham nhũng, tung tin "bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh bị ám sát" có thể nằm trong lộ trình thâu tóm quân đội. Tiếp tục có các phát biểu về chủ quyền biển đảo, về dân chủ nhân quyền nên ông Dũng liên tục được dư luận tung hô, kỳ vọng là một Thein Sein của Việt Nam. Và gần đây khi được Tập Cận Bình ngỏ lời mời tới thăm Trung Quốc vào năm tới thì hy vọng trở thành TBT của ông càng tràn trề. 
Sau thất bại ở hội nghị TƯ 6 tưởng như đã phải "yên bề chịu trận" qua những lời thủ thỉ với cử tri "đánh chuột sợ vỡ bình", "sang đất Phật còn phải hối lộ..." Thì bất ngờ từ hội nghị TƯ 10 nhân danh TBT, ông Trọng đã đưa ra hàng loạt tiêu chí để loại ông Dũng.
Tới thời điểm này, khi khai mạc đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 chỉ còn tính từng ngày, đã có liên tiếp 3 hội nghị bàn về nhân sự nhưng vẫn còn phải cần tới một hội nghị TƯ 14 nữa để hoàn tất danh sách bầu 4 vị trí cao nhất và TBT. Các thư tố cáo, ý kiến góp ý về chọn nhân sự dồn dập đăng tải trên các trang mạng không chính thống. Đã liên tiếp xảy ra các vụ đánh đập, bắt bớ người hoạt động trong công đoàn độc lập và luật sư nhân quyền khi TPP còn chưa ráo mực. Phải chăng đã có những kẻ cố tình phá hỏng TPP để kiếm điểm của "thiên triều" nhằm giành quyền lực? Rất có thể, vì với họ TPP chẳng có ý nghĩa gì nếu không còn chức còn quyền. Chuyến thăm Trung Quốc vào thời điểm "năm cùng tháng tận", cận kề đại hội 12 của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng càng tăng thêm yếu tố bất ngờ về vấn đề nhân sự. "Gió" đã đổi chiều hay thổi theo hướng khác? Hội nghị TƯ 14 có phải là "phút bù giờ" cuối cùng? Cuộc tranh giành quyền lực chóp bu trở nên hết sức căng thẳng, quyết liệt và đầy dẫy bất ngờ. 
Như thông lệ, kịch bản của đại hội đảng các cấp cũng như trung ương là: các đại biểu nghe báo cáo chính trị về tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ trước, đề xuất phương hướng cho nhiệm kỳ tiếp theo hoặc lâu dài hơn, đại biểu phát biểu dưới dạng tham luận, biểu quyết nghị quyết đề ra, cuối cùng là bầu ban chấp hành khóa mới và bầu đại biểu đi dự hội nghị cấp cao hơn (nếu là đại hội cấp địa phương). Nhưng báo cáo chính trị, phương hướng, nghị quyết, tham luận vốn là món "rượu cũ" đã "hết men" từ hàng chục năm nay. Dù có được "hâm nóng" lại cũng chẳng còn hấp dẫn được ai. Thành thử, mối quan tâm nhất của các đại biểu trong đại hội là phần bầu bán vì nó cho biết cá nhân, phe cánh nào còn "ghế", còn "phần" trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Đại hội 12 thực chất là cuộc tranh giành quyền lực. Cuộc tranh giành dễ làm người ta liên tưởng tới trích đoạn "mẹ Đốp" của vở chèo cổ "Quan âm Thị Kính", tả cảnh các chức sắc tranh ăn giữa đình, trong một làng phong kiến thuở xưa. 
1/2016 

CÁNH CÒ * NHÂN DÂN ĐẠI BẠI

Tay nào thắng thì nhân dân cũng bại.


Chưa có một sân khấu chính trị nào của thế giới tình từ thời trung cổ cho tới phát xít rồi cuối cùng là độc tài cộng sản lại có những show diễn nhạt nhưng cứ lập đi lập lại không biết chán như sân khấu chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam.
Diễn viên chỉ là bốn nhân vật của mỗi nhiệm kỳ 5 năm, sau đó bốn vai diễn khác lại leo lên sân khấu xào lại bài bản cũ một cách lạc lõng đơn điệu những vở hài không ra hài, bi chẳng ra bi, người xem chỉ thấy rặt những khuôn mặt chai lì mà dù có tô son trát phấn thế nào cũng không thể che cho hết nét trâng tráo, lì lợm của những con người đã lâu không biết tới xấu hỗ.
Những kịch bản công du Bắc Kinh, phát biểu nảy lửa về chủ quyền biển đảo, động viên dư luận, cảnh tỉnh đảng viên hay kêu gọi chống diễn tiến hòa bình tưởng rằng đã đầy tai nhân dân, nhưng vẫn được lập đi lập lại một cách không mệt mỏi. Họ như những cổ máy hát của thời Bảo Đại còn làm hoàng đế kiên trì kẽo kẹt cà lăm bởi đường rãnh chính trị lỗi thời trên chiếc đĩa hát cổ xưa của Chủ nghĩa cộng sản. Họ tươi tỉnh giả vờ trước công chúng và ai cũng biết phía sau hậu trường của những phiên họp lúc nào cũng gay cấn và cực kỳ bén ngót bởi những lằn dao phê bình, hay tố cáo vạch mặt đồng chí mà họ không bao giờ hà tiện khi tung ra.
Họ cứ nhàn nhã giả vờ cho nhân dân tưởng rằng mỗi một lần Đảng họp đại hội là một mùa xuân cho đất nước. Họ là những cánh bướm sặc sỡ trang trí cho khung cảnh ấy với các trò múa rối mà vai diễn vẫn chỉ bốn người.
Khi ông Nguyễn Sinh Hùng khấu đầu trước bàn thờ Mao Trạch Đông là lúc đàn em Nguyễn Tấn Dũng hả hê tung vào mạng xã hội những đòn thù báo trước sóng gió không bao giờ ngớt trên sinh mạng chính trị của một ông chủ tịch quốc hội, vốn chỉ biết nghe lời và lâu lâu lên gân một vài câu vô thưởng vô phạt. Ông Nguyễn Sinh Hùng chưa bao giờ là một ứng viên sáng giá cho chức vụ Tổng bí thư nhưng tại sao chấp nhận đóng vai Lê Chiêu Thống nhận lằn tên mũi đạn của nhân dân thì chỉ một mình Trung Quốc biết.
Và có thể ông Trọng cũng biết, và không chừng hành vi của ông Hùng nằm trong kế hoạch điệu hổ ly sơn của ông Trọng cũng nên?
Đánh hơi thấy phe ông Dũng mạnh cả gạo lẫn tiền, tay chân bộ hạ từ trung ương tới địa phương vô số nên ông Trọng run và tìm tới giải pháp nhờ quân đội, công an bảo vệ chiếc ghế của mình nếu một mai có biến động. Ông tới ủy lạo đoàn quân cảnh sát cơ động vốn được lập ra để bảo vệ an ninh trật tự chứ không phải để bảo vệ yếu nhân. Tuy nhiên ông Trọng không có chọn lựa nào khác, tới vỗ vai động viên mấy tay  cảnh sát áo xanh vẫn hơn không có anh nào để ôm vai bá cổ. Mọi lực lượng thứ thiệt, chính quy đều nằm trong tay Ba Dũng nên ông Trọng làm cử chỉ rất “kịch” để khán giả nhân dân có câu chuyện làm quà.
Ông Dũng từ ngày ôm Tập Cận Bình thắm thiết tưởng đâu sẽ là “hậu duệ” chính thức của Bắc Kinh nào ngờ ông Trọng cao tay hơn, gửi ông Hùng sang đúng vào thời điểm nóng nhất của cuộc gian hùng tranh bá đồ vương. Chuyến đi làm ông Dũng tím mặt lúc đầu nhưng khi ông Sinh Hùng về tới nhà cũng là lúc ông Dũng hơn hớn tung ra chiêu phủ đầu về giàn khoan 981 rồi sau đó là chiếc tàu đánh cá của Quảng Ngãi bị Trung Quốc đâm chìm.
Báo ông Tư Sang đăng bài nhưng lại né hai tiếng Trung Quốc, chỉ để tàu lạ hoặc tránh hẳn không nhắc tới tàu của nước nào. Báo Tiền Phong, Lao động cũng thế chỉ có tờ Dân Trí tung ngay cái tên Trung Quốc là kẻ thực hiện hành vi cướp biển. Người dân hừng hực nóng giận, sân khấu Ba Đình lẳng lặng không hề nhắc tới…kịch bản cũ, rất cũ được lập lại đó là mỗi lần có ai trong bốn tên sang Bắc Kinh thì y như rằng khi trở về món quà gửi theo chân phái đoàn lúc nào cũng là Biển Đông. Khi cướp của, lúc giết người nhưng không lần nào Bác Kinh tha cho Hà Nội dù chỉ một lần.
Tàu cá bị đâm chìm Tổng bí thư ghé nhắc nhở công an coi chừng biến động trước đại hội đảng. Té ra cái đại hội thổ tả ấy vẫn hơn sinh mạng người dân, sinh mạng của những ngư dân được cả bốn ông lớn tiếng cho rằng sẽ là tiền đồn chống lại bất cứ thế lực nào.
Cuộc bỏ phiếu tại đại hội 12 được nhân dân lan truyền tin đồn này khác, nhưng tin đồn nào rồi cũng là tin đồn. Đối với cộng sản họ là vua trong cách tạo dựng tin đồn nhằm phá hoại. Những cái gọi là tài liệu mật bị rò rỉ chẳng qua là nội dung các tờ truyền đơn không hơn không kém. Đại tướng công an có lên tiếng cảnh báo thì cũng với ý đồ làm cho vở kịch được chú ý thêm một chút chứ nào phải tìm cho được kẻ chủ mưu ăn cắp tài liệu trong văn khố Đảng.
Mà có gì là bí mật khi cả thế giới đều biết nó là gì, chẳng qua một ai đó mang thứ gây nghiện “tranh dành quyền lực” ra để làm mồi câu người nhẹ dạ. Hôm trước là Chân dung quyền lực, từng một lúc gây khốn đốn cho phe Trung Quốc bây giờ thì chiêu bài chống Trung đã hơi bị sượng nên người ta không ngại gì mà không đem ông Sinh Hùng ra làm cái bia đỡ đạn cho lòng căm hận kẻ ngoại xâm.
Cuối cùng, nói như nhà thơ Nguyễn Duy, tay nào thắng thì nhân dân cũng bại.

NGUYỄN VŨ BÌNH * NĂM 2015

Việt Nam 2015 - vài nét đậm


     Năm 2015 là một năm đặc biệt của Việt Nam, so với năm bảy năm trở lại đây. Điều đặc biệt này được cộng hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng có hai yếu tố cơ bản chi phối những yếu tố khác và quyết định diện mạo cũng như xu hướng của đất nước trong tương lai gần. Yếu tố thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó. Yếu tố thứ hai, sức mạnh của truyền thông lề dân, vừa là quá trình công khai hóa, tự do hóa ngôn luận, vừa là mặt trận phản biện xuất sắc, đang dần dần thay thế vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận của truyền thông quốc doanh.
     Trước hết, xu hướng thay đổi thể chế ngày càng rõ nét, đặc biệt trong một vài tháng trở lại đây. Như chúng ta đều biết, sự cạn kiệt nguồn lực, quá trình dồn nén cùng cực của người dân và đồng minh lớn Trung Quốc trở mặt là ba yếu tố quan trọng nhất đưa tới quá trình sụp đổ không tránh khỏi của chế độ cộng sản Việt Nam. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện những biểu hiện rõ nét hơn, trực tiếp và cụ thể hơn, để củng cố và khẳng định, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó.
     Đầu tiên, đó là việc một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Đây thực chất là những ngân hàng mà dư nợ của nó đã vượt quá vốn pháp định, và đó là những ngân hàng đã phá sản. Nhưng nhà nước Việt Nam đã không dám để những ngân hàng này tuyên bố phá sản, họ sợ gây ra tâm lý hoảng loạn và sụp đổ hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đứng ra mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng, chịu trách nhiệm về các khoản nợ của những ngân hàng này. Điều đáng lo ngại là, các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, hoặc có khá hơn chút ít, tức vẫn còn số vốn lưu động để tồn tại qua ngày.  Như vậy, hệ thống ngân hàng của Việt Nam coi như đã phá sản, các thủ thuật nhằm che mắt khách hàng và người dân chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa mà thôi.
     Vấn đề tài chính, cụ thể là ngân sách các địa phương, đã bắt đầu kêu cứu. Từ đầu tháng 12/2015 tới nay, đã có một số địa phương lên tiếng về nguồn ngân sách cạn kiệt, không còn tiền chi cho cán bộ và các hoạt động của đơn vị. Đó là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, 14 bệnh viện của tỉnh Đắc lăk, bệnh viện Hải Phòng, và gần đây nhất là một huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Đây không phải là tình trạng cá biệt, các địa phương khác, trừ một số thành phố lớn (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng..) đều lâm vào tình trạng tương tự, nhưng chưa tới mức kêu cứu.
     Sự khó khăn của nền kinh tế, sự lạm quyền của các cá nhân trong bộ máy cai trị, điển hình là lực lượng công an, đã dẫn tới một hiện tượng đặc biệt, cán bộ công an cướp tiền của dân. Sự việc xảy ra tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Chị Lữ Thị Miền, đi vay tiền để sản xuất kinh doanh, gặp tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đi tuần. Tổ công tác của công an xã Châu Hoàn đã yêu cầu dừng xe chị Miền, và khám xét, sau đó thu giữ số tiền hơn 90 triệu đồng, không hề có giấy tờ biện nhận việc thu giữ, thậm chí còn dọa bỏ tù và ép chị Miền viết biên nhận nhận đủ số tiền bao gồm cả hơn 90 họ đã thu giữ (tất cả chi tiết vụ việc có trên báo Dân Trí trong đường links sau: http://dantri.com.vn/ban-doc/cong-an-xa-va-huyen-bi-to-trang-tron-tran-t...).
     Sự việc trên là cá biệt, nhưng nó lại phản ánh rõ nét sự hỗn loạn cũng như tính chất bạo ngược của các cơ quan công quyền, một chỉ dấu cho thấy sự rữa nát của chế độ, cũng như hồi chuông cáo chung cho sự tồn tại của nó.
     Quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam còn thể hiện bằng quá trình tranh giành quyền lực, đấu đá bất tận trong nội bộ trước Đại hội toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Khác với các kỳ đại hội trước đây, dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, được viết và xin ý kiến nhân dân một cánh qua quýt. Về nội dung báo cáo chính trị hầu như không  có gì khác với các kỳ đại hội trước đây. Tất cả thời gian và sức lực của các phe phái tập trung vào việc bài binh bố trận tranh giành quyền lực. Sự giằng co của các phương án nhân sự quyết liệt và gay gắt tới mức một hội nghị trung ương (hội nghị trung ương 13) cũng chưa giải quyết nổi, có thể còn một hội nghị trung ương nữa cho việc này. Không loại trừ quá trình đấu đá sẽ dẫn tới những đột biến trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, và có thể, chính sự đột biến này sẽ dẫn tới việc kết thúc độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.
     Mạng xã hội facebooks, phương thức hoạt động của truyền thông lề dân, từ chỗ chỉ là phương tiện để cá nhân chia sẻ, thể hiện bản thân đã và đang trở thành một diễn đàn phản biện hiệu quả và trào lưu xã hội rất đáng quan tâm. Điều đầu tiên, mạng xã hội facebooks là nơi chia sẻ thông tin vô cùng nhanh nhậy, đa dạng và phong phú. Trong phạm vi nào đó, nó chính là sự công khai hóa xã hội đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nhưng điều mà mạng xã hội, truyền thông lề dân làm được còn là phản biện vô cùng hiệu quả các chính sách, quan điểm, hành động và phát ngôn của các cơ quan, các tập thể và cá nhân giữ trọng trách, có ảnh hưởng tới xã hội. Chúng ta chứng kiến thành quả phản biện xã hội của truyền thông lề dân thông qua mạng xã hội facebooks như: vụ chị ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật, vụ tàn sát cây xanh Hà Nội, vụ Tân Hiệp Phát, vụ phạt người nói xấu chủ tịch tỉnh, vụ báo Thanh Niên bịa đặt chuyện học sinh nhận tiền nghỉ học giữ đất..vv...rất nhiều ví dụ cho thấy hiệu quả sự phản biện của người dân trên diễn đàn mạng xã hội. Quan trọng hơn, diễn đàn mạng xã hội đã thức tỉnh hàng triệu người thông qua những thông tin và việc lập luận, lý giải những thông tin bằng sự phản biện của truyền thông lề dân, mà nòng cốt là những người thuộc phong trào dân chủ Việt Nam.
     Có thể nói, mạng xã hội đã đóng vai trò cốt yếu trong việc chuyển hóa tư tưởng của người dân một vài năm vừa qua. Khi tư tưởng của người dân đã và đang chuyển biến với tốc độ hiện nay, thì quá trình sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam sẽ ngày càng được rút ngắn. Bước ngoặt của Việt Nam chắc chắn sẽ tới trong một tương lai gần./.
Hà Nội, ngày 29/12/2015
N.V.B

TUẤN KHANH * BÓNG ĐÊM

Bóng tối của đêm




Anh bạn có cái quán nước nho nhỏ ở tít vùng ngoại ô Sài Gòn, mới đây kể rằng có khách ghé vào, vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước “cho cái gì uống đi, cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát”.
Ở cái quán bé tẹo ấy, chưa có đến 5 cái bàn, khoảng hai tuần nay đã tiếp nhận loại thông điệp xã hội dân sự ấy không phải một lần rồi thôi. Đi xa hơn nữa, cũng có những người bán hàng đã bị lời nhắc của khách hàng làm thức tỉnh, về một dòng chảy đang lớn dần, trong việc không nên dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Thái độ từ chối của nguòi dân ngày càng rộng không phải vì tin tức các loại nước của công ty này bị cặn, bị lỗi, mà rõ là một cách bày tỏ rất quyết liệt: Không muốn chung sống cùng một xã hội với loại thương hiệu với cách ứng xử khuất tất.
Trong lịch sử Việt Nam từ hơn 40 năm nay, người Việt chỉ chứng kiến hai lần phong trào tẩy chay hàng hoá ở mức độ toàn quốc. Đó là cuộc tẩy chay hàng bột ngọt Vedan bởi nhà máy của công ty này làm ô nhiễm sông Thị Vãi, Đồng Nai, vào năm 2010. Lúc đó, sự nổi giận của đám đông vì số phận của một con sông. Còn lần thứ hai này, người ta chứng kiến phong trào kêu gọi tẩy chay toàn dân với một thương hiệu, bùng phát từ cách chà đạp số phận của một con người.
Xét về ý thức công dân và thái độ trách nhiệm xã hội, rõ ràng có một bước tiến lớn trong cái nhìn của đám đông. Sự kiện Vedan bắt nguồn từ các bài báo điều tra và mọi người dễ dàng cùng chung một trận tuyến đối diện với Vedan – mà sai lầm của công ty đã thấy rõ. Còn với sự kiện con ruồi của sản phẩm Tân Hiệp Phát, rõ ràng là người dân ngày càng tinh tế hơn, thấu đáo hơn, bất chấp sự kiện được công ty dàn ra bằng cái vỏ bọc án hình sự và một mặt trận bồi bút tìm mọi cách nói ngược nói xuôi theo chiều của đồng tiền xoay, khiến từng không ít người phân vân.
Chống lại những kẻ to lớn hơn mình và nhiều tiền của, luôn là đề tài muôn thuở của của thế gian – như một sự thách thức sự thật và lẽ phải – mà kết quả không phải lúc nào cũng có hậu. Ngay cả cách thể hiện quyền lực muốn nhấn chìm người mua hàng trong sự kiêu ngạo và tàn nhẫn của Tân Hiệp Phát, vẫn có những luật sư, bồi bút lên giọng bảo vệ kẻ ác trước những người từng phát hiện sản phẩm hư hỏng của công ty này. Có ít nhất 3 khách hàng của Tân Hiệp Phát đã lao đao, chết đứng chết ngồi trước anh Võ Văn Minh (một người ở Đồng Nai và 2 người ở Tp.HCM), với cùng một thủ thuật. Từ năm 2011, công lý đã chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi, cho đến khi tin tức về các nạn nhân lan trên các trang mạng xã hội.
Không may mắn như Vedan, sự kiện Tân Hiệp Phát bẫy người tiêu dùng phát hiện sản phẩm lỗi của mình, được ghi lại khá chi tiết trên Wikipedia, bách khoa toàn thư điện tử với đủ các chi tiết, bao gồm phương thức giải quyết khủng hoảng qua cách đổi tên công ty thành Number One. Lưu danh muôn đời.
“Giờ thì còn tệ hơn, công ty này nói phạt những nơi mua hàng của họ, phát hiện sản phẩm lỗi, lấy lý do là các nơi ấy bảo quản sản phẩm của họ không đúng”, anh bạn có cái quán nhỏ tẹo ấy nói, “thôi giã từ luôn cho khỏi phiền”. Chắc rồi Wikipedia sẽ có thêm tình tiết độc đáo này cho thương hiệu nước giải khát cung đình hoá học ấy, bởi việc tự rửa mặt, bằng cách gây hấn với khách hàng và người phân phối cho mình. Câu chuyện này minh chứng rõ một điều: rõ ràng khi có nhiều tiền, không có nghĩa là kèm thêm trí thông minh.
Nhưng câu hỏi cần đặt ra ở đây, là một công ty có lối giải quyết khủng hoảng vừa quái gở, vừa ngu ngốc như vậy, sao lại được ủng hộ tuyệt đối dù mắc sai lầm từ nhiều năm nay bởi báo chí, thậm chí bởi các quan chức hớn hở ra mặt, cùng nhịp bước đều?
Cây bút điều tra Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, mới đây có nhắc về một bài báo cũ, liên quan chuyện công ty Tân Hiệp Phát nhập hàng chục tấn “hoá chất cung đình” quá hạn từ năm 2009, nhưng rồi sau đó mọi thứ chìm dần một cách bí hiểm. Thậm chí một cán bộ C15, tức C46 (Cục CSĐT về quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Bộ Công An) đang theo sát vụ này đã “được” chuyển công tác về Cục phòng chống ma tuý.
Một cây viết điều tra khác, từng làm cho một tờ báo điện tử lớn, kể rằng anh cũng từng đưa bài nói về khuất tất của Tân Hiệp Phát vào năm 2009, có kèm cả tư liệu của công an C49 (Cục cảnh sát môi trường), thế nhưng những người lãnh đạo bỏ bài viết ấy, sau khi nhận lời mời một chuyến tham quan “hữu nghị” công ty Tân Hiệp Phát. Tất cả những gì cần cảnh báo cho người dân Việt, cuối cùng đã được thay bằng tuyên bố vui vẻ của một lãnh đạo tờ báo sau khi tham quan đi về “nhà máy to lắm, phải đi bằng ô tô mới hết”.
Thấy được sự âm u của đêm là một chuyện, nhưng thấy được cả bóng tối của đêm thì không dễ. Con ruồi và bẫy rập thì không khó nhìn thấy, nhưng trong bóng tối của đêm, làm sao để thấy ai đã giao tặng cho luật sư Tân Hiệp Phát biên bản điều tra của công an với anh Võ Văn Minh, mà điều ấy là bất hợp pháp? Làm sao nhìn xuyên được qua bóng tối của đêm để hiểu được vì sao có những bài báo lên giọng nói tẩy chay không uống nước cung đình hoá học ấy là ngu dại! Bóng tối nào của đêm đủ sức nuôi dưỡng loại luật sư văng tục, tuyên bố trên trang mạnh cá nhân của mình rằng hàng triệu người Việt Nam có thể sẽ ngồi tù vì dám hưởng ứng phong trào tẩy chay Tân Hiệp Phát?
Ngay nơi này, trên đất nước này, sự thật và lẽ phải mỗi ngày đang bị thách thức không ngừng. Không chỉ có đêm tối đang phủ vây công lý và con người Việt Nam, mà chập chúng bóng tối sau đêm cũng đang chực chờ dùng thế và lực của mình để sẳn sàng xoá nhoà mọi ý nghĩa của lương tâm và lẽ phải.
Trên tờ Huffington Post, số tháng 11/2015, có ghi lại một bài nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Khi nhìn thấy rất nhiều người khóc và cầu nguyện sau vụ khủng bố tại Ba Lê, Pháp, ông đã nói rằng “con người không thể chỉ cầu nguyện để thoát khỏi kẻ ác”. Người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng từng đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1989 nhấn mạnh rằng “khủng bố – cái ác do chính con người tạo ra, vậy thì hãy hành động chứ cầu nguyện thì không đủ. Tự con người phải tìm cách giải quyết nó chứ không thể đòi hỏi Thượng đế can thiệp”.
Tân Hiệp Phát lớn lên trên đất Việt, được nuôi lớn bằng sức mạnh tiêu thụ của người dân Việt. Nếu nơi đó không thể đồng hành cùng đồng bào mình phát triển bình ái, mà âm mưu dựa dẫm vào bóng tối của thế lực và tiền của để chà đạp con người, thì chúng ta – những cá nhân nhỏ bé – sẽ phải cùng đứng lại để đòi hỏi một kết cục khác. Chúng ta không thể mong chờ một ai khác.
Tân Hiệp Phát chỉ là một ví dụ khởi đầu trên con đường đất nước đi đến tương lai. Mai đây có thể sẽ còn có những tập đoàn khác, mang theo những chỉ dấu của chaebol kiểu Hàn Quốc hay mafia kinh tế kiểu Phương Tây, lớn lên trên quê hương này cùng những bóng tối trong đêm. Nhưng hôm nay chúng ta lại có thêm một kinh nghiệm: bất luận thế nào con người Việt Nam không thể bị chà đạp mãi, dù chỉ là một cá nhân rất nhỏ nhoi.
————————
(ảnh minh họa: Fury Wave của họa sĩ Kuang Biao (Trung Quốc)

NGUYỄN VĂN SÂM * U TÌNH LỤC

Tình Lục, thí nghiệm về đất trời phương Nam

 Nguyễn Văn Sâm

bia_u_tinh_luc



I.


Đọc vài ba câu ca dao của miền Nam ta sẽ thích thú ngay với những hình ảnh đuợc mô tả, cách nói, thái độ của nhân vật, ta cảm thấy gần gũi với họ biết bao nhiêu.
Chẳng hạn lời trách cứ của người trai:
Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào
Mận đâu bậu bọc mà đào nào bậu cầm tay.


Lời trách nhẹ nhàng, cái lỗi cũng không nặng lắm. Có thể là cái cớ để trách thôi, dấu che không nhắc tới lỗi tày trời mà bậu đã làm. Mà cần gì nhắc, người con gái sẽ hiểu thôi.
Chẳng hạn như lời trách của người đàn bà:
Ngày nào anh bủng anh beo,
Tay bưng chén thuốc lại đèo miếng chanh,
Bây giờ anh mạnh anh lành,
Anh đi theo con nhỏ đó anh đành phụ tôi,

Trách phiền không gì bằng nhắc công lao xưa, anh ngon lành bây giờ là do tình tôi lo lắng cho anh ngày trước. Anh phụ tình còn có nghĩa là anh phụ ơn. Lời trách cũng nhẹ nhàng thôi. Và tôi dám chắc người bội bạc sẽ thấm mà không đi theo con nhỏ đó nữa.


Trong thơ Sáu Trọng, con Hai Đẩu thấy thằng Trọng bảnh tỏn thì thích lắm bèn hỏi thẳng:
Đẩu rằng anh có vợ chưa,
Nếu chưa có vợ em thì chỉ cho.
Trọng rằng buôn bán không lo,
Nói chuyện đưa đò chè cháo lạnh tanh.
Đẩu rằng lòng khiến thương anh,
Cháu chè nguội lạnh cũng đành dạ tôi…



Hai đứa nói đưa đò qua lại vậy mà nên duyên vợ chồng. Tuy rằng về sau mối duyên tình nầy không bền do Trọng thường vắng nhà đi làm bồi trên tàu viễn liên, nhưng trong hiện tại không có lời đối đáp nào giản dị mà mang tính cách địa phương bằng. Em chỉ cho. Em đây chớ ai. Thằng Sáu Trọng biết bắt thóp con Hai Đẩu nên xì, mầy không lo buôn bán, nói chuyện bao đồng. Hai Đẩu biết Trọng đã hiểu ý mình nên bồi thêm: Ờ, thì tui thương người ta nên cháo chè nguội lạnh tui cũng không màng…
Những thí dụ tương tợ ta có thể trích cả ngàn, không phải một vài trang mà là cả chục cuốn sách. Hầu hết đều toát ra tính địa phương trong ngôn từ thường ngày của con người bình thường trong xã hội và thái độ sống thẳng thắng, nhẹ nhàng trong lời trách móc, không có những lời cay đắng khắc khe.
Tôi nhập đề dài dòng là có lý do, cái lý do đất trời phương Nam ẩn chứa trong các tác phẩm của vùng nầy mà không phải lúc nào ta cũng thấy được.
Năm 1960, khi học năm Dự Bị trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, tôi có thói quen vô Thư Viện Quốc Gia, ở đường Gia Long- đối diện với bộ Kinh Tế- để đọc sách. Thường thì đọc bất cứ quyển nào trong tầm tay. Mượn theo phiếu tự điền sách mình thích hay lấy may rủi những tạp chí dầy cộm đóng bìa cứng có từ thời Tây thực dân mới đến xứ Nam Kỳ, để trên những kệ dựa tường, cao ngất tới trần nhà. Trong sự đọc lang mang đó tôi gặp quyển U Tình Lục của Hồ Văn Trung, cái tên thiệt của nhà văn tiên phong Miền Nam có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng: Hồ Biểu Chánh.
Đọc đi đọc lại nhiều lần tôi thấy ngôn từ tác giả sử dụng và con người được mô tả sao mà giống với ca dao hay những tác phẩm bình dân đã đi vào lòng người Nam Kỳ Lục Tỉnh làm vậy? Mà sao U Tình Lục không có ai nói tới kìa? Nó chìm khuất trong đống truyện đồ sộ của tác giả ngay chính ông cũng chẳng có thời giờ ngó ngàng tới để in lại lần thứ nhì.
Và tôi có ý tưởng so sánh quyển tiểu thuyết bằng thơ nầy với các truyện thơ khuyết danh viết bằng chữ Nôm xuất hiện chỉ trước nó chừng 5, 7 chục năm như Nhị Độ Mai, Phan Trần, Lục Vân Tiên, hay thậm chí sau nó chừng 2, 3 chục năm như nhiều tác phẩm ít danh tiếng hơn mà ồ ạt xuất hiện hơn cả trăm là những truyện thơ bình dân của ba nhà xuất bản Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương và Thuận Hòa đều đóng đô lâu dài ở Chợ Lớn tròm trèm nửa thế kỷ.
Tôi muốn khảo sát tác phẩm ít người nói đến nầy để giới thiệu đến nhiều người hơn.
Vậy mà cuộc đời đưa đẩy, ước muốn nhỏ nhoi nầy cả năm chục năm sau cũng chưa có điều kiện thực hiện. May quá, gần đây hình như có phong trào giới thiệu lại các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Ở Việt Nam, hết nhà xuất bản Cà Mau, nếu tôi nhớ không lầm, in lại trên giấy đen, trình bày cẩu thả, đánh máy quọt quẹt, biên tập lung tung vô trách nhiệm, tới nhà xuất bản Trẻ in lại cẩn thận đẹp đẽ, với những mẫu bìa trình bày bắt mắt hầu hết tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, kể cả những quyển thiệt là khó kiếm dầu đối với người chơi sách… Trên mạng còn có nhiều trang web về Hồ Biểu Chánh và cả những công trình nghiên cứu tương đối công phu, kể cả một tự vị những chữ mà ông thường dùng, hơi là lạ đối với người thời nay, càng lạ lùng đối với độc giả vùng Bắc, Trung.
Nhưng vẫn chưa có nhiều bài viết về quyển tiểu thuyết bằng thơ U Tình Lục. Cũng chưa có ai để ý chú giải những từ ngữ Hán Việt và những danh từ rặt ròng Nam Kỳ mà Hồ Biểu Chánh sử dụng rất nhiều trong tác phẩm đầu tay của mình do ảnh hưởng nặng nề cựu học với những kiến thức kinh điển của một thứ văn chương phong phú điển tích và chữ nghĩa cô đọng, lời ít ý nhiều, chút nào đó hơi xa rời quần chúng bình dân ít học.


Thôi thì món nợ tự mình muốn chuốc thời trai trẻ, mang nặng bấy lâu nếu có thể trả được cũng nên trả. Năm ngoái, 2012, từ một thôi thúc vô hình bên trong lòng mình, tôi nghĩ đến việc ra công chú giải nó, bèn để sang bên những quyển sách khác đương viết dang dở, đương phiên âm ba mớ…. Nhưng bê nguyên con U Tình Lục in lại như nó xuất hiện 100 năm trước thì người đọc sẽ rất khó hiểu hay hiểu lầm vì nguyên bản có hai vấn đề chánh làm trở ngại sự thưởng ngoạn:
1) Có quá nhiều chữ được viết theo giọng đọc Nam Kỳ thời đó, hiểu theo ngày nay thì là sai chánh tả và sai cả âm Hán Việt chuẩn. Trong trường hợp dầu chữ được viết đúng nhưng lắm khi người đọc sẽ không hiểu tác giả thiệt sự muốn viết chữ gì, hay dùng theo nghĩa nào trong số rất nhiều nghĩa của một từ Hán Việt. Do vậy giửa độc giả và tác giả có sự phân cách vô tình không cần thiết vì hiểu sai hay không thấu ý tác giả.
2) Tác giả viết theo lối văn vần, loại bác học nên phải đi theo sự đòi hỏi của vần điệu, điển tích cũng như thành ngữ xưa mà ngày nay không phải ai cũng có điều kiện để biết, nhứt là sự giáo dục quốc văn sau đại nạn 1975 thiên về việc đề cao những tác phẩm tuyên truyền, thù hận chỉ có giá trị thực dụng nhứt thời cho giới cầm quyền hiện tại mà không chú ý đến văn phong, câu cú, nghĩa lý của tác phẩm vốn là những điều cần thiết của văn học có giá trị lâu dài cho cá nhân người học để làm hành trang vào đời hay cho việc phát huy nền văn hóa thiệt sự của dân tộc.
Tôi thấy mình nên chú giải khi nghĩ đến hai điều đó. Một sự giới thiệu về tác phẩm, giải thích tại sao tác giả bắt đầu đời viết văn của mình bằng truyện thơ rồi bỏ loại nầy đi vào văn xuôi, tạo nên một gia tài đồ sộ truyện dài… cũng cần nên có.
II.


U Tình Lục 幽情錄, kể lại mối tình buồn, mối tình không giải tỏa được. Thời đầu thế kỷ 20, tròn 100 năm trước, cái tựa nầy chẳng tạo nên vấn đề gì đối với người đọc thời nó xuất hiện, chẳng qua cũng giống như những cái tựa Đoạn Trường Tân Thanh, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nhị Độ Mai, Tự Tình Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Giai Nhân Kỳ Ngộ… mà thôi. Người đọc không ai thắc mắc. Nếu có thấy khó hiểu chút chút thì sẽ bỏ qua, sau nầy hoặc sẽ không hiểu luôn, hoặc bỗng nhiên đến ngày nào đó duyên may ngộ ra nhờ đọc sách tình cờ hay gặp được người giải thích. Ngày nay nói U Tình Lục thì người đọc phần nhiều ngác ngơ với một cảm thức xa lạ, dễ dàng không thèm chú ý đến tác phẩm. Đó là sự thiệt thòi vô lý của tác phẩm, bị độc giả ghẻ lạnh vì chính cái tên. Chúng tôi theo con đường đã vạch cho riêng mình từ lâu, đặt thêm tên mới kèm theo tên cũ của tác phẩm xưa, gắn thêm cho U Tình Lục danh xưng phụ Kể Chuyện Tình Buồn.
Cái tên Hồ Văn Trung cũng vậy, đó là tên thiệt của nhà văn, chỉ là bút danh ban đầu khi ông mới vào đường văn nghệ và ông đã đổi lại sau đó [1], không phải là bút danh mà tác giả dùng cho cuộc đời văn nghệ của mình. Tại sao ta không đổi cái bút danh chỉ dùng một hai lần nầy cho tác phẩm văn nghệ để nhập với bút danh đã dùng nhiều lần của tác giả là Hồ Biểu Chánh?
Do đó chúng tôi xin vô phép với tác giả để gọi lại U Tình Lục của Hồ Văn Trung là Kể Chuyện Tình Buồn của Hồ Biểu Chánh cho có nhiều người biết hơn, nhiều người để ý hơn và ai cũng có thể xếp quyển nầy vào trong nhóm tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Khi đã biết Kể Chuyện Tình Buồn của Hồ Biểu Chánh thì đương nhiên họ biết đó là U Tình Lục của Hồ Văn Trung.
Nếu hiểu một cách rộng rãi thì tất cả các truyện thơ Việt Nam đều là tình buồn, và tác giả
 viết lại câu chuyện thì cũng chỉ làm người kể chuyện tình buồn. Đoạn Trường Tân Thanh không những là chuyện tình buồn mà còn đứt ruột nữa, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Hoa Tiên, Song Tinh Bất Dạ, Lưu Nữ Tướng… là lớp cao đến Phạm Công Cúc Hoa, Chàng Nhái Kiểng Tiên, Tống Trân Cúc Hoa, Nàng Út, Tam Nương, Mụ Đội… lớp dưới cũng vậy. Không có đôi lứa thiếu niên gặp nhau rồi yêu nhau, hưởng cuộc tình đẹp đẽ, cưới nhau, sanh con đẻ cái, sống bên nhau tới răng long đầu bạc. Rồi chết. Người viết quan niệm rằng chuyện như vậy thì có gì phải kể. Và tác giả làm phù phép để họ gặp những chuyện buồn. Ngay cả truyện Nam Kinh Bắc Kinh của đôi lứa Hoàng Tử, Công Chúa đã hứa hôn nhau trên trời mà còn là chuyện tình buồn nữa là…. Các truyện của người học trò nghèo, cô gái nhà dân dã chắc chắn là chuyện tình buồn. Kết cuộc tốt đẹp chẳng qua là sự lồng thêm miễn cưỡng của tác giả, viết thêm để chìu lòng người đọc muốn thấy cái hậu, muốn tự an ủi mình rồi ra chính mình cũng như nhơn vật trong sách sẽ được thoát kiếp nghèo khổ…mà thôi. Và tác phẩm cũng chấm dứt ở đó. Độ dầy của phần mô tả tình buồn chiếm gần hết độ dài của quyển sách, chỉ chừa cho tình vui nhiều nhứt là một trang chót mà thôi, truyện nào cũng vậy.


Kể Chuyện Tình Buồn trước hết là ý hướng viết văn răn đời của tác giả.
Cũng như hầu hết các cây viết trước đó và sau Hồ Biểu Chánh mấy chục năm, có thể kể là năm 1954, khi kết thúc truyện thường đưa ra hai điều:
Ý hướng văn dĩ tải đạo của mình.
Lời chào khiêm cung trước khi từ giã người đọc sách.
Xưa Nguyễn Du nói mình góp nhặt những lời quê, chỉ mong giúp người đọc mua vui lúc đêm về khó ngủ khi diễn tả chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, trình bày cái thuyết hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố… thì gần trăm năm sau Hồ Biểu Chánh nói gần như tương tợ:


Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Đất trời dành để lương duyên lâu dài.
Ngàn thu sum hiệp trước mai,
Thơm tho rừng quế, dặc dài dây dưa.
Ơn trời nhuần gội móc mưa,
Phong lưu tót chúng, gia tư hơn người.
Quê mùa lượm lặt ít lời,
Canh khuya giải muộn giúp người đồng văn.




Ông nói gái trai đàng hoàng, chính chuyên thì kết hợp lâu dài và con cháu về sau sẽ nên cơ nghiệp… Ông diễn tả cái đạo lý mà bao nhiêu nhà tư tưởng, nhà văn thời đó chủ trương. Quá nhiều, không thể kể hết. Chúng tôi xin trích hai tác giả ít người biết để làm tư liệu mà thôi. Chẳng hạn như khi giới thiệu quyển Tam Yên Di Hận của nhà văn Nam Kỳ Nguyễn Văn Vinh (Bến Tre) [2], nhà giáo Nguyễn Bửu Tài có nói (1929), mà tôi thấy chẳng những đúng với ý hướng viết của tác giả U Tình Lục mà còn đúng với hầu hết tác giả thời đó: Thế thì viết tiểu thuyết chẳng nên vì tình dục, tư lợi, mà phải vì nhân nghĩa đạo đức, Truyện Tam Yên Di Hận chép ra, là nhân vì thuật giả thấy: tình đời hay xem hơi ấm lạnh, mặt người luống theo vọi thấp cao làm cho nhân loại dường như mất hết lương tâm, xã hội tương tợ không còn đạo đức. Truyện Tam Yên Di Hận là một truyện nên cho trẻ em xem, đặng dữ (giữ) răn trong gương trước, mà lánh dè cái thân sau.”

Một tác giả khuyết danh viết quyển Sự Tích Thánh Đô Minh Gô, sách bằng chữ Nôm, tôi nghĩ là viết chỉ vài ba chục năm trước quyển U Tình Lục của Hồ Biểu Chánh, cũng không khác gì:
Cậy người quyền phép lạ dường,
Trợ cho hồn xác mọi đường lành yên,
Mấy lời quê kệt ghi biên,
Hễ ai xem sách thời xin nhớ cầu
[3].


Chúng ta có thể dẫn thêm nhiều nữa, trong hầu hết các truyện Nôm hay quốc ngữ,
Nhưng thiết nghĩ không cần thiết.


III.



Chú giải cũng như phiên âm chữ Nôm ra quốc ngữ vốn là công việc chi ly, bạc bẽo, mất thời giờ nhưng hấp dẫn vì đó là cơ hội tốt để mình thưởng thức một tác phẩm, mình học được những điều chưa biết, chưa có dịp suy nghĩ về tiếng Việt. Thế nhưng chắc chắn là có những chi tiết mà mình chưa biết, và chưa truy cứu được. Học giả Maurice Durand, chuyên viên về chữ Việt, chữ Nôm mà trong các công trình dang dở của ông vẫn còn để lại lỏn chỏn những chữ không đọc được vì chưa quyết đoán do nhiều yếu tố.
Chẳng hạn như trong Bướm Hoa Tân Truyện câu:
Có duyên như quả đồi mồi,
Không duyên như cánh hoa rơi giữa đường.

Ông không đọc được chữ đồi mồi vì không hiểu nghĩa tiếng quả là cái khay, quả đồi mồi là khay chạn, cẩn sa cừ hay vỏ đồi mồi.
Một trường hợp khác, như câu:
Đã toan dụng chước Lưu hầu,
Song le thước vắn bể sâu không dò
.
(câu 275-276)
Ông không đọc được hai chữ thước vắn vì bản Nôm viết đơn chữ dược 藥 (Nôm đọc là thước) thành chữ quả 菓, chữ vắn phần chữ vấn lại viết quá sai.



Những chuyện như vậy trong phần chú thích của Kể Chuyện Tình Buồn chắc chắn sẽ có, và có thể có nhiều. Chuyện cũng thường thôi, như cơm thỉnh thoảng có hạt sạn, như một giọng ca réo rắc người thưởng thức bàng hoàng hụt hẫn khi phát hiện một tiếng bị phát âm không đúng âm giai…
Thôi thì hoàn mỹ tất nhiên là quý, bất toàn một chút cũng chẳng sao, người sau có lý do thúc đẩy để bắt tay làm lại công việc của người đi trước, có dịp để bắt giò người đi trước, bắt giò không vì ghét, vì phách lối, tự cao tự đại, mà để cùng nhau hiểu hơn những ngõ ngách của lâu đài văn hóa kỳ bí của dân tộc…

Chú giải và in lại quyển U Tình Lục chúng tôi theo những nguyên tắc minh định là chỉ sửa chánh tả, không sửa những âm khác biệt với âm chúng ta dùng ngày nay vì chúng là những cứ liệu rất quí để biết âm Nam của một thế kỷ trước. Rất cẩn thận khi quyết định sửa một chữ và khi có trường hợp ngờ thì ghi chú liền ở phần chú giải để người sau có dịp kiểm chứng và suy nghĩ lại sự đoán định của người đi trước, tuyệt đối không cho những gì mình nói là chơn lý và giấu đi hay phát lờ những điều mình nghi ngờ.

IV.

Cốt truyện của Kể Chuyện Tình Buồn có cái đặc sắc là Nam Kỳ Lục Tỉnh trong nhân vật, trong thời đại và trong tình tiết. Ở đây không có tuyết rơi, không có ngô đồng, không có mùa thu lá vàng rơi, ở đây trái lại có Sàigòn, có bến Ngưu giang, có vàm tuần, có trường học ở Mỹ tho, có thầy thông, thiếm thông, có xe cộ chạy như mắc cưởi, có thơ ký nhà băng… Điều quan trọng nhứt là văn chương thuần Việt, đọc lên là thấy những chữ thuần Việt mà người ta thuở đó xài trong cuộc sống bình nhựt. Một gia tài ngôn ngữ hi hữu, đáng giá không dễ kiếm đâu được trong số quá nhiều truyện thơ – và kể cả tuồng hát bội – chịu ảnh hưởng của Tàu, kể cả Đoạn Trường Tân Thanh.


Nhân vật cũng là con người Việt, bình dân, không phải anh hùng hão hớn, càng không phải là Hoàng Tử, Công Chúa sống trong cung điện với Quốc Vương, Hoàng Hậu, Thái Sư, Thừa Tướng, những tướng tá văn võ… với những trận đánh nhau long đầu lở trán, máu chảy thành sông liên quan đến chuyện giành giật một vương quyền, hay nói khác hơn là tranh nhau một quyền lợi được che đậy bằng những danh từ trung quân, gian nịnh, chính thống, phản nghịch…. Con người ở đây di chuyển, hoạt động trên quê hương mình, gần thì từ Mỹ Tho lên Sàigòn, xa thì từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, tuyệt nhiên không có cảnh Sở, Tần, Liêu bang, Hồ quốc, Phiên, Man… xa mút tí tè, người đọc chỉ cảm nhận mà không biết đích xác các xứ này ở đâu trên bản đồ châu Á… Họ sinh hoạt trong môi trường Việt đã đành, họ còn có đời sống Việt miền Nam: đi câu, đi may thuê vá mướn, đi học ở trường tỉnh Mỹ Tho, đi làm thư ký ở nhà băng, làm chủ vườn ruộng… Nếu họ giàu thì không phải của cải tính bằng vàng ngàn lượng bạc trăm xe mà là ruộng đo kể dặm, lúa đong kể vàn (câu 46).
Ta trăm năm sau vẫn thấy thân thiết với nhân vật nữ quơ quào quần áo, dắt con lên đường mất hai ba ngày mới tới Sàigòn mong lập nghiệp để tránh tiếng đời dị nghị vì sự lỡ lầm trai gái nhứt thời của mình. Ta thân thiết và thông cảm với cô vì cô ta giống như những thiếu nữ ngơ ngác ngày nay từ các tỉnh quận xa lò mò lên thành phố mong tìm một công chuyện gì đó làm để kiếm chút tiền gởi về nuôi mẹ, nuôi em, hay những cô gạt nước mắt bước vô đời làm dâu xứ người mà không biết gì về cái xứ mình sắp đến, kể cả tiếng nói ở đó, cái gia đình mà mình sẽ là một thành phần, và cả ông chồng nhiều phần là già cỗi, bịnh tật, bẳn tánh, không biết trở chứng giết vợ lúc nào. Cái may của cô gái trong Kể Chuyện Tình Buồn là hầu như luôn luôn gặp quí nhơn, trước là ngư ông già đã cứu tử lại còn cưu mang, sau là thím thông và chồng là Võ Bửu Thông tốt bụng, sau cùng là mụ Liễu bên sông sẵn lòng chứa chấp. Cái may do thời thế lúc đó có nhiều người chịu thực hành nhơn nghĩa, cái may của một đất nước có nhiều người không bị bịnh vô cảm, bịnh vấy máu ăn phần.

Ta thông cảm cả với nhân vật phản diện. Cô ta không nhúng tay vô máu, chỉ mạo tuồng chữ, chỉ đặt điều vu oan, rủi là người bị hại đau buồn quá bỏ đi khỏi xứ, về sau nghe tin rằng đã chết, thế mà khi bị vạch tội cô ta biết tủi thẹn, biết ăn năn, biết tìm cái chết để đền bù tội lỗi, để được làm người biết hối cải, biết xấu hổ… Cái xấu của cô ta nhờ đó đã trở thành cái đẹp, dầu là muộn màng…

Trước Hồ Biểu Chánh trong sinh hoạt văn chương Việt từng có sự kiện tác phẩm có nhiều câu giống Kiều. Đó là trường hợp Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu Hào [4], đó là Hoa Tiên của Nguyễn Thiện [5]. Nhiều người đã lọc ra những câu hơi giống nhau và thường bao giờ cái tín chỉ cũng nằm trong tay Nguyễn Du. Kể Chuyện Tình Buồn cũng vậy, GS. Nguyễn Khuê và gần đây nhà văn Ngự Thuyết cũng đi đến nhận định rằng Hồ Biểu Chánh trong tác phẩm nầy mô phỏng nhiều câu của Nguyễn Du. Tôi không bào chữa, tôi cho đó là chuyện bình thường, chẳng có gì quá đáng. Ngay việc dùng cốt truyện Trung Quốc của những tác phẩm nổi tiếng trong văn học VN cũng là một sự mô phỏng đúng ra đừng nên có. Xa hơn nữa, cách dùng điển cố, cách sử dụng những cụm từ được coi là khuôn vàng thước ngọc của văn chương cổ điển Việt cũng là một sự bắt chước chẳng có gì đáng vinh danh.
Vì vậy U Tình Lục có những câu giống với Đoạn Trường Tân Thanh thì ta coi đó như không có, ta để ý đến những ưu điểm khác của nó.


V.


Chữ dùng trong Kể Chuyện Tình Buồn có hai điểu đáng chú ý:
1a. Là quyển sách chứa đựng nhiều âm của vùng đất cực Nam,
1b. Phong phú những từ của riêng Nam Kỳ Lục Tỉnh mà vùng Bắc Trung có thể không có hay đã có nhưng bị mất, một hai trăm năm gần đây không sử dụng nữa.
1c. Chứa nhiều từ xưa khó thấy trong những tác phẩm sau nầy.
Âm của vùng đất cực Nam theo tôi định nghĩa là những âm khác với âm chuẩn đã có ở vùng khác, hay âm đã được sử dụng trong cả nước. Nó là Luông trong từ Tiết Ứng Luông, nó là Vãng trong từ Vãng Long, nó là Huê (huê) trong Huê Dung Đạo, nó là Giái trong Trư Bát Giái…Ở U Tình Lục ta có thể thấy: bôn chon, hoát lê, chê đè, tơi bời, xuông pha, lần lừa, trướng huê, bịt bùng, chúc mầng, phưởng phất, nhơn duơn, phải duơn, căn duơn, nặng trìu, thày lay ướm lòng, thân qua (bậu), chữ hiềm, oan ương, bưng khuâng, thấp thoảng, nhập tràng, vó cu, lòng dòng, xét lợi, tiền đàng, canh tràng, bất nhứt, héo liễu xủ đào, ghe khi, xơ rơ, thết vàng, đoạn tràng, lu lờ, chỉ săn, song đàng, công toại danh thiềng, rộn ràng, giấn nào, nào nhắp, nhuốm nhen, quí hoát, ơ hờ, thiên các nhất phang, tận kế vô phang, thinh danh, lăng xăng, tiu hiu, bức tình, nằn nì, khúc kìm, pha phuôi, quăng, lãnh (nhận), hoa bạ, bất bường, bần thần, lá lay, lãnh trầu cau, rẽ ròi, ly tiết, bẩy gan, kéo nhầu, rứt thịt, lên đàng, ngạt ngào (nghẹn thở), thăn thỉ, lá lay, hẩm hút, rứt thịt chia xuơng, phong võ, lên đàng, ngạt ngào, ửng lòa, lờ đờ, một thoàn không, ngoắc vô, héo don, xủ màn, phuôi pha, hôm mơi, thác phứt, gật mình, con đòi, trở bườm, hột châu, nhen nhúm lửa hồng, lụm cụm, bội (chống lại), tròi trọi, lạc lài, xin vưng, nắng dọi, lần lừa, tưng tiu, nhúm bịnh, dần xây, nhúm bịnh, kiếm nơi quen thuộc, lạc lài, thím thông, chút nguyền, nhà băng, trộng, gian tuân, xây lưng, chẳng phen đài các, ngạt ngào, hôm mơi, vưng chịu, đờn bà, châu mày, vẹn tuyền, thửa trong, đôi phang, tiệc huê, nhúm sương, tả một tờ huê, hún hín, bực nào, nghẹn ngùng…


2. Cách nói Nam Kỳ. Cách nói Nam Kỳ là những cách thế diễn tả mà chỉ có tác giả dung hay những tác giả Nam dùng, ta không thấy người miền Bắc Trung sử dụng cách nói nầy, cách diễn tả nầy. Chúng là những gì đặc biệt của vùng đất, chúng được sản xuất ở điạ phương và gắn bó với địa phương, quanh quẩn ở đó, không đi ra vùng khác. Chúng có thể bị chê là quê kệch, miệt vườn, nhà quê, xến.. nhưng chúng hiện diện như một sự đứng thẳng xác định thế đứng của ngôn ngữ của vùng.
Tranh thế cạnh thì, hiếm kẻ, hiếm nơi, thói cải lương, lòng son nẻ, dạ mực băng, nể mặt, ruộng đo kể dặm, lúa đong kể vàn, non nhớt, bảnh bai, trong ngoài khít khao, lân la qua lại, bậu bạn, dạ nọ lăm le, ăn Trời sao qua, không mòi gió trăng, lời nói thẳng băng, cạn lời chẳng lẻ, dùn thẳng, im lìm, phanh phui duyên mình, ướm coi, ít câu gạt nàng, sợ tiếng bán rao, hai ngã dang ra, chớ lo quanh, cổ bàn đơm dọn, ép dầu ép mỡ, còn đương xẩn bẩn, quanh co hải hồ, mang mểnh tình, du học xa miền, nực nồng tiếng khen, inh ỏi chài, nét ngang chưa biết chữ a chưa từng, quân hay chữ, nói phách, dốt nát, gả con luận của, hơi gió chen lòn, biển lưng không rúng, cậu cô lễ nghĩa, rạng ngời ư ngoại, tối hù ư


trung, làm phường gái lanh, kỳ trong nửa tháng, càng phăng càng dài, lụy ứa thâm bâu, xăm xăm dò lần, lưng chưng cánh hồng, tiu hiu một mình, dắng dỏi, ngon giấc hòa hai, nhuốm nhen, nợ nần éo le, tay nào mà nỡ cắt tay, chỉ hồng lần phăng, dễ hầu móc bươi, đèn hạnh lem dem, quăng gánh tình chung, đã nư, quỉ báo, bại sản tán gia, tình tang mặc dầu, mặt đá mày chàm, bận nỗi đền bồi chưa cam, nỉ nài nợ duyên, ngằn lại điếng điêng đòi ngằn, lưng túi sầu, lấp thảm quạt sầu, vầy lửa hơ, phận vơi đầy, quăng lưới vớt, chen dừng vách phên, khéo nắn, thiệt phận đơn cô, quần áo tóm thâu, dắt con quảy gói, gà rừng gáy rân, góa bụa linh đinh, hỏi (quê) quán nơi nào, rậm người rậm đám, lương tiền cũng trộng, mặc sức, đất nầy, đứng nép, om sòm, quá lanh, bận áo, giá lề bao nhiêu, chẳng đã, thẹn thùa, bước trái vào rèm, cái thầy khi nãy nói chơi, một hai, lưng chưng giữa vời, phải bề, châu mày cắn răng, việc lăng quằng, nhăng đạo nhà, cậy cô, nghẹn ngùng, lậm, mắng rân, quân bình bồng, tránh tiếng tránh lời, lôi thôi, một ừ, dụ dự phân hai, giả quán ra đi, buông lung bổn tánh, đành thửa phận qua, tiu hiu, trìu trìu, bẩy gan, trái tai, vi chi, đón đưa bận bịu, xúp lê giục giã, bận lòng, ngứa nghề, rộn rực, khấp khởi, pháy bạc, rầu con, hôn sự bất hài, dập sầu, cười mơn, giựt mình, đem thấu đến nơi, sấn vào, ruột xàu như dưa, khóc òa, vắng oe trong túi, nào dè, bận bịu….
Nếu muốn thấy chữ dùng đặc biệt Nam, cách nói Nam, không gì bằng tìm trong tác phẩm của các ông Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huình Tịnh Của, trong các quyển thơ bình dân đã nói ở trên và nhứt là trong các quyển truyện Tàu dịch đầu thế kỷ bởi các ông Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn An Khương, Tô Chẩn, Thanh Phong hay các bài viết thời báo Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn…
Nhưng ngoài ba nhà văn quốc ngữ tiên phong cuối thế kỷ 19 – không còn hoạt động ở thế kỷ 20-, các nhà văn còn lại hay các tờ báo kể trên đều đi sau Hồ Biểu Chánh trong vấn đề nầy: sử dụng nhuần nhuyễn từ Nam.


Vấn đề đạt ra là có những từ nhìn vô có vẽ rất Nam như thon von, thày lay nhưng cũng có khi dùng ở miền ngoài chẳng hạn như chữ thày laython von. Truyện Hoa Tiên chỉ dùng 1 lần chữ thày lay:
Nguyệt rằng mơ mẩn xinh thay.
Cười chăng cười nỗi thày lay dại càn.

hay chữ thon von thấy dùng trong thơ tuồng Chàng Lía..
Tôi tạm đi đến kết luận về vấn đề nầy: Một số chữ mà chúng ta gọi là chữ Nam Kỳ thiệt ra là chữ ở miền Bắc truyền vào trong Nam thời di dân Nam tiến, dần dần các chữ nầy thông dụng trong Nam trong khi ở miền ngoài lại mất đi khiến cho ta tưởng chúng thuộc về miền Nam, đặc sản của miền Nam.

Số chữ nầy không nhiều, đa phần chữ Nam là do ảnh hưởng của sự trại âm, kỵ húy, sự ảnh hưởng của của các thứ tiếng của những dân tộc sống chung như Tàu, như Miên như Chàm, như những người vùng đa đảo phía Nam…
Kể Chuyện Tình Buồn có khá nhiều tiếng Nam, tôi kêu là tiếng Nam khi chúng không được người miền Trung, Bắc xài. Chẳng hạn như các từ đã được lọc ra trong hai nhóm trên.
Kết luận về ngôn ngữ của U Tình Lục, tôi xin mượn một đoạn ở bài viết của Nguyễn Văn Nở và Huỳnh Thị Lan Phương:

Nhiều từ địa phương nếu không dựa vào văn cảnh hoặc nếu không có vốn từ địa phương Nam bộ thì sẽ rất khó hiểu. Chúng ta thử so sánh một số từ địa phương trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh với những từ ngữ có nghĩa tương đương của tiếng Việt toàn dân sẽ thấy rõ điều đó.– đụng: nam nữ lấy nhau, – để vợ, để chồng: li dị, – dòm, coi: xem,- bắt xén: nhen nhúm, bắt đầu, – ể mình: bệnh,- ám sát: bám theo, – trọng: khá lớn,- day mặt: quay mặt,- ráng: cố gắng,- : ngờ, – bận đi, bận về: chuyến đi, chuyến về, – riết: nhanh, – xăng xớm: (đi) mau, – xấp xải: bay qua bay lại, – trằn: giữ lại, níu lại…
Lớp từ này thường được sử dụng trong ngôn ngữ đối thoại nhằm miêu tả tâm lí và khắc họa tính cách nhân vật. (hết trích)
Tuy đây là nhận xét trong tiểu thuyết nhưng dùng trong tập thơ U Tình Lục cũng không sai.

VI.

Bằng vài lời kết tôi cho rằng tập truyện thơ Kể Chuyện Tình Buồn đáng trân trọng ngoài sự vừa phải trong cách mô tả tình cảm, tình cảm dầu bi thương cách mấy của nhân vật cũng được diễn tả sương suơng, nhẹ nhàng không bi thiết như Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây nghe như lời trối chết của một người sắp tự tử. Về hình thức còn mang được cái không khí nhẹ nhàng lãng đãng trong từng câu thơ do phần tiếng Nôm với đa số tuyệt đối, đã đánh bại phần chữ gốc Hán thiểu số. Đọc Kể Chuyện Tình Buồn ta hình dung ra lời than của chàng trai ở vào cảnh nửa khóc nửa cười, nhưng vẫn đứng thẳng, kể chuyện tỉnh táo như cách thế của người rặt ròng Nam Kỳ Lục Tỉnh trong ca dao, vợ bỏ nhà theo trai, thương lắm, nhưng anh ta nói tỉnh queo:
Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn,
Tôi ra Vàm Tấn (vàm Đại Ngãi) chở nước về xài.
Về nhà sau trước không ai,
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.


Thế nhưng tại sao Hồ Biểu Chánh không đi theo con đường truyện thơ mà đổi sang viết tiểu thuyết bằng văn xuôi? Câu trả lời thật giản dị. Ông thấy rằng văn xuôi quốc ngữ những thập niên đầu thế kỷ 20 còn phôi thai, nên ra sức phát triển nó. Văn xuôi có cái tự do của ngôn ngữ, có tính bình dân trong sự mô tả, khiến nhà văn vẫy vùng được ngòi bút của mình. Với văn xuôi Hồ Biểu Chánh có 64 quyển tiểu thuyết, chắc chắn rằng với văn vần con số nầy không thể nào đạt được dầu ông có tài múa bút thành thơ chớp nhoáng đến thế nào đi chăng nữa. Điều quan trọng là những tính cách tạo nên đất (ngôn ngữ, chữ dùng) người (tình cảm, cách đối xử) Nam Kỳ Lục Tỉnh mà ông đề ra trong U Tình Lục đều được giữ lại và phát huy trong những quyển tiểu thuyết của ông sau nầy.

Lời cuối của phần dẫn nhập nầy là lời xin lỗi đến hương hồn tác giả khi tôi thêm cái tên mới vào cái tên cũ cạnh tác phẩm của ông, đó không là sự sửa đổi, đó chỉ là một cách thế để U Tình Lụcđược nhiều người chú ý hơn thôi. Về sự sửa lỗi chánh tả, xin được lập lại, chữ viết mang ý nghĩa qua hình thức của nó, dấu hỏi ngã, chữ viết tận cùng có g hay không, cuối chữ bằng c hay t, phụ âm đầu d hay gi, x hay s…. thời xa xưa có thể hiểu khi cầu cứu đến âm đọc nhưng ngày nay người ta hiểu theo cách viết vì âm đọc được chuẩn hóa theo từng chữ viết. Sửa lại theo chánh tả thông dụng vì sợ người đọc với não trạng đã quen với chánh tả ngày nay hiểu lầm cách viết xưa…. Chẳng có ý gì khác. Người đọc chỉ cần lướt qua Kể Chuyện Tình Buồn mà thấy trân quí U Tình Lục thì chúng tôi đã đạt được kỳ vọng trong việc làm của mình.
Mong lắm thay!
Nguyễn Văn Sâm (Alexandria, LA, Nov.1, 2013)


(trích: Kể Chuyện Tình Buồn hay là U Tình Lục giới thiệu truyện thơ 1913 của Hồ Biểu Chánh)
[1] Thật ra ông dùng hai lần, lần sau là “Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh” khi in quyển truyện thơ phỏng theo vở kịch nổi tiếng Le Cid của Corneille. Từ đó về sau khi sáng tác ông dùng bút danh Hồ Biểu Chánh và viết nghiên cứu, biên khảo, ông dùng tên thiệt: Hồ Văn Trung,
[2] Nhiều tác giả viết sách đã lộn ông Nguyễn Văn Vinh Bến Tre của những tác phẩm luận về cuộc sống xứng đáng với ông Nguyễn Văn Vĩnh ngoài Bắc của ông Dương Tạp Chí khiến cho có sách nói một bút hiệu của Nguyễn Văn Vĩnh là Tân Nam Tử trong khi đó, bút hiệu nầy là của ông Nguyễn Văn Vinh.
[3] Sách đạo, viết bằng thơ Nôm gồm 290 câu lục bát, nghĩ là thuộc thế kỷ 19. Tài liệu riêng, nguyên bản viết tay, sưu tập của Nguyễn Văn Sâm.
[4] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên, q2, trang 226 và Nguyễn Văn Sâm, Văn Học Nam Hà, trang 166-7 có lược ra.

TẠ QUANG KHÔI * BẺ DÂU

 


TẠ QUANG KHÔI

BỂ DÂU

                                   Chương 1  

    Vân Dao bước ra khỏi phòng Diệu Hồng mà lòng nhẹ nhõm. Diệu Hồng là hiệu phó kiêm bí thư chi bộ đảng ở ngôi trường này. Bà có nhiểu quyền hành nhất, hơn cả hiệu trưởng. Bà hứa sẽ giải quyết êm thắm chuyện lủng củng giữa nàng vơi viên hiệu trưởng. Thật ra, nàng cũng chẳng có chuyện gì lủng củng với Ân, hiệu trưởng. Hắn gây lủng củng cho nàng thì đúng hơn.
            Từ ngày nghe tin Phước, chồng Vân Dao, chết trong trại tù cải tạo ở miền thượng du Bắc Việt, Ân tán tỉnh nàng một cách sỗ sàng hơn. Có lần, trong phòng giáo viên vắng vẻ, hắn đã ôm ghì lấy nàng để định hôn lên môi nàng. Không dám chống cự mạnh mẽ, nàng chỉ cố né tránh đôi môi dày như đỉa trâu của hắn và cố nhịn thở vì mùi hôi từ miệng hắn thở ra. Nàng biết những người của “cách mạng” hay thù vặt, tìm cách hại người mà chúng gọi là “ngụy” bằng cách vu cáo là “phản cách mạng”. Người bị tội “phản cách mạng” chắc chắn sẽ phải đi tù cải tạo không biết ngày về. Vì thế, phản ứng của nàng đối với viên hiệu trưởng dâm đãng rất nhẹ nhàng và khéo léo. Ân, cũng như nhiều cán bộ cộng sản mới vào miên Nam, đều cho rằng vợ con của “ngụy quân, ngụy quyền” là thứ đồ chơi mà những người “cách mạng” có thể lợi dụng.
            Ngay từ khi mới đến tiếp quản ngôi trường Vân Dao đang dạy, Ân đã chú ý đến nàng. Lúc đó chồng nàng chưa bị “cách mạng’” lừa gạt lùa vào các trại tù mà họ gọi là đi “học tập cải tạo” để trở thành công dân tốt và thời gian “học tập” chỉ tối đa có một tháng. Từ hồi đó, dân miền Nam đã có kinh nghiệm về thủ đoạn tráo trở của “cách mạng”. Rồi nhiều năm qua, người ta chẳng thấy một “công dân tốt” nào được trở về với gia đình. Khi nhận được tin chồng chết trong trại tù cải tạo, Vân Dao vội gửi hai con cho cha mẹ để ra Bắc thăm mộ chồng. Một người bạn tù của Phước cho nàng biết Phước cùng hai người bạn định trốn khỏi trại và cả ba đã bị bắn chết. Nhưng trước khi chia tay, người bạn nói nhỏ với nàng là thực sự có một người trốn thóat vì khi chôn người ta chỉ thấy có hai xác thôi. Vì đã bó chiếu kín nên người chôn không biết ai đã chết và ai trốn thóat. Riêng với Phước, người bạn cho biết trước khi đi trốn, chàng yêu cầu bạn bè nhắn với vợ nên tìm cách đưa con trốn khỏi nước, vì con “ngụy” không thể ngóc đâu lên được ở cái chế độ này.
            Khi trở về Saigon, Vân Dao suy nghĩ rất nhiều về lời dặn dò của chồng. Tất nhiên nàng cũng muốn con nàng có tương lai, mở mày mở mặt với đời. nhưng muốn trốn khỏi nươc chỉ có một con đường là vượt biên, một việc rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ, sức chịu đựng còn yếu ớt. Người ta chỉ vượt biên khi đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn lối thoát nào khác nữa. Vượt biên là tiếng mới du nhập miền Nam sau khi cộng sản chiếm Saigon. Vượt biên có nghĩa là vượt qua biên giới nước mình để sang nước láng giềng tìm tự do. Ðối với miền Nam, vượt biên chỉ có nghĩa là lao đầu ra biển trên một con thuyền nhỏ bé với hàng trăm người cùng chí hướng đi tìm tự do. Các nước láng giềng đều theo cộng sản, làm gì có tự do. Vân Dao suy đi tính lại thì thấy hoàn cảnh mình cũng chưa đến nỗi tuyệt vọng. Dù sao nàng vẫn còn được đi dạy, tuy lương bổng không đủ sống. Nhưng vấn đề tiền bạc đối với nàng không quan trọng. Trước khi miền Nam xụp đổ, vợ chồng nàng đều kiếm ra tiền nên để dành được một số vốn kha khá, mấy chục lượng vàng.
Phước là người Long Xuyên, sau khi đậu tú tài, lên Saigon học Văn khoa với giấc mộng trở thành một giáo sư dạy Anh văn. Nhưng khi chàng tốt nghiệp đại học với bàng cử nhân giáo khoa Anh văn thì tình hình đất nước thay đổi. Cộng sản phát động phong trào du kích khắp nước. Thế là chàng phải xếp bút nghiên vào Thủ Ðúc. Hai năm sau, chàng lên trung úy và bị thương ở ngoài mặt trận. Khi vết thương lành, chàng được chuyển về nha Chiến Tranh Tâm Lý bộ Quốc phòng. Vì có vốn sinh ngữ, chàng được một tờ nhật báo lớn ở Saigon thuê dịch tin tức và bài vở từ các báo ngoại ngữ. Hai vợ chồng cùng kiếm ra tiền mà Vân Dao lại là người căn cơ, tiết kiệm, nên cuộc sống dư dả, phong lưu. Khi cộng sản chiếm miền Nam, nàng còn dè sẻn hơn nữa nên không bị thiếu thốn, chật vật. Nàng chỉ có một khó khăn là viên hiệu trưởng theo tán tỉnh quá gắt gao kể từ khi chồng nàng qua đời.
            Nay đã được Diệu Hồng hứa giải quyết dứt khoát và ổn thỏa, Vân Dao mừng lắm. Có hai điều khiến nàng tin Diệu Hồng giải quyết rất nhanh chuyện lủng củng này. Ðiều thứ nhất, theo dư luận trong trường, Diệu Hồng là người tình của Ân ngay từ khi hai người còn ở trong bưng biền. Chắc chắn mụ sẽ ghen khi thấy Ân theo đuổi người đàn bà khác. Ðiều thứ hai, bà là người có nhiều quyền hành nhất trong trường, dù chỉ giữ chức hiệu phó. Bí thư chi bộ đảng cộng sản mới chính là người điều khiển mọi việc trong trường. Hiệu trưởng cũng phải nghe lệnh của bí thư chi bộ,
            Từ nay nàng không còn sợ Ân làm phiền nữa. Nàng thấy lòng mình nhẹ nhàng, phơi phới. Khi không còn gì phiền muộn nàng sẽ để hết tâm trí vào việc giảng dạy. Nàng sẽ làm giáo án kỹ hơn và đầy đủ hơn. Thật ra, ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học sư phạm về môn Sử Ðịa, nàng đã nổi tiếng về cách dạy sử. Nàng giảng bài như nói chuyện cổ tích khiến học sinh chăm chú theo dõi. Nàng học đại học sư phạm cũng chỉ là một sự tình cờ, không dự tính trước. Nàng và Phước yêu nhau khi Phước làm “gia sư” kèm học hai em trai nàng. Phước định sẽ cưới nàng khi chàng học xong Văn khoa, lúc đó nàng cũng mới đậu tú tài. Nhưng đám cưới bị trì hoãn khi Phước phải nhập ngũ. Mãi đến khi chàng được đổi về nha Chiến Tranh Tâm Lý bộ Quốc phòng hai người mới chính thức thành vợ chồng. Trong thời gian chờ đợi, Vân Dao học đại học sư phạm. Ra trường, nàng đậu hạng cao nên được bổ về một trường ở ngay Saigon. Khi cộng sản chiếm Saigon, vợ chồng nàng đã có hai con, một trai 7 tuổi và một gái lên 5.
            Lời hứa của Diệu Hồng đã khiến nàng phần nào tin tưởng hơn ở tương lai. Thôi thì cứ an phận thế này để nuôi cho hai con khôn lớn, nàng thầm tự nhủ như vậy.
            Buổi chiều, khi Vân Dao vừa đến trường, một nhân viên văn phòng cho biết Ân cần gặp nàng gấp. Nàng bình tĩnh đến gõ cửa phòng hiệu trưởng. Ân mở cửa cho nàng vào với vẻ mặt lạnh như tiền. Hắn không kéo nàng ngồi trên một chiếc ghế đệm dài như mọi lần mà chỉ cho nàng chiếc ghế ngay trước bàn giấy của hắn. Nàng nhìn thẳng mặt hắn chờ đợì. Hắn chậm rãi châm một điếu thuốc lá, từ từ nhả khói, rồi hất hàm hỏi :        “Ai xui cô mách với bà Diệu Hồng tôi tán tỉnh cô ?”
            Nàng đáp ngay :
            “Chẳng ai xúi tôi hết, nhưng ông hiệu trưởng đã đi quá trớn mà tôi không có cách nào ngăn cản cả.”
            Ân cười nhạt :
            “Thế thì cô đã đi sai một bước rồi đó. Rồi cô sẽ hối hận.”
            Nàng cứng rắn :
            “Tôi sẽ không hối hận, xin ông hiệu trưởng an tâm.”
            Ân nở một nụ cười bí hiểm :
            “Tôi cũng mong như vậy. Nhưng tôi hiểu đồng chí Diệu Hồng hơn cô nhiều. Chúng tôi quen nhau đã lâu và đã từng cộng tác với nhau trong nhiều việc.”
            Nàng bình tĩnh nói :
            “Cảm ơn ông hiệu trưởng đã cho biết về bà Diệu Hồng.”
            Nói xong, nàng đứng dậy xin lên lớp vì vừa nghe tiếng chuông vào học. Ân ngồi yên, chỉ nhìn theo nàng đi ra cửa.

            Buổi học hôm đó, nàng không nghĩ gì tới lời đe dọa của Ân. Nàng cho rằng Ân đe dọa như vậy vì đã bị Diệu Hồng trách móc. Thật ra, nàng chẳng có lỗi gì hết. Nàng chỉ là một nạn nhân, không lẽ Diệu Hồng lại có biện pháp trừng phạt nàng. Vì nghĩ như vậy, nàng yên tâm dạy học và lòng thấy thảnh thơi vì không bị Ân quấy phá nữa.
            Rồi một tuần qua đi một cách êm đẹp khiến Vân Dao thầm vui mừng. Nhưng đến đầu tuần thứ hai, nàng vừa đi qua văn phòng hành chính thì nghe có tiếng gọi tên mình. Nàng ngừng bước chờ đợi. Một bà thư ký già bước đến gần, đưa cho nàng một văn thư và nói :
            “Ðây là giấy thuyên chuyển của cô.”
            Vân Dao ngạc nhiên, vừa cầm văn thư vừa hỏi :
            “Tôi bị thuyên chuyển đi trường khác ?”
            Bà thư ký đáp :
            “Tôi không rõ. Bà Diệu Hồng bảo tôi đưa cho cô văn thư này của sở Giáo dục.trước khi bả lên sở họp.”
            Nàng vội mở văn thư ra đọc để xem mình được đổi về trường nào. Nhưng sau khi đọc đi đọc lại hai lần, nàng hoảng sợ, tái mặt. Nàng không đổi về trường nào hết mà bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục, gửi về cho địa phương quản lý. Nàng đứng chết lặng không nói nên lời. Bà thư ký già có giọng thương hại nói nhỏ :
            “Bà Diệu Hồng cũng cho biết cô không phải lên lớp nữa. Tất cả giờ của cô đã có người thay thế.”
            Vân Dao không ngờ Diệu Hồng lại thâm hiểm như vậy. Mụ hứa sẽ “giải quyết êm đẹp” thì ra “êm đẹp” là chấm dứt nghề dạy học của nàng. Chợt nhớ lại lời cảnh cáo và nụ cười bí hiểm của Ân, nàng định tìm gặp hắn, nhưng thầm tự hỏi :” Ðể làm gì ?” Hắn cũng chẳng thể giúp gì được nàng. Tất cả quyền hành ở trường này nằm trong tay Diệu Hồng hết. Nàng cẩn thận gấp tờ văn thư đuổi nàng ra khỏi ngành giáo dục để cất vào bóp. Sau mấy phút bàng hoàng, nàng đã lấy lại bình tĩnh. Nhìn vẻ mặt ái ngại của bà thư ký già, nàng cố nở một nụ cười tươi, nói :
            “Không sao đâu, bác. Không được gõ đầu trẻ thì mình kiếm ăn bằng nghề khác.”
            Bà thư ký già vẫn có vẻ mặt buồn buồn :
            “Thời buổi này cũng khó khăn lắm đó, cô Dao.”
            Nàng nắm lấy tay bà, trấn tĩnh :
            “Dạ…Thì cũng phải ráng.”
            Sau đó, nàng đến từng bàn để từ biệt các nhân viên văn phòng. Có thể đây là lần cuối cùng nàng gặp họ. Nàng không biết nàng sẽ có dịp nào trở lại trường không.. Chợt nhớ tới mấy bạn nữ đồng nghiệp thân, nàng muốn vào phòng giáo viên để gặp họ. Khi đi qua phòng hiệu trưởng, nàng nghe tiếng nói từ bên trong vọng ra :
            “Chúc cô nhiều may mắn trong tương lai.”
            Nàng liền dừng bước, ngó vào trong, nói bằng một giọng vui đùa :
            “Cảm ơn đồng chí hiệu trưởng…Cũng xin chúc đồng chí thăng quan tiến chức mau lẹ.”
            Không thấy Ân trả lời, nàng liền bỏ đi. Người bạn nàng tìm gặp là cô giáo còn trẻ như nàng. Vừa trông thấy nàng, cô bạn hỏi ngay :
            “Dao đổi đi trường nào vậy ?”
            Nàng kéo bạn ra khỏi phòng, nói nhỏ :
            “Mình bị đuổi rồi, Loan ạ. Chúng nó gửi mình về cho địa phương quản lý.”
            Người bạn giật mình, tỏ vẻ không tin, trố mắt nhìn nàng :
            “Giỡn hoài !”
            Nàng móc bóp, đưa văn thư cho bạn xem. Ðọc xong, Loan ngạc nhiên hỏi :
            “Vì lý do gì ? Vô lý quá !”
            Vân Dao nói nhỏ :
            “Từ ngày mình thua trận, có nhiều cái vô lý mà có ai giải thích được đâu. Ðành cúi đầu chấp nhận cho xong chuyện…Người ta không cần mình nữa thì mình kiếm việc khác mà làm vậy.”
            Loan tỏ vẻ lo lắng :
            “Không dễ như ngày xưa đâu, nghe Dao.”
            Vừa lúc đó chuông vào học reo vang. Hai người vội chia tay, không quên hẹn gặp nhau dịp khác.


            Lúc quay trở ra, Vân Dao thấy Ân đứng ở cửa phòng hiệu trưởng. Hắn nhìn nàng với vẻ mặt đắc thắng. Nàng đi thẳng, không chào hắn một tiếng.
            Nàng không về nhà mà chạy đến nhà cha mẹ để báo tin đã mất việc. Nàng kể lại đầu đưôi câu chuyện Ân theo đuổi tán tỉnh, rồi nàng cầu cứu mụ hiệu phó bí thư chi bộ đảng cộng sản. Mụ hứa sẽ giải quyết êm đẹp. Ông bà Hai khi biết con gái bị mất việc thì lo lắm. Ngồi trầm ngâm một lúc, ông khẽ thở dài, nói :
            “Người ta đã có câu đừng nghe những gì chúng nó nói, hãy nhìn những gì chúng nó làm. Nhưng đa số người miền Nam không tin. Bây giờ mới mở mắt ra thì đã muộn. Thôi thì đành kiếm việc khác mà làm vậy.”
Bà Hai nói :
“Trong xóm tao mấy người định góp vốn lập tổ mì sợi, mày có muốn tham gia không để tao nói với họ.”
Vân Dao rụt rè:
“Con cũng chưa biết tính sao, để con nghĩ xem. Má hỏi giùm con phải góp bao nhiêu và người ở quận khác có được không ?”
“Ừa, để tao hỏi kỹ rồi cho mày biết.  Hình như góp vốn rồi làm việc luôn trong tổ đấy. Như vậy là mày cũng có công ăn việc làm.”

Khi từ biệt cha mẹ, Vân Dao đến trường tiểu học gần nhà đón hai con về. Nhưng ba mẹ con nàng chưa kịp vào nhà, viên công an khu vực đã từ đầu hẻm bước tới. Hắn nghiêm trang cho nàng biết nàng phải lên ngay phường để “làm việc”. Nàng ngạc nhiên hỏi :
“Có chuyện chi mà gấp quá vậy ?”
“Thì cứ lên khắc biết.” Hắn đáp lửng lơ.
Ngần ngừ một chút, nàng nói :
“Tôi phải đưa hai đứa nhỏ đi cùng vì nhà không có ai cả.”
Viên công an hối thúc :
“Muốn làm sao thì làm, nhưng phải tới phường ngay.”
“Nếu vậy, anh cứ về trước đi. Tôi cất xe vào nhà rôi đi ngay.”
Lưỡng lự một chút, viên công an mới bỏ đi.


                                             Chương 2

Bà Hai thấy con gái đưa hai cháu ngoại tới với vẻ măt hớt hải thì ngạc nhiên hỏi :
            “Có chuyện chi mà trông mày hoảng hốt như vậy ?”
      Vân Dao đáp ngay :
      “Chúng nó đuổi con đi kinh tế mới, má à.”
            Bà Hai giật mình :
            “Ði kinh tế mới ? Mày thì làm được cái gì với hai đứa con nhỏ !”
            Vân Dao kể lại cho cha mẹ nghe chuyện lên phường. Thì ra sở Giáo Dục gửi một văn thư báo cho phường nàng cư ngụ biết nàng không còn là giáo viên nữa, chuyển cho địa phương quản lý. Như vậy, nàng là người thất nghiệp, lại là vợ “ngụy” quân, đương nhiên nằm trong diện phải đi kinh tế mới. Phường cho nàng một tuần để sửa soạn. Sau đó, phường sẽ quản lý căn nhà của nàng.
            Vừa nghe xong, bà Hai đã nói lớn :
            “Như vậy là chúng nó cướp không căn nhà của mày chớ còn gì nữa.”
            Ông Hai cười nhạt :
“Cả miền Nam chúng nó còn cướp được, nói chi căn nhà của con Dao. Bây giờ mày tính sao ?”
Nàng chưa kịp đáp, bà Hai đã lại nói :
“Còn tính sao nữa ! Nhứt định là phải trốn rồi.”
            Vân Dao thở dài :
            “Con cũng đã nghĩ đến chuyện đó, nhưng khó lắm, má à. Người ta áp dụng chế độ hộ khẩu để kiểm sóat mọi người, mình trốn đâu cho thóat. Không những thế, họ còn dùng cả con nít để rình rập người lớn nữa…Có lẽ…có lẽ chỉ còn một con đường là vượt biên thôi. Nhưng hai cháu còn nhỏ quá…”
            Ông Hai chép miệng :
      “Ðã đến bước đường cùng thì cũng phải liều thôi. Vượt biên thì nguy hiểm thiệt đó, nhưng vẫn có nhiều người tới được bến bờ tự do. Lúc này là lúc thi phước thi phần. Ai thì cũng biết hoàn cảnh mày không thể làm gi ở vùng kinh tế mới được, mà chúng nó cứ đuổi mày đi là muốn đầy đọa mày, muốn giết mẹ con mày.”
            Vân Dao nghẹn ngào :
      “Mà con đâu có làm gì nên tội. Con đâu có phản động, con đâu có chống đối cách mạng. Chồng con là ngụy quân, nếu coi là có tội với cách mạng, thì đã đền tội rồi. Còn hai đứa nhỏ thì tội tình gì ?”
Ông Hai mỉa mai :
      “Tội của mày lớn lắm, vì không để cho người của cách mạng lợi dụng. Mày chịu tên hiệu trưởng thì mày mới được sống an lành…»
Bà Hai cắt ngang :
      «Thôi, không có nói quanh co nữa. Mày có chịu vượt biên thì để tao đi kiếm người tổ chức. Cách đây mấy bữa, thằng Tân, con chú Ba, cho biết đang kiếm khách, nhờ tao mách mối. Tao làm lơ vì cũng không thích chuyện đi biển. Nào là giông bão, nào là hải tặc Thái Lan…Nhưng bây giờ nếu mày chịu, tao sẽ đi kiếm nó.»
Vân Dao ngập ngừng :
      «Con còn phân vân quá. Ði kinh tế mới cũng chết mà vượt biên cũng…nhiều nguy hiểm. May thì tới nơi tới chốn, không may thì cũng chết…Thôi được, má cứ hỏi giùm con, rồi tính sau. Có điều Tân là bà con ruột thịt, chắc nó không gạt mình đâu.”
«Ừa,» Bà Hai gật đầu. «Ðiều đó thì bảo đảm. Bây giờ người ta bị gạt nhiều lắm. Ðặt tiền cọc xong, rồi đợi mãi chẳng thấy nó kêu đi. Hỏi ra mới biết chúng nó đi mất tiêu rồi. Lại có những đứa chẳng cần đi đâu ráo. Chúng nó lấy tiền của khách rồi vẫn ung dung sống ở Saigon mà chả ai dám thưa gởi gì hết. Tội vượt biên cũng tù rục xương.»
Sau khi rời khỏi nhà cha mẹ, Vân Dao đưa hai con trở lại Ủy Ban Hành Chánh phường để xin gia hạn ngày lên đường đi kinh tế mới, vì nàng chỉ có một mình với hai đứa con nhỏ. Phường không chấp thuận, viện lẽ mọi việc đã sắp xếp xong xuôi. Ðến ngày phải ra đi, nếu nàng chưa sẵn sàng cũng phải ra khỏi nhà để phường quản lý căn nhà của nàng. Thì ra chúng nó muốn cướp không căn nhà của nàng để dành cho một cán bộ cao cấp nào đó trong ủy ban phường. Nàng vừa giận vừa đau đớn vì bị ức hiếp, dồn đến bước đường cùng. Không còn cách nào khác nữa, nàng đành chọn giải pháp vượt biên. Nàng nhờ mẹ giữ chỗ cho ba mẹ con nàng trên ghe của Tân. Ðồng thời nàng cũng tìm đến mấy người bạn thân để dò hỏi. Có người thì không quan tâm đến việc bỏ nước ra đi nên không biết gì về chuyện vượt biên. Có người lại sốt sắng giới thiệu một vài tổ chức sửa soạn ra khơi.
Nhưng việc đầu tiên của nàng là phải gấp rút chuyển đồ đạc và những giấy tờ cần thiết sang gửi nhà cha mẹ. Nàng cũng đã theo mẹ đến nhà Tân nói chuyện trực tiếp. Tân cho biết chuyến đi của anh sẽ được công an biên phòng bảo vệ vì anh đã chi một món tiền lớn cho họ. Như vậy, không lo vấn đề an ninh. Ngoài ra, Tân còn cho biết một vài chi tiết về kỹ thuật, như máy hiệu gì, bao nhiêu mã lực, ghe dài và rộng bao nhiêu thước tây…Nàng không hiểu gì hết nên nghe tai này lọt sang tai kia ngay. Cuối cùng, Tân cho biết chỉ lấy tiền vốn chó một chỗ của nàng là hai «cây vàng», còn hai cháu nhỏ đi không mất tiền. Nhưng Vân Dao vẫn trả bốn lượng cho cả ba mẹ con. Thế là mọi chuyện xong xuôi, chỉ còn chờ ngày «đánh». Nàng ngơ ngác hỏi :
            «Ðánh cái gì ? Ðấnh ai ?»     
            Tân phì cười :
            «Thì ra chị chưa biết tiếng lóng nhà nghề. ‘Ðánh’ là mình lên đường. Tấp trung mọi người, rồi lên ghe lớn để ra khơi. Chị cũng nên biết một vài tiếng lóng trong chuyện này. Thí dụ, chị phải đi ghe nhỏ đề tới ghe lớn, thì ghe nhỏ đó gọi là ghe taxi, ghe lớn có khi cũng kêu là cá lớn…»
            Vân Dao cười :
            «Thì ra nghề nào cũng có tiếng riêng của nghề đó. Vậy, bao giờ thì…đánh ?»
            Tân nhẩm tính, rồi đáp :
            «Trong vòng một tháng nữa…”
            Vân Dao giật mình :
            “Một tháng ? Tôi tưởng chỉ vài ba bữa hay cùng lắm là một tuần. Thế này thì… hơi kẹt “
            Tân chưa kịp hỏi gì, bà Hai đã nói xen vào :
            “Mẹ con nó bị phường đuổi đi kinh tế mới, phải sửa soạn ra đi trong vòng một tuần. Vì vậy, nó muốn ra đi càng sớm càng tốt”

Tân vui vẻ nói ngay :
            “Vậy thì có gì khó đâu. Em mời chị và hai cháu đến ở tạm nhà em trong thời gian chờ đợi. Chị cứ tự nhiên như ở nhà chị…Ðể em biểu vợ em thu xêp nơi ăn chốn ở cho chị và hai cháu.”
Vân Dao vội từ chối :
“Cảm ơn chú, tôi có thể đến ở tạm nhà ba má tôi cũng được. Tôi trốn không đi kinh tế mới theo lệnh của phường, tôi sẽ là người bất hợp pháp. Ai chứa chấp có thể sẽ bị liên lụy. Nếu tôi ở với ba má tôi, họ sẽ thông cảm, không làm khó dễ các cụ.”
Tân xua tay :
“Vậy là chị không hiểu chúng nó rồi. Chúng nó chỉ muốn đuổi chị để lấy nhà chị, còn chị muốn đi đâu chúng nó cũng mặc.»
Nàng chép miệng :
«Chúng nó muốn nhà thì cho chúng nó nhà để được yên thân. Ðó cũng là một cách ‘bỏ của chạy lấy người’, phải không chú ?»
Về nhà, Vân Dao bắt đầu sửa sọan ngay để có thể trốn đi trước cái hẹn của phường là môt tuần. Thật ra, đồ đạc trong nhà cũng không có gì quý giá, trừ hai chiếc xe gắn máy Nhật mà trước kia hai vợ chồng nàng dùng để đi làm. Từ khi Phước bị tù, một xe không dùng tới. Sau khi Phước qua đời, nàng có ý định bán bớt đi một xe, nhưng cứ lần lữa mãi vì mỗi lần nhìn xe, nàng lại bùi ngùi nhớ tới những kỷ niệm xa xưa của hai vợ chồng, hồi miền Nam còn thanh bình. Bây giờ muốn bán đi cả hai thì không còn thì giờ nữa, đành cứ gửi ở nhà cha mẹ.
Thu xếp chưa hết một tuần đã xong, nàng bỏ trống nhà, đưa hai con đến ở với cha mẹ. Trước khi ra đi, nàng nhìn lần chót căn nhà mà hai vợ chồng nàng sống hạnh phúc được mấy năm trời. Nó là tiền dành dụm của hai vợ chồng. Tuy nhỏ nhưng thật ấm cúng. Bây giờ Phước không còn nữa, căn nhà cũng bị «cách mạng» cướp mất. Chưa bao giờ nàng thấy câu «quốc phá gia vong» thấm thía bằng lúc này. Rồi tương lai ba mẹ con nàng sẽ ra sao ? Vượt biên có thoát không ? Hay lại làm mồi cho cá ở giữa biển khơi ? Nếu chẳng may có gặp tai nạn, nàng cũng không ân hận gì, chỉ thương hai con còn nhỏ quá. Nhưng dù thế nào, nàng cũng không hối hận đã chống lại cuộc tấn công tình cảm của viên hiệu trưởng. Nàng vẫn cho rằng hắn coi thường nàng. Dù sao nàng cũng phải giữ phẩm giá của mình, phẩm giá của một nhà giáo, một nhà mô phạm. Không những thế, nàng vẫn thầm coi các cán bộ cộng sản là kẻ thù,vì chúng mà chồng nàng chết trong trại tù. Làm sao nàng có thể có cảm tình với chúng được, chưa nói đến chuyện ăn nằm.
Ba mẹ con Vân Dao dọn về nhà ông bà Hai chưa đầy một tuần thì Tân đã cho biết ngày lên đường. Sở dĩ anh muốn ra đi sớm hơn vì thời tiết. Những người Saigon quan tâm đến chuyện ra khơi tìm tự do đều biết câu «tháng ba bà già đi biển», nghĩa là vào tháng này trời êm, biển lặng, thuận tiện cho những chiếc ghe nhỏ bé. Bây giờ đã là giữa tháng 3, không đi ngay e sẽ quá trễ. Vân Dao chỉ biết tin ở Tân nên không tìm hiểu gì nhiều trong việc ra khơi này. Nhưng nàng cũng mong đi sớm cho xong việc, sống chết đành phó thác cho Trời Phật, cho may rủi. Dù ở với cha mẹ đẻ, nàng vẫn thấy tù túng, mất tự do. Nay nghe tin sẽ ra đi sớm, nàng vừa hồi hộp vừa mừng.
Trước ngày lên đường một hôm, theo đề nghị của Tân, Vân Dao đưa hai con đến ngủ ở nhà anh. Vợ chồng Tân đối đãi với nàng rất thân tình. Vợ Tân, trong gia đình quen gọi tên con gái là Bích, làm một bữa cơm thịnh soạn để đãi bà chị họ của chồng và hai cháu. Trong khi ăn uống, Tân hỏi đến chuyện liên lạc với người ở ngoại quốc. Nàng cho biết nàng có hai em trai du học Úc và Canada theo chương trình Colombo, hiện nay còn ở lại hai nước đó. Vì thế nàng sẽ xin đi Úc hay Canada.
Tân liền nói :
«Em nghĩ chị nên xin đi Mỹ thì hơn. Những người đi trước đều khuyên như vậy.»
Nàng cười :
«Tôi lại cho rằng mình trốn ra khỏi nước để đi tìm tự do thì nước nào có tự do đều tốt hết. Có điều tôi chưa biết nên chọn Úc hay Canada. Tôi nghe nói Canada lạnh lắm nên cũng sợ.»
«Vậy chị đã ghi sẵn địa chỉ của hai anh chưa ?»
«Không những tôi ghi đầy đủ lên giấy mà còn học thuộc lòng nữa, phòng khi thất lạc giấy tờ.»
Ðêm đó, Vân Dao không ngủ được, nằm nghĩ ngợi vẩn vơ đủ mọi thứ chuyện. Nàng vẫn không an tâm khi phải đưa hai con nhỏ ra biển khơi. Nhưng nàng đã bị dồn tới bước đường cùng, không còn lối thoát nào khác nữa. Nàng chợt nhớ tới hai câu Kiều phù hợp với hoàn cảnh của nàng lúc này :
                               «Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
                                «Mà xem con Tạo xoay vần đến  đâu.»
Kiều thì phó thác thân phận mình cho Trời, khi theo Sở Khanh trốn đi, còn nàng thì phải chạy trốn tên Sở Khanh cộng sản. Cả hai đều đáng thương như nhau.
Mới ba giờ sáng, Tân đã tới gõ cửa phòng Vân Dao cho biết sắp phải lên đường. Nàng bỗng thấy lòng nôn nao kỳ lạ. Nàng không hiểu mình muốn ra đi hay ở lại. Nhưng đã đến nước này, nàng cứ phải nhắm mắt đưa chân, mặc cho số phận đưa đẩy. Tân thu xếp cho ba mẹ con Vân Dao đến cùng một điểm hẹn với vợ con anh, tổng cộng là năm người vì anh chỉ mới có một con trai nhỏ, bằng tuổi đứa con gái của Vân Dao.  Anh phải đi với ban tổ chức để lo mọi chuyện. Chưa đến 4 giờ sáng, năm người đã có mặt tại điểm hẹn, ngay bến xe lam chợ cầu Ông Lãnh. Họ không phải chờ đợi lâu, chưa đầy 15 phút đã có một người đàn bà đến tiếp xúc. Họ trao đổi mật hiệu với Bích, rồi dẫn mọi người đến một một chiếc xe lam đang nổ máy ở góc đường Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Ðạo. Trên xe đã có sẵn bốn hành khách khác. Khi sáu người lên sau ngồi yên vị, xe chuyển bánh ngay.
Vân Dao ngồi giữa hai con, quàng tay ôm ghì chúng vào sát mình, hồi hộp nhìn ra ngòai để theo dõi đường đi. Xe chạy thẳng ra xa lộ Biên Hòa. Khi trời chạng vạng sáng, xe vào Thủ Ðức, đi qua chợ, rẽ vào một con đường nhỏ, tới một bờ sông. Người dẫn đường xuống xe trước, đưa tất cả đám hành khách tơi hai chiếc thuyền nhỏ có mui. Nhóm Vân Dao và mẹ con Bích lên một ghe, vào ngồi trong mui. Còn bốn hành khách kia lên một ghe khác. Sau khi thì thầm nói chuyện với hài người chèo thuyền, hướng dẫn viên chúc mọi người may mắn, trở lại xe lam. Khi đã lên ghe, Vân Dao lo lắng hỏi nhỏ Bích :
«Mình đi đâu, hả mợ ?»
Bích đáp :
«Ghe này kêu bằng ghe taxi, sẽ chở mình ra cá lớn. Chị cứ yên tâm, mọi sự đã sắp xếp chu đáo.»
Vân Dao tưởng mình sẽ tới ghe lớn rồi ra khơi ngay. Nhưng cả tiếng đồng hồ sau nàng vẫn thấy ghe loanh quanh trong các lạch nhỏ, khẽ lo lắng hỏi Bích :
«Sao không tới ghe lớn ngay, còn đi đâu thế này ?»
«Chị khỏi lo. Chưa đến giờ hẹn mà.»
Như để trấn an nàng, Bích mở túi xách lấy bánh kẹo mời nàng và chia cho mấy đứa nhỏ. Ðến gần trưa, Bích lấy cơm nắm và thịt kho ra cho mọi người cùng ăn. Bích bảo bà lái thuyền tạm neo lại bên bờ lạch để cùng ăn cho vui. Vân Dao lấy cơm và thịt cho hai con, còn mình thì chỉ nhấm nháp qua loa vì lòng vẫn bồn chồn không yên. Khi mọi người đã no nê, bà lái thuyền nói :

«Bây giờ ra sông lớn là vừa rồi. Cũng đã sắp đến giờ.»             

Vân Dao thắc mắc :
«Sao không để giờ này hãy đi, mà đi sớm quá vậy ?»
Bích liền cho biết là vì vấn đề an ninh.
«Sao cậu ấy nói mình có công an che chở ”
“Họ chỉ chịu trách nhiêm về an nình khi mình đã lên ghe lơn thôi“
Chỉ mười phút sau, Vân Dao trông thấy một con thuyền khá lớn đậu giữa sông, đó là sông Nhà Bè. Nhiều ghe taxi đã bám chung quanh thuyền lớn. Bà lái đò cố sức chèo thật nhanh để áp vào mạn thuyền lớn. Trước khi mọi người sửa soạn lên ghe lớn, bà nói :
“Từ bây giơ các bà không cần tiền nữa, có thể cho tôi xin không ?”
Vân Dao vui vẻ móc hết tiền trong túi đưa cho bà, trong khi Bích còn ngần ngừ. Nhưng khi mọi người sửa soạn leo lên ghe lớn, Bích cũng lấy tiền ra cho. Theo đề nghị của Bích, Vân Dao lên ghe lớn trước tiên. Bích ở dưới đỡ từng đứa nhỏ lên cao cho nàng kéo lên thuyền. Nhưng khi ba đứa nhỏ đã đứng cạnh nàng trên ghe lớn, Bích đã bám vào mạn thuyền để sửa sọan leo lên thì thuyền bỗng di chuyển. Bích hốt hoảng buông tay ra, sợ bị kéo ra khỏi ghe taxi, lơ lửng giữa dòng nước. Thuyền lớn mỗi lúc lướt một nhanh hơn, bỏ lại đám ghe nhỏ ngơ ngác nhìn theo. Ðứng cạnh ba đứa bé, Vân Dao hoảng sợ, luống cuống không biết nên làm gì. Nàng ngoảnh nhìn lại thì thấy Bích mỗi lúc một xa. Một người trong ban tổ chức ra lệnh cho những ai còn đứng lóng ngóng trên mui phải vào hết trong khoang thuyền. Vân Dao rụt rè xin được gặp Tân gấp. Người ấy nhìn nàng với đôi mắt dò xét, rồi hỏi :
“Chị có phải là chị Tân không ?”
Nàng đáp ngay :
“Không, tôi là chị bà con. Vợ cậu ấy bị kẹt lại rồi, chưa kịp lên.”
Người đàn ông thốt kêu “Vậy hả !” rồi chạy ngay vào buồng lái. Không đầy nửa phút sau Tân chạy ra với vẻ mặt hốt hoảng. Vân Dao kể lại chuyện Bích tự nguyện lên sau cùng nên đã bị bỏ rơi khi thuyền bỗng nhổ neo. Tân lặng người nhìn về phía sau. Bây giờ thuyền đã đến một khúc quanh nên không còn thấy gì nữa. Anh nhìn thằng con đang mếu máo đứng cạnh Vân Dao, cúi xuống ôm nó vào lòng, rồi rụt rè nói :
“Em xin chị trông cháu giùm em…Em bận quá…”
Vân Dao sốt sắng nhận lời ngay, rồi hỏi :
“Tại sao ghe lại bỏ đi bất tử như vậy ?”
“Bọn canh me lên đông quá, nếu không đi ngay có thể ghe bị chìm luôn. Ðành bỏ lại nhiều khách lắm. Thiệt rầu quá !”
Vân Dao ngơ ngác hỏi :
“Canh me là cái gì ?»
Tân đáp nhanh :
«Là bọn nhảy dù, không trả tiền mà cứ leo lên thuyền.»
Dù chưa hiểu rõ, nàng cũng không dám hỏi thêm nữa vì biết Tân đang buồn và 
bận. Tân đưa nàng và bọn con nít đến một cái buồng nhỏ ngay sau buồng lái và dặn
nàng cứ ở đó nghỉ ngơi, không phải vào khoang chung với các hành khách khác..Trước khi vào, nàng còn ngoái cổ lâi để tìm hình bóng Bích. Nhưng chỉ thấy dòng sông đục ngầu.  Nàng bỗng thấy lòng bâng khuâng. Nàng thương Bích bị bỏ rơi hay ái ngại cho Tân quá bận rộn với công việc mà không lo được cho vợ ? Nhưng nàng lại thấy mình may mắn, vì nếu chính nàng bị kẹt lại, ai sẽ lo cho hai con nàng ? Dù sao thằng con của Bích cũng còn có cha.

                                             Chương 3

Nhờ sóng yên bể lặng, trời nắng ráo, thuyền đi được ba ngày thì tới một dàn khoan dầu. Thuyền liền táp vào sát dàn khoan. Những người trên dàn khoan chào mừng nồng nhiệt các thuyền nhân, nhưng họ ngăn cản ngay mấy thanh niên định leo từ thuyền lên. Họ vui vẻ tiếp tế nước ngọt và lương thực, phần lớn là gà đông lạnh và gạo. Họ cũng chỉ đường cho người lái thuyền đến một bờ biển gần nhất thuộc lãnh thổ Mã Lai. Các thuyền nhân rất phấn khởi vì được uống nuớc thả dàn sau mấy ngày bị hạn chế. Khi thuyền ra khơi trở lại, mọi người được ăn cháo gà do nhà bếp nấu vội vàng. Vân Dao cho rằng bữa cháo gà này ngon tuyệt vời, có thể coi là ngon nhất từ xưa đến nay. Nàng và mấy đứa nhỏ tuy được ở riêng một buồng, nhưng cũng bị hạn chế nước và đồ ăn như mọi người khác.
            Sự vui mừng, phấn khởi của các thuyền nhân kéo dài đến nửa đêm mới bị dập tắt khi có một thuyền lớn bỗng xuất hiện, hùng hùng hổ hổ tiến thẳng tới gần con thuyền nhỏ bé đang tròng trành vì sóng lớn. Có tiếng kêu nghe thoảng trong gió biển «Hải tặc !». Tức thì có nhiều tiếng ồn ào từ trong khoang vọng ra. Thuyền nhỏ hoảng hốt mở máy chạy trốn. Nhưng chỉ một thoáng sau, thấy mình không bỏ xa hơn được tầu lớn, thuyền đành giảm tốc độ, cam phận chờ đợi. Tiếng ồn ào trong khoang thuyền chỉ dịu xuống khi có người từ tấu nhảy sang thuyên. Một ngọn đèn chiếu sang thuyền sáng chói như ban ngày.
            Vân Dao run rẩy ôm ghì lấy mấy đứa nhỏ. Nàng đã nhiều lần nghe nói đến hải tặc, nhưng không chú ý mấy vì không có ý định vượt biên. Bây giờ chính nàng gặp cướp biển. Chúng bắn mấy phát súng thị uy rồi vào khoang bắt từng người ra ngoài để khám xét. Chúng lột trần truồng tất cả mọi người, lục tung tất cả các hành lý để tìm vàng và tiền Mỹ. Một số đàn bà con gái bị đẩy vào một góc riêng.  Vân Dao cũng không thoát khỏi cảnh trần truồng trước mặt đám đông. Khi chúng đã lấy được hết mọi thứ quý giá, định bỏ về tầu, bắt theo mấy người đàn bà trẻ, chợt có một tên nhìn Vân Dao chòng chọc. Nàng hoảng sợ, bất giác khép nép, co rúm người lại. Hắn nói với đồng bọn những gì mà không ai hiểu. Bọn cướp cười ồ lên.  Thế là hắn nhẩy bổ đến cạnh nàng, vật nàng xuống. Nàng dẫy dụa chống cự nhưng không lại vì có một tên khác chạy tới giúp bạn. Tất cả hành khách trên thuyền đứng bất động, không một ai dám có ý định cứu nàng. Vừa đau vừa sợ, nàng ngất xỉu đi khi tên cướp lao mạnh lên người nàng… 
            Không biết bao nhiêu lâu sau Vân Dao mới tỉnh lại. Nàng mở mắt, thấy trời tối đen. Nàng đau đớn khắp mình, nhất là hạ thể. Bên cạnh nàng, có hai đứa nhỏ ngồi khóc thút thít. Một tấm vải mỏng phủ lên người nàng. Hình như thuyền đã lại chạy vì nàng nghe có tiếng máy nổ đều đều. Thấy con khóc, nàng định gượng ngồi dậy, nhưng mỗi cử động là một đau đớn, cổ nàng khô rát. Nàng đành nằm xuống, cố gắng thều thào nói với hai con :
            «Má còn sống…»
            Nhưng tiếng nàng không thoát ra khỏi cổ họng, nên hai đứa nhỏ không nghe thấy được, vẫn thút thít khóc.
            Những tiếng động bên ngoài này đã vọng tới buồng lái, một người chạy ra, hỏi :

            «Chị đã tỉnh lại rồi hả ?»

            Nàng nhận ra tiếng Tân, nhưng không sao trả lời được. Tân bước đến sát chỗ nàng nằm, nói mấy lời an ủi :
            «Em không ngờ chị lại gặp tai nạn đau đớn như vậy. Nhưng còn may là không bị chúng bắt đi...như mấy cô còn trẻ…Máy móc của ghe không bị phá hư nên còn chạy được…Mình sắp tới hải phận của Nam Dương quần đảo…Nếu không còn có gì trục trặc, đến sáng thì mình tới…Lúc đó, em sẽ đưa chị đi nhà thương…»
            Vân Dao muốn nói cảm ơn, nhưng không thốt ra lời. Cuối cùng nàng cố gắng phát ra được một tiếng rất nhỏ :

            «Nước !» 

            Tân vội chay đi, chỉ một thoáng đã trở lại với một bình toong cũ của quân đội. Anh nâng đầu nàng dậy để nàng có thể uống từ từ. Nàng phải uống nhiều lần mới đỡ khát. Khi Tân đặt nàng nằm lại, nàng bỗng thốt ra được hai tiếng «Cảm ơn !» Chính nàng cũng ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng mình. Tân vui vẻ :

            «Vậy là chị đỡ rồi ! Ðể em đỡ chị vô trong.»

            Nhưng khi nàng vừa cố ngồi dậy thì tấm vải che người nàng tuột xuống, để lộ thân hình trần truồng của nàng. Tân vội kéo tấm vải lên che kín thân của bà chị họ, rồi nói :

            «Ðể em lấy đồ cho chị mặc tạm.»

          Vân Dao lại phải nằm xuống chờ đợi. Khoảng mười phút sau, Tân trở ra, đưa cho nàng một bộ quần áo, rồi ngập ngừng nói :

            «Chị rán mặc lấy một mình…Em không thể giúp chị được.»
           Nàng phều phào đáp :
           «Cảm ơn cậu…Tôi mặc lấy một mình được…»
           Trước khi bỏ đi, Tân còn nói :

           «Giá có nhà em…»

           Vân Dao khó khăn lắm mới mặc xong cả quần lẫn áo. Nàng vẫn đau từ bụng trở xuống. Nàng run rẩy dựa vào hai con để bước vào căn phòng nhỏ sau phòng lái. Nàng vẫn thấy máu nhơm nhớp ở hai đùi. Khi vào được bên trong, nàng nằm vật xuống sàn thở hổn hển. Hai con nàng tưởng có chuyện chẳng lành xảy ra thì hoảng sợ kêu : «Má ! Má ơi !» Nàng thều thào nói :

           «Không, má không làm sao hết đâu. Các con khỏi lo.»

           Tân ở bên phòng lái nghe thấy tiếng la, vội vàng chạy sang. Thấy không có chuyện gì, anh vui vẻ loan báo :

            «Sắp tới đảo rồi. Thế là thoát  ! »

Khi trời sáng rõ, thuyền cặp bờ một hòn đảo. Tân nói thật lớn cho mọi người cùng nghe :

           «Mình tới Nam Dương quần đảo. Vậy là tới được bền bờ tự do !»

           Tức thì có nhiều tiếng hò reo đáp lại. Ngay khi đó, có một vài thanh niên định nhảy lên bờ, Tân vội cản lại :
           «Không được ! Ðừng có vội vã. Mình đến xứ lạ, phải chờ gặp nhà chức trách, không được tự tiện lên đất người ta. Nếu không, sẽ bị tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp. Có thể bị tù và bị đuổi về Viêt Nam.»
           Mấy thanh niên ngổ ngáo nhìn nhau cười hề hề, nhưng cũng đều nghe lời Tân. Khoảng 15 phút sau, có một người đúng trên bờ gọi vọng xuống bằng tiếng Anh. Tân và một người thông dịch chạy ra ngay. Hai bên nói chuyên độ vài phút, Tân hấp tấp trở vào phòng lài lấy một chiếc cặp da, rồi cùng người thông dịch nhảy lên bờ. Trước khi đi theo đại diện của đảo, anh còn ngoảnh lại dặn dò mọi người phải giữ bình tĩnh, không nên liên lạc gì với người địa phương và tuyệt đối không được lên bờ. Lúc đó, trên bò đã có nhiều người hiếu kỳ xúm lại, nhìn xuống thuyền lạ. Họ vừa cười nói với nhau vừa chỉ trỏ xuống thuyền. Tất nhiên không ai hiểu họ nói gì. Ðám người trên bờ mỗi lúc một đông thêm. Khoảng nửa giờ sau, Tân và người thông dịch trở về, cho mọi người trên thuyên biết một số điều cần thiết như sau :
           «Thứ nhứt, nhà chức trách trên đảo sẽ tiếp tế đồ ăn và nước uống cho mọi người. Thứ hai, không được lên bờ, nếu không có phép của nhà chức trách địa phương. Thứ ba, trong vòng ba ngày nữa, mọi người sẽ được chuyển đến đảo Kuku đẻ làm giấy tờ trước khi tới đảo Galang gặp phái đoàn của các nước nhận người tỵ nạn. Thứ tư, những ai ốm đau, bệnh hoạn sẽ được đưa tới bệnh viện của đảo để chữa trị. Cuối cùng, tên hòn đảo này là Terempa, thuộc Nam Dương quần đảo, nay gọi là Indonesia.»
            Mọi người nghe xong đều reo hò mừng rỡ. Ngay buổi sáng hôm đó, do sự can thiệp của Tân, Vân Dao và ba người đàn bà khác được đưa tới bệnh viện của đảo để chẩn bệnh. Ba người kia còn khỏe mạnh, có thể đi lại được, riệng Vân Dao phải nằm cáng. Tại bệnh viện, theo lời khai của mấy người cùng thuyền, Vân Dao mới biết mình bị năm tên hải tặc cưỡng hiếp, dù nàng đã bị ngất xỉu, không còn biết gì nữa. Những người khác nhẹ hơn nên được trở về thuyền ngay sau khi khám nghiệm và uống thuốc. Riêng Vân Dao phải nằm lại để chữa trị. Các bác sĩ và y tá của bệnh viện đều có cảm tình với nàng. Họ dùng tiếng Anh bập bẹ để nói chuyên với nàng. Họ làm việc rất tận tâm, nhưng nàng thì luôn luôn nôn nóng vì lo cho hai con, dù trước khi nàng rời thuyền Tân đã hứa trông nom các cháu cẩn thận.
           Vân Dao phải ngủ đêm lại bệnh viện để uống thuốc và được chăm sóc. Ðến chiều ngày thứ hai, dù nàng chỉ mới đứng vững và đi được những bước chậm chạp, người ta cũng trả nàng về thuyền vì sáng sớm hôm sau, các thuyền nhân tỵ nạn phải rời đảo Terempa để chuyển sang đảo Kuku. Nàng rất mừng được gặp lại con. Khi thấy chúng vẫn bình thường, tuy chưa khỏi hẳn, nàng vẫn thấy trong người dễ chịu. Ðược gặp lại hai con cũng là một động lực làm cho nàng khỏe ra nhiều. 
Một tháng sống trên đảo Kuku là thời gian tương đối bình an cho ba mẹ con Vân Dao. Nàng vẫn được các y tá trong bệnh xá của trại tỵ nạn giúp đỡ, chăm sóc. Nhờ vậy, vết thương đã bớt rất nhiều. Nhưng hình ảnh mấy tên hải tặc Thái Lan vẫn theo đuổi nàng trong giấc ngủ. Ðêm đêm nàng giật mình thức giấc nhiều lần, có khi còn la hoảng trong mơ. 
Nàng còn một khó khăn về giấy tờ xin đi định cư. Những giấy tờ này đã bi thất lạc khi hải tặc lục lọi hành lý của mọi người để tìm vàng và tiền. Ðó là địa chỉ của hai em nàng, một ở Canada, một ở Úc. Những địa chỉ đó nàng đã học thuộc lòng trước khi ra biển, bây giờ đầu óc nàng mờ mịt nên không sao nhớ lại được nữa. Nhiều nguoi khuyên nàng cú xin đi Mỹ theo diện nhân đạo. Nàng không còn tỉnh táo để quyết định một việc quan trọng như vậy. Nàng cũng không còn bình tĩnh như xưa nữa. Lúc nào nàng cũng hoảng sợ một điều gì, tưởng như lại sắp có tai nạn hoặc chuyện không may xảy ra cho ba mẹ con nàng. Vì thế, nàng không dám rời xa hai đứa nhỏ, ngay cả lúc chúng vui chơi với con của Tân. Từ lúc tới đảo Kuku, nàng ít gặp người em bà con này. Không biết Tân cố tình tránh mặt hay chính nàng không muốn gặp anh.
Khoảng một tháng sau, khi đã làm mọi giấy tờ xin đi định cư ở một nước thứ ba, các thuyền nhân tỵ nạn được chuyển đến đảo Galang, để nhường trại cho những thuyền nhân khác mới tới. Vân Dao nghe lời khuyên của những người cùng thuyền, đã nộp đơn xin đi Mỹ, vì ai cũng nói rằng Mỹ là tốt nhất.
Ðảo Galang lớn hơn Kuku rất nhiều. Trên đảo có hai trại dành cho thuyền nhân. Trại ngoài gồm những người chưa được nước thứ ba nào nhận cho đi định cư. Trại thứ hai có lớp dạy Anh văn cho những người chờ đi định cư ở những nước nói tiếng Anh. Hai trại cách nhau khoảng 2 cây số.
Khi đến Galang, Vân Dao cũng lại được chữa bệnh tại một bệnh viện khá đầy đủ tiện nghi y khoa mới. Trong bệnh viện có hai bác sĩ thuyền nhân tự nguyện giúp đỡ đồng bào. Ngay ngày đầu tiên tới bệnh viện, Vân Dao gặp  một bác sĩ Việt Nam đã đứng tuổi, tên là Chánh. Vừa nhìn thấy nàng, Chánh đã biết ngay nàng đang bị khủng hoảng tinh thần. Ông hỏi nàng cặn kẽ mọi chuyện về hải tặc Thái lan.. 


Nàng khai thật hết. Chánh chăm chú nghe và ghi lại nhiều điều vào một tập giấy. Cuối cùng, ông đột ngột hỏi :
«Như vậy, bây giờ bà không có một cắc nào trong túi ? Lấy tiền đâu mà mua đồ ăn tươi cho các cháu ?»
Nàng thật thà cho biết ba mẹ con nàng chỉ ăn đồ hộp và gạo do Cao Ủy Tỵ nạn phân phát. Chánh không nói gì, chỉ đưa thuốc và dặn dò cách uống cho nàng. Nhưng ngay buổi trưa hôm đó, Chánh đem nhiều rau tươi và trái cây đến cho nàng. Không những thế, ông còn đề nghị cho nàng vay tiền để nàng có thê liên lạc với gia đình ở Việt Nam và ngoại quốc. Nàng hơi ngạc nhiên về sự sốt sắng của ông, nhưng vì cần tiền, nàng nhận ngay. Nhờ vậy, nàng đã liên lạc được với hai em, nhờ chúng báo cho cha mẹ biết ba mẹ con nàng đã đến được bến bờ tự do. Tất nhiên nàng giấu chuyện hải tặc Thái Lan.

Từ ngày đó, sau giờ làm việc tự nguyện ở bệnh viện, Chánh thường đến với Vân Dao. Ngoài việc thuốc men, ông lo cho nàng hầu như tất cả những chuyện gì liên quan đến ba mẹ con nàng. Vì tinh thần không bình tĩnh, nàng không biết nên giải quyết nhiều chuyện. Bây giờ có Chánh, nàng bỗng thấy nhẹ hẳn đi. Nàng đã hết lòng tin tưởng ở ông và thấy thiếu ông khi ông không ở bên cạnh.
Một hôm, Chánh hỏi :
«Dao ơi, sao mình cứ khách sáo với nhau mãi thế ? Cứ một điều bác sĩ, hai điều tôi, có vẻ xa cách quá. Từ nay anh đề nghị Dao…kêu bằng anh và xưng em đi.»
Nàng rụt rè :

«Nếu…nếu…anh cho phép.»

«Trời ơi, việc gì phải cho phép nữa. Chính anh đề nghị như vậy mà.»
Khi hai người đã trở thành một đôi bạn rất thân, Vân Dao biết Chánh còn gia đình kẹt lại ở Saigon. Ông vượt biên một mình vì sợ nếu đi cả gia đình mà không thoát, có thể mất nhà. Ông lại là một sĩ quan quân y trốn «học tập». Khi nào được định cư ở Mỹ, ông sẽ bảo lãnh cho gia đình sang đoàn tụ. Nghe vậy, nàng cũng hơi buồn, nhưng cho là điều hợp lý. Dù sao gia đình, vợ con, cũng quan trọng nhất. Nàng được ông giúp đỡ, tận tình lo cho như thế này cũng là quý lắm rồi. Nàng không dám mơ ước được là vợ ông, vì làm như vậy là phá vỡ hạnh phúc gia đình người ta. Trong thâm tâm, nàng nghĩ cái thân nàng có còn ra gì nữa đâu mà dám mơ ước viển vông. Thật ra, thân thì rất thân, Chánh vẫn giữ một khoảng cách giữa ông và nàng. Chưa bao giờ ông xuồng xã đụng vào người nàng, dù chỉ nắm tay. 


Ông không bao giờ tiếc nàng một điều gì khi biết nàng cần. Có khi nàng chưa ngỏ ý, ông đã hiểu và làm nàng vừa lòng ngay. Nhưng tình cảm của ông chỉ đến đó thôi, giới hạn của tình bạn hay thân hơn nữa là tình anh em. Nàng chấp nhận và không dám mơ ước xa xôi. Nhờ có ông mà ba mẹ con nàng đã có một đời sống tương đối tốt đẹp trên hòn đảo tỵ nạn này. Thế cũng quá đủ rồi, nàng không tham lam đòi hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, đôi lúc nàng cũng thấy tự ái bị tổn thương nhẹ. Từ ngày mới 13, 14 tuổi, nàng đã được nhiều người khen đẹp và thùy mị, được cả bạn trai lẫn gái mến yêu. Thế mà nay Chánh được gần gũi, thân mật với nàng mà lại dửng dưng. Hay bà Chánh đẹp và dễ thương hơn nàng ? Chưa bao giờ ông khoe hình gia đình ông với nàng nên nàng không biết nhan sắc của bà Chánh ra sao.

Hôm Chánh được đi định cư, ba mẹ con nàng ra bến tầu tiễn ông. Trước khi chia tay, ông bất thình lình ôm nàng, rồi hôn nhẹ lên môi nàng. Nụ hôn bất ngờ làm nàng ngạc nhiên đến chóang váng. Nàng chưa kịp hôn lại, ông đã buông nàng ra, bước vội lên tầu. Nàng ngẩn ngơ nhìn theo, hai mắt nhòa đi. Như vậy là đến phút chót ông mới cho nàng biết ông cũng đã yêu nàng. Tại sao ông không nói từ lâu, bây giờ chia tay mới tỏ tình ? Ông chắc chắn biết nàng có rất nhiều cảm tình với ông. Khi dắt con trở về barrack, nàng vừa buồn bực vừa tiếc nuối. Nàng tính sẽ viết thư cho ông để bày tỏ cảm tình của nàng đối với ông. Trước khi chia tay, Chánh đã cho nàng biết địa chỉ người thân bên Mỹ để nàng có thể liên lạc. Nàng sẽ hỏi tại sao ông giữ im lặng cho đến phút cuối cùng. Nàng sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời nàng cho ông để đền ơn sự giúp đỡ của ông mà không đòi hỏi ông phải chính thức lấy nàng. Như vậy có nghĩa là nàng chịu làm vợ nhỏ hay người tình bí mật của ông.
Mỗi lần đi qua khu nhà Chánh ở hay qua bệnh xá, Vân Dao không khỏi nao nao buồn. Nhiều lúc chỉ có một mình hoặc những đêm trằn trọc mất ngủ, nàng nhớ ông như một người vợ nhớ chồng đi xa. Có lúc nàng tự hỏi nàng có nhớ Phước khi chàng bị tù cải tạo xa xôi như nhớ Chánh bây giờ không ? Có lẽ không, vì lúc đó nàng còn nhiều việc phải lo hơn bây giờ rỗi rảnh suốt ngày.
Hai hôm sau, Vân Dao phải tới bệnh xá để gặp bác sĩ theo thường lệ. Bây giờ không có Chánh nữa, nàng sẽ gặp một y sĩ khác. Ông này cũng là bác sĩ nhưng còn trẻ và đi cùng gia đình, vợ và hai con. Ông vui vẻ đón tiếp nàng, tự giới thiệu tên là Minh. Khi mở hồ sơ bệnh lý của nàng, ông hỏi nàng có biết hiện có bệnh gì không. Giọng ông có vẻ dè dặt và nghiêm trang khiến nàng ngạc nhiên. Nàng lắc đầu, đáp
            «Thưa bác sĩ, tôi bị mấy tên hải tặc Thái Lan hiếp đến ngất xỉu…»
  Minh chăm chú nhìn vào hồ sơ, hỏi tiếp :
  «Vậy ông Chánh không cho bà biết gì sao ?»
  Nàng hỏi lại :
  «Biết cái gì, thưa bác sĩ ?»
  Minh ngập ngừng một chút rồi nói :
  «Bà đang phải chữa bệnh,,,giang mai,»
  Vân Dao giật mình hỏi :
  «Giang mai có phải là bệnh phong tình không ?»

  «Ðúng. Bệnh này ngày xưa khó chữa lắm, nhưng bây giờ thì không đáng ngại nữa. Vậy mà bác sĩ Chánh không cho bà biết ? Theo hồ sơ, bà chích đã đủ thuốc, tuy nhiên vẫn phải theo dõi. Bệnh này có thể lây sang người khác, nên các nước phương Tây rất quan tâm, nhất là Mỹ. À, có phải bà xin đi Mỹ không ?»                             
  «Dạ. Mấy mẹ con tôi đã được Mỹ nhận.»
  «Vì thế, người đại diện về y tế của họ thường theo dõi hồ sơ của bà.»
  Nàng bỗng nghĩ đến Chánh và chợt hiểu tại sao ông không dám thân mật với nàng hơn. Nàng vừa thẹn vừa giận ông.
  Minh nói tiếp :
  «Nhưng theo tôi, bà chích như vậy đủ rồi, không còn gì đáng lo ngại nữa. Chỉ sau khi bà được định cư, người ta sẽ theo dõi một thời gian. Ðó là thông lệ thôi, không có gì quan trọng.»

  Khi rời khỏi bệnh xá, Vân Dao còn thấy giận Chánh. Nàng vẫn thắc mắc tại sao ông không cho nàng biết rõ hết sự thật ?  Việc nàng bị lây bệnh giang mai chỉ là một tai nạn, nàng đâu có phải là người hư hỏng, lang chạ. Nghĩ đi thì thế, khi nghĩ lại, nàng cho rằng ông có thể là người tế nhị, không muốn gây cho nàng một xúc động về tâm lý. Dù là tai nạn, nàng cũng sẽ mắc cở với ông. Giang mai cũng là một bệnh quái ác đối với một phụ nữ đàng hoàng, nhất là đối với một cô giáo như nàng. Thì ra nàng có bệnh phong tình dễ lây truyền nên Chánh không dám thân gần với nàng, chỉ chờ đến lúc chia tay mới hôn nhẹ lên môi nàng rồi vội chạy lên tầu như bị ma đuổi. Nàng cũng thấy hơi tủi thân, dù vẫn thông cảm cho ông. Nàng vẫn nghe nói các ông bà bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Có thể Chánh đã nhìn nàng như một con vi trùng khổng lồ. Nàng dự tính sẽ viết cho ông một bức thư trách móc, mỉa mai khi ông đã tới Mỹ.

  Nhưng nàng chưa kịp viết thư đã nhận được thư Chánh gửi từ Singapore. Ðó là một thư tỏ tình và xin lỗi đã không cho nàng biết căn bệnh của nàng. Sở dĩ ông đến bây giờ mới tỏ tình vì ông còn muốn xét kỹ lòng mình trước khi nói yêu nàng. Khi phải xa nàng, ông mới biết chắc ông ông yêu nàng tha thiết. Ông sẵn sàng ly dị vợ để chính thức được sống bên nàng. Ông sẽ ly dị vợ sau khi đã bảo lãnh cho mấy mẹ con sang Mỹ, vì ông không thể bỏ rơi các con. Thư ông viết không dài, nhưng đủ ý và rõ ràng. 
  Ðọc thư xong, Vân Dao có cảm giác ngây ngất như vừa nhắp chút rượu. Nàng sung sướng đọc lại lá thư nhiều lần nữa. Tương lai chan hòa ánh sáng màu hồng. Nàng ấp lá thư lên ngực, rồi thầm nói : «Em cũng yêu anh tha thiết, anh biết không ?» Nhưng niềm vui mừng ấy chóng tàn khi nàng nghĩ tới sự tan vỡ của một gia đình mà nguyên nhân chính lại là nàng. Dù lãng mạn đến đâu,nàng cũng vẫn là một cô giáo mà từ trước đến nay nàng luôn luôn giữ cho lòng mình ngay thẳng, không bao giờ dám đi ra ngoài hay trái đạo đức. Nàng không thể nhẫn tâm cướp chồng người khác, phá vỡ hạnh phúc gia đình người ta. Nàng biết nàng tự mâu thuẫn, nhưng không biết làm thế nào có thể vẹn toàn được, vừa không mất Chánh vừa không hại người khác. Chưa bao giờ nàng gặp một hoàn cảnh khó sử như bây giờ. 
Nhờ lá thư tỏ tình của Chánh, Vân Dao thấy yêu đời hẳn lên. Cuộc sống trong trại tỵ nạn bớt cực khổ đi rất nhiều, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thật ra, về vật chất, từ ngày nàng liên lạc được với hai em trai, đã đỡ khó khăn. Bây giờ nàng thấy đời có ý nghĩa hơn. Ngày đi định cư của ba mẹ con nàng cũng không còn xa. Sau khi được phái đoàn Mỹ nhận, ba mẹ con nàng được chuyển vào trại 2 để học Anh văn. Cũng từ ngày đó, nàng được một nữ nhân viên y tế Mỹ săn sóc về sức khỏe. Sau nhiều lần thử máu, bà ta đã chấp thuận cho nàng được đi Mỹ trong chuyến tơi. Nàng dốc lòng học Anh văn. Nhờ thông minh, nàng tiến bộ rất nhanh. Không những thế, bà nhân viên y tế Mỹ có nhiều cảm tình với nàng, cũng chỉ bảo thêm và sửa giọng cho nàng.  

                                             

 

                                                   Chương 4

Mẹ con Vân Dao được đi định cư vào giữa thàng chạp dương lịch. Thoạt tiên, người ta đưa ba mẹ con nàng cùng nhiều người đi định cư khác tới trại chuyển tiếp ở Singapore để chờ đợi chuyến bay và làm thủ tục. Một tuần ờ đảo này, nàng đưa các con đi mua sắm và thăm thành phố. Ðiều làm nàng chú ý nhất là thành phố quá sạch, khác hẳn với Saigon đầy rác rưởi. Ngoài ra, hàng hóa ở đây rẻ không ngờ, nên nàng đã mua nhiều thứ để dùng ở Mỹ.
Cuối cùng những người đi Mỹ được chuyển qua Nhật bằng máy bay. Rồi từ Nhật vượt Thái Bình dương sang Mỹ đúng vào dịp lễ Giáng Sinh. Sau hơn chín tiếng bay, ba mẹ con Vân Dao tới một phi trường ở phía Bắc tiểu bang California. Nhưng đó cũng chưa phải là nơi đến cuối cùng của nàng. Nhân viên sở di trú cho biết mẹ con nàng sẽ phải đáp một chuyến máy bay khác để tới một tiểu bang phía Bắc. Ðiều này nàng đã biết từ trước vì trên giấy tờ đã ghi rõ như vậy. Ba mẹ con nàng được một gia đình người Mỹ ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington bảo trợ. Chuyến bay thứ hai chỉ lâu chừng hơn một tiếng nhưng cũng làm nàng mệt nhiều hơn.
Người bảo trợ là vợ chồng ông bà Mỹ già đã về hưu, nhưng hôm ra đón mẹ con Vân Dao ở phi trường SeaTac, lại có tới sáu người, kể cả hai người con và dâu, rể của ông bà. Vừa thọat gặp nàng, họ đã có cảm tình ngay. Dù mệt mỏi sau hai chuyến bay liên tiếp, nàng vẫn cố gắng tươi tỉnh để chào đón gia đình bảo trợ. Nụ cười tươi và duyên dáng của nàng đã chinh phục được tất cà mọi người ngay. Tiếng Anh bập bẹ của nàng, nhưng khá đúng giọng, cũng khiến mọi người cảm thấy gần gũi nàng hơn. Trên đường về nhà, ba mẹ con nàng ngồi chung xe với hai ông bà già. Nàng biết tên ông bà, theo giấy tờ bảo lãnh, là James và Elizabeth Williams.
Khi ra khỏi phi trường, mặt trời đã đứng bóng. Ông James đề nghị đi ăn trưa trước khi về nhà. Vân Dao mệt lắm, muốn được nghỉ ngơi, nhưng không dám trái lời. Lần đầu tiên được ăn những món đặc biệt Mỹ, nàng cũng thấy lạ miệng và ngon. Về nhà, ba mẹ con nàng được ông bà Williams dành cho hai phòng ngủ, đều có nhà tắm riêng. Nhưng vì chưa quen ở riêng một phòng, Phong, con trai nàng, vẫn tạm ở chung với mẹ và em gái.  Khi bà Williams vừa ra khỏi phòng, ba mẹ con nàng vội vàng lên giường ngủ ngay.
Những ngày tiếp theo, bà Williams sốt sắng lo mọi việc cho mẹ con Vân Dao. Bà đưa đi mua quần áo mới và một số vật dụng trong nhà, xin học cho hai đứa nhỏ,..Vân Dao rất cảm động thấy bà có nhiếu cảm tình với nàng. Bà nói thẳng là bà coi nàng như con gái và hai đứa nhỏ là cháu ngoại. Con trai và con gái bà đã có gia đình từ lâu, nhưng chưa ai chịu có con. Sự nồng nhiệt của bà đã làm nàng rất vui nhưng cũng khiến nàng khó nghĩ. 
Ngay từ khi rời khỏi trại tỵ nạn, nàng đã tính đến việc dọn về ở chung với Chánh. Bây giờ mới chân ướt chân ráo đến nhà người ta, lại được đối sử quá nồng hậu mà đã định bỏ đi thì thật là bội bạc. Vì thế nàng lần lữa chưa viết thư ngay cho Chánh dù biết ông rất mong tin nàng. Trước khi rời Galang, nàng nhận được thư của ông cho biết ông đã tạm ổn định. Bây giờ đã đi học Anh văn để rồi sẽ học lại ngành thuốc. Ông mong sớm được gặp nàng và dặn nàng phải liên lạc ngay với ông khi tới Mỹ. 
Hai đứa con nàng cũng có nhiều cảm tình với bà Williams. Sau mấy buổi đi học, chúng đã gọi bà là «grandma». Bà tỏ vẻ rất vui nên càng cưng chiều chúng hơn. Khi chỉ có ba mẹ con, nàng hỏi nhỏ chúng tại sao lại đổi cách xưng hô như vậy. Chúng cho biết các bạn học trong trường đều coi bà là bà ngoại của chúng nên gọi thế cho tiện. Nàng đành chỉ cười xòa nhưng càng thấy mình ở thế kẹt. Bà Williams cũng đã bảo nàng đừng gọi bà là «bà Williams» nữa vì có vẻ xa cách quá. Nàng có thể chỉ gọi tên bà cho thân mật. Nàng không thích gọi bà là «Liz» trống không vì có vẻ hỗn hào mà nàng cũng chưa thể bắt chước các con bà mà gọi «mommy».
Trong khi bà Williams hết lòng lo lắng cho ba mẹ con Vân Dao, ông chồng bà thường vắng nhà, chỉ có mặt vào bữa cơm tối.  Bà Williams cho biết chồng bà hàng ngày vẫn đến một câu lạc bộ gặp các bạn già, hoặc chơi bài hoặc chơi dã cầu nếu đẹp trời. Về tuổi tác, ông bà cũng suýt soát tuổi ông bà Hai, cha mẹ của nàng. Nếu nàng gọi ông bà là «daddy» và «mommy» cũng không có gì quá đáng. Chỉ có điều nàng chưa quen gọi người khác là cha mẹ. Ðối với nàng, chỉ có ông bà Hai mới là cha mẹ thôi.
Phân vân mãi, cuối cùng Vân Dao cũng phải gửi thư cho Chánh, sau hai tuần ở
Mỹ. Trong thư, nàng kể rõ nỗi khó sử của nàng đối với gia đình người bảo trợ. Giá ông bà Williams không tốt thì nàng có bỏ đi cũng không ai trách được mà lương tâm cũng không bị dày vò. Nàng hỏi ý kiến Chánh phải làm gì cho hợp lý hợp tình ? Năm hôm sau, nàng nhận được thư trả lời của Chánh. Ông không đồng ý với nàng, vì cho rằng Mỹ là một nước tự do, mình muốn làm gì cũng được, miễn không vi phạm luật pháp. Ông khuyên nàng không nên quá nặng tình cảm mà để lỡ việc của mình. Nàng có thể thẳng thắn trình bày cho ông bà Williams biết nàng cần phải dọn về ở chung với ông để tạo dựng một gia đình. Thư của Chánh càng khiến nàng phân vân hơn. Nàng rất muốn lập gia đình với ông vì nàng đã yêu ông tha thiết. nhưng nàng vẫn thấy bất nhẫn khi nghĩ tới vợ con ông. Nàng nhớ tới lời cha nàng hồi nàng đang yêu Phước và tính việc hôn nhân : «Yêu thương thuộc về tình cảm, hôn nhân là vấn đề của lý trí. Ðã có không thiếu gì cặp lấy nhau vì tình mà tan vỡ lẹ hơn những cặp do cha mẹ định đoạt.»
Nhờ lời khuyên này, nàng đã sống rất hạnh phúc với Phước. Bây giờ, đối với Chánh, nàng thật khó nghĩ. Nhưng cân nhắc giữa tình yêu và ơn huệ, nàng thấy tình yêu nặng hơn. Không những thế, chính Chánh cũng giúp đỡ nàng nhiều khi nàng mới tới trại tỵ nạn. Nhờ ông, nàng đã ra khỏi tình trạng rối lọan tâm thần một cách nhanh chóng. Ðối với ông bà Williams, ân nghĩa chưa nặng, chỉ có sự sốt sắng giúp đỡ của bà lúc đầu khiến nàng rất cảm động. Suy đi tính lại kỹ, nàng quyết định phải nói chuyện với bà Williams càng sớm càng tốt.


            Ngay buổi tối hôm đó, sau bữa cơm, Vân Dao ấp úng xin phép ông bà bảo trợ để nàng đưa hai con đến tiểu bang khác sống với người yêu là Chánh. Thọat đầu, bà Williams tỏ vẻ ngạc nhiên và thất vọng, nhưng chỉ một lát sau đó, bà lấy lại bình tĩnh gượng vui vẻ cho biết nàng có toàn quyền tự do, muốn đi đâu hay ở đâu. Tuy nhiên, bà cũng rất buồn khi phải xa ba mẹ con nàng mà bà đã coi như con và cháu, nhưng hạnh phúc của cá nhân nàng là quan trong hơn hết, chỉ yêu cầu nàng giữ liên lạc với ông bà để, nếu cần, ông bà vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Trong khi đó, ông Williams vẫn im lặng ngồi ăn, không có ý kiên gì. 
Vân Dao rất cảm động vì những lời chân tình ấy. Nàng muốn cảm ơn bà mà nghẹn ngào không nói nên lời. Nước mắt lưng tròng, nàng nắm hai tay bà rất lâu, rồi ấp úng :
«Con…con xin được coi ông bà là cha mẹ con…Từ nay con kêu daddy và mommy… »
Bà Williams cũng nắm lấy hai tay nàng, vui vẻ nói :
«Ngay từ khi mới gặp, ta đã coi con như con gái ta rồi. Con hãy nhớ rằng nhà này là nhà của con, con muốn trở về lúc nào cũng được.»
Vân Dao không ngờ bà lại có nhiều cảm tình với nàng như vậy nên rất cảm động, nhìn bà bằng đôi mắt long lanh ướt mà không nói nên lời.
Buổi tối hôm đó, nàng gọi cho Chánh để báo tin ba mẹ con nàng sẽ tới với ông bằng đường bộ vì không đủ khả năng mua vé máy bay. Ông vui lắm, tất nhiên, đòi gửi tiền cho nàng di chuyển bằng đường hàng không. Nhưng nàng nhất định từ chối, viện cớ ông nên để dành lo nhiều việc khác trong tương lai.
Hôm sau, nàng nhờ bà Williams đưa đi mấy nơi. Thứ nhất, nàng đến trường để xin thôi học cho hai con, sau đó đến trạm xe Greyhound để hỏi về chuyến đi xa. Bà Williams ngỏ ý không muốn ba mẹ con nàng đi xe buýt và sẵn sàng mua vé máy bay. Nàng cho bà biết Chánh cũng có ý định đó nhưng nàng đã từ chối. Ngoài ra, nàng cũng muốn xem phong cảnh nước Mỹ, nhất là vùng sa mạc. 
Chuyến viễn hành của ba mẹ con Vân Dao dài bốn ngày và đến nơi vào lúc gần nửa đêm. Chánh đã được báo trước nên đợi sẵn ở bến xe. Ông đưa ba mẹ con nàng vào một tiệm ăn Việt Nam. Chưa bao giờ nàng thấy ngon miệng như bây giờ dù còn mệt ngất ngư sau mấy bữa ngồi xe. Từ ngày sang Mỹ, nàng ăn toàn đồ Mỹ nên món ăn Việt Nam nào cũng thấy ngon lạ lùng. Nàng có cảm tưởng mình chợt trở về Việt Nam. Trong khi đó hai đứa con nàng ăn uống uể oải. Chúng sử dụng đôi đũa một cách khó khăn và vụng về, không như hồi còn ở đảo tỵ nạn. Nàng bỗng thấy việc di chuyển này là đúng và cần thiết. Nhưng thương con, nàng cũng phải gọi thêm bánh mì thịt nguội.
Quá nửa đêm mọi người mới ra xe về nhà. Bây giờ đã hơi tỉnh táo, Vân Dao nhìn Chánh một lúc rồi nói :
«Anh hơi ốm đi, không như hồi còn ở Galang. Anh có bịnh gì không ?»
Chánh lắc đầu :
«Anh vẫn khỏe mạnh như thường. Nếu có bịnh thì…chỉ là tương tư em mà thôi. Lúc nào cũng nhớ em và chỉ nghỉ đến em.»
Nàng cười :
«Việc gì anh phải tán em nữa. Em là của anh rồi mà.»
«Vì biết như vậy mới càng nhớ càng mong.»
Ngưng một chút, ông tiếp :
«Thiệt ra, đời sống ở Mỹ khó khăn chớ không như mình tưởng. Anh phải vừa đi làm vừa đi học, không lúc nào rảnh… »
Vân Dao liền cắt ngang, hỏi đùa :
«Vậy thì còn thì giờ nào anh nhớ em nữa, Có phải là anh nói xạo không ?»
«Mỗi buổi chiều về nhà lại thấy mình cô đơn, lạnh lẽo quá. Làm sao không nhớ em được.»
Chánh cho biết những ngày đầu ông chỉ thuê một phòng trong một căn biệt thự có lối đi riêng. Dù không tiếp xúc với gia đình chủ nhà, ông vẫn cảm thấy đỡ lẻ loi. Khi nghe tin ba mẹ con nàng sắp đi định cư, ông cố gắng thu xếp để thuê riêng một căn trong khu nhà cho thuê, có hai phòng ngủ. Ông phải nhờ người ký chung đơn xin thuê nhà vì khả năng tài chánh chưa hợp lệ. Từ ngày thuê nhà riêng, ông phải làm nhiều giờ hơn để có đủ tiền trang trải mọi chi phí. Vân Dao tỏ vẻ ái ngại và hứa :
«Em sẽ đi làm để phụ anh...»
Chánh gạt đi ngay :
«Không, một mình anh lo được. Em cũng cần phải đi học để có thể hội nhập xã hội mới nhanh chóng.»
«Thì em cũng vừa đi học vừa đi làm, như anh vậy.»
Chánh đành im lặng.          
Nhà ở tầng lầu thứ ba, trong khu bình dân nên không có thang máy. Ðồ đạc không có nhiêu mà cũng phải lên xuống hai lần. Nhà nhỏ nhưng gọn gàng, có hai phòng ngủ, một phòng tắm, nhưng phòng khách chung với phòng ăn nên cũng khá rộng. Trong phòng ngủ của hai đứa nhỏ, Chánh kê hai giường riêng biệt. Tủ quần áo cũng có hai tủ nhỏ. Nhìn lướt qua cách bày biện trong nhà, Vân Dao biết Chánh là người ngăn nắp, chu đáo. Riêng phòng ngủ của hai người, ông trang hoàng như một phòng cô dâu mới về nhà chồng. Vừa mở cửa nhìn vào trong, Vân Dao đã thấy lòng rất vui. Một hứa hẹn thầm kín khiến nàng thoáng nghe rạo rực khắp cơ thể.
Hai đứa nhỏ vì mệt quá, vội vàng cởi quần áo, leo lên giường ngủ ngay. Vân Dao cũng mệt nhưng vẫn tắm rửa sạch sẽ rồi mới đi ngủ. Chánh là người tế nhị nên để nàng yên, đem chăn gối ra phòng khách ngủ trên ghế dài.
Gần trưa hôm sau Vân Dao mới thức giấc thì không thấy Chánh đâu. Nàng không khỏi cảm động và mến phục cách cư sử của ông. Vì thế, nàng càng thấy yêu ông hơn.
                                             Chương 5
T
hấm thoắt đã hơn nửa năm Vân Dao sống chung với Chánh. Chưa bao giờ nàng thấy cuộc đời tươi đẹp như bây giờ. Chánh rất chiều nàng và lo cho ba mẹ con nàng đầy đủ, dù trong tình trạng tài chánh eo hẹp. Ðể đáp lại nàng cũng xin đi làm phụ bếp cho một tiệm ăn Việt Nam, đồng thời còn ghi tên ở một trường đại học cộng đồng để trau dồi thêm tiếng Anh. Nàng hy vọng chỉ trong một thời gian ngắn nàng có đủ khả năng xin làm cho một sở Mỹ. Quả nhiên, chưa hết một khóa học nàng đã được nhận vào làm cho một ngân hàng ở trong vùng. Tuy lương không cao nhưng có đủ mọi quyền lợi. Nhờ vậy, nàng có thể ngưng nhận tiền trợ cấp để tự lập. Không những thế, nàng còn giúp Chánh bớt giờ làm việc để tăng giờ học. Dù sống rất hạnh phúc với Chánh, nàng vẫn thúc ông làm giấy tờ bảo lãnh cho vợ con ông. Thấy nàng thúc giục như vậy, ông nửa đùa nửa thật hỏi :
            «Em không sợ mất anh sao ?»
 Nàng đáp ngay, không cần suy nghĩ :
«Mất hay còn là do ý muốn của anh, do tình yêu của anh dành cho em, không liên quan gì tới việc bảo lãnh hết. Nếu anh đã hết yêu em thì chị và các cháu ở bên này hay ở Việt Nam em vẫn mất anh. Em muốn anh tròn bổn phận với gia đình, nhất là với các cháu. Dù sao ở Mỹ, tương lai các cháu vẫn tốt đẹp hơn.»
   Chánh cười :
«Em đúng là một cô giáo có lương tâm.»
Nàng trề môi :
«Có lương tâm mà đi cướp chồng người khác ?»
Chánh liền nghiêm giọng :
«Em chả cướp chồng ai hết. Nếu anh không yêu em, không tỏ tình với em trước, chắc gì mình đã sống với nhau như thế này. Em không nên có mặc cảm.»
«Nhưng nếu không có em, anh vẫn thương yêu gia đình. Chị và các cháu vẫn có anh. Như vậy, rõ ràng em đã làm anh quên bổn phận với gia đình… »
Chánh lắc đầu :
«Anh chả quên gì hết. Anh vẫn yêu em mà vẫn lo cho gia đình. Hai việc đâu có đối nghịch nhau. Bao giờ lo xong chuyện gia đình, anh sẽ chính thức sống với em.»
Vân Dao hỏi đùa :
«Bộ thế này chưa phải là chính thức sao ? Anh chưa phải là chồng em sao ?»
«Anh nói chính thức là mình có giấy tờ hợp pháp…»
Vân Dao phì cười, ngắt lời ông :
«Không có giấy tờ hợp pháp thì mình không được quyền ngủ với nhau như mình đã từng làm ? Em chả cần biết hợp pháp hay bất hợp pháp gì hết, em chỉ biết em yêu anh, sẵn sàng cho anh tất cả những gì em có…vô điều kiện.»


Chánh cảm động nắm lấy tay nàng :
«Ðiều đó thì anh đã biết rõ từ lâu. Nhưng anh muốn em chính thức là vợ anh. Nước Mỹ là một nước có nhiều chủng tộc, có nhiều văn hóa khác nhau, nên có nhiều tục lệ, phải có luật pháp để có thể duy trì an ninh trật tự công cộng…»
Ông chưa nói hết câu, Vân Dao đã phì cười, ngắt lời :
“Bộ em sống với anh như thế này là mất trật tự, an ninh công cộng sao ? Cần gì phải hợp thức hóa, cần gì phải có tờ hôn thú để xác nhận tình yêu của mình.”
“Anh biết vậy, nhưng anh muốn trước mắt mọi người, em chính thức là vợ anh.”

Nàng nhún vai :
“Em không cần bất cứ ai trên cõi đời này, em chỉ biết có anh. Nếu anh đối sử với em không bằng tình vợ chồng thì tờ hôn thú cũng chả có giá trị gì hết. Mình cứ yêu nhau thành thật và đối sử với nhau bằng một mối chân tình, còn ngoài ra, em bất chấp…Em là con người nhân hậu, thế mà cuộc đời em đã gặp quá nhiều bất công, cay đắng. Bây giờ, em muốn sống một cách thoải mái, không ràng buộc, không câu nệ, không tự trói mình trong những điều luật khô khan…”
Chánh ngạc nhiên nghe nàng nói một hơi dài, rồi hỏi :
“Sao hôm nay em hùng biện thế ? Giá em học luật để làm luật sư thì phải hơn là làm một cô giáo.”
Nàng cười :
«Anh tưởng làm cô giáo mà không biết hùng biện sao ? Lắm lúc cũng phải nói thao thao để thuyệt phục học trò đấy, anh ạ.»

«Chẳng hạn như học trò Chánh của em lúc này, phải không ?»

«Anh mà là học trò của em, em sẽ phạt quì quay mặt vào tường vì tội…không vâng lời. Cho anh…biết thân !»
«Vậy thì từ nay anh sẽ không nói tới chuyện hợp thức hóa nữa. Mình cứ sống với nhau một cách tự do, thoải mái, bất chấp dư luận, bất chấp cả những người chung quanh. Như vậy em chịu chưa ?» 
«Tất nhiên là em chịu quá đi ấy chớ.»
Hai người vừa cười vừa hôn nhau đắm đuối.

                                             Chương 6

Sau khi trông thấy vợ con Chánh ở phi trường hôm đi đón, Vân Dao liền có nhiều cảm tình với người đàn bà bị nàng cướp chồng. Nàng đã đọc tất cả những giấy tờ liên quan đến bà ta và hai con, nên biết bà tên là Phương, Nguyễn Thị Phương một cách đơn giản và hoàn toàn Việt Nam. Bà không đẹp, nhưng rất có duyên, nhất là miệng cười với lúm đồng tiền bên má trái. Hai hàm răng bà thật đều và trắng như những người Mỹ đã niềng. Nàng bỗng thấy mình có tội. Người đàn bà dễ thương như thế mà nàng nỡ phá vỡ hạnh phúc của người ta. Lương tâm nhà giáo của nàng làm nàng khó chịu, bực bội. Nhưng khi nhìn Chánh ôm vợ, nàng cũng khó chịu, bực bội không kém. Bà Chánh tỏ vẻ rất sung sường được gặp lại chồng. Bà cười nói luôn miệng, không có vẻ mệt mỏi. Trong khi đó, hai đứa con trai của bà đều uể oải, bơ phờ. Nhìn bà, nàng cũng thấy vui lây, dù lòng vẫn man mác buồn.
Khi vợ chồng Chánh và hai con sắp đi qua chỗ nàng đứng, nàng vội quay mặt đi và bước nhanh vào một tiệm bán báo và đồ kỷ niệm. Sở dĩ nàng phải tránh mặt vì Chánh đã dặn đi dặn lại nàng không nên ra phi trường vào ngày ông đi đón vợ con. Nhưng nàng tò mò muốn biết mặt bà Chánh. Xem hình, nhất là những hình chụp để làm hồ sơ bảo lãnh, không thể biết rõ được. Bây giờ nàng đã nhìn tận mắt, chỉ đứng cách tình địch có một quãng ngắn. Nhưng có điều lạ là đáng lẽ nàng phải ghen, phải ghét, lại có nhiều cảm tình với bà. Chính nàng cũng nhận thấy mình là người bất thường. Hay nàng chỉ biết ơn và muốn trả ơn Chánh, chứ không thật lòng yêu ? Quả thật nàng không biết rõ chính mình nữa.
Khi biết chắc gia đình Chánh đã đi xa, Vân Dao mới dám ra khỏi tiệm. Tuy thế, nàng vẫn cẩn thận nhìn trước ngó sau rồi mới đi về phía bãi đậu xe. Từ phi trường về nhà nàng cũng khá xa, gần một tiếng chạy trên xa lộ. Nghĩ tới căn nhà đang ở, nàng không khỏi buồn vì không có Chánh ở chung. Khi biết chắc ngày vợ con tới Mỹ, Chánh phải thuê nhà khác và dọn đi. Mới đầu Vân Dao nghĩ rằng nàng và hai con nên dời khỏi căn nhà ấy. Nhưng sau khi hai người suy nghĩ và bàn bạc kỹ, đi đến kết luận là Chánh nên đi ở chỗ khác vì hàng xóm từ lâu vẫn nghĩ hai người là vợ chồng, bây giờ lại thấy bà Chánh thay thế Vân Dao, sẽ ngạc nhiên và thắc mắc. Biết đâu chẳng có kẻ hỏi thẳng bà Chánh và nói đến chuyện Vân Dao và hai con nàng ở chung với Chánh. Lúc đó chắc chắn sẽ có nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Dù đã có ý định ly dị vợ để chính thức sống với Vân Dao, Chánh cũng không muốn làm bà Chánh buồn khi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ. Căn nhà mới của Chánh ở một khu cách nhà Vân Dao đang ở khá xa để khỏi tình cờ gặp lại hàng xóm cũ.
Hai người chỉ tính xa nhau một thời gian ngắn, rồi sau khi giải quyết xong chuyện gia đình, Chánh sẽ lại về ở chung với mẹ con Vân Dao. Bây giờ, nàng không còn muốn như vậy nữa. Nàng muốn trả Chánh về cho gia đình ông, vì bà Chánh xứng đáng được tiếp tục hưởng hạnh phúc sau một thời gian bị ngắt quãng. Nàng không muốn là một kẻ làm người khác đau khổ, vì nàng đã từng trải nhiều đau khổ. Nàng vốn là người hiền lành, chưa bao giờ làm hại bất cứ ai. Nàng đã từng bị người ta hành hạ, điêu đứng, nhưng nàng không oán giận vì cho rằng mình đang trả cái nghiệp kiếp trước. Theo sự hiểu biết nông cạn của nàng về đạo Phật thì nghiệp là nợ, mà khi vay nợ thì phải trả cho hêt. Bây giờ nếu nàng làm cho bà Chánh và hai con bà đau khổ vì mất chồng, mất cha, thì nàng đã gây thêm một cái nghiệp khác để sẽ phải trả trong những kiếp sau. Kiếp này đã nhiều đau khổ, buồn phiền chưa đáng sợ hay sao mà gây nghiệp chướng cho kiếp sau ? Nàng vẫn thầm tự nhủ như vậy. Nhưng lần này nàng sợ nghiệp chướng thì ít mà có cảm tình với mẹ con bà Chánh thì nhiều. Kể cũng là một điều kỳ lạ, vì chẳng ai lại đi thương tình địch cả. Ai thì cũng tìm cách hành hạ hoặc loại trừ tình địch, chỉ có nàng là muốn bênh vực.
Buổi tối, khi đã khá khuya, Chánh gọi điện thoại cho nàng. Ông hỏi thăm nàng và hai đứa nhỏ. Khi ông nói tới chuyện trở về với nàng, nàng ngập ngừng đáp :
“Em…Em nghĩ rằng…chúng ta nên chia tay nhau từ bây giờ…”
Chánh liền ngắt lời nàng :
“Cái gì ? Em vừa nói cái gì ? Chia tay là thế nào ? Em có điên không đấy ?”
Vì đã sửa soạn tinh thần từ trước, nàng bình tĩnh đáp :
“Sáng nay, em đã trông thấy chị ở phi trường và em…em thương chị và hai cháu
quá…Vì vậy, em nghỉ rằng chị và các cháu cần có anh ở bên cạnh…”
Chánh có giọng hơi bực bội :
“Anh đã dặn em không nên ra phi trường mà.”
Nàng thản nhiên nói một cách thật thà :
            “Thì em cũng tò mò muốn biết chị thật sự ở ngoài ra sao…Em thấy chị dễ
thương quá nên có rất nhiều cảm tình…không nỡ làm chị đau khổ vì mất anh.”
Chánh lặng đi một lúc, rồi ấp úng :
“Nhưng…nhưng bây giờ…anh chỉ yêu có em thôi…”
            “Em yêu anh mà cũng thương chị lắm…”
Chánh lại có giọng bực tức :
  “Chỉ tại em không nghe lời anh thôi.”
  Nàng dịu dàng công nhận  :
  “Dạ, em có lỗi đã trái lời anh.  Nhưng may mà em tò mò, chớ không em sẽ có thể làm một người dễ thương như chị đau khổ.”
  Có tiếng thở dài ở đầu dây bên kia :
  “Em điên rồi !”
  “Không, em tỉnh lắm, anh à. Vì tỉnh nên em mới biết em đang làm một việc rất phải, rất đúng. Em không thể cướp chồng một người như chị được.”
  “Em chả cướp chả giật ai hết. Anh yêu em, yêu tha thiết.”
  “Em cũng biết như vậy và em cũng yêu anh không kém. Nhưng em còn biết thêm một điều nữa là chị cũng yêu anh lắm. Trưa nay, nhìn chị cười với anh và nhìn đôi mắt chị đắm đuối nhìn anh thì em biết chị còn yêu anh lắm.”
  Ngưng một lát khá lâu, Chánh khẽ thở dài, nói :
  “Anh phải gặp em mới được. Lúc nào em rảnh ?
  “Với anh, lúc nào em cũng rảnh. Nhưng bây giờ thì anh kẹt rồi.”
  “Anh chả kẹt gì hết. Lúc nào anh muốn đi là đi, muốn về là về…Một tiếng nữa anh sẽ gặp em.”
  “Dạ, em đợi. Nhưng xin anh lái xe cẩn thận nhé. đừng vội vàng, hấp tấp quá. Buổi tối vắng vẻ, người ta hay chạy ẩu lắm đó.”
  Sau khi nói chuyện với Chánh, Vân Dao vội vàng đi tắm. Ðó là thói quen của nàng trước mỗi lần ân ái với Chánh. Nàng biết thế nào ông cũng ép nàng phải chiều ông, nhất là khi hai người vừa có chuyện xích mích.  Nàng nghĩ rằng sự chiều chuộng không có nghĩa là lại trở về với nhau như trước. Cắt đứt ngay có thể gây nhiều thiệt hại không lường trước được.
  Nàng lên giường nằm chờ đợi sẵn vì Chánh sẽ vào thẳng phòng ngủ với nàng. Ông còn giữ chìa khóa nhà nên nàng không phải đợi để mở cửa.
  Nằm suy nghĩ miên man những chuyện vừa xảy ra trong ngày, nàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Nàng chỉ tỉnh dậy khi trời đã sáng rõ, nắng đã lùa qua cửa sổ làm nàng lóa mắt. Phải mất mấy giây nàng mới nhớ lại cuộc hẹn hò với Chánh đêm qua. Nàng ngạc nhiên vì không thấy ông tới. Ðèn ở góc phòng vẫn sáng, chứng tỏ nàng đã ngủ quên. Nhìn đồng hồ, thấy đã gần 6 giờ, nàng nhớ ngay đến bữa điểm tâm của hai con, tạm quên đi sự vắng mặt của Chánh. Nàng cho rằng ông đã đổi ý vì bận lo cho vợ con. Nàng chỉ thoáng buồn, không giận, cũng không bực mình.
  Khi các con ngồi vào bàn ăn, nàng mở máy truyền hình để coi tin tức. Nhưng nàng cũng không chú ý mấy đến tin tức mà chỉ nói chuyện với hai con vế trường học và bạn bè của chúng. Bỗng con Vân Hà nói lớn :
  “Má, một người Việt Nam đêm qua bị tai nạn chết trên xa lộ.”
  Lúc đó nàng mới nhìn vào máy truyển hình. Nhưng nàng chưa kịp nghe lời xướng ngôn viên, thằng Phong đã thốt kêu :
  “Người bị nạn tên là Chánh…Có phải bác Chánh mình không, hả má ?”
  Vừa lúc đó, màn hình xuất hiện một bức hình của người bị nạn.  Vân Dao hét lớn  “Chánh !” rồi vùng đứng lên, chạy đến sát màn hình coi cho rõ hơn. Khi biết chắc là Chánh, nàng bật khóc.Hai con nàng cũng òa khóc theo. Dù vậy, chúng cũng không quên giờ đi học. Nếu không đón xe buýt nhà trường đúng giờ, đúng địa điểm chúng có thể bị lỡ một buổi học. Trong khi đó, Vân Dao vẫn vừa sụt sùi vừa cố nghe xướng ngôn viên tả lại tai nạn hồi đêm. Chánh bị một người say rượu lạc tay lái, băng qua làn ranh giữa, đụng rất mạnh khiến cả hai cùng chết ngay. Theo cảnh sát, xe của người say rượu chạy quá nhanh, hơn 100 dậm một giờ, trong khi Chánh giữ đúng tốc độ cho phép. Nghe xong, nàng ngồi phệt xuống thảm ôm mặt khóc nghẹn ngào. Nàng tự hỏi có phải nàng đã gián tiếp giết Chánh vì đã cho ông biết ý định cắt đứt của mình ? Chính vì ý định đó ông mới hấp tấp nửa đêm đi tìm nàng. Tại sao nàng không chờ đợi dịp nào thuận tiện hơn để thông báo ?
  Khi cơn xúc động nguôi đi phần nào Vân Dao chợt nhớ tới vợ con của Chánh. Ba người vừa đến Mỹ hôm qua, chưa trọn một ngày, đã phải chịu một cái tang đau đớn. Nàng càng hoảng sợ hơn khi nhận ra rằng ba mẹ con bà không có người giúp đỡ để giải quyết nhiều việc cấp bách, từ đám tang ông Chánh đến các thủ tục mới nhập cảnh. Nàng nghĩ nàng có trách nhiệm phải giúp đỡ bà, dù sao nàng cũng đã ở Mỹ đủ lâu để có thể lo chu đáo mọi chuyện..
Vân Dao phân vân không biết nên tự giới thiệu thế nào với bà Chánh. Sau một hồi suy tính, nàng quyết định cho bà biết nàng là bệnh nhân tâm thần khi đến đảo Galang và đã được ông chữa khỏi. Rồi khi sang Mỹ hai người vẫn liên lạc với nhau. Chỉ đến đó thôi để gây lòng tin của bà. Thật ra, bất cứ ai lúc này đến giúp đỡ, bà Chánh cũng tin hết vì bà và hai con vừa mới chân ướt chân ráo đến Mỹ đã bị bơ vơ.
Khi đã quyết định, Vân Dao gọi điện thoại đến ngân hàng, nơi nàng đang làm việc, để cáo bệnh, xin nghỉ ba ngày liền.
Nàng đã đên nhà mới của ông Chánh mấy lần nên thuộc đường. Nàng nghĩ rằng nàng không cần gọi điện thoại trước vì chắc chắn bà Chánh không biết nàng là ai.
Khi Vân Dao gõ cửa, chính bà Chánh ra mở. Tim nàng nhói đau trước vẻ mặt bơ phờ và đôi mắt đỏ hoe của bà. Như vậy là bà đã biết tin chồng chết vì tai nạn đêm qua. Nàng rụt rè tự giới thiệu tên và sự liên hệ giữa nàng với Chánh. Như đã dự tính trước, nàng chỉ cho biết nàng là bệnh nhân cũ của Chánh và coi ông như một ân nhân. Bà ngơ ngác, lo sợ hỏi nàng muốn gì ? Vẻ mặt của bà càng khiến nàng xót xa trong lòng. Nàng liền nắm lấy tay bà, thân mật nói :
“Chị ơi, em đến giúp chị đây…Em biết chị gặp khó khăn nên đánh liều đến làm quen với chị để giúp chị lo mọi việc.”

Bà Chánh vẫn có vẻ e ngại, ấp úng hỏi :
“Bà…bà…giúp tôi…làm gì ?”
Nàng bước hẳn vào nhà, rồi đóng cửa lại. Thấy vẻ hoảng sợ của bà, nàng trấn an :
“Chị đừng lo, em chỉ muốn giúp chị và hai cháu thôi, vì em biết chị mới tới Mỹ hôm qua…Chắc chị đã biết tin anh gặp tai nạn hồi đêm ?”
“Dạ, sáng nay cảnh sát mới báo cho tôi biết…Nhưng bà…”
Vân Dao liền ngắt :
“Chị cứ coi em như em, kêu bàng cô cho thân.”
“Nhưng…nhưng…”
“Em đã nói chị đừng ngại chi hết, em đến đây với tất cả tấm lòng thành thật và quý mến, không hề có ý xấu nào. Xin chị hiểu cho như vậy.”
“Bà…bà…làm tôi khó nghĩ quá.”
“Có gì khó nghĩ đâu, chị. Trước kia anh đã giúp em khỏi bịnh, bây giờ em giúp chị trong lúc khó khăn này là bổn phận của em. Chị đừng thắc mắc gì hết. Chị phải để em giúp vì chị đã quen biết ai ở đây đâu. Nhiều chuyện phải lo lắm. Chuyện quan trọng đầu tiên là đám tang của anh, rồi đến những thủ tục cần thiết cho việc định cư của chị và hai cháu.”
Nhắc tới cái chết bất ngờ của chồng, bà Chánh lại ôm mặt nức nở khóc. Vân Dao cũng không cầm được nước mắt, nghẹn ngào nói :
“Thôi, chị Phương ạ, chẳng qua tại số cả.”
Bà Chánh tỏ vẻ ngạc nhiên, nhìn Vân Dao chằm chặp, hỏi :
“Bà biết tên thật của tôi ?”
Vân Dao đáp ngay :
“Thì em đã nói với chị là em thân với anh nên khi anh làm giấy tờ bảo lãnh cho chị và hai cháu, em có được đọc. Hôm qua, em cũng ra đón chị ở phi trường mà chị không biết đấy.”
Bà Chánh nhìn Vân Dao với vẻ mặt nghi ngờ, định nói gì, nhưng lại thôi. Vân Dao là người tinh ý nên hơi chột dạ trước cái vẻ nghi ngờ ấy. Nhưng nàng làm lơ, nói :
“Bây giờ mình phải bắt tay ngay vào việc mới kịp.”
Nói xong, nàng đi thẳng vào phòng ăn ở cạnh bếp, đặt bóp lên bàn ăn như một người đã quen thuộc với căn nhà này. Bà Chánh càng có vẻ ngạc nhiên hơn, nhưng vẫn giữ im lặng.

                                             Chương 7

Vàn Dao không ngờ mọi chuyện lại được giải quyết mau lẹ ngoài mong ước của nàng. Sau khi nghe nàng trình bày, một nhân viên sở xã hội liên lạc ngay với cảnh sát để biết thêm tin tức về cái chết của Chánh đêm hôm trước. Ngòai ra, nàng cũng giúp bà Chánh trình mọi giấy tờ bảo lãnh cho sở xã hội cứu xét. Thông cảm hoàn cảnh khó khăn và đau đớn của bà, người ta liền cử một nhân viên lo hết mọi việc, từ đám tang đến việc trợ cấp. Không những thế, ba mẹ con bà còn được nhà nước tài trợ viêc mướn nhà. Một người bình thường nếu nộp đơn xin hưởng chương trình này cũng phải chờ đợi ít nhất hai năm. Công ty cho thuê nhà chấp thuận ngay chương trình tài trợ. Người ta cũng lo xin học cho hai con của bà. Như vậy, mọi việc trôi chảy tốt đẹp quá sự mong ước của mọi người. Phải chăng Chánh đã phù hộ cho vợ con ? Ông chết bất đắc kỳ tử nên linh thiêng ? Nàng không mê tín dị đoan, nhưng cũng phải tin rằng có một sự giúp đỡ thần bí nào đó. Mới đầu nàng dự tính sẽ phải xin nghỉ làm thêm một tuần sau ba ngày cáo bệnh. Nhưng chỉ mới hai hôm, sở xã hội đã cử người phụ trách mọi việc giúp bà Chánh. Rất may là trước khi đi Mỹ, ba mẹ con bà đã ráo riết học tiếng Anh. Vì thế, bà có thể tạm nói chuyện với nhân viên sở xã hội. Thỉnh thoảng mới phải bút đàm. Trước năm 1975, bà là một dược sĩ nên vốn hiểu biết của bà về sinh ngữ cũng tương đối cao.
Bà Chánh quyết định hỏa thiêu xác chồng, rồi đem tro cốt gửi ở một ngôi chùa Việt Nam trong vùng. Khi mọi việc đã xong xuôi, bà hỏi ý Vân Dao về việc đi học để lấy lại bằng dược sĩ. Nàng nồng nhiệt tán thành ý kiến này. Bây giờ hai người đã trở thành một đôi bạn khá thân. Có chuyện gì bà cũng hỏi ý kiến và bàn với Vân Dao. Mới đầu bà còn gọi nàng bằng chị, nhưng nàng cho biết tuổi nàng chỉ đáng là em thôi nên coi bà như chị. Một hôm, bà chợt hỏi :
“Cô với nhà tôi liên hệ với nhau thế nào ? Có người nói với tôi…cô và nhà tôi…ở chung một nhà. Có đúng không ?”
Vì đã đè phòng và sửa sọan trước, nàng bình tĩnh kể lại chuyện vượt biên của nàng. Khi gặp Chánh, nàng đang bị bệnh tâm thần và được ông tận tình chữa trị nên đã trở lại bình thường một cách mau chóng. Từ đó, nàng coi ông là ân nhân đã cứu sống nàng. Nên giao tình rất thân mật. Tất nhiên nàng giấu việc hai người sửa soạn chính thức lấy nhau khi ông đã lo tròn bổn phận với ba mẹ con bà. Nghe xong, bà nhìn nàng đăm đăm, khẽ thở dài :
“Các cụ ngày xưa nói thế mà đúng. Hồng nhan đa truân hay hồng nhan bạc mệnh…Cô xinh đẹp, duyên dáng thế này, đời phải gặp nhiều đau khổ.”
Nàng nhìn bà, rồi nói :
“Chị cũng xinh đẹp, duyên dáng chớ bộ,”
Ngừng một chút, nàng nói thêm :
“Chắc hồi chị trẻ cũng có nhiều người theo đuổi ?”
Bà cười nhỏ nhẹ :
“Hồi còn học trung học, cũng có một vài người. Nhưng từ khi họ biết tôi đã yêu nhà tôi thì không còn ai nữa. Lúc đó, nhà tôi đang học y khoa.”
Nhắc đến chồng, bà lại nước mắt ràn rụa khiến Vân Dao cũng xót xa trong lòng. Chính nước mắt nàng cũng muốn trào ra, nhưng nàng phải cố nuốt vào lòng. Nàng vẫn có mặc cảm là chính nàng gây nên cái chết của ông Chánh. Nếu nàng không ngỏ ý đọan tình thì ông đâu có hấp tấp tìm gặp nàng để đến nỗi bij tai nạn giữa đường.
Bà Chánh cố nén xúc động, lau nước mắt, sụt sùi nói :
“Nếu nhà tôi mất trước khi tôi sang Mỹ, tôi ở lại quê nhà có khi lại hay hơn. Ở đó tôi có nhiều bà con, bạn bè, đỡ cô đơn và tủi thân hơn. Xứ lạ quê người lại mới chân ướt chân ráo tới với hai bàn tay trắng, cái gì cũng phải nhờ vả người ta, tôi thấy tủi thân quá. Tôi chắc chả có ai gặp hòan cảnh đau khổ như tôi lúc này.”
Vân Dao thở dài :
“Dạ, em cũng thấy trường hợp của chị rất đặc biệt…Nhưng em nghĩ chị vẫn còn may hơn em rất nhiều. Theo em, sự sống chết của con người đều có số…”
Vân Dao có cảm tưởng như nàng vừa tự an ủi chính mình.
Bà Chánh bỗng nắm nhẹ tay Vân Dao, dịu dàng nói :
“Thôi, chuyện đã qua, mình cũng nên quên đi. Tất cả dân miền Nam sau 30 th áng 4 năm 75 đều là nạn nhân hết. Chị em mình đâu có thể tránh khỏi. Bây giờ tôi đề nghị mình kết làm chị em cho thân. Tôi tin rằng nếu nhà tôi ở bên kia thế giới mà biết được chắc sẽ vui khi thấy mình thành chị em.”
Vân Dao không ngờ bà lại dễ dãi như vậy nên vui vẻ nhận lời ngay :
“Dạ, nếu chị thích, mình là chị em từ bây giờ. Chị hơn tuổi, làm chị.”
Bà Chánh cười :

“Tôi không biết tuổi cô, nhưng tôi nghĩ tôi hơn cô…”

“Dạ, chị hơn em 5 tuổi. Khi anh làm giấy tờ bảo lãnh cho chị và hai cháu, em cũng được đọc qua.”
“Vậy thì từ nay cô cứ kêu tôi là Phương cho thân nhé.”
“Chị cho phép, em xin nghe lời.”
Vân Dao không ngờ câu chuyện lại được giải quyết một cách êm đẹp và nhanh chóng như vậy. Ðiều đó chứng tỏ bà Chánh là người hiểu rộng, biết điều. Chồng đã chết, có ghen, có giận cũng chả làm gì được Vân Dao, lại còn mất một người bạn có thể nhờ cậy khi vừa mới lạc tới xứ lạ quê người.
Trong khi đó Vân Dao vẫn có mặc cảm là mình đã gián tiếp gây nên cái chết của ông Chánh. Muôn chuộc cái lỗi ấy, nàng hết lòng giúp đỡ bà Chánh trong khả năng của mình. Nàng cho bà tập lái xe hơi lại, vì trước khi cộng sản chiếm miền Nam bà đã từng lái xe. Vôn là một người thông minh nên chỉ trong môt thời gian ngắn bà lấy được bằng lái xe một cách dê dàng. Nhưng dù có bằng lái, bà vẫn phải dùng xe búyt để di chuyển, vì làm gì có tiền mua xe, dù là xe cũ. Như vậy bà cũng thấy vui rồi, vì đã có sự tiến triển trong cuộc sống mới ở xứ lạ quê người.
Bỗng một hôm bà Chánh nhận được thư của một hãng bảo hiểm xe hơi, cho biết họ sẽ bồi thường cho bà một số tiền. Bà ngạc nhiên lắm, vội gọi ngay cho Vân Dao để báo tin và hỏi ý kiến. Chính Vân Dao cũng ngạc nhiên vì nàng chưa có kinh nghiệm về việc này. Nàng đề nghị bà tiếp xúc với nhân viên sở Xã hội, người đã từng giúp bà lo việc ma chay cho chồng bà. Hôm sau, nhân viên sở Xã hội đến gặp bà và khuyên bà nên kiếm một luật sư để lo vụ này, vì có thể bà còn được nhiều tiền hơn nữa. Rôi chính bà nhân viên xã hội giới thiệu một luật sư Mỹ chuyên về việc bồi thường tai nạn xe cộ. Bà Chánh nhất nhất nghe lời nhân viên xã hội nên cuối cùng bà đã nhận được một số tiền khá lớn.




Vân Dao thấy bà Chánh nhận được nhiều tiền bồi thường thì vui lắm. Mậc cảm phạm tội nhẹ hẳn đi. Thật ra, trong lòng nàng cũng thấy buồn buồn vì bà Chánh nhiều may mắn hơn nàng. Từ ngày chồng nàng chết trong một xó rừng ở miền Bắc Việt Nam, nàng gặp hết không may này đến xui xẻo khác. Cho đến nay, cuộc sống cũng còn chật vật, khó khăn. Nàng không ghen với bà Chánh, nhưng không khỏi buồn cho thân phận mình.
Một hôm bà Chánh đề nghị tặng nàng một món tiền để đổi xe hơi mới, nàng liền quyết liệt từ chối, viện cớ xe của nàng tuy cũ nhưng còn tôt và điều quan trọng hơn hết là nàng rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Quả thật, sau bao nhiêu biến cố dồn dập từ khi chồng qua đời, nàng thấy ba mẹ con nàng lúc này đã tạm ổn định, nên không ham muôn gì hơn nữa. Nàng có việc làm chắc chắn, tuy lương không cao nhưng cũng có bảo hiêm sức khỏe và hai con nàng ngày ngày được đến trường học. Chúng chăm chỉ, ngoan ngoãn. Như vậy là hạnh phúc rồi so với cuộc sông bị vùi dập ở Việt Nam.
            Từ hôm đó bà Chánh dường như giận Vân Dao đã không nhận tiền nên ít liên lạc với nàng. Trước kia, cứ hai ba ngày bà lại gọi cho nàng, bây giờ cả tuần cũng không có một lần nào. Nàng gọi thì bà trả lời nhạt nhẽo cho xong chuyện. Nàng ngạc nhiên về thái độ của bà. Cho tiền là thiện ý của bà, nhưng từ chối cũng là thiện ý của nàng. Nhận tiền, dù là cho, nàng cũng vẫn mang nợ. Nàng không ngờ bà lại hẹp hòi như vậy. Nàng cố gắng liên lạc với bà thêm vài lần nữa mà vẫn thấy bà không niềm nở như trước thì quyết định cắt đứt.

            Nhưng bỗng một hôm bà Chánh tìm gặp Vân Dao. Vào một buổi sáng Thừ Bảy. Bà đến nhà nàng mà không gọi dây nói báo trước. Nàng ngạc nhiên lắm, nhưng vẫn phải lịch sự đón tiếp bà. Không những thế, nàng còn mời bà cùng ăn điểm tâm với gia đình. Bà không nhận lời, ngỏ ý muốn nói chuyện riêng với nàng vài ba phút, rồi ra về ngay. Thấy vẻ nghiêm trọng của bà, nàng vội mời bà vào phòng ngủ riêng của mình cho kín đáo. Không cần rào trước đón sau, bà vào đề ngay :
            “Tôi biết hết chuyện của nhà tôi với cô rồi. Tôi tình cờ kiếm được một số giấy tờ riêng của nhà tôi, nên biết cô và nhà tôi quyết định lấy nhau sau khi ly dị tôi. Thì ra nhà tôi chỉ vì tương lai của hai đứa nhỏ mà bảo lãnh cho cả ba mẹ con tôi sang Mỹ…”
            Nghe bà nói như vậy, Vân Dao chết lặng người. Vốn là người chân thật, nàng không biết chống chế hay chối cãi thế nào, nên chỉ cúi mặt im lặng.
            “Bây giờ, bà Chánh nói tiếp, tôi chỉ có một thắc mắc là tại sao bỗng dưng nhà tôi bỏ nhà đi giữa đêm để bị tai nạn thê thảm như vậy. Có thể cô biết lý do, cho tôi rõ được không ?”
            Vân Dao ấp úng đáp :
            “Em…em…cũng không  biết tại sao…Sáng hôm sau xem tivi mới…thấy người ta báo tin…”
            Bà Chánh nhìn thẳng mặt nàng, hỏi :
            “Không phải vì nhà tôi định đến với cô sao ?”
            Vân Dao chống chế một cách yếu ớt :
            “Ðâu có…Em có biết gì đâu…”
            “Thôi được, tôi biết vậy đủ rồi…Nhờ chuyện này, lòng tôi bớt hẳn buồn thương… Bây giờ tôi bình tĩnh lo tương lai của tôi và hai cháu.”
            Vân Dao không hiểu bà nói vậy là có ý gì, nhưng không dám hỏi.
            Bà đến đột ngột rồi ra về cũng đột ngột khiến nàng chưng hửng. Nhưng chỉ mấy hôm sau nàng hiểu ý bà. Vào một buôi trưa, nàng gặp bà trong một tiệm ăn Mỹ. Bà trông đổi khác hẳn, trang điểm diêm dúa và ăn mặc đúng thời trang. Trông bà trẻ hẳn ra và khá xinh đẹp. Nàng bước đến gần bà vui vẻ chào, rồi hỏi đùa :
            “Chị có nhận ra em không ?”
            Bà nhoẻn miệng cười thật tươi :
            “Bộ cô tưởng tôi đui sao ? Cô mà tôi không nhận ra thì còn nhận ra ai nữa.”
            “Tại thấy chị thay đổi nhiều quá nên em tưởng chị…thay đổi cả về tình cảm, không nhận ra người quen cũ nữa….Chị đẹp quá, chị à.”
            Bà nghiêng đầu nhìn nàng rồi nói :
            “Cô trang điểm thì cũng chẳng thua kém ai hết. Tại cô cứ để xập xệ nên trông già đi  đấy thôi.”
            Ngừng một chút, bà tiếp :
            “Mình không thương mình thì cũng chẳng ai thương mình hết….Ðời ngắn ngủi lắm, tội gì mà tự đầy đọa thân mình.”
            Vân Dao hiểu giọng chua cay của bà. Nàng rụt rè hỏi :
            “Chị…Chị có tính gì cho…tương lai của chị không ?”
            Bà đáp ngay :
            “Phải tính chớ. Tôi sẽ làm lại cuộc đời tôi. Trước hết, tôi phải đi học để lấy lại bằng dược sĩ.  Tôi nghe nói cũng không khó lắm, vấn đề quan trọng là tiếng Anh, không phải chuyên môn. Tôi tin tôi có thể học xong trong một thời gian ngắn.”
            “Dạ, em biết khả năng của chị, cả về chuyên môn lẫn sinh ngữ. Chúc chị sớm đạt được ý nguyện.”
            Sau khi cảm ơn nàng, bà nói thêm :
            “Cả cô nữa, cô có thể đi học lại để có một tương lai tốt đẹp hơn.”
            Nàng cười buồn, đáp :
            “Hoàn cảnh em khác chị…Em gặp nhiều gian truân lắm, không như chị đâu… Ðược thế này cũng là hên lắm rồi….Bây giờ em chỉ nghĩ tới tương lai của hai cháu thôi.”
            Bà Phương gật đầu :
            “Ðúng là mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai.’
            Sau khi nói chuyện với bà Phương, Vân Dao cũng cảm thấy hơi buồn. Nàng không ghen với bà nhưng thương cho thân phận mình. Nàng thầm tự hỏi không biết có ai gian truân như nàng không ? Từ ngày “đổi đời”, nàng cũng như đa số dân miền Nam trải hết đau khổ này đến tang thương khác. Nhưng có lẽ nàng là người đau khổ nhất. Cho đến nay, với cuộc sống hẩm hiu, tầm thường nhưng yên ổn, nàng cũng đã bằng lòng lắm rồi vì biết tương lai con nàng có bảo đảm. Chúng nó bây giờ ngày ngày đến trường học hành ngoan ngoãn. Chúng không phải là những học sinh xuất sắc, nhưng cũng vào loại trên trung bình. Thế cũng đáng mãn nguyện rồi.

                                                          Chương 8
    Một hôm Vân Dao gặp một bà già Á Ðông ở môt chợ Mỹ. Bà nhìn nàng đăm đăm rôi tiến lại làm quen. Bà hỏi bằng tiếng Mỹ bập bẹ có phải nàng là người Việt Nam không ? Nàng bèn trả lời bằng tiếng Việt :
            “Dạ, cháu là người Việt.”
            Bà mừng rỡ, vui vẻ reo lên :
            “Hay quá ! Bác trông thấy cháu xa xa mấy lần, hôm nay mới lại gần cháu. Nhìn dáng dấp cháu bác cũng nghĩ rằng cháu là người Viêt. Vùng này cũng không có nhiều người Việt nên dễ nhận ra nhau. Cháu ở đây lâu chưa ?”
            Thấy bà cởi mở, Vân Dao cũng vui vẻ đáp :
            “Cháu ở đây lâu rồi, thưa bác. Sao cháu không gặp bác bao giờ vậy ?”
            “Gia đình bác mới tới vùng này có một thời gian ngắn thôi. Thằng con bác mới có việc làm ở đây, chưa đầy một tháng.”
            Vân Dao rụt rè hỏi :
            “Trước bác ở tiểu bang nào ?”
            “Cali, cháu ạ, Tên bác là Bảo, cứ kêu tên cho tiện.”
            “Dạ, cảm ơn bác. Xa quê mà được gặp người đồng hương thì không còn gì thích hơn nữa, bác nhỉ.”       

            Bà Bảo mỉm cười :
            “Cháu nói đúng. Bác thấy cháu nói chuyện hợp lý và vui lắm nên rât mến. Cháu có thê cho bác biêt nhà để lúc nào bác tới thăm không ?”
            Không ngân ngại, Vân Dao liền mở bóp lấy bút và giấy ghi địa chỉ và số điện thoại cho bà ngay :
            “Lúc nào rảnh, mời bác tới chơi. Cháu ở với hai cháu nhỏ.”
            Bà Bảo hứa cuối tuần sẽ đến thăm Vân Dao.
            Thứ bảy, bà đến thật, đến rất sớm, không gọi dây nói báo trước như người ta vẫn làm, đên bất thình lình khi Vân Dao mới ngủ dậy, đang sửa sọan bữa điểm tâm cho các con. Bà đi với một người đàn bà trẻ mà nàng đóan là con gái. Nhưng ngay sau đó, bà giới thiệu là con dâu. Mới thoáng nhìn, nàng đã có cảm tình ngay với con dâu bà Bảo. Cô không đẹp, nhưng hiền lành và duyên dáng, có nụ cười rất tươi với hai hàm răng trắng nuột và đều. Bà gọi cô là Huyền. Thoạt tiên, Vân Dao tưởng Huyền là tên chồng cô, một lát sau, mới biết đó là tên của cô. Ngày nay, ở hải ngoại, nhiều gia đình không gọi con dâu bằng tên chồng mà dùng tên thât của người đàn bà.
            Biết hai người chưa ăn sáng, Vân Dao làm thêm món ăn rồi mời cùng ngồi vào bàn cho vui. Trong câu chuyện, nàng biết Huyền lấy chồng đã lâu nhưng chưa có con. Hình như cô bị bệnh vê buồng trứng sao đó nên không thể sinh đẻ được. Nàng không tò mò chuyện người khác nên không hỏi kỹ.
            Sau khi hai mẹ con bà Bảo ra về, Vân Dao  hơi thắc mắc về cuộc viếng thăm bất ngờ của họ. Với mục đích gì ? Bà Bảo cũng chỉ mới gặp nàng có một lần mà đã vội đưa con dâu đến thăm. Nhưng thắc mắc ấy cũng chỉ thoáng qua, rồi công việc hàng ngày khiến nàng quên đi ngay.
            Tối Thứ Sáu tuần sau, nàng bỗng nhận được điện thoại của Huyền, hẹn sẽ đên thăm nàng vào trưa Thứ Bảy và mời nàng đi ăn. Nàng ngạc nhiên về sự thân mật nhanh chóng ấy. Sau một vài giây suy nghĩ, nàng mời Huyền tới chơi nhưng từ chối ăn trưa, viện lẽ đã nhận lời mời của người khác. Quả thật, nàng hơi khó chịu về sự thân mật của người bạn mới quen biết. Hay Huyền có chủ ý gì mà nàng không hay ? Trong đời, nàng đã gặp nhiều gian truân, bất hạnh nên thường e ngại, nghi ngờ, chả còn tin ai được nữa.

            Huyền không đến một mình mà có một người đàn ông đi cùng. Cô giới thiệu là anh bà con, tên Trọng. Vân Dao tiếp họ một cách lịch sự nhưng lạnh nhạt. Sau vài phút nói chuyện nàng hơi ngạc nhiên về sự thân mật quá đáng giữa Huyền và Trọng. Nhưng vốn là một người chân thẫt, hiền lành, nàng cũng quên ngay sau khi chia tay với họ.
            Sáng chủ nhật, Vân Dao dậy sớm, sửa sọan đưa các con đi chơi thì nghe tiếng gõ cửa. Nàng rất ngạc nhiên vì khách đến quá sớm, lại không báo trươc. Nàng rón rén bước đến sát cửa, nhìn qua lỗ kính nhỏ, nhận ra Trọng. Nàng bỗng nổi cơn giận, phân vân không biết có nên mở cửa hay để mặc Trọng đúng chờ bên ngoài ? Rôi, vì bản tính hiền lành, nàng không nỡ xử tê với ai, đành mở hé cửa, ló đầu ra hỏi :
            “Ông có chuyện gì mà đến sớm vậy ?”
            Trọng liền đáp :
            “Tôi muốn mời Dao và các cháu đi àn sáng với tôi.”
            Giọng nói quá thân mật của hắn khiến nàng vừa bực mình vừa khó chịu. Rõ ràng là hắn muốn tỏ tình với nàng. Tuy thế nàng vẫn cố nén giận trả lời :
            “Thưa ông, tôi bận lắm, không thể đi bất cứ đâu với ông được.”
            Nói xong, nàng đóng cửa lại ngay trước vẻ mặt chưng hửng của Trọng. Nàng thầm tự hỏi tại sao hắn lại táo bạo như vậy ? Rõ ràng nàng hơn hắn cả chục tuổi, đáng mặt chị hai của hắn. Nhìn qua lỗ kính, nàng thấy hắn lủi thủi bỏ đi. Nàng thở phào nhẹ nhõm. Không hiểu nghĩ thế nào, nàng vào ngay phòng tắm, mở đèn sáng choang, ngắm mình trong tấm gương lớn. Thì ra nhan sắc của nàng chưa đến nỗi tàn phai. Trong thời gian gần đây, vì cuộc sống đã tạm ổn định, ít có chuyện lo nghĩ, buồn bực, các con ngoan ngoãn học hành, vẻ mặt nàng đã tươi vui hơn trước, trông cũng trẻ lại. Phải chăng vì thế mà Trọng tưởng nàng ít tuổi hơn hắn ? Nhưng lý do thât của cuộc tỏ tình này mãi hai tuần sau nàng mới biết khi gặp bà Phương.
            Vừa trông thấy nàng, bà Phương tủm tỉm cười hỏi :
            “Cô mới có một cậu tỏ tình, phải không ?”
            Nàng ngạc nhiên hỏi lại :
            “Ủa ! Sao chị biết ? Cậu ấy còn con nít mà thích…”
            Nàng bỏ lửng, nhưng bà Phương đã tiếp ngay :
            “…chơi trèo, phải không ?”
            Nàng đỏ mặt, im lặng. Bà Phương bước lại gần nàng thêm chút nữa, hỏi nhỏ :
            “Cô có biết mục đích của vụ chơi trèo này không ? Bà Bảo, mẹ cậu ta, mới tiết lộ cho tôi hay. Vợ thằng nhỏ không thể có con được nên nó muốn nhờ cô sanh cho một đứa…Nghĩa là họ coi cô như một cái máy…sản xuất tý nhau.”
            Vân Dao đỏ bừng mặt, vừa giận vừa buôn cười vì câu nói đùa của bà Phương. Một lát sau, nàng nói :
            “Nếu vậy, nó chọn lầm người rồi…Em đâu có sanh được nữa…”
            “Ủa !” Bà Phương tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tại sao vậy ?”
            “Em tưởng chị biết từ lâu rồi chớ. Em cắt dạ con rồi mà.”
            “Có ai cho tôi biết đâu. Thiệt vậy sao ?”
            Vân Dao ngập ngừng, rồi tỏ vẻ miễn cưỡng :
            “Em nói riêng với chị thôi nhé…”
            Thấy nàng ngập ngừng, bà Phương liền chặn lại :
            “Nếu không tiện, cô chả cần cho tôi biết cũng được.”
            Thây bà là người lịch sự, tế nhị, nàng cảm mến bà hơn, mỉm cười :
            “Em chỉ nói riêng với chị thôi. Em cắt dạ con rồi…vì khi đi vượt biên em bị hải tặc hiếp nên mắc bịnh phong tình. Chính anh đã chữa cho em ở Galang. Khi được định cư ở Mỹ  em liền xin cắt dạ con.”
            Bà nhìn nàng đăm đăm, rồi hỏi :
            “Cô định lấy chồng nữa hay sao mà sợ có con ?”
            Nàng lắc đầu :
            “Em chả định gì hết, nhưng cuộc đời nhiều bất trắc quá, không thể biêt trươc được. Em là môt cô giáo hiền lành, sống hạnh phúc bên chồng bên con, rồi cộng sản chiếm miền Nam, thế là tan nát hết…”
            Bà Phương khẽ thở dài :
            “Ðúng là tan nát hết…”
            Vân Dao mỉm cười, với giọng nửa đùa nửa thật, nói :
            “Theo em, đó là luật nhân quả, chị ạ…”
            Bà Phương ngạc nhiên :
            “Cái gì mà nhân với quả ?”
            Vân Dao vui vẻ :
            “Em học sử nên em biêt rõ. Tổ tiên mình lấy thịt đè người, àn hiếp nước Chàm, tiêu diệt cả dân tộc Chàm, làm họ điêu đứng, khổ sở suốt bao nhiêu thế kỷ. Bây giờ cộng sản trả thù cho dân Chàm, làm dân Việt muôn vàn khổ nhục, đau đớn….”
            Bà Phương ngẫm nghĩ môt chút, rồi gật đầu :
            “Cô nói cũng có lý. Ác giả ác báo mà. Tôi cũng tin cộng sản là bọn quỷ hiện hình nên ở đâu có nó là dân khổ cực trăm bề.”
            Bà lại nhìn Vân Dao chăm chú, rồi chợt hỏi :
            “Trước cô dạy học, sao bây giờ không đi học làm cô giáo cho đúng nghề của mình như tôi học lại dược vậy ?””
            Vân Dao đáp ngay :
            “Em cũng đã nghĩ tới chuyện đó, nhưng nghề dạy học cần nói nhiều.  Dạy học trò Mỹ, cô giáo phải nói như người Mỹ. Mình là người ngoại quốc, dù nói tiếng Mỹ hay đến mấy cũng không thể bằng người Mỹ chính cống được, vẫn lơ lớ, học trò Mỹ không chịu, nhất là em dạy môn Sử Ðịa.”
            Bà Phương im lặng, cho là nàng nói cũng có lý. Nhưng ngay sau đó, chính nàng lại thầm tự hỏi sao nàng không thể đi học thêm vào những giờ rảnh rỗi. Không học để đi làm cô giáo thì cũng có thể trau dồi thêm tiếng Anh cho vững hơn ? 

            Ngay cuối tuần đó nàng đến một trường đại học cộng đồng để tìm hiểu thêm. Rồi sau khi nghiên cứu kỹ thời khóa biểu của các lớp học, nàng có ý định ghi tên vào một lớp Anh văn dành cho những người đã học xong các lớp ESL. Thật ra, điều quan trọng đói với nàng lúc này là vấn đề ngày giờ, vì nàng đang đi làm toàn thời gian. chứ không phải trình độ. Nàng chỉ có thể học vào hai ngày cuối tuần. Buổi tối nàng phải dành cho các con. Ban ngày mẹ đi làm, con đi học nên phải chia tay nhau từ sáng sớm. Ngoài ra, buôi tối nàng cũng có thể giúp các con làm bài tập ở nhà. Nàng đã là cô giáo trung học nên đủ khả năng giúp đỡ các con, trừ môn Anh văn của thằng con lớn vì nó đang học lớp 11..
            Cuối cùng, vì không biết nên chọn lớp học và giờ giấc thuận tiện nào, Vân Dao quyết định gặp cố vấn. Kết quả của buổi gặp cố vấn là một chuyện bất ngờ với nàng. Viên cố vấn mà nàng mối gặp là một người đàn ông Mỹ trắng, tuổi trạc trung niên. Ngay hôm sau, ông ta đến ngân hàng, nơi nàng đang làm việc, để mời nàng đi ăn trưa. Thế rồi, dù nàng chưa cho biết ý kiến, ông đã hẹn chờ nàng ngoài xe hơi trong bãi đậu xe của ngân hàng. Nàng ngạc nhiên về cái tính độc đoán của ông. Nàng chưa phải là sinh viên của trường ông đang làm cố vấn, nàng cũng chỉ mới gặp ông một lân, chưa quen thân, thế mà ông đã bắt nàng phải đi ăn trưa với ông. Suy nghĩ như vậy, nàng quyết định không gặp ông. Ðể tránh mặt ông, nàng xin về sớm và trình bày sự việc với bà quản lý. 


Bà mỉm cười, nhìn nàng chăm chăm, rồi nói :
            “Cô xinh xắn, duyên dáng thế này, ai mà chả mê.”
            Nàng đỏ mặt, im lặng. Bà là người tốt, dễ thông cảm với nhân viên nên cho phép nàng về sớm. Nhưng, rồi bà thắc mắc :
            “Nếu cô ra bãi đậu xe, ông cố vấn của cô có thể đi theo cô về nhà.”
            Nàng giật mình thấy nhận xét của bà đúng nên tỏ vẻ lúng túng. Ðẻ gỡ rối cho nàng, bà đề nghị :
            “Cô đưa chìa khóa xe của cô cho tôi, rồi cô đi bộ ra trạm xăng gần đây đợi tôi.”
            Nàng mừng rỡ mở bóp lấy chìa khóa xe đưa cho bà. Trước khi đi, bà dặn :
            “Nếu ông ta biết xe cô, đi theo tôi, tôi sẽ chạy thẳng, không ghé trạm xăng. Tôi sẽ giả bộ đi mua bán rồi lại trở về bãi đậu xe. Cô đành đi taxi về nhà vậy.”
            Nàng không ngờ bà lại tính toán chu đáo như vậy nên rất vui.
            Vân Dao đợi ở trạm xăng khoảng 10 phút thì thấy xe mình chạy qua, phía sau không có xe nào theo. Như vậy, ông cố vấn không biết xe nàng. Bà quản lý chạy thêm một quãng xa nữa rồi mới vòng trở lại giao xe cho nàng. Nàng rất cảm động, nắm chặt tay bà và cảm ơn nồng nhiệt.
            Vân Dao vẫn muốn đi học nên có ý định tìm một trường xa hơn. Nhưng nàng chưa thực hiện ý muốn ấy thì ông cố vấn lại đến ngân hàng tìm nàng. Vì ông đến bất ngờ trong khi quầy của nàng không có khách, nàng không thể trốn tránh được. Câu đầu tiên ông nói với nàng là một lời cầu hôn :
            “Tôi đã làm đơn xin ly dị vợ để được cưới cô.”
            Nàng trố mắt nhìn ông mà không thốt nên lời. Chưa bao giơ nàng gặp một chuyện kỳ lạ như vậy. Nàng với ông đã có liên hệ gì đâu, dù rất sơ, mà sao ông đã đòi cưới nàng ? Khi nàng vẫn chưa hết ngạc nhiên, ông trao cho nàng một tấm danh thiếp. Nàng không biết nên phản ứng thế nào nên cứ nhìn ông rồi nhìn tấm danh thiếp. Dù không đưa tay nhận, nàng cũng nhìn rõ tên ông  vì in đậm hơn những hàng chữ khác “John A. Williams”. Bây giờ nàng biết đầy đủ tên ông mà trước kia nàng chỉ biết ông là Williams thôi.
            Vân Dao nghiêm mặt, lắc đầu, nói bằng một giọng cương quyết :
            “Không, tôi không cần danh thiếp của ông. Tôi không muốn liên lạc với ông. Xin ông từ nay đừng làm phiền tôi nữa.” 
            Nói xong, nàng quay ngoắt đi vào trong. Nàng hy vọng lần này ông Williams sẽ không còn đeo đuổi nàng nữa. Nhưng mấy phút sau trở ra, nàng vẫn thấy ông ngồi ở một cái ghế chờ đợi bên ngoài. Nàng bực mình lắm mà không biết làm sao. Nàng cũng không thể trốn ông mãi được, còn bao nhiêu khách đang chờ đợi.
            Hôm sau, ngân hàng vừa mở cửa, nàng phải tiếp ngay một bà khách người Mỹ. Bà nhìn nàng chàm chặp rồi nói :
            “Tôi muốn xem bà xinh đẹp như thế nào mà chồng tôi xin ly dị để lấy bà.”
            Nàng liền nghiêm mặt nói :
            “Bà nên khuyền chồng bà đừng làm phiền tôi nữa. Không bao giờ…Không bao giờ tôi muốn gặp lại ông ấy…Tôi cũng xin nói để bà rõ nếu chồng bà còn làm phiền tôi, tôi sẽ kêu cảnh sát tố cáo ông tội quấy nhiễu.”
            Người đàn bà Mỹ nhìn nàng chăm chăm, rồi gật đầu :
            “Bà nói đúng. Như vậy là chồng tôi phạm tội sexual harassment. Tội này nặng lắm. Vậy thì tôi phải khuyên chồng tôi ngưng ngay, không nên làm phiền bà nữa.”
            Vân Dao vui vẻ :
            “Cảm ơn bà nhiều.”
            “Không, tôi mới là người phải cảm ơn bà. Nhờ bà mà gia đình tôi không bị tan vỡ. Vậy mà mới đầu tôi cứ tưởng bà quyến rũ chồng tôi.”
            Khi người đàn bà Mỹ ra khỏi ngân hàng, Vân Dao thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nàng chợt buồn khi nghĩ rằng mình cứ hay vướng víu chuyện đàn ông. Nàng nhìn trước nhìn sau, không thấy ai ở gần, vội mở bóp lấy gương ra soi. Chính nàng cũng thấy mình còn xinh đẹp, chả trách vẫn có người theo đuổi. Có lẽ, nàng thầm tự nhủ, mình phải bớt trang điểm đi mới được. Nghĩ là làm ngay. Nàng vào toilet rửa mặt thật kỹ cho hết son phấn, rồi chỉ thoa một chút phấn hồng lên hai má và tô một lớp son mỏng lên đôi môi cho mặt đỡ nhợt nhạt.
            Nhưng khi Vân Dao trở lại quầy, người bạn Mỹ bên cạnh ngó nàng chầm chập, rồi tấm tắc khen :
            “Trông You xinh quá ! You không son phấn lại càng có duyên và hấp dẫn hơn.”
            Vân Dao rất ngạc nhiên trước lời khen của bạn.  Nàng ngồi lặng đi một lát rồi chợt nhớ ra việc phải làm, ngẩng lên nhìn bạn và ngỏ lới cảm ơn lời khen. Nàng thầm tự hỏi :”Thế là thế nào ? Không trang điểm lại càng hấp dẫn hơn ?” Rồi nàng nghĩ tới câu nói của người xưa “hồng nhan đa truân”. Thì ra nàng vất vả vì nàng thuộc loại “hồng nhan” ? Làm thế nào bây giờ ?
            Câu hỏi đó ám ảnh nàng nhiều ngày, mãi đến cuối tuần nàng mới nghĩ ra cách giải quyết, đó là tu ! Đúng rồi, nàng thầm nghĩ, mình phải tu, có thể vì kiếp trước mình nặng nghiệp quá. Tu để giải nghiệp và tu không có nghĩa là phải vào chùa, từ bỏ mọi chuyện đời. Các con nàng tuy đã lớn nhưng vẫn cần có nàng bên cạnh. Nàng tự hỏi nàng có nên lập bàn thờ Phật ở nhà rồi ngày ngày tụng kinh gõ mõ không ? Như vậy có phải là tu không ? Rồi nàng tự trả lời : tu khác với thờ Phật. Tụng kinh, gõ mõ mà lòng vẫn còn đủ “tham, sân, si” thì vẫn chưa phải là tu. Nàng là người có học không thể làm theo mấy bà ít học được. Nàng cũng nghĩ tới Thiền và không hiểu Thiền có ích gì cho việc tu thân không ? Nàng đã gặp nhiều nhiều người khoe vẫn thiền hang ngày, nhưng họ vẫn chưa phải là người tốt, vẫn  gây thù chuốc oán với những người chung quanh, kể cả bạn hữu.
            Một hôm, Vân Dao tình cờ gặp một vị sư nữ đã già, trông gầy gò, khắc khổ, trong một chợ Việt Nam. Nàng chắp tay trước ngực chào sư “Nam Mô A di Đà Phật”. Sư cũng niệm “A Di Đà Phật” để chào lại. Nhưng khi sư định quay đi đễ tiếp tục mua hàng thì tỏ vẻ chú ý nhìn nàng đăm đăm. Nàng ngạc nhiên, nhưng giữ im lặng để chờ xem sư sẽ nói gì. Sư có vẻ lưỡng lự, rồi quay mặt, định bước đi. Vân Dao vội lên tiếng :
            “Bạch Bà, xin Bà nói cho con rõ Bà thấy gì ở con.”
            Sư ngoảnh lại, ngập ngừng một chút, rồi chậm rãi :
            “Thí chủ nặng nghiệp quá. Cần phải tu…”
            Vân Dao vội đáp :
            “Dạ, con biết con cần phải tu…Nhưng tu như thế nào thì con xin Bà chỉ giáo…Nếu phải vô chùa thì con…”
            Sư ngắt lời nàng :
            “Đâu cần phải vô chùa mới tu được….Có nhiều cách tu. Cách thứ nhất là tập thiền để gạt bỏ những tạp niệm vẫn luẩn quẩn trong đầu óc mình. Những tạp niệm đó có thể gây nghiệp cho kiếp sau, đó là ý nghiệp. Cách tu thứ hai là cố gắng chỉ nghĩ những điều tốt lành, không thù oán, không giận hờn bất cứ ai, lúc nào cũng cầu mong cho mọi người được sung sướng, hạnh phúc…Ở đây không tiện nói dài, chỉ vắn tắt vài lời cho thí chủ rõ, rồi sau đó thí chủ có thể tìm hiểu thêm ở đâu đó.”
            Sư nói xong, vừa định quay đi, Vân Dao vội chắp tay trước ngực niệm “Nam Mo” rồi cảm tạ sư đã chỉ dạy.   
            Ngay sau khi về nhà, nàng tỉm hiểu về hai cách tu này. Ðối với Thiền, có nhiều sách vở chỉ dẫn nên không khó khăn lắm. Nhưng cách tu thứ hai, làm sao cho lòng mình thanh thản, không thù oán, không giận ghét thì hết sức khó khăn. Con người ta khi đã tiếp xúc với xã hội sẽ có nhiều thành kiến, thích cái này, ghét cái kia một cách tự nhiên. Có những người, những vật chưa từng gặp bao giờ mà khi nghe nói tới đã không ưa. Nhưng dù thế nào nàng cũng cố gắng tu theo cách này.   .    


 
             
                                                   Chương 9
    Vân Dao bất ngờ nhận được thiếp báo hỷ của bà Phương. Thoạt tiên, khi chưa mở bao thư, nàng tưởng con trai hay con gái bà lấy vợ, lấy chồng. Nhưng khi đã đọc kỹ thiệp thì nàng mới biết chính bà tái giá. Nàng vừa ngạc nhiên vừa mừng. Từ lâu nàng vẫn có mặc cảm đã phá vỡ hạnh phúc của bà sau khi ông Chánh chết vì tai nạn trên đường đến gặp nàng. Bây giờ bà tái giá có nghĩa là bà đã nguôi ngoai, quên mối đau buồn cũ. Tên cô dâu là Nguyễn Thị Phương, còn chú rể thì nàng không quen, chỉ biết đó là một người Việt Nam.
            Chiều Thứ sáu, ngay sau khi ra khỏi ngân hàng, nàng đi mua món đồ đặc biệt để mừng đám cưới. Ðó là hai chiếc đồng hồ khá đắt tiền, một nam một nữ. Nàng không hiểu tại sao nàng lại sẵn sàng chi một món tiền khá lớn như vậy. Phải chăng nàng muốn chuộc lỗi với bà ? Buổi tối, sau khi ăn cơm, nàng gọi điện thoại xin hẹn gặp bà sáng hôm sau.
            Vì lâu không gặp, Vân Dao thấy bà Phương trẻ và đẹp hơn trước nhiều. Phải chăng tình yêu đã thay đổi bà ? Bà nhìn nàng bằng đôi mắt thiện cảm, khác hẳn lần trước. Nàng chưa kịp khen bà thì bà đã nói :
            “Cô Dao chẳng chịu ảnh hưởng nào của thời gian cả, vẫn xinh đẹp và trẻ như xưa. Có bí quyết gì thì cho tôi biết với.”
            Vân Dao cười phá lên rồi vui vẻ đáp :
            “Em chưa kịp khen chị, chị đã cho em đi tầu bay giấy rồi. Chị cũng trẻ đẹp lại chớ bộ. Ngày xưa các cụ đã nói : cô dâu nào trông cũng đẹp hết. Quả không sai.”
            Bà Phương liền vui vẻ chữa :
            “Tôi là bà dâu, không phải cô dâu.”
            Thấy bà vui vẻ nàng hùa theo :
            “Thế còn ông rể là ai, hả chị ?”
            “Hồi ở Việt Nam, anh ấy cũng là dược sĩ như tôi, học trên tôi mấy lớp. Sau này vì là sĩ quan quân dược nên phải đi tù cải tạo. Trong khi anh ấy còn ở tù, vợ con vượt biên, mất tích. Anh sang Mỹ theo diện HO.”
            “Thế là bây giờ hai người tái hồi Kim Trọng, chị nhỉ.”
            Bà Phương sửa ngay :
            “Tôi không thuộc Kiều, nhưng anh ấy với tôi ngày xưa có yêu nhau đâu mà tái hồi, thậm chí chúng tôi cũng chỉ mới quen nhau gần đây thôi.”
            Vân Dao cười :
            “Dù sao cuối đời mà gặp được người tâm đầu ý hợp là có hạnh phúc rồi  Em xin có lời mừng chị,”
            Bà Phương mỉm cười, gật đầu, rồi từ từ mở gói quà tặng. Khi nhìn thấy vật bên trong, bà hơi giật mình ngạc nhiên. Bà không ngờ Vân Dao lại cho bà nhiều như vậy. Hai đồng hồ Thụy sĩ loại đắt tiền, một cho đàn bà, một cho đàn ông. Bà ngước nhìn nàng đăm đăm, rồi hỏi :
            “Sao cô tốn nhiều tiền cho tôi vậy ?”
            “Chị ơi, lòng em đối với chị thì chả có gì là tốn cả. Khả năng em đến đâu em cứ lo đế đó.”
Bà chợt nắm lấy tay nàng, nồng nhiệt  nói :
“Cảm ơn cô…Cảm ơn cô rất nhiều. Vậy thì hôm đó thế nào cô cũng phải có mặt
nhé. Chúng tôi chỉ có ba bàn thôi, đa số là bạn của anh ấy.”
            Vân Dao ngập ngừng :
            “Em…em xin lỗi chị…em không thích đến chỗ đông người…Nói thật với chị, em đang tu.”
            “Tu thì tu, họp mặt cho vui, chứ có phải bỏ tu đâu.”
            “Có một vị sư già cho biết nghiệp em nặng quá, phải tu…”
            “Tôi cũng theo đạo Phật mà đâu có mê tín dị đoan như cô.”
            “Không phải là mê tín dị đoan, chị ạ. Có thể nói đây là một vấn đề khoa học. Gieo nhân nào thì phải lãnh quả đó. Mình trồng táo thì phải ăn táo, không thể ăn cam được, Kiếp trước em làm nhiều điều xấu nên kiếp này gặp nhiều gian truân. Phải tu để chuyển nghiệp, chị ạ.”
            Bà Phương nói dỗi :
            “Cô không chịu dự đám cưới của tôi thì tôi cũng không dám nhận đồ mừng của cô. Thôi, trả lại cô hai cái đồng hò đấy.”
            Vân Dao hốt hoảng :
            “Thôi thôi, xin lỗi chị. Em sẽ có mặt trong tiệc cưới của chị.”
            Bà Phương nở nụ cười tươi :
            “Có thế chứ.
            Sau khi chia tay với bà Phương, Vân Dao rất phân vân về việc dự tiệc cưới. Trong thâm tâm, nàng không thích, nhưng đã trót hứa, không biết tính sao bây giờ. Nàng biết mình không đẹp nhưng có những nét quyến rũ đặc biệt nên thường khiên đàn ông chú ý. Ngồi ăn chung bàn tất nhiên phải nói chuyện vui vẻ với mọi người, không thể chỉ cắm đầu ăn được. “Thôi thì cũng đành liều, đến đâu hay đó”, nàng thầm tự nhủ. Nàng tính sẽ ăn mặc giản dị, gọn gàng, không diêm dúa để không ai chú ý. Ngoài ra, nàng báo cho bà Phương biết nàng sẽ đưa hai con đi cùng vì cuối tuần nàng không muốn các con phải ở nhà một mình. Tất nhiên bà Phương rất vui vẻ đồng ý.
            Tiệc cưới của bà Phương được tổ chức trong nhà hàng Tầu. Khách tham dự cũng không đông, chỉ có ba bàn, đa số là khách của nhà trai. Nhà gái không tới mười người, kể cả ba mẹ con Vân Dao. Ðúng là một bữa tiệc thân mật. Gần cuối bữa tiệc, bỗng có một người đàn ông từ bàn khác sang hỏi Vân Dao :
            “Thưa bà, bà có phải là bà Phước không ?”
            Nàng giật mình quay lại nhìn người đàn ông lạ, rồi lịch sự đáp :
            “Dạ, đúng.”
            Nàng đứng lên để đối diện với khách lạ, rồi hỏi :
            “Ông biết nhà tôi ?”
            “Chúng tôi đi tù cải tạo ở cùng một trại…Tôi sang Mỹ theo diện HO cách đây mấy năm. Tiếc rằng anh Phước không được đi HO như chúng tôi.”
            Vân Dao tỏ vẻ ngạc nhiên :
            “Xin lỗi, ông…ông nói sao ? Quả thiệt tôi không hiểu.”
            Người đàn ông chậm rãi :
            “Ông nhà đã trốn trại nên không có tên trong danh sách tù cải tạo được đi Mỹ.”
            “Nghĩa là…là nhà tôi còn sống ? Tôi đã ra thăm mộ nhà tôi trước khi vượt biên.”
            “Hồi đó, ai cũng tưởng ông nhà bị bắn chết. Nhưng thực ra ông trốn thoát. Ngôi mộ ấy chỉ có hai người thôi.”
            Vân Dao bỗng cảm thấy bồi hồi xúc động khi biết tin chồng còn sống. Nàng run run hỏi :
            “Nhà tôi…nhà tôi bây giờ ở đâu ?”
            “Vẫn còn ở Saigon…”
            Ðến đây người bạn ngập ngừng không nói tiếp.
            “Như vậy, tôi có thể về Saigon gặp nhà tôi.
            “Dạ…nếu bà muốn…Nhưng…”
            Thấy vẻ ngập ngừng của ông bạn, nàng rụt rè hỏi :
            “Nhưng…làm sao ?”
            Ông bạn giữ im lặng rồi cáo biệt đẻ trở về bàn ăn. Nàng là người thông minh nên suy ra ngay ý nghĩa của thái độ ngập ngùng ấy. Phước đã có vợ khác. Ðiều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Chính nàng đã không thủ tiết với chồng vì tưởng chàng đã qua đời mà cũng vì hòan cảnh đưa đẩy. Nàng nghĩ như vậy không phải để tự bào chữa mà đó là sự thật. Vì thế, nàng cũng không mong trở lại với Phước nữa. Nhưng con nàng phải được gặp cha chúng. Nàng quyết định thu xếp thời gian để đưa hai con về Việt Nam. Nàng sẽ lấy những ngày nghỉ hàng năm để thực hiện chuyến hồi hương. Từ lâu nàng cũng muốn gặp lại cha mẹ. Thế là nhất cử lưỡng tiên.
            Nhưng khi nghĩ dến cha mẹ, nàng thắc mắc tại sao ông bà Hai không hề nhắc đến Phước dù nàng vẫn lvẫn liên lạc đều đặn. Nàng quyết định viết thư hỏi cha mẹ về chuyện này trước khi đưa hai con về gặp bố chúng.
            Hơn một tháng sau, nàng nhận được thư của ông Hai. Nàng mừng rỡ, vội mở ra đọc ngay, nhưng nàng rất thất vọng vì thư chỉ vỏn vẹn có một câu ngắn ngủi :
            “Dao,
            “Con và các cháu nên về chơi một chuyến.
                                                                       Ba”  
            Nàng rất ngạc nhiên về sự vắn tắt. Tại sao cha nàng không thể viết dài hơn để cho biết tình trạng hiện tại của Phước ? Phải chăng Phước gặp khó khăn gì mà cha nàng không dám nói rõ vì chế độ kiểm duyệt của cộng sản ? Suy nghĩ một lúc lâu, nàng quyết định đưa hai con về chơi Việt Nam một chuyến, dù sao chúng cũng cần gặp cha chúng. Chính nàng cũng muốn gặp lại cha mẹ.
Sau khi quyết định như vậy, Vân Dao xem xét những ngày nghỉ thường niên còn lại. Hai tuần lễ ! Như vậy cũng đủ cho một chuyến viễn du. Tuy nhiên, nàng không thể lên đường ngay được khi các con nàng đang ở giữa niên học.. Mùa hè cũng là mùa tốt đẹp cho một chuyến đi chơi xa. Tính toán như vậy xong, nàng báo cho bà quản lý nàng sẽ nghỉ thường niên vào giữa mùa hè. Tất nhiên không có trục trặc gì vì ngày nghỉ còn quá xa. 
                                  

                                                Chương 10


Ba mẹ con Vân Dao được ông bà Hai đón ở phi trường, rồi cùng đi taxi về nhà. Nàng đã viết thư xin cha mẹ giữ kín chuyến về thăm của nàng nên cuộc đón rước không ồn ào, nhộn nhịp. Nàng muốn kín đáo dò xét tình hình Phước rồi mới quyết định có nên hoặc cần gạp không. Dù sao hai người đã xa cách nhau lâu ngày, lại ở hai hoàn cảnh khác nhau., long người cũng có thể đã thay đổi..
            Nhìn hai đứa cháu ngoại đã lớn, ông bà Hai rất vui mừng. Đứa nào trông cũng sang sủa, cao lớn. Con Vân Hà xinh đẹp chẳng thua gì mẹ ngày xưa. Khi thấy chúng nó vui vẻ chào bằng tiếng Việt, ông bà rất mừng.vì biết chúng không bị mất gốc. Dù sao Vân Dao cũng là một nhà giáo tuy có gặp nhiều gian truân, nhưng vẫn giữ được nền nếp Việt Nam.
            Khi không có hai đứa nhỏ, ông Hai mới cho Vân Dao biết về Phước. Ông bà chỉ nghe người ta nói lại, chứ chưa hề gặp con rể bao giờ. Không phải vì Phước muốn cắt đứt liên lạc với ông bà, nhưng vì hoàn cảnh hiện tại. Chàng đã trốn trại tù, phải thay tên đổi họ. Có thể công an luôn luôn rình rập nhà ông bà. Tốt nhất là tạm thời cắt đứt mọi lien lạc. Cuối cùng, ông rụt rè báo tin :
            “Nó cũng đã có vợ khác rồi.”

            Báo tin xong, hai ông bà nhìn con gái đăm đăm chờ xem phản ứng của nàng. Vân Dao thản nhiên nói :
            “Con cũng biết chuyện đó từ lâu…Con cho là chuyện bình thường, không có gì đáng trách hay ngạc nhiên.”
            Ngập ngừng một chút, nàng tiếp :
            “Chính con cũng đã có chồng…Con về là vì hai đứa nhỏ. Con muốn chúng nó gặp cha chúng cho biết. Thật tâm, con không muốn trở lại với anh ấy nữa.”
            Bà Hai thắc mắc :
            “Vậy thì làm thế nào cho hai đứa nhọ gặp được ba chúng ?”
            “Con sẽ nhờ một người bạn dàn xếp cuộc gặp gỡ. Người bạn này cũng là bạn của anh Phước.”
            Bà Hai vui vẻ :
            “Vậy thì tốt.”
            Ông Hai khen :
            “Ba không ngờ con lại tính toán chu đáo như vậy.”
            Vân Dao cười :
            “Ai cũng tưởng Mỹ là thiên đàng, nhưng thực ra cuộc sống rất khó khăn, không biết tính toán, cuộc đời cũng vất vả, cơ cực lắm.”
            Hai hôm sau, hai đứa con của nàng được một bà bạn nhà giáo cũ của nàng đưa đi gặp Phước tại một tiệm ăn. Khi đưa chúng trở về, bà trao cho nàng một lá thư của Phước. Đó chỉ là một mảnh giấy chùi miệng Phước viết vội  mấy hang. Ông đề nghị mấy điều : nàng gửi tiền về cho ông chạy chọt để trở thành một công dân hợp pháp, rồi sau khi ông đã họp pháp, nàng về làm hôn thú với ông để bảo lảnh ông sang Mỹ sống với nàng và hai con.
Đọc thư xong, Vân Dao đưa cho ông Hai xem, rồi hỏi :
“Ba có biết bao nhiêu thì đủ không ?”

Ông Hai lắc đầu :
“Ba chắc cũng bộn…Bộ con định bảo lãnh nó sang Mỹ với con ?”
Nàng lắc đầu, đáp ngay :
“Không, con đâu có ngu như vậy. Nhưng con muốn giúp ảnh giải quyết cái bất hợp pháp của ảnh. Sống mà cứ phải lén lút thì cũng khổ.”
“Nếu vậy, để ba dò hỏi rồi cho con biết sau.”
Sau khi nói chuyện với cha, Vân Dao quay sang hỏi hai con :
“Đứa nào muốn ở lại đây với ba ?”
Thằng Phong đáp ngay :
“No way !”
Con Vân Hà giữ im lặng. Vân Dao nhìn con gái, hỏi :
“Con muốn ở lại đây với ba, phải không ?”
Nó chỉ nhỏ nhẹ nói :
“Ba kỳ kỳ làm sao ấy.”

Khi đã biết ý hai con, Vân Dao hỏi đùa :
“Má bảo lãnh cho ba sang Mỹ với mình, các con nghĩ sao ?”
Con Vân Hà lại giữ im lặng, chỉ thằng Phong đáp bằng tiếng Mỹ :
“Đó là việc của má, con không có ý kiến.”
Vân Dao vội dịch cho cha mẹ biết nó nói gì. Ông Hai cười :
“Thế là chúng nó cũng không chịu ở chung với cha rồi.”
Cuộc thăm viếng Việt Nam hai tuần qua nhanh. Khi ba mẹ con Vân Dao sửa soạn trở về Mỹ, bà Hai chợt hỏi về hai người em trai của nàng :
“Con có hay liên lạc với hai thằng Thạnh và Kỉnh không ? Thằng Thạnh muốn ba má sang Úc với gia đình nó. Nhưng ba má nhứt định không đi đâu hết. Ba má ở đây có gì trở ngại đâu  mà phải rời bỏ quê hương.”

Vân Dao đồng ý ngay :
“Má nói đúng. Ba má già rồi, lại không biết tiếng nói của người ta, sống ở ngoại quốc sẽ như tù giam lỏng. Cứ ở Việt Nam là hay nhứt…Con thỉnh thoảng có liên lạc thư từ với chúng nó. Con có gặp em Kỉnh  mấy lần, vì từ Canada sang Mỹ rất gần. Hồi Kỉnh cưới vợ, con có đưa hai cháu sang ăn cưới.”
Ngừng một chút, nàng tiếp :
“Ở ngoại quốc, ai cũng bận làm ăn hết. Ba má có sang với em Thạnh thì suốt ngày cũng chỉ ở nhà một mình. Như vậy buồn chết đi được. Ở đây, ba má còn hang xóm láng giềng, bà con xa gần, chạy qua chạy lại.”
Ông Hai cười vui :
“Nhờ các con gửi tiền về đều, ba má sống rất ung dung. Già mà được như vậy là vui rồi. Chả đòi hỏi gì hơn nữa.”

Vân Dao về Mỹ được gần ba tháng thì nhận được thư ông Hai cho biết số tiền để Phước có thể thay đổi lý lịch. Nàng nhẩm tính sang Mỹ kim khoảng hai ngàn. Số tiền không lớn nhưng cũng là một khó khăn đối với nàng. Lương hang tháng không cao, lại chi tiêu nhiều, nhưng nàng cũng cố gắng gửi tiền về Việt Nam cho Phước. Nàng thầm tự nhủ :”Dầu sao cũng là tình xưa nghĩa cũ..”

Ba tháng sau, Vân Dao nhận được thư cha mẹ cho biết Phước đã giải quyết xong việc thay đổi lý lịch. Phước không còn là Phước nữa, có tên mới mà cha mẹ nàng không rõ. Thế cũng xong ! Nàng đã làm tròn bổn phận với chồng cũ. Nàng tự coi như mình không còn liên hệ gì với Phước nữa. Bây giờ chỉ hết tâm lo cho hai con. Nàng thầm tính khi nào các con đã trưởng thành và thành đạt, nàng sẽ đi tu. Cách tu của nàng không phải là vào chùa gõ mõ tụng kinh. Nàng vẫn có thể đi làm hang ngày để có một đời sống an toàn về tài chính lẫn sức khỏe. Nàng cố gắng nghĩ và làm toàn những điều lành, bỏ hết mọi thành kiến về nhiều vấn đề, chỉ nghĩ tốt và yêu mến mọi người. Theo đạo Phật, đây cũng là cách gây nên ý nghiệp tốt cho kiếp sau. Từ lâu nàng vẫn nghĩ rằng thuyết Nhân Quả của nhà Phật là một triết lý khoa học, không phải là vấn đề mê tín dị đoan. Gieo nhân nào hái quả đó, rõ ràng là khoa học.







Đời nàng đã trải nhiều biến cố, cả vui lẫn buồn, dù nàng là người hiền lành, tốt bụng, lúc nào cũng chỉ làm tốt cho người khác, thế mà vẫn gặp nhiều gian truân, có phải vì cái nghiệp kiếp trước không ? Để tương lai bớt gặp sóng gió bất thường, nàng quyết định giản dị hóa cuộc sống. Việc đầu tiên, nàng sẽ không tô son điểm phấn để nhan sắc mộc mạc không gây chú ý cho người khác. Việc thứ hai, nàng xin bà quản lý ngân hàng cho nàng làm việc trong phòng kế toán để khỏi phải tiếp xúc với khách hang. Bà quản lý là người tốt, lại vẫn có cảm tình với nàng nên chấp thuận ngay. Như vậy, cuộc đời nàng coi như tạm yên.
Bỗng một hôm, Vân Dao nhận được thư Việt Nam. Cha nàng cho biết sau khi có tên mới, Phước có mối tình mới. Người yêu của ông có quốc tịch Pháp nên đã làm giấy tờ bảo lãnh ông sang Pháp đoàn tụ. Tin này khiến nàng rất vui. Như vậy, nàng với chồng cũ đã hoàn toàn dứt khoát, không còn chút lien hệ gì nữa, trừ hai đứa con mà chính chúng cũng không muốn liên lạc với cha chúng. Từ nay, ngoài giờ đi làm, nàng để hết tâm lo cho hai con.  
Một hôm, thấy trong người không khỏe, nàng xin nghỉ ở nhà.  Khi hai con sửa soạn đi học, nàng chợt để ý thấy con Vân Hà tô son lên môi, chỉ một lớp rất mỏng cho đôi môi hồng lên. Đôi môi tươi thắm của nó làm tăng vẻ đẹp sẵn có rất nhiều. Trời, sao nó giống nàng hồi mới lớn quá ! Bấy giờ nàng mới giật mình thấy các con đã lớn. Thằng Phong 18, học lớp cuối cùng của bậc trung học, còn con Hà lớp 9. Như vậy, các con nàng đã lớn. Nhìn kỹ, nàng thấy con Hà xinh hơn nàng hồi nàng bằng tuổi nó bây giờ, vì đôi mắt to và đen hơn mắt nàng. Có điều rất đáng mừng cả hai đứa đều chăm chỉ và học giỏi, thường được xếp hạng A. Dù biết hai con ngoan ngoãn và học khá, nàng vẫn thấy hơi lo lo vì sợ con Vân Hà sẽ gian truân giống mình. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, nàng hy vọng đất Mỹ khác với đất Việt Nam. Nền văn hóa Mỹ cởi mở và phóng khoáng hơn văn hóa cổ hủ và nhiều thành kiến của Việt Nam. Không những thế, đất Mỹ không phải là đất cộng sản có thể tác yêu tác quái.

Một hôm, nhân lúc vắng vẻ, chỉ có hai mẹ con, Vân Dao hỏi nhỏ con gái :
“Con có bạn trai chưa ?”
Nó trả lời ngay, nửa Mỹ nửa Việt :
«No, con không có boy friend.”
“Sao má thấy con tô môi son lúc đi học ?”
Nó cười :
“Con bắt chước mấy con bạn Mỹ cùng lớp. Chúng nó sợ môi lợt lạt nên tô một chút lên môi. Có đứa còn thoa phấn hồng lên hai má nữa.”
Vân Dao vui vẻ :
“Ừ, tuổi con chỉ nên để tâm học hành, có bạn trai sớm sẽ mất nhiều thì giờ…”
Vân Hà liền ngắt lời mẹ :
“Con ghét đàn ông, làm sao có thể có boy friend được.”
Vân Dao ngạc nhiên :
“Tại sao con ghét đàn ông ? Có ai đã làm gì con ?”
Nó lắc đầu :
“Con có bao giờ chơi với đàn ông đâu mà ai làm gì được con.”
“Vậy, tại sao con ghét họ ?”
Vân Hà ngập ngừng một chút, tỏ vẻ miễn cưỡng :
“Con ghê tởm, thù đàn ông…từ ngày bọn hải tặc Thái Lan hiếp má trên tầu vượt biên. Chúng nó thiệt khốn nạn, dã man…”
“Thì chúng nó là bọn cướp biển, có phải đàn ông bình thường, đàng hoàng đâu.”
“Hôm đó con vừa sợ vừa căm thù vừa ghê tởm…Con không thể quên được cái hình ảnh đó…Nó impressed con rất mạnh nên con không sao quên được. Nếu chúng nó là bọn cướp đàn bà thì má đâu có sao…”
Ngập ngừng một chút, Vân Dao tìm lời giải thích để trấn an con :
“Theo đạo Phật, má bị tai nạn như vậy là do cái nghiệp từ kiếp trước….”
Nhưng nàng chưa nói hết, nó đã cắt ngang :
“Con không superstitious…Con cũng chẳng tin đạo Phật.”


Vân Dao lắc đầu :
“Con lầm rồi, cái nghiệp hay thuyết nhân quả của đạo Phạt không phải là mê tín dị đoan. Đó là một triết thuyết rất khoa học. Gieo nhân nào thì phải hái quả đó. Ở hiền thì gặp lành…”
“Thì má có độc ác bao giờ đâu mà sao vẫn gặp tai nạn như vậy ?”
“Nghiệp từ kiếp trước…”
“Má tin có kiếp trước là má superstitious”
Biết là không thể thuyết phục nó được vì nó còn nhỏ tuổi, sự hiểu biết còn nông cạn, Vân Dao không nói gì thêm nữa. Nàng có nhận xét là con Hà không nói toàn tiếng Việt mà pha nhiều tiếng Anh. Từ lâu nàng không để ý đến chuyện này vì mấy mẹ con ít gặp nhau, chỉ cùng ăn bữa tối với nhau thôi. Nói chuyện bình thường, không cần dùng tới những từ ngữ đặc biệt thì không sao. Bây giờ nó phải pha tiếng Anh, như “mê tín dị đoan” là superstitious…Hai anh em nó nói chuyện với nhau cũng bằng tiếng Anh. Nàng thầm tự hỏi điều này tốt hay xấu ? Sống ở Mỹ, muốn hội nhập hoàn toàn, tất nhiên phải thông thạo Anh ngữ. Rồi dần dần quên hết tiếng Việt, nhưng trước mắt người Mỹ, mình vẫn là người Việt. Điều tốt nhất là mình vẫn phải là người Việt thuần túy, dù nói tiếng Mỹ thông thạo. Như vậy mới không bị mất gốc. 
Nàng thoáng nghĩ đến chuyện di chuyển về vùng có đông người Việt cư trú. Nhưng nàng vội xua đuổi ý nghĩ đó ngay, vì ở Mỹ người ta phải chạy theo công việc, không thể bỏ việc để chạy theo ý thích của mình. Muốn tìm về nơi có nhiều người Việt, trước tiên nàng phải tìm được việc làm chắc chắn ở đó đã. Điều này coi như rất khó khăn. Tìm được  một việc như việc nàng đang làm với số lương hiện tại không phải dễ. Thôi thì cũng đành chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Dù sao, hai con nàng cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành., nhất là thằng Phong.  Nó luôn luôn chúi mũi vào sách vở. Có lần nó cho biết nó sẽ theo học ngành y khoa.
Một hôm, Vân Hà nói với mẹ :
“Con vẫn viết thư cho grandma, má có biết không ?”
Vân Dao ngạc nhiên hỏi lại :
“Con viết thư về Việt Nam cho ông bà ?”
Vân Hà lắc đầu :
“Con đâu có biết nhiều chữ Việt mà viết thư cho ông bà. Má quên grandma là Liz Williams ở Seattle rồi sao ?”
Vân Dao phải mất vài giây mới nhớ lại được ông bà Mỹ đã bảo lãnh gia đình nàng sang Mỹ định cư. Nàng đăm đăm nhìn con gái, rồi hỏi :
“Con vẫn liên lạc với bà Williams ? Để làm gì ?”
Vân Hà thản nhiên đáp :
“Con vẫn coi bà là grandma vì bà rất tốt. Con còn hứa khi nào lên đại học con sẽ chọn đại học ở Seattle.»
Vân Dao tỏ vẻ ngạc nhiên hơn, buồn buồn hỏi :
«Bộ con định bỏ má sao ? Má có làm gì con buồn không ?»
«Con đâu có định bỏ má. Nhưng con thích học đại học ở Seattle.”
“Quanh đây không có trường đại học nào cho con học sao ? Con có biết má chỉ có hai con nên không thể xa các con được. Mình đã trải qua bao gian khổ có nhau, làm sao má có thể xa các con...”
Vân Hà giữ im lặng. Vân Dao nói tiếp :
“Theo má hiểu, đại học lớn không quan trọng mà phải học giỏi, đậu cao mới dễ kiếm việc làm tốt. Con học trường lớn mà ra trường hạng thấp thì…thì…cũng chẳng có lợi gì…”
Vân Hà lung túng :
“Không phải vì con muốn học trường lớn, nhưng con muốn gần bà Williams…”
Vân Dao có giọng tức giận :
“Vì một người xa lạ với một chút ân huệ nhỏ nhoi, con định bỏ rơi má ruột của con ? Quả thiệt, má không hiểu nổi con…”
Nàng nghẹn ngào không nói tiếp được, chỉ nhìn con gái đăm đăm bằng đôi mắt đỏ hoe. Vân Hà bỗng ôm choàng lấy mẹ, thì thầm bên tai mẹ :
“Thôi, con xin lỗi má. Con không đi đâu nữa…Nhưng phải nói với bà Williams thế nào, má chỉ cho con đi.”
Vân Dao lấy giấy mềm chặm mắt, rồi lắc đầu :
“Con chả phải nói gì hết, vì bây giờ con mới đang học lớp 9, còn ba năm nữa mới hết trung học. Trong ba năm ấy sẽ có biết bao nhiêu chuyện thay đổi. Điều quan trọng là con bỏ ý định xa má.”
Vân Hà rụt rè hỏi :
“Con có nên viết thư cho bà Williams nữa không ?
Vân Dao vội khuyên :
“Con không nên cắt đứt lien lạc với bả, nhưng con đừng nhắc tới chuyện lên học ờ Seattle nữa.”     
“Dạ.”
Vân Dao bỗng thấy long mình nhẹ hẳn đi.     
                                   Chương 11
Vân Dao vừa mở cửa, chưa kịp vào nhà, thằng Phong đã đón ở ngay cửa, báo tin :
            “Ba bị bệnh nặng, muốn gặp chúng con.”
             Vân Dao giật mình, hỏi lại :
            “Sao con biết ?”
            “Cô Phượng vừa báo tin cho con hay.”
            Phượng là vợ mới của Phước. Vân Dao nghĩ ngay tới nhiều vấn đề, nhất là vấn đề tiền bạc. Nếu cả hai con nàng phải bay sang Pháp, tiền vé máy bay khứ hồi không nhỏ. Rồi đến chuyện hai đứa phải ở lại một thời gian. Nếu Phượng cho hai đứa ở nhà thì cũng đỡ tốn kém, còn nếu phải ở khách sạn thì làm sao nàng có thể chịu đựng nổi. Chuyện tuổi tác của hai con cũng là một vấn đề khó khăn. Chúng đều còn vị thành niên, không biết có thể đi một mình được không hay nàng phải đi cùng ? Đầu óc nàng không ngớt tính toán chỉ vì hoàn cảnh quá eo hẹp. Trong thâm tâm, nàng cũng không muốn gặp lại Phước nữa, dù là lần cuối.
            Vân Dao đang rất lung túng về chuyện sang Pháp thì bỗng con Vân Hà cho biết nó không muốn gặp bố dù trong hoàn cảnh nào. Vân Dao vừa ngạc nhiên vừa mừng. Dù sao cũng đỡ một gánh nặng về tiền bạc. Nàng nhìn con đăm đăm, hỏi :
            “Tại sao ?”
            “Thì ba có vợ khác rồi, đâu thèm để ý đến bọn con.”
            Vân Dao lắc đầu :
            “Thế thì con lầm rồi. Tất cả là vì hoàn cảnh, chứ không tại ai hết. Khi cộng sản chiếm miền Nam, mọi chuyện đều đảo lộn. Ba đâu có muốn xa gia đình, nhưng chúng nó bắt đi tù cải tạo. Rồi ba trốn tù, phải thay họ đổi tên. Sau khi thay họ đổi tên, ba là một con người khác, không thể sống với gia đình được nữa. Các con không nên trách ba. Các con sang Pháp thăm ba lần cuối không những là bổn phận mà cũng là nghĩa tử nghĩa tận.”
            “Vậy thì má cũng phải đi với các con.”
            Đề nghị của con gái làm Vân Dao suy nghĩ. Nàng không ngại gặp Phước, nhưng vấn đề tiền bạc rất quan trọng. Cả ba mẹ con cùng bay sang Pháp, cộng thêm tiền khách sạn trong thời gian ở Pháp chắc chắn không phải là một món nhỏ. Tiền để dành của nàng từ bao nhiêu lâu nay biết có đủ trang trải không ? Nhưng suy đi rồi tính lại, nàng cũng đành nghe lời con. Dù sao, Phước cũng là mối tình đầu của nàng, lại đã từng là chồng nàng. Thật ra, Phước không phụ nàng mà chỉ vì hoàn cảnh đất nước đã chia rẽ hai người. Tính toán như vậy, nàng miễn cưỡng sẽ cùng hai con bay sang Pháp.
            Sau khi quyết định, Vân Dao bảo con trai liên lạc với bà Phượng để báo tin và nhờ bà giữ chỗ cho ba mẹ con ở một khách sạn. Nhưng bà Phượng cho biết ba mẹ con nàng không cần ở khách sạn, cứ ở chung nhà với bà cho tiện vì Phước đang nằm bệnh viện. Nghe con nói lại như vậy, Vân Dao rất mừng. Thế là mọi việc được giải quyết êm đẹp ngoài ý muốn của nàng.
            Ba mẹ con Vân Dao được bà Phượng đón ở phi trường De Gaulle. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng đã trao đổi hình ảnh cho nhau để biết mặt và dặn dò cách ăn mặc cho dễ nhận diện nên không gặp khó khăn gì ở phi trường. Vừa thoạt nhìn thấy Vân Dao, bà Phượng đã buột miệng khen :
            “Chị xinh đẹp và duyên dáng quá !”
            Vân Dao thấy bà vui vẻ thì cũng khen lại :
            “Chị cũng chẳng thua gì ai hết.”
            Bà Phượng ôm từng người để chào mừng. Khi ôm con Vân Hà, bà cũng khen xinh đẹp. Nhưng sau đó, bà nói nhỏ với Vân Dao :
            “Sao cháu có vẻ buồn vậy ?”

            Vân Dao đáp :
            “Để rồi tôi sẽ kể chị rõ.”
            Bà Phượng nắm chặt tay Vân Dao hỏi :
            “Sao chị cứ kêu em bằng chị vậy ? Em thua chị nhiều tuổi mà, kêu em bằng em hay theo các cháu kêu cô cho thân mật.”
            Vân Dao vui vẻ :
            “Vậy thì kêu bằng cô nhé.”
            Nhà bà Phượng ở ngoại ô Paris, nhỏ bé nhưng sạch sẽ. Bà nhường ba mẹ con Vân Dao phòng ngủ duy nhất, bà ngủ ở phòng khách trên một tấm đệm. Khi hai con đã ngủ say, Vân Dao ra phòng khách nói chuyện với bà Phượng. Nàng cho biết chuyện nàng bị bốn tên hải tặc Thái Lan hiếp ngay trước mặt hai con. Vì thế, từ đó con Vân Hà thù ghét đàn ông và thường buồn rầu. Bà Phượng có vẻ ngậm ngùi vì bà không ngờ Vân Dao lại gặp tai nạn như vậy.
            Phước được gặp hai con trước phút ra đi vĩnh viễn thì tỏ vẻ hài long. Khi đã tắt thở mà vẻ mặt vẫn còn tươi.
             Trở về Mỹ gần một tháng, Vân Dao nhận được thư bà Phượng cho biết có một ông tên là Hiển muốn ngỏ lời cầu hôn với nàng. Hiển góa vợ đã lâu và không có ý định tục huyền. Thế mà sau khi gặp Vân Dao trong đám tang Phước thì đổi ý. Kèm theo thư của bà Phượng có một tấm hình một người đàn ông trung niên. Vân Dao nhìn hình mà không nhớ đã gặp ông ta trong đám tang. Nàng hơi ngạc nhiên, nhưng lòng không một chút xúc động. Chuyện vợ chồng đối với nàng không đáng để ý nữa. Nàng đã quyết định không dây dưa gì đến vấn đề tình cảm. Cuộc đời đầy gian truân mà nàng từng trải đã quá đủ đối với nàng. Bây giờ nàng để hết tâm trí lo cho hai con. Nàng từ chối lời cầu hôn bằng cách gửi trả lại bà Phượng tấm hình với lời cảm ơn nhạt nhẽo.
            Hai tuần sau, Vân Dao lại nhận được thư bà Phượng cho biết Hiển thất tình nên đã xuống tóc vào chùa tu ở một ngôi chùa Việt Nam xa Paris. Nàng bỗng thấy coi thường Hiển. Vợ yêu qua đời không buồn đến độ vào chùa tu, nay chỉ vì nhan sắc của một người đản bà xa lạ mới gặp lần đầu mà phải đi tu. Nàng không trả lời bà Phượng mà cũng không muốn liên lạc với bà nữa.
            Cuối tuần rảnh rỗi, Vân Dao đưa hai con đi chùa. Đây là một ngôi chùa do các sư nữ trụ trì. Sau khi lễ Phật, ba mẹ con ra thăm khu vườn hoa. Nàng đang ngắm những bông hoa mới nở tươi thắm thì có một bà sư già đi tới. Sư bà nhìn nàng rồi buột miệng khấn :”Nam Mô A Di Đà Phật !” Nàng ngạc nhiên hỏi :
            “Bạch bà, bà thấy gì ở con ?”
            Sư bà tần ngần một chút rồi đáp :
            “Thí chủ nặng nghiệp quá.”
            “Bạch bà, con nặng nghiệp như thế nào ?”
            “Nghiệp từ kiếp trước, kiếp này phải trả. Vì vậy, đời thí chủ vất vả lắm….Nhưng nghiệp vẫn còn. Chưa hết đâu.”
            “Dạ, đời con nhiều gian truân lắm, không biết rồi tương lai sẽ ra sao ?”
            “Chưa hết đâu…Thí chủ nên tu…”
            “Dạ, con cũng biết như vậy, nhưng làm sao con có thể đi tu được, vì hai đứa con của con còn nhỏ quá.”
            Sư bà lắc đầu :
            “Đâu cần phải vào chùa mới tu được. Tu tại gia. Tu không phải là ngồi trước bàn thờ Phật để tụng kinh gõ mõ. Tu là sửa đổi tâm tính, chỉ nghĩ điều lành, không giận hờn, không thù ghét bất cứ ai. Lúc nào cũng chỉ cầu mong cho mọi người, quen hay lạ, được sung sướng, hạnh phúc…Thế là tu đấy.”
            Vân Dao nghĩ rằng nếu tu là như vậy, nàng tu đã lâu. Nàng không bao giờ nghĩ xấu cho ai hay muốn làm hại người nào. Chính nàng mới bị người khác làm hại, dù chẳng có thù oán gì.

            Sư bà nói tiếp :
            “Cái khó nhất của con người là làm sao bỏ hết được thành kiến.”
            Vân Dao càng ngơ ngác không hiểu. Nàng chả có thành kiến gì với ai hết. Nàng rụt rè thưa :
            “Bạch bà, con không ghét ai, không thù ai mà cũng chẳng có thành kiến gì với ai hết. Vậy mà đời con vẫn gặp gian truân.”
            Sư bà tỏ vẻ nghi ngờ :
            “Nhưng…nhưng thí chủ có biết thành kiến là gì không ?”
            Vân Dao ngạc nhiên vì cho rằng su bà đã coi thường mình nên mới hỏi như vậy, nhưng cũng vẫn lễ phép đáp :
            “Bạch bà, thành kiến là mình có sẵn ý kiến tốt hay xấu về một hạng người nào.”
            “Đúng. Thí chủ nói thí chủ không có thành kiến, vậy khi có người cho thí chủ xem hình mấy người mọi bên Phi châu thì thí chủ nghĩ sao ?”
            Vân Dao hơi giật mình trước câu hỏi. Tất nhiên nàng không ưa những người  này, có thể còn khinh họ nữa. Thấy vẻ lung túng của nàng, sư bà nhẹ nhàng khuyên :
            “”Cố gắng bỏ hết những thành kiến đi thì lòng ta mới hoàn toàn thanh tịnh.”
            Vân Dao có giọng ngoan ngoãn :
            “Dạ, con xin vâng lời sư bà.”
            “Như vậy tốt, nhưng không phải dễ đâu. Phải có nhiều nghị lực.”
            “Dạ, con sẽ cố gắng hết sức.”
            Trầm ngâm một lát, sư bà nói như thuyết pháp :
            “Thí chủ nên hiểu rằng thuyết Nhân Quả của Đức Thế Tôn là một lý thuyết khoa học, không phải là mê tín dị đoan. Gieo nhân nào thì sẽ hưởng quả đó. Trồng nho thì ăn nho, không thể ăn đào hay mận được. Gieo nhân ác thì hái quả ác, không bao giờ lầm lẫn. Ngày xưa, Dức Thế Tôn cũng không nhận mình là một vị giáo chủ của một tôn giáo, chỉ cho là mình đã tìm ra con đường giải thoát, ai muốn theo, muốn được giải thoát khỏi kiếp người thì tu như Ngài.”
            Sau buổi đi chùa và được nghe sư bà thuyết giảng, Vân Dao nghe long thanh thản, nhẹ nhàng. Nàng tin ở tương lai vì biết mình có thể tu như sư bà đã chỉ dạy…
                                                                                                                 
                                                                                                                    TQK
                                                                                                                (5-8-2013)…
                       
             
(

No comments:

Post a Comment