Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 28 October 2016

TƯỞNG NĂNG TIẾN =NGHÌN NĂM BẮC THUỘC=NGÓ QUA XÃ TẮC

SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

Những Cành Hoa Đẹp Trong Năm


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Where there is no hope, it is incumbent on us to invent it.
Albert Camus
Đến tuổi này, tôi mới hiểu ra cái tâm cảm (ưu phiền) của Mạnh Hạo Nhiên vào những ngày tháng cuối năm:
Bạch phát thôi niên lão. 
Thanh dương bức tuế trừ.
Vĩnh hoài sầu bất mị.
Tùng nguyệt dạ song hư.

Tóc bạc đưa già đến.
Ngày xanh giục tết qua.
Bâng khuâng nằm chẳng ngủ.
Cửa ngỏ bóng trăng tà.
(Bản dịch: Ngô Tất Tố )
Tôi thì chả có “tâm tư” hay “bâng khuâng” gì ráo, “chẳng ngủ” giản dị chỉ vì không ngủ được thôi – dù hằng đêm vẫn uống rượu ngó trăng, và luôn luôn quá chén. May mà có men, đời còn dễ thương!
Thêm một điều may mắn nữa là tôi sống sót qua (tuốt) đến Thời Đại Thông Tin nên có computer và vô số bạn bè, phần lớn là những người bạn trẻ, qua FB. Những suy tưởng (cùng những hoạt động vị tha của họ) thực đáng lấy làm trân trọng, và khiến cho riêng tôi cảm thấy an lòng khi bước vào ngưỡng cửa xế chiều.
Tho Nguyen added 5 new photos — with Mạc Việt Hồng and 10 others.
7 hrs ·
Tháng 1 có bao nhiêu sự kiện đáng chú ý, nhưng hình như bà con bị hút vào phiên chợ "Ba-Tư" lãng nhách ở Ba-Đình, ít quan tâm đến những sự kiện sau:
Hôm qua 16.1: Bầu cử ở Đài Loan. Tin đầu tiên là Đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn đã đánh bại Quốc Dân Đảng một cách thảm hại: 60/30. Thất bại lần này của Quốc Dân Đảng mang tính lịch sử, vì đảng đã khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc, đã dùng súng và nhà tù đảm bảo chế độ độc tài, độc đảng đó tồn tại 80 năm, nay vừa mất chính quyền, vừa trở thành thiểu số trong Quốc Hội.
Thất bại này xảy ra hai tháng sau cái bắt tay lịch sử giữa Tập và Mã tại Singapore là một đòn trời giáng cho mưu đồ của Tập nhằm thông qua vấn đề Đài Loan nâng cao uy tín đang bị thử thách của đảng CSTQ. Những gì đang xảy ra ở Hong Kong gần đây đã làm cho đại bộ phận nhân dân Đài Loan cảnh giác hơn với lời hứa:Một quốc gia – Hai chế độ của Băc Kinh. Bà Thái Anh Văn, được coi là Merkel của Á Châu, đang là cơn ác mộng của Bắc Kinh. Mới đọc vài stt trên FB, đã có nhiều người mong Việt Nam làm đươc như Đài Loan. Trời đất, chúng ta nên tự hào là một dân tộc có nhiều giấc mơ đẹp...
Trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19.1.1974 là một vết thương đau đớn cho dân tộc Việt : Chúng ta đã bị TQ cướp mất một phần lãnh thổ và từ đó một vùng biển quan trong. Đau hơn sự mất mát này là sự chia rẽ trong lòng dân tộc. 74 người lính Việt ngã xuống để bảo vệ tổ quốc đã bị cố tình lãng quên suốt 42 năm qua.
Một bộ phận nhân dân Việt Nam không chấp nhận sự lãng quên này và đã đấu tranh cho ngày hôm nay 17.01.2016, khi nhà nước Việt Nam, thông qua Tổng liên đoàn Lao động lập đài kỷ niệm các liệt sỹ Hoàng Sa, với sự có mặt của thân nhân 74 sỹ quan và binh sỹ Hải quân VNCH đã hy sinh. Hành động này dù muộn, cũng là một cách nhìn nhận lịch sử khách quan, tạo cơ sở pháp lý cho các tranh chấp Hoàng Sa, và hơn thế nữa một cử chỉ quan trọng cho quá trình hòa hợp, thống nhất lòng người Việt.
Nhưng khốn nạn thay, đang có những người đươc đào tạo thành Dư luân viên tìm cách bôi nhọ và lên án những cố gắng của chính nhà nước VN. Thái độ vô lương tâm của đám Dư luận viên là một bằng chứng cho việc gieo mầm độc, gặt có dại.
Nhìn kỹ cậu thanh niên 9x tuyên bố sẽ đạp tượng đài Hoàng Sa, nếu kỷ niệm 74 nghĩa sỹ VNCH, mình không khỏi chua xót khi đọc bản tin về Jan Palach , sinh viên Tiệp –Khắc, tự thiêu ngày 16.1.1969 để phản đối Hồng Quân Liên Xô và quân đội khối Warsawa tiến vào đàn áp phong trào dân chủ 68 của đồng bào mình. Hôm qua 16.1.2016 Nhân dân Praha đã khai truơng đài kỷniệm người thanh niên yêu nuớc đó. Cũng hai thanh niên được ăn học, cùng lứa tuổi hai mươi, hai hành động đối với tổ quốc.
Chỉ có mấy ngày tháng 1.2016 mình đã thấy có bao sự kiện đáng lưu tâm hơn là các trò chơi cá độ vô bổ.
Quả là “có bao sự kiện đáng lưu tâm hơn” khác nữa mà tôi cũng đã biết được qua FB:
  • Phát Động Chương Trình Trao Quà Đêm Khuya – Xuân Yêu Thương 29 Tháng 1 năm 2016. Đến hẹn lại lên, một mùa xuân nữa lại về, bên cạnh những cảnh chung vui đoàn tụ còn đâu đó những cảnh đời nhiều bất hạnh còn thiếu thốn, nhằm động viên và đóng góp chút niềm vui sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn như vậy, Hơi Ấm Sài Gòn khởi động chương trình XUÂN YÊU THƯƠNG 2016, mục đích huy động các phần quà và chia sẽ tận tay đến các cụ già, em nhỏ, người bất hạnh trên khắp nẻo đường ...
Những người vô gia cư có hoàn cảnh éo le khác nhau, các tình nguyện viên đều hỏi thăm rất cặn kẽ về gia cảnh, sức khoẻ của họ để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Ảnh và chú thích: news.zing
  • Những Người Trẻ Bán Dưa Cứu Nông Dân. Cũng giống như phần lớn nông dân miền Trung, trong hai tuần vừa qua, nông dân các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc, Quảng Nam gặp nhiều vấn đề khó khăn, khốn đốn bởi thời tiết thất thường, mưa lũ giữa mùa Xuân làm hư hoa màu như cà chua, dưa leo, cà tím, đu đủ, ớt, rau xanh các loại, thuốc lá và dưa hấu. Trong đó, nhóm rau quả chủ lực quyết định kinh tế cả một năm là dưa hấu bị hư hại nặng nhất, tỉ lệ 100% hư hỏng khi nước lũ kéo qua. Và nếu không kịp thời bán những trái bị ngập nước, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, mọi vốn liếng tiêu tan ...
Thế rồi các nhóm thiện nguyện trẻ xuất hiện, họ đến gõ cửa từng gia đình nông dân Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, hỏi thăm và rủ cùng nhau ra đồng. Bùn non ngập gối nhưng các bạn trẻ không ngần ngại xắn quần xuống hái dưa, cùng người nhà rửa dưa thật sạch, chất thành từng khối và sau đó gọi xe tải đến. Việc làm của các bạn trẻ khiến những nông dân đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Họ giải thích với mọi người là họ đến để giúp bà con cứu số dưa, gỡ vốn...

Các bạn trẻ bán dưa hấu giúp bà con bị ngập lụt ở Quảng Nam. Ảnh và chú thích: RFA
 - NLĐONhiều sinh viên đã dầm mình trong mưa lạnh suốt nhiều giờ trên cầu Long Biên (Hà Nội) sáng nay 11-2 giúp người dân thả cá chép tiễn ông Táo về trời rồi thu gom túi nilon để không xả rác ra môi trường.

“Thả Cá Đừng Thả Túi Nilon”. Ảnh: NLĐO
  • Hội Phụ Nữ Nhân Quyền: Tổ chức đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của FORUM-ASIA. Trước đó tổ chức này có 47 thành viên đến từ các quốc gia Á Châu khác.
Nhân đây, cũng xin được ghi lại đôi dòng về tôn chỉ của tổ chức xã hội dân sự này để rộng đường dư luận:
          - Gắn kết các cá nhân phụ nữ chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương từ các vụ việc vi phạm Nhân quyền.
          - Lên tiếng và có những hành động bảo vệ thiết thực đối với những người phụ nữ đã và đang bị xâm phạm phẩm giá và các quyền con người cơ bản.
          - Chia sẻ và tuyên truyền những kiến thức nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ Việt Nam về quyền con người và về vai trò của phụ nữ trong một xã hội tôn trọng nhân quyền.
  • No-U FC: Đội bóng của những người yêu nước, luôn kiên định con đường đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa về cho Việt Nam, xoá bỏ đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông ....                                       Nguồn ảnh: RFA
  • Nhóm Vì Một Hà Nội Xanh: Chúng tôi phản đối và lên án bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào, do bất kỳ ai thực hiện, nhất là nếu bạo lực đó do cơ quan công quyền kích động và/hoặc bảo kê. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ sự ôn hòa, nhân bản, bảo về quyền con người, trong đó, quyền tự do về thân thể (bất khả xâm phạm về thân thể) là quyền tuyệt đối.

  • Ảnh: danlambaovn
    Tuy mục đích chung tất cả những tổ chức xã hội dân sự nêu trên đều “ôn hoà” và “nhân bản” nhưng thành viên của họ vẫn thường xuyên bị quấy nhiễu bởi những thủ đoạn “tăm tối” và “thấp hèn” của nhà đương cuộc Hà Nội – theo như nguyên văn lời than phiền của Đoan Trang. Tuy thế, nhà báo trẻ tuổi và dũng cảm này (và những bạn đồng hành) hoàn toàn không có vẻ gì là nao núng hay ngại ngùng trước mọi trở lực:
    “Sẽ phải mất khá nhiều thời gian nữa để dạy cho các vị những khái niệm căn bản nhất về chính trị, về quản trị quốc gia, trang bị cho các vị những kiến thức đơn giản nhất, chẳng hạn như chức năng của nhà nước, vai trò của lực lượng công an, thế nào là xã hội dân sự, thế nào là dân chủ... Nói chung là mất thì giờ, nhưng chúng tôi sẽ rất kiên trì đấy, các ‘đồng chí’ ạ.”
    Sự kiên trì cùng lòng dũng cảm (rất đáng trân trọng) của tất cả các bạn khiến cho mọi người cảm thấy an tâm hơn khi nghĩ đến những ngày tháng tới của đất nước chúng ta. Xin trân trọng cảm ơn. 

NGUYỄN HẢI HOÀNH * NGHÌN NĂM BẮC THUỘC

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc? 
Ngyễn Hải Hoành 



          Tiếng ta còn thì nước ta còn!
Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm:
1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người.
2- Đồng hóa cưỡng chế: Sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.
Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.
Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất Châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, ngày xưa dùng chữ Ả Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.
Thí dụ dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: Cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!
Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Ba Tây bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Ba Tây. Nhiều thuộc địa Pháp ở Châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.
Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.
Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Đáng tiếc là chưa thấy nhiều người quan tâm nghiên cứu vấn đề này, một thành tựu vĩ đại đáng tự hào nhất của dân tộc ta (nói cho đúng là của tổ tiên ta thôi, còn chúng ta bây giờ thua xa các cụ).
Vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt, v.v… Nói như vậy có lẽ còn chung chung, nếu đi sâu phân tích tìm ra được nguyên nhân cụ thể thì sẽ giúp ích hơn cho việc phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.
Xin nói thêm rằng chính người Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đã thử nêu lên mạng Bách Độ (Baidu) của họ câu hỏi “Vì sao Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm mà Việt Nam không bị đồng hóa?”
Từ hàng triệu kết quả, có thể thấy đa số dân mạng Trung Quốc đều có chung một thắc mắc lớn: Vì sao bị Trung Quốc thống trị lâu thế mà người Việt Nam vẫn không nói tiếng Trung Quốc? Nói cách khác, họ coi đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn đồng hóa quan trọng nhất và đều thừa nhận Trung Quốc đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Họ tỏ ra tiếc nuối về sự kiện Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ từng là quận huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán hàng nghìn năm mà rốt cuộc lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin hóa, ngày nay là nước chống lại mạnh nhất chính sách xâm lấn Biển Đông của Bắc Kinh.
Do hiểu biết Việt Nam rất ít, thậm chí hiểu sai, hầu hết dân mạng Trung Quốc không tìm được lời giải thắc mắc trên, kể cả người tỏ ra am hiểu lịch sử nước ta. Họ nêu các lý do:
– Văn hóa Việt Nam có trình độ Hán hóa cao(?), người Việt rất hiểu và không phục Trung Quốc;
– Việt Nam ở quá xa Trung nguyên, khí hậu nóng, quan lại người Hán ngại sang Việt Nam làm việc, đã sang thì chỉ lo làm giàu, không lo đồng hóa dân bản xứ;
– Các nhân vật tinh hoa Trung Quốc như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy (劉熙、許靖、許慈、袁徽) chạy loạn sang Việt Nam đã giúp nước này có nền văn hóa không kém Trung Quốc;
– Người Hán di cư đến Việt Nam đều bị người bản xứ đồng hóa v.v…
Nói chung họ đều chưa thấy, hay cố ý lờ đi nguyên nhân chính là ở tài trí của người Việt.
Nhưng họ nói người Việt Nam hiểu Trung Quốc là đúng. Do sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến người Hán muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể là đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị bọn thống trị người Hán cưỡng bức học chữ Hán.
Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!”
Sau khi chiếm nước ta (203 trước Công Nguyên), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Có lẽ đây là thời điểm muộn nhất chữ Hán vào nước ta.[1] Sách “Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận” do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.[2] Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách đồng hóa. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.
Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.
Vậy cha ông ta đã dùng cách nào để giữ được tiếng nói của dân tộc trong hơn 1.000 năm bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán cũng như phải tiếp thu nhiều yếu tố của nền văn minh Trung Hoa?
Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để từ đó hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nông cạn, nếu có sai sót mong quý vị chỉ bảo.
Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta.
Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 trước Công Nguyên), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán.
Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ 字 (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn.[3] Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: Tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo Dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字.
Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học, bởi lẽ Nho 儒 là từ dùng để gọi những người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.[4]
Đây quả là một điều độc đáo, bởi lẽ Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho; tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán-Việt đều không có mục từ Nho tự 儒字 với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.
Có thể suy ra: Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta.
Muốn vậy dân ta phải biết chữ Hán, một thứ ngoại ngữ. Làm cho dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi ở thời ấy. Hơn nữa chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.
Nói chung, mỗi chữ viết đều có một âm đọc; không ai có thể xem một văn bản chữ mà không vừa xem vừa đọc âm của mỗi chữ (đọc thầm hoặc đọc thành tiếng). Mỗi chữ Hán đều có một âm tiếng Hán; muốn học chữ Hán tất phải đọc được âm của nó. Viết chữ Hán khó, tuy thế tập nhiều lần sẽ viết được, nhưng do khác biệt về hệ thống ngữ âm, người Việt nói chung khó có thể đọc được các âm tiếng Hán.
Ngoài ra Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân; cho tới trước nửa cuối thế kỷ 20 cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. Các thứ tiếng địa phương ấy ta gọi là phương ngữ, người Hán gọi là phương ngôn (方言); Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ (次方言).
Không thống nhất được âm đọc chữ Hán là một tai họa đối với người Hán. Với người nước ngoài học chữ Hán cũng vậy: Khi mỗi ông thầy Tàu đọc chữ Hán theo một âm khác nhau thì học trò khó có thể học được thứ chữ này.
Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: Nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.
Muốn vậy, mỗi chữ Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán — ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.
Thí dụ chữ 水 được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc thủy khác với âm đọc shuẩy của người Hán. Chữ 色, tiếng Hán đọc sưa, ta đọc sắc. Thủy và Sắc là từ Hán-Việt, cũng là âm Hán-Việt của 水và色.
Mỗi từ ngữ Hán-Việt được chọn theo nguyên tắc cố gắng bám sát âm Hán ngữ mà tổ tiên ta từng biết.[5] Như chữ 終, âm Hán và âm Hán-Việt đều đọc chung, tức hệt như nhau; chữ 孩, Hán ngữ đọc hái, ta đọc Hài, gần như nhau. Nhưng hầu hết chữ đều có âm Hán-Việt khác âm Hán. Như 集 âm Hán là chí, ta đọc Tập ; 儒 giú, ta đọc Nho. Có chữ âm Hán như nhau mà âm Hán-Việt có thể như nhau hoặc khác nhau, như 同 và 童, âm Hán đều là thúng, từ ngữ Hán-Việt đều là Đồng; nhưng 系 và 細, âm Hán đều là xi, lại có hai từ Hán-Việt khác nhau là Hệ và Tế. Chữ Hán có hai hoặc nhiều âm thì có thể có một, hai hoặc nhiều âm/từ Hán-Việt, như 都 có hai âm Hán là tâu và tu, lại chỉ có một âm/từ Hán-Việt là Đô ; 少 có hai âm Hán shảo và shao, cũng có hai âm/từ Hán-Việt là Thiểu (trong thiểu số) và Thiếu (trong thiếu niên).
Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: Chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Vì thế thời xưa ở nông thôn nước ta không hiếm người 6-7 tuổi đã biết chữ Nho.[6] Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) 12 tuổi đỗ cử nhân, 16 tuổi đỗ hoàng giáp (tiến sĩ). Người không biết chữ cũng có thể học truyền miệng các tác phẩm ngắn có vần điệu, như Tam Thiên Tự.[7]
Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.
Cần nhấn mạnh: Vì âm/từ Hán-Việt không thể ghi âm hầu hết từ ngữ tiếng Việt cho nên cách đọc chữ Hán theo âm Việt hoàn toàn không thể biến tiếng Việt thành một phương ngữ của Hán ngữ,[8] và dân ta vẫn hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ.
Chữ Nho chỉ dùng để viết mà thôi, và chỉ được giới tinh hoa (trí thức và quan lại người Việt) dùng trong giao dịch hành chính, ngoại giao, lễ tiết, chép sử, giáo dục, thi cử, sáng tác văn thơ. Còn ở Trung Quốc, những người nói một trong các phương ngữ tiếng Hán đều có thể dùng chữ Hán để ghi âm được toàn bộ tiếng nói của phương ngữ ấy, nghĩa là họ có thể dùng chữ Hán để ghi âm tiếng mẹ đẻ.
Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm). Ngày nay âm/từ Hán-Việt của mỗi chữ Hán có thể dễ dàng viết ra bằng chữ Quốc ngữ (một loại chữ ghi âm), nhưng ngày xưa, khi chưa có bất kỳ loại ký hiệu nào ghi âm tiếng nói, tổ tiên ta chỉ có thể truyền khẩu. Thế mà lạ thay, việc dạy chữ Nho đã được mở rộng, ở thời Nguyễn là đến tận làng, có thể suy ra tỷ lệ người biết chữ Hán của dân ta cao hơn Trung Quốc!
Chỉ bằng cách truyền miệng mà người Việt thời xưa đã tạo ra được một bộ từ Hán-Việt tương ứng với bộ chữ Hán khổng lồ — bộ chữ này trong Tự điển Khang Hy (1716) có hơn 47 nghìn chữ; Tiêu chuẩn nhà nước Trung Quốc GB18030 (2005) có 70.217 chữ; Trung Hoa Tự hải có 85.568 chữ Hán.
Quá trình tiến hành Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán kéo dài trong hàng nghìn năm, là một thành tựu văn hóa vĩ đại. Có thể phỏng đoán đó là một quá trình mở, do nhiều thế hệ người Việt thực hiện, thể hiện sức sáng tạo bất tận của tổ tiên ta.
Nhật và Triều Tiên cũng mượn dùng chữ Hán, nhưng họ tự đến Trung Hoa nghiên cứu đem chữ Hán về dùng chứ không bị ép dùng từ sớm như ta. Họ cũng đọc chữ Hán theo âm bản ngữ của dân tộc mình — giải pháp do người Việt nghĩ ra và thực hiện trước họ nhiều thế kỷ.
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn nói: “Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ… thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn… ”.[9]
Đúng thế. Thí dụ từ 社會, người Anh biết Hán ngữ đọc shưa huây, người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì; còn người Việt biết Hán ngữ đọc “xã hội”, người Việt không biết Hán ngữ nghe đọc sẽ hiểu ngay nghĩa của từ; âm “xã hội” thuận tai, dễ đọc dễ nhớ hơn âm shưa huây. Rõ ràng cách đọc Hán-Việt thật tiện lợi cho người Việt. Trong bài sau, chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này.
Ngày nay mỗi chữ Hán trong tất cả các từ điển Hán-Việt đều phải ghi kèm từ Hán-Việt tương ứng. Hán-Việt Tự Điển của Thiều Chửu có kèm bảng tra chữ theo âm Hán-Việt, dùng tra chữ Hán rất tiện và nhanh hơn tra theo bộ thủ. Người có sáng kiến làm Bảng này là bà Nguyễn Thị Quy (1915-1992), em ruột Thiều Chửu, khi bà lần đầu xuất bản tự điển nói trên tại Sài Gòn năm 1966.[10]
Như vậy, bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình và gọi nó là chữ Nho. Sự vay mượn này chẳng những không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn rất nhiều, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của loài người toàn cầu.
Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm: nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm; còn về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho là chữ Hán-Việt.
Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam, đã Việt Nam hóa phần ngữ âm, không thể coi là chữ của người Hán. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn 2.000 năm, kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc cho tới khi được thay thế bằng chữ Quốc ngữ cực kỳ ưu việt, được chính các nhà Nho tiên tiến tán thưởng và đi tiên phong ủng hộ sự phổ cập Quốc ngữ.
Cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt đã đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng bút đàm giữa quan lại cấp thấp người Việt với quan lại cấp cao người Hán, khiến cho bọn thống trị người Hán vẫn thực thi được quyền lực cai trị dân bản xứ. Hơn nữa, cách đó làm cho việc phổ cập chữ Hán trong người Việt trở nên dễ dàng, tức đáp ứng yêu cầu dạy chữ Hán của các vương triều người Hán. Vì vậy chúng không còn lý do cưỡng chế dân ta phải học nghe/nói tiếng Trung Quốc.
Cách đọc chữ Hán như trên đã có tác dụng không ngờ là làm cho người Hán dù có cai trị Việt Nam bao lâu thì cũng không thể tiêu diệt nổi tiếng Việt và Hán hóa được dân tộc ta. Có thể là khi bắt đầu sáng tạo cách đọc ấy, tổ tiên ta chưa nghĩ tới điều đó, nhưng rốt cuộc sáng tạo xuất sắc này đã giúp dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Hán đồng hóa. Đây là một thành công vĩ đại!
Đáng tiếc là hiện không thấy có thư tịch nào ghi chép ai nghĩ ra và thời điểm nào xuất hiện cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt. Có thể cho rằng sáng kiến đó ra đời khi chữ Hán bắt đầu vào nước ta, tức muộn nhất là khoảng thế kỷ 2 – 1 trước Công Nguyên.
Có ý kiến cho rằng cách đọc Hán-Việt bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng hai thế kỷ 8, 9.
Nếu hiểu ý kiến này theo nghĩa đến đời Đường mới xuất hiện cách đọc Hán-Việt thì e rằng khó có thể giải đáp câu hỏi: Vậy thì trong thời gian khoảng ngót 1000 năm trước đó người Việt đọc chữ Hán bằng cách nào? Đến đời Đường, người Hán đã thống trị Việt Nam được hơn 9 thế kỷ, quá thừa thời gian để họ hoàn toàn đồng hóa người Việt bằng văn hóa, ngôn ngữ, khi ấy tiếng Việt đã bị biến mất, sao còn có thể xuất hiện cách đọc Hán-Việt?
Phải chăng nên hiểu ý kiến trên theo nghĩa: đến thời Đường, cách đọc Hán-Việt được hoàn thiện nhờ học tập Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ 8 – 9.
***
Có thể kết luận: Dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Có những người Hán đã nhận ra bản lĩnh trí tuệ ấy của người Việt.
Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác李覺 đi sứ sang Hoa Lư, Việt Nam, được hai vị Quốc sư Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp, đàm phán các vấn đề quốc gia đại sự và họa thơ. Khi về nước, Lý Giác tặng vua Lê Đại Hành một bài thơ, trong có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu 天外有天應遠照”, nghĩa là: “Ngoài trời này còn có trời khác, nên nhìn thấy”. Nói cách khác, thế giới này đâu phải chỉ có một mặt trời Trung Hoa mà còn có mặt trời Việt Nam!
Câu thơ cho thấy Lý Giác đã bước đầu nhận ra bản lĩnh trí tuệ của người Việt. Đúng thế, tổ tiên ta thật vô cùng tài giỏi, nếu không thì còn đâu giang sơn tươi đẹp này!
Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.
_____
[1] Nói là “muộn nhất” vì còn có các quan điểm như: chữ Hán vào Việt Nam qua con đường giao thương hoặc truyền bá tôn giáo từ lâu trước khi nước ta bị Triệu Đà chiếm; Việt Nam đã có chữ viết từ đời Hùng Vương (Hoàng Hải Vân: Thiền Sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động).
[2]宋代中越文学交流述论 có câu 黎嵩 “越鑑通考總論” viết : 趙佗 “建立學校,導之經義。由此已降,四百余年,頗有似類”.
[3] Bài 汉字名称的来由 (http://blog.sina.com.cn/) và một số bài khác có viết: Từ Hán tự 漢字 xuất hiện sớm trong Bắc sử, quyển 9 [biên soạn xong năm 659]. 汉字一词早出自《北史》卷九本纪第九, “章宗一”:“十八年,封金源郡王.始习本朝语言小字, 及汉字经书,以进士完颜匡、司经徐孝美等侍读”. Từ Hán tự xuất hiện nhiều trong sách Kim sử 金史 (năm 1345) đời Nguyên. Ở đời nhà Thanh (1644-1911), thời kỳ đầu do chữ viết chính thức của chính quyền không phải là chữ Hán mà là chữ Mãn (满文) nên phải dùng tên gọi chữ Hán 漢字 để chỉ loại văn tự truyền thống của người Hán, nhằm phân biệt với chữ Mãn.
新浪网博客频道是全中国最主流,最具人气的博客频道。拥有最耀眼的娱乐明星博客、最知性的名人博客、最动人的情感博客 ...
[4] Có ý kiến nói do thời bấy giờ thứ chữ đó được dùng để dạy dân ta học Nho giáo 儒教 nên dân ta gọi nó là chữ Nho. Nhưng Nho 儒với nghĩa “người có học” xuất hiện trước rất lâu, sau đó mới dùng chữ ấy vào từ Nho giáo để gọi học thuyết của Khổng Tử. Cùng lý do ấy, chữ Khổng có trước khi Khổng Tử ra đời.
[5] Khó có thể biết đó là âm tiếng địa phương nào ở Trung Quốc. Trong đó có những âm tiếng Quảng Đông, như nhất, nhì, shập, học chập khi đọc các chữ 一,二,十,學習 (âm Hán-Việt đọc nhất, nhị, thập, học tập).
[6] Thí dụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) 8 tuổi học chữ Nho, 13 tuổi văn hay chữ tốt, 24 tuổi đậu Giải Nguyên, 28 tuổi đậu đệ tam giáp tiến sĩ. Phan Bội Châu (1867-1940) 6 tuổi học ba ngày đã thuộc lòng 1440 chữ Nho trong Tam Tự Kinh. Trần Gia Minh tác giả sách Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn 5-6 tuổi đã học chữ Nho truyền khẩu từ người ông mù lòa.
[7] Do nhà Nho Đoàn Trung Còn sáng tác, là một bài vè dài, mỗi câu hai âm, đọc lên có vần điệu dễ nhớ.
[8] Năm 1867, G. Aubaret trong cuốn Grammaire annamite từng sai lầm nhận định: “Tiếng bình dân nói trong vương quốc An Nam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc” (trích dẫn theo Phạm Thị Kiều Ly trong “Ghi Âm Tiếng Việt Bằng Chữ Quốc ngữ”, sách “Tiếng Việt 6”, Nxb Tri Thức, 2015).
[9] Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.
[10] Dẫn theo Lê Quốc Trinh, con trai bà Quy và là người trực tiếp tham gia làm bảng tra này.

PHAN HẠNH* MỘT LỜI HỨA




Vẫn Chỉ Là Một Lời Hứa Suông
Phan Hạnh


Mỗi năm cứ vào dịp cận Tết ta, tôi hay vương vấn một nỗi buồn thầm kín khi một số người thân quen quanh tôi chộn rộn sửa soạn lên đường về quê nhà Việt Nam để đón chào năm mới và vui xuân với họ hàng thân thuộc. Và như thông lệ, tôi nhờ họ mang về cho thân nhân chúng tôi một món tiền lì xì nho nhỏ. Kèm những lời cám ơn của thân nhân sau đó là thắc mắc bao giờ tôi về thăm. Và đã bốn mươi năm qua, câu trả lời của tôi vẫn chỉ là một lời hứa suông. Tâm hồn tôi vương vấn mãi một nỗi buồn là vì lẽ đó.


Năm 1991, đầu niên học mới vào Tháng Chín, tôi bỏ tiền túi ghi danh theo học hai khóa Anh ngữ Dự Bị Ðại Học và viết văn sáng tác (Creative Writing) tại Trường Cao Ðẳng Centennial College, trụ sở Warden Woods (Warden Woods campus). Tôi học part-time lớp đêm mỗi tuần hai buổi tối Thứ Ba và Thứ Năm từ 7 giờ đến 10 giờ vì ban ngày còn phải đi cày kiếm cơm.


Năm ấy tôi đã trên 47 tuổi, đầu óc nhụt cùn với lo toan bận bịu, không còn bén nhạy như thời còn trai trẻ, vậy mà tôi cũng liều cắp sách đến trường. Hơn nữa, công việc làm kiếm cơm của tôi, một người thợ trưởng cho một nhà in, không đòi hỏi khả năng viết lách chi nhiều ngoài những báo cáo công tác và báo cáo bảo trì định kỳ. Như vậy, tôi học những khóa học này để làm gì? Lý do sâu xa là tôi muốn chuộc lại lỗi lầm của tuổi thơ ham chơi và lười học. Tôi muốn tự bắt mình phải đi học lại như là để trả một món nợ tôi còn thiếu chính mình.


Bài tập giáo sư đưa ra cho sinh viên thường là những đề tài chỉ định sẵn sau khi đã học qua trong lớp một truyện ngắn hoặc một tùy bút của một tác giả Anh Mỹ nào đó. Sinh viên phải viết phần giải thích, phân tích, nhận định và phê bình tác phẩm vừa học. Dĩ nhiên tôi rất sợ những bài tập kiểu nầy. Nhiều khi tôi chỉ bình loạn vì không nắm vững đề tài.


Nhưng cũng có những bài tập với đề tài do thí sinh tự chọn. Và đối với tôi, không gì thoải mái bằng viết những gì mình biết, nhất là điều mình viết ra chính là những kinh nghiệm của bản thân. Tôi viết và nạp bài đúng hạn. Thuở ấy, giá tiền một máy điện toán còn đắt lắm. Tôi mua một cái máy Apple MacIntosh II với bộ nhớ chỉ có 8 megabites đã dùng rồi mà cũng mất toi ba ngàn đồng.



Các bài tập với đề tài tự chọn của tôi đều được điểm cao và được giáo sư phụ trách đích thân khen ngợi, không phải vì văn của tôi viết hay, nếu không muốn nói là còn dở lắm, nhưng vì những câu chuyện tôi kể đó rất xa lạ và thương tâm, dĩ nhiên chỉ đối với vị giáo sư người Canada chưa hề sống ở Việt Nam bao giờ đó. Bà ngỏ ý đề nghị hãy cho đăng một số bài viết của tôi lên hai tờ báo nội san của trường là tờ "The Oracle" và tờ "The Siren". Tôi sợ quá, lắc đầu. Hai hôm sau, một cô chủ bút đến lớp xin gặp tôi. Chẳng biết nghe cô nói êm tai thế nào mà tôi ưng thuận đưa các bài viết cho cô.






Tôi xin dịch lại một bài có tựa đề "One Day I Shall Return: My Naked Lie" đăng trên báo "The Siren" ngày Thứ Ba 12 Tháng Mười Một, 1991 như sau:


"Một Ngày Kia Con Sẽ Về", Lời Nói Dối Trân Tráo Của Tôi..."
Khi tôi rời quê mẹ ra đi mười sáu năm trước đây, tôi không nghĩ là sẽ gặp lại cha tôi bao giờ nữa. Cách nửa vòng trái đất, tại một trong những nước nghèo nhất thế giới, cha tôi đang hấp hối vì một chứng bệnh ngặt nghèo với một nỗi muộn phiền day dứt và ông đang thầm thì trăn trối lời nguyện ước cuối cùng được nhìn tận mặt lại đứa con trai đầu lòng trước khi từ giã kiếp sống khốn cùng hiện tại.


Còn tôi ở Canada, lòng hối hận đau xé vì đã hứa với cha một lời mà tôi biết tôi không bao giờ có thể thực hiện. "Một ngày kia con sẽ về", tôi lập đi lập lại trong những bức thư tôi viết cho cha tôi. Nhưng làm sao tôi có thể trở về Việt Nam khi mà chính quyền Cộng sản ở đấy vẫn còn áp bức người dân bằng sự cai trị khắc nghiệt của họ.
Hiện giờ cha tôi có thể đang chờ chết, nhưng một nửa hồn tôi đã chết kể từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày mà quân đội Cộng sản từ phương Bắc rầm rộ bước vào Saigon, thủ đô của một quốc gia độc lập ở miền Nam với tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa. Sự kiện này đã kết thúc cuộc chiến được tranh cãi gay gắt nhất, cay đắng nhất đã kéo dài hơn hai mươi năm và giết đi hàng nhiều triệu người từ cả hai bên chiến tuyến.


Tôi còn sống sau chiến tranh. Tôi thoát khỏi hỏa ngục đỏ của "Ngày Tận Thế", cách gọi của tôi ngày định mệnh đó theo tựa đề một cuốn phim nói về khía cạnh tàn nhẫn và xấu xa của cuộc chiến Việt Nam.
Phải, tôi là một trong những kẻ may mắn trong khi cha mẹ tôi, những thân nhân trong gia đình tôi và bạn bè đồng đội tôi không được may mắn như thế. Họ đã trở thành nạn nhân của một chế độ bất nhân man rợ và một chủ thuyết cuồng tín điên rồ.

Tôi đã từng nghe kể nhiều mẫu chuyện quặn lòng về những người tôi thương mến. Có người tự kết liễu đời mình. Họ cảm thấy thà chết còn hơn là sống chung với Cộng sản. Có người cố tìm cách trốn đi bằng những con thuyền mong manh. Có người trong số họ đến được bến bờ tự do. Có người bỏ thây nơi biển cả. Hành trình di cư của những người tìm tự do chưa hề dứt trong mười sáu năm qua. Bức màn sắt không giam hãm được ý chí của con người.

Tôi là một người di tản được Canada chấp nhận cho tị nạn chính trị. Tôi không muốn phản bội lý tưởng chính đáng của những người tị nạn khác bằng hành động về thăm Việt Nam Cộng sản, một chế độ mà tôi e ngại có thể sẽ hành hạ ngược đãi tôi như là một kẻ cựu thù.
Ngày kỷ niệm Tháng Tư Ðen năm nay rơi vào ngày Thứ Ba, một ngày mà tôi phải làm việc. Ðối với phần lớn người dân Canada, ngày đó cũng như bất cứ ngày nào khác. Ngày hôm đó tôi đi làm với một huy hiệu gắn trên ngực áo nơi tim. Biểu tượng đó rất đơn giản là ba sọc đỏ trên nền vàng. Ðó là màu quốc kỳ của quê hương đánh mất của chúng tôi; và chúng tôi sẽ không bao giờ quên màu cờ đó. Cũng giống như hoa poppy người Canada mang trong ngày tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, nó nhắc nhở cho tôi tưởng niệm những anh hùng gục ngã đã chết cho quê hương tôi.


Khi nghĩ đến những gì đã xảy ra cho Việt Nam, tôi cảm thấy như có một vết thương cắt sâu trong tim tôi không bao giờ lành. Tôi luôn để tang trong ngày tưởng niệm ấy với những ý nghĩ thương tiếc và buồn đau chờn vờn trong tâm trí. Năm nay tôi nằm thức trong đêm đen tĩnh lặng như một sự kinh cầu cho cố quốc.


Năm nay nỗi đau buồn của tôi dường như có phần quặn thắt hơn vì một bức thư đặc biệt. Trở về nhà hôm đó sau một ngày làm việc và nhận được một bức thư dài của em gái tôi tiết lộ cho tôi biết lý do tại sao cha tôi không viết thư cho tôi trong thời gian gần đây. Cô ấy nói mắt của cha tôi đã mờ, bệnh viêm khớp của ông tệ hại hơn và ông rất xuống tinh thần vì làm gánh nặng của thân nhân.


Tôi có thể nhớ nét chữ viết của cha tôi rất uốn nắn đẹp đẽ; điều đó chứng tỏ ông rất cẩn trọng với những gì ông viết cho tôi, gián tiếp cho thấy ông quan tâm đến tôi biết chừng nào. Ông đối xử với tôi như một người ngang hàng, một người bạn trao đổi thư tín với nhau. Ông kèm theo thư các bài thơ của ông sáng tác, và ít khi ông đòi hỏi ở tôi một điều ân huệ gì. Ông cũng chẳng bao giờ nói trắng ra là ông thương tôi.


Phần nhiều những bức thư của ông chuyên chở thông điệp của những giá trị luân lý, đức hạnh đáng quí trọng, những bài học của trí khôn ngoan, lòng từ bi và bác ái. Tôi để ý càng về già ông càng thuận theo giáo lý của nhà Phật. Ông đơn giản hóa nhu cầu vật chất, đồng thời trau giồi các hoạt động tâm linh. Tôi biết đó là dấu hiệu của sự chuẩn bị sẵn sàng để từ giã cõi thế gian này.


Em gái tôi giải thích thêm là cha tôi đã phản ứng như thế nào về cuốn băng thu hình mà tôi đã gởi về tháng trước đó. Tôi và con trai tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để làm ra một cuốn video nói về gia đình tôi ở Toronto. Em gái tôi nói cha tôi khóc nức nở khi ông nghe giọng nói của tôi. Cô ấy viết, "Trông thấy hình ảnh anh di động trên màn ảnh và tiếng nói của anh là một trải nghiệm khốn khổ cho một người già yếu như Ba. Và ngay sau đó thì mọi người khóc theo…". Bức thư kết thúc bằng giòng chữ là, "Ba sợ là sẽ không bao giờ thấy lại anh bằng xương bằng thịt nữa trước khi Ba nhắm mắt; và điều đó thật quá đau lòng cho Ba lắm đó anh…."


Ðối với tôi thì nào có khác gì. Lời hứa thối thác của tôi là sẽ về cứ lập đi lập lại mãi nên nó đã trở thành đồng nghĩa với một lời nói dối trắng trợn làm tan nát lòng tôi.
Tôi hy vọng có một ngày tôi trở về quê nhà dù chỉ để chết giống như loài cá hồi lội ngược suối nguồn để về nơi sinh ra trong ngày cuối Tháng Tư. Trong khi chờ đến ngày ấy, trả lời thư em gái, tôi viết,"Một ngày kia anh sễ về", mặc dù tôi biết đó vẫn chỉ là một lời hứa suông thôi."

Bài báo chấm dứt ở đấy. Ðáng lẽ tôi cũng có thể chấm dứt câu chuyện ở đây vì thật tình ngồi gõ lại những dòng chữ này, tôi không khỏi cảm thấy rung động trong lòng. Nhưng tôi lại muốn viết thêm về vài biến cố quan trọng xảy ra từ năm ấy cho đến nay. Thêm ba mươi năm nữa đã trôi qua rồi còn gì. Khoảng thời gian dài đó mang theo biết bao thăng trầm đổi thay với một lần đổi việc làm, hai lần dọn nhà và ba lần mua máy điện toán khác.

Cha tôi kéo dài thêm cuộc sống trong đau bệnh được hơn một năm mới vĩnh viễn ra đi. Mấy năm sau nữa, em gái tôi được gia đình bên chồng bảo lãnh sang Mỹ. Những tưởng đâu cô ấy được ấm êm với cuộc đời mới nơi xứ người, nào ngờ lễ tuyên thệ vào công dân phải được đặc biệt tổ chức trang nghiêm trong phòng bệnh của em tôi trong bệnh viện. Tôi không bao giờ có thể quên hình ảnh em tôi với cái đầu cạo trọc vẫn ngồi trên giường bệnh gắng gượng đưa cánh tay mặt lên tuyên thệ trung thành với đất nước mới đã cưu mang em. Chỉ vài ngày sau, em tôi đầu hàng định mệnh và ra đi vì chứng bệnh ung thư quái ác.

Có lẽ nỗi khổ đau đớn nhất của tôi là phải giấu tin em mất với mẹ tôi trong mấy năm liền. Mỗi lần phải gọi điện thoại về Saigon thăm mẹ, tôi chỉ nói qua loa vắn tắt được mấy câu rồi chuyền máy cho vợ tôi. Tôi sợ rằng tôi không thể nói dối được nữa. Mẹ tôi hỏi sau lâu quá mà không thấy em tôi gọi về. Mọi người giấu quanh, cố tìm đủ mọi lý do để dối gạt mẹ tôi vì sức khoẻ của bà cũng đã suy yếu vì tuổi già lại thêm bệnh tật. Vợ tôi và em rể tôi đều là những người bình tĩnh hơn tôi nên đã giữ được bí mật khá lâu.

Thế rồi một lần tôi gọi về, mẹ tôi hỏi, "Em con nó chết lâu rồi phải hôn?". Chúng tôi ngẩn ngơ. Bà tiếp lời, "Bấy lâu nay Má cứ nằm chiêm bao thấy nó hoài..."
Cha tôi mất, em gái tôi mất, rồi Má tôi cũng đã từ giã cuộc đời. Về gặp lại cha mẹ và quê cũ mãi mãi vẫn chỉ là một lời hứa suông cho đến ngày tôi nhắm mắt. Và ngày ấy chắc cũng không xa…
 Phan Hạnh.

TRẦN THỊ LAI HỒNG * VƯỜN QUÊ XA NGÓ QUA XÃ TẮC

         VƯỜN QUÊ XA NGÓ QUA XÃ TẮC

Trần thị Lai Hồng

Văn Thánh trồng Thông
Võ Thánh trồng Bàng
Ngó qua Xã Tắc hai hàng Mù U

Ca dao Huế


Vườn Quê Xa mang ước vọng hội nhập phần nào cây trái quê hương thân thương mịt mù xa cách, nên ráng thu gom được nhiều loại, và bài này riêng về thông, bàng và mù u.
Thông nơi này là Slash Pine, không giống thông nhựa hai lá núi Ngự Bình, đàn Nam Giao, rừng Đan viện Thiên An phía Tây Nam thành phố Huế, hay thông năm lá Đà Lạt, tuy cùng thuộc họ Pinaceae, nhưng là loại Pinus eliottii, lá có nhiều chùm liền nhau ngay đầu cành, trông giống cái chổi. Dưới gốc thường hay có lá kè rẽ quạt Saw Palmetto khắng khít kề cận.
Kè rẽ quạt Saw Palmetto kề cận thông Slash Pine thân uốn cong
Hình TTLH, 15 tháng 10, 2015
Thông ở Huế trồng nhiều tại Văn Thánh, tức là Văn Thánh Miếu, thôn An Bình làng An Ninh, huyện Hương Trà, xây cất năm 1808 thời Vua Gia Long nhà Nguyễn, thờ Đức Khổng Tử, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và các bậc hiền nho xưa. Văn Thánh có 32 rùa đá đội 32 tấm bia ghi tên họ 293 Tiến sĩ và những nhân vật lịch sử, trong số có Cụ Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…
Văn Thánh trồng thông mang ý nghĩa tôn kính những bậc thông thái tài đức học rộng hiểu biết nhiều am tường cuộc sống, đem trí huệ khuyến học giúp đời.
Võ Thánh tức là Võ Thánh Miếu bên trái Văn Thánh, xây năm 1835 dưới thời Vua Minh Mạng, cũng tại làng An Ninh. Sách Đại Nam Thực Lục ghi rõ Võ Thánh không có rùa đá đội bia như Văn Thánh nhưng nhiều bài vị thờ Đức Trần Hưng Đạo thời nhà Trần, Lê Khôi anh hùng thời nhà Lê, Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội thời nhà Nguyễn… Triều đình nhà Nguyễn trọng các anh hùng Trung Hoa, nên cũng có bài vị thờ Khương Tử Nha nhà Chu, Quản Trọng nước Tề, Trương Lương, Gia Cát Lượng nhà Hán, Nhạc Phi đời nhà Tống. Đặc biệt ven đường vào Văn Thánh trồng nhiều cây Bàng.
Bàng tên khoa học Terminala catappa L. họ Trâm bầu Combretaceae, tiếng Anh gọi Tropical almond tree, tên chữ của bàng là Sơn Phong có tàng xòe rộng như chiếc lọng và cuối Thu là đỏ rực tương tự lá Phong Trung Hoa.
Võ Thánh trồng bàng có tàng xòe che chở bào vệ vùng đất chung quanh, như tướng sĩ rộ rỡ tài nghệ cùng luận bàn phụng vụ gìn giữ, bảo vệ quê hương.
Văn Thánh và Võ Thánh đều nằm phía tả ngạn sông Hương, gần Chùa Thiên Mụ về phía Tây.
Về Xã Tắc – có nghĩa là quốc gia – thời trước, đã có đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư, đàn Xã Tắc nhà Lý, đàn Phong Vân cầu mưa và được mùa tại Hà Nội, đàn nhà Trần tại Thiên Trường, đàn Xã Tắc nhà Hồ tại Tây Đô.
Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn do Vua Gia Long dựng năm 1806 thuộc xã Ngưng Tích phường Thuận Hóa tức là ngay tại kinh đô Huế, phía tay phải Đại Nội, trên đường Xã Tắc – nay là đường Trần Nguyên Hãn – thờ Thổ thần – Thái Xã thần – cầu sung mãn mùa màng quốc thái dân an – và Thái Tắc thần – là nơi giao tiếp giữa Trời Đất, để con Người được an hưởng thanh bình an lạc. Từ đó gọi tện là đàn Xã Tắc, tượng trưng quốc gia dân tộc.
Trong khuôn viên đàn cũng có thông, bàng, nhưng nhiều nhất là mù u ngay ngõ.
Ngó qua Xã Tắc… hai hàng Mù U…
 
Mù u có tên khoa học Balsamia inophyllum L. còn có tên là Hồ đồng hay Cồng, tên chữ là Nam Mai, mọc vùng ven biển từ Ấn Độ dương, Thái Bình dương, Úc, Nam Phi… và các quần đảo tức là những vùng nhiệt đới trên thế giới. Florida rất nhiều mù u.
Mù u có một vị thế quan trọng trong lịch sử nước ta, đặc biệt dưới triều nhà Nguyễn tiếp xúc với Tây phương, trong giai đoạn truyền giáo của các giáo sĩ Pháp và Tây Ban nha.
Mở rộng đế quốc tìm thuộc địa và truyền giáo, năm 1858 Hải quân Pháp đổ bộ lên Cảng Tourane Đà Nẵng, mở đường xâm lăng dưới danh nghĩa truyền giáo, trong khi nhà Nguyễn chống đối, cấm đoán, bắt bớ, trừng trị những người theo đạo, và còn giết hại các giáo sĩ.
Vua Tự Đức cử ông Nguyễn Tri Phương làm Quan Thứ Tổng thống Đại thần, trực tiếp chỉ huy quân binh chống Pháp, cùng thủ lĩnh địa phương là ông Ông Ích Khiêm xây cất đồn lũy thủ thế. Dân làng Phong Lệ đồng loạt hưởng ứng dàn trận mù u, quân Pháp không tiến lên được.

Giai thoại về ông Ông Ích Khiêm
1- Thuở nhỏ đun nước pha trà mời khách:
- Giang sơn một nắm trong tay
Phần lo việc nước, phần hay nỗi trà...
2- Lúc hàn vi cày ruộng nhưng vẫn học đến Cử nhân, rất cương cường, liêm khiết, dạy dân khai hoang lập địa làm thủy lợi, đắp đường giao thông, trị roi cả chánh tổng sâu mọt.
3- Năm 1858, khi Pháp đem tàu chiến đánh phá Đà Nẵng, ông được triều đình cử phụ tá giúp tướng Nguyễn Tri Phương, cùng dân làng tham gia chiến dịch
- Phen ni coi bộ lu bu
Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng…
-Trái chi nho nhỏ thiệt nhiều
Mắc hai thứ bệnh cũng liều đánh Tây!!!!
4- Thịt Chó
Thết đãi các quan trong triều tại nhà, chỉ một món thịt chó chế biến kỳ diệu trình bày thật ngon mắt ngoạn mục.
Các quan xơi hết không biết là món gì, bèn hỏi.
- Đó là món "Ngu Trung": tất cả các mâm từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài đều là "chó" hết!"
Sau đó ông gọi gia nhân mang nước, chậm mãi không thấy, lại quát:
- Nước đâu??? Thật là một lũ vô tích sự, chỉ lo mỗi việc nước mà cũng không xong!
Cứ mải ăn mải chơi thôi!!!
***
Pháp không chiếm được Đà Nẵng nên bỏ cuộc, bèn quay xuống phía Nam đánh thành Gia Định. Tướng Nguyễn Tri Phương lại được ủy nhiệm trông coi việc quân sự miền Nam, nhưng không thành. Năm 1859, Pháp chiếm ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường và đảo Phú Quốc.
Vua Tự Đức phải ký hiệp ước nhượng ba tỉnh này cho Pháp. Cùng năm đó, Pháp ra Bắc chiếm các tỉnh miền Bắc, lập chế độ “bảo hộ”.
1869, thừa thắng, Pháp chiếm luôn mấy tỉnh còn lại trong Nam – Vĩnh Long, Châu Đốc, An Giang, Hà Tiên – lập thành thuộc địa Cochinchine. Miền Trung có triểu đại nhà Nguyễn đang cai trị, Pháp đặt dưới quyền một Khâm sứ. Pháp chiếm luôn Campuchia và Lào, lập thành Liên bang Đông dương Union Indochinoise/ Indochine francaise/ Đông Pháp, gồm Nam Kỳ Cochinchine, Bắc Kỳ Tonkin, Trung Kỳ Annam, Lào, Camppuchia, và Quảng Châu/Kouang-Théou-Wan phía Nam Trung Hoa.
Nhân danh triều đình Huế, Pháp cũng chính thức kiểm soát quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ghi trong Bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ thời Vua Gia Long/Minh Mạng, ghi Vạn Lý Trường Sa Hoàng Sa – tức là quần đảo Paracels – y hệt như trên bản đồ Tây phương. 
Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1834 với Vạn Lý Trường Sa.

 
 
 
Trấn Bình Môn, cửa vào Trấn Bình Đài
 
Bờ thành Mang Cá - Hình Kiến thức
Báo điện tử Hà Nội http://www.baomoi.com/Dau-tich-cua-dai-don-Mang-Ca-noi-tieng-thoi-Phap-thuoc/c/16676007.epi chú thích ngay dưới hình này về vụ quân Bắc Việt xâm nhập tàn sát Huế Tết Mậu Thân 1968:
“Ngày 7 tháng 2 năm 1968, một trong những vụ tập kích đường không hiếm hoi của Bắc Việt, 4 chiếc IL-14 của Không quân Nhân dân Việt Nam cất cánh từ Gia Lâm với mục tiêu ném bom đồn Mang Cá nhưng thất bại do không định vị được mục tiêu, kết quả 3 chiếc bay về an toàn, 1 chiếc bị rơi”.
Lưu ý: máy bay IL-14 là của Liên Xô tham chiến tại Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc.
Đó là bằng chứng không chối cãi được như ghi rõ trên cổng đền thờ Lê Duẩn:
 
Ôi! Liên Xô là nước lạ, mà Trung Quốc lại càng quá quá ư là “nước lạ” từ bốn nghìn năm trước, may ra là nước quen qua một nghìn năm đô hộ, mà sao cả toàn đảng toàn quân toàn dân cùng học tập tư tưởng đạo đức gục mặt cúi đầu theo khuất phục???!!!!
Cớ sao có “16 chữ vàng” và “4 tốt”???
Cái gọi là “16 chữ vàng “Trường kỳ ổn định/Ổn định lâu dài; Diện hướng vị lai/hướng tới tương lai; Mục lân hữu hảo/láng giềng hữu nghị; Hợp tác toàn diện/hợp tác toàn diện” và 4 Tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt; đối tác tốt”.
Rất nhiều báo điện tử của nhà nước Hà Nội hay bất cứ báo nào khác trên thế giới đều ghi rõ Việt Nam gáy trên guiness có cả trên 24 ngàn giáo sư, tiến sĩ và cả trăm ngàn kỹ sư nhưng…không sản xuất được một sản phẩm nào, dù chỉ là con ốc vít. Hãy thử bắt đầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa bằng sản xuất thành công cái sạc pin và con ốc vít trước khi nói đến những thứ to tát khác.
Văn Thánh trồng Thông
Võ Thánh trồng Bàng
Ngó qua Xã Tắc hai hàng Mù U…
Ôn cố tri tân, mù u, mù u ơi, mù u!!!!! Ôi mù u!!!!
Ôi Nam quốc, Nam quốc sơn hà xã tắc!!!!!!

南國山河 NAM QUỐC SƠN HÀ
Lý Thường Kiệt 李常傑 (1019 – 1105)
南國山河南帝居 Nam quốc sơn hà Nam đế cư
截然定分在天書 Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
如何逆虜來侵犯 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
汝等行看取敗虛 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Sông núi nước Nam, quyền vua Nam
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bay trái mệnh đòi xâm chiếm
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham.
Nguyễn Đăng Thục (1909-1999)
 
 
Hoa bang FL, rằm tháng 9 âm lịch, 27 tháng 10, 2015
Trần thị LaiHồng
.


__,_._,___

Sunday, January 31, 2016

HOÀNG YÊN LƯU * TẢN ĐÀ

Tiểu thuyết của Tản Đà
Hoàng Yên Lưu

tan da



Trong lãnh vực văn xuôi, Tản Đà viết nghị luận, giáo dục, tuồng và tiểu thuyết… Ông là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi như những bài báo có tính cách nghiên cứu hay nghị luận đăng trên An nam tạp chí (Mối cảm tuởng về thơ ca của nước ta, phong dao tục ngữ…), Phụ nữ thời đàm (Hài đàm về thơ mới) và Đông pháp thời báo (Sự nghiệp văn chương…)
Trong cuốn Tản Đà Tùng Văn xuất bản năm 1922, trong bài tựa Tản Đà viết: “Tản Đà thư điếm khai trương, chủ nhân xin có mỗi thứ văn một bài in báo rao hàng cho vui, nhân gọi là Tản Đà Tùng Văn.” Trong Tản Đà Tùng Văn có đủ loại văn như lời tựa đã nói, nào là nghị luận, hài hước, nào là tiểu thuyết. Nhưng ngày nay nhắc tới Tản Đà Tùng Văn người ta chỉ nhớ bài thơ Thề Non Nước.
Câu chuyện Thề non nước nếu gọi theo lối xưa là loại ký ghi lại một biến cố trong đời nhà văn (sự kiện trong tác phẩm có thể là hư cấu và cũng có thể là chân thực) như Nguyễn Huy Hổ viết Mai đình mộng ký hay Nguyễn Bá Trác viết Hạn mạn du ký. Còn xếp theo tiêu chuẩn hiện đại thì nó thuộc loại tiểu thuyết và là “truyện vừa”.
Tác phẩm kể lại cuộc hội ngộ giữa một khách thơ (mang dáng dấp và phong cách của Tản Đà) và một đào nương (một cô gái sống nơi xóm bình khang hay lầu hồng được gọi là ả đào hoặc cô đầu có thanh có sắc).
Câu chuyện có thể có thực vì Tản Đà là khách tài hoa thường lui tới nơi lầu hồng ở Khâm thiên (Hà nội), Vạn thái (Hải phòng), sáng tác những bài ca trù được gái phong trần ưa chuộng ca theo cung đàn nhịp phách trong các buổi “Cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”.
Thề non nước cũng có thể là truyện tưởng tượng của một nhà thơ suốt đời đi tìm người tri kỷ trong mộng tưởng.
Nếu lấy nhãn quan của nhà phê bình ngày nay thì Thề non nước (chính thức ấn hành 1932) không phải là tiểu thuyết đặc sắc, không những về kết cấu, về nghệ thuật tả tình, tả cảnh và đối thoại đều sơ sài và cũ kỹ, so với tác phẩm trước nó như Cành hoa điểm tuyết (1921) của Đặng Trần Phất, và Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách còn phải nhường bước.
Nhưng trong tác phẩm này, có một bài thơ nhan đề là Thề Non Nước, một trong những bài thơ tình cảm hay nhất của Tản Đà. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào?
Tản Đà đã kể lại trong truyện ngắn Thề Non Nước in trong Tản Đà Tùng Văn. Câu chuyện có thể hư cấu, tuy nhiên trong lúc xúc cảm tuôn trào, mộng thực hòa đồng, ông đã để lại cho đời một bài tình thi châu ngọc.
Phần sau đây lược trích trong truyện Thề Non Nước hy vọng giúp người yên thơ Tản Đà biết rõ hoàn cảnh ra đời của một bài thơ nổi tiếng và tính chất đa mộng, đa cảm, đa sầu của một thi nhân tài tử luôn luôn mang cảm giác cô đơn. Không phải ông chỉ nói chuyện với bóng, với ảnh mà đôi lúc cũng có cuộc hội ngộ với tri âm trong cuộc hành trình “nửa đời nam, bắc, tây, đông”. Giai nhân có thể là người trong mộng và cũng có thể là nhân vật thực và giữa những người tri kỷ đã có phen diễn ra cuộc ngâm vịnh lý thú như lần “khách” (tác giả tự xưng) gặp Vân Anh, nhân vật chính trong Thề Non Nước, một đào nương ở xóm bình khang, tài sắc nhưng bạc phận.
Một lần ghé thăm cô đào có tên là Vân Anh, khách lãng du và giai nhân bạc mệnh trò chuyện về văn chương đã nảy sinh cơ hội thi hứng tuôn tràn:
“…Vân Anh đi mở rương, lấy cuốn văn ra. Ông khách giở xem, thấy cũng có nhiều bài thông lắm. Xem đến bài Vịnh lĩnh mai (Vịnh cây mai trên núi) có hai câu rằng:
Hàm tình bất hướng đông phong tiếu
Độc bạn thanh tùng đạp tuyết du
(Chẳng cười với trận đông phong,
Thông xanh bầu bạn giãi lòng tuyết sương.)
Nghĩ như hai câu này thì thật có phong điệu, mà tại sao người làm thơ lại sa vào bình khang?
Khách xem hết các bài thơ chữ nho, lại hỏi về văn quốc âm. Vân Anh đọc bài “Vịnh sen Hồ Hoàn Kiếm”:
Hồ Gươm sen mới ra hoa
Cả hương, cả sắc, ai mà không chơi
Sen tàn lá rách tả tơi
Quanh hồ lai vãng ai người tiếc thương?
Nước hồ, sen đứng soi gương
Còn đâu là sắc là hương với đời
Tủi thân sen lại giận trời
Cho chi hương sắc, cho người trọng khinh.
Khách nói:
– Thơ hay, nhưng sao lời buồn quá thế?
Vân Anh:
– Bài này tôi mới làm. Trong lúc buồn mà gắng làm ra vui sao được!
Khách ngậm ngùi một lúc rồi nói:
– Nghĩ như cô, người như thế, tài hoa như thế, mà sao không nổi tiếng? Sao gia cảnh quá thanh bần?
Vân Anh đến lúc ấy tỏ ra buồn bã, trả lời khách:
– Ông nghĩ thế, chớ như tôi thời làm sao nổi tiếng. Chữ Nho bây giờ, đến như ông Nghè, ông Cử cũng còn nhiều vị chẳng vinh hiển gì, huống hồ là một người cô đầu biết hai ba câu thơ, còn lấy gì có giá được? Từ khi tôi ra hát đến nay, hôm nay mới có ông hỏi đến hoàn cảnh thiếu thốn là một…
Lúc ấy đã đến hơn bốn giờ sáng, khách bảo xếp bỏ rượu để đi ngủ. Vân Anh buông màn cho khách ngủ, rồi vào trong nhà với mẹ.
Ngày hôm sau, trời mưa dầm mãi từ sáng cho đến chiều. Lúc người khách ngủ dậy thời vào khoảng chín, mười giờ. Nguyên người khách đến uống rượu bận ấy, chỉ định ngủ một tối rồi sáng hôm sau ra đi nhưng sau một đêm nói chuyện với cô gái phong trần, cái cảm tình đối với nàng phát sinh lòng thương tiếc vô hạn. Lại nhân hôm ấy trời mưa dầm, thành ra khách ở lại. Mười giờ hơn, Vân Anh xin phép để làm cơm sáng… Trong nhà Vân Anh từ tối hôm trước chỉ còn có một con gà thời đã làm mồi rượu rồi mà cũng phải vay thêm đồ ăn mới đủ dọn; đến lúc ấy nàng không biết làm thế nào, nghĩ người khách đi lại chưa thân, cũng không tiện ra hỏi. Hai mẹ con ra vào, thì thầm bàn cùng nhau, khách cũng hiểu tình ý, nhưng cứ tự nhiên như không biết, chỉ nằm xem những thơ văn của Vân Anh, rồi lại mở va li, lấy giấy bút để viết. Độ 12 giờ hơn, thấy cơm bưng lên, đầy đủ món ăn. Bữa ấy hai người cùng ngồi uống rượu. Ngoài bức mành thưa, trời vừa mưa vừa gió, những người đi ngoài đường lặn lội ướt át mà trong chỗ mâm rượu thời một người du tử với một mỹ nhân thù tạc, đàm đạo nhân tình thế thái cùng văn thơ. Khách tuy không phải là người say đắm ở nơi bình khang nhưng lúc ấy bất giác cũng cao hứng.
Đương trong lúc tửu hứng, Vân Anh nói:
– Tôi có một bức tranh sơn thủy là của gia bảo, vẫn cuộn để trong rương, thường muốn đề một bài quốc văn mà nghĩ lại không xứng, nay không mấy khi được gặp cao nhân, xin hạ bút đề cho một bài, thực là quý quá.
Khách nói:
– Sự đề vịnh vốn không dễ, lại đề lên một bức họa trân quý thời thực không dám nhận, nhưng cô thử lấy cho xem thời hay lắm.
Vân Anh đi mở rương lấy bức tranh đưa ra, khách giở xem, thực là một bức cổ họa. Trông khoảng trên có ba chữ triện không hiểu là chữ gì? Vân Anh nói đó là chữ nôm. Khách nhận ra thời là ba chữ “Thề Non Nước”.
Vân Anh nói:
– Cứ ba chữ này, nghĩa đen là chỉ non, thề nước. Nhưng bức tranh không hiểu ý nghĩa ra sao?
Khách nghĩ một lúc rồi nói:
– Ba chữ đề đây là non với nước thề nguyền với nhau. Như thế có nhẽ hợp ý bức họa.
Vân Anh:
– Dẫu nhận là như thế, nhưng đây chỉ vẽ một dãy núi, còn không thấy sông nước gì cả, lấy gì thề thốt?
Khách đáp:
– Dù tranh không vẽ sông nước nhưng nhận kỹ một ngàn dâu ở chân núi này, tức là sông núi khi xưa mà tang thương đã biến đổi.
Khách giảng giải:
– Nguyên bức họa này chỉ là một bức tranh tang thương cho nên dưới vẽ một ngàn dâu tựa như thể khúc sông; trên núi thời như mây như tuyết, như mấy cây mai già, như bóng tà dương, đều là để tả cái tình cảnh thê thảm. Bởi thế cho nên ba chữ đề này, dẫu là lấy câu sẵn mà đề vào, song thực tỏ ra được cái tình thương nhớ của dãy núi… Dãy núi đã cảm nhận nỗi tang thương.
Vân Anh hỏi:
– Bây giờ muốn đề một bài thơ thời phô diễn thế nào mới sát ý?
Khách:
– Phải trông vào bức họa và lại lấy ba chữ “Thề Non Nước” đó làm chủ đề. Tuy nhiên, phải chú trọng vào một chữ “non”, lấy chữ “non” làm chính, vì không những “non” mới thực là chủ điểm trong bức họa mà lại có ở trong đề. Còn hai chữ “thề” và chữ “nước” thời trong bức họa không có mà trong đề có, cũng phải nhận như có nhưng chỉ nên đề cập tới một cách kín đáo, nhẹ nhàng.
Vân Anh:
– Như thế thời khó lắm!
Khách lại hỏi:
– Cô muốn đề bằng văn Nôm hay bằng Hán văn?
Vân Anh:
– Đề bằng văn nôm thời hơn, vì ba chữ đề ở đây bằng chữ nôm.
Khách:
– Nhưng nên làm một bài thơ hay một bài lục bát?
Vân Anh:
– Bài lục bát cũng được, hay một bài cổ luật cũng được.
Khi ấy, khách lại ngồi uống rượu mà vừa nghĩ. Bức họa vẫn để đó. Vân Anh đứng dậy xuống bếp bảo con ở lên bưng mấy bát đồ ăn xuống để hâm lại. Lúc Vân Anh lên cùng ngồi vào bàn thời khách đã nghĩ được mấy câu:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại, non còn đứng không
Vân Anh:
– Hay lắm! Chữ “thề” chữ “nước” vẫn nói đến mà như không có; chỉ một chữ “non” là tả thực. Nhưng còn trùng vần “non” thời kém hay.
Khách:
– Vần “non” trùng, tưởng cũng không ngại lắm; nếu câu nệ mà đổi đi thời mất hết vẻ thiên nhiên.
Vân Anh:
– Câu tiếp đó ra sao?
Khách:
– Cứ ngắm “non” trong bức họa mà tả thực cho hết những cảnh vật ở trên non, nhất là tả cho được cái tình tương tư của non thời mới hay.
Vân Anh đọc:
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Khách:
– Hay lắm! Thử đọc lại cho nghe một lượt nào.
Vân Anh đọc lại. Khách nói:
– Như thế dù không trông vào bức họa, cứ đọc bài thơ cũng đủ thấy như vẽ ra một cảnh “núi tương tư”. Không ngờ cô văn nôm hay mà nhanh được đến như thế.
Vân Anh:
– Cũng là nhờ ông đã bảo rõ cho cách làm…”
(Sau đó, khách từ biệt ra đi… nhưng ngầm giúp Vân Anh bằng cách để tiền trong vali gửi lại nhưng không khóa. Nhưng Vân Anh không tham, cam chịu cảnh cơ hàn của một đào nương thất thế nhưng phẩm chất cao thượng.).
Câu chuyện tiếp tục:
“Một tối, Vân Anh ngồi buồn một mình, tưởng lại bài đề họa hôm nọ, tìm tờ giấy chép thơ đem ra xem. Nàng nghĩ nếu bài đề bức họa chỉ như thế thôi thời chưa đầy đủ ý nghĩa, lại sợ có thể là điềm không hay vì không có hậu. Nàng ngồi nghĩ và nối thêm hai câu:
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa
Mới được hai câu, thấy có người vào, thời là ông khách cũ, tay cầm một chai rượu, miệng cười và ra hiệu làm rượu uống. Đêm hôm ấy, hai người lại thù tạc, lại nói chuyện về bài đề họa.
Vân Anh nói:
– Bài này nếu ngừng ở đây chỉ sợ mang lại điều kém may mắn!
Khách:
– Làm văn có sợ gì sai, nhưng bài này thực ra chưa trọn ý.
Vân Anh bèn đọc hai câu mới nghĩ ra.
Khách:
– Hay lắm! Câu trên tả chân thật hay!
– Thế đã được chưa?
Khách:
– Kể ra cũng được, nhưng nối thêm nữa có nhẽ mới được đầy đủ.
Lúc ấy tửu hứng đã cao, khách lại ngâm rằng:
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.
Vân Anh tiếp lời:
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề
Khách nói:
– Như thế đã đầy đủ ý nghĩa.
Vân Anh đem chép lại toàn bài rồi đọc lại một lượt. Hai người cùng lấy làm ưng ý. Sẵn bút mực trong vali, họ đốt đèn thật sáng, đem bức họa ra để đề thơ. Khách đề trước một bài chữ nôm. Vân Anh thì viết quốc ngữ. Đề xong, lại cùng ngồi uống rượu làm văn. Hai người cùng làm chung nhau một bài, mỗi người làm mỗi đoạn. Cuộc rượu chưa tàn, hứng văn thơ cũng chưa tàn, nghe tiếng gà như đã giục khách. Khách xin từ biệt ra đi. Vân Anh ngẩn người và giữ lại. Lúc ấy, hai tình quyến luyến, người chốn bình khang không phải là giả vờ mà du tử cũng nặng lòng ly biệt.”
(Trích Thề non nước-bản 1932)
Hoàng Yên Lưu

PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ


PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : pttpgqt@gmail.com - Web : http://www.pttpgqt.org

THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 23.01.2016Giáo chỉ về thành phần Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo và các Ban Đại diện Miền — Lời cảm tạ cuối năm về những hậu thuẫn tịnh tài cho Giáo hội trong nước / Bổ sung — Về hai chữ Sắc Không



2016-01-23 |    | PTTPGQT


PARIS, ngày 23.1.2016 (PTTPGQT) - Viện Tăng Thống vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến Giáo chỉ ban hành về nhân sự Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo và Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tại các Miền Quảng Đức, Khánh Hoà, Liễu Quán, Khuông Việt, Vạn Hạnh.

Sau đây là toàn văn Giáo chỉ số 16 :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon


Phật lịch 2559
Số 16/TT/GC

GIÁO CHỈ
TẤN PHONG BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO
VÀ BAN ĐẠI DIỆN CÁC MIỀN

----------------
ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT


- Chiếu Khoản 3, Điều 11, Chương Thứ Tư, Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất GHPGVNTN.

- Chiếu biểu quyết tại Đại Hội Khoáng đại Bất thường GHPGVNTN Kỳ thứ X do Đức Tăng Thống triệu tập ngày 17 tháng 01 năm 2016.

GIÁO CHỈ
TẤN PHONG BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO

ĐIỀU I :

Tấn phong Hòa Thượng Thích Thanh Quang vào ngôi vị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tấn phong Hòa Thượng Thích Tâm Liên vào ngôi vị Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm nhiệm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự.

Lưu nhiệm nguyên vị tất cả các Tổng vụ trưởng thuộc nhiệm kỳ vừa qua :

- Tổng Vụ TrưởngTổng Vụ Tăng Sự : Hòa Thượng Thích Tâm Liên
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp : Hòa Thượng Thích Đồng Tu
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục : Hòa Thượng Thích Chơn Tâm
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa : Hòa Thượng Thích Chí Viên
- Tổng vụ trưởng Tổng vụ Kiến thiết : Hoà thượng Thích Nhật Ban
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh : Hòa Thượng Thích Nguyên Lý
-Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện và Xã Hội : Hòa Thượng Thích Nguyên Lý
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ : Hòa Thượng Thích Chánh Niệm
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Truyền Thông
kiêm nhiệm Phát ngôn nhân Viện Hoá Đạo,
và Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo
Quốc Tế : Cư Sĩ Nguyên Thái Võ Văn Ái
* Giám Đốc Phòng Liên Lạc Quốc Tế : Cư Sĩ Hồng Chi Ỷ Lan
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên : Hòa Thượng Thích Thanh Quang
* Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ : Htr. Nguyên Chánh Lê Công Cầu
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ : Cư Sĩ Nguyên Quang Nguyễn Tất Trực
- Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo : Cư Sĩ Nguyên Chánh Lê Công Cầu
- Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo : Thượng Tọa Thích Minh Quang
* Phụ tá Chánh Văn Phòng VHĐ : Đại Đức Thích Minh Nghĩa
-Tổng Thủ Qũy Viện Hóa Đạo : Ni Sư Thích Nữ Pháp Liễu

CHÁNH ĐẠI DIỆN CÁC MIỀN

- Miền Quảng Đức : Hòa Thượng Thích Quảng Tôn
- Miền Khánh Hòa : Hòa Thượng Thích Nhật Ban
- Miền Liễu Quán : Hòa Thượng Thích Chí Viên
- Miền Khuông Việt : Hòa Thượng Thích Tâm Mãn
- Miền Vạn Hạnh : Hòa Thượng Thích Chánh Niệm

ĐIỀU II :

- Chiếu Điều 30 Chương Thứ V, Hiến Chương GHPGVNTN, nhiệm kỳ của Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo là hai năm.

- Chiếu Điều 33 Chương Thứ V, Hiến Chương GHPGVNTN : Ở thời Pháp nạn, Giáo hội bị bách hại không thể triệu tập Đại hội theo thể thức quy định của Hiến chương, thì tuỳ phương tiện và hoàn cảnh mà tổ chức để tránh sự dòm ngó gây khó khăn thêm cho Giáo hội. Tuy nhiên không thể huỷ bỏ để dòng sinh hoạt Giáo hội được lưu nhuận và tiếp nối.

- Do hoàn cảnh bách hại hiện nay, nhiệm kỳ của Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo được biểu quyết thông qua tại Đại hội Khoáng đại GHPGVNTN kỳ X ngày 17 tháng 01 năm 2016 là vô thời hạn, cho đến khi có hoàn cảnh thuận tiện. Nhưng Hiến chương vẫn phải áp dụng mỗi hai năm, hoặc khi đặc biệt khẩn yếu, Ban chỉ đạo Viện Hoá Đạo có thể được bổ sung, hoán chuyển để đáp ứng nhu cầu Phật sự.

ĐIỀU III : Giáo Chỉ nầy có hiệu lực kể từ ngày ký.

ĐIỀU IV : Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo chiếu nhiệm vụ thi hành Giáo Chỉ nầy.

Phật lịch 2559, Thanh Minh Thiền Viện
Đại lễ Thành Đạo, ngày mồng 8 tháng Chạp năm Ất Mùi
(tức 17 tháng 01 năm 2016)
ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

(ấn kỳ)
Sa Môn THÍCH QUẢNG ĐỘ



Giáo Chỉ 16 (1/3)
Giáo Chỉ 16 (2/3)

Giáo Chỉ 16 (3/3)

Lời Cảm tạ về những hậu thuẫn tịnh tài cho Giáo hội trong nước
Bản BỔ SUNG

Trong bản Thông cáo Báo chí phát hàng ngày 20-1-2016 chúng tôi đã cho đăng Lời Cảm tạ này. Tuy nhiên, do sơ sót nên thiếu một số tên và tịnh tài của chư liệt vị đã đáp ứng hậu thuẫn cho việc tổ chức Lễ Hiệp kỵ ngày 4-1-2016 và Lễ Tiểu tường Đại lão Hoà thượng Cố Viện trưởng Viện Hoá Đạo Thích Như Đạt tại Tu viện Long Quang, thành phố Huế. Nay xin đăng tải lại Lời Cảm tạ được bổ sung chư liệt vị đóng góp.

Năm hết Tết tới, Tổng vụ Truyền Thông Viện Hoá Đạo, thừa lệnh Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), xin kính lời chân thành cảm tạ chư liệt vị đã gửi tịnh tài về Hoà thượng Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh Viện Hoá Đạo hậu thuẫn các sinh hoạt của Viện Hoá Đạo trong nước, hoặc cúng dường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.

Kính xin tán thán công đức chư liệt vị và cầu chúc chư liệt vị Năm Mới 2016 – Bính Thân thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiên cố, và thành công như ý nguyện :

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhi $200 (Mỹ kim) – Loan Kim Nguyễn $400 – Quí Đạo hữu Chùa Phật Quang $1000 – Nguyễn văn Nhớ $270 – Gia đình Bác Sĩ Phúc Toàn Nguyễn Trọng Nhi $500 – Đạo hữu (Đh) Từ Dung Nguyễn Thị ngọc Lan $300 – Đh Phúc Nguyên Đào Văn Năng $200 – Gia đình Minh Tài Phạm Minh Tân $200 – Gia đình Pháp Chiếu Nguyễn Diên $1,000 – Quý Đạo hữu Chùa Phật Quang $300 – Sư Cô Thích Nữ Giác Nguyên $100 – Đh Diệu Nguyên Nguyễn Thị Trà $100 – Đh Diệu Quý Hoàng Thị Bé $100 – Nhật Hảo Hoàng Thị Nhạn $100 – Đh Diệu Huệ Hoàng Thị Lan $100 – Đh Nguyên Chiếu Trần Thị Cảnh $100 – Đh Phúc Tường Thục Vũ $200 – Sư Cô Thích Nữ Giác Nguyên $200 – Đh Diệu Hương Nguyễn Thị Hương Trà $500 – Đh Diệu Quý Hoàng Thị Bé $100 – Đh Diệu Xuân Nguyễn Thị Tân $100 – Đh Diệu Hiền Lê Thị Đệ $100 – Đh Phạm Mỹ Châu / Tiệm Vàng Mỹ Châu $200 – Đh Nguyên Đào Hoàng Thị Như Linh $100 – Đh Nguyên Chiếu Trần Thị Cảnh $200 – Cô Dung Tiệm Vàng Nguyên Vũ $100 – Đh Diệu Chánh Hoàng Thị Liu $100 – Đh Phật Hảo Hoàng Thị Nhạn $200 – Đh Phúc Tường Thục Vũ $200 – Đh Tâm Kiên Nguyễn Cường $120 – Đh Nghiêm Tiên Nguyễn Thị Hoàng Diệp $100 – Đh Nghiêm hạnh Nguyễn Thị Dung $50 – Đh Nghiêm Tịnh Nguyễn Thị Hoàng Lương $50 – Đh Nghiêm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng Hoa $50 – Đh Phúc Long Nguyễn Hưng $300 – Đh Phúc Hiển Nguyễn Quốc Hưng $30 – Đh Phúc Triều Nguyễn Quý Hưng $200 – Đh Trương Quảng Từ $40 – Đh Phúc Minh Nguyễn Kevin $200 – Đh Lý Thiện Nguyễn Thanh Hoài $40 – Đh Diệu Huệ Hoàng Thị Lan $20 – Đh Lý Hỷ Nguyễn Phú Phát $10 – Hương Linh Diệu Danh Nguyễn Thị Gái $20 – Hương linh Phúc Quang Hoàng Hữu Lưu $20 – Hương linh Diệu Lâm Hoàng Thị Hành $20 – Đh Tâm Hạnh $300 – Gia đình Đh Nguyên Tuyết $500 – Đh Giang Tỷ $100 – Quý Đh ở Dallas : Võ Đại Bích, Lê Văn Hữu, Trương Như Thiết, Nguyễn Văn Hải, Thái Văn Còn, Võ Thiên Kim, Võ Thế Vinh, Võ Andrew, Nguyễn Đình Xứng, Đinh Văn Minh, Trương Như Hải, Võ Thị Qúy, Nguyễn Đức, Dương Văn Sâm, Đặng Sanh, Phạm Thanh Long, Paul Kim, Trương Nghĩa, Nguyên Cát và Quảng Lượng, Như Toàn, Đàm T. Thao, Hoàng Ngọc Dũng, Huỳnh Công Hạnh, và Mạch văn Tám $2230 – Đh Cao Liên Hương $300 (Gia kim)

Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin kính lời chân thành cảm tạ chư liệt vị đã gửi tịnh tài hậu thuẫn công trình vận động quốc tế cho tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ :

Giáo sư Nguyễn Duy Thông 20 Euros mỗi tháng suốt các năm 2013, 2014 và 2015 – Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhi $400 – Đh Huỳnh Kim Dung 300 Euros – Đh Daniel Nguyễn $100 – Đh Tâm Nguyên $200 – Đh Hùng Phạm $100 – Đh Lê Bích Ngọc $200 – Đh Ngọc Thu Tina Lê $300 – Đh Richard Lê $200 – Đh Hien Van $100 – Đh Tâm Nguyên $200 – Đh Hien Van $100 – Đh Lâm Nguyên $1000 – Đh Lâm Vân $10 – Đh Nguyễn Nhã $100 – Đh Bích Ngọc Lê 200 Euros – Đh Ngọc Tước Huynh 500 Euros – Đh Hùng Phạm $200 – Đh Lâm Vân $20 – Đh Laura Nguyễn $1000 – Sư Cô Thích Nữ Giác Nguyên $100 – Cụ Diệu Hương, Nguyễn Thị Trà $100 – Cụ Diệu Quý Hoàng Thị Bé $100 – Đh Nguyên Đào $100.00– Đh Nguyên Chiếu, Trần Thị Cảnh $200 – Đh Nghiêm Tiên, Nguyễn T Hoàng Điệp $100 – Đh Tâm Phúc, Davis Nguyễn $100 – Đh Thục Vũ $100 – Đh Trí Giác Nguyễn Văn Nhớ $50 – Đh. Diệu Chánh Hoàng thị Liu $50 – Gia đình Đạo hữu Phạm Tư Long $400 – Đh Diệu Thuý và quý Đh Khuôn hội Huyền Quang Dallas $500

Về hai chữ Sắc sắc Không không

“Cầu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.

Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Hai chữ Sắc sắc Không không” chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài thứ sáu 15 tháng giêng dương lịch 2016 :

Về hai chữ Sắc sắc Không không

Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, lâu nay chúng ta thường nghe một câu than “Sắc sắc Không không” đầy giọng triết lý, khi thấy việc đời đổi thay không theo ý mình mong muốn  ? Nào là việc đời thay đổi trắng đen, tình người bạc bẻo, phũ phàng. Có đó rồi không đó. Xin ông cho biết đây có phải là tư tưởng thâm huyền của đạo Phật hay không ?

Võ Văn Ái : Hai chữ Sắc - Không là thuật ngữ Phật giáo rất thâm huyền, uyên áo. Tuy nhiên lối nói mà anh Triều Thanh bảo là đầy giọng triết lý khi than rằng “Sắc sắc Không không - Có đó rồi không đó” là sự biến tướng giáo lý thâm huyền thành chủ nghĩa định mệnh, bó tay, yếm thế. Biểu trưng cho lối hiểu của người học Phật sơ cơ, nếu không nói là bình dân. Lấy điều cao thâm giải thích một chuyện bực mình hay bi quan làm sai lệch chủ trương của đạo Phật.

Nói rằng Sắc sắc Không không, có đó rồi không đó, tức công nhận hai phạm trù có và không (hữu và vô), làm trái nghĩa với giáo nghĩa Vô thường, Vô ngã, và Duyên khởi hay lý Duyên sinh của đạo Phật. Thực ra sắc và không là hai từ mang ý nghĩa khác nhau. Sắc đứng đầu trong năm nhóm hợp thể hay Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Uẩn thứ nhất gọi là sắc uẩn bao gồm tứ đại là đất, nước, lửa, gió, và những gì từ bốn đại này tạo ra như năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, hay năm cảnh như hình dáng, âm thanh, mùi vị, sờ mó, ý thức. Nói tóm, tất cả thế giới vật thể, nội tâm hay ngoại giới, đều bao gồm trong sắc uẩn.

Trái lại chữ Không, tiếng Phạn là Úûnyatâ, là đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo thuộc hệ Bát nhã của Trung quán tông. Nhìn xem vạn vật hay con người trong thế giới hiện tượng, chúng ta thấy chúng đều hỗ tương tồn tại theo lý Duyên khởi nên bản thân chúng là không, trong nghĩa không có gì biệt lập mà có thể tồn tại. Không ở đây mang nghĩa vô tự tính, không có tự tính, gọi là Tính Không, xuất phát từ giáo lý Vô Ngã. Lúa tự nó không thể tồn tại biệt lập, mà còn phải nhờ các duyên chung hợp mà ra, như đất, nước, nắng và thời tiết thì mới hiện hữu như một cây lúa để cho ta gạo. Tính Không chính là sự khai triển lý Duyên khởi, tương duyên tương sinh, yếu tính của đạo Phật.

Triều Thanh : Như ông nói thì hai từ ngữ sắc - không là hai thuật ngữ Phật giáo biểu tỏ những ý nghĩa khác nhau. Sắc chỉ về hình trạng là một trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Vậy do đâu mà kết hợp thành câu ta thán “Sắc sắc, Không không” ?

Võ Văn Ái : Đây là sự hiểu lầm tai hại của nhiều người tưởng rằng sắc là hữu hình và không là vô hình, khi họ nhại lại câu kinh trong bản Tâm Kinh mà Phật tử thường tụng đọc hằng ngày. Bản kinh ngắn nhất thuộc hệ thống Bát nhã, nhưng sâu kết ý nghĩa trọng đại của pháp môn Trung quán. Trên dưới 300 chữ. Bản dịch sang tiếng Trung quốc vào thế kỷ thứ II Tây lịch gọi là Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh. Năm 1973, khi dịch từ bản chữ Phạn Prajñâpâramitâ Hṛdaya sûtra sang tiếng Việt, tôi gọi là “Kinh Ruột Tuệ giác Siêu việt” với tiểu đề Biện chứng phá mê trừ khổ.

Triều Thanh nhớ hồi ngài Huyền Trang sang Ấn độ thỉnh kinh vào đầu thế kỷ thứ VII, một thân một mình băng qua sa mạc Gobi đầy hiểm nguy chết chóc, ngài đã không ngừng trì tụng Bát nhã tâm kinh này để kiên trì chí nguyện và thoát nạn.

Sắc sắc Không không mà người ta nhại lại để ta thán, đến từ hai câu đầu trong Bát nhã Tâm kinh chữ Tàu thường tụng đọc là :

“Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách.

“Xá-lợi-tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”.

Tôi dịch ra tiếng Việt như sau :

“Khi tiến sâu vào nguồn mạch của tuệ giác siêu việt, Kẻ Tỉnh thức Quán-khổ-trừ-nguy nhận chân ra năm hợp thể và thấy suốt tự tánh không của chúng.

“Nầy người con dòng Sari, hình thể là chân không, chân không là hình thể, chân không chẳng khác hình thể, hình thể chẳng khác chân không. Mọi chân không đều hình thể. Cảm xúc, nhận thức, tạo ứng hay ý thức đều như thế cả”.

Triều Thanh : Ông có thể khai triển thêm về Tính Không của Trung quán tông ?

Võ Văn Ái : Đây là đỉnh cao của tinh thần bất nhị, đánh bạt tất cả các tư trào triết học Đông Tây xây dựng trên Nhị nguyên luận.

Tính Không hay tinh thần bất nhị đã được gợi ý trong các thời thuyết pháp của Đức Phật. Sau này được các ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Phật Hộ, Thanh Biện, Đề Bà hay Thánh Thiên, v.v… khai sáng thành Trung quán tông, cũng gọi là Trung quán luận hay Chính quán luận (tiếng Phạn là Mûlamadhyamaka-kârikâ) vào thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch, tạo ra bước ngoặt lớn như cuộc cách mạng trong tư tưởng Phật giáo, đồng thời ảnh hưởng sâu xa đến tất cả các nền triết học và tôn giáo Ấn Độ trên mấy nghìn năm. Trung quán tông, cũng như đạo Phật từ khởi thủy, sử dụng phương pháp phân tích phê phán, chống mọi giáo điều kinh viện. Kinh Tu Bà trong Trung bộ kinh (Majjhima-nikâya), Đức Phật xác định “Ta là người phân tích, ta không là người rao giảng giáo điều”.

Toàn bộ Trung quán tông là sự giải thích lại lý Duyên Khởi. Đức Phật không bao giờ trả lời hoặc không với các câu hỏi. Vì đứng từ hai luận chấp có / không là rơi vào tà kiến, cực đoan, hý luận. Đây chính là giáo lý Trung đạo, không phải một quan điểm thứ ba ngoài hai quan điểm có / không, mà là quan điểm phi lập trường, loại bỏ hai cực đoan. Như sắc uẩn ta đề cập lúc nãy, do mê muội không thấu hiểu được sắc. Không thấu hiểu vì mê chấp vào sắc, từ đó nảy sinh vọng tưởng rằng sắc tồn tại.

Triều Thanh : Không theo quan điểm có, cũng không theo quan điểm không, có thể bị đánh giá là ba phải không, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Không đâu. Tôi trích một đoạn kinh, qua đó đạo sĩ Vacchagotta đặt ra nhiều câu hỏi có, không, tự ngã. Nhưng đức Phật im lặng, không trả lời, khiến ông này bỏ đi. Thấy ông Ananda có chiều thắc mắc, đức Phật giải thích thái độ ngài như sau :

“Này Annanda, khi đạo sĩ Vacchagotta hỏi “có tự ngã hay không”. Nếu ta trả lời rằng có, vậy là ta theo số người chủ trương Thường kiến luận. Nhưng nếu ta trả lời “không có ngã” thì ta lại đi theo những người chủ trương Đoạn kiến luận. Này Ananda, khi đạo sĩ Vacchagotta hỏi “có tự ngã hay không” ? Nếu ta trả lời rằng có, thì lời giải đáp của ta có phù hợp với kiến giải cho rằng vạn pháp đều vô thường chăng ? Nếu ta trả lời rằng không, thì Vacchagotta đang bị hoang mang sẽ trở nên hoang mang hơn nữa. Ông ta sẽ nghĩ rằng : Trước đây tôi thực sự có một tự ngã, bây giờ chẳng còn có nữa !”.

Đạo sĩ Vacchagotta lại hỏi : Vậy Cồ Đàm có giáo lý gì riêng của mình không ? Đức Phật trả lời :

“Này Vacchagotta, Như Lai đã xa lìa mọi hý luận. Như Lai biết rõ bản chất của sắc, biết rõ sắc sinh như thế nào, diệt như thế nào…Do đó, Như Lai đã đạt đến giải thoát, xa lìa mọi nhiễm trước. Cho nên mọi ảo tưởng, mọi vọng tưởng hư ngụy về tự ngã hoặc những gì liên quan đến tự ngã đều tan biến, bị hủy diệt”.

Triều Thanh : Xin ông giải thích nghĩa của Thường kiến luận và Đoạn kiến luận ?

Võ Văn Ái : Thường kiến luận, Đoạn kiến luận cũng gọi là Thường kiến, Đoạn kiến là hai kiến chấp sai lầm dưới con mắt của đạo Phật, do không hiểu các pháp đểu không. Thường kiến (Nityadṛṣṭi) là kiến chấp chủ trương thế giới thường còn, bất biến, cái ta của con người vẫn tồn tại sau khi chết.

Đoạn kiến (Ucchedadṛṣṭi) là kiến chấp thế gian và cái ngã cuối cùng đều đoạn diệt. Chủ trương linh hồn bất diệt thuộc về thường kiến. Hư vô chủ nghĩa chủ trương đoạn kiến.

Trở lại với Tính không của Trung quán tông, tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung quán tông xem việc phê phán và đả phá các kiến giải, tà kiến là cách để kiến tạo Trí tuệ siêu việt, chứ không là đối chất, tranh cãi. Nó là một biện chứng pháp vạch trần và phê phán mọi luận điểm của mọi nền triết học, vì nó vượt ngoài mọi kiến giải, khái niệm, và ngôn ngữ. Trung quán tông hay Tính Không mang tính siêu nghiệm và duyệt lại tất cả sự vật để phát lộ cái Thực hữu. Vì cuộc sống trong thế giới hiện tượng chỉ là sự biến thiên của vọng tưởng phân biệt (Vikalpa).

Đạo Phật phê phán các học thuyết khác thông qua biện chứng pháp của Trung quán tông không cốt đưa ra một học thuyết khác. Tính Không của các kiến giải không phải là một kiến giải khác, mà là mở ra Trí tuệ siêu việt.

Triều Thanh : Sự phê phán như ông vừa nói đưa ta về đâu ? Trong khi triết học, khoa học, văn hóa đang mang lại cho ta một đời sống hoan lạc trong tinh thần.

Võ Văn Ái : Hoan lạc nhưng có giải thoát không ? Đặc điểm của các hệ thống triết học Tây phương mang tính tư biện, một trò chơi thuần túy của trí tưởng tượng, không dẫn đến đời sống tâm linh. Triết học biểu trưng cho cái Thiện tối cao, các bộ môn khoa học, văn học nghệ thuật chỉ đáp ứng được nhu cầu vật chất và văn hóa của con người. Nhưng chúng không có khả năng đưa ta đến sự thành tựu tối cao của giác ngộ, và loại trừ sự thống khổ trong đời người như đức Phật đã đề ra phương pháp diệt khổ qua Bốn chân lý Tứ Diệu đế, hay Trung quán tông giúp ta phá bỏ mọi tà kiến, ảo vọng, hí luận để đạt tới giải thoát giác ngộ bằng Trí tuệ Bát nhã.

Ta thống khổ, tinh thần hay vật chất, là vì ý chí ta bị bức bách, ngăn trở làm cho chúng ta bất như ý, không đạt được các ước vọng, tham cầu. Mọi phương tiện của thế tục không giúp ta thoát khổ. Muốn thóat khổ thì phải diệt trừ phiền não. Nên ta phải cầu cứu tới triết học, tư tưởng để giải vây ta ra khỏi vô minh, tức những mê chấp, tham đắm. Đáp án quan trọng nhất chính là biện chứng phá mê trừ khổ của Trung quán tông. Ngài Tịch Thiên, tức Santi Deva, nói rằng : “Để thoát khổ và được hỷ lạc, thì phải chuyên chú tinh thần vào giác ngộ với tín tâm mạnh mẽ”. Tín tâm nói đây là phát Bồ đề tâm chứng cầu Phật quả.

Giải thoát giác ngộ không phải là sự tích lũy công đức, hay tích tập năng lượng, mà là một tiến trình phủ định, quét sạch mọi phiền-não-chướng đang che mờ thực tướng. Giải thoát là sự chấm dứt của nghiệp và phiền não. Do vọng tưởng phân biệt mà sinh ra tham, sân, si. Khi ta nắm bắt được bản tính rỗng không, phi thực của vọng tưởng, thì chúng sẽ bị tiêu diệt. Thống khổ hay phiền não sẽ không còn đeo ta như bóng với hình.

Bản tính rỗng không chính là Tính không, là thần dược giải độc mọi phiền não. Khi thực tướng không bị xem như hữu (ens) hay phi hữu (non-ens) theo nhị nguyên luận, thì vọng tưởng chấm dứt. Nghiệp và phiền não bị diệt, giải thoát tất hiện ra.

Nhìn vào giới trí thức nước ta, thấy rõ đa số họ bám víu vào các ý thức hệ khác nhau rồi tin rằng đó là giải pháp cưu nguy cho bản thân hay cho dân tộc. Hẳn nhiên các ý thức hệ ấy mang đủ cái đẹp, cái thiện hảo của nó với người mê đắm tin vào nó. Nhưng không hẳn ai khác cũng mê đắm như thế. Ý thức hệ của người này không là ý thức hệ của người kia. Rồi khi đem ra thử nghiệm các ý thức hệ ấy, thì hậu quả mang lại là đưa dân tộc Việt Nam đi về đâu suốt 70 năm qua ? Câu trả lời, là máu, lệ, người chết lên hàng triệu, đất nước điêu linh, quê hương bị tàn phá.

Cho nên đề cập tới câu ta thán sắc sắc không không, bỗng dưng không còn là chuyện triết học xa vời, chuyện trời biển cao xa. Mà chính là đi vào trọng tâm sinh tử của đời sống tâm linh 90 triệu người và một dân tộc có văn hiến và cống hiến cho nền văn minh nhân loại.

Nếu ta nhớ lại một đêm vào đầu năm 20 thế kỷ trước, ông Hồ Chí Minh lúc ấy còn tên Nguyễn Ái Quốc, đã khóc ròng khi đọc được luận cương của Lénine chủ trương giải phóng dân tộc châu Á. Ông Hồ xem như bửu bối, đem ra áp dụng làm cuộc xích hóa Việt Nam đưa tới thảm trạng ngày nay. Đây là lựa chọn con đường ý thức hệ tư biện, một nhánh triết học Tây phương mà người trí thức họ Nguyễn tưởng như giải pháp tối hậu để giải phóng cá nhân anh và dân tộc anh. Ai bảo là không đẹp, không lý tưởng ? Nhưng ý thức hệ ấy cũng chỉ là vọng tưởng biến chấp (hay biến kế sở chấp, Vikalpa), mê đắm và tham cầu. Phải chi trong hành trang kiến thức, ông Hồ được học Phật, thấm nhuần Trung quán tông, thì ông đã sớm thấy vọng tưởng ngờ nghệch của trào lưu Mác xít Cộng sản, và đã không mang tội đẩy dân ta vào vòng nô lệ thảm sầu với nỗi khổ đau trầm thống.

Người cộng sản tôn vinh Đạo đức Hồ Chí Minh là diễn tả đúng vai trò của người mù sờ voi. Trong đạo đức của thế gian vẫn còn sự mâu thuẫn hay xung đột giữa cái thiện của người này với cái thiện của người khác. Cái thiện giải phóng dân tộc của ông Hồ Cộng sản khác với cái thiện của nhiều tầng lớp nhân dân hay quần chúng tôn giáo.

Giải quyết sư xung đột này cần quán chiếu Tính Không, mà cũng là biện chứng pháp của Trung quán tông để loại trừ căn rễ của nó là tính đối lập nhị nguyên trong nền triết học phương Tây.

Trung quán tông là lộ đồ cẩm nang giúp ta tránh thoát những vọng chấp, hí luận thế gian, đưa tới Đạo hạnh tâm linh như đỉnh cao của mọi giá trị. Đạo đức vẫn còn là phạm trù trầm luân như đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng Đạo hạnh tâm linh thì không.

Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.


Báo cáo Tài chánh của Hoà thượng Thích Nguyên Lý, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh Viện Hoá Đạo


Tổng Kết Thu Chi của Quỹ Giáo Hội (1/3)

Tổng Kết Thu Chi của Quỹ Giáo Hội (2/3)

Tổng Kết Thu Chi của Quỹ Giáo Hội (3/3)


Tổng Kết Thu Chi của Quỹ THXH (2015) (1/4)

Tổng Kết Thu Chi của Quỹ THXH (2015) (2/4)

Tổng Kết Thu Chi của Quỹ THXH (2015) (3/4)

Tổng Kết Thu Chi của Quỹ THXH (2015) (4/4)
https://youtu.be/FLAR0h7vHP4

No comments:

Post a Comment