Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 27 October 2016

TẾT BÍNH THÂN = TRẦN ĐẠI QUANG

BIỂN ĐÔNG NĂM THÂN

Chiêm tinh Hồng Kông : Biển Đông năm Khỉ sẽ dậy sóng nhưng có giải pháp

mediaĐón mừng năm Khỉ - Bính Thân - . Ảnh 08/02/2016 tại Luân ĐônReuters
Năm mới âm lịch thường là dịp để các chiêm tinh gia – gọi nôm na là thầy bói – trổ tài. Hãng tin Đức DPA ngày 07/02/2016 đã nhờ một số thầy bói nổi tiếng tại Hồng Kông gieo quẻ đầu năm về tình hình Trung Quốc năm Bính Thân này – tức là năm Khỉ. Nhận định chung của các chiêm tinh gia là sau một năm được cho là ngoan ngoãn của chú cừu, (biểu tượng Dương trong văn hóa Trung Hoa vừa chỉ con dê, vừa chỉ con cừu) với con khỉ xuất hiện từ hôm nay, người ta chờ đợi 12 tháng đầy bấp bênh.
Theo DPA, dư luận chung ở Trung Quốc dự đoán là năm Khỉ sẽ mang lại một số yếu tố bất hài hòa, đặc biệt là trên biển. Với Bắc Kinh đang trên đà đối đầu với các nước láng giềng về các động thái quyết đoán của mình trong việc đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, một số nhà chiêm tinh dự đoán một năm khó khăn cho khu vực.
Nhưng năm mới có thể có một số yếu tố tốt : Những xung đột đó cũng sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Trong 12 con giáp theo lịch Trung Quốc, con khỉ được cho là có nhân cách kép : Vừa vui vẻ, tràn đầy sinh lực, tự tin và linh hoạt, vừa kiêu ngạo, xảo quyệt và hiếu động.
So với năm Cừu, một con vật được nhiều người Trung Quốc xem là quá ngoan ngoãn và thụ động, năm Khỉ được nhìn chung là tốt lành hơn. Nhiều bậc cha mẹ tương lai ở Trung Quốc đang có kế hoạch đẻ con trong năm nay.
Năm Bính Thân này, theo bói toán, có những đặc điểm như thế nào ?
Các con giáp, theo tử vi Trung Quốc, được gắn với hai cực - âm và dương - và với một trong năm yếu tố của ngũ hành : kim, mộc, thủy, hỏa và thổ.
Theo chiêm tinh gia kiêm bậc thầy phong thủy Lô Hằng Lập (Raymond Lo) tại Hồng Kông, yếu tố chủ đạo của năm Bính Thân là dương hỏa kết hợp với kim. Sư kết hợp đó có thể kích động « các cuộc đối đầu và xung đột quốc tế ». Chiêm tinh gia nổi tiếng này cũng ghi nhận tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố « dương » khác :
« Dương thủy là nước mạnh mẽ ngoài đại dương, với năng lượng rất dữ dội, tích cực. Do vậy, điều đó cũng chỉ ra những cuộc đụng độ liên quan đến các đại dương hoặc xung đột trên biển. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu tình hình căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông leo thang ».
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có cả những khu vực do các quốc gia khác kiểm soát hoặc tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, theo nhà chiêm tinh Lô Hằng Lập, năm 2016 sẽ có « tương đối ít bạo lực hơn so với năm 2014 và 2015 », vì lẽ kim loại có thể bị lửa nóng uốn cong. Đối với ông Lô Hằng Lập : « Như vậy, người ta sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được các thỏa thuận và hiệp ước quốc tế để giải quyết các cuộc xung đột và đấu tranh ».
Quẻ bói của ông Lô Hằng Lập cũng phù hợp với các loại dự báo tương tự do các nhà chiêm tinh Trung Quốc nổi tiếng khác thực hiện.
Bài viết của hãng tin Đức nhắc lại rằng con khỉ nổi tiếng nhất là Tôn Ngộ Không trong truyền thuyết Trung Hoa, nhân vật chính nhanh nhạy nhưng hay nổi giận trong tiểu thuyết Tây Du Ký viết hồi thế kỷ 16, và cũng không quên các nhân vật lịch sử : Hoàng đế La Mã Julius Caesar, danh họa Ý Leonardo da Vinci, tác giả bức La Joconde nổi tiếng, đều tuổi Thân, cũng như cố tổng thống Mỹ Harry Truman hay những minh tinh nữ minh tinh Mỹ Elizabeth Taylor.

NHẠC SĨ TUẤN KHANH * TẾT

Tết, cho những ai còn mẹ


Những ngày cuối năm, khi đang ngang con đường đó, tôi vẫn thấy chiếc xe đẩy, đựng lỉnh kỉnh những những món đồ vá - sửa xe của chị, người đàn bà mà tôi có dịp trò chuyện trong một lần xe cán đinh, vô tình ghé lại.
Sài Gòn, trung tâm thành phố những ngày thường, cái góc nhỏ của chị vốn đã bé mọn, vào những ngày vắng vẻ của ai về nhà nấy đón năm mới, cái góc nhỏ ấy lại càng lẻ loi hơn. Chị Đa, tên của người đàn bà làm nghề vá - sửa xe ấy, nhiều năm đã không còn về quê nữa. Chị chọn đón Tết trong căn phòng trọ thuê ở tận quận Tân Phú, xa nơi chị làm việc đến gần 15 cây số đường đi, mỗi ngày.
Một trưa nắng đến điên người, xe lại bị xì bánh, tôi đẩy xe đến góc đường đó và được chị mời chào vá xe. Ngồi nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của người đàn bà giấu mình vào khẩu trang, nón trùm và áo khoác dày cộm để chống lại cái nắng Sài Gòn, có lẽ ai cũng không khỏi ngạc nhiên vì sao công việc rất 'đàn ông' ấy, lại được một phụ nữ đảm đương một cách hoàn hảo như vậy. Trò chuyện mới biết chị Đa đi từ Thanh Hoá vào Nam lập nghiệp từ lúc còn trẻ. Cuộc sống nghèo khổ khiến người chồng bỏ đi lúc chị đang có 2 con nhỏ. Thế là chị thay vào công việc của người chồng để nuôi con. Hơn 15 năm sống ở nhà trọ, vá xe trên vỉa hè, chị chọn vùng đất này là nơi để sông sót và hy vọng.
"Hai đứa con của em giờ vào đại học cả rồi anh ạ", chị Đa nói. Trong những huyền thoại về sinh tồn, có lẽ những câu chuyện về những bà mẹ vô danh như chị Đa đã lặng lẽ dựng nên những cuộc đời khác, đầy hy vọng cho con cái mình, từ những giọt mồ hôi cần lao và kiên nhẫn, là điều bình thường và kỳ diệu nhất. Nhưng ít có sách vở nào nói về họ.
Chị Đa kể rằng chị nhịn không về quê - vì quá đắt đỏ - suốt 15 năm để dành dụm cho hai đứa con đủ tiền ăn học. 15 cái Tết trong đời mình chị đón giao thừa cùng hai đứa con trong phòng trọ với những câu chuyện về miền quê chôn nhau cắt rốn của mình. 15 cái Tết nhìn con cái lớn dần và chào mẹ để bước ra đi chơi với bè bạn, chị lại ngồi một mình, ăn những bữa cơm ngày Tết một mình.
Không ai dạy cho chị Đa làm mẹ. Cũng như không ai dạy cho hàng triệu người phụ nữ Việt Nam làm mẹ. Ngôi trường bí ẩn nào đó của thiên nhiên đã ban tặng cho những người mẹ bài học về tình yêu thương bao la, sự chắt chiu qua khốn khó và dựng nên từng thế hệ. Chị Đa làm tôi nhớ mẹ mình lắm. Nhớ những những ngày Tết mà khi còn mẹ, chốc chốc tôi cứ muốn quay về nhà để xem mẹ ra sao.
Sài Gòn hay Hà Nội, những ngày chuẩn bị đón giao thừa, hàng hàng lớp lớp người khăn gói lên đường về nhà, về quê. Chắc rất nhiều người trong đó, thật ra là về với mẹ. Cái Tết ở Việt Nam nhiều năm nay, mỗi lúc một thiếu đi nhiều phong tục. Tết chỉ còn là một ngày nghỉ dài hơi. Tết có thể là cuộc chạy trốn ngày thường đô thị để tìm về sự giản dị của cha, của mẹ.

Nhưng không phải người mẹ cũng được niềm vui như vậy. Đôi vợ chồng bạn quen với tôi, từ khi làm ăn khấm khá, vài năm trước đã tham gia trào lưu mới của xã hội, là xách vali đi đón Tết ở nước ngoài. Ngày mùng một, họ gọi điện thoại về a lô chúc Tết mẹ. Bà mẹ già cười trong điện thoại mà mắt buồn buồn. Tôi nghĩ đến những đứa con của chị Đa. Chị cũng thúc mấy đứa nhỏ đi chơi để hội nhập đời sống của chúng - năm chỉ có một lần. Nhưng bữa ăn một mình, chắc rồi chị cũng buồn hiu.

Những năm mẹ tôi còn sống, sức yếu rồi nhưng bà cứ lụm cụm, lén ra sân ra tuốt lá mai, vì sợ tôi thấy rồi ngăn. Bà cứ làm những chuyện mà tôi cứ nghĩ là chỉ làm mệt người, do chỉ là thói quen ngày Tết như gọi người đi đánh bóng lại bộ lư đồng, mua ít hoa, nhắc mặc đồ mới. Ấy vậy mà khi mẹ không còn, thiếu những điều tưởng chừng như vặt vãnh ấy, Tết đi đến mọi nơi nhưng không còn ghé vào nhà tôi nữa. Mẹ như một mùa xuân bí mật mà thượng đế đã ban tặng cho mỗi gia đình, mà khi không còn, sự cô quạnh và tiếc nuối sẽ đeo đẳng đến tận cuối đời, nhắc lại trong từng giấc mơ khắc khoải.
Chắc những đứa con của chị Đa còn chưa biết đủ về món quà mà thượng đế ban tặng cho chúng. Hay đôi vợ chồng bạn tôi vẫn chưa tìm thấy được cái Tết thật sự với mẹ mình. Tôi nhìn thấy nhiều cái Tết mà bạn bè mình kể nôn nao được về với Cha, Mẹ... dù đó là nơi vẫn còn thiếu con đường nhựa, chưa có những cây cầu đủ cho chiếc xe đạp chạy qua. Đó là những chuyện kể ấm áp lòng người, mà chỉ nói với nhau thôi, cũng đã nghe xôn xao như Tết đến.
Anh bạn nhà văn của tôi đã hơn 50 tuổi, không cần Tết đến, mỗi khi nhớ mẹ là anh leo lên chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật của mình, đi cả trăm cây số để về nhà, đôi khi chỉ đề rờ vào mẹ mình, leo lên võng nhìn mẹ qua lại. Một người bạn khác của tôi, sống bằng nghề ca sĩ và hoạt náo, có đêm gần Tết bỗng gọi điện thoại để tâm sự vì không còn biết nói với ai, rằng anh ta nhớ mẹ quá, rồi khóc rưng rức trong điện thoại. Khi còn mẹ, Tết cho mỗi người cảm giác là trẻ con, bất luận bao nhiêu tuổi. Khi mất mẹ rồi, Tết là cảm giác phải làm một người lớn một mình, mới héo hắt làm sao.
Năm nay, tôi không thấy đôi vợ chồng người bạn quen chuẩn bị vali để đón xuân ở nơi khác nữa. "Mẹ yếu rồi, nên năm nay ở nhà thôi", người chồng nói như vậy. Tự nhiên lòng tôi mừng như trẻ nhỏ. Vậy là bà cụ được một năm mới bên con cháu đề huề. Dẫu muộn, nhưng rồi xuân đã thật sự ghé đến ngôi nhà đó. Tôi cũng ước hai đứa con chị Đa sẽ ở nhà, ăn bữa cơm với mẹ nhiều hơn. Rồi sẽ có lúc chúng bừng tỉnh và hiểu rằng không có tượng đài nào vĩ đại hơn người mẹ với đôi tay chai sần ấy, cho chúng được ôm chầm lấy từng ngày. Thế gian này, nếu ai cũng thương và nhớ đến mẹ mình, thì đó là lúc cõi hiền lương phủ sáng mặt người.
Không còn mẹ, chẳng còn ai nhắc chuyện đi tuốt lá mai hay đem bộ lư đồng đi đánh bóng. Tết ghé qua ngôi chùa nhỏ, nhìn những phần thạch táng cao như núi, trong đó có mẹ, sao mà mọi thứ nguy nga và nhạt nhẽo đến vậy. Khói hương chỉ nhắc Tết và những ngày tháng đẹp nhất đã đi qua. Người đàn ông đứng gần đó, cứ rì rầm nói chuyện với người đã khuất như một điều kỳ lạ và dịu dàng. Tết không có quá khứ, không có kỷ niệm về Cha, về Mẹ, chắc chỉ là những mùa thụ hưởng của bản năng, vô vị.
Mồng một Tết. Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với lòng kính nguyện. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ.

CÁNHG CÒ * LY RƯỢU MỪNG

Ly rượu mừng.

Tết năm nay có lẽ niểm vui chan hòa cho mọi người khắp nơi là được nghe chung, nghe chính thức, nghe mà không sợ bị bảo là nghe nhạc vàng, nhạc phản động, nghe mà ai ai cũng cùng tắc lưỡi: sao mà hay thế?
Hay, nhưng mãi 40 năm sau chúng ta mới được thưởng thức vị ngọt tinh thần thay cho pháo cho mứt tết ấy. Ca khúc Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương người miền Nam ai ai cũng biết trước năm 1975 bây giờ gần hai thế hệ sau cả nước mới được biết. Có điều lạ, tuy đã già như thế nhưng bài hát vẫn làm người ta lâng lâng, trái tim mở ra với trời đất vào xuân. Không ai cảm thấy sự gượng gạo, lên gân dù một chữ trong tác phẩm xứng danh “bất hủ” này.
Tiếng hát như chính mình, từng người một trong xã hội lắng nghe lời chúc của nhau. Lắng nghe tiếng nói nhân văn trong những ngày đầu năm mới. Từng mạch máu trong ta chuyển động và đó là lý do mà Ly rượu mừng vẫn tinh khôi như ngày đầu tiên khi nó ra đời vào năm 1952.
Ly rượu mừng cất tiếng trong những ngày đầu năm lấn át sự bực bội sau hai tuần lễ của đại hội 12. Ly rượu làm cho lâng lâng niềm hứng khởi về một cơ may thay đổi nào đó rất đỗi mơ hồ nhưng không ai có thể khước từ là đang hiện hữu. Con người được hai chữ “hy vọng” nuôi nấng và bảo vệ trước những điều bất công, độc đoán mang tới từ người nắm quyền do không được một cơ chế dân chủ nào kềm chế. Hy vọng đến từ các động thái có thể mị dân, hay thực tâm đổi mới nhưng chưa đủ lực đủ tài. Hy vọng theo phân tích của lý trí ấy tuy rõ rệt nhưng lại dễ dàng thay đổi và biến mất khi một sự thể khác xuất hiện.
Ly rượu mừng là một hy vọng tâm linh. Nó không hiện hữu cụ thể mà bàng bạc trong lòng. Nó lãng đãng trong không gian vô tận của vũ trụ nhỏ trong mỗi con người. Hy vọng từ những lời chúc đẹp và thực như tranh, như khuôn mặt của vị Thần Nhân đạo.
Đối ứng với chủ nghĩa cộng sản, chỉ chúc cho nhân dân làm theo gương Bác ngay trong giờ khắc linh thiêng của năm mới, hay mừng Xuân không thể thiếu Đảng đi kèm, Ly rượu mừng là tiếng nói của con người, của toàn vẹn yêu thương mà thượng đế chỉ trao tặng cho con người mà không một sinh vật nào khác có được. Rượu không mừng chiến thắng như cách mạng mừng sau khi đã lật đổ một chế độ, một đất nước. Ly rượu được chưng cất sau 40 năm ấy càng đậm thêm hương vị của yêu thương gắn bó, bất kể con người dưới chế độ mới là ai miễn vẫn nhận mình là người Việt Nam.
Tín hiệu yêu thương tràn ngập Sài Gòn, Hà Nội cũng như các vùng quê hẻo lánh làm cho mùa Xuân Việt Nam năm nay trở mình, gượng dậy sau 40 năm ngủ vùi trên những thừa thải ca tụng nhưng thiếu lắm một cái tình. Tình hàng xóm, nghĩa đồng bào mà Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương đang rót vào tình tự dân tộc.
Không lẽ chúng ta không mừng về viễn cảnh người Việt bắt đầu biết yêu thương nhau, vốn đã vắng bóng khá lâu trên quê hương chúng ta từ sau ngày giải phóng?
Tôi tin rằng chính những người từng đặt bút ký tên cấm phát hành nhạc phẩm này cũng phải tự xấu hổ khi hôm nay được nghe nó vang vang trong không khí ngày xuân của năm 2016. Có thể ngày xưa họ được nghe nó một lần nào đấy dưới hầm bí mật hay trong rừng sâu nên hai chữ “chiến sĩ” trong bài hát là điển hình của Mỹ ngụy và vì thế họ cấm. Giống như họ cấm hiến pháp không được có cái đảng thứ hai và cấm người dân không được biểu tình ngay cả khi biểu tình chỉ để ủng hộ đảng.
Cái gì họ cấm lúc này thì lúc khác sẽ có người cho phép. Ly rượu mừng cũng trong trường hợp đó, nhưng để đến 40 năm sau thì chua chát quá. Thởi gian quá lâu để người dân nghĩ rằng không phải đảng đã chuyển ý mà sức ép từ văn hóa xã hội mới là động lực làm cho bài hát được xuất hiện.
Vậy thì sức ép nào làm cho điều 4 bị lôi ra khỏi hiến pháp và lực đấy nào khiến người dân cầm biểu ngữ biểu tình chống đảng sẽ xảy ra?
Lần đầu tiên sau 40 năm người ta không dùng rượu để nhậu mà để mừng. Cũng không phải mừng đảng, mừng xuân mà mừng cho chính chúng ta, những con người được thượng đế tạo ra không phải chỉ biết cúi đầu mà còn biết cười to trước những sự ngu dốt, đảo điên và nhất là sự cưỡng bức trí óc không thể kéo dài mãi mãi. Nâng ly rượu của năm 2016, nâng ly chúc người nhạc sĩ đã cất từng giọt rượu cho chúng ta có mà uống trong ngày hôm nay. Nâng ly vì niềm vui sắp tới sẽ lớn hơn trên quê hương yêu dấu.
Sài Gòn, sáng Mùng Một Tết năm Bính Thân, 2016.

VIẾT TỪ SAI GÒN * TẾT BÍNH THÂN

Tết Bính Thân, năm Bính Thân…

Loay hoay làm ăn, kiếm sống, thời gian trôi như tên lao, vèo một cái, năm lại qua năm, Tết đến, mọi lo toan, háo hức, buồn tủi, hoan hỉ… đều hiện rõ trên khuôn mặt từng người, tùy vào hoàn cành và số phận riêng. Nhưng, hình như đại đa số người Việt không thuộc diện giàu có, quan chức lại có một mẫu số chung, đó là Tết đến, sự mặc cảm hiện ra rất rõ. Vì sao đại đa số người Việt lại tỏ rõ sự mặc cảm của mình trong dịp Tết đến? Và sự mặc cảm này nói lên điều gì? Quan trọng nhất là đến bao giờ đại bộ phận nhân dân Việt Nam hết mặc cảm?
Để trả lời những câu hỏi trên, có lẽ nên xem trước ngũ hành âm dương, thiên can địa chi của năm Bính Thân. Đương nhiên việc “bói toán” này chỉ mang tính chất tham khảo cho vui. Nhưng dẫu sao nó vẫn có mối liên hệ với câu chuyện Việt Nam thời Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư lần hai. Bởi nó có quá nhiều chi tiết cần quan tâm và đây cũng là triều đại chính trị nặng chất mê tín nhất trong lịch sử chế độ Cộng sản Việt Nam..
Năm Bính Thân, nói về âm dương ngũ hành, Bính thuộc Hỏa, Thân thuộc Kim, Hỏa kết hợp với Kim chắc chắn không tốt và đương nhiên Kim bị tổn hại nặng nề. Xét trên thiên can địa chi thì rõ ràng năm Bính Thân là năm mà nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều trở ngại nhất. Hơn nữa, mệnh của năm Bính Thân thuộc về mệnh Hỏa, như vậy, Hỏa có thêm sức mạnh để đốt nốt những phần dư của Kim còn sót lại.
Nếu xét trên cục diện kinh tế Việt Nam, rõ ràng thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Việt Nam, số nợ công lên quá cao, hiện tại, nợ cộng chia bình quân đầu người cho tổng số dân Việt Nam sau khi đã làm tròn 100 triệu dân thì mỗi người phải gánh đến 1,200USD. Qui ra tiền Việt Nam thì mỗi người, kể cả những em bé trong bụng mẹ và những người già sắp qui tiên, mỗi người gánh 25 triệu đồng nợ mà mình không hay biết gì. Đây là con số quá khủng khiếp!
Sự khủng khiếp này dự báo một tương lai xám xịt của nền kinh tế khi các tập đoàn nhà nước đang có nguy cơ quay trở lại nắm quyền bính. Bởi với một kẻ bảo thủ, sùng bái đảng và chủ nghĩa xã hội như Nguyễn Phú Trọng nắm quyền, nếu các tập đoàn kinh tế nhà nước bị dở bỏ, xem như chủ nghĩa Cộng sản và tương lai của mô hình Cộng sản xã hội chủ nghĩa bị đóng sập trước mắt. Chính vì vậy, chỉ trong nửa năm tới, khả năng thao túng quyền lực, độc quyền và chịu chi phối toàn bộ bởi kinh tế Trung Quốc tại Việt Nam ở các tập đoàn kinh tế nhà nước là rất cao.
Vả lại, bản thân Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc là những con người không biết làm kinh tế. Không phải vấn đề chuyên môn và học vấn của những người này nói lên điều đó mà chính quá trình nắm quyền của họ cho thấy điều đó. Nguyễn Phú Trọng là một “giáo sư tiến sĩ” lý luận đảng, đầu óc ông ta đặc sệt chủ nghĩa Cộng sản, mà Cộng sản làm kinh tế như thế nào thì ai cũng biết, không cần bàn thêm.
Trần Đại Quang giỏi bắt nhốt, gài bẫy và trấn áp những người bất đồng chính kiến. Về kinh tế, ông ta chắc sẽ giỏi làm cho khối tài sản riêng phình to hơn nhưng khó bề mà làm cho quốc gia trở nên quật cường. Bởi chính sự bắt nhốt, đi ngược với tự do, dân chủ của ông ta đã cho thấy mọi hành tung của Quang chỉ làm cho đất nước thụt lùi. Mà để bảo vệ đảng, Quang sẽ còn dùng đến nhiều thủ đoạn nặng nề hơn để triệt tiêu lực lượng dân chủ, tiến bộ khi nắm ghế Chủ tịch nước, e rằng đây là chuyện khó tránh.
Đến lượt Phúc, trước khi làm Chủ tịch Ủy ban tỉnh Quảng Nam, ông ta làm lãnh đạo ngành du lịch. Và có thể nói là thời Phúc làm du lịch, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam thuộc vào hàng bét nhất. Đùng một cái lên làm chủ tịch tỉnh, thời Phúc làm, tỉnh Quảng Nam cũng không có thay đổi gì nếu không muốn nói là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số càng khổ sở hơn bởi các công trình thủy điện (do Trung Quốc thi công, xây dựng) khiến động đất, mất mùa. Người miền xuôi cũng chẳng sướng hơn gì khi các thủy điện này xả lũ.
Đùng một cái, Phúc ra Bắc làm Phó Thủ tướng và cũng đùng một cái, Phúc sắp lên làm Thủ tướng. Trong khi đó, quá trình làm việc của Phúc chẳng có thứ gì ra tấm ra mẻ. Thử hỏi, với một đống nợ của Dũng để lại, liệu Phúc có đủ tài cán để xoay trở, để lèo lái? E rằng là rất khó! Chính vì vậy, có thể nói rằng vô tình mà năm Bính Thân lại rơi đúng năm bộ sậu Phúc, Quang, Trọng lên nắm chức chủ chốt, cộng với Kim Ngân, e rằng khó mà hy vọng về một tương lai kinh tế tốt đẹp trong năm tới!
Và cũng chính vì vậy mà chưa có năm nào, Tết nào mà tính mặc cảm của đại bộ phận nhân dân hiện ra rõ nét như năm nay. Tính mặc cảm hiện rõ trên từng gương mặt khắc khổ, đồng lương ít ỏi, đồng thưởng Tết ít ỏi, mọi thứ hàng Tết đều bán chậm chạp… Và người cân sẵn sàng mua bánh kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc dù biết nó độc hại nhưng dẫu sao nó cũng rẻ, cũng hoành tráng để ba ngày Tết không đến nỗi thua kém thiên hạ!
Tính mặc cảm còn thể hiện trong việc cố gắng mua thật nhiều áo giấy, vàng mã, rượu ngoại để chưng lên bà thờ gia tiên trong lúc kinh tế gia đình lại khó khăn, nợ trước hụt sau. Chuyện này diễn ra tràn lan từ Bắc chí Nam. Sự mua sắm theo kiểu nhắm mắt đưa chân này vừa giống như một cách tự an ủi cho nỗi khó khăn của mình lại vừa thể hiện tính mặc cảm sâu xa của con người.
Và với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trong đó xuất khẩu dầu thô và lúa gạo. Xuất khẩu lúa gạo thì ì ạch với số lượng nhiều nhất nhưng số tiền thu về ít nhất bởi gạo Việt Nam thuộc vào diện kém chất lượng, xuất khẩu dầu thô thì thua lỗ sặc máu. Đã vậy, Nguyễn Phú Trọng đến thăm Tổng công ty dầu khí Việt Nam trong dịp cận Tết lại tuyên bố dầu khí Việt Nam sẽ là mũi nhọn kinh tế chủ lực của Việt Nam! Nói lên câu này cũng biết tầm nhìn về kinh tế cũng như khả năng trụ vững của nền kinh tế Cộng sản Việt Nam mạnh cỡ nào rồi!
Nhưng dù sao đi nữa thì người Việt Nam cũng có một sức mạnh riêng, chí ít là vẫn còn một số đông người Việt không muốn sống chung với kẻ xâm lược, không muốn Nguyễn Phú Trọng nắm quyền cù nhằng dai dẳng như đang thấy và số lượng người chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí tù đày, cái chết để đấu tranh cho nền dân chủ, tự do Việt Nam ngày càng nhiều.
Và, đứng trên âm dương ngũ hành, nếu cộng bốn cái tên Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và Nguyễn Thị Kim Ngân lại sẽ ra hành Kim. Đứng trên quan điểm ngũ hành mà luận thì hành Kim sẽ bị tổn thất trong năm Bính Thân. Câu hỏi đặt ra là liệu nhóm Trọng, Quang, Ngân, Phúc có trụ nổi trước làn sóng phản đối ngày càng mạnh của nhân dân. Và phải kể đến việc đến một lúc nào đó, chính quân đội và công an cũng tỉnh ngộ, đứng về phía nhân dân. Bởi ngũ hành âm dương của năm cũng như của tên bộ sậu tứ trụ này đã nói lên điều đó.
Với trình tự nền kinh tế (Kim) bị tuột dốc thê thảm, sau đó hệ thống chóp bu lãnh đạo (cũng thuộc Kim) bị lung lay bởi ngọn lửa nhân dân. E rằng Kim khó mà trụ nổi trước Hỏa! Và khi nào ngọn lửa nhân dân chính thức thiêu rụi khối sắt đè đầu cưỡi cổ mình gần một thế kỉ nay thì tự nhiên tính mặc cảm sẽ tiêu tan bởi lúc đó, lửa đã thật sự cháy sáng!
Tết Bính Thân, năm Bính Thân, nói cho cùng là một năm tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh nhân dân!

CHIỀU 30 TẾT

Bữa Cơm Chiều 30 Tết




Bữa cơm cuối cùng của năm cũ là khoảng khắc sum vầy ấm áp nhất, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, tỏ lòng thành kính với gia tiên. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt không ai là không nhớ đến bữa cơm chiều 30 Tết...

Người Việt rất coi trọng bữa cơm chiều 30 Tết, bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Mọi thành viên trong gia đình đi làm, đi học xa, dù còn nấn ná bận tới tận 29 Tết thì cũng cố gắng về tụ họp với đi đình trong khoảnh khắc quan trọng này. Vậy nên người ta thường gọi mâm cơm chiều cuối cùng của năm cũ là bữa cơm đoàn viên, là khoảng khắc đáng trân trọng nhất trong cả năm dài.


Bữa cơm tất niên là khoảnh khắc ấm áp và thiêng liêng (Nguồn: internet)


Công cuộc sắm sửa Tết đã bắt đầu từ nhiều ngày trước, nhưng đến 30, không khí tất bật chừng như vẫn còn hiện hữu. Ai cũng tranh thủ những giờ phút còn lại ngắn ngủi của năm cũ để mong chu toàn 3 ngày Tết. Các mẹ đi chợ sắm sửa nốt những thứ cần thiết như cau trầu, gia vị, hoa tươi; các ông, các bố thì chăm lo cho bàn thờ đón gia tiên về ăn Tết bên con cháu; trẻ nhỏ lăng xăng quét nhà, lau thêm bàn ghế…Nhưng trên hết là chuẩn bị bữa cơm tất niên đủ đầy, đầm ấm.
 


Bữa cơm tất niên là bữa ăn cuối cùng của năm cũ nên thường được thực hiện vào chiều 30 Tết. Lúc đó, mọi công việc chuẩn bị Tết cơ bản đã hoàn thành, nhà cửa trang hoàng, bàn thờ đã ngay ngắn, đầy đủ, nhang mời tổ tiên được trịnh trọng thắp lên, cũng là mời ông Công, ông Táo tiếp tục về cai quản bếp núc. Bữa cơm tất niên, bữa cơm đoàn viên có ý nghĩa thiêng liêng mà trọng đại, là sợi dây vô hình kết nối các thành viên, các thế hệ mỗi độ xuân về. Gia đình nào bữa cơm ấy càng đông, càng nhiều thế hệ quây quần càng chứng tỏ gia đình đó hạnh phúc, viên mãn, là niềm tự hào của mỗi thành viên trong gia đình.

(Nguồn: internet)



Trong không khí ấm áp, khói trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa hay cả những luyến tiếc, những điều chưa hoàn thành và niềm hi vọng về một năm mới thuận lợi, bình an…Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ.


Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là nhằm xua đi những điều xấu, dở của năm cũ, đón lấy điều mới mẻ, tốt lành của năm mới. Lễ thường được tổ chức tại gia đình và tại chùa, đình, miếu mạo. Sau lễ cúng giao thừa, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ, người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng ngoan ngoãn học hành giỏi giang, tiến bộ.


Dù đã ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi khi xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới giữa những người thân cũng đều vẹn nguyên các giá trị. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, kể cả những người Việt xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi Tết đến, xuân về.

Theo Mask Online

XUÂN BÍNH THÂN

 

Châu Á mừng Tết Âm lịch


Hàng trăm triệu người trên khắp Á Châu đang ăn mừng ngày đầu tiên của Tết Âm Lịch.

Dân chúng ở nhiều nước từ Trung Quốc, Nam và Bắc Triều Tiên, cho tới Đài Loan, Singapore, và Việt Nam đang mừng Tết Canh Dần với những cuộc bắn pháo bông, đoàn tụ gia đình và nhiều hoạt động vui chơi khác.

Tuyết rơi ở miền bắc và mưa băng ở miền nam Trung Quốc có nguy cơ tạo ra tình trạng hỗn loạn trong lúc hàng triệu người về quê ăn Tết.

Những chuyến đi trong dịp Tết ở quốc gia có 1 tỉ 300 triệu người này được xem là cuộc chuyển dịch hàng năm lớn nhất thế giới.

Nhiều người tin rằng trẻ em sanh năm Dần là những người khỏe mạnh và có tinh thần tự lập, nhưng cũng có người tin rằng năm nay là năm không tốt cho việc kết hôn vì người chồng sẽ qua đời trước người vợ.

 http://www.voatiengviet.com/content/lunar-new-year-02-14-2010-84339732/846735.html

 

Thế giới đón Tết Nguyên Đán 2016

  • 8 tháng 2 2016
Image copyright Getty
Image caption Cộng đồng người Hoa ở Glasgow, Scotland mặc đồ truyền thống trong ngày lễ năm mới
Hàng triệu người khắp thế giới đã đón Giao thừa Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 bằng những lễ hội rực rỡ sắc màu và sum họp bên gia đình.
Lễ hội pháo hoa được tổ chức ở nhiều quốc gia. Người dân đi lễ chùa, về quê thăm gia đình và cùng đón năm mới.
Image copyright AFP
Image caption Xem bắn pháo hoa ở Bắc Kinh

AFP
Image caption Xem bắn pháo hoa ở Bắc Kinh
Image copyright Reuters
Image caption Người dân đến cầu nguyện tại chùa Hoàng Đại Tiên ở Hong Kong
Image copyright AFP
Image caption Một người đàn ông xem pháo hoa ở tỉnh Dan Dong nằm ở biên giới Trung Quốc với Bắc Triều Tiên
Image copyright EPA
Image caption Thắp nhang cúng trong lễ ở chùa Kwan Im Thong ở Singapore
Image copyright AFP
Image caption Một người dân múa lân mừng năm mới ở Yangon, Myanmar
Image copyright AP
Image caption Người Hoa ở Indonesia đón mừng năm mới trong một ngôi chùa ở Surabaya, miền Đông Java
Image copyright Reuters
Image caption Người dân tụ tập về xem pháo hoa tại Phố Tàu ở Manila, Philippines
Image copyright Reuters
Image caption Một người dân ăn mặc như một chú khỉ - con vật biểu tượng của năm Bính Thân - trong lễ cúng tại chùa Hoàng Đại Tiên, Hong Kong

 http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/02/160208_lunar_new_year_celebration

 

 

  Hoa Tết Sài Gòn

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2016-02-03
Email
024_230079.jpg
Chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ
AFP PHOTO

Hoa Tết Sài Gòn, từ chợ Bình Đông đến những con phố quận 1, dường như năm nào cũng như năm nào, đến hẹn lại lên, vào những ngày cuối tháng Chạp, hoa từ miệt Tây Nam Bộ được người nhà nông chở về đây để bán. Vài ba năm trở lại đây, thị trường hoa Tết ở Sài Gòn lấy đi không ít nước mắt của người nông dân Tây Nam Bộ. Có thể nói rằng từ nhà buôn cho đến người nông dân, bán hoa Tết ở Sài Gòn là một câu chuyện buồn.
Kinh nghiệm buồn nhiều năm
Chị Nguyên, sống ở Bến Lức, Long An, bán hoa vào dịp Tết ở Sài Gòn ba năm nay, chia sẻ: “Chợ hoa Tết thì bán đến 29 Tết, thường thì lỗ tiền thuê mặt bằng và tiền thuê nhân công. Năm nào nhiều người bán cũng kéo về đây, dường như là trưng ra cho người ta ngắm chứ chẳng mấy ai mua hết. Dường như kinh tế èo uột do kinh doanh, buôn bán không được nên tầm thức người ta tiết kiệm nhiều hơn.”
Người Sài Gòn không thể tự xoa dịu mình bằng một chậu cây cảnh, chậu hoa Tết sau một năm vừa lăn lộn với cơm áo vừa chật vật với kẹt xe, ngập nước và mọi thứ độc hại tuồn vào nhà.
Chị Nguyên cho biết thêm là suốt ba năm nay, chừng 20 tháng Chạp năm nào gia đình chị cũng chở hoa đến khu chợ hoa nằm gần khu phố Tây Ba Lô trong công viên đường Phạm Ngũ Lão để bán. Nhưng có thể nói rằng ba năm nay chị chỉ dư được kinh nghiệm buồn khi đi bán hoa ở đây. Thường thì các loại hoa như mai, vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, cúc móng rồng, hoa trang, hoa giấy, hoa loa kèn, lay ơn, thược dược, cẩm li… và cam quất được nhà vườn tập trung về Sài Gòn.
Con số ước tính chừng vài triệu chậu hoa khắp Tây Nam Bộ tập trung về các khu chợ Sài Gòn. Và nếu tỉnh táo, người bán hoa tự chia vài triệu chậu hoa cho một thành phố có ngót nghét năm triệu dân, trong khi đó chính xác thì có chưa tới ba triệu người sống bám trụ Sài Gòn ngày Tết, số còn lại về quê ăn Tết. Với ba triệu người mà số lượng hoa, cây cảnh lên đến năm sáu triệu chậu thì trung bình mỗi người phải chưng đến hai chậu hoa và cây cảnh. Con số này sẽ không bao giờ thành hiện thực. Chính vì vậy mà hoa Tết ở Sài Gòn năm nào cũng thừa mứa, người trồng hoa phải khóc hết nước mắt trên chợ Tết.
Nhưng vấn đề chính vẫn không nằm ở chỗ số lượng hoa nhiều hơn số lượng con người mà là kinh tế Sài Gòn vài năm trở lại đây trở nên chật vật so với trước. Người Sài Gòn không thể tự xoa dịu mình bằng một chậu cây cảnh, chậu hoa Tết sau một năm vừa lăn lộn với cơm áo vừa chật vật với kẹt xe, ngập nước và mọi thứ độc hại tuồn vào nhà. Có vẻ như chỉ có một số ít gia đình quan chức thừa mứa hay các nhà buôn khấm khá mới chơi hoa Tết. Số đông còn lại thờ ơ với Tết, bởi Tết của người Sài Gòn không phải là Tết ở thành phố Hồ Chí Minh hiện tại.
Chị Nguyên cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hoa Tết ở các chợ Sài Gòn ế ẩm suốt nhiều năm một phần do kinh tế Sài Gòn bị trì trệ, phần khác do lượng cung quá lớn mà lượng cầu lại quá bé. Nhưng với một nông dân như chị Nguyên, trồng hoa Tết để kiếm tiền trang trải cho cả năm, nếu không bán ở thành phố lớn như Sài Gòn thì biết bán ở đâu! Và hầu hết nông dân Tây Nam Bộ đều đưa hoa về Sài Gòn để bán. Sài Gòn là mảnh đất hy vọng của người nông dân Tây Nam Bộ trong nhiều thập kỉ nay.
024_835753-400.jpg
Người nông dân Tây Nam Bộ tự trồng hoa chở đi bán. (minh họa)
Chị Nguyên cho biết thêm là với kinh nghiệm thất bại, nhất là những người nông dân tập tành buôn hoa Tết lên Sài Gòn, có nhiều gia đình đã lâm nợ hàng trăm triệu đồng vì vay tiền mua hoa Tết để bán và ngồi suốt một tuần lễ không có khách, tốn vài chục triệu đồng thuê mặt bằng để cuối cùng phải thuê xe rác đến chở đi đổ. Vừa mất tiền vốn mua hoa, mất tiền vận chuyển hoa và mất luôn khoảng thời gian dài chuẩn bị Tết. Cuối cùng, người bán hoa mang một ít nước mắt và xót xa về nhà sau phút Giao Thừa.
Hiện tại, giá cả và không khí mua bán hoa Tết ở Sài Gòn vẫn chưa có gì thay đổi, lượng hoa tập trung về Sài Gòn đang bắt đầu nhiều dần lên. Điều này làm chị Nguyên chạnh nhớ đến năm ngoái với những trái Phật thủ và bưởi năm roi bàn tay Phật mà người nhà buôn phải đi năn nỉ khách để bán với một phần ba giá mua vào nhưng vẫn không có người mua. Sắp tới giờ giao thừa, cả chợ hoa xao xác như chiến tranh vừa đi qua.
Thời tiết không thuận lợi nhưng giá hoa vẫn thấp
Anh Dũng, một nông dân khác ở Trà Vinh, có kinh nghiệm hơn mười năm chở hoa bằng đường ghe lên chợ Bình Đông để bán, chia sẻ: “Hoa Tết thì bán nhiều, người tư đến từ Sa Đéc, Đồng Tháp rồi Bến Tre. Đi nhiều đường từ xe cho đến đò. Thường thì bán tới tận 30 Tết, cả đêm 30. Bán thì cũng được lai rai. Nói chung là đỡ phải đi làm lao động thôi.”
Anh Dũng cho biết thêm là gia đình anh năm nào cũng bán được một ít tiền hoa để mang về ăn Tết mặc dù thị trường hoa ế ẩm vô cùng. Sở dĩ anh không bị thua lỗ và không khóc như nhiều người bán hoa khác là do hai yếu tố: Hoa tự trồng và bán hoa thị trường đang cần.
Nếu sống đúng điệu của người nông dân Tây Nam Bộ sẽ không bị chết đứng trên chợ hoa Tết. Nghĩa là tự trồng hoa chở đi bán và bán thật vui vẻ, không quá đặt nặng giá thành.
Anh nói thêm rằng hầu hết các nông dân nếu sống đúng điệu của người nông dân Tây Nam Bộ sẽ không bị chết đứng trên chợ hoa Tết. Nghĩa là tự trồng hoa chở đi bán và bán thật vui vẻ, không quá đặt nặng giá thành. Ví dụ như thị trường đang bán một chậu cúc mâm xôi với giá một trăm ngàn đồng nhưng nếu khách trả giá năm chục ngàn thì tốt nhất hãy bán. Bởi bán để có tiền tiêu xài đã hẳn tính. Nhưng nếu nhà buôn thì không thể bán như người tự trồng được vì họ phải cộng giá gốc với hàng loạt chi phí khác cùng tiền lãi để bán.
Anh Dũng nói rằng hầu hết người nông dân Tây Nam Bộ bây giờ bị cuốn theo dòng chảy thị trường, lao đầu như thiêu thân nên rất dễ chết. Nhất là trong dịp Tết, cứ thấy bán hoa có tiền thì chen chân vào buôn hoa và khi thị trường ế ẩm thì chết đứng vì mất vốn. Chuyện này chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, người nông dân Tây Nam Bộ trở nên vội vã và đôi khi cuống cuồng trong dòng chảy thị trường, trong khi họ không có hiểu biết về việc buôn bán.
Anh Dũng nói rằng nếu người nông dân chịu khó bình tĩnh và đừng ham buôn hoa vài năm thì thị trường hoa Tết ở Sài Gòn sẽ ổn định trở lại. Nhưng anh Dũng cũng đưa ra nhận xét rằng chuyện người nông dân thôi cuống cuồng là chuyện không tưởng. Bởi lẽ, chuyện này ảnh hưởng từ hệ thống nhà nước, từ các chính sách cho nhân dân. Người ta khổ thì phải cuống cuồng thôi.
Thử nghĩ, Tết về, với người nông dân Tây Nam Bộ, nếu không bán hoa ngày Tết thì đi làm thuê, hoặc đợi tiền của con cái có chồng Đài Loan, Trung Quốc gởi về cho mà ăn Tết chứ lấy gì để ăn Tết đây. Anh Dũng dự đoán rằng năm nay chợ hoa Tết Sài Gòn sẽ chẳng kém gì năm ngoái. Bởi chợ hoa là cái máy đo dân sinh mỗi năm! Khi nào đời sống người Sài Gòn và nông dân Tây Nam bộ khấm khá hơn thì lúc đó chợ hoa Sài Gòn sẽ thơ mộng và không có nước mắt!

 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/The-Flowres-of-Tet-in-Saigon-02032016143454.html



Chợ Tết rộn ràng ở Little Saigon

Thương xá Phước Lộc Thọ, chợ lớn nhất của cộng đồng người Việt ở California, Mỹ, cuối tuần qua tấp nập người đi sắm Tết hơn mọi năm.
Thương xá Phước Lộc Thọ ở thành phố Westminster, quận Cam, bang California, vốn nổi tiếng là trung tâm mua sắm của cộng đồng người Việt ở Little Saigon, nay sát Tết Âm lịch lại càng nhộn nhịp. 
Các mặt hàng Tết như rượu, mứt, bánh kẹo, các giỏ quà được bày bán với nhiều mức giá khuyến mãi. Mứt thập cẩm loại ngon được nhiều người ưa chuộng có giá khoảng 10 USD cho 0,5 kg, hay trà nhài có giá 18 USD một hộp lớn.
Các hàng giò chả, bánh chưng, nem cuốn sẵn được nhiều người Việt tin mua để ăn Tết.
Một trong những món ăn nổi tiếng nhất ở đây là khô bò, giá khoảng 30 USD cho 0,5 kg.
James Doan, một người Việt từ bang Michigan đến California và ghé chợ vào dịp này, cho hay anh phải xếp hàng chờ mua khô bò vì lượng khách khá đông.
Ở bên ngoài thương xá Phước Lộc Thọ, người mua kẻ bán cũng chen chân tấp nập không kém.
Cũng như mọi năm, chợ Tết luôn rực rỡ đủ mọi loại hoa, cây cảnh. Đây cũng là khu vực thu hút nhiều khách hàng.
Từ các loại hoa cắm như cúc, hồng, lay ơn đến các loại hoa chơi Tết như lan, đào, mai đều có sẵn. Giá của chúng dao động từ vài chục đến vài trăm USD. 
Góc bán đồ trang trí và đồ chơi gồm các loại câu đối có giá 20 USD một cặp, bao lì xì, hoa giả, lợn đất... Ở đây còn có loại pháo giấy nhỏ dành cho trẻ em, khi đáp xuống đất sẽ phát ra tiếng và không phải đốt.
Nhiều người Việt ở các bang khác đổ về Phước Lộc Thọ vừa mua sắm vừa thưởng thức các hoạt động khác tổ chức song song cùng chợ Tết như thi trình diễn áo dài, thi nấu bánh chưng. Do đó, khu ẩm thực buổi tối rất đông khách.
Các món bánh ăn vặt có giá khoảng 5 USD một cái.
Khu vực Little Saigon những ngày này thường rơi vào tình trạng tắc đường từ 6 đến 10 giờ sáng và từ 3 đến 7 giờ tối. Nhiều người phải đỗ xe từ xa rồi đi bộ vào khu nhà hàng, mua sắm của cộng đồng người Việt.
Mời các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài chia sẻ bài viết, hình ảnh và video đón Tết về địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com. Bài viết vui lòng sử dụng tiếng Việt có dấu.

 http://vnexpress.net/photo/nguoi-viet-5-chau/cho-tet-ron-rang-o-little-saigon-3352615.html

 

Chợ Bansktown Ngày 28 Tết

Tuy không cúng quảy gì 3 ngày tết nhưng thứ bảy nào tôi cũng đi chợ. Thứ bảy là ngày chợ đông nhất trong tuần, hôm nay lại đặc biệt là 28 tết nên người ta càng chen chúc hơn.  Thấy quang cảnh nhộn nhịp rộn ràng mua sắm tết, tôi vội chụp vài tấm hình đăng lên chia sẻ cùng bạn hữu bốn phương.
Mời quý vị xem vài hình ảnh tiêu biểu chợ tết Việt Nam ở Úc.

 










Chụp từ iphone

 

 

 Báo Tết và văn hoá Tết

Báo Tết và văn hoá Tết
Báo Tết và văn hoá Tết
Từ thập niên 1930, báo Tết đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong sinh hoạt mừng xuân của người Việt Nam (1). Bên cạnh những “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Bên cạnh những “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bên cạnh? Không phải. So với các món Tết cổ truyền vừa kể, vị thế của báo Tết quan trọng hơn nhiều. Ngày nay, cây nêu, câu đối đỏ hay dưa hành chỉ còn là những kỷ niệm, có khi thật xa vời, hun hút nằm ngoài trí nhớ của nhiều người Việt Nam. Riêng pháo thì, từ nhiều năm rồi, bị cấm; và thịt mỡ thì dần dần, cùng với đà phát triển của kinh tế, không còn là một giá trị điển hình cho ngày Tết nữa. Trong khi đó báo Tết không những không suy giảm mà càng ngày càng phát triển, từ trong nước ra đến hải ngoại. Đâu đâu cũng có báo Tết. Báo chuyên nghiệp ra số Tết đã đành. Ngay cả các đặc san của các hội đoàn cũng chọn dịp Tết để ra báo như để cố góp vào cái rừng báo Tết vốn đã rậm rạp của người Việt bằng chút hương hoa địa phương.
Tôi không biết ở các nước khác thế nào, chứ riêng tại các quốc gia nói tiếng Anh, rõ ràng là người ta không có thói quen làm báo Tết. Ngay cả đầu năm 2000 và đầu năm 2001, thời điểm kết thúc và mở đầu không những của một thế kỷ mà còn của cả một thiên niên kỷ, các tờ báo lớn tại Mỹ, Anh, Úc và Canada... cũng chỉ phát hành những phụ trương mong mỏng tổng kết những sự kiện và những nhân vật nổi bật nhất trong một số lãnh vực nào đó mà thôi. Hoàn toàn không có những số báo Tết hay những giai phẩm xuân như ở ta. Bởi vậy, trong chừng mực nào đó, một cách dè dặt, chúng ta cũng có thể nói báo Tết là một hiện tượng khá đặc thù của Việt Nam.
Cái đặc thù ấy không chừng xuất phát từ tham vọng làm... văn chương của những người làm báo. Nên lưu ý là báo Tết thường gắn liền với các nhật báo hoặc tuần báo. Các tạp chí ra hàng tháng hay nhiều tháng, nếu có số Tết, cũng chỉ là một cách gọi tên cho tiện và cho... vui; thực chất chúng cũng chỉ là một thứ giai phẩm khá bình thường, may lắm, thoáng chút hương xuân ở đôi bài tổng luận hay phỏng vấn. Những số báo Tết tiêu biểu nhất thường được tìm thấy ở những người làm báo thực sự. Có thể xem báo Tết như một thứ đại yến của những tờ báo tin tức và thời sự: đó là dịp để những người quanh năm tất bật với những tin vắn tin dài có thể ngồi xuống làm... thứ văn chương mà họ tin là nghiêm túc. Với bìa cứng và được bấm gáy cẩn thận, số báo Tết được xem như một sự hoá thân: từ báo, nó trở thành tạp chí; từ tin tức, nó trở thành nghệ thuật; từ giải trí, nó trở thành văn chương; từ việc đáp ứng những nhu cầu bức thiết nhưng rất phù du hàng ngày, nó trở thành một thứ tác phẩm có thể được lưu giữ lâu dài trên các giá sách. Những sự hoá thân ấy có tác động thăng cấp về tâm lý: với các số báo Tết, một nhà báo thích thú với chữ nghĩa có thể tự cảm thấy mình là một nhà văn hay một nhà thơ; một nhà báo khác say mê bình luận tin tức có thể tự cảm thấy mình là một nhà... bình luận chiến lược, hoặc thậm chí, một nhà chiến lược..
Tuy nhiên, trên thực tế, ý nghĩa văn chương và nghệ thuật của các số báo Tết ấy rất mong manh.
Trước đây, về phương diện nghệ thuật, các số báo Tết có một đặc điểm nổi bật là in màu nên trông rực rỡ hơn hẳn các số báo thường. Nhưng khi phần lớn các số báo thường cũng được in màu, ít nhất là ở cái bìa, thì vẻ rực rỡ không còn là một tín hiệu của Tết nữa. Đó là chưa kể, loại bỏ yếu tố màu sắc ra, hình ảnh in trên các bìa báo Tết thường khá giống nhau: hoặc hình thiếu nữ hoặc hình ông bà cụ già với cháu nhỏ trong y phục cổ truyền, hoặc hình một vật gì đó gắn liền với ngày Tết: hoa, cây nêu, pháo, bánh chưng, v.v... Đại khái thế. Rất ít có sự thay đổi. Mà hình như người ta cũng ngại thay đổi: Tết đồng nghĩa với truyền thống.
Văn chương của báo Tết cũng thế. Cũng ngại thay đổi. Ngại thay đổi từ đề tài trở đi: Bài vở khác nhau, các cây bút cộng tác khác nhau, nhưng hầu như tờ báo Tết thực sự là báo Tết nào cũng có những phần mục y như nhau. Bao giờ cũng có phần tổng kết tình hình trong năm. Nghiêm túc thì người ta viết bài tổng kết ấy dưới hình thức tiểu luận. Nặng tinh thần giải trí thì người ta viết dưới hình thức sớ Táo quân. Nhiều báo còn cụ thể hoá tình hình trong năm bằng cách chọn ra những thành tích xuất sắc và những gương mặt tiêu biểu nhất để biểu dương. Hơn nữa, người ta còn đi xa hơn trong việc tổng kết bằng cách nhìn lại toàn bộ những năm mang cùng tên con giáp trong suốt lịch sử, từ đó, có những bài như “Những năm Ngọ trong lịch sử”, “Những năm Thìn trong lịch sử”, v.v...
Đi kèm với những bài như thế bao giờ cũng có những bài viết khác tìm hiểu những đặc điểm của những con vật được chọn đặt tên cho năm: chuột, trâu, cọp, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ... Với những đề tài như thế, người ta không thể tránh khỏi sự trùng lặp trong nội dung. Gắn liền với một con vật nào đó thường chỉ có một số chuyện nhất định, kiểu: con ngựa trong ca dao, tục ngữ; con ngựa trong hội hoạ; con ngựa trong văn chương; con ngựa trong thế giới sinh vật học, v.v... Một số không ít những bài viết ấy sẽ được in lại hoặc xào nấu lại trong một chu kỳ cố định: 12 năm. Bởi vậy, tuy năm nào chúng ta cũng có hàng trăm tờ báo Tết, những giai phẩm xuân dày cộm và lộng lẫy, số lượng những tác phẩm về Tết có giá trị, cả trong lãnh vực sáng tác lẫn lãnh vực nghiên cứu, rất hiếm, hiếm một cách rất đáng kinh ngạc. Khi nào cần tìm một bài thơ thật hay về mùa xuân ư? Thì chúng ta lại phải quay về với Vũ Đình Liên, với Đoàn Văn Cừ, với Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên những năm trước 45 xa xôi. Khi nào cần tìm một số công trình nghiên cứu nghiêm túc và khả tín về phong tục tết nhất ư? Thì chúng ta lại phải quay về quá khứ, với Toan Ánh hay Vương Hồng Sển trước năm 1975, hay có khi xa hơn nữa, tận thời Phan Kế Bính, trước năm 1930.
Biết thế, nhưng người Việt Nam nói chung vẫn cứ yêu báo Tết. Giới làm báo yêu báo Tết: Tết, không có số báo đặc biệt, họ cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì. Giống như những người bình thường thiếu một chậu hoa, một gói bánh chưng hay một đòn bánh tét. Giới viết văn và làm thơ cũng yêu báo Tết: rất nhiều người quanh năm không viết lách được gì cũng cố góp mặt trên trang báo Tết một bài thơ hay một tiểu phẩm gì đó. Nhiều người chuẩn bị cho báo Tết khá kỹ: ngay từ giữa năm, lúc, trừ Úc, đang còn trong mùa hạ hoặc mới vừa chớm thu, họ đã nắn nót những bài thơ nặng trĩu nỗi hoài hương và hoài cổ trong không khí giao thừa lạnh lẽo ở xứ lạ quê người. Một số người cẩn thận và cũng ngây thơ hơn, ghi chú dưới bài thơ dòng chữ đầy tính... hư cấu, kiểu “Viết giữa đêm giao thừa... 2002”, trong khi trên thực tế, bài thơ ấy đã được làm và gửi đến toà soạn từ giữa năm... 2001. Độc giả, cầm đọc bài thơ với câu ghi chú như thế cả một, hai tháng trước đêm giao thừa, cũng không lấy gì làm khó chịu. Người ta dễ dàng xem đó như một thứ nghi thức. Thật ra, với họ, ngay chính việc mua tờ báo Tết cũng gần như một nghi thức: tờ báo, giống như một gói mứt; mua, chưa chắc đã ăn, nhưng không mua thì không an tâm. Mua báo Tết, có khi chỉ liếc sơ qua, nhưng nếu không mua, cứ e hương vị ngày Tết nhạt đi một chút.
Thành ra, có thể nói, với người Việt Nam, báo Tết là một hiện tượng văn hoá.
Đó là thứ văn hoá hội hè. Đặc điểm đầu tiên của văn hoá hội hè là tính chất tập thể, ở đó, ngay sự hiện diện đã là một ý nghĩa. Không cần biết ai hiện diện, chỉ cần biết là nhiều người hiện diện. Bởi vậy số báo Tết nào người ta cũng cố lôi kéo thật nhiều người tham gia. Nếu không tham gia được với tư cách tác giả thì cũng tham gia với tư cách những người được phỏng vấn. Mà các cuộc phỏng vấn chỉ cần đa dạng chứ không cần chuyên sâu. Mỗi người thường được hỏi vài ba câu, thật ngắn. Trả lời sao cũng được. Ở đây chất lượng không quan trọng: điều quan trọng nhất là mỗi người một giọng để tờ báo có không khí đình đám.
Đình đám thì phải...vui. Hầu hết những người làm báo Tết đều ý thức rất rõ là tờ báo của mình được đọc trong không khí Tết, lúc mọi người chỉ muốn tận hưởng những gì thảnh thơi và may mắn nhất. Do đó, người ta thường né tránh những đề tài và những phong cách quá nặng nề. Hí hoạ, thơ, truyện cũng như những bài phóng sự hài hước và phóng sự ngắn được đặc biệt ưa chuộng.
Nhưng đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hoá nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài.
Thì cũng hay thôi. Mỗi số Tết là một dịp ôn bài. Ôn tập thể. Và thú vị. Như nhắp một hớp trà hay nhâm nhi một miếng mứt. Có lẽ phần lớn những kiến thức của chúng ta về phong tục tập quán của dân tộc cũng như những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước nếu không đến từ, thì cũng được củng cố bởi, các dịp ôn bài như thế. Không có chúng, khó có thể tưởng tượng là đến hơn nửa cuộc đời, chúng ta vẫn nhớ đến những sự tích bánh chưng bánh dày hay những câu chuyện ngồ ngộ liên quan đến các giống vật được chọn đặt tên cho từng năm như chó, mèo, ngựa, khỉ, rắn, rồng, v.v...Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên được nhiều người ghi nhớ hơn nhiều bài thơ khác có lẽ một phần lớn cũng là nhờ báo Tết. Tên tuổi của Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ thời 1930-45, tác giả của một số bài thơ về Tết nổi tiếng, còn lại mãi có lẽ chủ yếu cũng nhờ báo Tết.
Những việc “ôn bài” dưới hình thức báo Tết như thế không phải chỉ có ích lợi là giúp bồi bổ kiến thức của mọi người. Quan trọng hơn, chúng còn giúp tạo nên một thứ ký ức tập thể chung cho cả dân tộc, khiến cho người Việt Nam thuộc bất cứ địa phương hay bất cứ thế hệ nào cũng đều có một số hình ảnh khá giống nhau và một số khái niệm khá giống nhau về đất nước. Chính những ký ức tập thể như thế đã góp phần hình thành nên những ý niệm về cái gọi là bản sắc văn hoá; và bản sắc văn hoá, đến lượt nó, lại điều kiện hoá cách suy nghĩ cũng như cách hành xử của từng cá nhân.
Có thể nói, ở Việt Nam, ký ức có vai trò quan trọng hơn hẳn lịch sử. Thật ra, ở một góc độ nào đó, ký ức và lịch sử là một: lịch sử là thứ ký ức tập thể đã được gạn lọc và lưu giữ bằng một phương tiện vật lý nằm ngoài bộ nhớ của từng cá nhân. Đó là thứ ký ức được ghi lại. Lịch sử được viết theo phong cách hàn lâm (academic history), nói theo Lutz Niethammer, là thứ ký ức tập thể trong một thời đại khoa học (2). Tuy nhiên, chính việc ghi lại ấy đã làm cho lịch sử ít nhiều khác biệt với ký ức. Được ghi chép tức là được gạn lọc: lịch sử nào cũng ít nhiều chịu sự chi phối của các thế lực khác nhau trong xã hội, chủ yếu là các thế lực đang nắm vai trò thống trị, nói như ai đó, trong một câu nói đã thành châm ngôn: lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng. Hơn nữa, được ghi chép, lịch sử, một mặt, sẽ còn lại với thời gian, nhưng mặt khác, lại bị tách ra khỏi sự sống vẫn còn đang tiếp tục vận động. Những yếu tố này làm cho lịch sử trở thành một cái gì bất toàn và đầy nghi vấn. Theo Maurice Halbwachs, trong khi ký ức tập thể về quá khứ được chia sẻ trong cả cộng đồng, lịch sử chỉ là kết quả của những công trình nghiên cứu dành cho một thiểu số; trong khi ký ức tập thể vô cùng đa dạng, lịch sử chỉ có một (3). Nhưng cũng từ hiện tượng được ghi chép, lịch sử có một đặc điểm rất tích cực: được ghi chép là được có cơ hội xác minh và bổ sung, nhờ thế, có nhiều triển vọng gần với sự thực hơn là những ký ức được lưu giữ trong từng cá nhân riêng lẻ và đầy chủ quan. Từ khoảng giữa thập niên 1970 trở lại đây, giới nghiên cứu không còn cố gắng tìm cách đối lập ký ức và lịch sử nữa mà họ xem ký ức như một hình thức bổ sung cho lịch sử. Bổ sung ngay trong ngành sử học: bên cạnh khái niệm lịch sử thành văn quen thuộc, xuất hiện khái niệm lịch sử truyền khẩu (oral history). Bổ sung trong lãnh vực xã hội, chính trị và văn hoá: từ những ký ức tập thể của dân chúng, giới nghiên cứu có thể khám phá ra cách thức con người diễn dịch và nhào nặn lại quá khứ, cách thức quá khứ tác động lên hiện tại và phần nào, cả tương lai nữa.
Bổ sung. Dù được chú ý đến mấy, ký ức cũng chỉ đóng vai trò bổ sung cho lịch sử mà thôi. Nó không thể thay thế lịch sử. Lịch sử có tính thiên vị? Đồng ý. Nhưng ký ức, dù là ký ức tập thể, cũng không công bình hơn chút nào. Đằng sau, có khi xa lắm đằng sau hành động nhớ và quên của một cộng đồng bao giờ cũng tiềm tàng một thái độ chính trị nhất định: người ta thường chỉ nhớ những gì họ muốn nhớ và quên những gì họ muốn quên. Hơn nữa, hình thức thành văn của lịch sử là điều kiện để phát triển tầm nhìn có tính tổng hợp và khái quát: Những khái niệm trừu tượng như phong kiến, tư bản, cộng sản, cách mạng, quân chủ, dân chủ, đa nguyên, v.v... chỉ có thể ra đời trên cơ sở của lịch sử. Ký ức, ngược lại, chỉ làm người ta quanh quẩn mãi trong những cái cụ thể gần gũi và nhí nhách.
Ký ức tập thể, muốn tồn tại lâu dài, phải gắn liền với các câu chuyện kể. Một nền văn hoá được xây dựng chủ yếu trên nền tảng của ký ức nhất thiết là một nền văn hoá mang tính tự sự (narrative culture) (4). Văn hoá Việt Nam, cho đến nay, là một nền văn hoá như thế. Lịch sử, bất kể là lịch sử gì, với chúng ta, chỉ là một chuỗi chuyện kể liên miên theo trình tự thời gian. Sáng tác, bất cứ thuộc thể loại gì, từ văn xuôi đến văn vần, từ một thiên tiểu thuyết đến một bài thơ, với chúng ta, cũng là một cách kể chuyện, hoặc những câu chuyện đầy biến cố liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của các nhân vật, hoặc những câu chuyện ngăn ngắn, nho nhỏ, liên quan đến đời sống tâm tình, với những ước mơ và những thất vọng, những nhớ nhung và những khắc khoải, những đắng cay và những giận hờn... của chính người cầm bút. Phê bình, với chúng ta, cũng lại là một cách kể chuyện: kể lại câu chuyện xảy trong tác phẩm mình phê bình hoặc kể lại những gì mình cảm, mình nghĩ, mình liên tưởng nảy sinh từ tác phẩm ấy. Cả đến văn lý thuyết, với chúng ta, ở một mức độ nào đó, cũng là một cách kể chuyện: kể về một vấn đề, về những tranh luận chung quanh một vấn đề, về những chi tiết nhằm minh hoạ cho vấn đề ấy. Ở đó có rất ít những sự phân tích. Càng ít hơn nữa những cách nhìn có sức tổng hợp với những khái niệm trừu tượng và mang tính khái quát cao.
Đã đành dân tộc nào vào thuở sơ khai khi chưa có chữ viết hoặc chưa có điều kiện in ấn cũng đều yêu chuộng hình thức chuyện kể. Tuy nhiên, hình như ở Việt Nam, lòng yêu chuộng ấy sâu đậm một cách khá đặc biệt. Sâu đậm đến độ, với người Việt Nam, quá khứ không có gì khác hơn ngoài các câu chuyện kể. Chúng ta phá hoại không thương tiếc các di tích lịch sử; chúng ta hờ hững với những gì có khả năng trở thành di tích lịch sử; chúng ta chỉ yêu các câu chuyện kể. Chúng ta kể đi kể lại không biết mệt mỏi từ chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đến Trọng Thuỷ phản bội Mỵ Nương, chuyện Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chuyện Trưng Trắc trả thù chồng, chuyện Triệu Trinh Nương vú dài ba thước, chuyện Trần Quốc Toản bóp nát trái cam trong tay, v.v...
Không phải không có khía cạnh tích cực: Theo tôi, chính việc chia sẻ niềm tin và sự say mê đối với các câu chuyện kể ấy đã góp phần tạo nên sự thống nhất của dân tộc Việt Nam, để từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại, từ già đến trẻ, từ trí thức đến bình dân, ở đâu người Việt Nam cũng có một sự tưởng tượng chung, từ đó, ngỡ chừng như có một quá khứ chung, một cội nguồn chung. Nói một cách khái quát hơn, cái gọi là dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cái gọi là dân tộc tính của Việt Nam, thực chất là một số câu chuyện kể chung.
Đẩy vấn đề lên một tầm khái quát như vậy, chúng ta gặp một số lý thuyết gia hậu hiện đại, những người xem những khái niệm hết sức căn bản như tổ quốc, sắc tộc, bản sắc, v.v... không phải là những gì có sẵn mà chỉ là những gì được tạo ra, hơn nữa, không ngừng được tái tạo qua thời gian. Hay, nói như Werner Sollors sắc tộc chỉ là một chuỗi những sự hư cấu có tính tập thể (a set of collective fictions) (5); nói như Benedict Anderson, tổ quốc chỉ là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community) (6); và như Homi Bhabha, tổ quốc là những gì được kể lại (7).
Những gì được kể lại ấy hẳn đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, qua việc kể, những di tích đầy huyễn tưởng của quá khứ ấy lại tác động lên việc hình thành những những giá trị văn hoá làm mẫu số chung trong xã hội để căn cứ theo đó, mọi người đánh giá các hiện tượng chung quanh, và chọn lựa cho mình những cung cách hành xử được xem là đúng đắn nhất. Nói cách khác, cái được kể sẽ dần dần được nội tâm hoá và đến một lúc nào đó, trở thành khuôn thức để hình thành nhân cách và tính cách của chúng ta: từ những người kể chuyện, chúng ta bị biến thành những người được kể, thành các nhân vật. Đây mới chính là điều đáng ngại: ở tận đầu thế kỷ 21, thật chẳng có gì vui khi cứ phải tiếp tục làm những nhân vật dễ thương nhưng rất đơn giản, đơn giản đến độ ngây ngô, như trong các câu chuyện cổ tích ngày nào.
Chính vì vậy, mỗi lần cầm các tờ báo Tết, tôi vừa mừng vừa cảm thấy có cái gì như là ngài ngại.
Bạn có thấy vậy không?
Chú thích: 
1. Tết 1918, báo Nam Phong cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ giai phẩm xuân. Theo Vương Hồng Sển, có thể xem đó là “thỉ tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, nxb Mỹ Thuật, tp Hồ Chí Minh, 1994, tr. 89). Sau đó, trong thập niên 20, một số báo ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng có ra báo Xuân. Tuy nhiên, hình thức báo Xuân hay báo Tết này chỉ thực sự phổ biến từ thập niên 30 trở đi.
2. Dẫn theo Cornelius Holtorf trong bài "History and Memory" trên trang web: http://citd.scar.utoronto.ca/CITDPress/holtorf/2.8.html.
3. Như trên.
4. Về khái niệm “văn hoá tự sự” hay “kiến thức tự sự”, có thể xem thêm bài “How Cultural Anthropology Contributes to Culture: The Scientific Method in Late Twentieth Centry Cultural Anthropology” của James W. Dow trên website: http://www.oakland.edu/~dow
5. Xem Werner Sollors (biên tập) (1989), In the Invention of Ethnicity, New York: Oxford University Press, tr. ix-xx.
6. Xem Benedict Anderson (1991), Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism, New York: Verso.
7. Xem Homi K. Bhabha (1994), The Location of Culture, London: Routledge.
 

Sunday, February 7, 2016

TRẦN ĐẠI QUANG CHỦ TỊCH CƯỚP

Hành vi vô trách nhiệm, "chạy làng" nhưng sai vẫn hoàn sai của Bộ trưởng CA Trần Đại Quang, chủ tịch nước tương lai

CTV Danlambao - Vào ngày 4 tháng 1, 2016, Trần Đại Quang ký Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép bất kỳ một công an nào, ở mọi cấp bậc, đều có quyền "trưng dụng" bất cứ thứ gì và từ bất cứ ai. (1) Hành vi chà đạp luật pháp của Trần Đại Quang, người được đảng cộng sản chỉ định sẽ là Chủ tịch nước tương lai đã bị xã hội lên án. Trước sức ép của dư luận, Trần Đại Quang đã làm gì?
Trần Đại Quang đã im re, chạy làng và để cho Nguyễn Hữu Dánh, thiếu tướng Phó Cục trưởng Cục CSGT đứng ra chữa... sai cho mình. Nhưng thật sự Bộ Công an có chính thức nhận sai lầm như một số trang mạng lề đảng giật tít?
Nguyễn Hữu Dánh đã ký Công văn 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm để "giải thích rõ hơn nội dung, quy định cho lực lượng CSGT được trưng dụng tài sản của người dân trong Thông tư 01/2016/TT-BCA" (2). 
Điều này cho thấy Bộ Công an vẫn "ngoan cố" cho rằng thông tư 01/2016/TT-BCA do Trần Đại Quang ký là chưa rõ chứ không vi phạm luật.
Công văn 525/C67-P9 do Nguyễn Hữu Dánh ký để chữa cháy cho Trần Đại Quang khẳng định: "việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Riêng lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an."
Đây không phải là một sự giải thích làm rõ, mà thật sự nó phủ nhận những gì mà Trần Đại Quang đã ký trong Thông tư 01/2016/TT-BCA với Điều 2 - Đối tượng áp dụngĐiều 5 khoản 6 quyền hạn được tóm tắt như sau: Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện mà không cần phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Công an gì cả.
Thế nhưng, qua cửa miệng của Nguyễn Hữu Dánh, Trần Đại Quang vẫn tìm mọi cách để biện minh, trốn tránh trách nhiệm cho hành vi chà đạp luật pháp của ông ta rằng: "Như vậy, quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 01 của Bộ Công an không trái với các quy định của pháp luậtchỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an."!!!
Rõ ràng thông tư thì nói sĩ quan hạ sĩ quan được quyền trưng dụng tài sản của người dân, rồi công văn chữa cháy ra đời với quy định "có sự đồng ý của bộ trưởng" mà lại nói thông tư không trái quy định pháp luật!!!

Thế nhưng sự việc không ngừng lại ở đó!
Công văn 525/C67-P9 vừa mới chữa sai rằng "lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an" thì ngay sau đó công văn này lại mở đường cho hươu chạy như sau: 
"Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra".
Tức là bất kỳ CSGT nào cũng chỉ cần dùng lý cớ "bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra" một cách tuỳ tiện là vẫn được quyền "trưng dụng" tài sản của người dân mà chẳng cần phải xin phép ông Bộ trưởng nào cả.
Có lẽ những ông công an tiến sỹ, phó giáo sư, bằng cấp đầy mình này không hiểu ý nghĩa nhóm chữ "chỉ được phép" do chính các ông ấy viết ra.
Tóm lại, trên thực tế:
1. Thông tư 01/2016/TT-BCA do Trần Đại Quang ký đã vi phạm pháp luật. Thông tư này vẫn chưa có công bố chính thức từ Bộ Công an là nó sẽ bị huỷ bỏ. Ngược lại nó vẫn tồn tại và công văn 525/C67-P9 được sử dụng như là để "giải thích" nội dung của thông tư sai trái đã ban hành. 
2. Trần Đại Quang và Bộ Công an chưa bao giờ chính thức nhận sai lầm là đã chà đạp lên luật.
3. Công văn 525/C67-P9 thật ra vẫn cho phép bất kỳ một CSGT nào cũng có quyền "trưng dụng" tài sản của người dân với quy định: ""Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra"
 
 

No comments:

Post a Comment