CSVN đã để mất chủ quyền ở biển đông
Phạm Trần (Danlambao)
- Có thêm bằng chứng đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã để mất chủ
quyền ở Biển Đông, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn
huyênh hoang: "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững”.
Trong khi đó, dù sự việc tầu tuần tra Trung Cộng đâm chìm tầu cá Việt
Nam đã rõ như ban ngày, nhưng vẫn có báo chỉ dám coi tai nạn do “tầu
nước ngoài” gây ta.
Việc mới nhất xẩy ra vào khoảng 3h ngày 2/4 (2020) khi tàu cá Quảng Ngãi
mang số hiệu QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ (ngụ xã Bình Châu,
H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu
Trung Quốc đâm chìm. Rất may, toàn bộ 8 thuyền viên thoát chết và được
trả tự do, sau khi bị điều tra.
Nhưng câu chuyện không giản dị như thế. Theo tin từ Việt Nam thì sau khi nhận được tin báo tầu ông Thọ gặp nạn, “3
tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông
Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn,
cứu hộ.
Nhưng 3 tàu cá này lại bị tàu Trung Quốc truy đuổi. 2 tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt.
Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617
TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8
ngư dân của tàu chìm về.”
Tàu nước ngoài
Trước, sau vẫn chỉ có tầu tuần tra Trung Cộng đã đâm chìm tầu cá của ông
Trần Hồng Thọ, vậy mà báo Lao Động vẫn chỉ dám đưa tin tàu của ông Thọ
bị “tàu nước ngoài” đâm chìm. Trong khi báo Thanh Niên cũng viết: "Tối
2.4, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận với Thanh Niên có nhận
được thông báo của ngư dân trên địa bàn tỉnh về việc tàu cá bị tàu nước ngoài đâm chìm khi đánh cá ở đảo Phú Lâm.”
Tại sao hai báo Lao Động và Thanh Niên lại vô trách nhiệm như thế? Ai đã
ra lệnh cho hai báo này không được viết đích danh tầu Trung Quốc?
Đã có một thời gian dài trong nhiều năm, báo đài nhà nước không dám gọi
đích danh lính hay tầu Trung Quốc đã tấn công, cướp của và giết ngư dân
Việt Nam hành nghề ở Biển Đông. Theo lệnh của Ban Tuyên giáo đảng, báo
đài chỉ dám gọi tầu Trung Cộng là “tầu lạ”, “tầu nước ngoài”, và gọi
lính Trung Cộng là “lực lượng võ trang nước ngoài”.
Thậm chí còn có nhiều viên chức đảng, nhà nước, Đại biểu Quốc hội và
Tướng lĩnh cũng tránh nói tên Trung Quốc vì sợ phạm húy, mỗi khi phải
nói đền những hành động sai trái của Bắc Kinh.
Phải chăng tư duy lệ thuộc, sợ hãi Trung Cộng của lãnh đạo đã lây truyền
sang dân khiến cho việc đụng đến tên Trung Quốc bị coi là “nhậy cảm”?
Bằng chứng này cũng đã xẩy ra trong bài báo của trang điện tử Tiếng nói
nước Nga (TNNN, Sputniknews.com), khi báo này đưa tin về tầu cá Quảng
Ngãi ngày 02/04/020.
Trang này viết: "Lúc 6 giờ ngày 2 tháng 4, bà Nguyễn Thị Chi (vợ ngư
dân Trần Hồng Thọ) nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Kim Hồng
(sinh năm 1983, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) báo phương tiện
của ngư dân Trần Hồng Thọ bị tàu nước ngoài tông chìm ở đảo Phú Lâm
(quần đảo Hoàng Sa) tại tọa độ 16o42'N-112o25'44” E”, văn bản của Ban
Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho
hay.”
Báo TNNN viết tiếp: "Được biết, vụ tàu cá Quảng Ngãi của ngư dân Trần
Hồng Thọ bị phía Trung Quốc đâm chìm mới đây không phải trường hợp đầu
tiên. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình
Châu nhấn mạnh, những năm qua, ngư dân Bình Châu nói riêng và trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung rất “căm phẫn” trước hành động của các tàu
cá Trung Quốc.
Điển hình, cách đây khoảng một năm, khi đang khai thác hải sản tại
khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa), cách bờ biển Đà Nẵng chừng 198
hải lý, con tàu mang công suất 575 CV của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (SN
1975, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) cùng 4 thuyền viên bị tàu
Trung Quốc lù lù áp sát.
Bị rượt đuổi và phun vòi rồng không ngớt, tàu của vị thuyền trưởng có
thâm niên hơn 20 năm đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa không may
va vào bãi đá ngầm, chìm nghỉm.
Rất may, 5 ngư dân trên tàu cá bị chìm giữa trùng khơi được một tàu
bạn ở cùng địa phương ứng cứu kịp thời. Điều đáng lên án, thời khắc các
ngư dân Quảng Ngãi tự cứu nhau ở Hoàng Sa, phía tàu Trung Quốc vẫn lảng
vảng, vô cảm, bỏ mặc tàu Việt Nam, trong khi ngư dân Việt Nam đã nhiều
lần cứu ngư dân Trung Quốc.”
Tính đến cuối tháng 12/2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.571 tàu đánh
cá trong đó tàu có chiều dài trên 15m là 3.358 chiếc. Sản lượng khai
thác năm 2019 là 250.667 tấn. Ngư dân Quảng Ngãi vốn có truyền thống và
kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động
khắp các ngư trường trong cả nước từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển
Đông – Tây – Nam bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.”(theo báo sputniknews.com, Tiếng nói nước Nga)
Đôi co Việt - Tàu
Nhưng lần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh đã
chối biến trách nhiệm của tầu Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày
3/4/020, bà này cho biết: "Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc
trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất
hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và ngay lập tức kêu gọi
con tàu rời đi.
Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu
Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh,
nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị
ngập nước và chìm.”
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu
và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương
tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi
sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết".
Nhiều báo Việt Nam chỉ trích bà Oánh đã thay trắng đổi đen. Ngược lại,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ biết nói nhẹ
nhàng:
"Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg
90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển
thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn
cản và đâm chìm".
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử
và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo
Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động
trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với
quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và
lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của
lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả
thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển
Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai
nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao ngày 3/4
đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản
đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân
viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn
những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại
cho ngư dân Việt Nam.
Nhưng có bao giờ ngư dân Việt Nam nhân được đồng bạc bồi thường nào chưa, hay “chờ được vạ thì má đã sưng” như bấy lâu nay?
Tàu cảnh sát biển VN đâu?
Phản ứng nhũn như con chi chi quen thuộc của Bộ Ngoại giao Việt Nam
không làm ai ngạc nhiên, vì chỉ là những câu chữ vuốt đuôi đã được nói
đi lập lại nhiều lần. Có đáng quan tâm chăng là lời than phiền của ông
Võ Duy Khánh, một ngư dân trên chiếc tàu bị chìm ở biển Hoàng Sa ngày
2/4 (2020) đã nói với BBC Tiếng Việt rằng: "Lúc xảy ra đụng độ, tôi chỉ thấy tàu Trung Quốc chứ không thấy lực lượng chức năng Việt Nam.”
Đây là câu nói chua chát, vì đã nói lên sự thật phũ phàng rằng 3 lực
lượng của Việt Nam gồm Hải Quân, Cảnh sát biển và kiểm ngư đã hoàn toàn
vô dụng và bất lực trước hành động ngang ngược của Trung Cộng ở Biển
Đông.
Trong thực tế thì Việt Nam Cộng sản đã mất quyền kiểm soát Quần đảo
Hoàng Sa từ năm 1974, sau khi Trung Cộng chiếm đảo từ tay Quân lực Việt
Nam Cộng Hòa. Hà Nội cũng mất phần lớn quyền kiểm soát ở Trường Sa từ
sau trận Gạc Ma với quân Trung Cộng ngày 14/03/1988.
Nên biết sau cuộc tấn công chiếm đóng và thảm sát 64 quân sỹ Việt Nam ở
Gạc Ma (Johnson South Reef), Trường Sa, ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã
chiếm thêm các đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Chữ Thập (Fiery Cross
Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief
Reef) và Xu Bi (Subi Reef).
Sau đó, Trung Quốc đã tân tạo các vị trí chiếm đóng thành đảo nhân tạo
với sân bay, bến cảng, trại đóng quân, hệ thống phòng không, radar và
một số đài khí tượng và hải đăng.
Bành trướng ở Trường Sa
Đảng và nhà nước CSVN không những đã bất lực ngăn cản quân Tầu tự do
tuần hành an ninh ở Trường Sa mà còn không dám ngăn cản Trung Cộng tái
tạo và xây dựng các bãi đá thành các căn cứ Quân sự ở Trường Sa.
Mới đây vào tháng 03/2020, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đã xây dựng thêm hai "trạm nghiên cứu" mới tại đá Chữ Thập và đá Subi
Ngày 26-3 (2020), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Như
đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng
lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai
quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam." (Thông tin của Bộ Ngoại Gieo Việt Nam)
Các nguồn tin Tây phương cho hay quân đội Trung Quốc cũng đã xây dựng
một số hệ thống giám sát trên đá Chữ Thập nhằm phục vụ bảo tồn hệ sinh
thái rạn san hô, hệ sinh thái thực vật và nước ngọt.
Đối với đá Subi, trạm nghiên cứu đã "hoàn thành thiết kế dự án của hệ
thống quan sát" cho mục đích phòng chống thảm họa địa chất và bảo tồn
nước ngọt.
Khả năng Chữ Thập
Vị trí của Chữ Thập đã biến thành điểm cầu nối chiến lược quan trọng
giữa Tư Chính và căn cứ Hải quân và tầu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải
Nam ở phía bắc, trong khoảng cách ngót 2,000 cây số.
Vậy Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự như thế nào?
Báo Thanh niên viết: "Tính đến tháng 5.2015, đảo nhân tạo đã có diện
tích khoảng 280,3 ha với chiều dài khoảng 3.700 m (rộng nhất 1.100 m,
hẹp nhất 60 m) và hồ nhân tạo ở phía đông bắc diện tích khoảng 52 ha với
luồng dẫn vào dài khoảng 700 m, rộng 270 + 300 m.
Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực
trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1
đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay
vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh; các đài chỉ huy
không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường
băng…
Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như: tháp hải
đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa
đối không - đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm,
trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp
2.
Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công
trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn
tấn...
Do là căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất ở Trường Sa nên phía Trung
Quốc triển khai nhiều hệ thống, phương tiện bảo vệ. Các tàu thuyền nào
vào gần đá Chữ Thập 12 hải lý đều bị xua đuổi, ngăn cản quyết liệt.” (Thanh Niên, ngày 13/06/2019)
Trong khi đó, theo Bách khoa toàn thư mở (BKTT) thì: "Từ năm 2014,
Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành
đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2,74 km2 (tính
đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ
USD)…”
BKTT viết thêm: “…Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m
và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến
lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận
rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ)
đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô
đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ
và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay
chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám.”
Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã sử dụng Chữ Thập qua vụ Tư Chính như một
“phép thử” cho khả năng quân sự để đe dọa an ninh Biển Dông và riêng
Việt Nam ở phía cực nam của hình Lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh nhằm dành
chủ quyền 90% của diện tích trên 3 triệu cây số vuông ở Biển Đông.
Subi có gì?
Theo Bách khoa toàn thư mở (BKTT), đá Xu Bi là một rạn san hô vòng thuộc
cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26
cây số về phía tây nam.
Đá Xu Bi là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và
Trung Quốc. Trung Quốc kiểm soát rạn vòng này từ năm 1988 đến nay.
Tên gọi: đá Xu Bi; tiếng Anh: Subi Reef; tiếng Filipino: Zamora; tiếng Trung: 渚碧礁; bính âm: Zhǔbì jiāo; Hán-Việt: Chử Bích tiêu.
Đặc điểm: chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là khoảng 5,7 km và nơi rộng nhất của vụng biển là hơn 3,7 km.
Căn cứ theo tài liệu của Center for Strategic and International Studies
(CSIS) ở Washington, D.C. báo Tuổi Trẻ online thông tin
ngày24/05/2018: "Ảnh chụp tháng 10-2017 cho thấy các công trình trái
phép Trung Quốc xây phía bắc đá Subi. 1) Các kho chứa ngầm dưới lòng
đất; 2) Các cơ sở cảm biến và liên lạc; 3) Cầu cảng di động dùng để bốc
dỡ hàng hóa; 4) Trạm radar cao tần; 5) Một trong 4 công sự phòng thủ. Vị
trí được cho là doanh trại của thủy quân lục chiến Trung Quốc nằm sát
khu vực số 2.”
“Những công trình trên đá Subi thoạt đầu dễ khiến người ta nhầm lẫn
đó là một thị trấn nhỏ trên đất liền. Những con đường nhỏ, sân thể thao
và các tòa nhà kiểu dân sự đó sẽ sớm được lấp đầy bởi hàng trăm, thậm
chí hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc.”, các chuyên gia phân tích cảnh báo.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dự đoán: "Một trung tâm hành chính đã
dần hình thành trên đá Subi làm dấy lên suy đoán thực thể này sẽ sớm đón
nhận các thành phần dân sự tới sinh sống.”
Tuổi Trẻ viết tiếp rằng: "Theo dữ liệu từ Earthrise, một tổ chức phi
chính phủ, Trung Quốc đã xây trái phép hơn 400 công trình kiên cố trên
đá Subi kể từ năm 2014. Số lượng các công trình này đã bằng với số công
trình Trung Quốc xây trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
của Việt Nam.
Các chuyên gia Tây phương nói thêm: ”Subi là thực thể nhân tạo lớn
nhất trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng ở quần đảo
Trường Sa. Cùng với đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, đá Subi được xếp vào
nhóm "Tam Đại" với đầy đủ các công trình như nhà chứa tên lửa, đường
băng 3.000m, các nhà chứa máy bay cỡ lớn và những công trình theo dõi
tàu bè, máy bay nước ngoài.”
Dữ liệu từ Earthrise cho thấy trên đá Chữ Thập và Vành Khăn chỉ có khoảng 190 công trình và cấu trúc.
Tổng cộng Trung Quốc đã xây hơn 1.600 công trình trên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Đài CNBC, chuyên môn về tài chính và thể thao của Mỹ ngày 2-5-2018 dẫn
các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B
và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực
thể Đá Chữ Thập, Xu Bi, Đá Vành Khăn.
Vẫn trơ ra nhìn
Trước những đe dọa quân sự nhãn tiền của Trung Cộng ở Biển Đông, đảng và
nhà nước SVN đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đạo nói chung, cũng như
cuộc sống gian khổ và nguy hiểm của ngư dân nói riêng ?
Không có hành động gì hết trọi. Ngoại trừ một việc rất mất nhân đối với
các ngư phủ như đã chứng minh lần thứ nhất, sau khi Trung Cộng cho tầu
Hải Dương 981 xâm nhập tìm kiếm dầu bên trong thềm lục địa và vùng đặc
quyền kinh tề của Việt Nam năm 2014, và lần thứ hai, năm 2019, với tầu
Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số hướng
đông nam.
Đó là việc nhà nước CSVN đã vô trách nhiệm trao nhiệm vụ bảo vệ chủ
quyền biển đảo cho ngư dân khi họ chỉ có hai bàn tay trắng.
Cả hai lần, nhà nước đã trao cho ngư dân, ít nhất mỗi chủ tầu một lá cờ
Đỏ Sao Vàng để treo trên cột cao của con thuyền khi ra khơi đánh bắt.
Hành động này, đối với dân là yêu nước, nhưng khi nhà nước không có lực
lượng bảo vệ dân ra khơi đánh bắt, mà để cho kẻ thù Trung Cộng mặc sức
đe dọa và đán áp ngư dân thì có phải là hành động đem con bỏ chợ, hay
trao trứng cho ác không?
Những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ biển đảo như hải quân, cảnh sát biển,
kiểm ngư, biên phòng ven biển và không quân hãy tự đấm ngực hỏi mình đã
làm gì để bảo vệ ngư dân?
Các ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội
bà Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng Quốc
phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã làm gì để bảo vệ các thuyền đánh cá
trên các vùng biển đảo Tổ tiên ta để lại ?
Hay những người có trách nhiệm này chỉ biết phát rét khi nghe Tổng Bí
thư, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình nhắc lại nhiều lần rằng: "Các
hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung
Quốc. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của
chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải.…” (Tuyên bố tại Tòa Bạch Ốc ngày 25/09/2015)
(“Islands in the South China Sea since ancient times are China’s
territory. We have the right to uphold our own territorial sovereignty
and lawful and legitimate maritime rights and interests.”—Họp báo chung
với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc, ngày 25/09/2015)
Khoảng 2 tháng sau, họ Tập lập lại quan điểm này trong diễn văn tại Viện
nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Đại học Quốc gia Tân Gia Ba (NUS,
National University of Singapore).
Ông Tập nói vào sáng ngày 07/11/2015: "Những hòn đảo trên Biển Đông là
thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại, do đó Trung Quốc phải “giữ gìn
chủ quyền và lợi ích biển của mình”
Cũng đáng quan tâm là Tập Cận Bình đã nói như thế ở Tân Gia Ba chỉ 1
ngày sau khi kết thúc chuyến thăm 2 ngày ở Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp
lãnh đạo đảng và nhà nước, họ Tập còn đọc diễn văn trước Quốc hội ở Hà
Nội ngày 6/11/2015.
Ông Tập nói: “Hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm
trọng…Chữ tín là nền tảng để làm bạn…Khi đại sự được coi trọng thì tiểu
sự sẽ không khó giải quyết.”
Ông cũng khoe với Quốc hội Việt Nam: "Dân tộc Trung Hoa từ trước đến
nay đều yêu hòa bình, cái gen “hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều
không thay đổi, “hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi….”
Họ Tập còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần với Việt Nam phải: “Kiên trì
phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,
hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí
tốt, đối tác tốt”
Về phấn mình, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy chưa kiêm Chủ tịch nước) đã nói trong cuộc tiếp Tập Cận Bình ở Hà Nội: "Khẳng
định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì
quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa
quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đi vào chiều
sâu".
Ông Trọng còn: "Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu
quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực
hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao
hai Đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức
tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình” .
Mới nhất là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng, Thượng tướng
Ngụy Phượng Hòa ở diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 khai mạc ngày 21/10
(2019) ở Bắc Kinh (9th Xiangshan forum).
Trước mặt Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam, họ Ngụy nói thẳng: "Các
đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần
không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép
dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi”.
(The South China Sea islands and Diaoyu islands are inalienable parts of
China’s territory. We will not allow even an inch of territory that our
ancestors have left to us to be taken away.” (Reuters News Agency)
Nên nhắc lại, vào tháng 06 năm 2017, trong chuyến thăm Hà Nội, Phó Chủ
tịch Quân ủy Trung ương Trung Cộng, Phạm Trường Long, cũng đã nói thẳng
với tướng Ngô Xuân Lịch rằng: "Nam Hải [Biển Đông] là lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa” (theo tường thuật từ Hà Nội của Thống tín viên Tân Hoa Xã của Bắc Kinh).
Vì lời tuyên bố như gáo nước lạnh tạt vào mặt lãnh đạo Việt Nam mà họ
Phạm đã gặp vào thời điểm này gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch
nước Trần Đại Quang (qua đời ngày 21/09/2018) và Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc nên tướng Phạm Trường Long đã lên đường về nước ngay chiều ngày
18/6/2017, không tham dự các hoạt động “giao lưu hữu nghị tại tỉnh Lai
Châu và Vân Nam ngày 20/6”.
Như vậy thì lãnh đạo CSVN còn chần chừ gì nữa mà không kiện Trung Cộng
ra trước Tòa án Quốc tế để dành lại một lần cho dứt khoát chủ quyền toàn
vẹn của biển đảo và lành thổ ?
Hay vì con Virus Vũ Hán (Covid 19), cũng xuất phát từ Trung Cộng, đã làm
cho ông Nguyễn Phú Trọng tối mắt nên không biết đâu mà mò nữa?
(04/010)
No comments:
Post a Comment