Trung Quốc phân tích tại sao Việt Nam ‘xâm nhập’ Biển Đông lúc này, cảnh báo leo thang căng thẳng
Truyền thông chính thống của Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Việt
Nam “xâm nhập’ lãnh hải của họ cũng như cảnh báo sự “ủng hộ” của
Washington đối với Hà Nội sẽ làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông
trong khi đưa tàu Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam.
Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho
rằng tàu cá của Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của Trung Quốc gần đảo Tây
Sa hồi đầu tháng này và gửi công hàm phản đối “với mục đích tìm kiếm
bồi thường” trước áp lực kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 3/4 cho biết đã “giao thiệp với đại diện
Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối” cũng như yêu cầu Bắc
Kinh “bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam” sau khi
tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm
chìm trước đó cùng ngày.
Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam “đã xâm phạm lãnh hải
Trung Quốc và làm hư hại tàu hải cảnh” của họ, theo bài xã luận ra ngày
11/4 của Hoàn cầu Thời báo – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo (People’s
Daily). Tờ báo này cho biết “Trung Quốc có đủ bằng chứng bằng video của
những gì đã thực sự xảy ra trong vụ đụng độ để chứng minh sự vô tội của
họ.”
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South
Wales – người chuyên phân tích về các vấn đề Việt Nam và khu vực – cho
rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của
Trung Quốc là một sự “tuyên truyền và hoàn toàn đánh lạc hướng” dư luận.
Theo vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Úc, cần phải có thêm chi tiết
về vụ đụng độ mà Trung Quốc lại “chưa cung cấp bằng chứng bằng video để
hỗ trợ cho tuyên bố của họ.”
VOA đã liên lạc với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin
bình luận về những cáo buộc trên của tờ báo Trung Quốc cũng như liệu Hà
Nội có yêu cầu Bắc Kinh đưa ra bằng chứng về việc tàu cá Việt Nam đâm
tàu hải cảnh Trung Quốc hay không, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng Việt Nam “tìm kiếm bồi thường” trong
vụ đụng độ trên biển Đông giữa lúc có những áp lực về kinh tế khi đưa ra
số liệu cho thấy “hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đang tạm ngừng hoạt
động và hơn 40.000 người có nguy cơ thất nghiệp” giữa lúc bùng phát dịch
COVID-19. Tờ báo của Trung Quốc nhận định Việt Nam dùng vụ đụng độ trên
biển Đông lúc này để đánh lạc hướng sự “yếu kém” trong việc đối phó với
đại dịch virus corona.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vụ
đụng độ với tàu cá Việt Nam diễn ra hôm 3/4 gần quần đảo Hoàng Sa. Bộ
Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và ít nhất 5 thượng nghị sỹ Mỹ đã đưa ra các
thông cáo chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu
cá Việt Nam. Mỹ nói họ sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và các đối tác
trong khu vực đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng trước, Mỹ đã đưa một tàu sân bay cập
cảng Đà Nẵng.
‘Căng thẳng leo thang’
Trước sự chỉ trích của Mỹ, Hoàn cầu Thời báo cho rằng Washington đang “đứng về phe” với Hà Nội và “đổ trách nhiệm” cho Bắc Kinh.
“Sự ủng hộ ngay tức thì của Mỹ sẽ khích lệ chính phủ Việt Nam và ngư
dân Việt Nam tham gia vào hoạt động khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp,
không báo cáo và không theo quy định),” Hoàn cầu Thời báo nói và cho
rằng điều này sẽ xâm phạm lợi ích và quyền lãnh hải của Trung Quốc quanh
các đảo ở Tây Sa “một cách trơ tráo”.
“Điều này có thể sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt
Nam,” tờ báo của Bắc Kinh cảnh báo và kết luận rằng “dù gì thì cả Mỹ và
Việt Nam đang thổi bùng thêm ngọn lửa nhằm đạt được các mục đích chính
trị của họ.”
Chỉ vài ngày sau khi Hoàn cầu Thời báo cảnh báo sự leo thang, Trung
Quốc đã gửi ngay tàu khảo sát Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam.
Theo dữ liệu hành trình hàng hải mà Reuters trích dẫn, tàu Hải Dương 8
– từng tiến hành khảo sát địa chấn trong lãnh hải Việt Nam nhiều tháng
trời vào năm ngoái – hôm 14/4 đã xuất hiện ở khu vực cách bờ biển Việt
Nam khoảng 158km và trong vùng đặc quyền kinh tế. Chiếc tàu này được ít
nhất một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống. Cũng theo dữ liệu này, có ít
nhất 3 tàu của Việt Nam đang đi theo hướng của tàu Trung Quốc.
Nhận định về việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trở lại Việt Nam, Tiến
sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ
sở ở Singapore, nói với Reuters rằng đây “là hành động của Bắc Kinh nhằm
một lần nữa đưa ra các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở trên biển
Đông.”
“Trung Quốc đang lợi dụng việc đánh lạc hướng vào đại dịch virus
corona để tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giữa lúc Mỹ và
châu Âu đang phải đối phó với loại virus mới,” theo TS Hợp.
Để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông,
Việt Nam hôm 7/4 nói họ đã gửi công hàm lên LHQ, sau khi Philippines và
Malaysia đã có động thái tương tự.
Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi
cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền
của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền
tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Nhưng ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quần đảo Tây
Sa –mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – và Nam Sa – là Trường Sa theo cách gọi
của Việt Nam – thuộc lãnh thổ Trung Quốc và rằng các tuyên bố chủ quyền
của Việt Nam là “phi pháp và không có giá trị.”
Người phát ngôn của Bắc Kinh, Triệu Lập Kiên, nói các tuyên bố chủ
quyền của Việt Nam “vi phạm luật quốc tế bao gồm Hiến chương LHQ và Công
ước LHQ về luật biển.”
No comments:
Post a Comment