Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 20 October 2016

HÀ TĨNH - NHÂN TÀI VIỆT NAM- THANH LAN

Sunday, June 26, 2016


THƯ CỦA ETHECON



8853. Vụ Formosa: Thư của Ethecon gửi Chính phủ Đài Loan
8855. ĐÀI TRUYỀN HÌNH ĐÀI LOAN: NGƯ DÂN VŨNG ÁNG ĐANG CHỜ CÂU TRẢ LỜI TỪ 2 CHÍNH PHỦ »

8854. Vụ Formosa: Thư của Ethecon gửi tập đoàn Formosa Plastics Group

Posted by adminbasam on 23/06/2016

Thư ngỏ gửi gia đình ông Vương – chủ sở hữu, ông Lee-Chih-tseun – Tổng Giám đốc và các cộng sự quản lý thuộc tập đoàn Formosa Plastics Group (FPG) ở Đài Loan

Dịch giả: Trần Đông Đức, Cologne

23-6-2016


Ethecon – Quỹ vì Đạo Đức & Kinh Tế
Địa chỉ Ethecon: P.O. Box 150435, D-40081, Dusseldorf, Cộng hòa Liên bang Đức


Ngày 17 tháng 6 năm 2016
 
Các thành viên của gia đình ông Vương,

Ông Lee và các cộng sự quản lý,


Trong năm 2009, Ethecon – Quỹ vì Đạo đức và Kinh tế đã chỉ trích các chủ sở hữu và những người chịu trách nhiệm của tập đoàn FORMOSA PG bằng Giải thưởng Hành tinh Đen (tiếng Anh: Black Planet Award) liên quan đến những đánh giá tiêu cực về pháp luật và trật tự, sinh thái và hòa bình, quyền xã hội và nhân quyền trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn FORMOSA PG.

Hôm nay chúng tôi liên lạc với quí vị liên quan đến FORMOSA Thép Hà Tĩnh, Việt Nam.
Tập đoàn FORMOSA PG chiếm 70% sở hữu của FORMOSA Thép Hà Tĩnh. Còn lại, 25% sở hữu thuộc về công ty Thép Trung Quốc (China Steel), một công ty mà vẫn được sở hữu phần lớn bởi chính phủ Đài Loan, và 5% thuộc về một công ty Nhật Bản có tên JFE Holdings.


FORMOSA Thép Hà Tĩnh bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2016 ngay sát bờ biển Việt Nam. Ngay sau khi FORMOSA Thép Hà Tĩnh được đưa vào hoạt động, lượng lớn cá đã chết hàng loạt. Dọc theo bốn tỉnh của niềm Trung Việt Nam khoảng 200 km, một khối lượng lớn cá chết đã trôi dạt vào bờ. Người ta cho rằng chính phủ Việt Nam lúc đầu đã khuyến cáo nhân dân ngừng ăn cá bởi vì chúng có thể bị nhiễm độc và ăn cá có thể gây nguy hại cho sức khỏe.


Ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, cá chết trên diện rộng cũng có tác động kinh tế nặng nề cho việc đánh bắt cá địa phương, ngành nghề mà hiện đang đối mặt với sự đổ nát bởi thảm họa đã nêu.


Theo truyền thông, một đường ống dẫn thải thẳng từ FORMOSA Thép Hà Tĩnh xuống biển được cho là nguyên nhân của cá chết lan rộng hàng loạt. Theo pháp luật Việt Nam, công ty không được phép thải nước đã qua sử dụng và xả thải nước ô nhiễm thẳng ra biển như vậy.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân than phiền rằng ông không nhận được bất kỳ thông tin gì về việc FORMOSA Thép Hà Tĩnh thải các chất độc hại qua đường ống dẫn thẳng xuống biển nói trên.


Theo truyền thông địa phương, FORMOSA cũng đã đặt hàng 300 tấn hóa chất rất độc hại để làm sạch đường ống dẫn nước thải. FORMOSA từ chối tiết lộ chính xác những gì đã được làm sạch, những gì đã được gỡ bỏ và số lượng chính xác những loại hóa chất đọc hại đã được sử dụng. Cơ quan về Môi trường Việt Nam đã không được thông báo chút gì về các hóa chất được đặt hàng cũng như lượng đã sử dụng.


Thay vào đó một người đại diện của FORMOSA Thép Hà Tĩnh tuyên bố rằng nhân dân Việt Nam sẽ phải lựa chọn giữa cá và thép.
Sự miễn nhiệm người đại diện của FORMOSA ngay sau đó không thể thay đổi thực tế rằng những hành động vô trách nhiệm và sự vô lương tâm của quí vị đang tiếp tục kéo dài thảm họa và gây nên những thiệt hại khổng lồ cho người dân và môi trường ở Việt Nam.


Thực tế rằng mục đích duy nhất của hành động nói trên của quí vị chỉ là lợi ích cá nhân chính là mối đe dọa cho xã hội nói chung và đối với môi trường nói riêng.
Chúng tôi kêu gọi quí vị phải đối mặt với trách nhiệm của mình trước con người và môi trường và ngăn chặn phá hoại môi trường – một hành động gây tội ác.


Yêu cầu quí vị ngay lập tức ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước và ô nhiễm biển Việt Nam. Hãy làm tất cả mọi điều có thể để cho các ngư dân địa phương có công ăn việc làm trở lại, để cho nhân dân Việt Nam có cá sạch để ăn và để cho họ không còn lo sợ.
Yêu cầu quí vị đảm bảo điều kiện làm việc nhân đạo, giữ gìn hệ sinh thái trong công ty và môi trường xung quanh.
Yêu cầu bồi thường cho tất cả mọi người dân đã phải gánh chịu thảm họa liên quan đến thiệt hại về sức khỏe cũng như về kinh tế. Phải đảm bảo rằng môi trường được làm sạch và phục hồi.

Phải đảm bảo rằng các tội ác được làm sáng tỏ trực tiếp, toàn diện và không che đậy và rằng tất cả những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thảm họa phải đối mặt với công lý.


Không sử dụng tiền bạc của quí vị cho lợi ích cá nhân (Người dịch: tức đưa hối lộ). Thay vào đó, hãy hành động có trách nhiệm và giúp đỡ những người dân thường mà hành động của quí vị đã đẩy họ đến bên bờ của sự hủy hoại.
Hãy chấm dứt những hành động tàn nhẫn của quí vị,
Hãy chấm dứt hủy diệt hành tinh của chúng ta!

Trân trọng,
Axel Köhler-Schnura
(Chủ tịch hội đồng quản trị)

Sarah Schneider
(Giám đốc điều hành)

Bản tiếng Anh: Open Letter to the Owner Family Wang

Do Thi Thuan
http://thongthienhoc.net/
https://www.facebook.com/mlnqvn

VĂN HÓA VÀ NHÂN VẬT VIỆT NAM

 


Thanh Lan, tiếng hát của tài và sắc

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-06-26
249348_533287883367616_2067123819_n.jpg
Ca sĩ Thanh Lan trong đại nhạc hội tại trường Talbert năm 1972.
Courtesy FB Nghệ sĩ Thanh Lan
Có một người nghệ sĩ mà nếu gọi cô là ca sĩ, hay tài tử điện ảnh đều đúng, vì với vai trò nào cô cũng toả sáng. Với dòng nhạc nào, Việt, Pháp, Mỹ thì cô cũng để lại trong lòng người hâm mộ những ca khúc gắn với tên mình như Bang Bang, Triệu đoá hoa hồng, Apres Toi, Trưng Vương khung cửa mùa thu, Trăm nhớ ngàn thương...
Đó chính là ca sĩ, tài tử điện ảnh, “Tiếng hát học trò” Thanh Lan.
“Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Bước chân trên đường vẫn chưa phai nhạt…” (Trả lại em yêu)
“Đó là một quãng đời rất đáng nhớ của Thanh Lan. Trường đại học văn khoa nằm kế bên đài truyền hình. Nên đôi khi mình đi qua trường, nghe thầy giảng xong, lại ‘tà tà’ đi xuống lầu, bước qua ngay bên cạnh, đi vào những căn phòng mát mẻ của đài truyền hình, thay một chiếc áo dài hoa khác, thâu một bài hát tình cảm mà mình yêu thích. Cuộc sống của Thanh Lan lúc đó đẹp như mơ vậy đó.”
Khi mà mình hát lên thì đó không phải chỉ là tâm sự của người nhạc sĩ nữa, mà có thêm cả tâm sự của mình trút vào bài hát đó.
- Ca sĩ Thanh Lan
Người em văn khoa
Thanh Lan đến với âm nhạc rất sớm. Lúc 9 tuổi cô đã làm quen với phím đàn piano trong trường tiểu học Saint Paul, một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái của những gia đình trưởng giả. Kiến thức nhạc lý vững vàng cộng với niềm đam mê ca hát, mà cô gọi là “một hobby của lúc nhỏ”, đã đưa đến tiếng hát của cô bé Thanh Lan đến với thính giả đài phát thanh lúc cô 12 tuổi.
“12 tuổi thì Thanh Lan được ông thầy piano giới thiệu với nhạc sĩ Nguyễn Đức trong ban thiếu nhi Nguyễn Đức của đài phát thanh Sài Gòn. Mỗi chủ nhật Thanh Lan lên đó thâu trong đài phát thanh với các bạn. Đi hát không có nghĩa là bỏ học. Hát đối với Thanh Lan hồi nhỏ như là một hobby cuối tuần mình làm cho vui vậy.”
Cái thời người ta chưa quen với hai từ truyền hình, mà thay vào đó là “lên tivi” thì cô nữ sinh trung học Marie Curie, Thanh Lan đã “lên tivi” xuất hiện trước khán thính giả năm 16 tuổi.
“Vì Thanh Lan ở trong chương trình của sinh viên học sinh, sau đó, những người trưởng ban nhạc của chương trình khác thấy đâu ra một người cũng xinh xinh, hát cũng được nên họ mời tham gia. Hồi đó đối với Thanh Lan đi thâu tivi là một niềm vui. Cái vui đầu tiên là tự mình xem mình được. Cái thời đó tivi đen trắng thôi, nhưng thích lắm.
Thế rồi, Thanh Lan được biết đến vào những năm sau đó như một hiện tượng trong làng ca nhạc. Khi nhắc đến Thanh Lan, người ta lại nghĩ ngay đến những ca khúc tình yêu thơ mộng, nhẹ nhàng, in đậm hình ảnh của những tà áo dài mỗi chiều đi về ngang qua con đường Duy Tân, nghĩ đến ngôi trường văn khoa với những đôi mắt ngà.
Được biết đến với hình ảnh của một ca sĩ thành công với những tình khúc Pháp lãng mạn, trữ tình, thế nhưng chính những ca khúc nhạc Việt và dân ca ba miền đã được cô chọn để trình diễn khi xuất hiện trên truyền hình trong giai đoạn đầu đi hát.
“Con đường nào ta đi
Với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô
Con đường bụi mờ…” (Con đường tình ta đi)

488179_608670979162639_119711436_n.jpg

Thanh Lan trong vai cô hàng hoa trong phim hài Xóm Tôi (1974). Courtesy FB Nghệ sĩ Thanh Lan
“Những bài Thanh Lan thích hồi thời đó là Con đường tình ta đi, trong bài ấy có câu ‘Hỡi người tình văn khoa’; dĩ nhiên có Trăm nhớ ngàn thương; Ô kìa đời bỗng dưng vui của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ; bài Đố ai; hát dân ca ba miền…Tên tuổi của Thanh Lan đến với khán giả nhiều nhất là thời điểm đó.”
Thanh Lan cũng chính là ca sĩ đầu tiên trình bày ca khúc Trăm nhớ ngàn thương của nhạc sĩ Lam Phương.
“Mất em rồi, xa em rồi
Hoa đã tàn, nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng anh đi về, về với ai
Một người đi, một người sầu
Nhìn hoa úa buồn về mau
Đôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng
Lòng còn thương, tình còn nồng
Mà đêm nhớ, ngày chờ mong
Bao thu rồi nhìn lá chết rơi ngoài song…” (Trăm nhớ ngàn thương)  “Một người nghệ sĩ trước khi ra mắt khán giả thì phải bỏ hết tâm tư như thế nào để mà chuyển tải đến khán thính giả tâm sự của người nhạc sĩ. Tuy nhiên khi mà mình hát lên thì đó không phải chỉ là tâm sự của người nhạc sĩ nữa, mà có thêm cả tâm sự của mình trút vào bài hát đó. Do vậy khi mà khán thính giả xem thì sẽ để ý tuy là cùng một bài hát nhưng mỗi một ca sĩ hát khác nhau đúng không?”
Đúng là như thế. Nếu ca khúc Trăm nhớ ngàn thương của nhạc sĩ Lam Phương sẽ kiêu kỳ, đài các với tiếng hát Ý Lan, thì Trăm nhớ ngàn thương qua tiếng hát của Thanh Lan trở nên ngọt ngào, tự nhiên, tràn đầy sức sống ẩn chứa trong câu chuyện tình buồn của bài hát.
Những ca khúc trữ tình của Phạm Duy, Đỗ Lễ, Nguyên Sa…qua tiếng hát ngọt ngào, trong vắt như màu sương sớm của cô làm cho người nghe có cảm giác như được lạc vào một thế giới tràn ngập ánh sáng của tình nhân loại.
“Không có quãng đời nào đẹp như thời gian còn đi học. Mặc dù lúc đó nổi tiếng rồi nhưng tâm tư của mình vẫn còn là tâm tư của một nữ sinh viên, chưa phải là người phải ra đời để đấu đá và kiếm sống. Sự nổi tiếng đến với mình tình cờ chứ không phải là cố gắng tìm nó.”
‘Hát nhạc Pháp vì ít người hát’
Không có quãng đời nào đẹp như thời gian còn đi học. Mặc dù lúc đó nổi tiếng rồi nhưng tâm tư của mình vẫn còn là tâm tư của một nữ sinh viên, chưa phải là người phải ra đời để đấu đá và kiếm sống.
- Ca sĩ Thanh Lan
Cô sinh viên trường văn khoa sau đó gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ban nhạc đầu tiên chọn phong cách Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn. Tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên, cách phát âm tròn, rõ cộng với khả năng Pháp ngữ của cô thiếu nữ học trường Tây đã giúp cho Thanh Lan nổi tiếng với những ca khúc Pháp hoặc nhạc Pháp lời Việt.
“Tu t’en vas
L’amour a pour toi
Le sourire d’une autre, je voudrais mais ne peux t’en vouloir…” (Apres Toi – Vắng bóng người yêu)
Đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Những năm 67, 68, Thanh Lan không phải là ca sĩ duy nhất hát nhạc Pháp. Nhưng cô được khán giả thời ấy, và có thể nói là cho đến tận bây giờ, biết đến cô là một ca sĩ hát nhiều nhạc Pháp nhất.
“Thanh Lan học trường Pháp đến 15 năm. Cho nên phải nói là sự suy nghĩ và kiến thức văn hoá hoàn toàn theo Pháp. Với lại mình nên làm những gì người ta ít làm. Nhạc Mỹ thì nhiều người hát quá rồi, thôi mình hát nhạc Pháp đi.”
Một ca khúc Pháp khác mà khi nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến tiếng hát trong trẻo, vui tươi của ca sĩ Thanh Lan.
“Khi xưa đôi ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt quân gian
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! Bang…”
(Bang bang)
Như đã nói, Thanh Lan toả sáng không chỉ trong sự nghiệp ca hát, mà người ta còn biết đến Thanh Lan là một nữ tài tử điện ảnh. Vào năm 1970, sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu, khi cô đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha. Với vai diễn đầu tay này, cô đã đoạt giải nữ diễn viên triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1971.

“Đã làm gì thì mình phải làm cho hết lòng hết sức. Hai là trong trường có môn học về văn chương, văn chương Pháp. Rồi sau khi lên đại học thì học văn chương Anh, văn chương Mỹ. Trong văn chương có thơ, có kịch. Khi mình học thơ, học kịch thì trong những vở kịch nổi tiếng của thế giới thì mình biết rằng mình phải phân tích tâm lý nhân vật. Thanh Lan cũng áp dụng điều đó trong bài hát. Khi mình hát, mình cũng phải phân tích tâm lý nhân vật trong bài hát. Hát bài đó họ muốn nói gì và trong câu đó họ muốn nhắn nhủ gì, chứ không phải hát một kiểu từ đầu đến cuối bài.”
Với rất nhiều người thuộc thế hệ của con đường Duy Tân, của trường Văn khoa, trường Luật ở Sài Gòn ngày cũ, tiếng hát Thanh Lan mãi mãi được nhắc nhớ như kỷ niệm của một thời mộng mơ, của tài năng và tình yêu cuộc sống.
 

Elizabeth Phù – Nữ cố vấn gốc Việt của Tổng thống Hoa Kỳ

Anh Minh, phóng viên RFA
2016-06-25
13483353_10154342321174571_8830500485820642368_622.jpg
Nữ cố vấn gốc Việt Elizabeth Phù và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong xe riêng của ông trên đường tới một sự kiện về người tị nạn tại Malaysia vào tháng 11 năm 2015.
Hình do Bà Elizabeth Phù gửi tặng RFA 
Là một trong những thế hệ thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, Elizabeth Phù và ba mẹ cùng người em gái một lần nữa bước xuống tàu sau lần vượt biên đầu tiên thất bại và bị giam cầm nhiều tháng trong trải cải tạo. Chiếc tàu nhỏ bé chứa hơn 250 người chết máy ngay khi ra khỏi hải phận. Sau bảy ngày  trôi dật dờ giữa biển cả và đụng độ cướp biển hai lần, họ đã may mắn được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Hoa Kỳ. Giờ đây, cô bé ấy đã trở thành nữ cố vấn cho Tổng thống Obama, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc tại tòa Bạch Ốc giữ chức vụ Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Đài Á Châu Tự Do vinh dự có buổi phỏng vấn bà Elizabeth Phù tại tư gia.

Thành công từ những thử thách

Anh Minh: Xin chào Elizabeth, rất vinh dự cho tôi khi được gặp bà hôm nay để thực hiện buổi phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên của tôi dành cho bà như sau: Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc ở Nhà Trắng trong vai trò Giám đốc phụ trách an ninh khu vực Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Xuất thân từ một cô bé tị nạn Việt Nam thì thử thách nào là khó khăn nhất mà bà đã phải vượt qua trong sự nghiệp của mình?
Elizabeth Phù: Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn vì đã giúp tôi tham gia trong chương trình này. Tôi đã làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể là bộ quốc phòng khi tôi 24 tuổi. Là một người phụ nữ, một phần thiểu số, một nhân viên dân sự, nên đã có rất nhiều lần trong các buổi họp ở Bộ Quốc phòng hay là ở nước ngoài thì rõ ràng tôi là người trẻ nhất, là người phụ nữ duy nhất, là phần thiểu số, là thường dân trong phòng họp đó.
Điều quan trọng cho một người như tôi hoặc bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị thật tốt, làm việc chăm chỉ, sẵn sàng đóng góp khả năng của mình và làm tròn bổn phận được giao phó.
-Elizabeth Phù
Vì vậy tôi cảm thấy rằng tôi thực sự cần phải chứng minh bản thân mình. Sau nhiều năm thì tôi khám phá ra rằng mọi người chẳng hề bận tâm tới vấn đề này lắm. Từ đó tới giờ tôi cũng đã từng thấy có những trường hợp rõ ràng là người ta bận tâm về vấn đề này. Nhưng đa phần thì mọi người chỉ muốn biết là tôi có làm được việc hay không.  Điều này đã giúp tôi tích lũy thêm kiến thức, tự trao dồi bản thân để trở nên tự tin hơn trong công việc. Đó là những thử thách khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất.
Anh Minh: Bài học quan trọng nhất mà bà học được là gì?
Elizabeth Phù: Bởi vì mọi người muốn biết liệu rằng bạn có làm được việc? Nên tôi thực sự nghĩ rằng điều quan trọng cho một người như tôi hoặc bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị thật tốt, làm việc chăm chỉ, sẵn sàng đóng góp khả năng của mình và làm tròn bổn phận được giao phó.
Anh Minh: Trở lại quãng thời gian mà gia đình bà mới đặt chân tới nước Mỹ, bà có từng cảm thấy nhớ nhà hay cảm thấy cực khổ không? Và điều gì hay những sự kiện nào đã làm cho bà cảm thấy khá hơn?
Elizabeth Phù: Thật đáng tiếc là lúc đó tôi quá nhỏ. Tôi tới đây lúc mới được 4 tuổi nên khi còn nhỏ như vậy thì mình chỉ cần sự che chở của bố mẹ và chẳng để ý lắm tới cảm xúc. Nhưng tôi biết ba mẹ của tôi đã có những lúc khó khăn lắm. Họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương. Họ rất biết ơn khi được đến nước Mỹ nhưng chắc chắn họ đã những có những khoảng thời gian rất khó khăn. Họ đã làm việc vô cùng vất vả. Tôi nhớ ba của tôi ngoài công việc chính còn phải làm thêm bán thời gian mà cũng chỉ đủ để nuôi sống gia đình thôi. Cũng có những lúc ba mẹ tôi bị kỳ thị và gặp nhiều chuyện cực nhọc khác. Nhưng cá nhân tôi thì không như vậy. Tôi đã rất may mắn.


13483347_10154348743819571_4945553802749075268_400.jpg

Nữ cố vấn gốc Việt Elizabeth Phù trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục Nhà Trắng, với các giới chức cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Denis R. McDonough, Phát ngôn viên của Tổng thống Jay Carney... (Photo: White House)

Anh Minh: Nói về công việc của bà ở Nhà Trắng , vấn đề nào mà bà thấy yêu thích nhất cũng như không thích cho lắm?
Elizabeth Phù: Đầu tiên thì tôi phải nói rằng đó là một công việc rất tuyệt vời. Tôi đã rất may mắn khi có nó. Một phần bởi vì thành tích cá nhân của tôi, nhưng một phần cũng vì tôi có cơ hội được làm việc ở cấp bậc cao nhất liên quan tới những quốc gia mà tôi quan tâm tới. Có những phần việc tốt và cũng có những phần việc rất khó. Tôi sẽ nói rằng không có phần việc nào khiến tôi ghét cả. Mọi thứ thì nó cứ xảy ra và mình thì không biết được cái gì sẽ tới. Ví dụ như có thiên tai ở đằng này, đằng kia thì lại có bầu cử. Mọi thứ cứ tiến triển rất là sôi động, và mình phải chuyển từ vấn đề này sang vấn đề tiếp theo một cách rất nhanh chóng.

Công việc và gia đình

Anh Minh: Những người làm việc trong Nhà Trắng và có vị trí như bà thì thường rất là bận rộn. Họ thậm chí không có thời gian dành cho gia đình họ nữa. Bà có từng phải làm việc như vậy không? Làm sao mà bà thu xếp được thời gian cho cả công việc và gia đình?
Elizabeth Phù: Chúng tôi làm việc rất vất vả ở Nhà Trắng. Tất cả mọi người đều như vậy. Họ là những đồng nghiệp rất tận tuỵ. Tôi đã rất may mắn. Tôi không bao giờ đòi hỏi thêm sự tận tuỵ ở họ cả. Lúc mới vào làm việc ở Nhà Trắng, chúng tôi không hề nghe về chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bây giờ thì chúng ta nghe chuyện này rất nhiều. Nhưng thành thật mà nói thì rất là khó khăn để cân bằng cuộc sống với công việc ở Nhà Trắng. Thời gian làm việc rất dài, nhiều áp lực và căng thẳng. Riêng tôi thì rất may mắn vì chồng của tôi rất ủng hộ và sẵn sàng làm việc nhà khi tôi phải bận rộn với công việc mỗi ngày.
Anh Minh: Khi rảnh rỗi thì bà thường hay làm gì?
Thời gian làm việc rất dài, nhiều áp lực và căng thẳng. Riêng tôi thì rất may mắn vì chồng của tôi rất ủng hộ và sẵn sàng làm việc nhà khi tôi phải bận rộn với công việc mỗi ngày.
-Elizabeth Phù
Elizabeth Phù: Tôi có một đứa con trai còn nhỏ nên mỗi khi có thời gian rảnh tôi đều dành thời gian cho bé và chồng của tôi. Chúng tôi không có quá nhiều thời gian nhưng đều chắc chắn là làm sao giữ liên lạc được với bạn bè và gia đình.
Anh Minh: Một vài người nói là Tổng thống Obama nhìn có vẻ già đi rất nhiều sau 8 năm nắm giữ công việc khó nhất thế giới. Đã từng làm việc chung với ông ta thì bà có bao giờ cảm thấy e ngại rằng mình sẽ giống ông ta một lúc nào đó không?
 
Elizabeth Phù: (cười) Đầu tiên thì phải nói là tôi không có nắm giữ công việc khó nhất thế giới như Tổng thống Obama. Và tôi nghĩ rằng ông ta đã làm công việc đó rất tuyệt vời. Ông ta trông có tuổi hơn nhưng mà vẫn rất khoẻ mạnh trong khi phải làm nhiều công việc rất táo bạo và nhiều căng thẳng.
Tôi đã có mặt ở Malaysia với Tổng thống Obama vào tháng 11 năm ngoái khi ông có buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo trẻ Á Châu. Và ông đã đùa rằng ông không có nhuộm tóc đâu. Ông ấy có khá nhiều tóc bạc sau 7 năm rưỡi làm Tổng thống, nhưng ông đã làm việc rất tuyệt vời. Còn tôi thì rất may mắn vì chưa bao giờ phải chịu đựng những căng thẳng như vậy.

Anh Minh: Ví dụ như nếu bà vẫn còn làm việc ở nhà trắng và sau cuộc bầu cử vào tháng 11 này thì có thể bà sẽ có những thay đổi về công việc nếu nước Mỹ có một tổng thống mới thuộc đảng cộng hoà. Nhưng hiện giờ bà đang làm việc cho bộ quốc phòng, vậy bà sẽ làm gì nếu chúng ta có một tổng thống thuộc đảng cộng hòa vào tháng Giêng năm sau?
Elizabeth Phù: Tôi là một công chức nên công việc của tôi không bó buộc vào các chu kỳ bầu cử. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tiếp đến là Tổng thống George W.  Bush và tất nhiên là Tổng thống Obama ở nhà trắng. Tôi không biết rõ tương lai như thế nào, nhưng công việc của tôi sẽ không bị bó buộc vào các chu kỳ bầu cử.
Anh Minh: Bà đã từng bao giờ trở về thăm Việt Nam chưa?
Elizabeth Phù: Tôi đã từng. Tôi trở lại Việt Nam vì công việc chuyên môn cũng như có những chuyến viếng thăm riêng tư.
Anh Minh: Bà đã đi thăm những nơi nào?
Elizabeth Phù: Tôi đã đến Hà Nội vào năm ngoái trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm việc với các đồng nghiệp ở chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm đó. Tôi đã ở Hà Nội cho chuyện này. Tuy nhiên trước đó tôi đã viếng thăm Sài Gòn nơi tôi được sinh ra, và ra Phú Quốc nơi cha tôi lớn lên, và một vài nơi khác ở Việt Nam.
Anh Minh: Món ăn nào mà bà đã thưởng thức ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam?
Elizabeth Phù: Món ăn Việt Nam tôi thích nhất là Phở nên mỗi khi mà có cơ hội thì tôi đều thưởng thức nó. Ngay cả ở đây thì tôi vẫn rất thích, và tôi mới ăn Phở ngay tối hôm qua đây.
Anh Minh: Nếu có thể chia sẻ một điều để khích lệ giới trẻ Việt Nam, thì bà sẽ nói gì?
Elizabeth Phù: Chắc chắn rồi. Đối với những bạn trẻ ở Việt Nam, tôi sẽ nói rằng các bạn có một người bạn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi quan tâm đến những vấn đề mà các bạn cũng đang quan tâm như sức khoẻ, giáo dục, phát triển quốc gia, biến đổi khí hậu, sự phồn thịnh và an ninh quốc gia. Việt Nam có một cộng sự thân thiết ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước trẻ, nên giới trẻ cần thiết phải chủ động và họ sẽ trở thành người thực hiện chuyển tiếp mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Anh Minh: Cảm ơn bà rất nhiều.
 

Sáo trúc, quốc hồn của âm nhạc dân tộc Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-06-25
IMG_0545-622.jpg
Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Hình do Nghệ sĩ Ngọc Nôi cung cấp
Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Bắt đầu từ những thân tre mảnh mai trong vườn nhà tiếng sáo trỗi lên như ru trẻ trong những giấc trưa oi ả, sáo theo trẻ ra đồng réo rắt trên lưng trâu, cho tới khi tiếng chiều rơi chậm hồn quê. Tiếng sáo thanh bình, ngọt ngào và đầy ắp tâm hồn Việt Nam ấy đã và đang sống cùng chúng ta từ mái tranh nghèo cho tới những căn phòng máy lạnh nơi thành thị. Sáo trúc Việt Nam sẵn lòng chia sẻ buồn vui mà chưa bao giờ cảm thấy thua thiệt vì thân phận đơn giản của nó.
Vâng, thân sáo chỉ là một khúc trúc hay nứa có chiều dài từ 40 tới 55 cm. Ở đầu ống có một lỗ hình bầu dục là lỗ thổi. Thẳng hàng với lỗ thổi là 6 lỗ bấm, chỉ có vậy mà khi thổi lên nó làm mê mẩn bao người.
Người Việt thích ngâm thơ mà tiếng sáo có lẽ là nhạc cụ chính nâng tiếng ngâm lên một cung bậc khác. Tiếng sáo trong dân ca làm cho không khí hội hè đình đám nhôn nhịp hẳn lên do tiết tấu nhanh và réo rắt của nó. Thế nhưng nói tới buồn thì không gì buồn bằng tiếng sáo, cứ quanh quẩn chung quanh nỗi buồn của người nghe như vuốt ve cảm xúc, như tạo sự cảm thông hay dẫn dắt nỗi nhớ nhà trên đường cô quạnh. Tiếng sáo hầu như có mặt trong mỗi lần giận dỗi hay hờn ghen và biết đâu tiếng sáo lại chính là mối lương duyên khi cả hai người yêu nhau đều thích cái âm sắc đậm đà hồn dân tộc ấy.
Sáo đơn giản như vậy nhưng thật ra muốn thổi cho tới trình độ thu hút tâm hồn người khác thì không hề đơn giản chút nào. Học từ những ngày đầu trên lưng trâu như những chú mục đồng thì chỉ vài hôm là xong nhưng để viên mãn với sáo thì có thể suốt cả cuộc đời người nghệ sĩ. Sáo cũng như các bộ môn nghệ thuật khác phải để hồn vào với nó như mẹ ấp ủ cho con để từ đó nghe rõ từng âm sắc bỗng trầm, dài ngắn, khi thiết tha lúc hạnh phúc hay bất chợt đớn đau. Có lẽ vì vậy mà kẻ chơi sáo thì nhiều nhưng nổi tiếng và tên tuổi dính liền với cây sáo trúc lại không có mấy người.
Đăc biệt khi ra hải ngoại, người nổi tiếng về sáo trước năm 75 là Nguyễn Đình Nghĩa từng được mệnh danh là “tiếng sáo thần” đã không còn với chúng ta. Trong chương trình Thi văn Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn từ năm 1955 có tiếng sáo Tô Kiều Ngân một thời lừng lẫy nâng những bài thơ nổi tiếng thành những áng mây diễm tuyệt.

Tiếng sáo Ngọc Nôi

Qua dần với thời gian, một cây sáo khác tại hải ngoại vẫn còn sinh hoạt trong các buổi phát thanh hay truyền hình của miền Nam California. Ông là nghệ sĩ Ngọc Nôi, vẫn đam mê với tiếng sáo mà từ khi 15 tuổi ông đã cầm nó trên tay. Qua bao nhiêu năm thăng trầm cuộc đời ngày nay tiếng sáo Ngọc Nôi vẫn trỗi lên cho người xa xứ có dịp nhớ lại quê nhà…
Mỗi lần tôi trình diễn xong thì họ chỉ nói là “tuyệt vời” thôi! Ngay cả khi tôi được mời sang Đài Loan trình diễn, đại diện cho Việt Nam thổi sáo, Đài Loan là xứ sở thổi sáo cũng rất hay nhưng khi mình thổi thì khán giả Đài cũng rất là ái mộ.
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Trước nhất xin được tự giới thiệu tôi là nghệ sĩ Ngọc Nôi tôi qua Mỹ năm 1992 trước đây tôi là người lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi học thổi sáo từ năm 15 tuổi mà năm nay tôi đã 70 tuổi cho nên trong thời gian dài như vậy tôi nghiên cứu rất nhiều. Ở Việt Nam tôi thổi cho đài phát thanh Nha Trang và sau khi vào quân đội tôi không thổi sáo nữa mãi sau này tôi mới tiếp tục thổi lại. Hiện nay tôi đem tiếng sáo của Việt Nam mình để thổi ở xứ người kể cả người bản xứ hay người thổ dân Mỹ họ đều ái mộ. Khi tôi trình diễn trong những buổi nhạc hội của người Hoa Kỳ thì họ đều rất lạ lùng. Khi tôi trình diễn xong họ đứng xếp hàng họ thấy một cây sáo bằng tre mà tại sao lại không thua gì một nhạc cụ lớn bên này. Đó là điều hãnh diện của mình vì đã đem được tiếng sáo của dân tộc mình để phổ biến cho người nước ngoài cho họ biết dân tộc mình có nền âm nhạc không thua kém gì phương Tây.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết cơ may nào mà anh trình diễn trước công chúng Mỹ cũng như các nước và phản ứng của khán giả là có làm anh ngạc nhiên không?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Mỗi lần tôi trình diễn xong thì họ chỉ nói là “tuyệt vời” thôi! Ngay cả khi tôi được mời sang Đài Loan trình diễn, đại diện cho Việt Nam thổi sáo, Đài Loan là xứ sở thổi sáo cũng rất hay nhưng khi mình thổi thì khán giả Đài cũng rất là ái mộ, không biết hay dở gì nhưng họ cũng cho là tuyệt diệu!


nguyendinhnghia_400.jpg

Tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa 1940-2005


Mặc Lâm: Anh vừa cho biết khán thính giả Đài Loan cũng như người Indian… còn riêng về người Việt thì sao?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Người Việt ở vùng Cali này thì ai cũng biết tôi, nhất là những người từng đi xem trình diễn văn nghệ hay trong những đêm thơ nhạc, những tổ chức nhạc cổ truyền hay các buổi dân ca như hát chèo, chầu văn thì đều biết tôi vì tôi trình diễn tất cả những bộ môn đó.
Mặc Lâm: Vâng có thể một chút nữa xin anh cho nghe vài khúc ngắn của sáo cho dân ca như chèo hay chầu văn…anh có bao giờ phụ trách một chương trình tương tự như chương trình thi văn Tao Đàn hay Mây Tần như ngày xưa mà tiếng sáo là nhạc cụ chủ đạo dẫn dắt thính giả theo cung bậc của bài thơ hay không?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Cách đây đã lâu, khoảng 10 năm tôi có cộng tác với đài STBN và là người khởi xướng cho chương trình đó. Tôi làm chương trình Thi văn Tao Đàn thứ nhất là để phổ biến những bài thơ hồi xưa cũng như các bài hiện tại bây giờ quý vị cần nghe. Thơ hải ngoại thường thì thương nhớ quê hương và chương trình của chúng tôi đã phổ biến tới khán thính giả.
Mặc Lâm: Thưa anh một câu hỏi có vẻ riêng tư một chút: hiện tại anh có truyền nhân chưa và anh có sợ tiếng sáo của mình mai một hay không, nếu những truyền nhân đó không nắm vững những kỹ thuật cơ bản và nhất là cái hồn của tiếng sáo, nhất là cái hồn Việt Nam trong tiếng sáo…
Thật ra tôi cũng có nhiều sinh viên học trong trường nhạc ra họ nghe tiếng của tôi họ lại học và tôi cũng truyền hết cho học trò mình. Nhưng họ thấy khó quá và nói chung hình như học sáo cần cái thiên tư của mỗi người.
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Thật ra tôi cũng có nhiều sinh viên học trong trường nhạc ra họ nghe tiếng của tôi họ lại học và tôi cũng truyền hết cho học trò mình. Nhưng họ thấy khó quá và nói chung hình như học sáo cần cái thiên tư của mỗi người tuy mình chỉ hết lòng nhưng họ không đạt được ý mình muốn do vậy người ta nản lòng. Hơn nữa khi học sáo phải cố gắng, kiên trì nữa nhưng do bận rộn việc làm ăn cho nên không đạt được ý mình muốn. Mình muốn truyền lại nghề cho các em sau này nhưng rất giới hạn anh à.
Mặc Lâm: Vâng bây giờ thì xin anh cho một khúc chầu văn hay một khúc cho chèo mà anh đệm sáo theo đàn có được không ạ…
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Như anh nói hỗi nãy rất là đúng tại vì thường thường các loại dân ca đó mình phối hợp theo những nhạc cụ chứ còn thổi solo một mình thì nghe không được vì nó đi với cung khác chứ không phải như cung của tao đàn. Chẳng hạn anh ngâm sa mạc có nghệ sĩ ngâm thơ thì tôi sẽ chuyển theo. Âm hưởng của chầu văn hay âm hưởng của chèo cổ thì nó khác. Thay vì mình đi theo Bemol thì nó thấp, nó khác ví dụ như đoạn sau đây: (mời quý vị nghe tiếng sáo trong phần âm thanh)
Mặc Lâm: Còn riêng về sa mạc thì nó khác nhau thế nào?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Cũng vậy, khi người ta ngâm thơ thì bằng vào kinh nghiệm, trình độ hay sự thẩm âm của mình bén nhạy khi người ta ngâm đến đâu thì mình trình diễn theo đến đó.
Mặc Lâm: Tiếng sáo thuộc thang âm ngũ cung thì làm sao mình áp dụng vào tân nhạc thường là thang thất cung thưa anh.
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Được, chẳng hạn một đoạn “Trống cơm” theo dạng thất cung. (tiếng sáo).
Mặc Lâm: Kính thưa quý vị, chúng tôi hy vọng những điều vừa chia sẻ với nghệ sĩ Ngọc Nôi sẽ mở thêm cho chúng ta một cánh cửa của tiếng sáo Việt Nam, tiếng sáo đã quá lâu chúng ta không được nghe nơi xứ người. Xìn cám ơn nghệ sĩ Ngọc Nôi về cuộc nói chuyện này.

Tiền cà phê tập tuồng đi vào “luật cải lương”

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016-06-25
bichsonphuongthanh-622
Nữ nghệ sĩ Bích Sơn đóng vai Phương Thành trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa.
Courtesy photo

Luật cải lương

Một vấn đề của hoạt động nghệ thuật cải lương, tuy nhỏ nhưng nếu không được thực hiện nó sẽ thành chuyện lớn, đưa đến hậu quả khó lường về sau, như làm mất lòng số đông và có thể nghệ sĩ đang cộng tác bỏ tập tuồng, và nhiều chuyện rắc rối khác nữa sẽ xảy ra nếu giải quyết không xong, đó là tiền cà phê tập tuồng cho nghệ sĩ công nhân đoàn hát.

Thật vậy, trước khi một vở hát được ra mắt khán giả, nó phải trải qua thời kỳ tập tuồng. Điều khiển tập tuồng (đạo diễn) là công việc của thầy tuồng, tức soạn giả. Cũng có thể là bầu gánh hoặc nghệ sĩ kỳ cựu nào đó được anh chị em trong đoàn nể nang về kinh nghiệm nghề nghiệp, cùng với tư cách, vị thế cá nhân trong đoàn, chớ nếu như không đạt điều kiện trên thì nói có ai nghe đâu. Vậy tiền cà phê tập tuồng có từ lúc nào mà lại đi vào luật cải lương?
Khi xưa, cải lương thời thập niên 1940 – 1950, đào kép tập tuồng hằng ngày chẳng được cho ăn uống gì cả, có nghĩa là mạnh ai người nấy lo chớ bầu gánh không quan tâm đến vấn đề này. Nhưng cũng có vài bầu gánh nấu nồi trà quế, ai muốn uống thì tự pha lấy (không biết “trà quế” hay “trà huế” chữ nào đúng). Về sau không thấy ai mua bán loại trà này nữa.

cailuong305
Hình ảnh một bữa ăn cơm hội cải lương của đoàn hát nhỏ.
Cũng có đào kép may mắn gặp bầu gánh rộng rãi thì được cho uống nước chanh, thường thì đường tán và chanh quậy trong lu nước lạnh chớ không có nước đá, và khi uống thì dùng chiếc gáo có cán múc ra chén. Sang thập niên 1960, cải lương làm ăn khá, nên đào kép tập tuồng cũng được ưu đãi hơn, được uống mỗi người một ly cà phê đá (không có sữa). Rồi dần đà theo đà tiến bộ hơn, từ giữa thập niên 1960 trở về sau, nghệ sĩ tập tuồng được phát tiền cà phê thuốc lá tại chỗ, với số tiền vừa đủ mua một ly cà phê đá và một gói thuốc Bastos xanh (không phải thuốc thơm Ruby). Có nghĩa là lấy tiền rồi tự do muốn xài cách nào cũng được. Từ đó đã trở thành thông lệ, hễ tập tuồng là đào kép được lãnh tiền cà phê thuốc lá.

Chỉ áp dụng ở các đoàn hát lớn

Thế nhưng, có lần vào khoảng 1971, đoàn Thái Dương 3 tập tuồng tại rạp Quốc Thanh. Một ký giả kịch trường vào xem thì bắt gặp những bộ mặt buồn hiu bên trong cánh gà, tuy rằng ngoài sân khấu, trước sự theo dõi của ông trưởng đoàn, các diễn viên cũng cố gắng lo làm phận sự tập tuồng bằng nét vui vẻ có mòi gượng gạo.
Hỏi ra mới biết bà bầu Thái Dương không có ở nhà, còn người đại diện là trưởng đoàn, soạn giả Nguyễn Huỳnh thì lu bu với bao nhiêu công việc cần thiết cho ngày khai trương sắp đến bên chân, nên ông quên tuốt một vấn đề lẽ ra ông phải nhớ giùm cho đào kép họ lấy đà hăng hái.
Ông nhè quên phát tiền cà phê thuốc lá cho toàn thể nhân viên có mặt đang tập tuồng, mà riêng rẽ từng cá nhân thì không ai dám nhắc nhở ông trưởng đoàn. Do thiếu chất kích thích ấy nên phần đông đều uể oải, nếu không nói là xuôi xị trong lúc ăn tập. Tội nghiệp nhứt ít cái cậu nhắc tuồng, đứng trong giàn đờn nhìn ra thấy cậu ta mồ hôi nhễ nhãi, giọng nhắc nhỏ dần gừ gừ trong cổ họng. Đoán biết được Nguyễn Huỳnh quá bận rộn việc nầy việc nọ, đã quên phứt đi cái việc phát tiền cà phê cho anh chị em, trong khi đó lại chẳng có ai đại diện để nhắc cho ông nhớ.
Không biết sau đó ông trưởng đoàn có nhớ mà cho anh chị em được lãnh “ráp ben” tiền cà phê thuốc lá hay không. Đôi khi vì một sơ hở lãng quên nhỏ nhặt, lại có thể gây một chán nản cho toàn thể anh chị em không còn hăng say trong nhiệm vụ nữa vậy.
Tiền cà phê tập tuồng chỉ áp dụng ở các đoàn hát lớn hoạt động ở vùng thủ đô Sài Gòn, hoặc các đại ban đi lưu diễn các tỉnh. Chớ còn các gánh hát bầu tèo hát đình, hát chợ ở miền quê nông thôn thì không có tiền cà phê gì hết. May mắn lắm thì bầu gánh bỏ tiền mua một lít gạo nấu cháo trắng ăn với dưa mắm, bằng không thì bỏ ra gói trà loại rẻ tiền, nấu nước cho uống mà thôi!
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/vnm266-06242016151656.html 

 

Dòng nhạc lính theo thời gian

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-06-19
VANCT061916.jpg
Hình minh họa cho ca khúc Cho người vào cuộc chiến do danh ca Thanh Thúy trình bày.
Screen capture
Trong giai đoạn của những năm 1954 đến 1975, có những ca khúc được sáng tác để nói lên hình ảnh và cuộc đời của những người lính. Rộng hơn nữa là hình ảnh chung cho các gia đình miền Nam thời đó. Bởi vì hầu như gia đình cũng có ít nhất một người thân vào quân ngũ.
Trong số những thanh niên lên đường tòng quân ấy, có rất nhiều người lính “tay súng, tay đàn”. Đó là Nguyễn Văn Đông, Trần Duy Đức, Song Ngọc, Lam Phương, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh… qua dòng nhạc lính, họ kể lại lý tưởng của một thế hệ tuổi trẻ, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn, và đôi khi là cả bi kịch của thân phận con người do chiến tranh. Và thế hệ ca sĩ thời ấy như Thanh Thuý, Hoàng Oanh, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh, Duy Khánh… đã rất thành công khi thực hiện những ca khúc này.

“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
"Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà"
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?...”(Rừng lá thấp)

Rừng lá thấp là ca khúc được ca/nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sáng tác trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến tranh 1968. Có người cho rằng đây là món quà và nỗi thương tiếc, sự vinh danh mà nhạc sĩ dành cho người bạn của mình, đại uý Vũ Mạnh Trường, người đã tử trận tại cầu Bình Lợi cửa ngõ vô Sài Gòn.

Đây là một trong hàng ngàn ca khúc được ra đời trong thời điểm mà người lính là hình ảnh được khắc họa rất nhiều trong tất cả lĩnh vực thơ, văn, hội hoạ, nhiếp ảnh, và đặc biệt là âm nhạc. Hình ảnh đó đi theo với chiều dài cuộc chiến như hình với bóng, trên khắp mọi nẻo đường đất nước.

Khi ấy, cuộc đời của người lính, sự đợi chờ của những gia đình có mẹ mong con, vợ mong chồng, cùng với những giây phút khốc liệt của chiến tranh là đề tài bất tận cho người sáng tác. Dòng nhạc lính được biết đến trong thời kỳ đó như một tấm gương phản chiếu trung thực, gần gũi, và rõ nét nhất về một thế hệ tuổi trẻ.
Sáng tác của những người tay súng, tay đàn ấy chân thật, gần gũi và “đời thường” như chính cuộc đời của họ, cuộc đời người lính.

“Mẹ ơi . . . biên cương giờ đây
Trời không . . . mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe . . . gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang…” (Nửa đêm  biên giới)
Lúc đó, nói theo cách nói của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên:
“Ta hỏng tú tài
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi…”

Lý tưởng
Đối với những người trai trẻ thời đại ấy, họ xem việc khoác áo lính là trả nợ tang bồng với núi sông, là niềm kiêu hãnh khi được bước những bước chân hành quân vào con đường chiến chinh. Họ tạm biệt gia đình, tạm biệt mẹ cha, tạm biệt người thương để dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú và nhiều ý nghĩa trong tháng năm dài khói lửa chiến tranh.


nhat_truong_tran_thien_thanh_1.jpg
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một trong những nhạc sĩ tay súng tay đàn.
“Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau…” (Giã biệt Sài Gòn)
Nhạc lính được dùng để chuyển tải hình ảnh của những cuộc đời luôn “ngược xuôi theo đường mây” và vương màu khói súng, Những cuộc đời vừa đúng đôi mươi phải xa biệt đô thành, “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”

“Thôi nhé tôi đi... áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường... người ơi lúc đèn buông
Đừng ngăn gió vào thu... để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành... đưa tiễn người chinh phu
Đêm... đêm ngắm trăng khuya
Nghe gió bay về...
Ôm súng cầm canh... trông sao trời lấp lánh
Tưởng về đôi mắt... cố nhân chiều xưa…” (Chiều thương đô thị)

Nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác Chiều thương đô thị để tặng cho người bạn của mình, nhạc sĩ Song Ngọc lên đường tòng quân vào năm 19 tuổi.
Hiện lên trong những ca khúc viết về người lính là hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn mang khí chất oai hùng, là tinh thần của người trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Người trai trả nợ tang bồng với núi sông bằng ước mơ bay cao, bay xa bên dãy Ngân Hà, xem chuyện đời nhẹ như những chuyến bay.
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà…” (Một chuyến bay đêm)

Tình bạn
Họ là những người trai trẻ đến từ bốn phương. Mang cùng một lý tưởng, họ gặp nhau nơi chiến trường. Tiếng gọi anh, tôi thân thiết như anh em cùng một mẹ. Những đêm tiền đồn, bao nhiêu câu chuyện được kể cho nhau nghe, không bao giờ hết.
“Vùng cao nguyên đất đỏ, trời lạnh với sương mù
Thương mến anh vượt đường xa đến đây
Mưa vẫn bay mà lòng anh vẫn say
Diệt thù bên rừng sâu khi bên suối vắng đêm thâu
Gặp anh trong phút này là mừng trong phút này
Khi chiến tranh còn gây thêm máu lửa
Thì mộng mơ xin trả hết cho đời
Quê hương này còn mãi mãi nhờ anh…”


Tình đồng đội trong ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương chân thành và đơn giản như thế. Có lẽ cũng là người lính, nên ông hiểu lắm về những gian khổ cũng như giá trị của tình bằng hữu giữa những tháng ngày trên sa trường.
Nhạc sĩ Hoài Linh cũng thế. Tình bạn trong dòng nhạc lính của ông được xây dựng trong những tháng ngày xông pha. Tuy mỗi người rồi sẽ một nơi, nhưng dưới bầu trời bao la của miền đất Mẹ, ông và đồng đội vẫn là một thôi.

“Mình có ba người
Mà kiếp sống buông trôi
Đứa này ở ven trời
Thì đứa khác ra khơi,
Hợp xong lại tan
Trong giây lát xa không đành
Thế mới thương đời lính
Đường phố khuya rồi
Chênh chếch bóng trăng soi
Uống cạn hết ly này
Ghi nhớ mãi đêm nay
Mình ba người tuy không gian
Chia làm muôn lối
Nhưng là một thôi…” (Chúng mình 3 đứa)
Tình yêu
Dòng nhạc lính của những người nhạc sĩ ấy còn chính là những bản nhạc tình. Và cũng là nhạc quê hương. Trên những con đường hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, sự xa cách, nhớ mong, ngay cả niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu được họ ghi lại trong trang nhật ký của nhạc khúc.


ns-tranduyduc.jpg
Nhạc sĩ Trần Duy Đức.


“Từ KBC giá lạnh rừng sâu
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau
Chắc em để phấn son nhạt mầu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao.
Đừng buồn em ơi! Nếu hiểu được anh
Đây miền rừng xanh bụi vương áo lính
Khi quê mình khói lửa điêu linh
Nhớ em nhiều biết làm sao thôi
Đành vùi chôn khỏa lấp chữ tình...”

Viết từ KBC của Mạc Phong Linh và Hoàng Minh là tiếng nói của những người lính vì lý tưởng mà cởi bỏ áo thư sinh, giã biệt học đường, để lại sau lưng tình yêu riêng của mình. Và cũng chính dòng nhạc lính là nơi nói lên tiếng lòng của những người ở lại, chung thuỷ đợi chờ “Cho người vào cuộc chiến”.

“Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
Theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi ... anh quên thân mình
Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng ... anh đi
Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
Em nhớ người phương trời
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai
Đơn sơ... em ghi đôi dòng
Mong người đi giữa súng đạn chập chùng
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng
Thương anh suốt đời ... Anh ơi!...” (Cho người vào cuộc chiến)

Đã hơn 40 năm, những nhạc sĩ tay súng tay đàn ấy, có những người đã xa rời cõi tạm. Có lẽ họ cũng đã mang theo mình dấu ấn của một đời lính oai hùng, những tháng ngày cùng đồng đội xông pha vì lý tưởng. Thế nhưng, dòng nhạc lính, nhân chứng cho một thời cuộc của đất nước, tiếng nói chung cho một thế hệ thì mãi mãi sẽ là dấu ấn của một nền văn hoá âm nhạc Việt Nam.
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/a-kind-of-music-in-war-period-cl-06192016090317.html

 

Trần Duy Đức, riêng cho mình một cõi nhạc thơ

Cát Linh, phóng viên RFA
2016-06-12
ns-tranduyduc.jpg
Nhạc sĩ Trần Duy Đức.
Screen capture
Nhà thơ Toại Khanh, hay còn gọi là Thượng Toạ Thích Giác Nguyên từng nói rằng có những ca khúc, mà sau khi đến với người nghe, chúng ta không biết nên cảm ơn nhà thơ, hay nhạc sĩ, hay người ca sĩ. Bởi vì từ một bài thơ, trở thành một ca khúc, và qua một giọng hát, thì đọng lại cho cuộc đời là một tuyệt phẩm.
Một nhạc sĩ rất thành công trong việc chuyển hồn nhạc vào thơ, đó là Trần Duy Đức, người mà thi sĩ Du Tử Lê trong một bài viết của mình nói rằng “Âm nhạc, với Trần Duy Đức, là chiếc bóng đã bầu bạn, đã ở cùng anh, những năm lên năm, lên sáu. Âm nhạc, với Trần Duy Đức, là thực phẩm vô hình nuôi anh lớn, tháp thêm cho anh đôi cánh mộng ảo, đem anh vào đời.”
“Ngoài trời vẫn còn mưa
Người nằm dưới mộ sâu
Ôi thiên thu phôi phai hình hài
Hỡi người ơi tủi lòng
Tôi nghĩ rằng tại sao mình không viết ca khúc? Âm nhạc sẽ hỗ trợ trọn vẹn cho điều mình muốn nói trọn vẹn hơn chăng?
- Nhạc sĩ Trần Duy Đức
Hỡi người ơi tủi lòng
Bao năm tháng cô đơn nằm đây
Bên bia xanh ai qua từng ngày
Cơn mưa xuống nuôi xanh cỏ hoang
Trên quê hương xương khô mộ gầy
Đã ngủ yên một ngày
Anh đã ngủ yên một đời…”
Vào một buổi chiều trú mưa ở Nghĩa trang quân đội Biên Hoà, người lính không quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vừa cởi bỏ áo tù quay về quê nhà, tình cờ lạc vào nơi yên nghỉ của những người đồng đội, họ đang ngủ giấc ngủ cuối cùng của đời người chiến sĩ…
“Khi tôi viết bài hát đó là năm 1976, lúc tôi được thả tù. Lúc từ trại tù ở Nha Trang về lại Sài Gòn, nhà mình, thì tôi phải đón xe từng chặng đường. Mãi đến khi về lại Biên Hoà, mưa tầm tã, lúc đó tôi quá giang trên 1 chiếc xe tải, chiếc xe cũ kỹ bị chết máy. Những người quá giang như tôi lại cuốc bộ. Tôi đi một đỗi tôi nhìn thấy bức tượng ở nghĩa trang quân đội nằm dưới đất…”
“Anh đã ngủ yên trên quê hương” ra đời ngay trong buổi chiều ấy.
Giây phút ấy, một cảm xúc mà giờ đây nhớ lại, Trần Duy Đức gọi đó là “cảm giác tủi thân của một người tù tội”. Trong buổi chiều mưa lạnh đó, đứng giữa đồng hoang với bia xanh, huyệt lạnh, biết rõ dưới lòng đất kia là những người đồng đội của mình, ông chia sẻ với họ tất cả niềm cảm xúc “mủi lòng, tủi hờn” đang dâng trào trong tâm hồn. Ông khóc cho mình, cho đồng đội, cho đất nước, cho niềm tin phụ người. Ông gọi đó là “Mặc niệm cuối”. Rồi hơn 20 năm sau, “Mặc niệm cuối” được danh ca Khánh Ly gợi ý đổi thành “Anh đã ngủ yên trên quê hương”.
Ca khúc đầu tiên
Trần Duy Đức là một người yêu thơ. Nhưng ông tự nhận có lẽ ông tơ bà nguyệt không cho ông nối sợ chỉ hồng với cuộc đời thi sĩ. Cho nên, một ngày, ông chợt nghĩ rằng, nếu ông kết hợp giữa lời thơ và điệu nhạc thì sẽ dễ dàng giúp ông nói ra một điều gì đó trọn vẹn hơn.
“Khi còn trẻ tôi cảm thấy mình bất lực trước những bài thơ mình làm. Lúc đó tôi nghĩ rằng tại sao mình không viết ca khúc? Âm nhạc sẽ hỗ trợ trọn vẹn cho điều mình muốn nói trọn vẹn hơn chăng?”
Khởi đi từ ý tưởng đó, “Khúc mưa sầu”, ca khúc đầu tiên của Trần Duy Đức được ông viết năm ông 18 tuổi.
“Nằm nghe ngày tháng rơi đều
Ngoài hiên mưa đọng bọt bèo
Tình nằm trong nấm mộ rêu
Trở mình nghe những quạnh hiu
Ôi nằm nghe ngoài hiên giọt rớt bên thềm
Nằm yên ta gọi tình quên
Biệt ly gởi gắm đôi lời
Trời mưa ru mảnh hồn rời
Hồn rời xa mãi ngàn khơi
Sầu người viễn xứ tả tơi
Ôi ngày qua bàn chân nào đếm ưu phiền
Đường xa chân mỏi tình quên…”

maxresdefault.jpg
Khúc mưa sầu, ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Trần Duy Đức.

Nhà thơ Du Tử Lê gọi tiếng đàn trong ca khúc này là tiếng cổ cầm Koto. Tiếng hát trong vắt như sương của cố ca sĩ Ngọc Lan cùng với âm điệu mềm mỏng, luyến láy rung rẩy của tiếng Koto làm Khúc mưa sầu, nhạc phẩm đầu tay của Trần Duy Đức chất chứa đầy những thanh âm hoang lạnh.
“Tôi viết năm 1972. Năm đó, tôi 18 tuổi, tôi đã vào quân đội, binh chủng không quân. Tôi đóng ở Pleiku. Chính những cơn mưa ở Pleiku đã làm cho tôi viết lên ca khúc này.”
Và chính ông cũng không hiểu vì sao ca khúc đầu đời của mình lại chất chứa những ca từ khó hiểu và mênh mang đến thế. Không phải chỉ riêng ca khúc này, tất cả những nhạc phẩm do ông viết lời, đều có cùng một sắc thái như Khúc mưa sầu. Ông chỉ biết rằng mình đã vận dụng những kỹ thuật ẩn dụ, liên tưởng trong thơ để đặt vào ca khúc này. Ông nhìn thấy ngày tháng rơi đều, ông nhìn thấy ngày đi lang thang. Ông cầm tay được cả một cánh hoa tàn. Ông nghe được cả tiếng hồn hoa thở than.
Nhà thơ Du Tử Lê đã từng viết, ca khúc đầu tay ấy không khác gì một căn phòng khép kín của Trần Duy Đức.
“Những luyến láy, như những bậc cao nức nở vỡ tan, lần lần trên những nấc thang đi lên cõi hoang lạnh, được nghe lại bằng đôi tai hôm nay, đôi tai của một tài năng âm nhạc chín muồi.” (Du Tử Lê)
Ý thơ, hồn nhạc
Từ cổ chí kim, khi người nhạc sĩ viết lên một ca khúc, thi sĩ viết lên một bài thơ thì thường họ viết cho chính cuộc tình của mình, hoặc cho một những điều nhân gian gọi là “thế thái n
nhân tình”. Trần Duy Thức phổ nhạc từ những bài thơ ông cảm được, cũng vì ông tìm thấy ở đấy một phần đời mình trong đó.
“Khi mình cảm nhận một bài thơ hay thì ít nhất nội dung, ý tưởng của bài thơ gần giống với tâm trạng của mình thì mình dễ dàng cảm nhận, dễ dàng xúc động hơn. Như vậy, nó ít nhiều có ảnh hưởng từ chính cuộc đời mình.”
Như đã từng nói, khi ông đọc và cảm nhận một bài thơ hay một tứ thơ nào đấy, ông sẽ rất dễ dàng thổi hồn nhạc của mình vào trong thơ, chuyển thành những thanh âm để nói lên những điều ông muốn nói.
Có đến hơn 20 bài thơ của Du Tử Lê đã chạm vào cõi nhạc của người nhạc sĩ này.
“Là một con người, theo tôi hiểu, tôi nghĩ, ai cũng mang trong mình một nỗi nhớ, ít nhiều. Có người có nhiều nỗi nhớ. Có người chỉ có duy nhất một nỗi nhớ, mà nó đã hết đời. Đó là một cơ duyên. Khi anh Du Tử Lê làm bài thơ ấy, anh thốt lên ‘chỉ nhớ người thôi đủ hết đời’ là tôi cảm nhận được một điều…”
“Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển. Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp. Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu bên ngôi?
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
Và quãng trời xanh đến rợn người
Chỉ nhớ người thôi
Ôi đủ hết đời…”
Nội dung, ý tưởng của bài thơ gần giống với tâm trạng của mình thì mình dễ dàng cảm nhận, dễ dàng xúc động hơn.
- Nhạc sĩ Trần Duy Đức
“Tôi phổ bài đó vào một ngày mà mình nhìn thấy nỗi nhớ của mình lên đầy. ‘Một ngày lên đầy nỗi nhớ’. Nó giúp cho tôi hoàn tất bài hát đó. Bài thơ đó gồm 6 đoạn, tôi chỉ sử dụng 5 đoạn vì khuôn khổ của một ca khúc. Tôi gần như giữ trọn vẹn nguyên bản của bài thơ, chỉ thay đổi bố cục của bài thơ thôi.”
Triết lý hiện sinh
Những bài thơ đi vào nhạc của Trần Duy Đức đều được ông trân trọng giữ lại nguyên bản của tác giả. Với những sáng tác đó, ông gọi là phổ nhạc. Và soạn thành ca khúc là đối với những bài thơ ông không giữ nguyên bản của tác giả. “Trong tay thánh nữ có đời ta” là một trong những ca khúc ông phổ nhạc từ bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê.
“Hãy hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ như tay
Bàn chân từng ngón ngưng không thở
Lạc mất đường đi tận dấu bày
Hãy hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
Tôi gầy như lá, lá như mây
Rừng khuya thổi suốt bao tâm sự
Thiên đàng tôi là người hay ai?”
Hầu như những phẩm của Trần Duy Đức đều chất chứa những âm thanh mang dáng dấp nhân sinh. Từ ca khúc đầu tay Khúc mưa sầu cho đến những sáng tác ông thực hiện sau này ở hải ngoại. Vì ông chọn những bài thơ cũng mang sứ mệnh nói về triết lý hiện sinh như thơ Mai Thảo, của Du Tử Lê, của Ngô Tịnh Yên… và nhiều người nữa. Người nghe sẽ tìm thấy trong nhạc của Trần Duy Đức một màu sắc sắc không không. Đó là cái sắc của hiện tại, tốt với tôi thì tốt bây giờ, đừng để ngày mai khi tôi đã xa người; và cái không của sự vô thường.
“Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười
Rộn ràng một nỗi đau
Nghẹn ngào một nỗi vui
Dịu dàng một nỗi đau
Ngậm ngùi một nỗi vui…”
 

Cô đào miền Bắc đóng vai “Bà Năm Trầu” miền Nam

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016-06-18
nghe-si-thanh-vy-622.jpg
Nghệ sĩ Thanh Vy (trái), Thanh Thanh Tâm, Hùng Minh trong vở "Tấm lòng của biển".
File photo

Nghệ sĩ Thanh Vy

Là một diễn viên sân khấu cải lương đất Bắc, quê quán ở Hà Nam Ninh, nữ nghệ sĩ Thanh Vy từng đóng vai Kiều Nguyệt Nga trước hằng bao khán giả miền Bắc. Thế mà sau 1975 khi vào Nam, cô lại có cảm tưởng như mới lần đầu lên sân khấu vậy.
Thật vậy, hôm đó là đêm đầu tiên Thanh Vy xuất hiện trước khán giả sành điệu của cải lương miền Nam, thì làm sao người nghệ sĩ không lo được, do bởi diễn trước những khán giả hoàn toàn mới, chẳng biết cảm quan thẩm mỹ, cái “gu” nghệ thuật có gì khác nhau không? Mặc dù cũng là khán giả yêu nghệ thuật, yêu sân khấu. Thanh Vy nói, “Em rất lo”!
Nhất là diễn luôn mấy màn, khán giả ngồi xem nghiêm túc, khán phòng im phăng phắc. Đến màn ba, lớp Kiều Nguyệt Nga sắp nhảy xuống sông quyên sinh, em ca bài Xàng Xê. Dứt bài ca là nhảy xuống sông. Khán giả vỗ tay muốn vở rạp. Ôi mừng quá đi thôi!
Rồi 20 năm sau một lần nữa, trên sân khấu nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ, nữ nghệ sĩ Thanh Vy lại cũng lo không kém lúc mới vô Nam, do bởi nhận một vai trò, mà dù người miền Nam rặt cũng chưa chắc ăn, nếu như không tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ lưỡng thì khó mà nhập vai được, đó là vai Bà Năm Trầu, một bà già trầu Nam Bộ.
Tuy đã sống hơn 20 năm ở miền Nam, đã nhiều lần gặp các bà già trầu trong Nam, nhưng lần này khi nhận vai diễn, Thanh Vy rất lo, nên ngoài phần tập dượt chung ở sàn tập, cô đã phải bỏ nhiều buổi đi ra chợ để quan sát các bà già trầu, đồng thời tiếp xúc với mấy bà bán trầu cau, để tìm hiểu thêm về cách ăn trầu, têm trầu, xỉa thuốc của các cụ, rồi về nhà tập thử, đến nỗi tối ngủ còn nằm mơ thấy mình nhai trầu đến... cứng hàm!
Do đạo diễn buộc phải ăn trầu thật, và bởi vì lần đầu mới tập ăn nên Thanh Vy bị say trầu. Ít ai biết được tối nào diễn vai bà Năm Trầu, Thanh Vy cũng như... người say. Đàn ông say rượu, còn cô say... trầu, say đến chảy cả nước mắt vì cả đời chưa hề biết mùi trầu là gì. Xuất hát nào cũng vậy, trước giờ diễn hơn nửa tiếng Thanh Vi đã phải ăn trầu, nhổ bớt hai lớp nước đầu cho bớt say để cái cảm giác say nồng giảm đi chỉ còn như lâng lâng. Có người nói vui nhờ cái say lâng lâng ấy mà diễn xuất của Thanh Vy trong vai bà Năm Trầu dường như bay bổng hơn.

Một bà lão “rặt” Nam Kỳ

ThanhVy-400.jpg
Nữ nghệ sĩ Thanh Vy. Hình do Ngành Mai sưu tập.
Thanh Vy làm người xem hết sức thú vị, vì một tính cách rất dễ thương của một bà lão. Bà Năm Trầu vừa xuất hiện đã lập tức gây sự chú ý. Giọng nói vang đầy âm sắc, cương quyết, dáng đi mạnh mẽ, nhanh nhẹn khác thường, tay cắp chiếc khay têm trầu, miệng nhai trầu bỏm bẻm... Một bà lão “rặt” Nam Kỳ đầy sức sống, thế mới lạ. Ngay từ phút đầu dường như Thanh Vy đã “tung hết” những dáng nét sắc cạnh của một bà lão sắc sảo, cương trực, không khoan nhượng và cũng hết sức cổ lỗ.
Có điều là đã trên hai mươi năm đứng vững trên sân khấu miền Nam, đã hòa điệu cùng các nghệ sĩ ở trong Nam, thì cốt cách của cô đào xứ Bắc ở cô vẫn chưa thể xóa nhòa, mà dường như nó còn làm tăng thêm phong vị rất đặc biệt trong diễn xuất của Thanh Vy.
Thanh Vy tâm sự: “Khi đọc kịch bản, thấy vai bà ngoại hay nên tôi rất quyết tâm. Dù lần nào cũng say vì trầu nhưng tôi rất thích vai này, và đã có gắng hóa thân cho vai diễn được thành công...”
Trong thời kỳ có Hòa Đàm Ba Lê, Thanh Vy có mặt trong đoàn Văn Công Bắc Việt. Cùng với các nghệ sĩ gốc người miền Nam: Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Dương Ngọc Thạch... sang Pháp trình diễn phục vụ kiều bào, hỗ trợ cho cái thế của phái đoàn Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại bàn hội nghị.
Ngọc Hoa và Thanh Hùng là vợ chồng, trước đó hát ở đoàn Kim Chung. Đến khoảng 1965 thì tự nhiên vắng mặt ở đoàn hát, không ai biết đi đâu. Rồi thời gian ngắn sau thì tiếng ca vọng cổ của cả hai xuất hiện trên làn sóng phát thanh của đài phát thanh giải phóng. Sau đó thì được đưa ra miền Bắc và có mặt trong đoàn Văn Công Bắc Việt tại Ba Lê.
Chẳng bao lâu thì miền Nam cũng đưa đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga sang Pháp, và tiếp đó thì đoàn Kim Chung và các đoàn văn nghệ khác cũng đến Ba Lê, mục đích là hỗ trợ cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại bàn hội nghị. Coi như đất Pháp là bãi chiến trường văn nghệ của hai miền Nam Bắc Việt Nam. Các nghệ sĩ dù muốn dù không cũng trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Riêng về đào Thanh Vy là diễn viên chánh của đoàn cải lương Nam Bộ. Sau 1975 cô có mặt sớm nhất ở miền Nam đóng vai Kiều Nguyệt Nga trong vở hát Kiều Nguyệt Nga của soạn giả Ngọc Cung.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-06-18
 
nguyen-tu-nghiem-622.jpg
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm
Courtesy photo 
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm vừa qua đời tại Hà Nội hưởng thọ 94 tuổi. Ông được xem là một trong bốn họa sĩ trụ cột của nền hội họa hiện đại Việt Nam đó là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên và Nguyễn Tư Nghiêm.
Cả bốn ông đều học tại trường Mỹ thuật Đông Dương và tài năng của họ đã được thời gian chứng thực. Cùng với những khuôn mặt hội họa sáng chói khác như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, hay Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm có lẽ là người họa sĩ ẩn dật nhất vì cách sống, cách sáng tác của ông khiến người ta liên tưởng tới một danh họa tuy nổi tiếng rất lâu nhưng hình như vẫn còn trong bóng tối.

Một họa sĩ tạo ra hệ sinh thái

Chúng tôi tìm hiểu thêm về tranh của ông qua trao đổi với nhà phê bình mỹ (nghệ) thuật Như Huy cũng là một Curator (giám tuyển) tự do, đã dịch rất nhiều các tài liệu về nghệ thuật đương đại và lý luận cũng như đã tham gia vào các hội thảo chuyên đề mỹ thuật quốc tế. Nhận xét về họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trước tiên anh cho biết:
Như Huy: Tôi thuộc thế hệ những người làm nghệ thuật mà còn…biết vẽ (cười). Nói vui như thế vì thế hệ bây giờ người ta có thể làm nghệ thuật mà không cần biết vẽ. Chính vì lẽ đó, tôi có thể hiểu vẻ đẹp, nét vẽ của họa sĩ. Với chúng tôi thì Nguyễn Tư Nghiêm là bậc thầy và càng ngày thì chúng tôi càng hiểu ra điều đấy.
Họ không chỉ là những họa sĩ giỏi, vẽ đẹp, tạo nên tác phẩm tốt mà còn tạo ra hệ sinh thái tức là trong hệ sinh thái đấy họ sở hữu chính cội nguồn của họ. Họ là họ, Ho vượt lên mọi ảnh hưởng, hay nói cách khác, họ biến mọi ảnh hưởng thành ra họ.
-Như Huy
Mọi người đã nói rất nhiều về Nguyễn Tư Nghiêm như một bậc thầy tiếp nối hai truyền thống, tôi cũng nhìn nhận như vậy. Tôi thấy ông Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra được hệ sinh thái của ông ấy. Trong tất cả họa sĩ Việt Nam tôi đánh giá rất cao ba người, thứ nhất là Nguyễn Phan Chánh, thứ hai là Nguyễn Gia Trí và thứ ba là Nguyễn Tư Nghiêm. Họ không chỉ là những họa sĩ giỏi, vẽ đẹp, tạo nên tác phẩm tốt mà còn tạo ra hệ sinh thái tức là trong hệ sinh thái đấy họ sở hữu chính cội nguồn của họ. Họ là họ, Ho vượt lên mọi ảnh hưởng, hay nói cách khác, họ biến mọi ảnh hưởng thành ra họ. Thí dụ như nói về Nguyễn Phan Chánh thì chúng ta hình dung ra cả một hình tượng, cả một hệ sinh thái màu sắc rồi cách xử lý của Nguyễn Phan Chánh với lụa, nói về Nguyễn Gia Trí thì là sơn mài, và Nguyễn Tư Nghiêm thì với tôi, tôi đánh giá rất cao về góc độ mà có lẽ ít người nhận ra ở ông, tức là ở góc độ tranh bột màu trên giấy dó hay bột màu trên báo. Ở đây có chuyện rất hay, đó là bột màu trên giấy báo là chất liệu đặc thù ở Việt Nam thôi vì phương Tây người ta không vẽ những loại như vậy. Nó chỉ là “minor” so với dòng chính, không họa sĩ nào vẽ như vậy cả. 
Thứ nhất nó không bền vững thứ hai là nó không có tính mô tả cao. Sơn dầu chúng ta mô tả rất rõ từ sắt, đồng, da hay xương, tóc….đều rất rõ. Với truyền thống của phương Tây thì bột màu không được vinh danh và thậm chí đối với họa sĩ Việt Nam thì trong chừng mực nào đó bột màu chỉ dùng để vẽ sketch, phác thảo thôi. Nhưng riêng với Nguyễn Tư Nghiêm đã biến bột màu thành một chất liệu rất huyền ảo của tiêng ông ấy. Sau đó ông sử dụng bột màu cùng với giấy dó. Va từ đây, ông tạo nên một thế giới tuyệt vụng về, thơ trẻ và huyền ảo. . . tức thế giới chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm mới làm được.
Mặc Lâm: Riêng về lĩnh vực sơn dầu theo anh thì Nguyễn Tư Nghiêm có đặc sắc như bột màu và giấy dó hay không?
Như Huy: Ông ấy là người rất giỏi về sơn dầu. Ví dụ như có câu chuyện là hồi ông ấy còn học ở trường Đông Dương thì sơn dầu rất ít, nvà ông thầy dạy là Ingumberty  chỉ đưa sơn dầu cho Nguyễn Tư Nghiêm chứ không đưa cho các ông khác. Ông thầy cho rằng chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm mới biết vẽ sơn dầu. Thế nhưng sau này ông ấy tránh vẽ sơn dầu thì mình mới hiểu ra rất sâu trong đó rằng ông muốn tìm chất liệu không phải chỉ để vẽ, mà phải giúp ông ấy nói lên nhân sinh quan của ông ấy về cuộc đời, về nghệ thuật. Ông cũng dùng sơn mài rất giỏi, cùng với giấy dó và bột màu.
Sơn mài thì chúng ta biết nó là chất liệu anh không làm chủ được, anh không pha màu theo kiểu phương tây được. Rất khó điều khiển để mô tả  theo phép viễn cận (phối cảnh) như của phương tây. Chính vì thế, ông Nghiêm đã chọn sơn mài. Với sơn mài, ông đã áp dụng hoàn hảo các đặc tính nghệ thuật kiểu phương Đông trong đó có phép viễn cận tẩu mã hay các bố cục hướng tâm, tức những gì trái nghịch với phép viễn cận phục Hưng và các quy luật bố cục điểm vàng của phương Tây.


nghiem-1968-400.jpg
Con nghé quả thực – sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm. Courtesy photo.
Với sơn mài, với giấy dó, với bột màu, ông Nghiêm đã có thể xây dựng nên một thế giới nghệ thuật- là khu vực đắc địa của các quy luật của Sadanga (luật vẽ tranh Ấn độ) của Lục pháp luận của Tạ Hách (Trung Hoa, hay chính tinh thần dân gian vụng về nghuệch ngoạc phản chính xác và phản chính thống của nghệ thuật dân gian nơi đình chùa Việt Nam.
Theo tôi, ông ấy chọn chất liệu sơn mài và đặc biệt sơn bột màu giấy dó một cách rất có chủ ý vì, cũng giống như Nguyễn Gia Trí chọn sơn mài, Nguyễn Phan Chánh chọn lụa, các chất liệu ấy giúp ông trở thành người hiền minh  theo nghĩa sự vẽ và người vẽ cũng như bức tranh giờ đây đã có thể hơp một.
Nếu mình là người biết vẽ thì sẽ thấy vẽ bột màu rất khó vì nó khô rất nhanh. Và khi nó khô thì tranh sẽ giống như vôi bột vậy. Rất khó làm chủ chất liệu. Vẽ bột màu là một cuộc cút bắt về xử lý chất liệu và cảm xúc vô cùng khó khan. Đặc biệt khi bột màu kết hợp với giấy dó, một loại giấy biến đổi thiên hình vạn trạng theo độ khô, ẩm, loang của nước. Vậy mà tất cả tranh của Nguyễn Tư Nghiêm khi ta nhìn thì nó mềm mại, luôn có điễm dừng rất đúng lúc. Nó có sự vụng về của trẻ thơ. Của nhát cọ ngỡ ngàng nhận ra thế giơ.í lần đầu tiên, chưa bị kinh nghiệm chi phối và làm hỏng.  Tuy thế, đồng thời, . . nhưng đối với người hiểu về nghệ thuật, hiều về quy luật hội hoạ phương Tây thì tranh của Nghiêm cũng lại tuân theo những quy luật kinh khủng và nghiêm cẩn nhất về bố cục.

Tìm-rà-chính mình

Mặc Lâm: Vâng anh vừa diễn giải cách mà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm dùng bột màu và giấy báo, giấy dó khiến tôi lại liên tưởng đến những họa sĩ hậu hiện đại áp dụng nhiều chất liệu khác nhau trên cùng một tác phẩm trong đó có cả bột màu mà họ gọi là mixed media, phải chăng Nguyễn Tư Nghiêm đã đi trước trong việc áp dụng chất liệu này vào tác phẩm của ông như một họa sĩ tiên phong tại Việt Nam?
Như Huy: Cũng có thể nhìn như vậy anh ạ, song thật ra tôi nghĩ ông Nghiêm thuộc dạng nghệ sĩ không đặt nỗ lực cuộc đời của mình vào sự mới-hơn-người khác, mà vào sự, tìm-rà-chính mình . Ông ấy là người đi vào trong lòng mình thôi. Ông sử dụng chất liệu “để ông là” ông nhất, để ông có thể “hiện hữu” nhất.  Tôi lấy ví dụ như tranh phố cổ là loại tranh ông ấy vẽ rất nhiều. Nếu chúng ta đi vào những tác phẩm của Paul Klee, người vẽ trừu tượng hình học chẳng hạn thì thấy quy luật hướng tâm, quy luật về nét của ông rất chuẩn tuy nhiên nó vụng về hơn, nó Á đông hơn. Hoặc là bức Thánh Gióng chẳng hạn có con ngựa 5-6 chân, nó tuân theo đúng quy luật của chủ nghĩa Vị lai. Ông ấy không phải là người học phương Tây nhưng ông ấy đã tích hợp tất cả để tạo nên hệ sinh thái của Nguyễn Tư Nghiêm, duy tình, duy cảm và không chính xác. Không lấy chính xác làm mục đích. Còn ở góc độ ông ấy có đi trước thời đại hay không thì tôi nghĩ đó là cách diễn giải thôi nhưng theo tôi thì ông ấy là người đặc biệt. Có những nghệ sĩ đặc biệt mà thời đại không thể tác động vào họ.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì thời gian gần đây ông thường vẽ 12 con giáp vào mỗi dịp tết và bên cạnh đó ông rất xuất thần khi vẽ các bức có chủ đề Truyện Kiều của Nguyễn Du, anh chia sẻ cái nhìn của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ ông Nghiêm thuộc dạng nghệ sĩ không đặt nỗ lực cuộc đời của mình vào sự mới-hơn-người khác, mà vào sự, tìm-rà-chính mình . Ông ấy là người đi vào trong lòng mình thôi.
-Như Huy
Như Huy: Theo tôi chúng ta phải đặt nó vào văn cảnh. Dạng tranh hai con giáp theo tôi biết luôn được nghệ sĩ Việt Nam xem như đề tài khai bút cho một năm. Nó luôn được vẽ trong dịp tết, Như món quà của nghệ sĩ mừng tuổi bạn bè hay con cháu trong nhà. Con giáp được vẽ rất nhanh, gọn, và thường là được vẽ trong giao thừa. Đây là một truyền thống kiểu Á đông, kiểu Nho giáo. Việc vẽ con giáp này nó có cái hay và cái dở. Hay ở chỗ khi vẽ nó, hoạ sĩ sẽ có cảm giác thiêng liêng vào khoảnh khắc giữa hai mùa, hai năm  nhưng cũng có cái không hẳn là dở nhưng vì luôn luôn được vẽ rất nhanh thì đương nhiên cách xử lý của các họa sĩ phải khác với những bức tranh được đầu tư thời gian nhiều hơn. Ít ai vẽ tranh con giáp theo kiểu tác phẩm lớn, đầu tư thời gian lâu ngày. Ít ra là tôi quan sát thế.

Trong khi đó, Truyện Kiều là một áng văn tuyệt bút rồi, nó chứa cả thế giới bên trong cho nên khi Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Truyện Kiều thì ông sẽ có cảm xúc khác so với vẽ 12 con giáp. Đấy là tôi nói tâm thế khi ông cầm cây bút, cây cọ để vẽ. Về mặt nghệ thuật ta phải thấy Truyện Kiều dù ông vẽ gì thì người ta vẫn thấy đó là Nguyễn Tư Nghiêm, với những cách xử lý cố tình vụng về nơi dessin (nét viền). Ông thường cho nét và mảng màu chệch khỏi nhau, hoặc có chỗ ông bỏ lơi nét, không đi hết theo mảng/hình màu. Ta cần lưu ý là ở đây ông đã áp dụng kĩ thuật khắc gỗ dân gian Việt Nam vào tranh. Như ta biết,  Khắc gỗ Việt Nam đặc biệt ở chỗ khác với khắc gỗ Nhật Bản. Khắc gỗ Nhật Bản  vốn đòi hỏi độ chính xác tinh xảo vô cùng, trong khi Khắc gỗ Việt Nam đơn sơ vụnh về,  thì nét và màu không trùng vào nhau. . Ông Nghiêm nếu để ý thì thấy đã tận dụng những chi tiết ấy vào tranh một cách đắc địa.

Mặc Lâm: Là một Curator, theo anh thì tranh của Nguyễn Tư Nghiêm được khách thưỡng lãm nước ngoài đánh giá ra sao so với hai người bạn là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh?
Như Huy: Cách đây mấy tháng tôi có đưa một ông Giám đốc bảo tàng người Đài Loan đến thăm một bộ sưu tập rất lớn của thành phố, rất đầy đủ tên tuổi của Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Cẩn, Vân, Lân… sau khi đi xem rất nhiều người đặc biệt là Sáng vì ông ấy rất thích Sáng nhưng khi đến Nghiêm thì ông ấy làm tôi có cảm giác là ông ấy rúng động, kiểu như ông ấy toát mồ hôi.


t2-15-400.jpg
Bức vẽ năm Quý Mùi 2003. Bột màu trên giấy. Hình do Thu Giang sưu tập.
Ông nhấc lên xem rồi kéo xuống…ở đây mình thấy được thật ra Nguyễn Tư Nghiêm mới là người tạo ra được hoàn toàn một nhân cách hội họa, một thế giới riêng chứ còn Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên hay ai đó vẽ rất đẹp nhưng người ta vẫn thấy ông Matisse, ông Picasso ở đó.  Chỉ có Nguyễn Tư Nghiêm thì mới là Nguyễn Tư Nghiêm. Đấy là cái hay của ông ấy.
Nhưng cũng có cái dở chính vì ông sử dụng chất liệu rất Á đông như giấy dó, bột màu, cho nên nó rất khó đi vào “business of art” của thế giới. Bởi vì người ta chỉ mua tranh với chất liệu quen thuộc thôi, thí dụ như sơn dầu. Hoặc đã đương đại thì đương đại hẳn. Đối với giấy dó thì người ta không biết bảo quản như thế nào nên cũng không thể đánh giá. Người ta cũng không thể hiểu chất liệu bột màu nó bền vững ra sao. Khi mua tác phẩm thì nó có tính đầu tư mạnh, tức là mua một tài sản. Nhưng rồi nếu không hiểu rõ về nó, không được bảo chứng kĩ thuật bề nó- thì có khi sau này rất gay.

Điểm thứ hai nữa là chính cái tinh thần Á Đông, dân gian đó, dù rất tuyệt vời với những ai hiểu nó, thì lại rất khó đi vào thê giới quan phương Tây. Cùng lúc đó, cũng chưa có nhà phê bình nghệ thuật hay nhà nghiên cứu nghệ thuật nào đủ uy tín trên trường quốc tế  giới thiệu được những tính chất như tôi vừa bàn qua về Nguyễn Tư Nghiêm ra thế giới để người ta hiểu được.  thế nên có lẽ cũng vẫn còn hơi khó cho Nguyễn Tư Nghiêm trong tiến trình trở nên một khoản đầu tư mạnh trong thị trường nghệ th

Tuy nhiêm theo cá nhân tôi đánh giá, chính Nguyễn Tư Nghiêm, chứ không phải ai trong bộ tứ Nghiêm Liên Sáng Phái rồi sẽ lên tới mức tương tự Nguyễn Gia Trí, đến mức danh họa như thế. Bây gờ có thể là chưa nhưng sẽ như vậy trong tương lai, thậm chí tương lai gần.
Về mặt con người thì rõ ràng ông ấy là người hiện đại theo phía cao nhất của từ này. Cả lối sống, cách ẩn dật, cả cách cô đơn thu mình lại của ông ấy như một phản đề của thế giới hậu hiện đại, của các nghệ sĩ trẻ, của cách truyền thông về người họa sĩ như một ngôi sao.
Mặc Lâm: Đối với danh họa Nguyễn Tư Nghiêm hậu thế chắc chắn là cần phải lưu trữ tác phẩm của ông bằng mọi giá. Tuy nhiên như anh vừa cho biết là tranh của ông vẽ rất nhiều bức bằng các nguyên liệu khó bảo quản và trong chừng mực nào đó không phải là chất liệu bền vững như sơn dầu, sơn mài…Xin anh cho biết nhà nước đã có biện pháp gì để bảo tồn tranh Nguyễn Tư Nghiêm hay chưa?
Như Huy: Nhà nước đã mua khá nhiều tranh của Nguyễn Tư Nghiêm. Ông cũng là người được ăn lương để sáng tác, tức là người đặc biệt ăn lương sáng tác chỉ ở nhà chơi và vẽ thôi. Tuy nhiên tôi nghĩ vào thời gian hiện tại thì nhà nước không mua nổi tranh của ông ấy, bởi vì giá tranh của ông rất cao. Về cuối đời ông có bà vợ bảo quản tranh ông rất tốt và rất khó tính.

Chứ còn nói về nhà nước thì việc bảo quản kể cả tranh sơn dầu của ông Nghiêm thì hệ thống bảo tàng Việt Nam vẫn còn rất là khó khan nhìn ở góc độ kĩ thuật bảo tồn bảo tang. Do đó  không biết họ sẽ làm cách nào để duy dưỡng các chất liệu khác như bột màu hày giấy dó. Còn nếu câu hỏi của anh là ở góc độ nhà nước có khả năng giữ tranh lại của Nghiêm lại ở Việt Nam thì tôi nghĩ là rất khó vì nhà nước bây giờ khó mà mua được tranh của ông Nghiêm. Tuy nhiên, ngoài gia đình ông, tôi biết những nhà sưu tập Việt Nam đang giữ nhiều tranh của Nghiêm và họ, một cách nào đó, cũng khá có ý thức giữ tranh của Nghiêm ở Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

Betty Nguyễn – Nữ xướng ngôn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Việt

Anh Minh, phóng viên RFA
2016-06-29
betty-630.jpg
 
Betty Nguyễn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do.
RFA 
 
Betty Nguyễn, một nữ phóng viên, xướng ngôn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Việt từng làm cho nhiều kênh truyền hình hàng đầu tại Hoa Kỳ như CNN, CBS, NBC. Ngoài ra cô còn là một nhà hoạt động nhân đạo từng nhiều lần trở về Việt Nam để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đài Á Châu Tự Do có buổi phỏng vấn Betty Nguyễn tại Đài truyền hình NBC ở thành phố New York, Hoa Kỳ.
Anh Minh: Đây quả thật là một vinh dự cho tôi có mặt ở đây trò chuyện với bà hôm nay.
Betty Nguyễn: Chúng tôi rất vui gặp anh ở đây để gửi những thông điệp này đi.
Anh Minh: Câu hỏi đầu tiên của tôi như sau: Động lực nào khiến bà trở thành nữ một phóng viên?
Betty Nguyễn: Rất buồn cười là tôi đã không chuẩn bị để trở thành một phóng viên. Đáng lẽ tôi đã phải trở thành một luật sư. Tôi đã đăng ký trường luật, thậm chí còn làm việc ở một công ty luật lúc học trung học. Sau một thời gian thì tôi thấy rằng đó không phải là thứ tôi yêu thích, nên tôi chuyển qua ngành phóng viên truyền hình là thứ mà chúng ta luôn luôn theo dõi. Tôi thường xem tin tức vào buổi tối với gia đình, và chỉ luôn nghĩ về cách làm sao mà người ta có thể đưa tin, cũng như thay đổi sự việc bằng cách lên tiếng cho mọi người. Đối với tôi điều này rất thú vị. Đây là cách để quan sát thế giới bằng những góc nhìn khác nhau, và cũng rất cuốn hút nữa. Từ đó thì tôi luôn cố gắng để có được hôm nay.
Tôi cũng thích đi làm phóng sự và lên tiếng cho những người không có quyền ngôn luận. Tôi đã làm phóng sự ở Việt Nam trước đây về những người bất hạnh cần cứu trợ.
- Betty Nguyễn
Anh Minh: Mọi người thường nói rằng ngành truyền thông ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành phóng viên là lĩnh vực rất khó cho người gốc Á Châu để nhập cuộc và thành công. Tuy nhiên bà đã làm được điều này. Vậy thử thách nào là khó khăn nhất mà bà đã vượt qua?
Betty Nguyễn: Tôi nghĩ rằng điều này khó cho tất cả mọi người bởi vì bây giờ cạnh tranh quá đông. Hôm nay nhìn vào toàn cảnh ngành này thì có quá nhiều thành phần thiểu số như người Mỹ gốc Á Châu, Mỹ La Tinh, Mỹ gốc Phi Châu.
Tuy nhiên, lúc tôi bắt đầu thì không có ai giống như tôi cả. Không có hình tượng nào để cho tôi nhìn vào và nói rằng đây là người mang cảm hứng cho tôi và tôi muốn trở thành giống họ. Nên tôi đã phải học các kỹ năng trong nghề. Đối với tôi đó là cách tốt nhất cho tương lai khi mình phát huy khả năng toàn vẹn nhất. Điều này thật ra lại trùng hợp trong ngành này. Cách mà bạn tiến lên trên là làm sao không có ai giống như bạn cả. Có quá nhiều người đang cố gắng để tranh giành công việc. Chỉ có khoảng hơn 200 kênh truyền hình trên toàn Hoa Kỳ. Từ đó cũng có các vị trí truyền thông, và để được nhận các vị trí đó bạn phải hoàn thành thật tốt với công việc. Nhưng mọi người tương đối khá giống nhau phải không? Vậy làm sao để mình nổi bật hơn? Bạn hãy làm theo cách riêng của bạn bởi vì mỗi chúng ta đều rất khác biệt. Tôi đã nắm giữ nghề nghiệp và kỹ năng của mình theo cách đó. Và không ai sẽ giống mình phải không? Hãy làm sao để bạn gây được thiện cảm.
Anh Minh: Vậy thì trong nhiều năm qua, bài học quan trọng nhất mà bà có được là gì?
Betty Nguyễn: Tôi học được rằng bạn luôn phải chuẩn bị. Đặc biệt trong lĩnh vực này. Ngày nay Youtube, mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram, bây giờ thì Snapchat và Periscope. Còn nhiều thứ khác mà tôi không biết sử dụng làm sao nữa. Tất cả mọi thứ rất dễ dàng ghi lại những điều tốt đẹp cũng như điều rất xấu. Nếu bạn bị lỗi thì chắc chắn bạn sẽ bị nhớ và nhận ra những điều sai lầm của bạn chứ không phải là thành tích gì đâu. Bởi vậy tốt nhất là phải chuẩn bị và không ngừng làm việc, học hỏi. Chúng ta đều phải học mỗi ngày đấy thôi.


Anh Minh: Qua nhiều năm làm việc ở nhiều đài truyền hình thì bà cảm thấy thích và không thích điều gì?
Betty Nguyễn: Để xem tôi thích điều gì… Tôi thích làm việc nhóm và nối kết các câu chuyện lại với nhau. Điều này rất tuyệt vời. Chẳng hạn như chương trình của tôi đòi hỏi chúng tôi phải ngồi cùng với nhau và thảo luận về tất cả mọi chuyện tốt, xấu, hoặc rất tệ, những gì chúng tôi thích và không thích, những gì gây tranh cãi hoặc có thể không gây tranh cãi. Chúng tôi cảm thấy rất thích và được học hỏi nữa. Giống như là bàn chuyện ở sở làm vậy. 
Những gì thú vị cho người xem, nhưng đồng thời cũng thú vị cho chúng tôi. Điều gì thành vấn đề cho chúng tôi cũng sẽ thành vấn đề cho khán giả.
Nhưng cùng lúc, khi bạn bước ra, đèn bật lên, và chương trình đang phát sóng trực tiếp, thì cũng sẽ có một cảm giác phấn chấn. Đặc biệt là chuyên mục “Tin Mới Nhất – Breaking News” thì những thông tin mà bạn truyền tải rất là quan trọng. Đôi khi có những chuyện xảy ra rất buồn, rất bi kịch. Nhưng đối với tôi, là một phóng viên thì lý do mà tôi thích “Breaking News” bởi vì tôi biết những chuyện đó xảy ra rất nhanh chóng và những gì chúng tôi đang nói vẫn đang tiến triển. Giống như là mình đang tường thuật trực tiếp vậy.

betty-400.jpg
Betty Nguyễn trong chương trình tin buổi sáng của Đài truyền hình CBS.
 
Tôi cũng thích đi làm phóng sự và lên tiếng cho những người không có quyền ngôn luận. Tôi đã làm phóng sự ở Việt Nam trước đây về những người bất hạnh cần cứu trợ. Tôi đã đi tới Phi Châu, Miến Điện, Mỹ La Tinh chẳng hạn như Mexico và tường thuật về những người thiếu thốn, hoàn cảnh vô cùng khó nhọc. Đối với tôi, việc này rất quan trọng. Vì khán giả biết tới một phần của thế giới mà họ có thể chưa từng biết và họ có thể thay đổi bằng những điều tốt đẹp. Nếu chúng tôi không thực hiện công việc này thì những người bất hạnh có thể sẽ không được viện trợ. Vì thế việc này rất quan trọng.
Điều gì mà tôi không thích về lãnh vực này à? Tôi thích truyền hình nhưng tôi không thể nói dối. 
Giờ giấc nghề này vô cùng căng thẳng, rất cực nhọc. Thời gian làm việc đòi hỏi phải dậy sớm hoặc thức khuya hoặc thậm chí là cả hai. Chúng tôi phải luôn sẵn sàng. Bạn không biết được rằng đang nghỉ giải lao thì lại có chuyện xảy ra. Bất kể bạn làm việc ca nào thì cũng phải luôn sẵn sàng. Ngành này thực sự rất là năng động, gần như 24 tiếng một ngày. Chúng tôi không phải ở đây suốt 24 giờ đó, nhưng có những lúc có sự kiện xảy ra thì chúng tôi phải làm việc hàng giờ liền. Điều này có thể vất vả nhưng nó là một phần của lĩnh vực này rồi.
Anh Minh: Hiện giờ bà là phát ngôn viên cho chương trình Early Today của đài NBC, và First Look của MSNBC, đồng thời chịu trách nhiệm nội dung cho NBC Today. Công việc của bà như thế nào? Một ngày làm việc ra sao?
Betty Nguyễn: (Cười) Một ngày của tôi chật kín. Tôi dẫn hai chương trình một ngày và có nhiều thứ trong đó từ tin tức đến thể thao, giải trí, chính trị, rồi phỏng vấn. Khá là chật kín. Chúng tôi phải luôn sẵn sàng ở đây. Sau khi có mặt ở sở làm thì nhanh chóng phải thu ngay chương trình để phát sóng, hoặc là phải họp để xem chúng tôi sẽ trình bày những gì cho chương trình. Sau khi họp xong thì đã tới giờ phát sóng, chúng tôi phải làm gấp rút. Chẳng biết được chương trình hôm nay có yêu cầu phải tường thuật chuyện gì hay không. Nếu không thì phải chuẩn bị cho ngày mai. Riêng tôi, trở về nhà và làm một người mẹ là điều rất mới mẻ. Công việc nhiều quá khiến tôi cảm thấy chẳng có thời gian để ngủ nữa, nhưng phần thưởng của nó rất giá trị.
Anh Minh: Vậy khi rảnh rỗi thì bà làm gì?
Betty Nguyễn: Tôi dành thời gian cho gia đình, cho con trai của tôi. Bé mới có 4 tháng tuổi thôi. Bé rất đáng yêu, đôi mắt mở to tò mò học hỏi. Tôi nhìn vào bé, nghĩ về tất cả những gì tôi thấy được ở thế giới này, và tự hỏi rằng liệu bé sẽ phải đối mặt với những điều gì. Một phần tôi là một nhà hoạt động nhân đạo, làm công tác từ thiện cho tổ chức “Help The Hungry.” Tôi muốn nơi này tốt đẹp hơn, thế giới sẽ tốt đẹp hơn cho bé, và những trẻ em như bé. Bởi vì tôi biết rằng có rất nhiều trẻ em ngoài kia không có những cơ hội này. Tôi đã thấy những trẻ em như vậy ở nhiều quốc gia tôi đã tới thăm. Đặc biệt là ở Việt Nam. Vô cùng nghèo nàn và thiếu điều kiện giáo dục chỉ bởi vì sự thật là họ không có tiền gửi con đi học. Họ không thể lo cho con bữa ăn, cây viết chì hoặc tờ giấy, đôi giày để tới trường. Tôi là một người mẹ, một con người, một người nhập cư ở Hoa Kỳ này, thì thật là quan trọng khi tôi làm được những gì có thể để giúp đỡ họ.
Anh Minh: Bà có thể chia sẻ về mục tiêu của tổ chức này trong tương lai?
Betty Nguyễn: “Help The Hungry” thành lập vào năm 2000. Từ đó đến nay chúng tôi hoạt động được 16 năm rồi. Công việc này xuất phát từ lòng yêu thích thôi. Lúc đó tôi và mẹ quay trở về Việt Nam lần đầu tiên. Mình từng nghe kể về cảnh nghèo khổ, sống trong nhà lá nền đất, vệ sinh ở ngay tại kênh rạch nơi họ bắt cá. Nghe thì biết vậy thôi, nhưng khi nhìn thấy tận mắt thì quả thật là không cầm lòng được.
Tôi hiểu những gì tôi có được ở đất nước này là nhờ ba mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều. Nếu tôi phung phí điều đó thì thật là tệ quá.
- Betty Nguyễn
Khi chúng tôi quay về Việt Nam, chúng tôi muốn giúp đỡ họ nhiều hơn so với sức lực của chúng tôi, hơn là vài ba hành lý mà chúng tôi có thể đem theo. Lúc đó thì tôi chẳng biết một tổ chức phi lợi nhuận vận hành ra làm sao cả. Nhưng tôi đã cố gắng làm rất nhiều giấy tờ để cuối cùng được liên bang chấp thuận, đó là mẫu đơn 501C3 được chứng nhận tại Hoa Kỳ. Và từ đó chúng tôi đã phân phát thức ăn, quần áo, vật phẩm vệ sinh, tất cả những vật phẩm nhân đạo. 
Cũng từ đó, chúng tôi hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau để viện trợ về chăm sóc nha khoa. Chúng tôi cũng đã đào giếng để những người ở khu vực xa, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Mê Kông để có nước sạch, bởi vì người dân phải uống nguồn nước từ kênh rạch hoặc là dòng sông nơi họ đi vệ sinh, bắt cá, nơi thuyền bè đi xuôi ngược. Đó là chuyện chắc chắn không ai muốn cả. Chẳng ai muốn con cái hay gia đình mình gặp phải những vấn đề sức khoẻ. Bởi vậy chúng tôi xây giếng cung cấp nước uống sạch ở đó.
Chúng tôi có một sáng kiến cung cấp màn chống muỗi khu vực dễ bị bệnh sốt rét. Chuyện này sẽ làm thay đổi rất lớn, thậm chí rất quan trọng bởi vì virus Zika tiếp tục lây lan bệnh dịch khắp thế giới. Nhiều khu vực đã bị lây lan rồi. Chúng tôi cũng đang tìm cách để mở rộng, làm nhiều hơn và thường xuyên hơn. Những nguồn viện trợ không chỉ là thực phẩm, quần áo, vật phẩm vệ sinh. Đó là lý do chúng tôi tập trung những việc chính như là đào giếng sạch.
Anh Minh: Bà sinh ra ở Sài Gòn và gia đình bà chạy khỏi miền Nam Việt Nam ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ. Quá khứ cá nhân này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và công việc của bà không?
Betty Nguyễn: Dĩ nhiên rồi. Tôi đã được kể lại từ khi còn rất nhỏ về chuyện của gia đình mình. Tôi đã quá nhỏ để có thể nhớ. Lúc đó tôi chưa được một tuổi nữa. Tuy nhiên, để trải qua những gì ba mẹ tôi đã từng. Đặc biệt mẹ tôi phải bỏ gia đình đi thì quá là khó khăn. Bà chỉ mới 22 tuổi lúc đó thôi. Tôi không thể tưởng tượng nổi. Tôi mới có em bé 4 tháng tuổi, và nghĩ tới cảnh phải ôm đứa bé và buộc phải chạy trốn tới một đất nước khác thậm chí còn không biết còn có được gặp lại gia đình nữa. Tôi không tưởng tượng mình có thể làm được.
Mẹ tôi đã làm được, nhưng chúng tôi đã phải trải qua 3 trại tị nạn khác nhau. Rất vất vả, trong đó ở một trại tị nạn tôi đã suýt chết bởi vì thiếu thức ăn cho em bé, và lúc đó tôi cũng không thể hấp thu được gì hết.
Nhưng may mắn là chúng tôi đã vượt qua và có được “tấm vé vàng” để đến Hoa Kỳ, thứ mà rất nhiều người Việt Nam đã không có được trong chiến tranh để được đến Mỹ và trải nghiệm những cơ hội tự do nơi đây. Tôi thì không xem đó là điều dĩ nhiên chút nào. Tôi hiểu những gì tôi có được ở đất nước này là nhờ ba mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều. Nếu tôi phung phí điều đó thì thật là tệ quá. Tôi cũng sẽ dạy con tôi bài học này, rằng chúng ta có một lịch sử phong phú, di cư từ một đất nước đấu tranh kiên cường, và bây giờ Hoa Kỳ là đất nước của chúng ta. Ở đất nước này, mọi thứ đều có khả năng thành hiện thực.
Anh Minh: Cảm ơn bà rất nhiều vì đã dành thời gian.
Betty Nguyễn: Cảm ơn. Tôi rất biết ơn.

No comments:

Post a Comment