Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 31 October 2016

HOÀNG ĐẠO = CHUYỆN CẢI TẠO = KHỦNG BỐ =

THỤY KHUÊ * HOÀNG ĐẠO

Thụy Khuê
Hoàng Đạo (1907- 1948)
Người trí thức dấn thân


Tiểu sử


Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh ngày 11/10 năm Đinh Mùi tức 16/11/1907, tại làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên quán: làng Cẩm Phô, xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bút hiệu khác: Tứ Ly, Tường Minh... Theo Nguyễn Văn Xuân, dòng họ Nguyễn Tường gốc ở Bình Định: Ông Nguyễn Tường Vân người Bình Định, làm Binh bộ Thượng thư, có hai con trai nhập tịch Cẩm Phô, Hội An, là Nguyễn Tường Vĩnh, phó bảng, tuần vũ Vĩnh Long và Nguyễn Tường Phổ, tiến sĩ, dạy học và nhà thơ. Nguyễn Tường Phổ sinh ra Nguyễn Tường Tiếp, tri huyện Cẩm Giàng, nổi tiếng hay chữ, và là ông nội của Hoàng Đạo.


Hoàng Đạo là người con thứ tư trong một gia đình bẩy anh chị em: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), và Nguyễn Tường Bách. Cha là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), một nhà nho không thành đạt (mất ngày 23/10/ năm Mậu Ngọ), mẹ là bà Lê Thị Sâm, tần tảo buôn bán nuôi bảy người con. Khi các con đã trưởng thành, bà đi tu và mất năm 1963 tại Sài Gòn.


Thuở nhỏ học trường huyện, tên là Nguyễn Tường Tư (chính ra là Tứ, nhưng vì trùng tên một người bạn của cha, nên đổi là Tư), sau không đủ tuổi để đi thi, gia đình khai thêm bốn tuổi đổi tên thành Nguyễn Tường Long, và đổi ngày sinh (trên giấy khai sinh) thành 3/4/1903.


Sau bậc tiểu học, Tường Long bị ốm nên tự học tại nhà. Năm 1924, đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, và liền đó đỗ vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1927, ông vào làm tham tá Ngân khố Hà Nội. Tiếp tục học thêm, đậu tú tài Pháp và chuyển sang ngạch Tư pháp, làm tham tá lục sự từ năm 1929, trong các toà "Tây án" ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc. Trong thời gian này, có lần đã được bổ tri huyện, nhưng ông từ chối.


Năm 1932, Nguyễn Tường Long đang làm việc ở Sài Gòn, được đổi về Hà Nội, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hoá của Phạm Hữu Ninh và ngày 22/9/1932 báo Phong Hoá tái bản với nội dung và ê-kíp mới. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn, cùng năm ấy, Nguyễn Tường Long lập gia đình với cô Marie Nguyễn Bình (1913-1975), được bốn người con: ba gái, một trai.


Trên Phong Hoá, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly (giờ xấu nhất trong ngày), viết những bài đả kích châm biếm toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và Triều đình Huế, bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, Phong Hoá bị đóng cửa. Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hoá, trong 18 số đầu, chuyên về hình ảnh- từ số 19 trở đi chuyển sang văn nghệ. Trên Ngày Nay, trong mục "Trước vành móng ngựa", Hoàng Đạo ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước toà tiểu hình Hà Nội.


Năm 1939, Nhất Linh thành lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Vì đảng chủ trương công khai chống Pháp và lật đổ triều đình Huế, cuối năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đi an trí tại Vụ Bản thuộc Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình (theo tiểu sử Hoàng Đạo, do gia đình soạn. Nguyễn Tường Bách trong Việt Nam những ngày lịch sử và một số tài liệu khác, chép là Sơn La), mãi đến năm 1943 mới được giải về quản thúc tại Hà Nội. Trong thời gian đó, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay đến cuối năm 1941, mới bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội. Hoàng Đạo và Nguyễn Tường Bách tiếp tục lãnh đạo phong trào. Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay tục bản ngày 5/3/1945, với Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí.


19/8/1945. Việt Minh nắm chính quyền. 25/8/1945 Bảo Đại thoái vị. 2/9/1945 Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập. Trong khi ba thành phần Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách đang điều đình để thành lập chính phủ liên hiệp, ngày 13/1/1946, Vệ Quốc Quân tấn công bộ đội Việt Quốc tại Việt Trì.


2/3/1946 Chính phủ liên hiệp ra đời, nhưng các lực lượng quốc gia và cộng sản chia rẽ trầm trọng. Chủ trương của chính quyền thực dân không thay đổi: Hội nghị Đà Lạt thất bại. Sự đổ vỡ và chiến cuộc xẩy ra giữa hai phe quốc gia và cộng sản.


Cuối tháng 7 năm 1946, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách và 6 bạn đồng hành đến Hà Khẩu, lên Côn Minh rồi sang Quảng Châu. Ngày 19/12/1946, Khái Hưng bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu năm 1947.


Hoàng Đạo mất đột ngột ngày 22/7/1948 (16/6/ năm Mậu Tý), trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, thi hài ông được an táng tại thị trấn Thạch Long.






Tác phẩm đã in: Trước vành móng ngựa (phóng sự, Đời Nay, Hà Nội, 1938), Mười điều tâm niệm (tiểu luận, Đời Nay, 1939), Con đường sáng (tiểu thuyết, Đời Nay, 1940), Tiếng đàn (truyện ngắn, Đời Nay, 1941).






*






Có một cây bút viết Con đường sáng và Tiếng đàn và một cây bút khác viết Mười điều tâm niệm, nhưng không có hai Hoàng Đạo.


Hoàng Đạo là một trí thức dấn thân toàn diện cả bút lẫn súng, ông không "xuống đường", ông "lên đường". Là "quân sư" của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tường Long giữ thế Khổng Minh, Tường Tam bôn ba Lưu Bị. Tường Long là Nguyễn Trãi bên cạnh Lê Lợi. Nhưng Lê Lợi thành công, Tường Tam và Lưu Bị thất bại.


Nguyễn Tường Tam thất bại trên mặt trận chính trị, nhưng Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn thành công trên mặt trận xã hội. Tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đã trình bày khá toàn diện bộ mặt xã hội Việt Nam thời đầu thế kỷ, và cũng chính những tác phẩm ấy, đã góp phần cải tiến cái xã hội, từ một lề lối nho phong hủ lậu, sang cuộc sống hiện đại hơn, phù hợp với thế kỷ XX hơn: Không thể chối cãi tác dụng của Mai trong Nửa chừng xuân, của Loan trong Đoạn tuyệt đối với người phụ nữ thời bấy giờ; bởi vì, ngay cả đối với một nữ độc giả "chưa tân tiến" lắm, chưa từng tham dự các phong trào nữ quyền -được xem như nhãn hiệu của người phụ nữ văn minh, tân tiến- thì chắc chắn hiệu lực của Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân vẫn mạnh hơn các hình thức đấu tranh khác, bởi tác phẩm rọi thẳng vào lòng người: Mai, Loan làm người phụ nữ phải suy nghĩ, khiến nam giới phải thay đổi thái độ, và từ đó tác phẩm trực tiếp góp phần "giải phóng" người phụ nữ ra khỏi những đàn áp của chế độ phụ quyền, vẫn còn mạnh mẽ, đặc biệt trong xã hội ta. Cách xử dụng "quyền làm người" của Mai là trực tiếp: Mai tìm cách tự lực để khỏi phải lệ thuộc vào Lộc, Mai tự do vì Mai tự lực, và chưa bao giờ một nhãn hiệu hay khẩu hiệu của một văn đoàn lại được nhà văn xử dụng một cách tài tình như thế trong tác phẩm văn học. Phong cách tự lực không riêng chỉ "giải phóng" cho Mai, cho người phụ nữ, mà nó còn là khẩu hiệu giải phóng dân tộc, giải phóng con người, cả nam lẫn nữ: và nó là tinh thần tác phẩm Nửa chừng xuân. Khái Hưng thầm nói lên cái nền móng tư tưởng nằm trong hai chữ Tự Lực, và tiếp theo Hoàng Đạo xây dựng đường đi của Văn Đoàn bằng Con đưòng sáng. Thái độ của Loan, có tác dụng hành động: dứt khoát cương quyết chống lại chế độ đại gia đình, chống lại cảnh khắc nghiệt mẹ chồng nàng dâu, đồng thời đưa ra một kinh nghiệm đấu tranh thực tiễn: không để cho bạo lực và ngu dốt nắm quyền, phải phản kháng một cách mãnh liệt bằng bất cứ giá nào.


Cho nên, khó có thể đồng ý với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, khi tổng kết hành trình lịch sử Việt Nam từ phong trào Duy Tân đến Tự Lực Văn Đoàn, ông cho rằng: Mười điều tâm niệm mà Hoàng Đạo đưa ra, cụ Phan, cụ Huỳnh... đều đã làm trước rồi. Và theo ông: "Bây giờ [tức là năm 1968] người ta tìm đọc văn phẩm của Tự lực Văn Đoàn như tìm những truyện tình không hạ cấp. Thế thôi" (Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Đạo với Con đường sáng, tạp chí Văn, Sài Gòn, số 107-108 tưởng niệm Hoàng Đạo, ra ngày 17/5/1968. Cũng trong số báo ấy có đăng bài phản bác của Thế Uyên "Đọc và đặt lại vị trí Hoàng Đạo".


Tại sao một nhà nghiên cứu có tiếng là đứng đắn như Nguyễn Văn Xuân lại viết những dòng "hồ đồ" như thế? Rất có thể là bởi những dòng này nằm trong tư tưởng "bài Bắc" nói chung, sau 1954, và "bài Tự Lực" nói riêng, khá phổ biến lúc bấy giờ. Điều oái oăm là những nhà văn Bắc trong nhóm Sáng Tạo cũng góp phần đắc lực cho phong trào này. Xét kỹ hơn, cùng là chữ "bài", nhưng có hai nguyên do khác nhau: Sự bài Tự Lực của Sáng Tạo mang tính cách văn học: nhóm Sáng Tạo muốn "chôn" đàn anh để đổi mới. Sự tẩy chay Tự Lực ở Nguyễn Văn Xuân mang tính cách tranh chấp Bắc Nam, phản ứng chống lại sự "ngự trị" gần như độc quyền và đôi khi trịch thượng của các nhà văn Bắc di cư trên văn đàn miền Nam, sau 1954. Nguyễn Văn Xuân muốn đả phá toàn bộ những bất công trong việc đề cao nền báo chí và các tác gia miền Bắc mà bỏ rơi nền báo chí Nam Kỳ, xuất hiện sớm hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn, cùng việc coi nhẹ các tác gia miền Nam. Những sai lầm này -xuất phát từ các nhà nghiên cứu Bắc, từ Dương Quảng Hàm đến Vũ Ngọc Phan, trong văn học sử và trong phê bình văn học- đã chỉ đạo cho một nền giáo dục "Bắc khuynh" trong nhà trường miền Nam lúc bấy giờ. Đặt trong bối cảnh ấy, ta hiểu rõ hơn những lời nặng nề và bất công mà Nguyễn Văn Xuân dành cho Tự Lực Văn Đoàn nói chung và Hoàng Đạo nói riêng.


Riêng Hoàng Đạo còn chịu một bất công thứ nhì, phát xuất từ Vũ Ngọc Phan, vì những đánh giá sai lạc của ông về Hoàng Đạo; rồi những người đi sau, như Nguyễn Văn Xuân (trong Nam), Văn Tâm (ngoài Bắc)... tiếp tục dựa vào, giữ nguyên (Văn Tâm) hoặc cực đoan thêm (Nguyễn Văn Xuân), mà không chịu nhìn xa hơn.






Bài viết này muốn tìm hiểu một số khiá cạnh của Hoàng Đạo, đã bị đánh giá bất công trong hai tác phẩm Con đường mới và Tiếng đàn. Nhận định của Vũ ngọc Phan đã dẫn đầu cho một định hướng phê phán đầy thiên kiến, như những lời sau đây của Nguyễn Văn Xuân: "...tập truyện ngắn ấy [tức là Tiếng đàn] ngay thời sinh thời của tác giả, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan không nhắc đến tiếng nào trong tập Nhà văn hiện đại trong khi ông không quên quyển sách hồng "tuyệt tác", quyển Ông Đồ Bể của Khái Hưng". Nguyễn Văn Xuân viết tiếp: "Vậy mà cây bút ôn hoà ấy [Vũ Ngọc Phan] đối với nhân vật nổi tiếng thời ấy là Hoàng Đạo, với quyển truyện xem như cụ thể hoá chủ trương của lý thuyết gia Tự Lực Văn Đoàn [Con đường sáng], lại gần như là một phủ nhận." (Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Đạo với Con đưòng sáng, báo Văn, số đã dẫn). Nguyễn Văn Xuân tự hỏi tại sao ông có đủ "can đảm" để đọc hết cuốn Con đường sáng, và các lập luận ông đưa ra đại khái chỉ để chứng minh rằng Vũ Ngọc Phan đã chê rồi thì chỉ có vứt đi, còn cuốn Tiếng đàn, Vũ Ngọc Phan không thèm nói đến thì khỏi cần bàn. Kiểu phê bình thành kiến, xây dựng trên thành kiến một người khác, thật là ghê gớm. Ấy là ở trong Nam. Ở ngoài Bắc, trong bài viết về Hoàng Đạo in trên cuốn Từ Điển Văn Học vừa mới xuất bản, cũng lại thấy Văn Tâm kín đáo dựng lại gần như nguyên vẹn một số nhận định của Vũ Ngọc Phan.


Việc Vũ Ngọc Phan không nhắc gì đến Tiếng đàn, hoặc ông khen Trước vành móng ngựa, và chê Con đường sáng (mà ông Vũ cũng chê nhẹ thôi, rằng, theo ông có ba lý do làm cho cuốn sách đó dở: "ngôn ngữ và hành động của hai vai chính trong truyện khí tài hoa quá", "tác giả lại rất thiên về tả cảnh", "Duy là người luôn luôn quay về ký vãng"). Thì đó là ý riêng của nhà phê bình họ Vũ, chúng ta chẳng phải bàn. Trách là trách những người đi sau, ít ai có sáng kiến khác Vũ Ngọc Phan, mà cứ rập khuôn lấy lại ý của ông để khai thác, cái ấy mới là lạ. Nguyễn Văn Xuân viết ba bài, bài đầu phản ảnh những nét thâm thúy của Nguyễn Văn Xuân: ông có công nghiên cứu đến tên ông nội và cụ nội của Hoàng Đạo, với những khám phá lý thú về thi tài của hai vị tiền bối, để chứng minh rằng dòng họ này thật sự là dòng "nòi". Hai bài sau ông kịch liệt phê phán hoạt động và thành quả của Hoàng Đạo và Tự Lực Văn Đoàn. Thái độ mâu thuẫn ấy của Nguyễn Văn Xuân, như trên chúng tôi đã phân tích, chỉ có thể giải thích bằng mối chia rẽ Bắc Nam, phức tạp và phi lý, trong đời sống văn học miền Nam trước 75. Sự chia rẽ này lại càng sâu sắc, âm ỷ và mãnh liệt hơn, sau ngày "giải phóng", đến độ hai bên rất ít muốn đọc nhau, trừ một vài nhà nghiên cứu hoặc một số độc giả có lòng. Vết thương văn học, bắt nguồn từ lịch sử ấy, đã kéo dài hơn 30 năm, có lẽ đã đến lúc nên tìm cách phân tích, tìm hiểu và hoá giải, nếu chúng ta thật sự muốn tìm một lối thoát.










Hoàng Đạo: âm thanh và hồi ức


Nếu không có tập Tiếng đàn thì chắc ta không thể biết được trong con người chính trị cứng rắn, đã có những giây phút "...toàn thân Xuân khi ấy chỉ còn là thính giác, rung động theo tiếng đàn giọng ngâm [...]chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ thủa nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn biết không có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác [...]Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dãy cây đen im lặng soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một toà thành cổ" (trích truyện ngắn Tiếng đàn).


Những dòng trên, hiện thân của một tâm hồn nghệ sĩ, giầu tượng tượng, yêu nhạc đến độ say mê, cảm xúc có thể tan tác trong xác thịt, tạo nên một ảo tưởng bất thường: Hoàng Đạo. Rất lạ là con người chủ trương "theo mới hoàn toàn theo mới" ấy lại khác hẳn với các nhà cách tân khác, ông không ca tụng tiếng dương cầm, vĩ cầm... tuyệt nhiên không thấy trong ông những tiếng đó, mà những tiếng xưa, tiếng cổ kính, tiếng dân tộc: "hết điệu Nam bằng đến Nam ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt" (Tiếng đàn), rồi tiếng đàn chuyển sang tiếng đói rét, tiếng ho khan, tiếng lầm than, tiếng hát xẩm của vợ chồng chị Tạc: "gió mỗi lúc một rét, tiếng đàn tiếng hát mỗi lúc một nhanh: và những buổi mưa phùn lạnh lẽo thì thì điệu Nam ai gần hoá ra điệu Bình bán" (Một gia đình). Âm thanh luôn giữ vai chủ động trong sáng tác của Hoàng Đạo: âm thanh có thể vỡ ra trong trạng thái linh cảm phân thân mạnh mẽ đến triệt để trong tiếng rung động da thịt: "Quỳnh Dao thấy mình chỉ còn là cảm giác, rung động như cây đàn căng thẳng dưới ngón tay của nhạc sĩ" (Quỳnh Dao). Âm thanh có thể là tiếng sữa thơm ngọt trong giấc mơ của đứa bé lạc loài đêm ba mươi, thiếp đi trong tiếng thèm, dưới ánh sáng ấm cúng toả ra từ những biệt thự sang trọng có những đoá hải đường, những cốc thủy tiên tươi thắm. Âm thanh pha trộn tiếng chửi rủa của người bếp "Bước ngay!" với tiếng pháo giao thừa và tiếng những "số phận của đám bọt ánh sáng lênh đênh trôi trong biển trời đen thẳm" (Tiếng pháo xuân).






Hoàng Đạo có trong Xuân, trong chị Tạc, trong Quỳnh Dao, trong Minh đứa bé lạc loài, như thể hoạ sĩ với người mẫu là một, như thể nghệ nhân với thính giả là một, như thể nhân vật với tác giả là một: Họ cùng gặp nhau trên cung bậc âm thanh, cùng có những dằn vặt khổ đau nội tại. Âm thanh và nội tại hoà nên "tiếng" của họ. Nghệ thuật Hoàng Đạo dựa trên tiếng ấy: ngũ quan cô đọng trong thính giác, rồi từ thính giác truyền đi các giác quan khác, trên đường đi chúng nhập vào nỗi khổ đau, bất hạnh (như tiếng chị Tạc), hay niềm hạnh phúc (như tiếng tiên) trên vườn địa đàng; tiếng mơ, tiếng đói, hoà tiếng xua đuổi, tiếng đe dọa, trong tiếng pháo xuân: âm thanh hoàn tất một chu kỳ trước khi tắt đi để âm vang của nó được sống lại trong ký ức của người nghe một lần nữa, và cứ thế, như thế... hồi sinh một lần, hai lần... bao lần trong ký ức: Âm thanh tái tạo hồi ức trong lòng người viết và người đọc.


Hoàng Đạo là nhà văn sử dụng sự hồi ức nhiều nhất trong ba anh em. Mà hồi ức là gì? Là cái mà Kierkegaard gọi là "ressouvenir" và ông bảo mình đã sống suốt đời trong đó. Hồi ức cũng là thủ pháp xây dựng tiểu thuyết của Alain Robbe-Grillet. Tóm lại hồi ức là kỹ thuật của nhiều nhà văn, mọi nơi mọi thời, cho nên, nếu ta thấy Hoàng Đạo sử dụng hồi ức, cũng đừng nên trách ông: cứ trở về dĩ vãng mãi thì làm sao mà tiến đến tương lai (con đường sáng) được!


Nếu hồi ức là yếu tố quan trọng thứ nhì, thì nhục cảm là yếu tố thứ ba trong tiểu thuyết Hoàng Đạo. Cả ba anh em Nguyễn Tường đều có độ nhạy cảm khác thường: Nhất Linh và Thạch Lam nghiêng về khứu giác, Hoàng Đạo nghiêng về thính giác, nhưng họ có chung một nồng độ mẫn cảm nhục tính.


"Chàng thẫn thờ ngắm mái tóc quấn lỏng buông xõa xuống một bên cổ, màu đen nhánh nổi bật lên màu da trắng, hàng lông mi dài và cong chớp trên đôi mắt huyền giương to như thu cả thanh sắc vũ trụ vào trong, những nét tà áo rung chuyển theo hình cong mềm của chiếc quần lụa ngà, và hai gót chân ửng màu hồng non như đương e thẹn trong đôi giày nhung" (Con đường sáng, trang 90). Trong tình yêu, Thạch Lam précoce, yêu sớm hơn hai anh, nhưng trong cách tả người con gái, Hoàng Đạo bạo hơn cả: "những nét tà áo rung chuyển theo hình cong mềm của chiếc quần lụa ngà", thật quyến rũ, uyển chuyển, thật "sexy", và đẹp, ít có hình ảnh nào vừa tinh khiết vừa "tội lỗi" như vậy, đặc biệt trong mắt người đẹp, còn cả một vũ trụ, như thể nàng mang cái "chí" của "người hùng" bên trong.


Thời ấy, người ta ít dám đụng đến "da thịt", vậy mà ống kính của Hoàng Đạo, khi chiếu vào người con gái, xoáy ngay phần nhạy cảm nhất: "Thơ đắm đuối nhìn đôi mắt đen của Duy, nàng thấy rung động từng thớ thịt" (trang 93). Cả đến không khí tiên cảnh cũng đượm mùi da thịt: "Không khí nàng cảm thấy êm như da thịt " (Quỳnh Dao). Đặc biệt trong Quỳnh Dao, thủ phạm làm thay đổi nhân sinh quan của cô tiên Quỳnh Dao là nụ hôn. Nàng tiên Quỳnh Dao tình cờ được chứng kiến một cảnh trần: "Nàng vừa bước xuống một ngọn suối nhỏ chảy róc rách trong rừng, vốc nước, giơ tay lên nhìn những giọt nước trong vắt rỏ xuống khe đá, bỗng thoáng thấy bên bờ suối hai người ngồi sát cạnh nhau", và "Người con gái đặt đầu lên vai tình nhân, âu yếm ngước mắt lên nhìn, Quỳnh Dao không bao giờ quên cái nhìn đắm đuối ấy. Nàng cảm thấy trong đôi mắt mơ màng kia một thứ say sưa huyền bí, và đến khi người con trai ghé xuống hôn môi người yêu, Quỳnh Dao thấy rung động một cảm giác chưa từng biết".


Có lẽ lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam xuất hiện một nụ hôn hàm thụ. Nụ hôn được nhìn trộm ấy đi vào tiềm thức Quỳnh Dao, cảm giác ngất ngây trở đi trở lại như một ảo ảnh tái sinh bất tận... Chính nụ hôn "hàm thụ" ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô tiên vô tư trên cung quảng: nàng quyết định xuống trần để thực hiện những cảm giác đã sống trong hồi ức. Nhà văn trình bày ở đây một cảm giác nhục thể không sống trực tiếp qua cọ xát xác thịt, mà bắt nguồn từ hồi ức, và đó cũng là phong cách Hoàng Đạo: gián tiếp, phản ứng dây chuyền.


Nhục thể trong truyện "Sắc không" lộ ra dưới khung cảnh khác thường: một sư ông bắt gặp đôi trai gái lên chùa "ăn oản", "sư ông cuồng lên như con thú dữ", nhưng rồi chính vị tu hành khả kính cũng âm thầm cởi trả áo Phật để trở về với cuộc đời "nghiệp chướng": Sự đòi hỏi của thân xác trong môi trường nhà Phật vẫn là một cấm kỵ. Nói đến sẽ phạm tội bổ báng. Sắc không hai lần vượt cấm, đề ra một trong những vấn đề bức thiết của con người.


Quỳnh Dao -bỏ thiên thai xuống trần tìm tình yêu, nhưng tình yêu trần thế nhuốm màu lừa lọc, nàng lại bay về trời- nàng là hiện thân con người Hoàng Đạo, đã bỏ cõi thơ cõi nhạc để phục vụ con người, nhưng cõi người có nhiều "vấn nạn", cho nên người nghệ sĩ ấy "chiều chiều thấy rung động trong lòng một nỗi nhớ tiếc không bờ bến".


Những truyện hay trong tập Tiếng đàn, thường rất chấm phá: vài nét sơ, nhã và đậm, về một gia đình, một thân phận, như những nốt nhạc, dội lại nhờ điệp khúc, và vang âm; khiến những xúc cảm sâu sắc mà người đọc tiếp nhận được luôn luôn trở lại, và mỗi lần trở lại, càng đậm đà hơn, càng cay đắng hơn... Tiếng hôn trần thế vọng lên thiên thai; tiếng nước vỡ đê quấn theo tiếng người chìm trong dòng lũ; tiếng hát, tiếng đàn của đôi vợ chồng xẩm, tiếng ho khan của chị Tạc, tiếng run cầm cập của thằng cu, tiếng rút dây áo quan ... tất cả đều có âm vang láy lại trong đầu, như những đoản khúc của bản đàn đời nhiều nốt vỡ.









Con đưòng sáng: giờ hoàng đạo


Chúng ta có cái may là trong nửa đầu thế kỷ XX, hình ảnh xã hội miền Nam được trình bày khá cặn kẽ trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, xã hội miền Bắc trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đời sống thôn quê miền Bắc trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài... đời sống ăn chơi trụy lạc, trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... Cho nên một nhà làm phim tài ba có thể xây dựng lại toàn bộ xã hội Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu thế kỷ XX, qua tiểu thuyết.


Con đường sáng nằm trong bối cảnh xã hội miền Bắc, dưới cái nhìn Tự Lực Văn Đoàn, trong lập trường đấu tranh xã hội của Hoàng Đạo: tức là dùng tiểu thuyết luận đề để cải cách xã hội và thay đổi con người. Với một chủ đề rõ ràng như thế, tác phẩm rất dễ rơi vào vòng luân lý giáo khoa thư. Nhưng Hoàng Đạo đã thoát ra được và ông đã hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật.


Không có gì cho phép chúng ta nghĩ đến sự trùng hợp giữa hai con người: Khương Duy (nhân vật chính trong Con đường sáng) và Hoàng Đạo. Đây là những nét Nguyễn Tường Bách mô tả người anh: "...anh đã hợp tác chặt chẽ với anh Tam để tổ chức hoạt động bí mật chống Pháp và có thể nói anh là một nhân vật trọng yếu nhất sau anh Tam. Trông anh hiền lành như thế nhưng anh lại trấn tĩnh khác thường trong những lúc gian nguy. Tôi không hiểu cái gì đã rèn đúc nên ý chí cương nghị đó. Ngày anh bị bắt năm 1940, trước mọi thẩm vấn và tra vấn của Pháp, anh vẫn vững như đá, không chịu khai một lời. Những năm ở Sơn La, anh cũng không hề sờn mỏi ý chí, làm gương mẫu cho anh em và làm địch phải e sợ", "Có thể nói anh là người sống quy củ nhất, không uống rượu, không hút thuốc cũng không thích đánh bài, không lãng mạn như các anh em khác hay như các nhà văn nhà báo khác" (Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, nhóm Nghiên cứu sử địa xuất bản, Montréal, 1981).


Đúng là Hoàng Đạo và Khương Duy bề ngoài chẳng có gì giống nhau: Duy là một thanh niên trí thức, chủ đồn điền, tự kiêu "rằng mình hơn người, vì đã ngẫm nghĩ đến cỗi rễ của cuộc đời" (63), tìm cách thoát ra khỏi môi trường ăn chơi trụy lạc. Nhưng nếu xét kỹ hơn, Con đưòng sáng vẫn là một cuốn tự truyện: Khương Duy chính là Hoàng Đạo trên đường tìm cách thoát ly khỏi hoàn cảnh ông "Tham Long", trí thức tiểu tư sản của mình; đồng thời thoát khỏi thế giới trưởng giả của gia đình vợ ("bác Long và gia đình của cái thế giới cửa cao đóng kín chó bẹc-giê sủa vang xe hơi bóng lộn người làm khinh khỉnh", trích Thế Uyên, Hoàng Đạo hay sự trở về quê cũ, Văn số đã dẫn). Mặc dầu bà Hoàng Đạo có giúp đỡ những thân hữu Quốc Dân Đảng (xem Nguyễn Tường Bách và Hồ Hữu Tường), nhưng hố cách biệt giữa hai giai tầng dường như không thể lấp được: thế giới khốn khổ của người dân quê và thế giới long đong ngục tù của người cách mạng khó có thể đi đôi với khung cảnh chó bẹc giê kín cổng cao tường. Truyện ngắn Tiếng pháo xuân (tập Tiếng đàn) gợi lại sự cách biệt ấy trong tiềm thức của nhà văn. Hai "cục diện" trưởng giả và trí thức tiểu tư sản âm thầm đè nặng lên con người Hoàng Đạo, hệt như xã hội trụy lạc nghiền nát Duy. Có thể chính Hoàng Đạo cũng đã có lúc chán nản muôn quyên sinh như Duy. Sự bất lực của một Nguyễn Tường Long, luật gia trước vành móng ngựa, trước những khốn cùng của dân quê trong cảnh bùn lầy nước đọng cũng là sự bất lực của Duy trước những người dân quê "dốt đặc" không thể "cải tiến" được, không những thế, họ còn cho chàng là "điên". Nỗi bất lực này, chúng ta có thể tìm thấy trong truyện ngắn Dưới làn sóng (tập Tiếng đàn), dữ dội hơn, dưới bối cảnh con người chiến đấu vô vọng với thiên nhiên: "Trong khoảng trời mù mịt, hiện ra một bó đuốc gieo ánh sáng đỏ thê thảm ra xung quanh rồi biến đi, khiến đêm tối lại càng thêm tối". Dưới áp lực của gió bão, con người "nhỏ nhặt và yếu hèn như giống kiến, giống trùng, không thể cản trở hay kháng cự lại được" (Dưới làn sóng).


Mặc cảm vô vọng này cũng rất rõ trong Dũng của Nhất Linh. Đó là mặc cảm bất lực của tầng lớp thanh niên trí thức Tây học, xuất thân trong các gia đình dòng giõi, con quan như Khái Hưng, cháu quan như Nhất Linh, Hoàng Đạo... nhìn thấy những trụy lạc trong chính cái xã hội trưởng giả và trí thức của mình. Bộ mặt phấn son lòe loẹt của các cô gái nhẩy, bên những bàn đèn ẩm ướt trong Con đưòng sáng, chính là chân dung những ông Tuần, bà Án, trong gia đình, hình ảnh những nhà văn, nhà báo, trong giới trí thức nghệ sĩ mà Hoàng Đạo, Nhất Linh, Khái Hưng... hàng ngày va chạm. Duy tranh đấu để thoát ra khỏi sự vong thân, trác táng như họ. Cái mặc cảm và sự bất lực của Duy biến thành nỗi hoài nghi không ngừng: hoài nghi chính mình và hoài nghi tất cả những người chung quanh. Duy luôn luôn tự tra vấn về ý nghiã cuộc đời, về thành công và thất bại.






Cuộc đời Khương Duy trong Con đưòng sáng chia làm nhiều khúc quanh, bên nhiều cột mốc:


1/ Sau những đêm trác táng: âm thanh, ánh sáng và hồi ức, cho chàng thấy bên ngoài cõi tối tăm của tiệm nhảy, bàn đèn, còn có thiên nhiên: "ánh sáng, lúa chín, gió lạnh và thơm"; với "những bông thóc dáng cong cong" trong gió; với "những ngọn lá màu vàng trong như hổ phách" (trang 31). Ánh sáng và âm thanh của đồng lúa, dẫn Duy trở về những ngày còn bé, nhắc chàng nghĩ đến Thơ.


2/ Thơ hiện ra trong nắng, trong lúa, như một Quỳnh Dao giữa đời. Thơ đánh thức trong Duy những âm thanh, mà chàng tưởng đã đánh mất trong những đêm trụy lạc: "Duy lặng yên nghe tiếng nói của Thơ vang lên, trong như tiếng suối dưới chân đồi"


Thơ cũng sống bằng hồi ức như chàng: "Thơ ngừng nghĩ để sống lại một cảm giác êm dịu và mãnh liệt. Ánh nắng hôm nay như nhuộm màu rực rỡ của ánh nắng hôm qua, lúc nô giỡn trong mái tóc rối loạn của Duy" (trang 49)


3/ Hồi ức kéo Duy về dĩ vãng, trốn vào tuổi nhỏ, như một lối thoát, rồi hồi ức dẫn chàng so sánh với cuộc sống hôm nay: "Cả một cánh đồng im lặng dưới bóng trăng; những bông lúa nặng sương ở gần lóng lánh một thứ ánh sáng lạnh, ngoài xa, sương mù màu trắng đục êm toả mãi đến tận chân trời: từng chỗ trên biển sương, nổi lềnh bềnh màu lam nhạt của những giải rừng xa. Duy thấy trong lòng không lo nghĩ, êm nhẹ như cảnh sắc chung quanh, và khi tiếng đập lúa ở nhà Thơ vang lên trong thanh vắng, chàng nghe tiếng gọi của một nỗi vui mới hé nở trong lòng" (65). Trước cảnh đẹp và những âm thanh tuyệt vời vừa sống lại trong tiếng hát hò và đập lúa, Duy muốn cởi áo nhập vào đám lực điền.


4/ Nhưng hồi ức ấy còn có khả năng phản bội: "định cúi xuống hôn Thơ thì lại nhớ đến những cặp môi của các cô gái làng chơi đã để lại cho chàng cái dư vị chua chát" (trang 52). Chính cái hồi ức phản bội ấy đã lẫn lộn "môi Thơ lẫn với nụ cười đĩ thõa của Nga" (53).


5/ Trong cảnh huyền ảo của thiên nhiên, Duy khám phá ra đời sống lầm than của những tá điền, của những đứa bé "mặt mũi nhăn nheo như ông cụ già" con bác Tẹo và tấm lòng từ thiện của Thơ.


6/ So sánh sự huy hoàng của cảnh sắc với sự khổ đau của con người, so sánh sự đớn đau của đói khát với đau đớn trong nội tâm Duy: "Duy để tư tưởng đi sâu vào nỗi ngạc nhiên đau đớn của chàng trước sự trái ngược của đời cực khổ bên trong và cảnh rực rỡ bên ngoài. Duy nhớ lại và so sánh với đời chàng trước đây, một đời mà mọi người đều trông thấy vẻ lộng lẫy hào nhoáng nhưng chỉ có Duy đã âm thầm nhìn rõ sự thực điêu đứng. Nỗi đau khổ không căn cứ xưa kia của chàng, Duy cảm thấy thấm thía hơn, khó thoát khỏi hơn là sự cực khổ về vật chất của gia đình người tá điền." (trang 78-79)


7/ Tìm thấy con đường: "Chỉ có chính mình mới cứu vớt được lấy mình. Chính mình phải cặm cụi tìm tòi cách thoát ly thì mới có thể đến được sự thoát ly."(109). Chàng khám phá ra một thứ ánh sáng khác: "ánh sáng ở trong lòng chiếu ra làm tâm hồn chàng rung động một nỗi vui náo nức. Thứ ánh sáng ấy, Duy nhận ra là tình yêu"(113)


8/ Thất vọng và cô đơn: "Sao họ ngu đến thế được!" (132), "sự ngu độn dầy đặc quá" (146) "Họ vâng dạ cho xong chuyện, như để lấy lòng chàng, rồi đâu lại hoàn đấy" (trang 146), "đối với họ, Duy có lẽ điên" (trang 146). Duy nhận thấy: "Người, vật, cây cỏ quanh mình đều như sống theo một điệu riêng, không ăn nhập gì đến điệu sống cô độc của chàng" (135), "Duy chỉ là một con ruồi mắc trong mạng nhện, vùng vẫy mãi không sao thoát ra được" (146). Ngay cả đối với Thơ, Duy cũng cảm thấy: "dẫu yêu nhau đến bực nào chăng nữa, chàng và Thơ vẫn là hai người cách biệt nhau" (trang 142)


9/ Trở lại đời trụy lạc: chìm trong thế giới của những "bộ mặt chết trôi".


10/ Lựa chọn sau cùng: Duy quay về với dân quê, chàng tìm thấy cứu cánh trong sách vở. Một hôm tình cờ vào thư viện "chàng bỗng thấy sự nhẫn nại vô cùng của sách. Sách để đây, từ bao giờ, mười năm, hai mươi năm rồi, nhưng không khi nào tỏ ra ý vội vàng, tức bực. [...] Mười năm sau; có người giở đến, sẽ lại vang lên giọng thơ của Lý Bạch hay của Verlaine, sống lại những tư tưỏng của Marc Aurèle hay của Mạc Tử" (trang 175).






Truyện Con đưòng sáng có cấu trúc gần như tầm thường của một truyện kể cổ điển, nhưng tác phẩm bật ra hai góc cạnh bất ngờ: Yếu tố đầu tiên "cứu" Duy là thiên nhiên, là những bông lúa dưới nắng. Những bông lúa cong và những lá lúa trong như màu hổ phách đã cứu chàng trong chặng đầu của nhận thức. Yếu tố sau cùng giúp chàng thoát ly khỏi tình trạng tha hoá (không phải là dân quê như nhiều người lầm tưỏng) mà là chữ nghiã, sách vở, là nghệ thuật. Vì vậy Con đưòng sáng thoát ra khỏi sự xoàng xĩnh chân chất của một cuốn tiểu thuyết lý tưởng, nhờ những yếu tố bất ngờ này: Duy không hề hy sinh cho một lý tưởng đã sắp đặt sẵn, Duy chỉ là người đi tìm lẽ sống. Và Con đường sáng phản ánh hệ tư tưởng của Khương Duy-Hoàng Đạo: Đường đi của nhà văn tất yếu phải qua hai điểm mấu chốt: thiên nhiên mở cửa cho anh vào đời và nghệ thuật là cứu cánh.


Thiên nhiên là yếu tố quan trọng không riêng gì đối với Hoàng Đạo mà đối với cả một thế hệ thi văn lãng mạn. Thiên nhiên: trăng, sao, sương, mây,... luôn luôn là những yếu tố quyến rũ như một người tình: "Cả một cánh đồng im lặng dưới bóng trăng, những bông lúa nặng sương ở gần lóng lánh một thứ ánh sáng lạnh, ngoài xa, sương mù màu trắng đục..." (trang 64). Và mỗi nhà văn có một cách tiếp cận thiên nhiên riêng biệt. Ngay trong gia đình Nguyễn Tường: thiên nhiên của Hoàng Đạo là một vũ trụ khác với thiên nhiên của Nhất Linh và Thạch Lam. Chúng ta thử so sánh vài đoạn văn tiêu biểu của họ, để thấy rõ sự khác biệt này.


Nhất Linh viết:


"Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt lên. Ánh nắng trên lá thông loé ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo như tiếng vọng ra, đều đều không ngớt; Dũng có cảm tưởng rằng cái tiếng ấy đã có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trên lá thông.


Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phiá hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra, rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau" (Đôi bạn, trang 209- 210).


Một đoạn khác, vẫn trong Đôi bạn: "Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó có Loan và chàng, hai ngưòi cùng đi ngược chiều gió..." (trang 45).


Đối với Nhất Linh thiên nhiên chỉ là cái cớ để ông diễn đạt nội tâm con người. Lần nào cũng thế, sau khi lướt qua vài nét "phông" thiên nhiên, là ông vội xen ngay vào đó tâm trạng của nhân vật. Mục đích Nhất Linh là nội soi nhân vật, rồi chiếu nó lên nền thiên nhiên. Ông hướng về hạnh phúc riêng tư của con người. Sự thoát ly của Nhất Linh là thoát ly để đi tìm "bướm trắng".






Một đoạn văn của Thạch Lam:


"...tôi thong thả theo con sông Cống, chạy khuất khúc lên giữa các đồi. Một cái cầu gỗ mong manh bắc qua sông. Hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuôi xuống tận gần bờ, giữa luồng gió thoảng và cái tiếng rì rào như nhớ nhung của lá thông trái gió nhắc tôi nghĩ đến những cảnh rộng rãi bao la.


Buổi chiều rất êm ả. Về phiá tây mây trời rực rỡ những màu sáng lạn và ánh nắng chiều loáng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ ráo rào như trận mưa, tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây" (Nắng trong vườn, trang 8). Thạch Lam là một nghệ sĩ thuần tuý, ông dùng thiên nhiên để vẽ tranh và làm nhạc. Thạch Lam không xử dụng thiên nhiên cho một mục đích nào khác nghệ thuật. Vũ trụ Thạch Lam có nét bao la, nhưng không bao la như vũ trụ Hoàng Đạo.






Một đoạn văn của Hoàng Đạo:


"Lúc ấy, con ngựa phi lên sườn đồi. Con đường nhỏ quanh co, Duy trông như dải lụa dài màu vàng nhạt bỏ rơi trong màu cỏ lục. Ở xa, chỗ cuối đường, một người đàn bà nhà quê đầu trần, gánh nặng, in hình màu nâu cũ lên sườn đồi. Xa hơn nữa, dẫy núi Tam Đảo phơi màu lam thẫm dưới trời xanh nhạt, một dải mây trắng nhẹ nhàng vắt ngang, Duy trông thoáng như hình một người con gái khổng lồ nằm nghiêng, chiếc khăn san trắng theo gió tung lên trời. Trong cảnh vật không có một tiếng người, một chuyển động, ngoài điệu đi nhịp nhàng của người đàn bà và tiếng gió từng dịp rung chuyển chòm lao xao. Bấy nhiêu thanh sắc, bấy nhiêu âm vận, Duy cảm thấy hoà hợp với nhau như một khúc nhạc thầm kín" (123)






Trước đó, chúng ta đã thấy: "Hình người ấy in lên nền xanh non của cây cỏ, cứng cáp mạnh mẽ trong quần áo chẽn màu vàng xẫm" (103).


"Người ấy" như một tráng sĩ thời xưa, một Phạm Thái mang tâm sự lớn lao của đất nước: Tam Đảo của "người ấy" hùng vĩ như Bắc Sơn của Văn Cao, bát ngát như Cửu Long của Phạm Duy. Nhưng khác với những nghệ sĩ khác, giữa cảnh núi non hùng vĩ ấy, "người ấy" in hình "người đàn bà nhà quê đầu trần, gánh nặng", in hình "màu nâu cũ lên sườn đồi". Cũng như trong "cảnh trí diễm ảo" ấy, ở một đoạn khác, hình ảnh người tá điền nhem nhuốc với "rá cơm hẩm, lũ con xanh như tàu lá"... hiện lên như những vết thương vũ trụ. Tất cả những thứ đó, có phải do nhà văn cố tình xắp xếp không? Không. Tự nhiên trong tiềm thức tuôn ra: như thể Nhất Linh viết đến đấy thì tự nhiên ngòi bút của ông rẽ sang ngõ ngách tâm tình của Loan và Dũng; Thạch Lam viết đến đấy thì văn ông chạy thẳng vào màu sắc vào cây cọ của họa sĩ; Hoàng Đạo viết đến đấy thì văn ông rẽ sang nẻo khác, vào số phận con người: người đồng loại. Nhất loạt truyện ngắn, truyện dài của Hoàng Đạo đều có hướng kết hợp nghệ thuật và nhân văn như thế. Nhất Linh hướng nội, Hoàng Đạo hướng ngoại. Nhất Linh muốn tìm hạnh phúc cho bản thân con người, Hoàng Đạo muốn tìm hạnh phúc cho người đồng loại. Theo lối xưa, ta có thể bảo rằng văn Hoàng Đạo nói lên cái "chí" của Hoàng Đạo: chí muốn đưa dân tộc ra khỏi cảnh lầm than; văn Hoàng Đạo có "khẩu khí" của một lãnh tụ. Cũng như thơ Nguyễn Công Trứ "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc" nói lên cái "khí" "dọc ngang ngang dọc" của người anh hùng. Nhưng nếu nói theo ngôn ngữ ngày nay, ta sẽ bảo: trong vô thức của Hoàng Đạo đã tiềm ẩn một hoài vọng lớn lao: ông nhìn thấy nỗi khổ đau của dân tộc và muốn đưa dân tộc đến con đường thật sự sáng, từ giờ tứ ly đến giờ hoàng đạo.










Hoàng Đạo sống không lâu (41 năm), con người ông là toàn bộ cuộc đời gần hai mươi năm tranh đấu, gồm sinh hoạt cách mạng và sinh hoạt báo chí tản mạn, đến nay phần lớn vẫn chưa được sưu tầm và in lại. Đi từ Tứ Ly -giờ xấu nhất- đến Hoàng Đạo -giờ tốt nhất- trong ngày, sự nghiệp văn học của Tứ Ly-Hoàng Đạo gồm toàn bộ những bài báo, tả xung hữu đột, đánh vào hệ thống quan trường dưới thời Pháp thuộc, đòi hỏi tự do tư tưởng, chỉ trích những tệ đoan xã hội, những tập tục lỗi thời, những hủ lậu của nho giáo cuối mùa, đẩy lùi dốt nát, bất công trong thế giới bùn lầy nước đọng, nhắc đến cái nhục của người dân mất nước... Những điều ông viết là viết cho tức khắc, về những chuyện đang xẩy ra trước mắt, phải giải quyết ngay ngày hôm nay. Ông không nghĩ đến tác phẩm để đời. Ông cũng không có thì giờ nghĩ đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, khi đất nước và dân tộc ông đang cần những bài xã luận nảy lửa: Khi học sinh, sinh viên cần một cẩm nang, cần một "thánh kinh" với những khẩu hiệu, ông viết Mười điều tâm niệm. Khi dân chúng nghèo đói, thất học, là nạn nhân của những phiên toà không có luật sư biện hộ, ông phanh phui những cảnh khôi hài bi đát Trước vành móng ngựa. Khi toàn thể dân quê sống trong cảnh tối tăm, dưới một hệ thống xã hội bất công đầy áp búc, ông tố cáo, ông đề nghị sửa đổi cơ chế gây ra cảnh Bùn lầy nước đọng. Và khi tranh đấu bằng ngòi bút, không đem lại kết quả mong muốn tức thời, thì, như Sartre đã nói rất đúng: nhà văn phải cầm súng: Hoàng Đạo cầm súng và Hoàng Đạo tranh đấu đến hơi thở cuối cùng.


Hoàng Đạo là mô hình mẫu của người trí thức dấn thân hiện đại. Ở ông là tính hiện đại triệt để theo mới hoàn toàn theo mới không chút do dự. Khi ở vị trí phất cờ, bao giờ người ta cũng phải nói quá lên một chút. Hoàng Đạo có cái thái quá của người lãnh đạo phong trào, và có chất hiện đại của một trí thức dấn thân, trong cách đấu tranh muôn mặt, ngòi bút đi đôi với hành động, luôn luôn muốn tự vượt mình, đó là những yếu tố đó nằm trong máu thịt, làm nên con nguời ông: Hoàng Đạo khác với những quân sư, những kẻ sĩ thời trước, trong cả cách hành sự lẫn diễn đạt tư tưởng.


Người ta không biết gì về "nội tâm" của "vạn thế sư" Khổng Minh, hơn nữa Khổng Minh có thể chỉ là sản phẩm hư cấu của La Quán Trung. Người ta biết ít nhiều tâm sự của Nguyễn Trãi, qua những bài thơ nôm trác tuyệt. Nhưng thơ Nguyễn Trãi cũng như thơ Nguyễn Công Trứ là thơ của những nhà nho, làm theo quy ước nước mây của thời đại ấy, hơn là mô tả não trạng của riêng mình.


Hoàng Đạo, ngoài những bài bút chiến gay gắt, ở những phút cô đơn nhất, hướng ngòi bút về mình, về những đớn đau, thất bại, về những sa ngã của chính mình, về những rung cảm xác thịt, những khát vọng nghệ thuật trong tâm hồn mình. Có một Hoàng Đạo, con người đấu tranh, là trạng sư của những thân phận hẩm hiu trong bùn lầy nước đọng, biện hộ không lời, trong một tòa án mà tội nhân không có luật sư. Có một Hoàng Đạo công tố buộc tội cả một thực trạng pháp luật bất nhân, bất công. Có một Hoàng Đạo lục sự ghi những cảnh nhục nhã của một dân tộc mất tiếng nói, mà toà án mà chánh án và phạm nhân đều là người Việt, nhưng đều phải nói tiếng Pháp và có thông ngôn dịch sang tiếng Việt. Và có một Hoàng Đạo, họa sĩ ngồi trong một toà án vẽ những bức biếm họa: cảnh người Việt dùng tiếng Việt trong bộ "Hoàng Việt tân luật" để xử án, mà người Việt nghe cứ ù ù cạc cạc, vẫn cần thông ngôn để "dịch" sang tiếng Việt! Thực trạng thứ ba này, gay gắt và đớn đau hơn, đánh thẳng vào cá tính dân tộc, vào mỗi cá nhân người Việt, vào thói xấu chuyên vay mượn của người một cách máy móc, mà không chịu sáng tạo thêm cho phù hợp với tâm hồn và lối sống của dân tộc mình, mà Hoàng Việt tân luật là một chứng từ. Những Hoàng Đạo ấy, trong 41 năm ngắn ngủi của cuộc sống đã tả xung hữu đột, khi cầm bút, khi cầm súng, tranh đấu đến chết. Nhà chính trị có những mềm yếu, những lúc chán nản ê chề, muốn quyên sinh, muốn bỏ tất cả, cho sa ngã, cho bùn lầy, và có lúc trở thành nhà thơ trong Con đường sáng, trong Tiếng đàn. Tác phẩm văn học, đối với Hoàng Đạo chỉ là chỗ nghỉ chân của người "anh hùng" ngã ngựa. Tác phẩm văn học bộc lộ tâm hồn một thi nhân không có thì giờ dành cho chữ nghĩa, phản ảnh một khiá cạnh khác của con người Hoàng Đạo mà bản tuyên ngôn Mười điều tâm niệm chỉ là bề mặt của một nội tâm cô độc đớn đau.


Thụy Khuê

Paris, tháng 10/2005

© Copyright Thuy Khue 2005



Friday, November 20, 2015

NGUYỄN TUẤN * CHUYỆN CẢI TẠO

Chuyện tù cải tạo: vay và trả
Nhân phát biểu của ông phó giáo sư tiến sĩ Vũ Quang Hiển (không có ngược đãi quân cán chính miền Nam sau 1975 [1]) tôi muốn giới thiệu một bài mang tính hồi tưởng của BS Võ Tam Anh viết về thời gian trong các trại tù cải tạo. Đây chỉ là 1 trong số hàng ngàn câu chuyện. Câu chuyện, nói theo ngôn ngữ của Karl Popper, là một minh chứng cho thấy ông Vũ Quang Hiển đã phạm phải một sai lầm lớn. Ông cũng đã xúc phạm hàng triệu người Việt Nam.
Phát biểu của ông Vũ Quang Hiển làm tôi nhớ đến sử gia người Anh tên là David Irving. Ông Irving nổi tiếng với danh xưng "Holocaust denier" vì ông phủ nhận rằng Holocaust là chuyện không có thật, rằng mấy lò gas là do người Do Thái phịa ra. Ông Irving nổi tiếng đến nỗi bị Chính phủ Úc cấm không cho vào Úc, và sau này thì bị toà án Áo phạt tù 3 năm về tội xuyên tạc sự thật lịch sử. Kể ra thì ông Vũ Quang Hiển còn may mắn chán vì ông không chịu sự chi phối của luật pháp nước ngoài.
Không biết có khi nào ông Vũ Quang Hiển tự hỏi tại sao các lãnh đạo cao cấp của VN ra nước ngoài là bị biểu tình dữ dội? Suốt 40 năm qua, biểu tình vẫn xảy ra mỗi khi các vị ấy đến thăm các nước phương Tây. Một trong những lí do là những người mà chính quyền hiện hành từng bỏ tù họ và hành hạ họ qua nhiều năm trong các trại "cải tạo". Cho dù họ đã chết, nhưng con cháu họ thì không quên. Chính vì thế mà họ biểu tình. Tôi không thích việc làm như thế, nhưng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho sự tức giận của họ.
Người phương Tây có thành ngữ "What goes around comes around". Câu này có thể hiểu là "Cuộc đời có vay thì có trả ". Những gì mà chính quyền ngược đãi những tù nhân cải tạo thì bây giờ chính quyền phải nhận lãnh hậu quả. Tưởng là ông Vũ Quang Hiển thừa biết câu đó chứ.
[1] http://www.bbc.co.uk/…/20…/04/150418_vuquanghien_vietnamwar…
==========
LƯƠNG Y NHƯ….TỪ MẪU
BS Võ Tam Anh
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhân dân Miền Nam Việt Nam lâm vào một tâm trạng hoang mang tột độ, mịt mù trước tương lai, lo âu cho cuộc sống hằng ngày. Tại Bệnh viện Vĩnh Long, mặc dầu tôi đã không còn trách nhiệm gì nữa mà anh chị em nhân viên cứ bám lấy tôi để dò hỏi, làm như tôi có phép mầu nhiệm gì để giải tỏa được những thắc mắc đang quay cuồng trong trí óc mọi người.
Những người thay thế tôi cố sửa đổi bộ mặt của bệnh viện bằng cách cho sơn vẻ khắp nơi những khẩu hiệu cách mạng mới, mà đắc ý nhất là câu “Lương Y như Từ Mẫu”, không biết lượm được ở đâu, mà cứ nhan nhản khắp nơi, từ ngoài cổng, cầu thang, hành lang cho đến phòng thay áo, nhà tắm…như cố nhét vào đầu óc mọi người để tranh thủ cái độc quyền đạo đức nhân từ mà chỉ riêng người thầy thuốc cách mạng mới xứng đáng với hai chữ lương y.
Một hôm, tôi bước vào phòng trực y tá để thăm hỏi, thì thấy anh chị em đang quây quần tán gẫu, lẽ tất nhiên cũng không ngoài đề tài số một là gạo cơm lương bổng sẽ ra sao. Bên cạnh là bàn thờ tổ quốc, một thứ trang trí mới trong tất cả các phòng, bất luận là chuyên môn hay hành chánh, bên trên vẫn là cái câu nhân từ bất hủ đó. Một nữ hộ sinh chỉ vào khẩu hiệu, ngao ngán bảo với tôi: ” Ông Thầy biết không, chúng em bị một phen mừng hụt vì nó đấy “, rồi lấm lét nhìn ra của, nói tiếp: “Chiều nay khi mấy chú cán bộ vào kẻ khẩu hiệu, khi ngang tới chữ “Lương y như…” chúng em mừng quá reo lên vì cứ tưởng là lương y như tháng trước, không ngờ nó lại là như…từ mẫu!”.
Thế rồi vì không hiểu duyên nợ nghề nghiệp gắn liền hay đạo đức cách mạng chu đáo lo cho chúng tôi mà các bậc từ mẫu đó, tuy khoác áo lương y nhưng lại cư xử theo tư cách một… cai ngục, đã đeo đẳng mãi chúng tôi trên suốt đoạn đường dài “cải tạo”.
Sau những năm dài da diết trong rừng sâu Sơn La, trên biên giới Hoa Việt, cuối cùng, vì có chiến tranh với Trung quốc, chúng tôi được áp tải về một trại giam gần Hà Nội, một trại giam “kiểu mẫu”, một thứ “cây kiểng” để chế độ trình diễn chính sách khoan hồng nhân đạo với thế giới bên ngoài. Trong cái tủ kính bày hàng đó, lẽ tất nhiên săn sóc sức khỏe cho tù là “ưu tư hàng đầu” của Ban Giám thị và vị lương y phải được đóng vai kép chính.
Trại Nam Hà, cách Chùa Hương không xa, được thời cuộc nâng lên hàng danh lam thắng cảnh để cho quan khách ngoại quốc lui tới viếng thăm, từ Hội Ân Xá Quốc Tế, báo chí Tây phương, các nghiệp đoàn cộng sản Pháp cho tới cả “đồng chí” Chandra Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới v.v… Từ trại nhìn ra, cảnh đẹp như tranh, xa xa những núi đá vôi nho nhỏ, đủ hình đủ dạng, nổi lên trên một mặt nước phẳng lì thơ mộng trông như Vịnh Hạ Long. Cái mặt nước phẳng lì hiền hòa đó, không ai ngờ là một thứ hàng rào thiên nhiên vô cùng độc hại, là những đầm sình lầy cát lở đã nuốt sống biết bao là tù nhân trốn trại.
Bệnh xá nằm dưới chân đồi, trước sân có hòn non bộ với Lã Vọng ngồi câu, bên dưới là bể cá vàng lừ đừ lội nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thờ ơ chán ngán, trên mái hiên treo đầy lồng chim đủ màu đủ loại, suốt ngày hót líu lo như để mỉa mai tâm trạng héo hắt tơi bời của chúng tôi.
Tất cả cái thú xa xỉ trưởng giả đó đã được đánh đổi bằng xương thịt của chúng tôi qua sự cắt xén tiền thực phẩm vốn đã vô cùng đói rách. Cá thia vàng, chim hoàng yến, chim họa mi tung tăng bay nhảy, đã được mấy ngàn cặp mắt tù sâu hoắc và phờ phạt vì thiếu ăn, thèm thuồng nhìn qua giá trị của mấy chục gờ ram prôtêin mà vô cùng tiếc rẻ, vì nó đang nằm trong tầm tay mà lại ngoài tầm… bao tử. Cây kiểng trước sân được chăm sóc tỉ mỉ mà mỗi lần gọt tỉa là một dịp cho chúng tôi lượm lá rụng nấu thành một bữa rau để dành giựt nhau, tuy vừa dai vừa đắng nhưng màu đỏ của nước lá dền cũng cho chúng tôi ảo tưởng bổ dưỡng của chất sinh tố B12. Cái quang cảnh thần tiên của bệnh xá đó đã được lên hình trên báo Liên Xô và được tô điểm đến độ mỗi lần thuyết trình cho phái đoàn ngoại quốc, viên giám đốc trại cũng không bao giờ quên luyện giọng một cách thành thực: “Tôi chỉ mơ ước được sống như những trại viên (ý nói từ chúng tôi)”. Tiếc thay!!!
Đến đây tôi mới hiểu tại sao anh em tù Nam Hà gọi cán bộ bằng “Chèo” (phường chèo), trắng trợn đến độ ban giám thị phải gọi lên chỉnh: “Cán bộ thì có nam có nữ, cớ sao các anh lại gọi bằng “chèo đực, chèo cái”, nghe chẳng “văn hóa” tý nào”.
Trại có một mật độ chuyên viên y khoa cao nhất thế giới, trong số hai ngàn người (tù) thì có đến hai mươi bác sĩ (cũng tù). Tất cả đều phải lao động khổ sai như nhau, đập đá, đốn củi, ngâm mình dưới nước để kéo cày thay trâu…, trong khi trên bờ đê, cán bộ cầm cái roi dài quất qua quất lại khiến cho tù ở dưới ruộng không hiểu là mình đang còn ở kiếp người hay đã đầu thay qua kiếp khác làm trâu bò.
Phần điều trị được nhường lại cho những người ngoài ngành y tế được lựa chọn theo tiêu chuẩn hạnh kiểm và mức độ hợp tác. Tuy nhiên, bất đắc dĩ bệnh xá phải giữ lại một vài bác sĩ tù để vừa giúp đỡ trong việc chuyên môn, để đọc các tên thuốc bằng ngoại ngữ, vừa để làm kiểng cho phái đoàn ngoại quốc xem, vừa để dạy cho các bác sĩ (không phải y khoa) cách mạng ống nghe, cách bắt mạch v.v…
Người được chọn ở lại bệnh xá là một đồng nghiệp đàn anh, từng tốt nghiệp đại học Paris khi tôi chưa vào trường y khoa, từng giữ nhiều chức vụ điều khiển trong ngành y tế miền Nam, nay đã lớn tuổi được anh em rất nể nang nên tôn làm “đại ca”. Đại ca còn có thêm biệt hiệu nữa là “Vua cháo heo” vì thỉnh thoảng được anh em nuôi heo cho cán bộ, thương tình làm ngơ để cho múc một lon cháo heo (dĩ nhiên là béo bổ hơn cơm tù ) rồi vụt chạy cho cán bộ khỏi thấy. Thế là tối hôm đó được một đêm huy hoàng. Sau khi chiếc khóa sắt nặng nề rột rạt khóa kín cửa chuồng lại, chúng tôi bao quanh đại ca, bên cạnh lon cháo heo bốc khói thơm phức, vừa xem đại ca lim dim đôi mắt thưởng thức từng hạt bo bo cháy khét mà tưởng chừng như ăn trứng caviar, vừa để đại ca kể lại cho đàn em nghe những ngày vàng son còn du học trên đất Pháp, những đêm liên hoan trên đường phố Montmartre Paris…
Chỉ huy bệnh xá là một bác sĩ ngành công an, luôn luôn nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nghi ngờ đầy mặc cảm, có lẽ đã đọc được trong phiếu lý lịch của chúng tôi một tội danh lạ đời: “Can tội: bác sĩ”. Một hôm tịch thu được hộp dụng cụ tiểu phẫu trong đó có cây kềm Michel giống cái kéo, dùng để gỡ các móc da, bác sĩ loay hoay mãi không biết làm sao, cuối cùng chê: “Kéo với kiết, thế này thì làm sao cắt được, dốt thế!”. Mắt bác sĩ đã quen nhìn những lọ Pénicilline Trung quốc làm bằng một thứ chai đục ngầu, bọt lỗ đỗ, nút lọ được khằn kín bằng sáp như thuốc “cao đơn hoàn tán”, nên khi gặp một lọ Pénicilline bào chế ở miền Nam, rất kinh ngạc vì kỹ thuật sai biệt, và khi thấy trên lọ mấy chữ: “Laboratoires Ténamyd Thủ Đức”, bèn mừng rỡ khoe với chúng tôi: “Thuốc của Đức đấy, xã hội chủ nghĩa anh em ta đấy”.
Dưới trướng của vị luơng y này là một ban chuyên môn (không phải y khoa) gồm đủ thành phần. Một anh có hoa tay đục đẽo, chạm trỗ, biến các lon sữa Guigoz thành những hộp thuốc lá, cái lược, cái vòng, tinh vi như những nữ trang thứ thiệt để lương y đem về tặng thân nhân hoặc… đổi chác. Một anh ngành quân cụ lo bảo trì chiếc xe đạp “hữu nghị” mà người cỡi cũng hãnh diện như lái chiếc xe Mercedes vậy. Một họa sĩ có biệt tài biến hóa những gương mặt trong gia đình lương y từ một tấm ảnh nhăn nheo vàng khè thành những chân dung sạch sẽ khôi ngô, và lương y cũng không dấu được sự hài lòng khi thấy khoác lên ông cụ thân sinh chiếc khăn nhiễu, cái áo gấm, trông rất “quan “, còn phu nhân và ái nữ cũng được mặc chiếc áo dài mà ngoài đời họ chưa bao giờ sờ tới. Riêng bản thân lương y, khi đề nghị mặc bộ âu phục cho oai thì lưỡng lự hồi lâu rồi buồn rầu trả lời: “Chớ! không nên, nhỡ trên biết được thì khốn”, nên đành chấp nhận bộ đồng phục công an vậy.
Về phần điều trị, có lẽ Đảng đã sáng suốt thấy rõ sự lúng túng của lương y, nên chỉ thị cho quốc doanh cung cấp dược phẩm dưới hình thức “viên” hết sức đơn giản, hễ đau ở bộ phận nào thì đã có những viên tương ứng: viên gan, viên dạ dày, viên phổi, viên tim, viên xương, viên khớp v.v… Ban đêm nếu có tiếng kêu cứu từ các phòng vọng ra, thê thảm xé nát sự im lặng nặng nề của trại tù về đêm, rồi cứ lặp đi lặp lại mãi như dội qua vách núi, cho đến khi lương y khệnh khạng đến, cho ống nghe qua một khe nhỏ để khám bệnh nhân ở trong phòng rồi hoặc phát cho vài “viên”, hoặc bắt bệnh nhân dán mông đít vào song cửa sắt chích cho một mũi thuốc để chờ tới sáng. Cũng trong hoàn cảnh đó, một Thượng Nghị Sĩ nổi tiếng ở Sài gòn, bị trúng độc vì ăn sắn sống, trộm được lúc ban chiều khi đi lao động, đã phải chờ mãi cho tới sáng hôm sau, khi được đưa ra khỏi phòng thì đã quá trễ.
Một buổi chiều nọ, khi đi lao động về, anh em ngạc nhiên chứng kiến một hiện tượng lạ thường: trại được sơn phết lại trắng xóa, trên vách tường lại vẽ thêm những bông hoa màu mè sặc sỡ, có lẽ vì cây cảnh thật đã bị tù bứt lá bẻ hoa không đủ đem lại vẻ vui tươi cho nhà tù. Giữa sân lại có cảnh nhóm chợ trời, cán bộ bày bán thịt tươi, rau sống cho anh em tù nào còn dấu đút được chút tiền còm tung ra mua ăn bồi dưỡng. Những người giàu tưởng tượng cho truyền ngay một câu sấm, không biết có phải của Trạng Trình không:
“Bao giờ tường đá nở hoa,
Nhà tù nhóm chợ thì ta…ra về”
Về đâu chẳng thấy nhưng truớc mắt là phải ráo riết chuẩn bị doanh trại để đón tiếp một phái đoàn ngoại quốc quan trọng, một công tác làm đảo lộn hẳn nếp sống hằng ngày, để được đền bù bằng một chút an ủi mơ hồ là còn được người đời biết tới.
Ngay tối hôm đó, một số nhạc cụ kể cả cây dương cầm nặng nề được hì hục chở về từ Hà Nội để cho ban nhạc tha hồ tập dượt mãi tới khuya . Tiếng nhạc vang lên từ một góc núi làm khuây khỏa trong chốc lát những u uẩn của tù nhân. Thỉnh thoảng một vài bản “nhạc vàng” được chơi lén, tiếng réo rắc của “Diễm Xưa”, “Nắng chiều” gợi lên một nỗi nhớ nhà vô biên, mà lỡ cán bộ có hỏi tới thì anh em đã sẵn câu trả lời: “Nhạc Cuba đấy”,thế là yên.
Căn phòng chật chội hôi hám trong đó hằng mấy trăm mạng người chen lấn giành giựt từng ly, từng phân trên cái tiêu chuẩn hai bàn tay cho mỗi người, nay được thu dọn thành ba mươi chỗ nằm rộng rãi tươm tất, với chiếu hoa mới toanh, chăn len thơm phức, sắp xếp thẳng tắp như trong một quân trường.
Từ mờ sáng, ngoài thành phần ở lại để trình diễn, còn tất cả phải lũ lượt kéo nhau thành từng đàn qua các đường mòn khúc khuỷu để vào trốn sâu trong núi. Các anh em bệnh nặng thì được cõng, gánh hoặc khấp khểnh lết đi thật xa để khuất khỏi tầm mắt trong sáng của người ngoại quốc cái hình ảnh vẩn đục thê thảm đó.
Bệnh xá này nhường lại cho những con bệnh mới, không có bệnh nhưng có một thể xác chưa tàn tạ nhờ có thăm nuôi, lúng túng học thuộc lòng những căn bệnh thời đại do “tàn dư Mỹ Ngụy để lại”: sơ gan vì rượu chè, lên máu vì nhậu nhẹt, nghẽn mạch máu vì xì ke, ma túy… Gọn gàng sạch sẽ trong những bộ đồ ngủ mới toanh, trên mỗi đầu giường có chưng thêm một hộp sữa cũng “kiểng” như bệnh nhân, nghĩa là sẽ được thu hồi ngay sau khi phái đoàn ra về.
Ban thể thao, bóng chuyền, bóng bàn, trong đồng phục gọn ghẽ vui mắt, ra sức “tranh thủ” để được bồi dưỡng thêm mấy củ khoai. Từ sáng sớm ban nhạc đã inh ỏi trổi lên những bản nhạc hùng khối cộng sản, gây không khí vui nhộn làm cho quan khách có cảm giác là đi chơi chợ phiên hơn là đi thăm nhà tù.
Không hiểu là một phần thưởng hay là một cực hình tủi nhục cho những ai được chọn để ngồi ăn một bữa cơm “xoàng” mà trong suốt cuộc hành trình cải tạo họ chưa bao giờ được nếm. Thực đơn, được dán ở cửa, gồm có cơm trắng (một hiếm hoi trên đất Bắc) và thịt lợn, rau muống (một điều lạ trong nhà tù). Bữa cỗ được diễn tiến theo một lịch trình khắt khe: ngồi vào bàn khi phái đoàn rời Hà Nội (8 giờ sáng), cầm đũa khi họ đến cổng trại (10 giờ sáng) để cho bao tử cồn cào tiết chất chua, nước mắt nước mũi chảy dài vì ngỡ ngàng trước mấy món ăn thơm phức béo bổ, cứ thế mà chịu đựng cái cực hình sinh lý đó suốt mấy tiếng đồng hồ, hai tay thì cứ tuyệt vọng vùng vẫy trong một thứ còng vô hình cho đến khi bóng dáng của phái đoàn cứu tinh xuất hiện ở ngưỡng cửa mới được lệnh cho thức ăn vào miệng (1 hoặc 2 giờ trưa).
Phần trình diễn của bệnh xá được mở màn khi phái đoàn đặt chân vào trại. Bác sĩ trưởng, trong bộ áo bờ lu lụng thụng, chiếc nón vải che khuất chân mày, trịnh trọng đặt ống nghe vào bệnh nhân ngồi trước mặt, rồi cứ giữ tư thế đó như một pho tượng sáp cho tới khi phái đoàn đi qua. Lẽ cố nhiên “đại ca” của chúng tôi cũng có mặt tại bệnh xá với một chỉ thị nghiêm khắc: không được nói tiếng ngoại ngữ và cố tránh mặt phái đoàn chừng nào hay chừng đó. Một nhà báo Pháp hỏi đại ca: “Anh biết tiếng Pháp không?”. Vì đã được dặn trước, đại ca phải chờ cho thông dịch viên Bộ Nội vụ dịch xong để chứng tỏ rằng mình không hiểu được câu hỏi, rồi mới trả lời “Không”. Nhà báo hỏi tiếp: “Anh tốt nghiệp ở đâu?”. Câu hỏi bất ngờ này không được ban giám thị cho học tập trước, nhưng cũng vẫn chờ được dịch xong như thường lệ, đại ca mới trả lời: “Y khoa Đại học Paris”.Nhà báo bàng hoàng, ngạc nhiên như khám phá được một điều gì bí ẩn, một cái gì bất thường, tò mò hỏi tiếp thì được biết vợ anh là người Pháp, hiện sinh sống ở Paris, nên mừng rỡ chụp cho một tấm hình rồi ân cần thêm: “Tuần sau vợ con anh sẽ nhận được”, lòng hân hoan phấn khởi vì vừa làm được một nghĩa cử trọng đại.
Chưa kịp mừng thì tai họa đến ngay. Sau khi phái đoàn ra về, thì ông bạn già của chúng ta, nạn nhân của lòng vị tha nhân đạo kiểu Tây phương, bị bác sĩ trưởng bệnh xá và ban giám thị gọi lên mắng nhiếc thậm tệ, bắt kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, để rồi, bắt đầu từ hôm sau, hằng ngày phải ra lao động, đập đá, kéo cày, ngâm mình dưới ruộng như hàng ngàn, hàng vạn anh em tù khác. Ngày tôi về, đại ca còn ở lại, tiễn đưa tôi bằng cặp mắt đã hết nước mắt và hẹn tôi ở… kiếp sau!
Dư âm nặng nề của cuộc viếng thăm và vì tấn tuồng đóng vụn, làm cho cơn lôi đình của lương y đã trút hết lên đầu chúng tôi, nay không còn khoác áo Từ Mẫu nữa mà lại đội lốt… Ác Mẫu.
Phương Vũ Võ Tam Anh

TÂM HIỀN 8 VƯỢT BIÊN



Tản mạn trước khi vào đề:(Trong nầy Tâm Hiền tôi có thay đổi một số tên hay địa danh, nhằm tránh có hại cho một số người quen còn sống trong nước, một vài tên đường cũ có khi biết nhờ lúc về thăm lại quê nhà năm 1994, ngoài ra các tên đường khác thì đành chịu) Từ ngày bước chân vào nhà tù lớn, chấm dứt cuộc sống tối tăm của nhà tù nhỏ, TH trở lại Sàigòn vào những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, không thể trở về căn nhà chính thức của mình ở cư xá Lữ Gia xưa vì họ đã chiếm dụng và sang tay lâu rồi, mình phải tìm về địa chỉ cũ của thời thơ ấu trên đường Nguyễn Đình Chiểu (không nhớ tên mới sau nầy) lối vào khám Chí Hòa nổi tiếng một thời, nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, những con hẻm lắt léo đến trường tiểu học Chí Hòa và cũng là nơi mài đủng quần trong thời gian tiểu học với những ông Đốc học với cây thước kẻ kẹp nách, ông giám thị cùng đôi mắt nghiêm nghị khó tính mà mình sợ như hổ báo, co rút thân hình đã nhỏ bé lại càng thêm nhỏ bé núp vào góc tường, bụi hoa hay thân cây chờ đi qua khuất, im bặt tiếng cười vui cùng bè bạn, với rạp chiếu bóng Thanh Vân nằm trên đường Lê Văn Duyệt mà nay tên đường đã đổi thành Cách Mạng tháng Tám, một cuộc cách mạng theo chân các đàn anh Cộng Sản gây biết bao đau thương cho dân tộc, nơi nhiều lần nắm tay người lạ để xin xem “cọp”, với chợ Hòa Hưng ngay ngã tư Lê Văn Duyệt và Tô Hiến Thành nơi cũng từng lang thang trong những buổi tới trường trể bị đóng cửa không vào học được, với những con rạch chảy ra từ nước thải sau lưng khu nhà Thống tướng Lê văn Tỵ đường Tô Hiến Thành không ngăn cản nổi lòng “yêu nước” của cậu bé tiểu học, quăng cặp, cởi áo nhào xuống tập bơi trong một con rạch nhỏ nơi quy tụ của biết bao nguồn nước thải đôi khi nước đục ngầu biến dạng thành màu xẩm đen. Đó là địa chỉ của bà ngoại, tuy vậy vẫn phải ở lậu (dân chơi không cần hộ khẩu, nói theo cách của dân sống lậu thời đó) vì xin tạm trú không ai cho nhất là biết mình là thành phần tù “ct” (cựu thù, cải tạo hay chính trị cũng đồng nghĩa như nhau), nhưng với một chút khéo léo lợi dụng thời thế (nguyên là có một bà bạn trước kia là bạn thân hồi nhỏ của má TH, nay ăn theo phe địch giữ chức vụ Hội trưởng hay là gì gì đó của Phường trong việc vận động các phụ nữ vào Hội Phụ Nữ Phỏng G… làm trung gian giới thiệu với tên Công An khu vực, nhớ lại khi đó tôi có cắc cớ hỏi thăm về cuộc sống thì bà ta trả lời, Cách mạng vô rồi, đói mà ăn muối vẫn sung sướng, thế mà năm 1994 gặp lại, gia đìnbh sa sút, chân Hội trưởng bị cắt bỏ vì hơi bị dốt, cũng câu hỏi năm xưa khi tôi nhắc lại thì bị bà phán cho một câu: Mẹ mầy, đói không có muối mà ăn con à, nói gì gạo và chửi chính quyền bằng đủ ngôn từ khó diễn tả được), là nhận dạy bổ túc văn hóa riêng cho anh chàng công an khu vực quê của ba mươi sáu thôn vườn trầu dốt đặc nên được “vô tư” sống lén, sống lậu, ngoại trừ mỗi khi có cuộc rùng bố khám xét hộ khẩu và được bắn tin trước là dọt qua bên kia đường Lê Văn Duyệt (nay gọi là Cách Mạng Tháng Tám, bên nầy là quận 10 còn bên kia là quận 3) thuộc quận Ba và chờ tín hiệu để quay về đánh giấc tiếp tục.


Sống trong tư thế “không hộ khẩu” và cũng không được chấp nhận tạm trú, vì họ muốn mình phải lên sống những vùng có cái tên khó hiểu “kinh tế mới” nên càng ngày càng thấy quá mỏi mệt vì phải tránh né, thế rồi một ngày đẹp trời mình lội bộ xuống rạp Quốc Thanh trước Tổng Nha Cảnh Sát cũ với một người bạn là nhạc sĩ Hoàng Tùng, mình lại quen với anh Duy Khánh hiện đang xúc tiến việc mở đoàn văn nghệ Tân nhạc mang tên “Tiên Phong”, sau khi nghe hoàn cảnh của mình, nhất là mình có nghề hội họa nên bị “dụ dổ” theo đoàn, cọng thêm sự khuyến khích của Hoàng Tùng là sẽ cùng tham gia nên mình có quyết định theo đoàn tân nhạc nầy. Thế là cuốn gói nhập băng nhậu với ông “Bầu” Duy Khánh ngay và cũng từ đó mình quen thêm nhiều bạn khác như kèn đồng Quỳnh Hoa, sáo thần Nguyễn Đình Nghiã, tài tử Nguyễn Chánh Tín, ca sĩ Bảo Yến, ảo thuật gia Mạc Can v.v… nhiều quá không nhớ hết nổi.


Sau hơn sáu tháng lưu diển nhiều nơi lúc đắc lúc ế, riêng mình nghèo vẫn hoàn nghèo, vì lở theo chân các đồng môn lưu linh nên tiền đến tay này thì bay sang tay khác, quá nản chí vì trong thâm tâm mình là theo đoàn đến những vùng đất có thể tìm cách vượt biên được dể làm một chuyến vì kẹt một nỗi là mình không có giấy tờ tùy thân để đi lại vì sống lậu, do đó mình chỉ xài tạm những giấy giả do chính mình “tự biên tự diển” mà thôi. Một hôm đoàn trở về Sàigòn chờ anh Duy Khánh kiếm thêm hợp đồng ca sĩ mới, ngồi trong một quán cà phê gần rạp Hưng Đạo, nơi tập trung nhiều nghệ sĩ, ca sĩ cùng giới “Bầu sô” mình gặp một anh phụ trách ngoại giao của một đoàn cải lương miền Tây đang lên xin phép nhập thành phố, sau vài ba câu chuyện kèm theo vài cốc ba xi đế câu chuyện cởi mở thêm ra, anh ấy mời mình về cộng tác khi biết mình là họa sĩ và điêu khắc, cuối câu chuyện anh ta cho mình biết là đoàn đang trình diển tại Cai Lậy và điểm kế tiếp là Cái Bè, nếu mình thích có thể đến để gặp gở anh trưởng đoàn để trao đổi và ký những hợp đồng chấp thuận theo đoàn.


Sau mấy ngày do dự, nằm chờ kết quả của anh “Bầu” Duy Khánh, tiền thì cạn dần nên quyết chí làm một cuộc thay đổi thữ thời vận nữa là lên xe đi Cai Lậy. Rạp hát cũng dễ tìm vì nằm sát bên hông chợ cách bến xe cũng không xa, sau khi gặp gở anh em phụ trách đoàn và nhận tiền chi phí di chuyển (thông thường sau khi thỏa thuận, đoàn sẽ trích một số tiền làm lộ phí cho mình gọi là lộ phí về đoàn không nhiều nhưng đủ tiền mua vé xe đò như một cách buộc chân) cùng công việc ngoài mong đợi là phụ trách tài chánh cho đoàn, chắc có lẽ anh em tin vào khả năng văn hóa của mình. Riêng TH thì có cảm nghĩ khác vì đoàn thì thường lưu diển miền tây và thường thường hay đến các vùng biển như Rạch Giá, Cà Mau, Minh Hải v.v… làm mình có nhiều hy vọng thêm cho ý định vượt biên đã manh nha từ lâu trong đầu. Nhưng ý nghĩ vẫn là ý nghĩ nên mọi chuyện vẫn trôi qua gần nữa năm không có gì tiến triển hơn, dầu vậy trong khoảng thời gian nầy mình học hỏi đường đi nước bưóc nhiều và quen biết không ít một số người từng có kinh nghiệm vượt biên kể cả những tay chuyên nghề bến bải qua những trận nhậu làm quen.


Một hôm đoàn về hát tại Gò Đen thuộc huyện Bình Chánh, thấy gần nhà nên đón xe về thăm gia đình và thăm bạn bè, trong một tiệc nhỏ trong gia đình một người bạn thân hỏi mình biết gì về cải lương mà theo đoàn hát, mình bèn cười trừ và nói thật ý nghỉ trong lòng mình cho bạn nghe, nào ngờ bạn mình lại đưa ra ý kiến là muốn mình làm người dẫn đường cho khách ở Sài gòn ngược lại mình được hưởng ưu ái (lấy công làm lời) đi không phải tốn tiền mà còn được dẫn thêm một người nào đó để hưởng lợi, nói thiệt vì là bạn bè rất thân nên mình mới không ngại ngùng cũng như không dám nghi ngờ, vã lại mình có tiền đâu mà tính chuyện vượt hay không, ngoại trừ có những phép lạ như thế. Thôi thì đành chấm dứt sự nghiệp cải lương kể từ hôm nay để lo chuyện vượt thoát.


Trước tiên mình chỉ dám thố lộ với những ai mà mình có thể tin tưởng nhờ những người nầy dùng uy tín cá nhân họ giúp mình mà thôi, qua vài cuộc gặp gở mình cũng học thêm được cách xoay trở ứng phó, nhất là chưa nhìn thấy chiếc tàu chiếc ghe ra làm sao lại không biết nằm ở khu vực nào, ghe bao lớn, trọng lượng và sức chứa như thế nào thì làm gì có người tin mình được, nhưng có một điều mình có thể tin tưởng là những cá nhân mình trao đổi qua, không một ai cho mình là nói láo, lừa bịp. Đó cũng là niềm hảnh diện còn sót lại cho một người không còn gì để mất trong xã hội lừa đảo tận cùng nầy, như một số bạn trẻ trong nước thường gọi mĩa mai “Xứ Lừa”.


Sau khi nghe những cảm nghĩ và ý kiến của một số khách hàng mà mình tiếp xúc được, bạn mình quyết định làm một chuyến “thực tế” xuống địa điểm xuất phát nơi chiếc tàu đang đậu, người cậu ruột đương sự cũng là dạng người khôn ngoan nhiều kinh nghiệm, trong lúc chuẩn bị vượt mà vẫn đến chính quyền xin giấy phép nới rộng gia cư, làm cho không ít người được móc nối nghi ngờ là ông ta dùng tiền đó để tu bổ cho riêng tư cá nhân, sau khi nghe giới thiệu về cá nhân mình, ông cậu mới tâm sự trong một cuộc rượu (đa số dân miền Nam gặp nhau là nhậu cái đả, gọi là tẩy trần không biết có đúng nhỉ) rằng để tránh sự dòm ngó của địa phương nên ông cắn răng làm điều đó, vì khi ký một giấy tờ gì thì cũng phải chung chi từ trên xuống dưới mới trot lọt, vì vậy địa phương không mấy quan tâm đến ông ta dù bên ngoài cũng có kẻ xấu miệng rầm rì bàn tán. Ngày hôm sau ông đưa hai chúng tôi lên ghe làm một chuyến cào với cái cào mới mua để ngụy trang.


Sau mấy ngày sống với ông cậu của bạn tôi, tôi hiểu ông thêm ít nhiều nhất là tính mộc mạc đơn sơ nhưng cũng hiểu biết rộng rãi nhất là khả năng đi biển tạo cho tôi nhiều niềm tin tưởng về chuyến hải hành trong tương lai gần đây. Giả từ ông chúng tôi trở lại Sài gòn tiếp tục công việc như đã định với những nhận xét cá nhân cũng như biết rõ địa điểm, kích thước chiếc ghe, kinh nghiệm từng trãi của người chủ tàu v.v…





Chương Một - Một chuyến ra khơi





Phần 1: - Vượt biên lần thứ nhất





Khi trở lại Sài gòn, mình tìm đến thăm vài người bạn thân mà mình có thể tin tưởng vào sự kín miệng của họ và ngỏ ý định rũ họ vào cánh của mình, nhưng đa số không có khả năng tài chánh để trang trải dù chỉ trã trước một nửa cho phí tổn ăn uống, xăng dầu trong cuộc hành trình, tuy nhiên qua các bạn nầy mình bắt liên lạc được một số người Việt gốc Hoa trong Chợ Lớn và những người Hoa đó thỏa thuận trã trước một nửa và chỉ khi nào người thân của họ có tín hiệu an toàn ra khơi thì người nhà sẽ chung chi cho người liên lạc tại Sài Gòn phần còn lại. Sau hki được vài người nhận lời và ứng trước một ít, tạm coi như gây được niềm tin với anh em trong nhóm tổ chức của bạn mình, đồng thời mình cũng vững tinh thần và mạnh miệng trình bày công việc cùng kế hoạch đi đứng hơn khi trước rất nhiều, “hồ hởi và phấn khởi” (xài từ thời thượng… cổ kẻo một mai sẽ quên đi) mình lại tiếp tục tìm khách trong thân nhân quyến thuộc của mình chớ chưa dám tìm người lạ trong những chuyến đi lên đi xuống dò đường hay “ém” người về các địa điểm gần đó chờ giờ K. Mình lại nảy sinh ra một nghề chẳng đặng đừng mới là buôn chuyến kiếm thêm sở phí cho việc đi lại nhờ vào những thân nhân mình ngỏ ý mời cộng tác nhưng họ viện cớ bằng nhiều lý do để từ chối khéo một phần vì sợ khó qua cuộc vượt đầy sóng gió và bắt bớ, một phần ngại bị lường gạt vì lúc nầy chuyện lường gạt và gài bẩy để cướp trắng trợn xảy ra thường xuyên, nhưng ngược lại họ giúp mình bằng cách cho mượn hàng đem đi bán trước trã sau, nhờ vậy cũng kiếm được thêm ít nhiều tài chánh bổ sung cho ngân quỷ hạn hẹp của mình và nhất là quen thêm một số bạn hàng qua những cuộc buôn chuyến bất đắc dĩ nầy kể cả các mặt hàng cấm như thuốc tây, đá lửa, kim may dĩ nhiên là các món hàng nhỏ có thể xách tay hoặc dấu trong mình .v.v….


Trong những ngày vất vả ngược xuôi, mình đen hơn và giống tay thương buôn Hai lúa miệt vườn hơn là tay bắt mối vượt biên kể cả ngôn ngữ thương lái học lỏm được, dĩ nhiên là dễ qua mắt nhiều người kể cả thân nhân cùng vài nhà hàng xóm lân cận và từ đó họ không thèm thắc mắc sự vắng mặt thường xuyên của mình vì cho rằng mình đi buôn bán phương xa mà mỗi lần có khi kéo dài cả tuần lễ hay mươi ngày. Sau những chuyến hàng nhỏ mang về bỏ mối lại kiếm lời, mình đáp ứng theo nhu cầu của địa phương những nguồn cung cấp cần thiết, đôi khi là mặt hàng hiếm hay cấm đoán vì dễ bị mất vốn trắng tay cho nên mỗi lần xuống mình mang thuốc tây về bỏ mối lại cho họ rồi trao đổi những thứ cần và có giá tại Sài Gòn như vậy song phương cùng có lợi, vả lại mình lại có nhiều thời gian hợp lý với tư cách thương buôn tìm nguồn hàng nên dễ la cà ở đó nhiều hơn và lâu hơn, tìm hiểu phương tiện đi lại, đường bộ lẫn đường sông, học hỏi cách phân bổ của sông rạch và các ngỏ ngách trong vùng bổ sung cho kiến thức “tẩu vi thượng sách” trong trường hợp khó khăn sau nầy, vỉ thời gian sống trong đoàn cải lương không lâu và tiếp xúc bên ngoài chưa đầy đủ lắm.


Sau mấy tháng chuẩn bị chu đáo, nhận được tín hiệu chuyển người, mình phải phân “khách” ra thành những nhóm nhỏ và chia nhau ra đi dẫn đường với lý do về lo đám cưới, rể là một trong số anh em bạn mình, dâu là khách đã đồng ý vì có thể họ sẽ chính thức lấy nhau sau khi chuyến đi thành công. Cậu của bạn mình lo thủ tục xin phép đám cưới tại địa phương vì cậu thay mẹ lo cho cháu (dấu không cho biết bà chị còn sống sờ sờ tại Sài Gòn sau nầy qua theo diện H.O. sống tại Houston, Texas, một cách qua mặt chính quyền địa phương mà thôi). Nhóm của bạn tôi về trước một ngày, các nhóm khác sẽ theo tôi và các bạn trong nhóm về ngày sau thành ba đợt với quà cưới giống như thân nhân hai họ về dự đám cưới vì có nhiều trẻ em đi theo như một cách qua mặt tai mắt địa phương mặc dù ông cậu cũng đã gởi thiệp cưới quà cáp mời các quan chức tai to mặt lớn tại chổ tham dự.


Mọi việc được tiến hành trót lọt một cách tốt đẹp, sau phần nghi lễ chính thức của đám cưới như lạy ông bà và thân nhân hai họ rồi giới thiệu cô dâu chú rễ y như thật, khách khứa ở lại nhâu nhẹt với dân địa phương mà không một ai tỏ ý nghi ngờ là đám cưới giả vì thấy cô dâu chú rể rất tâm đầu ý hợp đi đâu cũng có đôi (có lẻ họ chịu nhau thiệt hay đóng kịch giỏi mà cũng có thế tình yêu bắt đầu đến với hai trẻ). Tối hôm đó, sau khi hội ý với cậu của bạn mình, chúng tôi phải chuyển các em nhỏ xuống ghe trước cùng một số thủy thủ săn sóc chúng với lý do nhà chật, nhưng thật ra là sợ các em khó kín miệng và được các phụ huynh đồng ý mà thật ra họ cũng muốn con em của họ xuống trước cho chắc ăn. Vì thế cho nên khuya đêm đó đó sau khi tan tiệc, chúng tôi chia nhau hướng dẫn khách về các nhà đã thỏa thuận vì nhà chủ gia không lớn gì mấy lại đang sửa chửa, đây chỉ là một phương cách ém người hợp lý mà không cho dân địa phương có thời gian nghi ngờ để chờ giờ tiến hành và đợi tín hiệu xuất phát ra điểm hẹn.


Quá nữa đêm, thấy ánh đèn bên nhà cậu lóe rực lên theo tín hiệu vì ở quê ít người thắp đèn sáng mà chỉ dùng đèn dầu để tiết kiệm, nên chúng tôi từng nhóm ở các nhà dẫn khách lội xuống các rừng tràm sau nhà theo chân của hướng dẫn viên địa phương tiến lần đến khu vực đã định để khi tàu đến sẽ lội ra vì nước ngập tới khoảng ngang bụng mà thôi, phụ nữ và các em gái thì có đám thanh niên giúp đở rồivà không xa lắm chỉ chừng 500 mét từ bờ đến điểm chờ nhưng vẫn mất hơn nữa tiếng vì nắm tay lần mò trong đêm tối.


Khoảng ba giờ sáng thì chợt nghe có tiếng súng nổ văng vẳng, nhưng càng lúc càng gần, mọi người hoảng hốt, mặc dù anh em chúng tôi cố trấn tỉnh họ, nhưng khi nghe tàu tuần của biên phòng đến gần với ánh đèn pha quét ngang quét dọc kèm theo vài loạt súng, thì mọi người mạnh ai nấy chạy, nhóm của tôi 6 người men theo rừng tràm mà tôi biết rõ do đó tôi hướng dẫn mọi người chạy theo con đường tôi nhớ trong mấy lần theo ông cậu hướng dẫn về phía cơ quan xã phía tay trái của nhà ông cậu, nhưng tới đất liền thì rẽ sang phải rồi thẳng ra chợ. Tại đây chúng tôi rửa ráy chút đỉnh rồi đi thêm hơn 500 mét đến nhà một tài xế xe Lam nhờ anh ta chở ra bến xe về thành phố Cần Thơ như ước định ban đầu nếu bị trở ngại (anh tài xế là cháu họ, là anh em cô cậu với bạn tôi).


Sau khi mọi người an toàn lên xe, tôi nhắn anh ấy là chúng tôi sẽ quay trở lại khi nào em của bạn tôi có tin vui, ý muốn nói khi vợ em của bạn tôi có bầu (cô dâu giả) mà cũng có nghỉa là chúng tôi tạm thời thoát rồi. Anh ta cười đáp lại sẽ chuyển lời chúc mừng đó với cậu để báo tin và còn nói khi nào về nhớ ghé thăm anh ấy đồng nghĩa với việc bị trở ngại dọc đường thì nhắn với tài xế xe đò mà cũng là người quen biết bên vợ anh ta để tìm cách lo lót.


Xe tới đầu lộ “20” theo tên gọi con đường tẻ ở địa phương, trước khi đến bến xe mới Cần Thơ thì tôi chia tay với gia đình người khách và nói mình sẳn trên đường về nên luôn tiện ghé thăm gia đình thật ra theo sự hiểu biết riêng cá nhân, tôi không có nhiều thân nhân ở đây mà chỉ một vài người bà con bên ngoại hơi xa, nói đúng ra tôi đã bị một phen hú hồn rồi cần tìm chổ để bình tâm tỉnh trí một thời gian, nhân tiện tôi biết một anh bạn đang sống tại đây mà trước kia tôi có quen lúc đó anh ta còn học ở Mỹ Nghệ Bình Dương và hiện tại đang có phòng vẽ tại Cần Thơ, với 2 bộ quần áo và một chút tiền còm tôi tìm đến anh ta và ngỏ ý muốn về đây sinh sống và dấu nhẹm chuyện vượt biên đổ vỡ vừa qua. Hai vợ chồng anh ấy tiếp đón chu đáo trong tình nghệ sĩ với nhau, vì nhà cửa rộng thênh thang mà lại là một xưởng điêu khắc nữa thật không còn gì bằng thật hợp với nghề nghiệp của mình. Công việc trong những ngày tới là tôi phụ đắp và phân khuông với anh ấy cho bức tượng Quan Thế Âm cao 5 mét rưởi, không thể di chuyển lên núi, nên chỉ có thể phân ra đúc thành từng mảnh nhỏ khoảng nửa mét vuông để dễ di chuyển lên núi rồi ráp lại. Công việc nầy không mấy khó khăn đối với tôi vì đã thực hiện nhiêu lần rồi cho nên hai tháng sau mọi việc tốt đẹp, tiền anh trã cho tôi cũng hậu hỉ, tuy nhiên có một điều tôi biết là anh ta thiên về phía bên kia hơi nhiều (thiên cộng ấy mà). Trong một buổi tiệc mừng cho công việc hoàn tất, tôi vô tình phán vào mặt anh một câu “Bần cố nông” vì anh có những nhận thức hơi quê mùa, thế là cuộc tranh luận nỗ ra giữa 2 phe Quốc Cộng làm tan nát tình nghệ sĩ với nhau, do đó tôi phải chia tay giả từ anh ta để tiếp tục ra đi tìm phương tiện sinh nhai khác, lang thang xuống bến Ninh Kiều với ý định tìm về Trà Ôn nơi tôi sanh ra nhưng không lớn lên ở đây, măc dù không còn ai là thân bằng quyến thuộc ở đây nhưng chỉ đến chổ nhà mà má tôi trong thời loạn lạc của cuộc thế chiến thứ nhì 1945, đã sanh tôi ra trước khi chạy về Sài Gòn sinh sống.


Đi ngang rạp hát Minh Châu tôi thấy một đoàn cải lương đang trình diển nơi đây, ghé vào quán nước đối diện vô tỉnh tôi gặp anh Út Vân, em của Ba Vân nghệ sĩ nổi tiếng nhiều thập niên trước, anh Út Vân mời tôi qua ngồi chung bàn, lúc đầu tôi hơi bở ngở nhưng anh ấy cho biết rằng anh biết tôi qua những lần tôi đến vẽ cảnh cùng vài họa sĩ quen biết cho đoàn cải lương Kim Chung 5 (sau nầy đổi thành đoàn Sài Gòn 1) mà tôi có thân nhân là cô đào Tô Kim Hồng đang phục vụ trong đoàn trước 1975 ở Sài Gòn vào những ngày về phép nhưng lại nhớ nghề nên phụ họa cùng vài bạn như Văn Chống, Nguyễn Tăng cùng vẽ với mấy anh ấy cho vui chớ không tính tiền nông gì ngoại trừ vài bửa chè chén với nhau sau thời gian dài không gặp.


Câu chuyện càng ngày càng cởi mở hơn và nhất là lời mời của anh Chánh Trị Viên đoàn (thật ra tôi không hiểu anh ta làm việc gì trong đoàn, ngoài việc theo dõi mọi người, vì anh ta cũng giống tôi có biết hát hò gì đâu) sau đó anh ta cho biết vào thời điểm tôi đến vẻ cho đoàn là lúc anh ta đang trốn quân dịch và theo đoàn làm công nhân tiền đài như soát vé, chỉ ghế, và nhiều việc mà mình không biết chắc như lời kể hay nổ văng miển không biết (như nào là nằm vùng trong ngành cải lương, nào là đặc công thành) nên còn nhớ mài mại gương mặt tôi, dĩ nhiên anh ta không biết tôi là lính, vì thế tôi phải bịa thêm cho mình một nghệ danh mới cho hợp với hoàn cảnh chớ không dám nói thật tên tuổi trước kia. Tan buổi cà phê, anh mời tôi qua đoàn nói chuyện, vì anh có ý định tìm một họa sĩ riêng cho đoàn và nói rõ rằng anh ta với chức vụ chính thức là Trưởng phòng nghệ thuật thuộc sở VHTT của tỉnh Vĩnh Long theo đoàn trong thời gian ngắn vì chưa có đủ nhân lực nồng cốt điều hành, chớ không vững mạnh như đoàn quốc doanh Tiếng Ca Sông Cửu đang lưu diễn ở miền Trung, đồng thời anh ngỏ ý mong tôi nhận công việc phó đoàn ngoại vụ kiêm họa sĩ và hưởng hai phần lương, nói thiệt ra tôi không còn có ý định trở về sống với ngành cải lương, nhưng trong hoàn cảnh nầy thì phải tạm thời chấp chận cho qua truông với điều kiện anh ta phải lo giấy tờ chính thức để hợp thức hóa chức vụ cho tôi trong đoàn vì “biên chế” là như thế, đối với cán bộ cở gộc như anh ta thì không khó mấy và anh ấy hứa trong vòng 3 tháng là mọi chuyện sẽ hoàn tất, và thế là tôi lại một lần nữa dấn bước trở lại với cải lương dầu không biết một chữ đờn cũng như một câu ca vọng cổ hay bản vắn bản dài, ba nam sáu bắc nào cả chớ đừng nói hát Lý mả dễ nhất như Lý ngựa ô chẳng hạn.





Phần 2: - Trở lại với đoàn Cải lương





Trong thời gian theo đoàn làm công việc ngoại giao hay gọi theo cách xưng hô của trong ngành cải lương là “ngoại vụ” với công việc chạy đi xin bải bến hát cho đoàn theo chương trình và lộ trình vạch ra, mùa nào nên ra Trung, mùa nào rút về miền Tây, khi nào nhập vào Thành phố Sài gòn v.v… trước là tìm cách tránh mưa bảo hay khí hậu khắc nghiệt của từng vùng và đại loại như thế, với những kinh nghiệm trong hai lần trước nên công việc chọn điểm hát cũng không mấy khó khăn nhất là đoàn có hợp đồng với các đào kép nổi tiếng thì chỉ sợ không đáp ứng hết những lời mời của các địa phương mà mình đã đi qua, nhưng mục tiêu chính yếu của tôi là làm thế nào quen và kết thân với những tai mắt địa phương qua những vé mời, buổi rượu xả láng mà tổn phí thì đoàn phải thanh toán vì cần sự dễ dải của chính quyền địa phương như văn hóa, công an hay biên phòng trong thời gian trình diển, thông thường thì lưu diển mỗi nơi một tuần lễ nhưng có khi 10 ngày tùy vào số đào kép nổi tiếng ít hay nhiều. Sau hơn ba tháng, mình dẫn đoàn đi khá nhiều vùng từ Vĩnh Long qua Sa Đéc rồi Cao Lảnh vòng lại Cái Tàu Hạ và cũng tại nơi này đoàn rã gánh vì trời mưa liên tục gần một tháng trời, sáng bán vé chiều mưa trã vé và cứ như thế liên tục, đào kép đói meo, nợ đoàn với địa phương càng chồng chất, mình lại phải chạy về cầu cứu xin xe chở đoàn về chớ ngân quỹ đoàn không còn một xu mà đào kép hợp đồng có tiếng tăm hoặc kha khá một chút đã lên xe dông mất rồi, còn lại toàn cắc ké, nhưng vì không tiền thanh toán tại địa phương nhất là tiền mua thiếu nhiều mặt hàng cho sinh hoạt hàng ngày trong đoàn như gạo, thức ăn cho hơn năm mươi người nên không ai cho đi nếu không có tiền thanh toán.


Sau khi chở xác gánh (gồm những dụng cụ như phông màn, quần áo hát và vật dụng linh tinh khác thường gọi chung là đạo cụ) về tỉnh nhà để củng cố và tái lập lại, thời gian nầy ngoài cơm nước 2 buổi đoàn lo còn những chi phí khác cho cá nhân như ăn sáng hay cà phê cà pháo phải tự mà lo liệu lấy, do đó khi mình có dề cập về chuyện giấy chứng minh công việc ban quản trị đoàn mà anh trưởng phòng nghệ thuật hứa mấy tháng trước thì được biết chưa xong nên chỉ cấp tạm cho mình giấy chứng nhận là nhân viên của phòng nghệ thuật tỉnh để dễ mua vé xe đi lại. Thêm một lần chán nản nữa, mình mua vé xe trở lại Cần Thơ tìm kế sinh nhai khác có thể tìm cách mở một phòng vẻ quảng cáo để kiếm sống qua ngày nhờ thời gian trước khi ở đây mình kết bạn được vài anh họa sĩ hoặc về phụ cho các bạn ấy vẻ những tấm pano cho rạp chiếu bóng như mình đã từng làm trước đây khi còn ở Pleiku mình từng vẻ cho rạp Diệp Kính một thời gian, nhưng cái nợ cải lương vẫn đeo đuổi nên khi đến Cần Thơ thì gặp anh Hữu Kế, phụ trách ngoại vụ cho đoàn cải lương Cao Văn Lầu tỉnh Minh Hải (Cà Mau), vì cùng là công việc ngoại vụ của cải lương nên cả hai biết nhau qua những chuyến đụng mặt về việc xin giấy phép bải bến hát, đôi khi phải nhường nhau hoặc thương lượng bằng những buổi nhậu nên hiểu nhau khá rõ, nghe tin đoàn mình bị rã gánh thì anh ấy cho là dịp may nên bằng mọi giá kéo mình về làm phụ tá cho anh ta hầu chia sẻ công việc đi đứng, vì chị vợ anh mới vừa sanh thêm một con trai.


Sự thật mà nói tôi cũng muốn về các đoàn các tỉnh vùng biển nầy (để kiếm dịp vượt biên) nhưng không có cơ hội, mà nay được anh bạn Hữu Kế gợi ý thì mình thích quá đi chứ, nhưng vẫn làm ra vẻ do dự. Không thể vuột tôi được nên anh kéo riết tôi vào gặp Ban quản trị đoàn, còn ca tụng tôi đủ thứ như quen biết nhiều, chọn bải nhanh, có lộ trình chặt chẻ v.v… làm tôi ngượng chín người. Thêm một khía cạnh khác là chị vợ của Trưởng đoàn gốc gác nhà cửa ở gần chợ Hòa Hưng nên coi tôi là đồng hương mà nói châm vào, vì thế ban quản trị đoàn quyết định nhanh chóng mời tôi về đoàn mà không thèm hỏi thêm về lý lịch chi cả chỉ biết thời gian vừa qua tôi phụ trách tài chánh, ngoại vụ kiêm họa sĩ cho đoàn Phù Sa (mà nhiều người gọi trệch đi thành Phù Mỏ, giống như đoàn Hàm Luông của Bến Tre được gọi trại ra là Nằm Luôn vì mỗi chổ hát thường kéo dài cả tháng, còn Sóng Vang hay Sáng Dông cũng là một cách chọc ghẹo cải lương cho vui vậy) của tỉnh Cửu Long mà thôi, sau khi thỏa thuận các anh ấy ứng trước cho tôi một số tiền để làm lộ phí xe cộ di chuyển về đoàn và hẹn điểm gặp kế tiếp ở Phụng Hiệp vì đoàn ngày mốt đã dọn đi rồi.


Trở lại Vĩnh Long để thu thập vật dụng cá nhân, gặp anh trưởng phòng tôi mới cho anh ta hay ý định của tôi cùng công việc mới bên đoàn Cao Văn Lầu, anh vô cùng tiếc rẻ và cho tôi ưu tiên nếu muốn trở lại thì anh rất hoan nghinh đón tiếp. Nói thì nói vậy chớ anh ta làm sao hiểu nổi những tâm tư thầm kín của tôi, vì trước đó tôi có đôi lần muốn mang đoàn đi những vùng biển thì anh ngăn lại viện lý do là sở Văn hoá không cho phép, thôi thì chia tay Vĩnh Long.


Mấy ngày la cà ở Cần Thơ thăm một số bạn bè văn nghệ văn gừng tại đây, tôi đón xe đi Phụng Hiệp để bắt đầu cho cuộc hành trình mới.


Sau một trận nhậu để giới thiệu tôi cùng với mọi người trong đoàn, anh trưởng đoàn lại giao cho tôi trách nhiệm không phải là phụ tá ngoại vụ như đã chấp thuận trước kia mà lại là phó nội vụ cho đoàn kiêm họa sĩ, hưởng hai phần lương có lẻ như muốn giữ chân tôi lâu dài sợ tôi dông mất, nhưng khi tìm hiểu kỷ thì mới biết ý kiến đàn bà đôi khi mạnh hơn đàn ông, anh trưởng đoàn chìu ý vợ mà giao tôi trách nhiệm đó với lý do hơi tức cười là tôi giống em ruột chị ấy nhưng sao đó thì tôi cũng chính thức nhận chị ấy làm chị nuôi, có thân nhân vẫn hơn không có ai.


Công việc nội bộ thì cũng không mấy khó khăn lắm, công việc hòa giải thì nhiều hơn, theo dỏi lịch trình tập tuồng, nhắc nhở những anh em say xỉn nhiều, trong khi đó thì mình quá cha người ta cũng nhậu liên tu bất tận miễn trưởng đoàn không nói thì ai dám. Tiếp đến mình lại nhận thêm công việc tài chánh chi thu cho đoàn, không biết ý này do ai đề xướng nhưng miễn có thêm công việc thì mình hưởng thêm lương thế thôi, nhưng nghỉ cho cùng thì đây lại là tuyệt chiêu của trưởng đoàn phu nhân, vì muốn giữ chặc hầu bao của đoàn (của chồng thì đúng hơn) không cho anh ấy phí phạm, móc ngoặc với anh thủ quỹ đoàn dùng tiền chung mà ăn nhậu riêng. Cho nên công việc phải làm là xem số thu nhập mỗi đêm diển là bao nhiêu rồi trừ các chi phí như tiền hợp đồng xe, tiền chợ, tiền phần trăm cho quỹ an toàn, tiền gởi về cho nhà trẻ và tiền bản quyền cho các soạn giả v.v… và tính liền tiền lương mỗi đêm cho anh chị em trong đoàn, nhờ mình đã thực hiện bảng lương trước nên cũng dễ cho người phát lương, ví dụ mình ra quyết định trọn lương (full) thì lương người nào 50 thì lảnh 50, còn khi mình thấy số tiền khá hơn thì mình có thể cho phép phát một rưởi hoặc gấp đôi, nhiều khi ế quá mình phải quyết định “bạt tay” là 5 đồng từ trên trở xuống giống nhau.


Trong khoảng thời gian đoàn về hát tại Sông Đốc thì phát sinh một biến cố lạ.

KẺ KHỦNG BỐ CÓ LẼ ĐÃ CHẾT






Kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris có thể đã chết

 Báo Washington Post dẫn lời 2 quan chức tình báo của châu Âu cho biết kẻ chủ mưu vụ tấn công liên hoàn ở Paris có thể đã thiệt mạng trong vụ đột kích của cảnh sát ngày 18/11.

Kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris có thể đã chết 

Abdelhamid Abaaoud được cho là kẻ chủ mưu 



gây ra vụ khủng bố liên hoàn tại Paris ​tối 13/11. Ảnh: Bloomberg
Phát biểu sau khi chiến dịch kết thúc, công tố viên Francois Molin nói với báo chí rằng ông không thể cung cấp danh tính từng đối tượng tại hiện trường. Một quan chức an ninh Pháp từ chối xác nhận tên Abdelhamid Abaaoud, nghi phạm cầm đầu nhóm tấn công khủng bố ở Paris, đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, hai quan chức cao cấp của châu Âu nói với Washington Post rằng, họ đã nhận được báo cáo của chính phủ Pháp về cái chết của Abaaoud sau vụ đột kích.
Điều chưa rõ hiện tại là Abaaoud đã chết vì tự sát hay trong vụ kích nổ của một nữ nghi phạm trong căn hộ. Sau vụ việc, các chuyên gia pháp y đã đến hiện trường thu thập mẫu ADN còn sót lại của các nạn nhân.
Hơn 100 cảnh sát và binh sĩ đã bao vây căn nhà tại vùng ngoại ô Saint-Denis trong 7 tiếng. Các nguồn tin nói kẻ chủ mưu Abaaoud có mặt cùng các nghi phạm bên trong căn hộ. Abaaoud là một phần tử cực đoan người Bỉ. Y từng
tự tin tuyên bố rằng có thể đi lại dễ dàng từ căn cứ của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và các nước châu Âu.
Nếu được xác nhận, cái chết của Abaaoud sẽ khép lại một phần quan trọng trong chiến dịch truy tìm các nghi phạm còn đang lẩn trốn.​
Chia sẻ
Cảnh sát Pháp đấu súng với các nghi phạm ở ngôi nhà tại Saint-Denis. Ảnh: RT
Theo trang RT, cảnh sát Pháp đã bắn hơn 5.000 viên đạn trong vụ đấu súng
với các nghi phạm. Họ cũng bắt tổng cộng 8 người liên quan để thẩm vấn.
Công tố viên Molin nhấn mạnh: "Abaaoud và Salah Abdeslam (nghi phạm đang lẩn trốn) không có trong nhóm này".
Người phụ nữ kích nổ tự sát là vợ kẻ chủ mưu?
Một số tờ báo của Pháp và Bỉ phỏng đoán người phụ nữ tóc vàng đã tự kích nổ để tự vẫn có thể là vợ hoặc em họ của kẻ cầm đầu nhóm khủng bố Abaaoud.
Khi cảnh sát đột kích căn hộ ở vùng Saint-Denis ngày 18/11, nữ nghi phạm đã dùng súng AK-47 để đấu súng với cảnh sát, rồi tự kích hoạt khối thuốc nổ trong áo quấn quanh người để nổ tung bản thân. Vụ việc khiến 5 cảnh sát bị thương nhẹ.
Theo Daily Mail, người phụ nữ tên Hasna Aitboulahcen. Những câu nói cuối cùng của cô này là "Cứu tôi, cứu tôi". Một nhân chứng nói Hasna dường như đã khóc trước khi tự sát. Đây được xem là vụ đánh bom liều chết do phụ nữ thực hiện đầu tiên ở châu Âu.​

Ngày 19/11, giới chức Pháp xác nhận một đoạn video cho thấy có kẻ tấn công thứ 9 trong vụ tấn công liên hoàn tại thủ đô Paris ngày 13/11 khiến 129 người chết. Các đối tượng nghi phạm chia làm 3 nhóm tấn công gây chấn động Paris đêm 13/11. Đến nay, 7 tên đã ​chết trong khi những kẻ còn lại bị bắt hoặc truy đuổi.​






KHỦNG BỐ TẠI SAI GON NHỎ

   

 


'Khủng bố ở Little Saigon' có giá trị không?

  • 15 tháng 11 2015


 

Image copyright ProPublica

Phim tài liệu “Terror in Little Saigon”, cáo buộc Mặt trận Hoàng Cơ Minh dính líu năm vụ giết nhà báo hồi thập niên 1980, đang gây xôn xao trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
BBC đã phỏng vấn phóng viên điều tra A.C. Thompson, người thực hiện phim, và ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân đảng Việt Tân.
Trong phần tiếp theo, chúng tôi tìm đến giới nghiên cứu, những người đã xem bộ phim để nghe đánh giá của họ.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, từ Quận Cam, California, giáo sư sử và nhân học tại Đại Học Pepperdine.

Dù người ta phản ứng thế nào về nội dung phim, tôi cho rằng cần ngợi khen nhà sản xuất và phóng viên vì cố gắng mở lại các vụ án bỏ ngỏ này với hy vọng đưa kẻ giết người ra công lý. Đặc biệt, A.C. Thompson, phóng viên và người dẫn chuyện, cần được khen ngợi vì sự kiên trì khi tìm kiếm câu trả lời, và anh đã đi khắp nước Mỹ và sang Thái Lan.
Nhưng có những vấn đề nghiêm túc với phim này, bắt đầu là tựa đề. Thật không may khi họ đặt “khủng bố” và “Little Saigon” chung như thế. Chữ “Terror” đã mang ý nghĩa bi thảm hơn từ ngày 11/9. Mặc dù “terror” và “terrorism” không phải là một, tôi cho rằng với người Mỹ gốc Việt, đặc biệt những người chỉ xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, họ xem chúng là một. Đặt cùng với “Little Saigon”, nó ám chỉ một cộng đồng tham gia hoạt động vô đạo, phi pháp.
Sự sụp đổ nhanh chóng của Sài Gòn đem lại cơn sốc nặng cho người Việt gắn bó với Việt Nam Cộng Hòa. Cơn sốc đó tạo ra nhiều phản ứng: đau khổ, suy nhược, buồn bã, và cả khao khát đảo ngược sự mất mát, phục quốc. Hậu quả của cơn sốc này, là chủ đề tôi đang nghiên cứu, là một giấc mơ ngược về tâm lý, rằng Việt Nam có thể thoát khỏi cộng sản nhờ bạo lực.


Image caption Trận Xuân Lộc: Cần hiểu giấc mơ giành lại Miền Nam sau 1975 của các cựu quân nhân VNCH
Giấc mơ giải phóng Việt Nam khỏi cộng sản là sâu rộng, không chỉ trong vài cựu sĩ quan, lính của quân đội miền Nam cũ. Hiểu được bối cảnh lớn hơn này dĩ nhiên không để tha thứ cho các vụ tội ác. Nhưng nó giúp giải thích các hoạt động không hợp pháp đằng sau các vụ đó.
Bộ phim này tình cờ cũng chứng tỏ nhu cầu cần hiểu rõ hơn lịch sử của người Mỹ gốc Việt. Bối cảnh mất nước và tính bạo lực, chưa nói đến lịch sử phi cộng sản lâu dài ở Việt Nam và sự sụp đổ Sài Gòn, hoàn toàn không có trong phim.
Xem thêm nhận xét của tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn ở blog của ông.

Vũ Đức Vượng, Chủ biên trang trongnguoi.net.

Khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt năm 1975, tôi đã xong bằng cao học ở Mỹ và cơ quan International Institute ở St. Louis, Missouri, mời tôi về lo chương trình định cư cho người tỵ nạn từ Việt Nam. Tôi bắt tay vào việc hồi đầu tháng 7/1975. Từ năm 1983 tới 1997, với chức vụ giám đốc Trung Tâm Định Cư Người Tỵ Nạn Đông Nam Á (Center Southeas Asian Refugee Resettlement) đặt trụ sở tại San Francisco với 4 văn phòng trong vùng Vịnh, kể cả San Jose, California, tôi đã tổ chức Trung Tâm thành một cơ quan xã hội phục vụ người tỵ nạn tại Mỹ, với mục đích chính là giúp đồng bào hội nhập vào mọi khía cạnh của xã hội Mỹ.
Hai thập niên 80 và 90 là thời gian cộng đồng người Việt tại Mỹ còn trải qua nhiều thăng trầm: thuyền nhân và các em lai, sau đó là các cựu tù chính trị, được Mỹ đón nhận khá nhiều; tương lai những người đã tới Mỹ chưa được ổn định; chính phủ Mỹ còn cấm vận đối với Việt Nam; trong khi một thế hệ mới đang hội nhập vào nước Mỹ thì thế hệ cha mẹ họ còn phân vân sẽ ở đây mãi hay còn hy vọng trở về...
Trong bối cảnh này, có nhiều luồng dư luận, nhiều chính kiến, cũng như nhiều hội đoàn, cơ quan truyền thông mọc lên trong cộng đồng. Mặt Trận của ông Hoàng Cơ Minh cũng phát sinh trong bối cảnh này, và thời gian đầu đã thu hút nhiều chú ý cũng như đóng góp của cộng đồng. Tôi còn nhớ có những người nhận trợ cấp xã hội của chính phủ (welfare), tuy số tiền không được bao nhiêu, nhưng cũng nhịn ăn nhịn mặc đóng góp một phần cho Mặt Trận.


Image copyright FacebookTatWaLay
Image caption Thuyền nhân Nam Việt Nam phải liều mình bỏ nước ra đi sau 1975
Cơ quan của chúng tôi –Trung tâm Tỵ nạn—là một tổ chức thiện nguyện, bất vụ lợi, nên không có liên hệ gì với Mặt trận. Hơn nữa chúng tôi định hướng là người Việt ở Mỹ cần hội nhập càng sớm càng tốt để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình, nên chúng tôi cũng không đồng ý với chủ trương lấy lại Việt Nam bằng vũ khí, vì nó không có lợi cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Vì thế, sau hơn 20 năm, và nay đã chuyển sang nghề dạy học, tôi cũng tò mò muốn biết PBS và Pro Publica có thêm tin tức gì giúp giải quyết những vụ án từ ba thập niên trước.
Tôi đã xem phim này, cũng như đã đọc bài đi kèm của ký giả A.C. Thompson, và cảm tưởng chung là PBS & Pro Publica đã mất một cơ hội quý báu để làm sáng tỏ những khúc mắc cơ bản mà chúng tôi, những người Việt ở Mỹ thường xuyên theo dõi các diễn tiến trong cộng đồng, đã hy vọng là hai cơ quan truyền thông bất vụ lợi này, sau thời gian dài nghiên cứu và điều tra, có thể mang lại cho người xem khắp thế giới.
“Terror in Little Saigon” không đem ra được những chứng cớ gì mới về những vụ án mà họ điều tra. Họ không tìm được nhiều tài liệu chính thức (tài liệu từ FBI bị đục bỏ đi quá nhiều, hồ sơ vụ Mặt Trận kiện bỗng dưng biến mất; vụ chính phủ Mỹ kiện lãnh đạo Mặt Trận bị “bỏ cuộc” một cách ngớ ngẩn; cũng như không có một nhân chứng nào đưa ra những dữ kiện một cách thẳng thắn, công khai và nghiêm túc...) và ký giả Thompson chỉ ám chỉ, chứ không khẳng định được là Mặt Trận được một phần chính giới Mỹ bao che.
Tuy nhiên, xem chương trình này cũng không phải là hoàn toàn mất thì giờ. Cá nhân tôi cũng xác định được vài điều chính trong vấn đề này:
1. Cảnh sát địa phương ở Mỹ, hoặc là lười, hoặc là thiếu khả năng, hoặc là coi thường nạn nhân người Việt, hoặc là có lệnh từ trên đừng điều tra kỹ quá, v.v… nhưng ở nơi nào cũng lơ là các vụ án mạng này. Chỉ một việc tối thiểu như kiểm tra các cú điện thoại hăm dọa nạn nhân hay người nhà nạn nhân mà cũng không có sở cảnh sát nào làm. Và tôi chắc chắn là trong thời điểm đó, cũng như ngày nay, cảnh sát không có khả năng về ngôn ngữ hay văn hóa để điều tra đến ngọn ngành. Như vậy, các vụ án này vẫn xếp xó là phải rồi.


Image copyright Getty
Image caption Mỹ dưới thời tổng thống Reagan (1981-1989) từng vi phạm chủ quyền của Nicaragua
2. FBI cũng lười và vô tích sự không kém. Trước đó vài chục năm, họ đã điều tra được tổng thống Kennedy ngủ với những ai, hay mục sư King ngoại tình như thế nào, nhưng việc theo dõi các dấu vết rõ ràng ngay trước mắt thì lại làm lơ.
3. Quan trọng hơn là, sau khi xem phim, tôi có cảm tưởng mạnh hơn về việc chính phủ Mỹ muốn dùng Mặt Trận (MT) trước hết như một con cờ gây rối cho phía Việt Nam, lúc đó đang tham chiến ở Campuchia cũng như đang bị cấm vận. Ở thời điểm đó, việc Mỹ để cho Mặt Trận rảnh tay hoạt động cũng đi cùng hướng với việc Trung quốc ủng hộ hết mình phe Khmer Đỏ để cầm chân Việt Nam.
Hơn nữa, dưới thời tổng thống Reagan (1981-1989), chính phủ Mỹ đã từng vi phạm chủ quyền của Nicaragua bằng cách bán vũ khí cho Iran để lấy tiền giúp loạn quân Contra ở nước này. Mỹ còn đặt mìn ở cảng Managua, và bị Nicaragua kiện ra tòa án quốc tế. Tòa xử Mỹ thua năm 1986, nhưng Mỹ chơi xấu không thừa nhận thẩm quyền của Tòa.
Và cũng không ai lạ gì vụ Cuba. Fidel Castro lật đổ chế độ Batista thân Mỹ năm 1959, sau đó bị cấm vận tới năm nay, 2015, mới được bình thường lại.
Nhưng trong nửa thế kỷ trước, Mỹ đón nhận vô điều kiện người tỵ nạn từ Cuba, cũng như giúp “kháng chiến quân” Cuba tổ chức để lấy lại nước mình. Họ thất bại, nhưng trong vài thập niên khoảng 70-cuối 90, những người Cuba chống Castro này cũng đã có một biệt đội ám sát, có tên là Alpha-66, chuyên để duy trì “kỷ luật” trong cộng đồng người Cuba.
K-9 và Alpha-66 chắc phải có những điểm khác nhau, nhưng sang thế kỷ này, chúng tôi muốn biết sự thật.
4. Còn Neutrality Act để ở đâu? Rõ ràng là Mặt Trận đã vi phạm luật này, nhưng không bị hề hấn gì. Nếu không có người che chở, liệu Mặt Trận có dám công khai quyên tiền trên đất Mỹ để nuôi quân, mua vũ khí chống lại chính quyền Việt Nam?
Cách đây vài năm, tướng Vang Pao, một thời cũng là “con cưng” của tình báo Mỹ, đã lọt vào một bẫy đặt mua vũ khí ở Sacramento, Cali, cho chí nguyện quân Hmong ở Lào, và bị lôi ra tòa. Ông mất trước khi phải hầu tòa, tiện việc cho mọi bên.


Image copyright BBC World Service
Image caption "Tướng Vàng Pao từng đặt mua vũ khí ở Sacramento, Cali, cho chí nguyện quân Hmong ở Lào.
5. Sau cùng, cũng có một điểm được minh xác: Việt Tân là hậu duệ của Mặt Trận, theo như khẳng định của ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân Đảng Việt Tân.

Daniel C. Tsang, Quản thủ thư viện Đại học California, Irvine

'Terror in Little Saigon' là phim tài liệu quan trọng, cùng với phần tường thuật báo chí trên mạng. Từ quá lâu, im lặng và thuyết âm mưu đã có trong cộng đồng người Việt hải ngoại về những tội ác này.
Chương trình không chỉ lên án giới chức địa phương vì không điều tra các vụ đe dọa và giết người. Nó còn đụng đến cả chính phủ Mỹ vì “ôm ấp” lãnh đạo của Mặt Trận và lờ đi trong khi Mặt Trận mở hoạt động du kích từ Thái Lan và Lào.
Tôi hy vọng việc này khơi lại sự quan tâm để có điều tra các vụ vi phạm luật liên bang, thậm chí luật hình sự về cáo buộc K9 liên quan việc ám sát. Đó sẽ là sự hòa giải được hoan nghênh với Việt Nam.

Tiến sĩ Francois Guillemot, nhà nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS) phụ trách kho tư liệu Việt Nam của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Pháp) tại Lyon.

Như nhiều người quan tâm lịch sử và nghiên cứu về người Việt ở hải ngoại, tôi rất mong đợi giờ phát bộ phim này. Chủ đề rất hấp dẫn vì liên quan một chương bí mật, tương đối ít được biết tới, về chuyện của người Mỹ gốc Việt. Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam là một tổ chức bí mật từ lúc thành lập đến khi giải thể năm 2004. Khi làm luận văn thạc sĩ năm 1997, tôi từng đụng chạm chủ đề này. Khi đó tôi gọi đây là “cuộc kháng chiến thứ ba”, chống lại chính thể cộng sản sau 1975 ở Việt Nam.
Đánh giá của tôi về phim tài liệu này là tiêu cực. Có nhiều vấn đề: thiên kiến trong việc thu thập thông tin, cách điều tra của cảnh sát và những khoảng trống đáng kể trong câu chuyện.


Image copyright Getty
Image caption Phim cố tình đặt tựa đề gây sốc về Little Saigon
Phim này cố tình gây chú ý bằng tựa đề gây sốc về Little Saigon, quảng cáo bằng hình ảnh máu, súng, những hình ảnh không liên quan trực tiếp cuộc điều tra.
Thứ hai, quan trọng hơn, bộ phim không được đặt trong văn cảnh phù hợp. Khán giả không rõ mặt trận này là gì, mục tiêu, tổ chức, lãnh đạo của nó, từ đâu nó xuất hiện. Không thấy nói gì về lịch sử, những thay đổi nội bộ từ một tổ chức quân sự thành đảng mới thân dân chủ. Không thấy nói gì về lịch sử Việt Nam: sự sụp đổ của Sài Gòn, hiện tượng Thuyền nhân, thực tế của việc chống lại cộng sản cả về mặt vũ trang và dân sự, số phận những người bị đưa vào trại cải tạo.
Nó cũng không nói về bối cảnh quốc tế của Chiến tranh Lạnh: câu hỏi về “những tay súng tự do” dưới thời Reagan, vấn đề người Mỹ mất tích, ngoại giao với Việt Nam, bối cảnh Chiến tranh Đông Dương lần ba từ 1979 đến 1989.
Thứ ba, buồn nhất là việc truy tìm tội phạm hóa ra chẳng đi đến đâu. Vẫn là những gì chúng ta đã biết suốt 20 năm qua, bằng lời chứng của các cựu thành viên như Phạm Văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy, Cao The Dung hay những người trẻ hơn đã tham gia kháng chiến chống cộng sản như Phạm Hoàng Tùng, Al Hoàng (Hoang Duy Hung).
Thay vì bảo vệ cho nghề báo và sự thật, các tác giả lại gây hiệu ứng ngược lại: tạo ra căng thẳng trong cộng đồng người Việt.


Ngoài ra, theo tôi, Việt Tân cũng nên thừa nhận sự thật là vào thời kỳ đó, Mặt Trận là một tổ chức chính trị-quân sự có mục tiêu lật đổ chính thể cộng sản bằng đấu tranh vũ trang. Sau nhiều lần thất bại xâm nhập vào Lào, và sau khi Chiến tranh Đông Dương lần Ba kết thúc, phương thức vũ trang được bãi bỏ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mặt trận thay đổi bằng các phương thức hòa bình hơn. Trên thế giới, có nhiều ví dụ về các tổ chức kháng chiến đã đi từ hành động vũ trang sang hòa bình sau Chiến tranh Lạnh (IRA/Sinn Féin ở Ireland…). Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi nhìn sự biến đổi từ góc độ người quan sát bên ngoài và một sử gia quan tâm các câu hỏi này.
Chúng ta cần xem xét lịch sử của Việt Tân từ góc độ toàn cầu. Đó là một tổ chức nhắm đến cuộc đấu tranh lâu dài để đem lại đổi thay dân chủ ở Việt Nam. Khi nhìn như thế, sự đoàn kết của các lực lượng thân dân chủ người Việt trong và ngoài nước là điều cần thiết. Ví dụ Miến Điện là rất hay. Khi nào sẽ có Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Việt Nam? Câu hỏi này sẽ còn được tranh luận bên trong Đảng Cộng sản và trong các nhóm của xã hội dân sự.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151113_terror_little_saigon_audience

 

Nhìn vào sự thật qua vụ các nhà báo gốc Việt bị giết

 
Nhớ Phùng Nguyễn, người bạn trẻ chưa bao giờ gặp. Trong email ngày 23 tháng 8, 2015, Phùng Nguyễn viết: “Trước đây tưởng đã có cơ hội được diện kiến bác, nhưng hôm ra mắt sách của Đặng Thơ Thơ, tôi bệnh bất ngờ nên lỡ dịp. Hy vọng lần sau sẽ được gặp bác.” Trong email mới nhất, ngày 13 tháng 11, 2015, Phùng Nguyễn viết: “Da Màu rất hân hạnh được bác gửi gấm. Thỉnh thoảng mong bác đóng góp cho VOA blog.”
Ba hôm sau, được tin anh ra đi, giữa lúc đang viết bài sau đây. Hy vọng trên chuyến tầu về chốn bình an, cũng có Wifi, để anh có thể đọc.
Hẹn gặp, khi nhận được giấy mời từ Trên ấy. —ĐTT


RobDobi-SVNFlag
Hình minh hoạ bởi Rob Dobi (OC Weekly)


Điều tra phóng sự truyền hình Terror in Little Saigon đã gây sôi nổi ngay từ trước khi công chiếu vào ngày 3 tháng 11, 2015. Sau mười ngày, cuộc tranh cãi đã phân định thành nhiều phe tương đối rõ nét. Nhưng hầu như lập luận của phe nào cũng bị vẩn đục bởi những định kiến sẵn có, khiến cuộc thảo luận chỉ quanh quẩn, người nọ lập lại ý kiến của người kia cùng phe, khiến tình trạng ngày càng tù mù thêm. Giống như một sân quần ngựa, càng nhiều ngựa quần, bụi đất càng mù mịt.
Muốn nhìn rõ vấn đề, trước hết, cần loại bỏ mọi định kiến, nghi vấn, suy đoán theo tưởng tượng. Cần gạt bỏ mọi tình cảm thiên lệch sẵn có như bênh ai, chống ai… Hãy bắt đầu từ số không, và chỉ nhìn vào những sự việc có thật, rồi từ đấy mới có thể có cái nhìn rõ ràng.

Sự thật không thể chối bỏ
Trước hết, những người chống lại nhóm làm phim đưa ra lập luận: Nội vụ đã xảy ra hai ba chục năm rồi, giới hữu trách đã có gắng nhiều, vẫn không tìm ra thủ phạm, không ai bị truy tố, tại sao làm sống lại chuyện này? Nhằm mục đích gì? Có âm mưu gì? Ai chi tiền? Đằng sau có ai? Và đằng sau ai có ai nữa? Tại sao lúc này?… Trong khi ấy, những người có thành kiến với Mặt Trận [Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh – gọi tắt là Mặt Trận], cũng như với chính đảng kế tục Mặt Trận là Việt Tân, đều nhấn mạnh về nghi vấn Mặt Trận là thủ phạm. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi cũng thiên về khuynh hướng này, và cũng không nêu được sự thật mới nào.
Vậy sự thật ở đâu? Bắt đầu từ chỗ nào?
Dù chưa bắt được thủ phạm, chưa ai bị truy tố, nhưng có một sự thật không ai chối cãi được, là có những người bị giết. Sự thật này không ai có thể né tránh, không thể thay đổi, không thể xoá bỏ. Dù nhắc tới nó hay không, dù can đảm đối diện hay hèn mạt chối bỏ, nó vẫn còn đó. Chưa có ai bị truy tố, không có nghĩa là không có thủ phạm, không có người chết. Có nhiều người bị giết mà chưa bắt được thủ phạm, rất nhiều nguy hiểm; vì thủ phạm vẫn thong dong sống trà trộn với người lương thiện trong xã hội, “đã quen mất nết đi rồi,” có thể tái phạm tội ác bất cứ lúc nào; là mối đe dọa thường trực cho mọi người. Hơn nữa, có người chết, thì phải làm cho sáng tỏ. Không làm được là bất lực, vô trách nhiệm, vô cảm.
Theo những tài liệu rõ ràng, không ai chối cãi được, là trong mười năm, từ 1981 đến 1990 thế kỷ trước, có nhiều vụ khủng bố mà nạn nhân thuộc thành phần người Việt tại Mỹ. Kẻ bị đe doạ, bị hành hung, người bị đốt nhà, nhiều người bị bắn chết, có người chỉ bị thương, thoát chết. Nội dung cuốn phim gây tranh cãi chỉ nói tới năm người bị giết, nên ở đây, cũng chỉ đề cập tới những người này.
Năm người bị giết không chỉ là con số đơn độc vô tri vô giác. Mỗi người không chỉ là một phân số 1/5 của một tổng số. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, có tên tuổi, diện mạo, có sở thích, chí hướng, có gia đình, bạn hữu và nguồn gốc. Đó là sự thật.
Sự thật khác là cả năm người khi bị giết đều cùng đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ, là cường quốc dân chủ số một trên thế giới, là “thành phố ánh sáng trên đồi cao” cho cả thế giới noi theo về tinh thần trọng luật, và tôn trọng nhân quyền. Sự thật kế tiếp là những người này đã bị giết hai ba chục năm, mà chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa tìm ra thủ phạm để đem ra trước công lý. Nếu đây là một vết nhơ, một điều đáng xấu hổ, đáng nhục thì, ai xấu hổ, ai nhục? Có người nói: khơi lại nội vụ là làm nhục cộng đồng người Việt. Sự thật, có phải vậy không?
Một sự thật khác liên hệ tới nhà báo bị giết không thể bỏ qua: Ngày 7 tháng 1 năm 2015, hai sát thủ xông vào tuần báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, bắn chết 12 người. Cả thế giới phẫn nộ. Tổng Thống Pháp từng bị tờ báo này mạ lỵ thậm tệ nhiều lần, ra lệnh treo cờ rủ, cả nước Pháp để tang, hàng triệu người xuống đường đeo huy hiệu, tự nhận “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Tổng Thống Mỹ Obama lên án vụ tấn công là “horrific shooting” (vụ bắn khủng khiếp), hứa giúp đỡ mọi sự cần thiết để đưa bọn khủng bố ra trước công lý. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” Thủ Tướng Anh Cameron bầy tỏ trên twitter: “Những vụ giết người tại Paris là bệnh hoạn. Chúng tôi sát cánh với dân tộc Pháp trong trận đánh chống lại kinh hãi và bảo vệ tự do báo chí.”
Khác nhau giữa các nhà báo Pháp bị giết ở Paris, và nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ là ở chỗ, một đằng bị giết cùng một nơi, cùng lúc, một đằng bị giết lẻ tẻ, rải rác nhiều nơi, trong nhiều năm. Thủ phạm giết nhiều người một lúc, là phạm pháp một lần. Thủ phạm giết người nhiều lần, mỗi lần một vài người, dù tổng số người bị giết ít hơn, nhưng là phạm pháp nhiều lần, có yếu tố tái phạm. Một yếu tố khiến tội phạm nặng thêm.
Vậy, vụ các nhà báo gốc Việt bị giết ở Mỹ phải được coi là nghiêm trọng hơn vụ Charlie Hebdo. Tuần báo Charlie Hebdo là một cá thể trong cộng đồng dân Pháp, dù nhiều người không ưa cá thể này, nhưng từ tổng thống trở xuống, cả dân Pháp đã đau buồn, cùng nhau chịu tang, thế giới chia buồn.
Các nhà báo Việt bị sát hại tại Mỹ, dù có người không ưa họ – chẳng ai được mọi người cùng ưa – trước hết, họ là những cá thể trong cộng đồng người Việt, cùng lúc, họ cũng thuộc về cộng đồng tất cả mọi người sống trên đất Mỹ. Trước hết, cái chết của họ là nỗi đau chung, là tang chung cho cả cộng đồng người Việt. Và theo cách đối xử của dân Pháp trước vụ Charlie Hebdo, họ cũng đáng được dân Mỹ chia sẻ niềm đau, chính quyền Hoa Kỳ giúp đỡ, và thế giới quan tâm.
Bây giờ, xin nhìn thẳng vào sự thật, trước những cái chết của họ, cộng đồng người Việt đã làm gì? Chính quyền Hoa Kỳ đã làm gì? Thế giới đã làm gì?
Nói theo Nguyễn Ngọc Lan, trước tội ác xảy ra cho thành viên của mình, cộng đồng người Việt đã “làm thinh”! Nói “làm thinh” là đã nhẹ bớt quá nhiều. Sự thật còn tệ hơn nữa. Trả lời nhóm làm phim ProPublica, người đã bắn Trần Khánh Vân, chỉ vì ông này chủ trương đối thoại và giao thương với Việt Cộng, Trần Văn Bé Tư, sau bảy năm ngồi tù, vẫn còn hãnh diện: “Tôi bắn, hắn đổ xuống như một cái cây.” Và cho biết thêm: “Dân chúng ở Orange County coi những người giết những kẻ bị coi là Cộng Sản như anh hùng.” Ông còn nói đã được tuyển mộ gia nhập K-9 nhưng từ chối, tuy vậy, ông thán phục việc làm của họ.
Còn chính phủ Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama hứa giúp nước Pháp “đưa bọn khủng bố ra trước công lý,” nhưng đối với bọn khủng bố giết người trên nước ông, ông cũng làm thinh luôn. Còn thế giới? Cộng đồng Việt như vậy, chính quyền Mỹ như vậy, hà tất thế giới phải quan tâm.

Sự thật đáng buồn
Một sự thật đáng buồn hơn cả thái độ làm thinh: Sau khi điều tra phóng sự Kinh hoàng tại Little Saigon công chiếu, đã có cuộc vận động trong cộng đồng chống lại nỗ lực của nhóm người làm sống lại vụ án này, với lý do âm mưu làm xấu hình ảnh cộng đồng. Như đã trình bầy, những người bị giết là nạn nhân, cộng đồng người Việt là tang gia. Ở đâu có chuyện lạ đời, nhiều thành viên trong gia đình bị giết mà tang gia bị nhục? Cộng đồng không bao bọc thành viên của mình, và làm thinh, hay còn vui mừng trước hoạn nạn của thành viên, cái đó mới đáng nhục. Và nhục nhã nhất ở đời là không biết nhục.
Phía chống đối ProPublica còn nêu nghi vấn: Có thể những nhà báo bị giết là do bàn tay Việt Cộng, để tạo nghi ngờ và chia rẽ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nếu vậy, nội vụ càng cần làm sáng tỏ, thay vì bỏ qua. Bởi vì, cái nước Mỹ số một thế giới, cùng với cộng đồng Việt chống cộng nổi tiếng hoàn cầu, mà để Việt Cộng gửi sát thủ sang đây hoành hành như chỗ không người, thỉnh thoảng giết một nhà báo để bịt miệng, kéo dài cả chục năm, vẫn không bắt được thủ phạm. Nhục nào bằng?
Chính quyền Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mọi cư dân. Để cho người dưới trách nhiệm bảo vệ của mình bị giết là một cái nhục. Nhục kế tiếp là bó tay, không tìm ra thủ phạm. Nhóm làm phim đánh động dư luận, làm sống lại nội vụ, trước hết là góp phần tìm ra thủ phạm để bộ mặt Hoa Kỳ không bị nhem nhuốc, sau là đem lại một kết thúc bình an cho gia đình các nạn nhân. Thế mà, điều đáng ngạc nhiên, một nghị sĩ gốc Việt tại Viện Lập Pháp Tiểu Bang California đã vội vàng lên tiếng phản đối. Nghị sĩ Janet Nguyễn có một vai trò kép, vừa là đại diện dân Mỹ, vừa là một thành viên cộng đồng Việt. Đáng lẽ bà phải vui mừng gấp đôi trước việc làm của ProPublica, vì cố gắng của họ vừa làm đẹp cho nước Mỹ, vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng Việt. Một tuần sau ngày công chiếu phóng sự điều tra, trong lá thư ngày 10 tháng 11 gửi ProPublica, bà tỏ vẻ bất bình và yêu cầu tổ chức này phải xin lỗi cộng đồng Việt. Lý do bất bình, bà viết: “Trái với những gì được trình bầy xuyên tạc trong phóng sự của ông, trên 1.7 triệu người Mỹ gốc Việt là những công dân tôn trọng pháp luật đã cống hiến cho sự thịnh vượng của xã hội Hoa Kỳ.” (Contrary to what was portrayed in your slanted reporting, the more than 1.7 million Vietnamese Americans are law abiding citizens that contribute to the rich tapestry of America’s society).

clip_image004
“Bản án tử hình” dành cho Dương Trọng Lâm
(tài liệu trên ProPublica)

Nghị sĩ Nguyễn nói mà không cần để ý tới thực tế. Sự thật là sắc dân nào, cộng đồng nào cũng vậy, đều có một số do thiếu hiểu biết, hay cố tình vi phạm pháp luật. Vì thế mới cần có hệ thống tư pháp. Trên nước Mỹ, năm nào cũng có những người Việt phạm pháp, bị truy tố ra toà. Đó là chuyện bình thường. Nếu tất cả trên một triệu bảy trăm ngàn người gốc Việt đều là những công dân tôn trọng pháp luật, vậy những người bị truy tố hay đang thi hành án trong tù, họ ở đâu ra? Nghị sĩ Nguyễn còn trẻ, tương lai còn nhiều hứa hẹn, không nên phát biểu giống như những người phát ngôn từ Bắc Kinh hay Hà Nội, lúc nào cũng gân cổ tuyên bố “chúng tôi không có tù chính trị,” nhưng trong “kho dự trữ” luôn đầy ắp, sẵn sàng đem ra làm quà mở đường cho một chuyến công du, hay đổi lấy chữ ký cho một thoả hiệp béo bở.
Ngoài ra, khi có những người, hay nhóm người gốc Việt phạm pháp, đó là chuyện cá nhân hay băng đảng riêng, họ làm họ chịu. Một người hay một nhóm phạm pháp không phải cả cộng đồng phạm pháp. Uy tín cộng đồng không bị suy giảm khi có một cá nhân, hay một nhóm trong cộng đồng phạm pháp. Chỉ khi nào cộng đồng cố tình bao che cho một cá nhân hay một nhóm trong tập thể của mình, lúc ấy, uy tín cộng đồng bị thương tổn. Ngược lại, khi cộng đồng tham gia việc tìm ra kẻ phạm pháp trong tập thể của mình, là góp phần rửa sạch bộ mặt mình, càng làm cho uy tín của cộng đồng lên cao.
Để Nghị Sĩ Nguyễn dễ phân biệt giữa vinh với nhục, và giữa cá thể với cộng đồng, chẳng cần tìm đâu xa, có thể nhìn ngay vào lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Năm 1972, Tổng Thống Nixon bao che cho một nhóm tay chân bộ hạ ở Bạch Ốc đột nhập trụ sở Đảng Dân Chủ ở chung cư Watergate. Hai nhà báo trẻ của The Washington Post, được sự đồng ý của chủ bút, cố truy tìm nguồn gốc của việc làm phạm pháp này. Lúc đầu. vì chưa đủ bằng chứng, nhà báo gặp rất nhiều khó khăn. Họ cũng bị đe doạ, nhưng nhà báo đã cố làm việc vì công tâm, để bảo vệ những giá trị cao đẹp của Mỹ, không phải để bôi nhọ nước Mỹ. Trong trường hợp này, truy nguyên để chứng minh ông tổng thống phạm pháp, là cố gắng can đảm, đáng trân trọng, không phải là việc làm cần ngăn chặn.
Khi ông Nixon hết đường nói quanh, phải từ chức, tuy ông là đương kim tổng thống, đại diện cho cả nước Mỹ, nhưng hành vi sai trái của ông chỉ riêng ông phải chịu. Mình ông xấu mặt. Nước Mỹ chẳng những không xấu, còn được cả thế giới kính phục. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà báo chỉ với cây bút trong tay, làm cho một ông tổng thống quyền lực hàng đầu thế giới, nắm chìa khoá nguyên tử trong tay, phải từ chức.
Một trùng hợp khá hy hữu, trong cùng ngày Nghị sĩ Nguyễn viết thư cho ProPublica, nói tất cả người Việt ở Mỹ đều là những công dân tôn trọng pháp luật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận cho biết: K-9 có thật, do ông Phạm Văn Liễu điều động, mục tiêu ám sát đầu tiên là chính ông (Nguyễn Xuân Nghĩa), mục tiêu thứ nhì là chủ báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến, nhưng cuối cùng, ông Trần Khánh Vân lãnh đạn! Kẻ bắn ông Vân vẫn còn đó, sau khi mãn án tù vẫn hãnh diện về hành vi bắn người của mình. Nếu cho đây là niềm hãnh diện chung của cộng đồng, terror chính là đấy, phải tìm đâu xa?
Ngoài ngạc nhiên về nội dung thư phản đối của Nghị sĩ Janet Nguyễn, là ngạc nhiên về câu nói của một nhà lãnh đạo Mặt Trận vốn nổi tiếng khôn ngoan, ông Hoàng Cơ Định. Trong cuộc phỏng vấn do Hà Giang báo Người Việt thực hiện ngày 6 tháng 11, ông Định tuyên bố: “Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.” Nếu chỉ là câu nói vô tình, đó là sự đáng tiếc. Nếu cố ý, đó là câu nói nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận. Nói chung, ông nêu một nhận định đúng. Nhưng nó không đúng với trường hợp các nhà báo bị giết. Từ trước tới nay, có nhà báo từ trần do nguyên nhân không bình thường, nhưng tên tuổi không nằm trong danh sách những người bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách. Trong khi ấy, qua bằng chứng còn lại, tất cả những người bị giết, trừ một người là chuyên viên kỹ thuật, đều là những nhà báo cương quyết bầy tỏ lập trường của họ, bất chấp áp lực. Họ đích thực là nạn nhân của những vụ giết người để bịt miệng. Trong số này không có ai là nhà báo ra đường bị xe cán, rồi cộng đồng hô hoán lên là họ chết vì sự nghiệp viết lách.

Diện mạo những nạn nhân
Theo thứ tự thời gian, nạn nhân đầu tiên là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút báo Cái Đình Làng, bị giết 1981, tại San Francisco, California. Theo “bản án tử hình” bằng tiếng Anh đề ngày 7 August 1981, được thi hành bởi “Tổ Chức Người Việt Diệt Cộng Phục Quốc” (VOECRN). Tóm tắt tội trạng liệt kê: Lâm được Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học năm 1971, thay vì phục vụ Quốc Gia lại theo Cộng Sản, làm báo Cái Đình Làng để tuyên truyền cho cộng sản. Sau khi Terror in Little Saigon công chiếu, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali là cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc cho biết thêm, cha Lâm là Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Lạng, nay cũng đã qua đời. Vẫn theo ông Lộc, xác Lâm lúc đầu đã được chôn trong nghĩa trang cộng đồng, nhưng có một số quý vị phản đối. Tuy không ép buộc, gia đình tự ý mang Lâm đi chôn nơi khác, để tránh bị phá hoại.
Chỉ cần riêng sự thật trên đây, một sự thật không ai chối cãi được, và chỉ cần một vụ này thôi, có cần thế lực nào, có cần âm mưu nào, có cần ai làm thêm gì nữa để bôi xấu cộng đồng Việt?

clip_image006
Dương Trọng Lâm khi là sinh viên trường Oberlin.
(Courtesy of Oberlin College Archives)
(Ảnh lấy từ ProPublica)

Hỏi lý do tại sao bỏ nước chạy sang Mỹ, có lẽ bất cứ ai trong cộng đồng Việt tị nạn, dù đang ngủ mơ, cũng có thể trả lời trôi chảy: “Sang đây để có tự do dân chủ.” Tự do có phải muốn lên án tử ai cũng được, dân chủ có phải người dân nào cũng có thể tự mình làm quan toà, kiêm đao phủ? Và giết người rồi, còn không muốn cho chôn! Lời tuyên bố của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sau vụ Charlie Hebdo rất phù hợp cho ở đây: “Đó là một tội phạm máu lạnh, kinh hoàng không thể biện minh được. Nó cũng là cuộc tấn công thẳng vào nền tảng của dân chủ, vào truyền thông và vào tự do phát biểu.” (It was horrendous, unjustifiable and cold-blooded crime. It was also a direct assault on a cornerstone of democracy, on the media and on freedom of expression.)
Người thứ nhì là Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại nhà ở Houston, Texas. Đạm Phong làm báo từ thời ở Sài Gòn, sang Mỹ, làm chủ nhiệm tờ Tự Do ở Houston. Những bài báo còn lại cho thấy Đạm Phong công kích Mặt Trận khá nặng nề, qua những bài báo chiếm đầy trang nhất. Theo thân nhân công khai kể lại, Đạm Phong đã sang tận Thái Lan tìm hiểu về “chiến khu” của Mặt Trận, từng bị Mặt Trận mua chuộc, áp lực và liên tục đe doạ.
Qua vụ chiếu phim Terror in Little Saigon, và những lên tiếng tiếp theo của con trai ông, dư luận được biết khi bị ám sát, Đạm Phong có tới 10 con. Số con mồ côi đông đảo này của Đạm Phong, dù khi bố chết hãy còn bé, đến nay chắc đã biết rõ bố chết như thế nào, và tại sao. Nhưng với mấy chục đứa con của các con Đạm Phong, những đứa trẻ không có ông như các bạn cùng trang lứa, những đứa trẻ không bao giờ được ông đưa đón ở cửa trường hay dắt ra công viên, những đứa cháu không bao giờ được gặp ông, bố mẹ các cháu sẽ giải thích như thế nào, để các cháu hiểu được: Tại sao ông đưa cả nhà sang Mỹ để có tự do, rồi lại chết vì làm báo Tự Do?
Do?

clip_image008
Đạm Phong (dưới cùng bên phải) với vợ và 8 trong số 10 con
(Hình từ ProPublica)

Nạn nhân thứ ba là Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California. Người viết không biết nhiều về nhà báo này. Chỉ được biết, trước khi chết, ông đã từng bị cảnh cáo, vì báo Mai đăng quảng cáo cho những dịch vụ làm ăn với Việt Cộng. Nếu còn sống, bây giờ, chẳng những đăng quảng cáo, ông còn có thể mang tiền về Việt Nam làm ăn, du lịch và du hí, cùng với hàng trăm ngàn khúc ruột ngàn dặm mỗi năm. Làm báo đi trước thời cuộc, thường là ưu điểm, nhưng sống giữa cộng đồng Việt mà đi trước thời cuộc, mất mạng như chơi!
Người thứ tư bị giết là ông Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, chuyên viên kỹ thuật cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989. Ông Nhân là cựu sĩ quan cấp Tá, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Không phải là nhân viên toà soạn, không viết bài, nên ông không bị đe doạ, hay gây tranh cãi gì liên hệ tới bài vở của tạp chí. Ông sống một mình nên chẳng có ai thắc mắc khi không thấy ông trở về vào cuối ngày làm việc. Ông rời sở làm chiều Thứ Hai. Phu đổ rác phát giác ông chết ngồi trước tay lái trong xe sáng Thứ Tư. Không biết ông bị bắn bao giờ. Báo Văn Nghệ Tiền Phong chỉ loan một tin nhỏ, chẳng mấy ai chú ý, nói ông bị giết vì chuyện riêng. Nội vụ rơi vào lãng quên. Không hiểu nhà báo căn cứ vào đâu để loan tin như vậy? Không bắt được thủ phạm, sao biết được chết vì lý do riêng tư.
Ít lâu trước khi bị giết, ông Lê Triết, một cây viết quan trọng của Văn Nghệ Tiền Phong, và cũng là tham vấn cho Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, nói với người thân rằng: “Anh Nhân đã chết thay tôi. Người ta đã giết anh ấy, vì tưởng lầm là tôi.” Lê Triết giải thích thêm: “Anh ấy không viết bài, chẳng thù oán với ai, đi làm rất chăm chỉ.” Vẫn theo Lê Triết, anh và anh Nhân xấp xỉ tuổi nhau, cả hai cùng tầm vóc, hơi gầy, cùng đeo kính và cùng đi xe mầu xanh. Chỉ có một khác biệt: Lê Triết tới toà soạn bất thường, phần vì có thể viết bài ở nhà, phần vì lý do an ninh, để tránh bị theo dõi. Anh Nhân đi làm theo giờ nhất định, dễ bị theo dõi, bị nhận lầm là Lê Triết, và bị bắn khi ra về. Sau này, người nghe chuyện cảm thấy hối hận, vì chỉ “nghe rồi bỏ”; tưởng Lê Triết muốn “quan trọng hoá” cá nhân mình. Bỏ qua vì nghĩ rằng, cùng người Việt chống cộng với nhau, ai nỡ dã man thế.
Nạn nhân cuối cùng là Lê Triết, 61 tuổi, và vợ là Đặng Trần Thị Tuyết, 52 tuổi. Cả hai cùng bị hạ sát tại chỗ đậu xe ở đầu nhà, khoảng gần nửa đêm 21 rạng 22 tháng 9, 1990. Qua bút hiệu Tú Rua trên mục “Ngày Lại Ngày” của Văn Nghệ Tiền Phong, Lê Triết gây sóng gió trên tờ báo này trong một thập niên, danh vang khắp nơi, oán thù cũng lắm. Đe doạ cũng nhiều.
Khi Mặt Trận ra đời, Lê Triết và Văn Nghệ Tiền Phong nói chung rất phấn khởi, và tích cực ủng hộ. Toà báo đã cử ký giả Hoàng Xuyên đi “chiến khu” của Mặt Trận để làm phóng sự. Nhưng từ khi những thầm kín nội bộ của Mặt Trân dần dần lộ diện, nhà báo thành kẻ thù, bị đe doạ, qua thư cũng như điện thoại. Lê Triết không phải là người dễ chịu áp lực. Càng bị đe doạ, anh càng cương quyết, càng chứng tỏ con đường anh theo đuổi là đúng. Thay vì khuất phục, anh đề phòng, mua súng tự vệ, lắp camera bốn góc nhà, cộng với con chó Bobby do Nguyễn Thanh Hoàng mua cho.
Tại party của gia đình một người bạn, mừng con trai hoàn tất chương trình y khoa bác sĩ, vào tối Thứ Bảy 21 tháng 9, Lê Triết tâm sự với bạn hữu: Qua Mỹ từ 1975, anh không muốn vào quốc tịch, vì còn mẹ già ở quê cũ, không muốn cắt đứt chút liên hệ pháp lý còn lại. Chẳng lẽ mẹ người Việt, con công dân Mỹ, như người ngoại quốc. Mãi đến cuối thập niên 80, trước tình hình khối cộng sản Liên Xô sụp đổ, anh xin về hưu sớm, và xin nhập quốc tịch Mỹ, để dễ dàng xin thông hành đi Nga. Cả gia đình là nạn nhân cộng sản, rất phấn khởi trước tình hình mới, anh khoe: “Tôi làm xong mọi thủ tục đi Mạc Tư Khoa rồi. Chỉ mấy tuần nữa, tôi sẽ chụp một tấm hình đứng giữa Công Trường Đỏ, gửi về cho mẹ tôi, không cần nói gì cả, Cụ sẽ mừng và hiểu là tôi đã thoả chí bình sinh.”
Rời party khoảng 11 giờ đêm, anh chị về đến nhà quãng 11:30, lái xe vào chỗ đậu thường lệ ở đầu nhà. Cũng là nơi sát thủ chờ sẵn, ra tay ngay, gọn lẹ và chuyên nghiệp. Lê Triết chưa kịp mở cửa xe, chết gục trước tay lái. Chị Triết đã mở được cửa xe, người nửa trong nửa ngoài, chân co chân duỗi, chết nằm trên sàn xi măng carport.

clip_image010
(Hình lấy từ Terror in Little Saigon – ProPublica)
Trong vòng vài ngày sau, nhà người thân Lê Triết, điện thoại reo liên hồi. Khi nhấc lên, thay vì tiếng nói, chỉ là những tràng cười, như thích thú, như chế diễu, như đe dọa, lạnh lùng, ghê rợn!
Gia đình Lê Triết ở Việt Nam giữ kín, không dám cho thân mẫu anh biết tin dữ, vì không biết cách giải thích thế nào cho cụ bà 90 tuổi hiểu được, tại sao con mình bỏ mẹ chạy lấy người, để khỏi bị chết vì tay Cộng Sản, bây giờ lại chết giữa tập thể đồng hương chống cộng, ở Mỹ!
Ngày giỗ đầu, các con đem phim cũ ra chiếu. Khi hình ảnh ông bà Lê Triết xuất hiện, con Bobby đang ngồi ở góc nhà, vừa vẫy đuôi, vừa sủa, chạy tới hít hít vào màn hình, như mừng chủ đi xa về. Mừng cho nó, có vẻ an phận, nhờ không ý thức được thế nào là terror. Nhưng người có mặt đã không cầm được nước mắt. Nó cũng đã đi theo chủ, lâu rồi.

Kinh hãi trái khoáy
Cuốn phim Terror in Little Saigon (Kinh hãi tại Little Saigon), như mọi người đã biết, có nội dung nói về cái chết của những nhà báo gốc Việt bị giết tại Mỹ từ 1981 đến 1990. Nhưng thực tế, nó đã tạo một hiệu ứng trái ngược trong cộng đồng Việt: Hầu như chẳng ai cảm thấy “kinh hãi” khi các nhà báo bị giết. Như đã trình bầy, cả cộng đồng và làng báo Việt hồi đó đều “làm thinh.” Trái lại, đã có một không khí “kinh hãi” trong cộng đồng, trước và sau hôm công chiếu ngày 3 tháng 11. Nhiều cá nhân và đoàn thể trong cộng đồng khắp nơi trên đất Mỹ nhảy dựng, thảo luận, kết án, chống đối, hội họp, tìm cách đối phó… ngay từ trước khi xem phim. Và sau khi xem phim, mức độ kinh hãi càng tăng. Hoạt động đối phó cũng tăng: mời họp, thông cáo, kiến nghị, thư phản đối, họp báo, cả kế hoạch biểu tình trước PBS.
Trong khi cộng đồng sôi nổi như vậy, lại bị các nhân vật rất gần gũi với cộng đồng chê bai. Ông Hoàng Cơ Định nghi ngờ về trình độ trưởng thành của cộng đồng, trong khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Chỉ mong rằng cộng đồng chúng ta không mắc bệnh câm, điếc hay mù!” Người viết không tin quý vị trong cộng đồng thiếu trình độ. Cũng không tin quý vị mắc bệnh câm, điếc, hay mù. Thật ra, quý vị là những người rất năng động và nhậy cảm, nhưng không đúng lúc, thành ra đôi khi lẫn cẫn. Lúc đáng lẽ cảm thấy kinh hãi, như khi có người bị giết vì bất đồng chính kiến, hay để bịt miệng, thì quý vị im lặng. Khi đáng phấn khởi hay vui mừng, như khi nhà báo tìm hiểu quá khứ, đánh động lương tâm để giúp tìm ra thủ phạm, thì lại cảm thấy hãi hùng, lo sợ. Tình trạng này, có thể tạm gọi là bệnh “kinh hãi trái khoáy” (improper terror).
Ngoài kinh hãi vì những vụ giết người, có thế nói, qua cuốn phim “terror”, còn có thể thấy cả kinh hãi ngay trong đời sống cộng đồng:
Tại Cali, hàng năm cộng đồng Việt đều có tổ chức lễ giỗ và tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một trong những đức tính hàng đầu của Tổng Thống Diệm được nêu ra hàng năm, là sự quý trọng mạng sống con người. Bằng chứng: Hà Minh Trí, sát thủ Việt Cộng toan ám sát Tổng Thống tại Ban Mê Thuột ngày 22 tháng 2 năm 1957, và phi công Phạm Phú Quốc, bỏ bom Dinh Độc Lập sáng 27 tháng 2 năm 1962. Cả hai người này, một là Việt Cộng, một là sĩ quan phản loạn, xử đúng luật, đều đáng án tử hình. Nhưng ông Diệm đã không giết họ. Dù yêu hay ghét ông, đó là sự thật, không thể chối cãi. Trường hợp này, ông Diệm còn nhân từ, rộng lượng hơn Charles de Gaulle. Ngày 22 tháng 8, 1962, có cuộc ám sát hụt Tổng Thống Pháp de Gaulle ở Paris, do Trung Tá Không Quân Pháp Jean Bastien-Thiry chủ mưu. Ông này bị toà án Paris kết án tử hình ngày 4 tháng 3, 1963, không được de Gaulle ân xá, và bị xử bắn chỉ một tuần sau đó, ngày 11 tháng 3, 1963. Một tên Việt Cộng, một sĩ quan phản loạn, chủ tâm giết, đã ra tay và giết hụt Tổng Thống. Mặc dầu có đầy đủ quyền hành hợp pháp để xử tử họ, nhưng ông không làm. Ông trọng mạng sống của họ, dù họ đã cố tình giết ông. Cứ giả tỉ Dương Trọng Lâm là Cộng Sản, anh ta chưa hề giết ai, không có âm mưu giết ai. Vậy mà có người tự tiện giết anh ta, còn nhân danh cái này cái nọ, và công bố “bản án.” Trước sự việc khủng khiếp như vậy, có đáng gọi là “kinh hãi,” terror? Lúc xảy ra chuyện thực sự kinh hãi, quý vị không làm gì. Chẳng những thế, giết người vô cớ còn không muốn cho chôn! Đáng kinh hãi hơn nũa! Trong khi đề cao Cụ Diệm, vẫn thản nhiên làm ngược lại những đức tính tốt của cụ, có phải là tình trạng đáng kinh hãi không?
Ai chưa cảm thấy kinh hãi đủ, người viết xin trình bầy tiếp: Trở lại vụ ông de Gaulle không ân xá cho tử tội Bastien-Thiry. Thật ra, lúc đầu ông đã định ân xá, nhưng sau khi suy nghĩ, ông đã đưa ra 5 lý do để bác. Trong số này, hai lý do đầu và cuối rất đáng lưu ý:
– Lý do đầu, hung thủ đã xả súng vào xe trong đó có chở một người đàn bà vô tội; đó là Bà Yvonne de Gaulle, vợ ông, ngồi chung xe với ông.
– Lý do cuối, các hung thủ sử dựng võ khí tấn công, chính họ đối diện với hiểm nguy khi hành động, họ được giảm án. Nhưng người chủ mưu Bastien-Thiry, không trực tiếp hành sự, mà ngồi chỉ huy ở một nơi an toàn, không đáng được ân xá.
Cả hai lý do trên, đều có thể áp dụng cho vụ ám sát ông bà Lê Triết, với mức độ trầm trọng hơn; vì ông de Gaulle và người đàn bà vô tội vợ ông đều thoát chết, trong khi ông Triết và người đàn bà vô tội của ông không may mắn như vậy. Đồng thời, theo hồ sơ cảnh sát, hung thủ là kẻ giết người chuyên nghiệp; nghĩa là kẻ chủ mưu cũng chỉ huy từ một nơi an toàn, như Bastien-Thiry.
Người vô tội bị giết, kẻ đáng tử hình vẫn ngoài vòng pháp luật, trong một phần tư thế kỷ. Đủ kinh hãi chưa?
Còn nữa: Sau khi chống đối A.C. Thompson, một phần sinh hoạt nhộn nhịp trong cộng đồng rọi đèn chiếu vào Tony Nguyễn: Eureka! Nó đây rồi! Lại một thằng cộng sản nữa! Nó là bạn của Dương Trọng Lâm, lấy tiền của cộng sản để bôi nhọ cộng đồng! Nếu quả thật Tony Nguyễn là cộng sản, hay thân cộng, thì thật đáng kinh hãi. Không phải kinh hãi vì anh ta là cộng sản, mà kinh hãi cho cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng Việt tị nạn, kể cả người viết bài này, xưa nay chống cộng, vì tin rằng tất cả những gì liên hệ tới cộng sản đều xấu. Nếu Tony Nguyễn là cộng sản, và ngày nay anh ta xả thân cố làm sáng tỏ cái chết của người bạn tên Lâm xảy ra từ 34 năm trước, như vậy là tình bạn của những người cộng sản hay thân cộng đối với nhau rất sâu đậm. Trong khi ấy, những người quốc gia có chính nghĩa sáng ngời, không lo làm sáng tỏ cái chết của những thành viên chống cộng như Đạm Phong, Lê Triết, mà trước nỗ lực truy tầm thủ phạm của nhà báo, lại cảm thấy “terror,” như chính mình là thủ phạm sắp bị hành quyết. Còn kinh hãi nào hơn?
Vẫn chưa hết: Trong khi trả lời phỏng vấn trên đài Cali Today ngày 6 tháng 11, một nhân vật uy tín trong cộng đồng Bắc Cali đã phát biểu ý kiến, giống như một số người khác, về cuốn phim Terror in Little Saigon, rằng đây là chuyện cũ, xảy ra trong lúc lòng người còn giao động, không nên nói tới nữa. Trong khi ấy, từ trước tới nay, cộng đồng chống cộng vẫn nhắc tới, vẫn đòi cộng sản phải làm sáng tỏ những vụ giết người từ thời Cải Cách Ruộng Đất, thời Mậu Thân, thời Tù Cải Tạo, và những vụ bịt miệng thời Nhân Văn, Giai Phẩm, vụ Xét Lại… Tất cả terror này đều cũ hơn những terror trên đất Mỹ. Chỉ nhìn thấy lỗi ở người mà không nhìn thấy lỗi ở mình, căn bệnh này có đáng kinh hãi không?
Lại nữa, Đại Tá Lộc chê cuốn phim “đầu voi đuôi chuột,” chưa đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Ký giả và cơ sở truyền thông tư nhân không phải là cảnh sát hay FBI. Họ đã cố gắng, và họ mới làm được đến thế thôi. Cộng đồng gốc Việt là tập thể có liên hệ, nếu thấy còn thiếu sót, nên tiếp tay họ để làm tốt hơn, thay vì coi họ như kẻ thù. Họ mới đem lại được cái “đuôi chuột,” cộng đồng đã hoảng loạn lên. Nếu họ đem lại cái đuôi voi? Terror!
Ngoài chuyện terror, nhóm làm phim còn bị công kích về việc dùng chữ “Little Saigon,” nói rằng địa danh xuất hiện sau các vụ giết người, và có những vụ ám sát xảy ra ngoài Cali, như ở Virginia, hay Texas. Little Saigon đã trở thành tượng trưng cho tập thể người Việt tị nạn tại Mỹ. Nếu bảo tên này chỉ dành riêng cho một nơi nhất định nào, tại sao đã có Little Saigon ở Nam Cali, Bắc Cali cũng đòi y hệt cho San Jose? Sau vụ khủng bố tại Paris hôm Thứ Sáu 13 tháng 11, nhiều người nước khác đã đeo biểu hiệu “Je suis Paris.” Sao không ai nói với những người này là khủng bố tận bên Pháp, anh đang ở Mỹ, anh là (cái chó) gì mà tự xưng Je suis Paris?
* * *
Từ đầu bài, người viết chỉ nhìn vào những gì dựa trên sự thật. Để đổi khẩu vị, xin thay lời kết bằng một mẩu chuyện giả tưởng, thật ngắn:
Cuối năm Con Dê (2015), Ngọc Hoàng Thượng Đế mở com pú tờ, vào gú gồ tìm chuyện lớn, để hỏi táo quân các nơi trong buổi tiếp kiến tất niên. Thấy nổi bật: tin khủng bố làm nổ máy bay Nga ở Sinai; công an giết người và hành hung luật sư ở Việt Nam. Lại thấy nhiều bài nói người Việt giống người Do Thái. Thiết triều ngày 23 tháng Chạp, Ngọc Hoàng hỏi Táo Do Thái:
– Sa mạc Sinai hẹp, sao dân Do Thái xưa mất 40 năm để vượt qua?
Táo Do Thái thưa:
– Tâu Ngọc Hoàng, vì một người trong đám dân di tản đánh rơi một quarter.
Ngọc Hoàng vuốt râu cười hiền: “I see!” Rồi hỏi Táo Việt Tị Nạn:
– Thái Bình Dương rộng, nay chỉ cần một ngày để vượt qua, sao 40 năm vẫn chưa về giải phóng quê hương?
Táo Việt Tị Nạn thưa:
– Bẩm Ngọc Hoàng, chúng con còn bận cắm cờ, và…
– Và gì? Ngọc Hoàng hỏi tiếp.
– Rước cờ, và…
– Gì nữa? Ngọc Hoàng hỏi thêm.
– Phủ cờ!
Ngọc Hoàng vẫn giữ vẻ uy nghi, lẩm bẩm một mình: “Đéo hiểu!”


No comments:

Post a Comment