Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 28 October 2016

TUẤN KHANH =TƯỞNG NĂNG TIẾN = PHAM CAO DƯƠNG

NHẠC SĨ TUẤN KHANH * LUẬT PHÁP

Luật pháp xói mòn

Chủ nhật vừa rồi (10 tháng 11/2016), có hàng ngàn người Hồng Kông xuống đường, yêu cầu chính quyền đặc khu phải có một cuộc điều tra khẩn thiết về việc một người bán sách bị mất tích. Ông Lee Bo, 65 tuổi, là một trong 5 người của nhà xuất bản Causeway Bay Books đột nhiên mất tích một cách lạ lùng từ tháng 10 vừa qua. Câu chuyện một công dân không có gì là nổi bật ấy, vắng mặt trong đời sống hàng ngày, lại đang là đề tài cho nhiều vụ bình luận của báo giới quốc tế, và cũng khiến cho mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Trung Quốc bất ngờ trở nên trầm trọng.
Chỉ là một người bán sách thôi mà? Nhưng tại sao lại trở nên lớn chuyện như vậy?
Theo lời tố cáo của các tổ chức nhân quyền tại Hồng Kông, thì Causeway Bay Books đang trong chiến dịch ấn hành các loại sách mà Bắc Kinh có vẻ không vui. Một trong những cuốn đó, nghe đồn đoán là nói về cuộc đời tình ái của ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, tiêu đề của nhiều cuốn sách khác là những bình luận mang tính phản kháng, chỉ trích những vấn nạn của chính quyền Trung Quốc hiện nay.
Việc tìm kiếm ông Lee Bo bất ngờ bùng lên, sau khi có một bức fax từ đại lục chuyển về cho vợ con ông, nói rằng đừng tìm ông nữa, vì ông ta vẫn ổn. Tuy nhiên, giới luật sư và tranh đấu nhân quyền ở Hồng Kông nói rằng họ tin rằng Bắc Kinh đã bắt cóc ông Lee Bo và ép buộc ông phải viết lá thư đó.
Trong dòng người diễu hành qua trung tâm đặc khu Hồng Kông, người ta nhìn thấy biểu ngữ “Nếu luật pháp không còn, Hồng Kông có còn là Hồng Kông không?”. Rất nhiều người Hồng Kông nói rằng họ đã sống qua thời kỳ thượng tôn pháp luật, sự kiện đầy tính trấn áp và côn đồ này khiến ai nấy đều cảm thấy thương tổn và lo ngại cho tương lai Hồng Kông về sau, khi phải ngày càng gần với Trung Quốc.
Đó chỉ là một câu chuyện thoáng qua trong đời sống. Có lẽ sẽ mau quên trong tâm trí người Việt. Nhưng nếu để dừng lại, ngắm nghía câu chuyện đó như bài học của đời, thì quả là bất ngờ khi chúng ta nhận ra rằng thượng tôn pháp luật là lằn ranh cuối cùng, phân chia rõ đời sống văn minh và thế giới khuôn phép giả tạo của kẻ cầm quyền giỏi mị dân.
Một công dân bình thường của Hồng Kông bị mất tích vô cớ, đủ gây nên một sự phẫn nộ về xã hội bất an và nghi hoặc về tính liêm chính của chính quyền. Mọi tầng lớp hành chính, xã hội, tự pháp… đều lên tiếng và đòi làm rõ. Vậy ở Việt Nam, hàng trăm người chết lạ lùng trong các trại tạm giam, sau khi qua một đêm, thậm chí vài giờ với các công an viên điều tra, sẽ nói lên điều gì?
Theo VTV ngày 8 tháng 1/2016, dẫn lời ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, tiền dự chi bồi thường oan sai trong năm 2015 đã vượt mức 100 tỷ đồng cho người bị hại, bất bất chấp 20 Bộ, ngành, 39 địa phương gửi báo cáo tổng kết 2015 hớn hở khẳng định rằng đã không hề để xảy ra vụ oan sai nào. Ấy vậy mà những vụ án oan khuất như Đỗ Đăng Dư, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… vẫn bùng nổ, làm xáo động nhân tâm từ Bắc chí Nam. So với Hồng Kông, người Việt đang mất tích vô cớ, tù vô cớ, bị nhục hình vô cớ, và chết vô cớ trong tay từng chính quyền địa phương – chỉ riêng trong năm 2015 đã có 11 người chết vô cớ trong trại tạm giam được thông báo – sao mọi thứ cứ nhẹ nhàng như chuyện con bò được đưa vào lò sát sinh cho tô phở sáng.
Michael Davis, chuyên gia về vấn đề Luật Hồng Kông và Đại lục tại Đại Học Hồng Kông, nói với tờ Time rằng “pháp luật bị xói mòn, đó chính là điều người dân lo lắng nhất”. Michael Davis nhắc lại cuộc biểu tình dài 79 ngày, năm 2014, mà mục đích lớn nhất – cũng như nhục nhã nhất – là người dân nhắc chính quyền phải biết tuân thủ nơi pháp luật của mình bày ra, chứ không thể cai trị ngẫu hứng như những tên cướp trên hoang đảo. “Nếu một chính quyền tự cho mình quyền thao túng xã hội, thì lúc đó người dân trở thành luật pháp và tố cáo sự lạm dụng luật pháp”, Michael Davis nói.
Luật pháp xói mòn là như thế nào? Hãy nghe câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1960), bị đưa ra xử TAND Bù Đăng, Bình Phước, đã quỳ xuống phiên tòa gào lên “Tôi bị oan, điều tra viên khi dựng hiện trường đã chỉ thẳng súng vào đầu tôi nói, nếu không ký, tao bắn…”. Nhưng thật ra bà Tâm không quỳ, bà bị điều tra viên Nguyễn Văn Huyên dùng gậy cao su đánh hơn 20 cái đánh vào ống quyển, rồi bắt quỳ xuống và đánh vào đùi, chân và bả vai nên bà không đứng lâu được nữa”. Bà Tâm bị cài đặt vào một vụ án là đánh người gây thương tích, điều tra viên đánh và đưa bút bắt ký vào giấy mà bà không biết đó là giấy tờ gì.
Đó có phải là luật pháp bị xói mòn không? Hay luật pháp trở thành công cụ của bóng đêm, của những kẽ quay về nhà biết cười và đùa với vợ con, nhưng quay ra thì nhe nanh múa vuốt với đồng bào mình?
Bà Tâm liều chết gào thét được giữa phiên tòa. Thật may mắn. Còn những ai đã chết trước khi được may mắn ra vành móng ngựa, sẽ cất tiếng thét của mình ở đâu? Những con người vô danh chịu nạn như bà Tâm, lại gợi nhớ chuyện ông Y Két Bdap (trú buôn Kmar, Ea Bhốk). Năm 2014, người đàn ông dân tộc thiểu số không rành tiếng Việt này, do bị nghi là ăn cắp bò bị công xã bắt đi, trói treo lên và dùng gậy đánh đến chết. Cho đến khi đi chôn, ông vẫn không được nói trọn vẹn tiếng Kinh rằng “tôi không phải là kẻ cắp”. Gia đình ông Y Két Bdap được Ủy ban xã đền mạng bằng 29 triệu đồng, chỉ bằng hơn phân nửa số tiền thưởng (50 triệu) cho việc tìm ra kẻ bắn một người Trung Quốc tại Đà Nẳng (ngày 26/11/2015).
Viết bao nhiêu cho đủ, những chuyện đã được đưa lên báo, và những chuyện mà người dân ngày ngày vẫn cầm những lá đơn, bạc phơ tóc, ngơ ngác chạy khắp ngõ công đường lúc này? Viết bao nhiêu cho đủ để đo cho đủ vực sâu của luật pháp bị xói mòn, mà chuyện xin lỗi, bồi thường… nhẹ nhàng như một chiếc nắp vung đậy vào nỗi niềm con người, che khuất mọi thứ đang sôi sùng sục?
Joshua Wong, nhà tranh đấu trẻ của Hồng Kông, năm nay đã bước sang tuổi 19, nói với Time rằng “Luật pháp không còn, Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa”. Hãy thử cùng tôi thay đổi chút trật tự chữ nghĩa trong câu nói trên: Hồng Kông đổi bằng Việt Nam. Bạn đã nhận ra điều gì chưa?
Tham khảo:
http://vtv.vn/van-de-hom-nay/tien-boi-thuong-oan-sai-trong-nam-2015-len-...
http://news.zing.vn/Cong-an-danh-chet-nghi-can-trom-bo-lanh-an-18-thang-...
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=237919339872775&set=a.1054796797...

SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

Bèo Giạt

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

đều mang gốc gác Việt
liều lĩnh bỏ quê nhà
bằng đường dây người lậu
đi cầu thực phương xa
những con người khốn khó
tâm hồn rách tả tơi
xuất xứ từ nghèo đói
mang giấc mơ đổi đời
Bắc Phong – “Những Người Rơm”
Cuối năm, blogger Hoàng Giang gửi đến độc giả một câu chuyện rất “nhẹ nhàng” và “đáng yêu” ngăn ngắn:
Tôi mới đọc được mẩu tin nho nhỏ, mà chắc chả mấy ai bận tâm, mẩu tin cũng nhẹ nhàng tình “củm” có tựa đề là “How did this Swedish cat turn up in south France?”. Tức là có một chú mèo tên là Glitter sống ở Bromolla, miền nam Thụy Điển mất tích đã 8 tuần. Anh chủ Sammy Karlsson tưởng chừng như sẽ không có hy vọng tìm lại được Glitter nữa thì bỗng dưng vào đúng tuần lễ Thanksgiving, anh nhận được một cuộc gọi từ vùng Nimes tại miền nam nước Pháp hỏi anh về chú mèo lông xù này.
Sammy ngạc nhiên tới mức anh tưởng người ta đang đùa cợt mình, nhưng khi bức hình được gửi đến, thì chú mèo đó chính xác là Glitter của anh. Trong một bài phỏng vẫn, anh nói đùa rằng “Có lẽ Glitter đã phải lòng một cô gái Pháp nào đó, và chàng quyết định đội chiếc mũ bê rê.” Hiện chàng mèo đang được tiêm phòng và làm quốc tịch Pháp sau đó sẽ được gửi trả về với chủ tại Thụy Điển.
Câu chuyện mới đáng yêu làm sao, cứ tưởng tượng một chú mèo thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu, chu du hơn 1,700km, mà tự dưng cũng muốn mình được như thế, vô lo vô nghĩ...
Ước muốn được “thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu” của Hoàng Giang tuy không có gì là viển vông nhưng vẫn rất xa vời, và mỗi lúc một thêm xa, nếu chúng ta (chả may) sinh ra là ... người Việt Nam – cái xứ sở mà nhiều người dân phải cầm cố nhà cửa/ruộng vườn mới đủ chi trả cho con cái một chuyến đi ra khỏi nước.
Dù giá quá đắt nhưng không phải ai đi (rồi) cũng đến. Hãy nghe qua một mẩu đối thoại giữa một cô gái Việt, và người bạn trai (đồng cảnh) từ hai phòng giam sát cạnh nhau – trong một nhà tù nào đó ở Âu Châu:
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:
“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”
“Chết!?”
“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở. 
The Vietnamese girl, believed to be 16, had been crammed into a tiny space behind the dashboard of a car stopped at Dover. Ảnh & chú thích: dailymail.co.uk
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về... Anh có nghe không đấy?”
“Nghe rõ cả.”
“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”
“Chắc đúng.”
“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (Tâm Thanh – “Người Rơm”).
Người rơm còn có một tên gọi khác, dễ nghe hơn, theo ngoại ngữ: nouveaux boat people – những thuyền nhân mới. Khác với lớp người tị nạn từ Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, những kẻ đến sau không còn được thế giới chào đón nữa.
Nhân loại, xem chừng, đã oải. Không ai còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng, (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp, không cả một mảnh giấy tùy thân) cứ tiếp tục đến mãi từ một xứ sở… Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc!
Thêm một điều khác biệt nữa là tuy được gọi tên "những thuyền nhân mới" nhưng họ không vượt biên bằng thuyền. 
Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày...” (PhươngVũ Võ Tam Anh, “Người Việt Khốn Khổ Tại Paris”).
Sau khi đặt chân được đến miền đất hứa (Anh Quốc) có một hiện tượng lạ xẩy ra là lớp người rơm, ở tuổi vị thành niên, đều mất biến - theo bài tường thuật (Missing Kids UK) của Sam Judah, qua Tạp Chí Thời Sự BBC:
"Người ta tin rằng hầu hết các trường hợp đều được các băng đảng đưa lậu vào Anh, bị cảnh sát phát hiện và đưa vào các trung tâm chăm sóc.
Các em rõ ràng là không bỏ trốn khỏi những kẻ bắt giữ mình, mà còn thường trốn khỏi các gia đình nhận nuôi dưỡng mình và các trung tâm chăm sóc để trở lại với những kẻ đó, nhằm tìm cách trả các khoản nợ lớn và nhằm để gia đình ở Việt Nam khỏi bị trả thù.
Văn, một cậu bé người Việt 15 tuổi, mà dường như được đăng tải trên trang mạng trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã được đưa lậu vào Anh bằng xe tải và đã bị buộc phải giúp việc nhà cho những kẻ đã đưa cậu vào. Sau đó, cậu được đưa vào làm ‘thợ vườn’ ở một số trại trồng cần sa trên cả nước...
Hồi năm ngoái, 96 thiếu niên người Việt đã được chuyển tới cho cơ quan quản lý tình trạng buôn bán người của chính phủ, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều đối tượng được cho là nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất tại Anh.
BBC, nghe được hôm 18 tháng 2 năm 2014, còn cho biết thêm một khía cạnh tồi tệ khác: “Số liệu từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh Quốc (NCA) cho thấy trẻ em từ Việt Nam nằm đầu bảng danh sách bị đưa lậu vào Anh vì mục đích lạm dụng tình dục.”

Người rơm ở rừng Calais, Pháp Quốc. Ảnh: radiochantroimoi
Cập nhật hơn, The Guardian, số ra ngày 23 tháng 5 năm 2015, có bài tường thuật (“3,000 children enslaved in Britain after being trafficked from Vietnam”) của hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại vài đoạn ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí Minh’ sang Anh làm nô lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:
Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng cần sa...
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ, hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam giữ...
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn không hiểu chính xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có giá trị. Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và chỉ rời căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác để sấy khô. Em bị khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Ảnh: theguardian
Ước mơ của đám trẻ con Việt Nam đang bị giam giữ trong những trang trại trồng cần sa, hay những nơi mua bán tình dục - nếu có - hẳn không phải là được "thong dong trên khắp nẻo phố châu Âu" (như chú mèo Glitter trong câu chuyện của Hoàng Giang) mà là được trở lại quê hương. Được “cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời,” như nguyên văn tâm sự của một nhân vật (dẫn thượng) của nhà văn Tâm Thanh.
Chuyện hồi hương, buồn thay, cũng không dễ dàng chi – theo tường trình của thông tín viên Lê Hải, từ Luân Đôn:
"Khi đã vào đến nước Anh rồi thì tùy thuộc vào chính quyền Việt Nam có chịu nhận những người này về hay không. Thường thì số lượng người bị trục xuất về Việt Nam gia tăng khi giữa hai nước có các đoàn công tác cấp cao, và chính phủ Anh có thể đề nghị tăng viện trợ để đổi lại bằng chuyện Việt Nam nhận người về."
Cách ứng xử của những người lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay (Luân Đôn phải tăng viện trợ Hà Nội mới chịu nhận người về) dễ làm người ta liên tưởng đến lời lẽ cứng rắn trong bức thư mà ông Lý Quang Diệu gửi cho bà Thủ Tướng Anh, về vấn đề thuyền nhân Việt Nam, vào ngày 5 tháng 6 năm 1979. Xin được trích dẫn đôi dòng, theo bản Việt Ngữ của nhà văn Phạm Thị Hoài:
“Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á...
 Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời thu về thì rất nhanh.”
(People and leadears throughout the world must be told, again and again, that this is the government of the Socialist Republic of Vietnam which has actively promoted this massive migration, causing havoc to the countries of Southeast Asia...
They have cold, calculating minds, which, whilst incapable of compassion to their own people, are nevertheless most acute in computing cost-benefits.)

Nguồn: Margaret Thatcher Foundation
Từ 1979 đến nay là gần nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian này  đã có hai đợt di dân tập thể từ Việt Nam: thuyền nhân cũ và những thuyền nhân mới – ancient boat people and nouveaux boat people.
Giữa hai lớp người này có nhiều điểm dị biệt nhưng chính sách của nhà đương cuộc Hà Nội thì trước sau như một, hoàn toàn xuyên suốt và nhất quán: “Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh.”
Nói cho nó gọn thì đây là một hình thức buôn dân của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nước họ còn dám bán thì buôn dân, tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ.

TS. PHAM CAO DƯƠNG * BIÊN GIỚI VIỆT NAM

BIÊN GIỚI VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC QUA CÁC TRIỀU ĐẠI QUÂN CHỦ VIỆT NAM TS. PHAM CAO DƯƠNG
“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”
Vua Lê Thánh Tông

Do thực tại địa lý, do hoàn cảnh nhân văn và lịch sử và do những quan niệm về chính trị, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vấn đề vô cùng phức tạp và tế nhị. Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc Việt Nam và tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong bài này người viết trình bày một cách tổng quát vấn đề biên giới Việt - Trung qua các triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, với nội dung gồm có ba phần: phần thứ nhất nói về tính cách phức tạp của biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc phần thứ hai nói về chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ của các triều đại Việt Nam ở miền biên giới này và phần thứ ba dành cho một số những cuộc tranh chấp điển hình.


Bài này được viết nhằm cung cấp cho độc giả một vài sự kiện quan trọng và nhận định liên hệ tới nỗ lực của tổ tiên người Việt trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ đất nước, một nỗ lực kiên trì, không ngừng nghỉ kể từ ngày lập quốc cho đến những ngày hiện tại.
Tính cách phức tạp của vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Khi tìm hiểu vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhận xét đầu tiên người ta có thể đưa ra là cho đến thời kỳ Pháp thuộc, giữa hai nước không có đường biên giới như người ta quan niệm ngày nay mà chỉ có những vùng biên giới mà thôi. Đặc tính này bắt nguồn không những từ thực tại địa lý ở nơi tiếp giáp giữa hai quốc gia mà còn do những yếu tố nhân văn, lịch sử và quan niệm về chính trị của các triều đại trị vì nữa.


Trước hết là về địa lý. Giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có núi cao hay sông lớn có thể dùng làm ranh giới thiên nhiên.
Những sông hay những núi được viện dẫn như những đường phân thủy chỉ là những đồi hay sông nhỏ, có khi chỉ được biết tới một cách mơ hồ và đã trở thành đầu mối của những tranh chấp. Điển hình là sự lẫn lộn hay cố tình lẫn lộn giữa sông Đổ Chú và một sông nhỏ khác ở thượng nguồn của sông Chảy trong vụ tranh chấp về biên dưới giữa hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ thuộc trấn Tuyên Quang của Việt Nam và phủ Khai Hóa thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào năm 1728. Cũng vậy, với các núi Xưởng Chì hay Diên Xưởng, núi Tụ Long mà người viết dám chắc là các giáo sư sử địa hiếm người biết đến ngay cả nghe đến các địa danh này. Các rặng núi lớn có hình cánh cung ở phía đông của sông Hồng thay vì nằm ngang theo hướng tây - đông để làm ranh giới giữa hai nước lại xòe ra theo hình nan quạt và mở rộng về phía bắc khiến cho sự xâm nhập từ phương bắc xuống trở thành dễ dàng. Nhiều sông của Trung Quốc lại có nguồn từ trên đất Việt Nam hay ngược lại. Tính cách núi liền núi, sông liền sông của địa lý chính trị ở biên giới Hoa Việt này không những đã làm cho việc ngăn chặn các cuộc xâm lăng qui mô của người Tàu từ phương bắc xuống trở thành vô cùng khó khăn cho người Việt, mà còn làm cho ranh giới giữa hai nước không bao giờ ổn định.


Về phương diện nhân văn, miền biên giới Việt - Trung không phải là nơi cư trú của người Việt hay người Tàu mà là của nhiều sắc dân thiểu số của các miền núi như Tày, Nùng, Thổ, Mán...

Những dân này đã ở cả hai phía, ranh giới cư trú thường không rõ ràng. Nhiều nhóm đã từ Trung Quốc di cư xuốngViệt Nam qua nhiều giai đoan lịch sử khác nhau. Những con số được ghi trong tác phẩm Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ của các soạn giả Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, xuất bản năm 1930 ở Hà Nội, dưới thời Pháp thuộc, có thể cho ta một khái niệm về tính cách thiểu số của người Việt cư ngụ ở miền này so với các dân miền thượng. Trước hết là ở tỉnh Lạng Sơn. Trong số 85.300 cư dân của tỉnh này, người Kinh hay người Việt chỉ có 3.120 người tức 4%, trong khi con số người Thổ là 38.900 người hay 36%, người Nùng là 37.500 người hay 44%, và người Hoa là 3.800 hay 4%.[1] Ở Cao Bằng, trên tổng số dân là 87.000 người, số người Kinh chỉ có 1.200 người hay 1,4%, còn người Thổ là 39.930 người hay 46%, người Nùng 38. 750 người hay 44%, còn lại là người Tàu. Còn ở Hà Giang thì trong tổng số dân là 69.600 người, người Kinh chỉ có 1.000 người, tức 1,4%, so với 20.600 người Thổ hay 31%, còn lại là người Lô Lô, 30%, người Mán, 14%... Các miền giáp ranh giữa các tỉnh này và các tỉnh miền Nam Trung Quốc do đó đã trở thành những vùng biên giới giữa hai nước. Sự tùy thuộc vào nước này hay nước kia một phần nằm trong tay các thổ tù trưởng tức các lãnh tụ của các dân địa phương và sự trung thành của họ từ đó tùy theo chính sách của chính quyền trung ương đối với họ.


Về quan niệm chính trị của các triều đình liên hệ, vì là những miền đất ở xa kinh đô của cả hai nước Hoa, Việt, các vùng biên giới này được coi như những miền đất cơ mi hay ky mi là những miền đất làm phên giậu cho triều đình trung ương.

Đây là một hình thức cai trị lỏng lẻo nhằm liên kết những miền đất xa xôi thay vì cai trị trực tiếp trong chế độ hành chánh thời cổ, ít nhất từ thời nhà Đường của Trung Quốc mà Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã tả rõ trong câu “Cơ mi các bộ man hoang ở ngoài.” Các thổ tù trưởng do đó được cha truyền con nối cai trị lãnh thổ riêng của mình với điều kiện tuân phục triều đình trung ương. Vượt lên trên các địa phương, quan hệ giữa các triều đình Trung Quốc và các triều đình Việt Nam cũng mang phần nào tính cách phong kiến của Á Đông theo đó Việt Nam chỉ là một chư hầu của Trung Quốc, lãnh thổ Việt Nam cũng là lãnh thổ Trung Quốc. Điều này thường được thể hiện qua lời nói hay các thơ văn của các sứ giả Trung Quốc khi được các vua Việt Nam hỏi thăm về sức khỏe sau những cuộc hành trình tới kinh đô Việt Nam. Việt Nam thường được người Tàu gọi là Giao Chỉ, hiểu ngầm là Giao Chỉ Quận, là một quận của nước Tàu qua tước phong các vua Tàu phong cho các vua Việt Nam là Giao Chỉ Quận Vương kể từ thời Vương Liễn nhà Đinh, kèm theo với danh vị Tiết Độ Sứ là một chức quan của người Tàu, kể cả sau khi tước vị An Nam quốc vương đã được phong cho vua Lý vào năm 1174 và Việt Nam chính thức trở thành An Nam Quốc và kéo dài rất lâu về sau này. Thái độ phong kiến luôn luôn coi Việt Nam là Giao Chỉ quận này đã giúp cho các hoàng đế Trung Quốc giữ được thể diện mỗi khi phải nhượng bộ và trao trả lại những đất mà họ đã chiếm của Việt Nam, vì theo họ, trong thiên hạ đất nào chẳng là đất của thiên tử. Rõ rệt nhất và gần với ta nhất là trong sắc văn của vua nhà Thanh viết vào năm Ung Chính thứ sáu, năm Bảo Thái thời Vua Dụ Tông nhà Lê (1728), gửi cho vua Việt Nam về việc trả lại vùng mỏ đồng Tụ Long cho Việt Nam, đoạn chính có viết: “Mới đây Ngạc Nhĩ Thái (Tổng Đốc Vân Nam và Quý Châu thời đó) đem bản tâu của quốc vương (vua Việt Nam thời đó) tiến trình, lời lẽ ý tứ trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm (vua Thanh) rất vui lòng khen ngợi. Vả lại, 40 dặm ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại vi của trẫm, không có chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương (vua Việt Nam) được đời đời giữ lấy.”[2] Nói cách khác sự phân chia biên giới giữa hai nước Hoa, Việt mang nặng tính cách lịch sử và quan niệm chính trrị cổ thời. Đó là những giới hạn có tính cách hành chánh nhiều hơn là phân ranh quốc tế.


Chủ trương và sách lược bảo vệ lãnh thổ ở các miền biên giới của các triều đại quân chủ Việt Nam:

Chủ trương này được xác định rất rõ ngay từ thời nhà Lý qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt và được khẳng định bởi các triều đại kế tiếp.

Trong bài Nam Quốc Sơn Hà tác giả đã khẳng định sự cương quyết của triều đình nhà Lý là sẽ không dung tha bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào lãnh thổ nước mình. Nhưng đó là một thứ tuyên ngôn nói với người ngoài, với kẻ địch, một kẻ địch lớn hơn và mạnh hơn gấp bội nước Việt Nam thời đó. Lê Thánh Tông, bốn thế kỷ sau, năm Hồng Đức thứ tư (1473), khi dụ Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy là người ở trong nước đã nghiêm khắc khẳng định: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc trình bày cho rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”[3]” Lời dụ này vừa là một nghiêm lệnh, vừa là một sách lược. Đó là không được nhượng bộ dù là nhượng một thước núi, một tấc sông, vì đó là của cha ông để lại, phải cương quyết tranh biện bảo vệ đến cùng không cho kẻ địch lấn dần ngay tự bước đầu ở mức độ địa phương. Nếu kẻ địch không nghe thì triều đình sẽ sai sứ sang biện bạch phải trái theo phương thức ngoại giao. Còn kẻ nào dám đem dù là một tấc đất dâng cho giặc thì không phải chỉ là bị tử hình mà thôi, mà còn bị tru di nghĩa là giết ba họ nữa. Đây là hình phạt nặng nhất của thời quân chủ, một tội dành cho những kẻ khi quân, phản quốc.


Thực thi chủ trương và đường lối kể trên, các nhà cầm quyền quân chủ Việt Nam đã phải cùng lúc đương đầu vừa với các thổ châu mục của mình, các quan lại địa phương Trung Quốc ở miền giáp ranh với những địa điểm tranh chấp vừa với triều đình Trung Quốc.
Đối với các thổ mục địa phương, các chính sách được dùng là vừa uyển chuyển, vừa khoan dung, phủ dụ, vừa kết thân, vừa cứng dắn, nghiêm khắc trừng phạt với mục tiên trước sau không đổi là giữ vững biên cương. Đối với các quan lại và triều đình Trung Quốc thì nhún nhường, khéo léo, lựa những danh sĩ thông minh, lanh lẹ, có tài biện luận, đồng thời kiên trì tranh đấu, không bỏ cuộc, cố gắng duy trì sự tranh chấp, không nhượng bộ để thiệt thòi cho nước mình hầu có thể đặt vấn đề lại sau này.
Để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị lỏng lẻo, để cho các châu mục cha truyền, con nối như các họ Hoàng, họ Vi, họ Nùng , họ Chu, họ Giáp, họ Thân, họ Hà, họ Đèo... tự trị trong các lãnh thổ của họ, các vua nhà Lý còn dùng hôn nhân để ràng buộc họ chặt chẽ hơn với triều đình trung ương, không phân biệt kinh thượng. Việc các vua nhà Lý gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam khá nhiều như năm 1029 Lý Thái Tông gả Công Chúa Bình Dương cho châu mục Lạng châu là Thân Thiện Thái, năm 1082, dưới thời Lý Nhân Tông, Công Chúa Khâm Thánh được gả cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh, năm 1142, dưới thời Lý Anh Tông, Công Chúa Thiều Dung được gả cho Dương Tự Minh là thủ lãnh châu Phú Lương, năm 1167, cũng dưới triều Lý Anh Tông, Công Chúa Thiên Cực đước gả cho châu mục Lạng Châu là Hoài Trung Hầu... Trước đó Tống Sử hay một sách khác thời nhà Tống cũng chép là tổ tiên của họ Thân, trước mang họ Giáp, là Giáp Thừa Quí lấy con gái của Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, con Thừa Quí là Thiệu Thái, lại lấy con gái của Đức Chính, tức Lý Thái Tông, rồi con Thiệu Thái là Cảnh Long, lại lấy con Nhật Tôn, tức Lý Thánh Tông... Ngược lại, Lý Thái Tông lại chọn con gái Đào Đại Di ở châu Chân Đăng đưa về làm hoàng phi.


Đối với những lãnh tụ đã làm phản như trường hợp cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao, các vua cũng tỏ ra rất khoan dung. Mở đầu, năm 1038, khi Nùng Tồn Phúc xưng đế chống lại triều đình , Lý Thái Tông thân chinh đi đánh bắt được Tồn Phúc đem về kinh xử trảm, con là Trí Cao và vợ là A Nùng chạy thoát được và trở về lập ra nước Đại Lịch, tiếp tục chống lại vào năm 1041. Lý Thái Tông lại thân chinh đi đánh, bắt được Trí Cao nhưng thương tình cha và anh đã bị giết nên không những tha cho về lại còn sai sứ đến tận nơi phong hàm thái bảo. Sau đó mẹ con Trí Cao lại xưng đế, làm phản, chống lại cả hai triều Tống ,Việt nhưng cuối cùng bị đánh thua phải bỏ chạy sang nước Đại Lý rồi chết ở đó. Hai lần làm đại nghịch nhưng các triều đình Việt Nam đương thời và sau này vẫn tỏ ra rất khoan nhượng với họ Nùng và những người liên hệ, bằng cớ là ở Cao Bằng các vua Việt Nam vẫn để cho người địa phương lập đền thờ cả hai mẹ con Nùng Trí Cao. Hai đền này nằm trên hai ngọn núi trong số bốn ngọn bao bọc chung quanh tỉnh Cao Bằng là núi Kỳ Cầm ở phía bắc (đền thờ Nùng Trí Cao), và núi Kim Phả ở phía đông (đền thờ A Nùng, gọi là dền Bà Hoàng), cho đến năm 1930 hãy còn. Chính sách được goi là hòa thân này cộng thêm với vị trí gần gũi với kinh đô Thăng Long của người Việt hơn là kinh đô của người Tàu và chắc chắn các đường tiếp tế các sản phẩm của miền đồng bằng và miền biển, nhất là muối từ châu thổ Sông Hồng chắc chắn đã là những tác tố vô cùng trọng yếu của sự trung thành của các châu mục với các triều đình Việt Nam hơn là với triều đình Trung Quốc.
Trong cách tranh biện để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, người ta thấy công tác đã được thực hiện ở hai cấp địa phương và trung ương. Ở địa phương các thổ mục đóng vai trò chính yếu. Vì là người địa phương, họ nắm vững tình hình từ địa lý thiên nhiên qua từng con sông, từng ngọn suối, từng trái đồi, từng cột mốc... đến tình hình dân cư với những ruộng nương, nhà cửa, đền thờ của họ, biết rành rẽ hơn những quan lại được cử từ miền xuôi lên. Không những thế, vì được tự trị, những lãnh thổ được trao cho họ được họ coi là phải cẩn trọng giữ gìn. Chỉ đến khi cần phải tranh luận phải trái giữa hai triều đình trung ương, vai trò của các nhà trí thức, các sứ thần mới được đặt ra.

Một số những cuộc tranh chấp điển hình:
Với chủ trương bảo vệ từng thước núi, từng tấc sông, các triều đại quân chủ Việt Nam một mặt đã cương quyết đấu tranh để bảo vệ những phần đất đã có, mặt khác đã kiên trì đòi lại những lãnh thổ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, ngoại trừ hai trường hợp nhượng đất quá nhiều dưới thời Hồ Quí Ly hay dâng đất dưới thời Mạc Đăng Dung. Cả hai trường hợp này, đặc biệt là trường hợp Mạc Đăng Dung, những người chủ trương đã bị hậu thế lên án nặng nề. Cả hai triều đại này đều bị gọi là ngụy, không phải chỉ vì có nguồn gốc là do sự thoán nghịch mà ra mà còn là vì những hành động bị coi như là phản quốc nữa. Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, đã viết về Mạc Đăng Dung như sau:
“”Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.... Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được”.[4]”


Trên bình diện tích cực, trong phần cuối của bài này, ta nhìn lại ba trường hợp điển hình trong đó các vua quan Việt Nam nói riêng, và người Việt Nam nói chung, đã tỏ ra hết sức kiên nhẫn và cương quyết trong công cuộc bảo vệ biên cương của nước mình. Đó là là các cộc đấu tranh để đòi lại châu Quảng Nguyên, các châu Vật Dương, Vật Ác thời nhà Lý và vùng mỏ đồng Tụ Long trong những giai đoạn sau này.


Quảng Nguyên là tên cũ của một châu thuộc tỉnh Cao Bằng, từ thời nhà Lê được đổi thành Quảng Uyên. Dưới nhà Lý, để trả đũa việc Lý Thường Kiệt và Tôn Đản sang đánh các châu Khâm, châu Liêm và châu Ung thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc vào năm 1075, năm 1076 nhà Tống sai Quách Quì sang đánh Đại Việt . Bị quân Đại Việt chống trả kịch liệt lại không hợp thủy thổ, quân Tống bị thiệt hại nặng nề phải rút lui, nhưng vẫn giữ các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô, Mậu và huyện Quang Lang. Trong số các châu huyện này Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả vì Quang Lang, sau này được nhà Lê đổi là Ôn Châu là cổ họng của châu Ung, còn Quảng Nguyên là nơi có nhiều mỏ vàng và mỏ bạc. Để thu hồi lại hai châu này, nhà Lý đã dùng cả quân sự lẫn ngoại giao. Huyện Quan Lang đã được Lý Thường Kiệt chiếm lại không lâu sau đó, có lẽ cùng lúc với các châu Tô Mậu và Môn. Riêng châu Quảng Nguyên, việc đòi lại phức tạp hơn vì khả năng sản xuất vàng bạc của địa phương này. Ở đây đường lối ngoại giao đã được sử dụng. Hai lần nhà Lý đã sai sứ bộ sang thương nghị. Lần thứ nhất không thành công vì các quan địa phương nhà Tống viện cớ lời biểu của vua Lý có dùng có dùng chữ húy của triều Tống không nhận. Lần thứ hai, sứ bộ do Đào Tông Nguyên cầm đầu, đem theo năm con voi làm đồ cốngvới lời yêu cầu nhà Tống trả lại các đất quân Tống đã chiếm. Nhà Tống ưng thuận với điều kiện nhà Lý trả lại tất cả những dân các châu Khiêm, Liêm và Ung đã bị quân của Lý Thường Kiệt và Tôn Đản bắt về Đại Việt trước đó. Nhà Lý ưng thuận và Quảng Nguyên đã trở về với Đại Việt. Sự hoàn trả Quảng Nguyên cho Đại Việt đã làm cho nhiều người bên nhà Tống bất mãn. Hai câu thơ châm biếm: “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim” có nghĩa là vì tham voi Giao Chỉ nên mất vàng Quảng Nguyên mà các tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca dịch sang thơ là “Tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên” đã được họ làm trong trường hợp này. Thắng lợi này xảy ra vào năm 1079 dưới thời Lý Nhân Tông.


Thành công trong việc đòi lại châu Quảng Nguyên và một số đất khác ít năm sau, Việt nam đã không thành công trong việc đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác từ trước đã bị các thổ mục họ Nùng dâng cho nhà Tống, mặc dầu sứ bộ nhà Lý do Lê Văn Thịnh, vị thủ khoa của khoa thi đầu tiên của người Việt cầm đầu đã tranh luận gay gắt. Phản bác lại chủ trương của các quan nhà Tống cho rằng các đất nà là của Tống vì do các thổ mục địa phương dâng cho nhà Tống vì họ qui phục nhà Tống., Lê văn Thịnh lý luận rằng “Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ của ăn trộm pháp luật cũng không dung. Huống chi, bọn chúng lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quí vị hay sao?”

Không những quyết tâm bảo vệ lập trường, các vua quan Đại Việt còn tỏ ra rất kiên trì. Các cuộc thương nghị đã diễn ra cả thảy sáu lần những đều bị nhà Tống khước từ, cuối cùng đã bị bỏ dở.
Thắng lợi trong việc đòi lại được mỏ đồng Tụ Long xảy ra vào năm 1728, năm Bảo Thái thứ 9, thời Vua Trần Dụ Tông. Thắng lợi này có thể coi là điển hình nhất trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của các triều đại quân chủ Việt Nam.


Để kết luận ta có thể nói là trong suốt mười thế kỷ tồn tại, các triều đại gọi là quân chủ Việt Nam đã luôn luôn quan tâm đến sứ mạng vô cùng thiêng liêng là bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, trường kỳ và tế nhị, đôi khi nguy hiểm, trong đó từ vua quan, nho sĩ trí thức, hoàng phi, công chúa… đến các dân thiểu số ở các vùng biên giới xa xăm đều đã cùng nhau đóng góp cho nỗ lực chung. Điều đáng chú ý ở đây là trong chính sách hoà thân của các triều đình thời đó, các vua đã hy sinh luôn cả hạnh phúc cá nhân và gia đình của chính mình, đem các công chúa gả cho các thổ tù trưởng ở những vùng biên cương hẻo lánh, xa xôi vào lúc giao thông liên lạc còn vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nỗi nhớ thương, đau đớn, xót xa khó có thể tưởng tượng là lớn lao đến chừng nào. Nói như vậy nhưng ta cũng không nên quên tình cảm và sự can đảm của các thổ tù trưởng miền biên giới dành cho Triều Đình Việt Nam. Giữa triều đình Trung Quốc, mạnh hơn, các thổ tù trưởng này đã lựa chọn triều đình Việt Nam và từ đó họ đã gặp phải không ít khó khăn. Cuối cùng là các nhà trí thức. Vai trò của những nho sĩ được trao cho trách nhiệm đi sứ để biện minh cho chủ quyền của nước mình cũng không phải là một việc làm đơn giản, dễ dàng, không vất vả và không nguy hiểm. Lời dặn dò gần như là cảnh cáo của Lê Thánh Tông dành cho Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư (1473) được dẫn trên đây, đã nói lên điều đó. Nhưng cuối cùng thì, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, họ đã thành công trong sứ mạng thiêng liêng, cao cả của mình khiến người sau khi đọc đến những đoạn này không chỉ kính phục mà thôi mà còn ngậm ngùi, thương xót nữa.

Phạm Cao Dương
Những ngày cuối năm 2015
[1] Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vi Liễn và Phạm Văn Thư, Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ. Hà Nội, Lê Văn Tân, 1930, in lần thứ tư, tr 61.
[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập hai. Hà Nội: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Sử Học, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1998, tr. 468-469.
[3] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, tr. 462.
[4]Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển II. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 17.

No comments:

Post a Comment